Phục Sinh – Tuần III – Năm A

0
795

Chúa Nhật – Ngày 26 – Tháng 4

MÙA PHỤC SINH – TUẦN III

Bài đọc 1 : Cv 2, 14. 22b-33
Bài đọc 2 : 1 Pr 1, 17-21
Tin Mừng : Lc 24, 13-35

[…] Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giêsu làm như còn phải đi xa hơn nữa. Họ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.” Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó […].

HÀNH TRÌNH EMMAU

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cuộc hành trình trở về làng Emmau của hai môn đệ, một cuộc hành trình chất chứa nhiều tâm trạng khác nhau.
Hành trình về làng Emmau của hai môn đệ là hành trình mang đầy đau khổ và thất vọng. Sau khi chứng kiến cái chết của Chúa Giêsu trên thánh giá, các môn đệ rơi vào tột cùng của sự thất vọng. Cái chết của Chúa đã phá hủy mọi toan tính ban đầu của các ông. Sự sầu thảm biểu hiện qua những bước chân rệu rã, mệt mỏi, buồn chán và ê chề trên con đường trở về quê nhà Emmau. Nỗi thất vọng che khuất đôi mắt tâm linh đến nỗi các ông không nhận ra hình ảnh thân thương quen thuộc của Thầy đã cùng họ rong ruổi suốt ba năm trong mọi ngóc ngách của đất Israel.
Hành trình về làng Emmau của hai môn đệ cũng là hành trình của niềm hân hoan gặp Chúa Phục Sinh. Trong tâm trạng sầu khổ và bi ai, hai môn đệ trên hành trình Emmau đã được Đức Giêsu hiện ra, đồng hành, khai mở, gợi hứng và thắp lại ngọn đèn đức tin cho các ông. Quyền năng của Đấng Phục Sinh đã làm bừng cháy tâm hồn các ông. Niềm vui phục sinh đã xuất hiện, niềm tin được lấy lại, những bước chân hân hoan như đang múa nhảy cùng các ông dấn thân trên hành trình loan báo tin vui phục sinh.
Hàng trình dương thế của mỗi chúng ta đều mang dáng dấp của hành trình về làng Emmau của hai môn đệ ngày xưa. Có những khi chúng ta phải sống trong thất vọng ê chề, đau khổ cùng cực và mất hết niềm tin vào Chúa. Nhưng, cũng có những khi chúng ta được sải bước trên những chặng đường đầy ắp niềm vui, bình an và hạnh phúc. Hai tâm trạng của hai môn đệ trên đường về làng Emmau phản ánh rõ nét cuộc lữ hành trần thế của mỗi chúng ta. Vì thế, chúng ta cần biết đón nhận tất cả trong sự phó thác tin yêu vào lòng thương xót của Chúa để vững bước trong niềm vui phục sinh với Ngài.
Lạy Chúa, xin thêm đức tin cho chúng con, để chúng con biết sống niềm vui phục sinh trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời.
Tu sĩ Phaolô Trần Văn Bằng, SVD

Thứ Hai – Ngày 27 – Tháng 4

MÙA PHỤC SINH – TUẦN III

Bài đọc : Cv 6,8-15
Tin Mừng : Ga 6,22-29

Hôm sau, đám đông dân chúng còn đứng ở bờ bên kia Biển Hồ, thấy rằng ở đó chỉ có một chiếc thuyền và Đức Giêsu lại không cùng xuống thuyền đó với các môn đệ, nhưng chỉ có các ông đi mà thôi. Tuy nhiên, có những thuyền khác từ Tibêria đến gần nơi dân chúng đã được ăn bánh sau khi Chúa dâng lời tạ ơn. Vậy khi dân chúng thấy Đức Giêsu cũng như các môn đệ đều không có ở đó, thì họ xuống thuyền đi Caphácnaum
tìm Người. Khi gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ, họ nói: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?” Đức Giêsu đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê. Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận.” Họ liền hỏi Người: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?” Đức Giêsu trả lời: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến.”

SỰ TÌM KIẾM

Cuộc sống là một cuộc hành trình của sự tìm kiếm. Nếu không có khát vọng tìm kiếm, cuộc sống sẽ lụi tàn và giậm chân tại chỗ. Nhờ sự khát vọng tìm kiếm mà con người đã khám phá ra biết bao điều mới mẻ, kì diệu, tốt đẹp cho cuộc sống.
Nhưng để có sự tìm kiếm mang lại lợi ích tốt đẹp thì cần có hai yếu tố cơ bản: một là đối tượng tìm kiếm, hai là mục đích của sự tìm kiếm. Thiếu một trong hai yếu tố trên thì sự tìm kiếm mất đi giá trị đích thực của nó. Nhưng quan trọng hơn, thiết nghĩ, vẫn là mục đích của sự tìm kiếm. Dù cho đối tượng tìm kiếm là tốt đẹp và cần thiết, nhưng với mục đích xấu thì sự tìm kiếm đó sẽ mang lại giá trị xấu.
Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu đã quở trách dân chúng khi họ cố đi tìm Người với mục đích để được ăn bánh thỏa thuê mà không cần phải ra công làm việc. Họ không tìm kiếm Chúa với tình yêu, lòng mến và sự khao khát được sống với Người.
Ngày nay chính Chúa cũng đang nhắc nhớ mỗi người chúng ta cần nhìn lại mục đích sự tìm kiếm Thiên Chúa trong đời sống đức tin của chúng ta. Hàng ngày chúng ta tìm đến với Chúa qua các giờ kinh nguyện và Thánh Lễ, nhưng chúng ta đến gặp Thiên Chúa với tâm tình và mục đích nào? Phải chăng chúng ta đang tìm kiếm Chúa vì lý do vụ lợi?
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con luôn ý thức được sự cần thiết của việc tìm gặp Chúa trong cuộc sống hàng ngày, tìm gặp Chúa nơi gia đình, cộng đoàn, công việc hay nơi những người hàng xóm, anh chị em của con. Và xin cho con luôn khao khát tìm gặp Chúa để được sống kết hợp với Chúa, nhờ đó chúng con được trở thành những môn đệ trung tín của Chúa.
Tu sĩ Gioan Hoàng Xuân Hải, SVD

Thứ Ba – Ngày 28 – Tháng 4

MÙA PHỤC SINH – TUẦN III
Thánh Phêrô Chanel, Linh mục, Tử đạo

Bài đọc : Cv 7,51-8,1a
Tin Mừng : Ga 6,30-35

Khi ấy, đám đông dân chúng hỏi Đức Giêsu rằng: “Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông sẽ làm gì đây? Tổ tiên chúng tôi đã ăn man-na trong sa mạc, như có lời chép: Người đã cho họ ăn bánh bởi trời.” Đức Giêsu đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Môsê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian.” Họ liền nói: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy.” Đức Giêsu bảo họ: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!”

BÁNH TRƯỜNG SINH

Mở đầu chương 6 với phép lạ hóa bánh ra nhiều, Chúa Giêsu đã gây ra một tiếng vang lớn làm cho nhiều người biết đến và đi theo Người. Tuy nhiên, dân chúng đi theo Người không phải vì đã nhận ra Người là Đấng Thiên Sai, nhưng để được của ăn nuôi sống hàng ngày. Cho nên, Chúa Giêsu đã mặc khải cho họ biết chính Người là bánh trường sinh.
Chân lý vĩ đại mà Chúa Giêsu muốn mặc khải cho chúng ta: Chính Người là “Bánh Trường Sinh”. Bánh này không chỉ thõa mãn cơn đói khát vật chất nhưng còn đem đến sự sống đời đời. Tuy nhiên, để được hưởng bánh trường sinh, Chúa Giêsu đưa ra cho chúng ta một điều kiện: “Đến với Ngài và tin vào Ngài”. Quả thực, chỉ khi nào đến vời Ngài và tin vào quyền năng của Ngài, chúng ta mới có thể hưởng được bánh trường sinh mang lại sự sống đời đời.
Tin vào Chúa Giêsu đòi buộc chúng ta phải thường xuyên chạy đến với Ngài để lãnh nhận Thánh Thể. Bởi vì, Thánh Thể là “Nguồn và đỉnh cao của đời sống và sứ mạng của Giáo Hội”, là “Trung tâm của toàn thể đời sống tín hữu” (LG, 11), là “Nguồn mạch bất tận của đời sống tâm linh” (Perfectae Caritatis, 6); “Sống Thánh Thể là sống tất cả nguồn ân sủng của Thiên Chúa” (LG, 42), vì “Thánh Thể chứa đựng chính Chúa Kitô” (PO, 5). Những khẳng định này của Giáo Hội giống như chìa khóa và là phương cách giúp cho mỗi người chúng ta bám víu vào Thánh Thể để có sức mạnh chống trả và vượt thắng thế lực của sự dữ đang tồn tại trong xã hội ngày nay.
Lạy Chúa Giêsu, tin vào Ngài và lãnh nhận Mình Máu Ngài là điều kiện giúp chúng con được hưởng sự sống đời đời. Xin Ngài đừng bỏ rơi chúng con mà ban cho chúng con một đức tin vững mạnh, lòng yêu mến Thánh Thể mãnh liệt để luôn sống kết hiệp với Ngài.
Lm. Giuse Huỳnh Ngọc Thiên Ân, SVD

Thứ Tư – Ngày 29 – Tháng 4

MÙA PHỤC SINH – TUẦN III
Thánh Catarina Sienna, Tr. Nữ, TSHT

Bài đọc : Cv 8,1b-8
Tin Mừng : Ga 6,35-40

Khi ấy, Chúa Giêsu phán với đám đông rằng: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ! Nhưng tôi đã bảo các ông: các ông đã thấy tôi mà không tin. Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài, vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi. Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.”

THẤY CHÚA VÀ TIN CHÚA

Chúa Giêsu đến trần gian để làm gì? Tại sao Người lại phải nhập thể để làm một con người với những giới hạn của kiếp người? Liệu Thiên Chúa có cách nào tốt hơn để cứu độ con người mà không cần Con của Ngài phải nhập thể làm người? Bài Tin Mừng hôm nay là một lời minh giải cho những thắc mắc trên.
Chúa Giêsu đã đến thế gian để thi hành ý muốn của Chúa Cha. Và ý muốn của Chúa Cha là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì sẽ được sống muôn đời, và người Con sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết (x. Ga 6, 40). Vậy muốn được cứu độ, được sống lại trong ngày sau hết thì chúng ta phải thấy Người và đặt niềm tin vào Người.
Thấy Người qua việc chiêm ngắm những việc Chúa đã làm, bằng cách nghe những lời Chúa nói; thấy Người bằng cách tìm hiểu những giáo huấn sâu xa của Người và thấy Người bằng cách khám phá và cảm nghiệm tình yêu của Người. Thấy Người nơi mỗi người anh chị em đang sống chung quanh nhất là những người nghèo khổ. Thấy Người đang đồng hành nâng đỡ qua từng biến cố vui buồn trong cuộc sống. Thấy Người rồi thì ta càng xác tín và tin cậy vào Người như chính Người đã khẳng định: “Ai đến với Tôi sẽ không hề phải đói, ai tin vào Tôi sẽ chẳng khát bao giờ” (Ga 6,35), vì Chúa chính là bánh trường sinh, bánh mang lại sự sống đời đời.
Lạy Chúa, xin cho con thấy Chúa trong cuộc đời của con qua những người mà con gặp gỡ, qua những thăng trầm của cuộc sống. Xin ban cho con thêm đức tin vào Chúa: Tin Chúa đang ngự trong bí tích Thánh Thể và cho con biết năng đến với Chúa qua bí tích nhiệm màu này, hầu mai sau được hưởng tôn nhan Chúa trong nước của Người.
Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Xuyên, SVD

Thứ Năm – Ngày 30 – Tháng 4

MÙA PHỤC SINH – TUẦN III
Thánh Piô V, Giáo hoàng

Bài đọc : Cv 8,26-40
Tin Mừng : Ga 6,44-51

Khi ấy, Đức Giêsu nói với dân chúng rằng: “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy, và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết. Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ: Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi. Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha. Thật, tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời. Tôi là bánh trường sinh. Tổ tiên các ông đã ăn manna trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”

LÔI KÉO

Sống ở trên đời, chúng ta luôn bị những thú vui trần gian lôi kéo. Từ những thú vui tinh thần đến các thú vui vật chất, nhiều lúc chúng làm ta quên đi mục đích chính của đời mình là hướng về Chúa.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã khẳng định rằng: “Chẳng ai đến với Tôi được, nếu Chúa Cha, là Đấng đã sai Tôi, không lôi kéo người ấy” (Ga 6,44). Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã đặt trong tâm hồn con người một khát khao hướng về Ngài như là cùng đích của sự sống viên mãn. Thánh Augustinô đã nói: “Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng con cho Chúa và lòng con khắc khoải cho tới khi nghỉ ngơi bên Chúa”. Chính sự “khắc khoải” trong tâm hồn mỗi người là động lực thúc đẩy chúng ta hướng về Thiên Chúa. Nỗi khắc khoải ấy cũng chính là sợi dây mà Thiên Chúa dùng để kéo ta về với Ngài.
Mặc dù vậy, biết bao lần chúng ta đã vượt ra khỏi lực kéo ấy mà buông theo những lôi kéo của thế gian, của tội lỗi. Chúng ta đã để cho những phù phiếm hấp dẫn của thế gian làm chủ mình. Chúng ta cảm thấy thỏa mãn với lối sống giả tạo, chạy theo tiền bạc, hưởng thụ, danh vọng. Chúng ta bị cuốn hút vào vòng xoáy của những cạm bẫy thế gian và dễ dàng gạt bỏ Thiên Chúa là mục đích mà mình cần phải vươn tới.
Nhưng, Thiên Chúa là Cha giàu lòng xót thương, Ngài vẫn âm thầm hiện diện trong cuộc sống chúng ta để lôi kéo chúng ta về với Ngài. Nơi Chúa Giêsu Thánh Thể, Thiên Chúa chờ đợi chúng ta đến để được tha thứ và lãnh nhận sự sống vĩnh cửu. Vì thế, chúng ta cần tỉnh thức để năng đến với Chúa Giêsu Thánh Thể, bởi chính Ngài là con đường đích thực dẫn chúng ta về với Thiên Chúa.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nhận ra Chúa vẫn luôn mời gọi chúng con hướng về Chúa, để chúng con cảm nghiệm Chúa vẫn luôn hiện diện và đồng hành với chúng con trong cuộc sống.
Tu sĩ Phêrô Đỗ Huy Xuân, SVD

Thứ Sáu – Ngày 01 – Tháng 5

MÙA PHỤC SINH – TUẦN III
Thánh Giuse Thợ

Bài đọc : St 1,26 – 2,3
Tin Mừng : Mt 13,54-58

Khi ấy, Đức Giêsu về quê, giảng dạy dân chúng trong hội đường của họ, khiến họ sửng sốt và nói: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế? Ông không phải là con bác thợ sao? Mẹ của ông không phải là bà Maria; anh em của ông không phải là các ông Giacôbê,
Giôxếp, Simôn và Giuđa sao? Và chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm với chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông ta được như thế?” Và họ vấp ngã vì Người. Nhưng Đức Giêsu bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi.” Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin.

KHIÊM TỐN NHẬN RA CHÚA

Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Mátthêu thuật lại việc Chúa Giêsu trở về quê hương Nadarét, là nơi Ngài đã sống những năm tháng ẩn dật trước khi thi hành sứ vụ rao giảng công khai. Ngài trở về Nadarét vì muốn cho dân làng ở quê hương được đón nhận Tin Mừng. Tuy nhiên, việc rao giảng của Chúa Giêsu lại không được dân làng ủng hộ bởi vì họ biết quá rõ về thân thế của Người.
Có lẽ dân làng ở quê hương đã ít nhiều nghe đồn về tiếng tăm của Chúa Giêsu. Giờ đây, khi được nghe những lời giảng dạy, tận mắt chứng kiến những phép lạ, họ rất đỗi sửng sốt. Nhưng chỉ vì họ biết quá rõ về xuất thân của Chúa Giêsu: sinh ra trong một gia đình với nghề thợ mộc bình thường tại làng Nadarét không có tiếng tăm gì. Điều này đã ngăn cản họ tin vào Chúa. Họ không thể tin rằng, Người đang giảng dạy và làm phép lạ trước mặt họ là Đấng Mêsia. Họ đã không nhận ra căn tính của Chúa Giêsu là Đấng quyền năng, Con Thiên Chúa nên đã khước từ Người. Nguồn gốc tầm thường chính là chướng ngại làm cho dân làng Nadarét không nhận ra căn tính của Chúa và tin vào Ngài.
Trong cuộc sống, chắc chắn chúng ta cũng không ít lần có lối suy nghĩ giống dân làng Nadarét khi nhận xét về những người xuất thân từ gia cảnh nghèo nàn, kém học thức với cái nghề tầm thường. Chúng ta không nên coi thường bất kỳ một ai, vì mỗi người là một cá thể độc nhất vô nhị, là công trình của Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta đừng để những thành kiến không đáng có trong cuộc sống cản trở chúng ta không nhận ra Chúa nơi những người thân cận, nhất là những người bé mọn, nghèo khổ và tầm thường.
Lạy Chúa Giêsu, dân làng Nadarét đã không tin vào Chúa vì Chúa chỉ xuất thân từ nghề thợ mộc bình thường, sống như một con người. Xin thêm đức tin cho chúng con để chúng con khiêm tốn nhận ra Chúa đang tỏ mình trong những con người bình thường.
Tu sĩ Phanxicô Nguyễn Quốc Vương, SVD

Thứ Bảy – Ngày 02 – Tháng 5

MÙA PHỤC SINH – TUẦN III
Thánh Athanasiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ (Tr).

Bài đọc : Cv 9,31-42
Tin Mừng : Ga 6,51.60-69

Tại hội đường Caphácnaum, Đức Giêsu đã nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.” Nghe rồi, nhiều môn đệ của Người liền nói: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” Nhưng Đức Giêsu tự mình biết được là các môn đệ đang xầm xì về vấn đề ấy, Người bảo các ông: “Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư? Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao? Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống. Nhưng trong anh em có những kẻ không tin.” Quả thật, ngay từ đầu, Đức Giêsu đã biết những kẻ nào không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người. Người nói tiếp: “Vì thế, Thầy đã bảo anh em: không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho”[…]

CHƯỚNG

Đối với những ai không phải là người Công Giáo thì việc nói: “ăn thịt và uống máu” Chúa là điều thật kinh tởm! Chướng tai! Tuy vậy, Tin Mừng hôm nay cho thấy đó một sự hiểu lầm tai hại.
Trong khi Đức Giêsu muốn nói về “thịt” và “máu” Ngài ở phương diện lương thực thần linh thì mọi người và các môn đệ của Ngài lại hiểu theo nghĩa lương thực vật chất nhằm “lấp đầy bao tử.” Trong khi Ngài muốn hướng mọi người về những giá trị vĩnh cửu thì mọi người lại chỉ nghĩ hẹp hòi về một vế rất trần tục là sự sống thân xác.
Vào thời Chúa Giêsu, khái niệm phục sinh, sống muôn đời, hoặc sự sống đời sau vẫn còn mới (hoặc được hiểu mập mờ, hoặc phủ định hoàn toàn [nhóm Xađốc], hoặc là chuyện viễn vông hoang đường) (x. Đn 12,2; 2Mcb 7; 12,43-45; Mt 22,23-33; Mc 12,18-27; Lc 20,27-40; Ga 5,28-29; Cv 23-24). Và vì thế, câu nói sau đây là “chướng” trong khi mọi người chưa thực sự hiểu ý của Đức Giêsu: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống” (Ga 6, 54-55).
Con đường đức tin là con đường của thử thách vượt qua con mắt của thể xác để dùng con mắt đức tin mà tiến bước. Phúc cho những ai không thấy mà tin (Ga 20,29)! Và chúng ta sẽ được cứu nhờ đức tin (Ep 2,8-9). Tuy nhiên, cảm thấy “chướng” là khi chưa hiểu thấu đáo tín lý, cũng có thể là do cứng lòng trước chân lý, hoặc có lẽ là sự thôi thúc muốn thực hiện đổi mới trong những điều mắt thấy tai nghe, v.v…
Xin Thánh Thần Chúa giúp con biết khôn ngoan phân định những giá trị vĩnh cửu mà Ngài đã mặc khải qua: Kinh Thánh, Đức Giêsu Kitô, Hội Thánh, và còn tiếp diễn trong thế giới quanh con. Nhờ đó, chúng con biết tìm hiểu, đối thoại và thăng tiến mỗi lần cảm giác “chướng” tràn về.
Lm. Giuse Đỗ Nguyên Vũ, SVD

 

 

 

 

 

 

 

Bài trướcSuy Niệm: Tình Yêu Cứu Độ
Bài tiếp theoCĐ Thần Học SVD: Tĩnh Tâm Tháng 4 (Mùa Phục Sinh)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.