Suy Niệm: Tình Yêu Cứu Độ

0
299

Lm. Phêrô Nguyễn Trọng Đường, SVD

Sau biến cố đau thương của Thầy Chí Thánh Giêsu trên đỉnh đồi Can vê cũng như cái chết tất tưởi và việc mai táng vội vã trong huyệt đá đã khiến cho các phụ nữ một đêm thấp thỏm không ngủ được và đã ra mồ từ sáng sớm để mong được ướp xác Thầy lại cho xứng đáng là nghĩa cử yêu thương.

Giờ phút Đức Giê-su tắt hơi thở, cũng chính là lúc các môn đệ, các phụ nữ và Mẹ của Ngài đã cảm nhận thật sâu lắng về nỗi đau buồn man mác nhớ thương đến dường nào! Sự lo lắng và đau buồn ấy không chỉ nghĩ đến Đức Giê-su mà có lẽ cũng phải nghĩ đến thân phận của kiếp nhân sinh.

Đức Giê-su đã chết! Tất cả nghĩ rằng, những phép lạ làm rạng danh cho ta nay đã kết thúc. Tất cả sự thương mến với mỗi người giờ đây không còn. Niềm vui nơi Thầy Giê-su đã chấm hết.

Nhưng không, chính Ngài đã đi trọn con đường theo lệnh truyền của Chúa Cha và đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại”(Lc 24,47). Ngài trở thành con đường Cứu độ và lẽ sống cho chúng ta. Ngài trở thành niềm vui cho những ai đang khắc khoải kiếm tìm, không chỉ nơi giây phút thử thách đau buồn hiện tại mà còn niềm hoan lạc của đời sống vĩnh cửu mai sau.

Mầu nhiệm Phục sinh là mầu nhiệm của tình yêu Cứu độ. Mầu nhiệm của tình thương hải hà trong việc hiến tế làm giá chuộc cho muôn người (x. Mc 10,45). Mầu nhiệm ấy được diễn tả nơi chính Con Một yêu dấu của Chúa Cha, đó chính là Đức Giê-su Chúa chúng ta: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để những ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Vì vậy, con người luôn khao khát kiếm tìm chân lý là ơn Cứu độ và Thiên Chúa hằng tìm kiếm con người để ban ơn Cứu độ.

  1. Thiên Chúa trao ban tình yêu Cứu độ

Đức Giê-su Phục sinh đem đến niềm vui tràn ngập cho bà Maria Ma-đa-lê-na và các Phụ nữ yêu mến Ngài, họ đang sống trong sự tuyệt vọng, buồn chán và khổ đau.

Đức Giê-su Phục sinh đồng hành với hai Môn đệ trên con đường EMMAU trong nỗi tuyệt vọng của họ. Chính Đấng Phục sinh đã khai trí mở lòng để họ có thể nhận ra Chúa. Ngài đồng bàn với họ và đọc lời chúc tụng, bẻ bánh. Mắt họ vừa bừng sáng ra và đã nhận ra Thầy sống lại. Lúc này niềm vui vỡ òa, tan biến sự mệt mỏi và buồn chán (x. Lc 24, 25 -32).

Đức Giêsu Phục sinh đem đến cho các Môn đệ sự bình an đích thực khi họ sợ hãi và lo âu trong căn phòng kín. Hãy nhận ra Chúa của mình: Thầy đây, đừng hoảng sợ … Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! (x. Lc 24,38.39). Đừng thất vọng, đừng buồn phiền, đừng đi với Thầy như cách suy nghĩ của chúng con nhưng phải nhận ra niềm vui Cứu độ của Thầy và Thầy ở cùng các con mỗi ngày cho đến tận thế (x. Mt 28,20).

Đức Giê-su Phục sinh đem đến cho chúng ta tình yêu Cứu độ trong mọi thử thách. Nếu các nhân vật trong Tin Mừng có được niềm vui Cứu độ thì cũng cần trải qua con đường đau khổ, tuyệt vọng, chán nản và lo âu. Thử hỏi ai trong cuộc đời chúng ta không một lần đau thương, ai không một lần bi thảm. Nhưng niềm vui Cứu độ chỉ tìm thấy nơi những ai dám hòa quyện mọi biến cố của mình với biến cố khổ đau của Đức Kitô. Ngang qua, đoạn trích của Thư Phaolô gửi cho ông Timôthê như sau: “Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (2,4). Hay trong sách Isaia đã viết: “Hãy đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất” (Is 49,6). Thiên Chúa hằng tìm kiếm con người trước, đặc biệt là tội nhân để thi thố tình yêu và ơn Cứu độ.

Cũng như Giakêu trèo lên cây sung để được nhìn thấy Đức Giêsu, nhưng ông không biết trước đó rằng, Thiên Chúa đã tìm kiếm ông. Khi đến nơi, Đức Giêsu ngỏ lời với ông: “Ông Giakêu, xuống ngay đi, bởi vì hôm nay tôi phải ở lại nhà của ông”. Sự viếng thăm ấy, Ngài đã tuyên bố: “Con Người đến để tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư mất” (Lc 19,5.10).

  1. Con người khao khát tình yêu Cứu độ

Dám chắc rằng, khi mỗi người chúng ta tin và phó thác vào Chúa Ki-tô là Thiên Chúa của mình đều được ơn tha tội và ơn tái sinh trong cuộc sống muôn đời: “Trong Thánh Tử, ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha mọi tội lỗi” (Cl 1,14). Chính sự mở lòng cho Chúa bước vào mà Người phụ nữ thành Samari được tha tội vì chị đã nhận ra Đức Ki-tô, Đấng sẽ ban cho chị Nước Hằng Sống. Vì thế, chị đã xác tín ra niềm vui Cứu độ: “Tôi biết Đấng Messia, gọi là Đức Ki-tô, sẽ đến” (Ga 4, 25).

Đức Giêsu, Con Thiên Chúa quyền năng, không cứu chữa con người qua quyền lực của sự dữ, nhưng Ngài chọn con đường thập giá để Cứu độ nhân loại. Thiên Chúa muốn chia sẻ thân phận và kiếp khổ đau nhân sinh để đưa con người lên với Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương và là niềm vui Cứu độ. Chính tình yêu của Thiên Chúa đã thúc giục Đức Giê-su sẵn sàng hy sinh mạng sống để Cứu độ chúng ta: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Thánh Phao-lô đã quả quyết: “Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,8).

Chúa Giêsu có thể làm được tất cả mọi phép lạ mà chúng ta muốn, nhưng Ngài đã không làm và không chiều theo thị hiếu của con người. Chúng ta không thể hiểu Ngài theo ước muốn của mình và lòng tham của người khác, dù biết điều đó hợp ý mình và tốt đẹp đến đâu. Ngài đã không làm theo ý họ nhưng làm theo ý Thiên Chúa, là Cứu độ trần gian trong ý định nhiệm mầu của Chúa Cha.

Biết bao lần trong cuộc đời, chúng ta tự hỏi tại sao Thiên Chúa lại im lặng trước nhu cầu của  con người? Không, Thiên Chúa không im lặng nhưng đang hoạt động với con người và ở với thế giới này trong từng biến cố xảy đến. Ước mong mỗi người chúng ta luôn cảm nhận được sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa Kitô Phục Sinh và đón nhận thập giá đời mình như là “thách đố” niềm tin và phó thác trong tay Ngài. “Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống” (Lc 20,38). Ngài sẽ mang theo lời tha thứ và ơn chữa lành:“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28).  

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, chúng con chúc tụng, ngợi khen tình yêu và quyền năng của Chúa. Chúa đã khải hoàn toàn thắng sự chết, là dấu chứng cho sự phục sinh của con người, và là niềm tin, lẽ sống của chúng con. Xin Chúa cho chúng con luôn biết nhận ra tình yêu Cứu độ trong mọi biến cố của cuộc đời. Amen!

 

Bài trướcPhục Sinh – Tuần II – Năm A
Bài tiếp theoPhục Sinh – Tuần III – Năm A

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.