Phục Sinh – Tuần II – Năm A

0
1126

Chúa Nhật – Ngày 19 – Tháng 4

MÙA PHỤC SINH – TUẦN II
CHÚA NHẬT VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA

Bài đọc 1 : Cv 2,42-47
Bài đọc 2 : 1 Pr 1,3-9
Tin Mừng : Ga 20,19-31

Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” […]

NHẬN LẤY THÁNH THẦN

Sau khi sống lại, Chúa Giêsu Phục Sinh thổi hơi, ban Thánh Thần cho các môn đệ và sai các ông đi làm chứng cho Tin Mừng.
Trước hết, Chúa Giêsu Phục Sinh “thổi hơi” và ban cho các môn đệ “Thánh Thần”. “Thổi hơi” là hành động biểu tượng của việc trao ban sức mạnh và phúc lành của Thiên Chúa; phúc lành và sức mạnh ở đây chính là Thánh Thần. Đón nhận Thánh Thần là nhận được sức sống, năng lực thần thiêng và tinh thần mới. Thánh Thần biến những con người bình thường thành những chứng nhân can đảm và nhiệt thành loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Thánh Thần hướng dẫn cho họ biết phải nói gì và nói thế nào.
Sau nữa, như đã được Chúa Cha sai vào trần gian, giờ đây Chúa Giêsu Phục Sinh cũng sai các môn đệ ra đi để tiếp tục sứ mạng của Người. Được sai đi vừa là vinh dự của người môn đệ vì được chia sẻ sứ mạng loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu, vừa là thách đố khi phải đối diện với những khó khăn và trở ngại. Dẫu vậy, người môn đệ không đơn độc mà có Chúa Giêsu Phục Sinh đồng hành (x. Mt 28,20) nhờ sức mạnh của Thánh Thần. Chúa Kitô Phục Sinh không còn bị giới hạn trong thân xác, không bị ngăn trở bởi không gian và thời gian, nên có thể hiện diện với các môn đệ mọi thời, mọi nơi, nhờ ơn Thánh Thần.
Cuối cùng, một trong những sứ mạng của người môn đệ là “tha tội”. Tha thứ và tháo cởi cho những trói buộc, xiềng xích do tội lỗi gây nên, giúp giải phóng con người khỏi những âu lo, sợ hãi, thất vọng, chán nản, phải là sứ mạng của người môn đệ của Chúa Giêsu Phục Sinh trong thế giới hôm nay. Chúa Nhật Lòng Thương Xót hôm nay mời gọi chúng ta trở nên cánh tay nối dài của tình thương Thiên Chúa, an ủi và đem lại sự chữa lành cho tâm hồn con người thời đại đang khao khát được an bình và thứ tha.
Lạy Chúa, xin cho con biết mở lòng đón nhận sức mạnh của Thánh Thần để biết làm chứng cho Chúa bằng đời sống đem lại sự an hoà cho tha nhân.
Lm. Gioan Baotixita Nguyễn Hữu Duy, SVD

Thứ Hai – Ngày 20 – Tháng 4

MÙA PHỤC SINH – TUẦN II

Bài đọc : Cv 4, 23-31
Tin Mừng : Ga 3, 1-8

Trong nhóm Pharisêu, có một người tên là Nicôđêmô, một thủ lãnh của người Do-thái. Ông đến gặp Đức Giêsu ban đêm. Ông nói với Người: “Thưa Thầy, chúng tôi biết: Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến. Quả vậy, chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy.” Đức Giêsu trả lời: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên.” Ông Nicôđêmô thưa: “Một người đã già rồi, làm sao có thể sinh ra được? Chẳng lẽ người đó có thể trở vào lòng mẹ lần thứ hai để sinh ra sao?” Đức Giêsu đáp: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí. […]

TÁI SINH

Bài Tin Mừng thuật lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và ông Nicôđêmô về sự tái sinh. Chúa Giêsu đã nói với ông Nicôđêmô rằng: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” (Ga 3,5).
Nước được xem là nguồn phát sinh sự sống. Nơi nào có nước, nơi đó có sự sống. Thánh Thần là Đấng thánh hóa muôn loài, và là Đấng ban sự sống. Tái sinh bởi nước và Thánh Thần được hiểu là tái sinh nhờ bí tích Rửa Tội, qua đó chúng ta được tha hết mọi tội lỗi, được tái sinh và trở thành một con người mới trong thân thể Chúa Kitô. Tuy nhiên, tấm áo trắng tinh tuyền mà chúng ta đã lãnh nhận khi chịu phép Rửa tội có thể bị hoen ố nhiều theo năm tháng. Nhiều lần, chúng ta đã sa đi ngã lại trong sự ích kỉ và “lòng dục” của mình. Bởi vậy, như áo quần cần được giặt và tẩy rửa để trở nên sạch sẽ, thì chúng ta cũng cần tẩy rửa con người mình một cách toàn diện để được tái sinh.
Trong đêm Vọng Phục Sinh, mỗi người chúng ta đã tuyên xưng lại lời hứa của mình khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội: từ bỏ Xatan cùng những gì thuộc về nó, và trung thành phụng sự một Thiên Chúa duy nhất. Với việc tuyên xưng lại lời hứa khi chịu phép Rửa Tội, chúng ta quyết tâm chọn con đường sự sống, là đi theo Đức Kitô, nghĩa là chúng ta cùng bước vào Mầu Nhiệm Khổ Nạn với Người để được sống lại với Người.
Sự thường, con người ai cũng muốn được tái sinh, muốn sống mầu nhiệm phục sinh, nhưng không ai muốn bước vào cuộc khổ nạn. Tuy nhiên, dù muốn hay không, cách này hay cách khác, con người chỉ có thể bước vào vinh quang qua con đường thập giá. Điều quan trọng là ta có bước vào cuộc khổ nạn đó với Chúa hay không hay ta có để Thần Khí hướng dẫn đời mình để được tái sinh hay không.
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã cho chúng con được sinh ra và được tái sinh nhờ bí tích Rửa Tội. Chúa đã tái sinh chúng con bằng giá máu của Chúa. Xin cho chúng con luôn ý thức và sống xứng đáng với ân huệ mà Chúa đã ban cho chúng con nhờ Thánh Thần Chúa.
Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Cương, SVD

Thứ Ba – Ngày 21 – Tháng 4

MÙA PHỤC SINH – TUẦN II
Thánh Anselmô, GM, TSHT

Bài đọc : Cv 4,32-37
Tin Mừng : Ga 3,7b-15

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô rằng: “Các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên. Gió muốn thổi đâu thì thổi ; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy.” Ông Nicôđêmô hỏi Người “Làm sao những chuyện ấy có thể xảy ra được?” Đức Giêsu đáp: “Ông là bậc thầy trong dân Ítraen, mà lại không biết những chuyện ấy! Thật, tôi bảo thật ông: chúng tôi nói những điều chúng tôi biết, chúng tôi làm chứng về những điều chúng tôi đã thấy, nhưng các ông không nhận lời chứng của chúng tôi. Nếu tôi nói với các ông về những chuyện dưới đất mà các ông còn không tin, thì giả như tôi nói với các ông về những chuyện trên trời, làm sao các ông tin được? Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.”

SINH LẠI BỞI ƠN TRÊN

Bài Tin Mừng thuật lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và ông Nicôđêmô về ơn tái sinh, ơn cứu chuộc qua thập giá Đức Kitô và ân sủng Thánh Thần.
Ông Nicôđêmô hiểu tái sinh là vào lòng mẹ để được sinh lại, nên ông thắc mắc: “Việc ấy xảy ra thế nào được?” Trái lại, Chúa Giêsu nói về một sự tái sinh bởi ơn trên, nghĩa là một sự biến đổi sâu xa nhờ quyền năng của Thiên Chúa được thực hiện qua sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Người ta không thể nhận thấy sự thay đổi nhìn từ diện mạo bên ngoài nhưng cảm nhận được sự biến đổi sâu xa bên trong.
Trong hành trình trở thành con cái Chúa, trước khi là người Kitô hữu, chúng ta là con người tự nhiên hoặc theo một tôn giáo nào khác. Tuy nhiên, do tác động của Thánh Thần như làn gió thổi theo ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa, chúng ta được ơn tái sinh làm con cái Thiên Chúa. Tái sinh bởi Thánh Thần là ơn sủng mà bất kỳ ai cũng đều có được nếu biết mở lòng để Thánh Thần tác động mà được biến đổi nên con cái Thiên Chúa.
Ngày này trong sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội, chúng ta ý thức Chúa Thánh Thần luôn hoạt động trong tâm hồn của con người, dù họ thuộc tôn giáo hay văn hóa nào. Ngài luôn hướng dẫn con người tìm về chân thiện mỹ và cuối cùng nhận ra tình yêu cứu độ của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu và Tin Mừng của Người. Đó chính là hoạt động quan phòng của Thiên Chúa để giúp con người được ơn tái sinh.
Lạy Chúa, xin củng cố đức tin cho chúng con, để chúng con luôn ý thức rằng Chúa Thánh Thần luôn hoạt động trong nhân loại. Xin cho con người thời đại hôm nay nhận ra tình yêu quan phòng của Thiên Chúa mà đáp lại ơn tái sinh trong Thánh Thần.
Lm. Phêrô Đỗ Cao Cương, SVD

Thứ Tư – Ngày 22 – Tháng 4

MÙA PHỤC SINH – TUẦN II

Bài đọc : Cv 5,17-26
Tin Mừng : Ga 3,16-21

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa. Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách. Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa.”

ÁNH SÁNG VÀ BÓNG TỐI

Ánh sáng vẫn thường được ví với sự thiện, sự thật; còn bóng tối lại được ví như sự ác, sự xấu xa. Vậy có khi nào chúng ta không phân biệt được đâu là ánh sáng hay bóng tối hay không?
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh ánh sáng và bóng tối để lên án những kẻ đồng lõa và chiều theo sự ác. Đức Giêsu chính là Con Một, là Ánh Sáng thế gian để đem lại ơn cứu độ cho những kẻ tin. Nhưng lắm khi chúng ta đã từ chối tin vào Đức Kitô, từ chối đến với Ánh Sáng, mà sống trong bóng tối và sự dữ – vốn đem đến sự chết. Do đó, chúng ta cần can đảm bước đến với Ánh Sáng là Đức Kitô. Nhờ bước đi trong ánh sáng của Đức Kitô mà chúng ta có thể xua tan đi bóng tối tội lỗi hằng ngày vẫn đang vây quanh chúng ta.
Thế nhưng, nhiều khi chúng ta sống giữa những “màn sương” mờ ảo, giữa ánh sáng và bóng tối; chúng che lấp lý trí và lương tâm, làm chúng ta trở nên mù quáng, khó lòng phân định được đâu là sự thật đâu là sự dối trá. Vì thế, chỉ khi chúng ta tin tưởng vào Đức Kitô cách trọn vẹn, mà đi trong đường lối ánh sáng của Đức Kitô, chúng ta mới trở nên mạnh dạn đứng về phía chân lý và trở thành những tia sáng nhỏ nhằm xóa tan bóng tối, đẩy lùi những cám dỗ, để thuộc trọn về Chúa trong ánh sáng vô tận và vĩnh cửu của Người.
Cuộc sống hôm nay vẫn còn nhiều “màn sương”, vẫn còn nhiều bóng đêm tội lỗi vẫn hằng lôi kéo con người. Ước mong rằng mỗi người chúng ta can đảm đứng dậy bước về phía Chúa Kitô là Ánh Sáng chân thật và là chân lý vĩnh cửu của nhân loại, chân lý giải thoát con người khỏi mọi bóng tối của tội lỗi và sự dữ.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con thứ ánh sáng của Người để con sáng suốt chọn lựa và can đảm chống lại bóng tối của tội lỗi luôn rình sẵn quanh con.
Tu sĩ Phêrô Kỳ Khắc Chí, SVD

Thứ Năm – Ngày 23 – Tháng 4

MÙA PHỤC SINH – TUẦN II
Thánh Giorgiô, Tử đạo

Bài đọc : Cv 5,27-33
Tin Mừng : Ga 3,31-36

Đấng từ trên cao mà đến thì ở trên mọi người; kẻ từ đất mà ra thì thuộc về đất và nói những chuyện dưới đất. Đấng từ trời mà đến thì ở trên mọi người; Người làm chứng về những gì Người đã thấy đã nghe, nhưng chẳng ai nhận lời chứng của Người. Ai nhận lời chứng của Người, thì xác nhận Thiên Chúa là Đấng chân thật. Quả vậy, Đấng được Thiên Chúa sai đi, thì nói những lời của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho Người vô ngần vô hạn. Chúa Cha yêu thương người Con và đã giao mọi sự trong tay Người. Ai tin vào người Con thì được sự sống đời đời; còn kẻ nào không chịu tin vào người Con thì không được sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên kẻ ấy.”

ĐỨC GIÊSU – ĐẤNG LÀM CHỨNG VỀ THIÊN CHÚA

Các nhà chú giải Thánh Kinh đang tranh luận chưa ngã ngũ về đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe : đây là lời của Đức Giêsu, của thánh Gioan Tẩy Giả hay của người kể chuyện. Tuy nhiên, qua đoạn Tin Mừng này, chúng ta có thể nhận ra sứ vụ của Đức Giêsu khi đến trần gian: Làm chứng nhân và mặc khải về Chúa Cha.
Đức Giêsu từ trời đến trần gian để làm chứng điều Người đã nghe và đã thấy (Ga 3,32). Trước tòa án Philatô, Người đã tuyên bố: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: Làm chứng cho sự thật” (Ga 18,37). Người đã làm cho trời và đất không còn là hai thực tại đối lập nhau nhưng hòa hợp với nhau. Người làm cho loài người có thể hiểu được ngôn ngữ của trời cao. Đó là ngôn ngữ của tình yêu, vì bản tính của Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4,8.16). Người đã tự hiến bản thân để cho chúng ta được sống vì “không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15,13).
Phận vụ của chúng ta khi tin vào Người là làm chứng nhân cho Người bằng cách phát triển tình yêu thương lẫn nhau càng ngày càng sâu đậm theo như lời trối của Người: “Anh em hãy yêu thương như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 13,34). Mỗi lần chúng ta cử hành bí tích Thánh Thể là mỗi lần chúng ta làm chứng về sự hiện diện thật sự của Đức Giêsu đang ở giữa chúng ta trong mối hiệp thông với toàn thể cộng đoàn.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con ý thức rằng mỗi lần chúng con rước lễ, chúng con có thể nói như thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20) để chúng con tiếp tục làm chứng nhân cho Chúa giữa lòng đời.
Tu sĩ Phaolô Phan Tấn Thịnh, SVD

Thứ Sáu – Ngày 24 – Tháng 4

MÙA PHỤC SINH – TUẦN II
Thánh Fiđêlê Sigmarigen, L. mục, T. đạo

Bài đọc : Cv 5,34-42
Tin Mừng : Ga 6,1-15

[…] Một trong các môn đệ, là ông Anrê, anh ông Simôn Phêrô, thưa với Người: “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!” Đức Giêsu nói: “Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi.” Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. Vậy, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý. Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ: “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi.” Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng. Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giêsu làm thì nói: “Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!” Nhưng Đức Giêsu biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.

NHÌN THẤY NHU CẦU CỦA THA NHÂN

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để làm thoả mãn cơn đói của dân chúng.Phải chăng Chúa Giêsu làm phép lạ cách ngẫu hứng khi không một ai kêu đói, không một ai nài xin Người? Thưa không! Đó không hề là một phép lạ tùy thích, thừa thãi. Chúa Giêsu đã chủ động, đã “đi bước trước” đối với nhu cầu của dân chúng. Người nhìn ra được hoàn cảnh của họ: một đám dân xa nhà, bơ vơ, mệt mỏi, có thể bị xỉu trên đường về. Cái nhìn thấu đáo đó đã dẫn đến phép lạ của Người.
Nhìn ra được nhu cầu của kẻ khác là một đòi hỏi đối với mỗi Kitô hữu chúng ta. Thế giới chúng ta đang sống có bao kẻ đang phải “đói khát”: đói khát về vật chất, đói khát về tinh thần; đói khát về lương thực, về văn hóa, về tâm linh, về ơn cứu độ. Tất cả đều cần được nhận thấy và đáp ứng. Tuy vậy, với lối sống hưởng thụ, ích kỷ, thật khó để nhìn ra sự đói khát đó. Chỉ trong con mắt của tình thương, của lòng trắc ẩn, chúng ta mới khám phá ra những con người đói khát đang sống chung quanh mình.
Chúa đã nhìn ra sự đói khát của dân chúng, để rồi Người thực hiện phép lạ nuôi dưỡng họ. Các nhà truyền giáo ngày xưa đã nhận thấy sự đói khát này; họ thấy biết bao linh hồn đang cần ơn cứu độ, nên đã sẵn sàng lên đường để mang bánh “cứu độ” đến nuôi dưỡng họ. Ngày nay chúng ta cũng được mời gọi nhìn ra sự đói khát nơi tha nhân, nhất là những đói khát về tâm linh và sẵn sàng ra đi để đáp ứng cơn khát của họ.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nhìn ra sự đói khát nơi tha nhân, nhất là những đói khát ơn cứu độ; đồng thời xin cho chúng con biết ra đi đem ơn cứu độ của Chúa đến cho mọi người.
Tu sĩ Phaolô Trần Khắc Công, SVD

Thứ Bảy – Ngày 25 – Tháng 4

MÙA PHỤC SINH – TUẦN II
THÁNH MÁCCÔ, TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG – Lễ Kính

Bài đọc : 1 Pr 5,5b-14
Tin Mừng : Mc 16,15-20

Khi ấy Đức Giêsu hiện ra với nhóm Mười Một và nói: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.”
Nói xong, Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.

SỐNG PHÓ THÁC

Đoạn lời Chúa hôm nay là những câu cuối trong Tin Mừng của thánh Máccô. Đức Giêsu hứa sẽ đồng hành với các môn đệ và ban cho các ông sức mạnh để làm những dấu lạ trong quá trình rao giảng Nước Thiên Chúa; còn các ông thì hăng say ra đi thi hành lệnh truyền của Người và hân hoan sống đời nhân chứng.
Giáo Hội qua bao đời vẫn luôn ý thức về sứ mệnh cao cả này; không chỉ lo cho con cái mình giữ vững đức tin mà còn cổ võ lòng yêu mến Thiên Chúa nơi họ, bằng nhiệt huyết sống rao truyền Lời Chúa. Truyền giáo luôn là vấn đề cấp thiết vì lệnh truyền của Đức Giêsu: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15).
Thế nên, trong lịch sử đã có biết bao người con của Giáo Hội quyết rời bỏ quê hương, bỏ lại nơi chôn nhau cắt rốn của mình để đem Tin Mừng đến với muôn dân; và sống cùng họ cho đến hơi thở cuối cùng! Biết bao vị thánh đã phải đổ máu mình ra nơi xứ người nhằm làm cho hạt giống Tin Mừng được triển nở. Và cũng có biết bao người chỉ vì yêu mến Đức Giêsu
và ý thức mình là môn đệ của Ngài nên đã dứt bỏ mọi sự để âm thầm sống cùng những người nghèo hèn và những phận người bất hạnh trên thế giới. Đó cũng là tinh thần và sự khích lệ cho những Kitô hữu nói chung và cách riêng cho tôi, người môn đệ của Đức Giêsu trong Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời.
Lạy Chúa, xin cho con luôn ý thức sứ mạng rao giảng Tin Mừng là “hành động yêu thương đồng loại trước nhất và cao cả nhất” như lời cha thánh sáng lập Arnold Janssen.
Tu sĩ Phaolô Trần Phúc Chân, SVD

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài trướcVIDEO Bác Ái Xã Hội – Tỉnh Dòng Ngôi Lời Việt Nam
Bài tiếp theoSuy Niệm: Tình Yêu Cứu Độ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.