Trong tâm tình Mùa Phục Sinh, thứ 7 ngày 25 cộng đoàn Thần Học đã có ngày tĩnh tâm tháng 4. Chủ đề “Sống Đời Tu Vui Vẻ và Hạnh Phúc” được cha giảng phòng Giuse Bùi Công Trác, Giám đốc Đại chủng viện Thánh Giuse thuộc Tổng Giáo phận Sài Gòn chia sẻ với anh em một cách hết sức tâm tình và sâu lắng.
Mở đầu buổi chia sẻ, Cha giảng phòng đã cho mọi người thấy được sự quan trọng của những giây phút tĩnh tâm, thinh lặng trong đời sống thánh hiến để qua đó chúng ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa và tìm kiếm niềm vui, niềm hạnh phúc trong ơn gọi là một Tu sĩ, Giáo sĩ bằng câu ngạn ngữ:
Nếu bạn ngồi xuống bên lề của rạng đông, mặt trời sẽ mọc lên cho bạn.
Nếu bạn ngồi xuống bên lề của bóng tối, trăng sao sẽ mọc lên cho bạn
Nếu bạn ngồi xuống bên bờ suối vắng, chim hoàng ânh sẽ hót cho bạn nghe.
Nếu bạn ngồi xuống bên bờ thinh lặng, Thiên Chúa sẻ ngõ lời với bạn.
Chỉ trong thinh lặng, chúng ta mới thật sự nghe và cảm nghiệm được tiếng nói yêu thương từ Thiên Chúa.
Qua cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với hai môn đệ được thánh Gioan giới thiệu trong đoạn Tin Mừng (Ga 1, 35-39), Cha giảng phòng đã lược trích cho anh ba cụm từ “Các ngươi tìm gì?” – “Thưa thầy, Thầy ở đâu?” và “Hãy đến mà xem.” để anh em thấy được 3 thái độ căn bản trong hành trình ơn gọi theo Chúa của mỗi người: Tìm kiếm – Bước theo và Ở lại.
Tìm Kiếm – Ơn gọi của mỗi người khác nhau, có thể Chúa gọi trực tiếp nơi tâm hồn mọi người hoặc gián tiếp qua một ai đó, một biến cố nào đó. Điều đó cho chúng ta thấy được rằng, ơn gọi sống đời thánh hiến là một huyền nhiễm, bởi vì, nó đến từ Thiên Chúa chứ không phải là sự chọn lựa của chúng ta. Như Kinh Thánh đã viết: “Không phải anh em đã chọn thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em…” (Ga 15, 16). Hay tiên tri Isaia, Giêrêmia cũng từng cảm nghiệm được ơn gọi của mình:” Đức Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc tên tôi…” (Is 49, 1. Gr 1, 4-5). Như thế, Chúa yêu thương tôi, không phải vì tôi tài giỏi, nhân đức xứng đáng hơn những người khác mà chỉ vì Chúa yêu thương tôi.
Để có thể lắng nghe tiếng Chúa, cần lắng đọng tâm hồn và đọc được các dấu chỉ qua mọi biến cố thường nhật với con mắt đức tin. Điều này thật sự khó khăn với người sống đời thánh hiến trong một xã hội xô bồ và náo động như ngày hôm nay. Nhưng thời gian huấn luyện với sự giúp đỡ của các nhà đào tạo, họ sẽ giúp anh em nhận ra được ý Chúa trong đời mình. Và khi nghe được tiếng Chúa gọi, cảm nhận được tình yêu Ngài dành cho mình các thầy mới mạnh dạn tiến thêm một bước quan trọng trong đời tu, Bước Theo Ngài.
Bước Theo – Bước theo Chúa diễn tả sự đáp trả tự do của con người. Việc bước theo tiếng gọi của Chúa nơi mỗi tu sĩ chỉ thật sự ý nghĩa trọn vẹn khi họ bước theo lời mời gọi ấy một cách tự do. Và sự tự do ấy thật sự cao cả khi người sống đời thánh hiến tự do bước theo Chúa để biến chính mình thành một của lễ hi sinh.
Từ bỏ là một bước quan trọng trong hành trình bước theo Chúa qua đời sống thánh hiến. Chỉ khi thật sự từ bỏ mọi sự chúng ta mới toàn tâm toàn ý đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, nhất là phải từ bỏ chính mình. Như Đức Hồng y Fx. Nguyễn Văn Thuận viết trong Đường Hi Vọng rằng:” Bỏ tất cả mà chưa bỏ mình thì con chưa bỏ gì cả, vì chính mình con sẽ dần dần quơ góp lại những gì con bỏ trước.” Hay Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng từng răn dạy những người sống đời thánh hiến:” Chúng ta có thể là những Giáo hoàng, Hồng y, Giám mục, Linh mục, Tu sĩ nhưng chúng ta sẽ không là môn đệ Chúa , nếu chúng ta để Thánh giá lại phía sau.”
Với một tu sĩ, thời gian huấn luyện là thời gian thử thách để giúp mình trưởng thành và phân định. Trong thời gian này, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và những người hữu trách, các tu sĩ ý thức tự đào luyện chính mình nên phù hợp với hình ảnh Chúa Giêsu, Đấng mà mình đang bước theo Ngài. Qua đó, các tu sĩ trở nên dấu chỉ sống động tình Thiên Chúa dành cho mọi người. Đó, chính là lúc tu sĩ đã tiến xa thêm một bước trên hành trình tu trì, Ở lại với Chúa, hay thuộc trọn về Chúa.
Ở Lại với Chúa – bằng việc kết hợp cá vị với Chúa Kitô, vốn chỉ nảy sinh và nuôi dưỡng qua việc chuyên cần tham dự các Bí tích, cử hành phụng vụ, lắng nghe và suy niệm Lời Chúa, nguyện ngắm và các việc đạo đức khác, nhất là phục vụ trong đức ái với những con người bé mọn. Ở lại với Chúa cũng là ý thức bản thân mình thuộc trọn về Chúa “như cành nho gắn liền với cây nho” (Ga 15, 4-7). Có như thế cuộc đời của một tu sĩ mới sinh được hoa trái ý nghĩa giúp chúng ta hướng tới sứ vụ với tình yêu quảng đại và dâng hiến, đặc biệt nơi Hội Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời, cần nhiều hi sinh và dân thân cho sứ vụ truyền giáo của Giáo hội.
Ở lại với Chúa là ý thức mình hoàn toàn thuộc về Chúa, Mẹ thánh Têrêsa Calcutta từng nói:”Tôi chỉ là cây viết chì nhỏ bé trong bàn tay của Thiên Chúa. Chúa suy nghĩ, Chúa viết ra, cây viết chì chỉ để yên cho Chúa hành động.” Hãy nhớ, tất cả những gì chúng ta có, tài năng, của cải, sức khỏe là để phục vụ Chúa, qua bổn phận trao ban. Khác với sự trưởng thành nơi bản tính con người là mình có thể tự ý thức làm được mọi việc, sự trưởng thành trong đời tu chính là biết cậy dựa vào Thiên Chúa và để Ngài làm chủ đời mình. Điều đó giúp chúng ta tìm kiếm được sự bình an, niềm vui trong tâm hồn dẫu cho cuộc đời dâng hiến có nhiều thăng trầm.
Khi thật sự đã Tìm kiếm – Bước theo và Ở lại với Thiên Chúa trong đời dâng hiến, người tu sĩ mới thật sự đón nhận được Niềm Vui của Người Dâng Hiến để phục vụ anh em, phục vụ tha nhân và phục vụ thế giới. ” Bước vào đời sống tu trì, con ý thức rằng bước đường dấn thân sẽ không thiếu những thử thách nhưng phải là nẻo đường của niềm vui và hạnh phúc: hạnh phúc trong lựa chọn hiến thân; hạnh phúc với những Thánh lễ sáng chiều; hạnh phúc trong niềm vui phục vụ; hạnh phúc cả khi mỏi mệt, rã rời…” ( Trích bài giảng trong lễ Truyền Dầu ngày 02/04/2015 của Giáo hoàng Phanxicô.)
Hình ảnh vui tươi của những linh mục đang đi những nẻo cuối đời dâng hiến được Đức Giáo hoàng Phanxicô miêu tả trong bài giảng tại nhà nguyện Martha (18/10/2016) cho chúng ta những niềm vui và động lực trên con theo Chúa mỗi ngày:” Khi đến viếng thăm nhà hưu dưỡng của linh mục cao niên, tôi thấy nhiều vị can đảm đã dâng hiến cuộc đời cho giáo dân. Ở đó, họ là các bệnh nhân, tê liệt, ngồi xe lăn…nhưng ta thấy họ luôn mĩm cười. Vì họ cảm nhận được rằng Chúa Kitô đang ỏe vên họ. Và đôi mắt họ rực sáng khi họ hỏi tôi:”Giáo hội lúc này ra sao? Giáo phận ra sao? Ơn kêu gọi ra sao?” Cho đến cùng, vì họ là những người cha, vì họ đã dâng hiến cho tha nhân. Như khi Thiên Chúa kêu gọi chúng ta:”Con thật quan trọng đối với Cha, Cha yêu con và Cha tin tưởng nơi con.””
Trong đời tu, sự hiệp thông huynh đệ chính là đầu mối đưa chúng ta tới những niềm vui dâng hiến và phục vụ. Có một câu ngạn ngữ Pháp dạy rằng:” Một người Kitô hữu cô đơn là một người Kitô hữu đang gặp nguy hiểm.” Điều ấy lại càng đúng đối với một người sống đời dâng hiến. Sự hiệp thông đó chỉ có khi chúng ta ra khỏi chính mình để gặp Chúa Giêsu. “Sự ra đi ấy chỉ có một chiều mà thôi. Đó là một cuộc xuất hành khống có vé trở về…, một cuộc hành ra khỏi cái tôi của mình, là nẻo đường tận hiến.” Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhắc nhở người tu sĩ:” Tình vạn hay tình huynh đệ sẽ giúp các con không bị rơi vào tình trạng cô lập hay phân tán. Khi tình bạn được vun trồng, đó là một tài sản quý giá. Như thế, tình bạn và sự hiệp thông huynh đệ nhắc các con đừng khép mình lại nhưng phải biết mở lòng ra.”
Hãy nhớ rằng, vai trò của Đức Mẹ Maria rất quan trọng với người sống đời dâng hiến. Hãy chạy đến với Mẹ vì Mẹ là Mẹ của mỗi người chúng ta: Trong đời sống dương gian ta có người mẹ nơi gia đình luôn yêu thương che chở và nâng đỡ thì trong đời sống dâng hiến hãy để Đức Maria, người Mẹ của Giáo hội và của mỗi người gìn giữ và che chở trước mọi gian khó.
Lạy Mẹ là Mẹ Đức Chúa Trời
Cũng là Mẹ của mỗi người chúng con
Cúi xin xuống phúc hải hà
Đoái thương con cái thiết tha van nài…
Giữa mùa đại dịch với nhiều lo âu và xao động, ngày tĩnh tâm thật là những giây phút quý giá giúp mỗi người trong công đoàn có thời gian lắng đọng để nhìn lại hành trình ơn gọi của mình qua những chia sẻ của Cha giảng phòng. Xin Chúa cho chúng con nhận ra được tiếng Chúa mời gọi vào làm việc cho vườn nho của Chúa qua ơn gọi và sứ vụ của chúng con. Amen.
Ban Truyền Thông Học Viện