Phục Sinh – Tuần I – Năm A

0
559

Chúa Nhật – Ngày 12 – Tháng 4

CHÚA NHẬT PHỤC SINH
MỪNG CHÚA SỐNG LẠI
Lễ Trọng với tuần Bát Nhật PS (Tr).
Lễ cầu cho giáo dân (Lễ họ).

Bài đọc 1 : Cv 10,34a.37-43
Bài đọc 2 : Cl 3,1-4 hoặc 1 Cr 5,6b-8
Tin Mừng : Ga 20,1-9

Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mácđala đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Simôn Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.” Ông Phêrô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Simôn Phêrô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết.

TIN CHÚA PHỤC SINH

Chúa Giêsu đã phục sinh thật rồi! Đó chính là thông điệp mà tác giả Gioan muốn loan báo cho chúng ta qua bài Tin Mừng hôm nay.
Sự kiện “ngôi mộ trống” có thể là dấu chỉ sự phục sinh của Chúa Giêsu hoặc cũng có thể là hậu quả của việc lấy trộm xác, mặc dầu lấy trộm xác mà vẫn để y nguyên đồ liệm là chuyện rất khó hiểu. Nhưng sự kiện mà tác giả Gioan muốn trình bày ở đây là nền tảng của đức tin. Người môn đệ Chúa yêu nhờ sống đức tin sống động, nhạy bén và có lòng mến sắt son nên khi chứng kiến ngôi mộ trống thì ông đã hiểu và tin lời Chúa trong Kinh Thánh: “Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết” (x. Ga 20,8-9).
Đức tin của người môn đệ này phát xuất từ lòng mến mà Chúa dành cho ông và ông dành cho Chúa. Chính lòng mến thúc đẩy ông tin chắc vào lời Chúa Giêsu đã tiên báo. Lòng mến thôi thúc ông xác tín mà không cần nhiều dấu chỉ. Lòng mến cho ông hiểu rằng Chúa vẫn đang sống, nhất là sống trong lòng ông.
Người môn đệ Chúa yêu là một mẫu gương tuyệt vời để chúng ta có thể bắt chước để sống đức tin, một đức tin không dựa trên những lý lẽ chắc chắn nhưng dựa trên lòng mến chân thành. Thiên Chúa cũng đang mời gọi chúng ta sống đức tin của mình cách trọn vẹn, sống theo bổn phận, và biết sinh lời những nén bạc mà Thiên Chúa đã ban cho qua những việc làm cụ thể như thánh Giacôbê quả quyết: “Đức tin không hành động quả là đức tin chết” (2, 17).
Lạy Chúa, xin ban Thánh Thần của Ngài trên chúng con, giúp chúng con có đủ sự nhạy bén để sống đức tin cách trọn vẹn, và sinh lời đức tin ấy cho những người xung quanh.
Tu sĩ Phaolô A Hoá, SVD

Thứ Hai – Ngày 13 – Tháng 4

TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

Bài đọc : Cv 2,14.22b-33
Tin Mừng : Mt 28,8-15

Khi ấy, các người phụ nữ vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giêsu hay. Bỗng Đức Giêsu đón gặp các bà và nói: “Chào chị em!” Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người. Bấy giờ, Đức Giêsu nói với các bà: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.” Các bà đang đi, thì có mấy người trong đội lính canh mồ vào thành báo cho các thượng tế biết mọi việc đã xảy ra. Các thượng tế liền họp với các kỳ mục; sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền lớn, và bảo: “Các anh hãy nói như thế này: Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác. Nếu sự việc này đến tai quan tổng trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với quan và lo cho các anh được vô sự.” Lính đã nhận tiền và làm theo lời họ dạy. Câu chuyện này được phổ biến giữa người Do Thái cho đến ngày nay.

ĐỪNG SỢ – HÃY LÊN ĐƯỜNG

Trong bản văn Tin Mừng hôm nay, thánh Mátthêu thuật lại một cuộc gặp gỡ của các bà với Đấng Phục Sinh: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó” (Mt 28, 10). Có lẽ khó mà diễn tả tâm trạng của các bà lúc đó. Các bà vừa sợ hãi, nhưng cũng rất đỗi vui mừng vì được thấy Thầy chí thánh phục sinh. Niềm vui gặp gỡ Đấng Phục Sinh ấy đã thúc đẩy các bà vội vã trở về để báo tin cho các môn đệ.
Chúng ta cũng cần có kinh nghiệm sống niềm vui khi gặp gỡ chính Chúa Phục Sinh. Đồng thời, khi được gặp gỡ Chúa, chúng ta cũng được thúc bách để chia sẻ niềm vui ấy trong cộng đoàn, gia đình, khu xóm, trường học … Chính những chia sẻ kinh nghiệm gặp gỡ Chúa này sẽ là cách thức loan báo Tin Mừng cách hữu hiệu nhất.
Sự sợ hãi đã không thể ngăn cản bước chân của người phụ nữ lên đường trở về báo tin cho các môn đệ. Còn với chúng ta thì sao? Không ít lần sự sợ hãi cản bước chân chúng ta, cản đôi tay chúng ta, cản trái tim chúng ta đến với những người cần giúp đỡ, đến với những người cần được yêu thương. Không ít lần vì sợ hãi mà chúng ta không dám đứng lên để bảo vệ sự thật, không dám hy sinh để bênh vực công lý… Là một Kitô hữu đích thực, chúng ta được mời gọi đừng sợ hãi nhưng hãy can đảm ra đi để đem tin vui phục sinh đến với những ai đang u sầu, đem ánh sáng phục sinh sưởi ấm những tâm hồn đang đắm chìm trong đêm đen của tội lỗi.
Lạy Chúa, xin ánh sáng phục sinh nung đốt tâm hồn chúng con, đồng thời xin ban thêm sức mạnh và lòng nhiệt thành để chúng con can đảm ra đi đem niềm vui và tình yêu đến với những người đang sống xung quanh chúng con.
Tu sĩ Giuse Đinh Ngọc Hiển, SVD

Thứ Ba – Ngày 14 – Tháng 4

TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

Bài đọc : Cv 2,36-41
Tin Mừng : Ga 20,11-18

Khi ấy, bà Maria Mácđala đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giêsu, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. Thiên thần hỏi bà: “Này bà, sao bà khóc?” Bà thưa: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!” Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giêsu đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giêsu. Đức Giêsu nói với bà: “Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai?” Bà Maria tưởng là người làm vườn, liền nói: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.” Đức Giêsu gọi bà: “Maria!” Bà quay lại và nói bằng tiếng Hípri: “Rápbuni!” (nghĩa là ‘Lạy Thầy’) […]

VAI TRÒ CỦA MARIA MÁCĐALA

Trong trình thuật về sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô theo tác giả Tin Mừng thứ tư, bà Maria Mácđala được miêu tả là người phụ nữ đầu tiên được thấy Chúa Giêsu Phục Sinh. Vậy bà có vai trò quan trọng gì trong biến cố Chúa Phục Sinh?
Trong hành trình Chúa Giêsu lên Giêrusalem để chịu thương khó, dù các môn đệ có chối bỏ và phản bội Thầy, nhưng bà Maria Mácđala vẫn nhất quyết theo Thầy cho tới dưới chân thập giá (x. Ga 19,25). Đặc biệt, bà là người phụ nữ đầu tiên được Chúa Giêsu hiện ra sau khi Người được Thiên Chúa cho sống lại và sai đi loan truyền tin vui phục sinh. Có thể nói, bà Maria Mácđala là “sứ giả đầu tiên” loan báo sự phục sinh của Chúa Giêsu, điều mà thánh Tôma gọi là “tông đồ của các tông đồ”.
Tin Mừng còn thuật lại rằng khi Chúa Giêsu gọi chính tên Maria, bà đã nhận ra đây chính là Thầy Giêsu chứ không phải là người giữ vườn như lúc đầu bà đã nghĩ (x.Ga 20,14-16). Giây phút gặp Đấng Phục Sinh đã làm bà vượt qua sự buồn rầu và sự sợ hãi. Bà vui mừng báo tin cho các môn đệ rằng Chúa đã phục sinh.
Như thế, bà Maria Mácđala gợi lên cho chúng ta mẫu gương của niềm hy vọng trong việc tìm kiếm chỉ duy mình Chúa trong mọi cảnh huống của cuộc đời, luôn tín thác và kinh nghiệm rõ về Người. Nhìn lại vai trò của bà Maria trong biến cố Chúa Phục Sinh, chúng ta cũng được mời gọi tin tưởng vào Người, ngay cả trong những lúc khổ đau, thất vọng, hay thất bại; đồng thời, làm chứng cách nhiệt thành cho Tin Mừng Phục Sinh.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con nhận ra vai trò của chúng con như bà Maria đã nhận ra vai trò của bà, trong việc làm chứng nhân loan tin vui Chúa Phục Sinh cho muôn người.
Tu sĩ Phaolô Nguyễn Phước Hiền, SVD 

Thứ Tư – Ngày 15 – Tháng 4

TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

Bài đọc : Cv 3,1-10
Tin Mừng : Lc 24,13-35

[…] Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giêsu làm như còn phải đi xa hơn nữa. Họ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.” Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. Những người này bảo hai ông: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Simôn.” Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

KHÁT KHAO CỦA CON NGƯỜI

Hai môn đệ làng Emmau đi theo Đức Giêsu chỉ để kiếm tìm lợi lộc trần thế. Họ nghĩ rằng Đức Giêsu sẽ là một vị lãnh tụ chính trị lỗi lạc và sẽ thành công trong việc giải phóng dân tộc Do Thái, khi thấy Ngài có khả năng thu hút người khác qua tài thuyết giảng, làm nhiều phép lạ, chữa bệnh và trừ quỷ …
Thế nhưng, Thầy Giêsu của họ đã chết cách nhục nhã trên thập giá. Và họ nghĩ rằng chết là hết, đằng sau cái chết không có gì để hy vọng. Tất cả mọi khao khát, ước mơ, hy vọng và toan tính mang tính lợi lộc trần thế của họ đều tan thành mây khói. Cho nên, sau thảm kịch thập giá của Đức Giêsu, hai môn đệ làng Emmau sống trong hoang mang, buồn sầu, thất vọng, khủng hoảng, mất niềm tin và lo lắng về tương lai. Chính vì thế mà họ đã rời bỏ Giêrusalem để quay về làng Emmau của mình, quay về với công việc làm ăn sinh sống trước đây, quay về nếp sống cũ.
Trong hoàn cảnh đó, Chúa Giêsu đã không bỏ rơi họ. Ngài đã hiện đến và đồng hành với họ. Ngài đã dùng những lời trong Kinh Thánh để khơi dậy và nâng đỡ đời sống đức tin của họ. Ngài đã làm cho lòng họ bừng cháy trở lại sau thảm kịch thập giá. Và Ngài đã dùng bàn tiệc Thánh Thể để cho họ nhận ra sự hiện diện của Ngài. Từ đó, Ngài làm cho họ hy vọng và khao khát những điều hoàn toàn khác với những khao khát mang tính lợi lộc trần thế của họ.
Lạy Chúa Giêsu, trong cuộc lữ hành đức tin nơi dương thế, nhiều lúc chúng con cũng sẽ rơi vào tình trạng hoang mang, buồn sầu, thất vọng, khủng hoảng, mất niềm tin và lo lắng, vì không được thỏa mãn những toan tính mang tính lợi lộc trần thế như hai môn đệ Emmau xưa. Xin Chúa luôn đồng hành, ủi an và nâng đỡ niềm tin của chúng con, nhất là cho chúng con nhận ra rằng Ngài luôn hiện diện bên cạnh, để chúng con hy vọng và khao khát những thực tại trên trời.
Lm. Antôn Nguyễn Thanh Hà, SVD

Thứ Năm – Ngày 16 – Tháng 4

TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

Bài đọc : Cv 3,11-26
Tin Mừng : Lc 24,35-48

Khi ấy, hai môn đệ từ Emmau trở về thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh. Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giêsu đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em!” Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. Nhưng Người nói: “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không?” Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông […]

BÌNH AN CỦA ĐẤNG PHỤC SINH

Nhân loại vẫn luôn muốn kiếm tìm và khao khát bình an. Nhưng bình an đích thực đến từ đâu? Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy rằng sự kiện Chúa Phục Sinh đã mang lại bình an và sự sống mới cho toàn nhân loại. Sự phục sinh của Chúa Giêsu cũng xoá đi bao nỗi buồn phiền và sợ hãi đang hiện diện nơi các môn đệ.
Lời đầu tiên mà Chúa Giêsu Phục Sinh trao ban cho các môn đệ là lời chúc bình an: “Bình an cho anh em”. Quả vậy, bình an của Chúa Phục Sinh chính là ân ban giúp các môn đệ tin tưởng vào Thầy của mình, bởi lúc này lòng các ông đang rối bời và bất an. Chỉ cách đó mấy hôm, các ông đã chứng kiến Thầy Giêsu của mình chịu tử nạn, rồi các ông ly tán khắp nơi và đang hoang mang chưa biết định hướng cuộc đời mình ra sao. Bình an của Chúa Giêsu Phục Sinh giúp các ông lấy lại niềm tin và hy vọng mà hướng về tương lai.
Hơn nữa, Chúa Giêsu Phục Sinh không chỉ ban bình an cho các môn đệ mà còn ban cho nhân loại. Là con người, ai cũng cầu mong đời sống mình được bình an thư thái. Người sống bình an là người sống tự do đích thực trong Thiên Chúa, không chất chứa đam mê bất chính và hận thù ghét ghen. Sự bình an tin tưởng nơi Chúa Phục Sinh giúp con người vượt qua những khó khăn trong cuộc đời, và đặc biệt giúp chúng ta vững tin vào đời sống tối hậu mai sau.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, Chúa đã mang lại niềm bình an cho nhân loại. Xin cho chúng con cũng luôn ý thức về sứ mạng trao ban bình an của Chúa cho anh chị em đồng loại.
Tu sĩ Carôlô Nguyễn Đình Giá, SVD

Thứ Sáu – Ngày 17 – Tháng 4

TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

Bài đọc : Cv 4,1-12
Tin Mừng : Ga 21,1-14

Sau đó, Đức Giêsu lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Tibêria. Người tỏ mình ra như thế này. Ông Simôn Phêrô, ông Tôma gọi là Điđymô, ông Nathanaen người Cana miền Galilê, các người con ông Dêbêđê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. Ông Simôn Phêrô nói với các ông: “Tôi đi đánh cá đây.” Các ông đáp: “Chúng tôi cùng đi với anh.” Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả. Khi trời đã sáng, Đức Giêsu đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giêsu. Người nói với các ông: “Này các chú, không có gì ăn ư?” Các ông trả lời: “Thưa không.” Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. Người môn đệ được Đức Giêsu thương mến nói với ông Phêrô: “Chúa đó!” Vừa nghe nói “Chúa đó!”, ông Simôn Phêrô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước. […]

SỰ HIỆN DIỆN CỦA ĐỨC KITÔ PHỤC SINH

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy cuộc sống thường nhật ở Galilê khi các môn đệ trở về đó để đón chờ Đức Giêsu theo lời Người phán với bà Maria Mácđala rằng: “Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó” (Mt 28,10).
Thoạt đầu khi Đức Giêsu xuất hiện, các môn đệ không nhận ra Người. Nhưng qua lời nói và hành động của Người, các ông mới dần dần nhận ra Người. Như thế, Đức Giêsu Phục Sinh luôn hiện diện giữa các môn đệ trong mọi biến cố của cuộc sống, dù đôi khi các ông không nhận ra sự hiện diện của Người. Dẫu vậy, Người luôn giúp họ thắng vượt những thất bại, nếu họ vâng nghe lời Người chỉ dẫn.
Trong niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh, chúng ta xác tín rằng Người không xa rời cuộc sống của chúng ta nhưng vẫn tiếp tục hiện diện, hướng dẫn, đồng hành và chúc phúc cho chúng ta qua mọi biến cố thăng trầm của cuộc sống miễn là chúng ta biết tín thác vào sự quan phòng của Người. Chúng ta không chỉ gặp Người trong nhà thờ, nơi các bí tích, qua Kinh Thánh nhưng còn trong từng giây phút cuộc sống của chúng ta, trong chính gia đình, trong công việc và cả trong những thất bại, hiểm nguy.
Lạy Chúa, trong bộn bề của cuộc sống, nhiều khi chúng con cảm thấy yếu đuối và vô vọng trước những hoàn cảnh đau khổ, thiếu thốn, lo lắng với những gian nan, thử thách … Xin Chúa ban cho chúng con niềm tin và sức mạnh để chúng con có thể vượt thắng được những gian nan thử thách và loan truyền tình yêu phục sinh của Chúa đến cho mọi người.
Lm. Giuse Nguyễn Quốc Đại, SVD

Thứ Bảy – Ngày 18 – Tháng 4

TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

Bài đọc : Cv 4,13-21
Tin Mừng : Mc 16,9-15

Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giêsu hiện ra trước tiên với bà Maria Mácđala, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ. Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng sống với Người mà nay đang buồn bã khóc lóc. Nghe bà nói Người đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin. Sau đó, Người tỏ mình ra dưới một hình dạng khác cho hai người trong nhóm các ông, khi họ đang trên đường đi về quê. Họ trở về báo tin cho các ông khác, nhưng các ông ấy cũng không tin hai người này. Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy. Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.”

RA ĐI

Đoạn Tin mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giêsu phục sinh hiện ra vào tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần và sai các môn đệ “ra đi” loan báo Tin Mừng. Lệnh truyền “ra đi” đã đánh động tâm hồn tôi bởi vì nó gợi lên trong tôi nhiệt huyết dấn thân.
Nhiệt huyết dấn thân là điều cần thiết dù cho là ai, ở bất kỳ vị trí nào. Bởi điều đó sẽ giúp con người ta hăng say làm việc với hết khả năng mình có. Chúa Giêsu đã nhắn nhủ các môn đệ hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo (x. Mc 16,15). Lời nhắn nhủ này đã trở thành lệnh truyền loan báo Tin Mừng mà Công đồng Vatican II xác định là “bản chất” của Giáo Hội.
Là tu sĩ sống đời thánh hiến trong Hội Dòng truyền giáo, bản thân tôi nhận thức được tầm quan trọng của sứ vụ dấn thân loan báo Tin Mừng mà Hội Dòng đang thực hiện. Tuy nhiên, đôi khi tôi nghĩ Việt Nam mới có chừng 7% dân số là người Công Giáo, nhưng sao Tỉnh Dòng không tập trung nhân sự ở trong nước mà lại liên tục gửi anh em mình đào tạo xong đi khắp nơi. Qua lời Chúa Giêsu trong đoạn Tin Mừng hôm nay, ngẫm lại tôi thấy Hội Dòng mình đang đi đúng đường lối của Chúa Giêsu. Thời trước các nhà truyền giáo đã mang Tin Mừng tới cho dân Việt. Bây giờ, mình lại trở lại “trời Tây” để tái Phúc Âm hoá, hay thậm chí đến những nơi chưa có niềm tin Kitô Giáo để loan báo Tin mừng. Đồng thời, với tinh thần “sẵn sàng đi tới bất cứ nơi đâu” của Hội Dòng, tôi tự nhủ đây không chỉ là cơ hội, là thách đố nhưng còn là nghĩa vụ mà mình cần thực hiện khi bước vào đời thánh hiến trong Dòng Ngôi Lời.
Lạy Chúa, Ngài đã dẫn đưa con đến với Ngài trong tình yêu. Xin Ngài luôn đồng hành với con trong mỗi bước đường con ra đi để thi hành sứ vụ.
Tu sĩ Giuse Tạ Quang Duy, SVD

 

 

 

 

 

 

 

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật Phục Sinh – Năm A
Bài tiếp theoĐTC Phanxicô thành lập Ủy ban mới nghiên cứu về chức nữ phó tế

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.