♦ Lm. Antôn P. Nguyễn Phi Tiến, SVD trích dịch sang Việt ngữ từ: Abbot Guéranger, O.S.B., “The Liturgical Year: Lent”, Volume 5, (bản dịch tiếng Anh của Domlaurence Shepherd, O.S.B.), St. Bonaventure Publications 2000, tr. 1-20.
CHƯƠNG I: LỊCH SỬ MÙA CHAY
Bốn mươi ngày chay thánh mà chúng ta gọi là Mùa Chay[1] đã được hình thành ngay từ buổi đầu của Kitô Giáo, đây là một khoảng thời gian mà Giáo Hội chuẩn bị để mừng Đại Lễ Phục Sinh. Chính Thiên Chúa chí thánh của chúng ta đã làm gương bằng cách sống chay tịnh suốt 40 đêm ngày trong sa mạc; và mặc dầu Ngài không minh nhiên ban bố một lệnh truyền buộc nhân loại phải tuân giữ việc chay tịnh (vì nếu thế, lệnh truyền ấy sẽ không thể miễn trừ trong những trường hợp đặc biệt nào), nhưng Ngài đã nêu gương sống chay tịnh cho chúng ta, điều mà Thiên Chúa đã nhiều lần truyền dạy cho Dân Người trong Cựu Ước cũng mời gọi con cái của Giáo Ước Mới phải thi hành.
Liên quan đến việc chay tịnh, chúng ta sẽ bắt gặp trong Tin Mừng của thánh Gioan: “Bấy giờ, các môn đệ ông Gioan Tẩy Giả đến gặp Đức Giêsu và hỏi rằng: Tại sao chúng tôi và các người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?”. Đức Giêsu trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay.”[2]
Và chúng ta cũng có thể tìm thấy điều này trong Sách Công Vụ Tông Đồ, sau khi Giáo Hội được khai sinh thì các môn đệ của Chúa đã chuyên tâm vào việc chay tịnh. Trong thư của các thánh Tông Đồ, các ngài cũng khuyên bảo các tín hữu thực hành việc chay tịnh. Không còn nghi ngờ gì nữa, qua các mầu nhiệm Thiên Chúa, công trình cứu chuộc của Đấng Cứu Thế đã được hoàn tất, nhưng chúng ta vẫn là những tội nhân: và ở đâu có tội lỗi, thì ở đó phải có sự đền bù tội lỗi.
Như thế, các Tông Đồ đã thiết lập luật cho sự yếu đuối của chúng ta bằng cách ban hành một quy luật cho Giáo Hội ngay từ thuở ban đầu rằng, lễ trọng Phục Sinh phải được chuẩn bị bằng một Mùa Chay phổ quát; và các ngài đã ấn định thời gian sám hối của việc chay tịnh này kéo dài 40 ngày, vì Thầy Chí Thánh của chúng ta đã thánh hiến 40 ngày chay tịnh ấy qua chính việc ăn chay của Ngài. Thánh Giêrônimô[3], thánh Lêô Cả[4], thánh Cyrillô thành Alexandria[5], thánh Isidore Seville và các các thánh Giáo Phụ khác cũng khẳng định với chúng ta rằng Mùa Chay đã được thiết lập bởi các Tông Đồ, mặc dầu, ở thời kỳ sơ khai chưa có một cách thức thống nhất để thực hành.
Như chúng ta đã tìm thấy trong “Septuagesima”[6] rằng Giáo Hội Đông phương bắt đầu Mùa Chay sớm hơn nhiều so với Giáo Hội Latinh do thói quen của họ là không bao giờ ăn chay vào các ngày thứ Bảy (hoặc thậm chí ở một số nơi khác họ cũng không giữ chay cả các ngày thứ Năm). Do đó, để đủ 40 ngày chay tịnh, buộc họ phải bắt đầu Mùa Chay vào ngày thứ Hai trước Chúa Nhật “Sexagesima”[7]. Những ngoại lệ như thế chỉ càng nhằm khẳng định một quy tắc. Chúng ta cũng đã thấy rằng Giáo Hội Latinh – ngay cả vào thời kỳ muộn như ở thế kỷ thứ VI vẫn chỉ giữ 36 ngày chay tịnh trong sáu tuần của Mùa Chay (vì Giáo Hội chưa bao giờ cho phép ăn chay vào các ngày Chúa Nhật) – sau đó đã quyết định thêm vào bốn ngày cuối của Quinquagesima[8] để Mùa Chay của Giáo Hội có đủ 40 ngày chay thánh.
Toàn bộ chủ đề Mùa Chay đã được đề cập nhiều lần và rất đầy đủ, vì vậy chúng ta sẽ tóm tắt càng chi tiết càng tốt về lịch sử mà chúng ta đang trình bày. Vì tính chất công việc không cho phép chúng ta làm nhiều hơn ngoài việc chỉ đưa ra những điều thiết yếu để giúp người tín hữu sống tinh thần của mỗi mùa. Xin Chúa ban ơn để chúng ta có thể thành công trong việc hướng dẫn cho các tín hữu tầm quan trọng của việc thực hành Mùa Chay thánh này! Tuy nhiên, cần lưu ý rằng đừng bao giờ đề cao quá mức tầm ảnh hưởng của Mùa Chay đối với đời sống tâm linh và ơn cứu độ dành cho mỗi người chúng ta.
Vì thế, Mùa Chay là khoảng thời gian được thánh hoá một cách đặc biệt để để giúp người tín hữu ăn năn sám hối; và hành động sám hối này chủ yếu được thực hiện ngang qua việc chay tịnh. Chay tịnh là một hình thức hy sinh hãm mình mà con người tự nguyện thực hiện cho chính mình như một hình thức đền tội, đặc biệt trong Mùa Chay và việc chay tịnh này được thực hiện theo đúng luật chung của Giáo Hội. Theo kỷ luật hiện hành của Giáo Hội Phương Tây, việc chay tịnh trong Mùa Chay thánh không nghiêm ngặt hơn so với việc chay tịnh được quy định cho các ngày vọng của một số lễ trọng và các ngày cầu mùa. Tuy nhiên, việc chay tịnh được duy trì trong suốt 40 ngày liên tiếp, chỉ trừ các ngày Chúa Nhật.
Chúng ta thường cho rằng không cần thiết để chứng minh tầm quan trọng và lợi ích của việc chay tịnh. Tuy nhiên, cả Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước đều tràn ngập những lời khen ngợi về việc thực hành thánh thiện này. Các truyền thống của mọi quốc gia trên thế giới đều chứng thực rằng việc tôn kính phổ quát mà trong đó sống chay tịnh luôn được đề cao; bởi không có một dân tộc hay tôn giáo nào, dù có đánh mất đi sự thuần khiết của những truyền thống nguyên thuỷ đến đâu, lại không xác tín rằng con người có thể làm nguôi lòng Thiên Chúa bằng cách hy sinh hãm mình và sám hối ăn năn.
Thánh Basiliô, thánh Gioan Kim Khẩu, thánh Giêrônimô và thánh Grêgôriô Cả đều nhận xét rằng điều răn mà Thiên Chúa ban cho tổ tiên nhân loại chúng ta trong vườn địa đàng là một điều răn về sự hy sinh hãm mình và chính vì tổ tiên của chúng ta đã không tuân giữ nên đã gieo tai giáng họa cho bản thân và nhân loại chúng ta, là những người con cháu của họ. Và từ đó về sau, vị Vua của thụ tạo phải trải qua một cuộc sống thiếu thốn vật chất trên trái đất (vì trái đất không còn mang lại cho Ngài sản phẩm tự nhiên nào, ngoại trừ gai góc và cỏ dại), là một minh chứng rõ ràng nhất về luật sám hối mà cơn thịnh nộ của Thiên Chúa giáng xuống trên những ai chống lại Thiên Chúa.
Trong suốt hơn 2000 năm trước trận đại hồng thuỷ, con người không có thực phẩm nào khác ngoài hoa màu ruộng đất, và những hoa trái này chỉ có được là nhờ vào công lao vất vả của con người. Nhưng khi Thiên Chúa đầy lòng thương xót rút ngắn tuổi thọ của con người lại để con người có ít thời gian và sức lực để phạm tội, Ngài đã cho phép con người ăn thịt động vật như một nguồn dinh dưỡng bổ sung trong trạng thái sức khoẻ bị suy giảm. Đó cũng chính là lúc ông Noê được hướng dẫn bởi ơn soi sáng từ Thiên Chúa và đã chiết xuất nước trái nho, thứ nước trở thành nguồn dinh dưỡng bổ sung cho sự suy nhược của con người.
Như thế, ăn chay là một việc hy sinh hãm mình khỏi những loại thực phẩm như thế này, những thứ đã được Thiên Chúa cho phép nhằm hỗ trợ sức mạnh thể xác. Trước hết, việc ăn chay bao gồm việc kiêng thịt, bởi vì thịt được Thiên Chúa ban cho con người như một sự nhượng bộ khi sức khoẻ của con người bị giảm sút và yếu nhược, chứ không phải là một thứ vật chất hoàn toàn cần thiết để duy trì sự sống. Việc hy sinh hãm mình các thực phẩm này là yếu tố thiết yếu trong khái niệm chay tịnh, nhiều hay ít tuỳ theo quy định của Giáo Hội. Trong nhiều thế kỷ, trứng và các sản phẩm từ sữa đã không được phép ăn trong những ngày chay tịnh vì chúng thuộc loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật; thậm chí cho đến ngày nay, những thực phẩm ấy vẫn bị cấm trong các Giáo Hội Đông Phương.
Vào những thời kỳ đầu của Kitô giáo, việc chay tịnh cũng bao gồm cả việc kiêng rượu, như chúng ta được biết qua thánh Cyrillô thành Giêrusalem[9], thánh Basiliô[10], thánh Gioan Kim Khẩu[11], thánh Thêôphilô thành Alexandria[12] và các vị khác. Các Kitô hữu Đông Phương đã tuân giữ thực hành này khá lâu, nhưng điều đó cũng không coi là bắt buộc đối với họ.
Cuối cùng, việc chay tịnh bao gồm việc tự tiết chế một phần thực phẩm thường ngày của chúng ta, vì luật ăn chay chỉ cho phép ăn một bữa trong ngày. Mặc dầu có rất nhiều sự thay đổi được đưa vào qua các thời kỳ trong kỷ luật Mùa Chay, nhưng những điểm mà chúng ta đã đề cập ở đây thuộc về bản chất của việc chay tịnh và hiển nhiên đây là những thực hành phổ quát của Giáo Hội.
Trong Luật Cũ, vào những ngày chay tịnh, phong tục của người Do Thái là không ăn bữa chính trước khi mặt trời lặn. Giáo Hội Kitô Giáo đã áp dụng phong tục này. Phong tục này đã được thực hiện một cách cẩn thận trong suốt nhiều thế kỷ, ngay cả nơi các quốc gia Phương Tây. Tuy nhiên, vào khoảng thế kỷ thứ IX, có một vài nới lỏng bắt đầu được áp dụng trong Giáo Hội Latinh. Do đó, chúng ta có các quy định của Theôdulphô, Giám mục thành Orleans, người sống vào thời kỳ đó phản đối thói quen của một số người là dùng bữa vào giờ Giờ Kinh Chín (None)[13], tức là vào khoảng ba giờ chiều.[14] Tuy nhiên, sự nới lỏng dần dần lan rộng; vì vào thế kỷ thứ X, chúng ta thấy Rathêriô, một Giám mục lừng danh thành Vêrôna thừa nhận rằng các tín hữu đã được phép phá chay vào Giờ Kinh Chín[15]. Chúng ta bắt gặp một sự phản đối xảy ra muộn nhất vào thế kỷ XI, được đưa ra bởi Công Đồng tổ chức tại Rouen, và cấm các tín hữu dùng bữa trước giờ Kinh Chiều được cử hành trong nhà thờ, ngay sau Giờ Kinh Chín[16]. Tuy nhiên, điều này cho thấy rằng thói quen dời giờ Kinh Chiều sớm hơn đã bắt đầu xuất hiện để các tín hữu có thể dùng bữa sớm hơn trong ngày.
Theo phong tục, trong những ngày ăn chay, Thánh Lễ không được cử hành cho đến khi Kinh Phụng Vụ Giờ Chín được đọc xong, thường vào khoảng ba giờ chiều; và Kinh Chiều cũng chỉ được cử hành sau khi mặt trời lặn. Khi kỷ luật về việc ăn chay bắt đầu được nới lỏng, Giáo Hội vẫn giữ nguyên trật tự của các Giờ Kinh Phụng Vụ đã được truyền lại từ thời xa xưa. Sự thay đổi duy nhất mà Giáo Hội thực hiện là chuyển giờ cử hành Kinh Chiều sớm hơn; điều này kéo theo việc cử hành Thánh Lễ và Giờ Kinh Chín cũng được cử hành sớm hơn trong ngày. Thực tế, giờ cử hành đã được chuyển lên sớm đến mức khi mà tập quán cho phép các tín hữu dùng bữa vào giữa trưa đã trở nên phổ biến, thì tất cả các Giờ Kinh, kể cả Kinh Chiều đều đã hoàn thành sớm hơn trước thời điểm đó.
Vào thế kỷ XII, sự kết thúc phong tục ăn chay vào Giờ Kinh Chín đã được lan rộng khắp nơi, như chúng ta biết được qua thần học gia Huge thành Saint-Victor[17]; và đến thế kỷ XIII, phong tục này đã được các thần học Kinh Viện chính thức công nhận. Alexandria Halex tuyên bố một cách rõ ràng rằng phong tục này là hợp pháp[18]; và thánh Tôma Aquinô cũng dứt khoát tán đồng quan điểm này[19].
Nhưng thậm chí việc ăn chay cho đến Giờ Kinh Chín (tức là ba giờ chiều) cũng bị coi là quá khắt khe; và cần nới lỏng thêm nữa. Vào cuối thế kỷ XIII, chúng ta có một tác giả dòng Phanxicô lừng danh, đó là Richard của Middleton dạy rằng những ai kết thúc việc ăn chay vào giờ Kinh Sáu (tức là vào giữa trưa) không nên bị xem là vi phạm điều răn của Giáo Hội; và lý do ông ta đưa ra là: phong tục này đã được áp dụng rộng rãi ở nhiều nơi và việc ăn chay không chủ yếu phụ thuộc vào giờ giấc mà tín hữu dùng bữa nữa nhưng là dựa vào việc họ chỉ ăn một bữa trong suốt 24 giờ[20].
Thế kỷ XIV đã củng cố quan điểm của Richard cả trong phong tục phổ quát và thẩm quyền thần học. Có lẽ sẽ vững chắc hơn nếu chúng ta trích dẫn tư tưởng của vị học giả Dòng Đa Minh, Durandus, giám mục Meaux, ngài đã nói rằng không còn nghi ngờ gì nữa về tính hợp pháp của việc ăn uống vào giữa trưa; và ngài còn thêm rằng đó chính là phong tục mà vào thời điểm đó, Đức Giáo Hoàng, các Hồng Y và thậm chí các Dòng tu cũng đã thực hành[21]. Vì vậy, chúng ta không thể ngạc nhiên khi thấy quan điểm này được duy trì vào thế kỷ XV bởi các tác giả nghiêm khắc như thánh Antôniô, Hồng Y Cajetan, và những tác giả khác. Alexandria Hales và thánh Tôma đã cố gắng ngăn chặn việc nới lỏng kỷ luật vượt quá Giờ Kinh Chín; nhưng lòng nhiệt huyết của các ngài đã không đạt được và kỷ luật hiện tại đã được thiết lập, có thể nói là trong suốt cuộc đời của các ngài.
Nhưng trong khi nới lỏng việc ăn chay vào một thời điểm quá sớm trong ngày như lúc 12 giờ trưa, thì nó cũng có hai mặt: một mặt nó cũng bớt khó khăn hơn trong một vài khía cạnh, nhưng mặt khác nó lại làm cho việc ăn chay trở nên khắt khe hơn ở một số khía cạnh khác. Cơ thể trở nên mệt mỏi vì những công việc vất vả trong nửa ngày sau; và bữa ăn vốn trước đây kết thúc một ngày để xoa dịu cơn thèm ăn do mệt mỏi giờ đây đã được ăn từ trước. Người ta nhận thấy cần thiết phải cung cấp một chút thức ăn nhẹ vào buổi tối và bữa ăn đó được coi là bữa ăn nhẹ. Quy luật của thánh Biển Đức đã quy định rất nhiều ngày ăn chay, ngoài việc ăn chay theo qui định của Giáo Hội trong Mùa Chay; nhưng luật này đã đặt ra một sự phân biệt lớn giữa hai điều: trong Mùa Chay, luật Giáo Hội buộc các tu sĩ và các tín hữu phải kiêng ăn cho đến khi mặt trời lặn, thì trong tu viện lại cho phép được ăn bữa vào Giờ Kinh Chín trong những ngày ăn chay. Tuy nhiên, vì các tu sĩ phải làm việc tay chân nặng nhọc trong những tháng mùa Hè và mùa Thu (đây chính là thời gian diễn ra những ngày ăn chay cho đến Giờ Kinh Chín vào nhiều ngày trong tuần, và thực tế là mỗi ngày từ ngày 14 tháng 9), quy luật cho phép tu viện trưởng miễn chuẩn cho các tu sĩ được uống ít rượu trước giờ Kinh Đêm (Compline) như một thức uống giải khát sau thời gian làm những công việc mệt nhọc của buổi chiều. Mọi người đều cùng giải khát với nhau trong suốt giờ giờ đọc sách buổi tối, được gọi là giờ thảo luận (trong tiếng Latinh, collatio), vì nó chủ yếu được trích từ những “cuộc nói chuyện” nổi tiếng của Cassian. Do đó, buổi giải khát trong tu viện được gọi là bữa ăn nhẹ.
Chúng ta tìm thấy một Công Nghị của Aix-la Chappelle được tổ chức vào năm 817, đã mở rộng việc ân xá này ngay cả đối với việc chay tịnh Mùa Chay, lý do là bởi các tu sĩ quá mệt mỏi khi phải cử hành nhiều nghi lễ và giờ kinh Phụng Vụ trong mùa thánh này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng, bữa ăn nhẹ buổi tối sẽ gây hại cho sức khoẻ, trừ khi có một loại thức ăn mặn nào đó được phép ăn kèm với rượu. Vào cuối thế kỷ XIV hoặc đầu thế kỷ XV, một thói quen được đưa vào trong bữa ăn nhẹ là có thêm một miếng bánh với thức uống trong bữa ăn nhẹ buổi tối.
Theo lẽ tự nhiên, những sự giảm nhẹ trong thực hành chay tịnh khắc khổ cổ xưa về việc ăn chay đã nhanh chóng lan truyền từ tu viện ra thế giới bên ngoài. Thói quen sử dụng một ít thức uống vào những ngày ăn chay, ngoài bữa ăn chính dần dần được hình thành; và ngay từ thế kỷ XIII, chúng ta thấy thánh Tôma Aquinô đã thảo luận về vấn đề này liệu việc sử dụng một ít đồ uống có được xem là vi phạm quy luật ăn chay hay không.[22] Ngài trả lời là không; tuy nhiên, ngài không cho phép bất kỳ thứ thực phẩm nào được dùng chung cùng với thức uống. Tuy nhiên, khi việc dùng bữa một lần vào giữa trưa trong các ngày ăn chay đã trở thành thực hành phổ quát (như vào cuối thế kỷ XIII, và càng được củng cố trong suốt thế kỷ XIV), chỉ uống thức uống đơn thuần được xem là không đủ để cung cấp năng lượng, và người ta đã bổ sung bánh mì, rau thơm, trái cây, … Đây là thực hành chung cho cả ngoài đời và lẫn trong tu viện. Tuy nhiên, tất cả đều hiểu rõ rằng những thực phẩm này không được sử dụng với số lượng quá nhiều đến mức biến bữa ăn nhẹ thành một bữa ăn thứ hai.
Như vậy, sự suy giảm lòng đạo đức và sự suy yếu chung về thể xác của người Phương Tây đã làm xâm hại đến việc tuân giữ thực hành nguyên thuỷ của việc chay tịnh. Để hiểu rõ hơn về lịch sử về sự thay đổi đáng tiếc này, chúng ta phải đề cập đến một sự nới lỏng khác. Trong nhiều thế kỷ, việc kiêng thịt động vật cũng bao gồm lệnh cấm tất cả các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, ngoại trừ cá. Cá do bản chất lạnh của nó, cũng như vì một số lý do thánh thiêng dựa trên Kinh Thánh, luôn cho phép những người ăn chay sử dụng. Mọi loại thực phẩm phát xuất từ sữa đều bị cấm.
Kể từ thế kỷ IX, thói quen ăn thực phẩm từ sữa trong Mùa Chay bắt đầu trở nên phổ biến ở Tây Âu, đặc biệt là ở Đức và các quốc gia phía Bắc Âu. Công Đồng Kedlimberg được tổ chức vào thế kỷ XI đã cố gắng chấm dứt thói quen này như một sự lạm dụng, nhưng không có hiệu quả.[23] Các Giáo Hội này đã khẳng định rằng họ đúng và bảo vệ thói quen của mình bằng cách xin ân xá (dù thực tế chỉ là những ân xá tạm thời) mà nhiều Đức Giáo Hoàng đã ban cho họ; cuộc tranh cãi kết thúc khi họ được để yên và tự do tận hưởng những gì họ đã yêu cầu. Các Giáo Hội ở Pháp đã phản đối sự đổi mới này cho đến thế kỷ XVI; nhưng đến thế kỷ XVII, Giáo Hội Pháp cũng đã nhượng bộ và chấp nhận loại thực phẩm bắt nguồn từ sữa được phép cho sử dụng trong Mùa Chay trên toàn vương quốc. Như một sự hợp thức hoá cho việc vi phạm kỷ luật cổ xưa này, kinh thành Pari đã thiết lập một nghi thức long trọng, qua đó họ muốn thể hiện sự hối tiếc khi buộc phải thực hiện một sự nới lỏng như vậy.
Vào Chúa Nhật Quinquagesima, tất cả các giáo xứ khác nhau đều diễu hành đến nhà thờ Đức Bà Notre Dame. Các dòng tu Đa Minh, Phanxicô, Carmêlô và Augustinô đều tham gia vào cuộc diễu hành này. Hội Đồng Giám mục thành phố cùng với bốn giáo xứ trực thuộc đã tổ chức một buổi cầu nguyện tại sân cung điện và hát thánh ca trước di tích của Thánh Giá được trưng bày tại Đền Thánh Chapelle. Những thói quen sùng đạo này được thiết lập nhằm nhắc nhở mọi người về sự khác biệt giữa việc tuân giữ Mùa Chay trong quá khứ và hiện tại, vẫn được tiếp tục được thực hiện cho đến cuộc cách mạng Pháp[24] (1789).
Tuy nhiên, sự ân xá cho việc sử dụng thực phẩm từ sữa động vật trong Mùa Chay không bao gồm trứng. Ở đây, kỷ luật cổ xưa vẫn được duy trì, ít nhất là đến mức này, rằng trứng không được phép ăn, trừ khi có giấy phép đặc biệt và giấy phép này phải được gia hạn mỗi năm. Chắc chắn với sự lo lắng cho lợi ích thiêng liêng của con cái mình, Giáo Hội luôn tìm cách để duy trì tất cả những gì có thể trong các hành vi sám hối, nhờ đó họ có thể đứng vững trước sự xét xử công minh của Thiên Chúa. Với mục đích này, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XIV lo ngại trước sự dễ dãi quá mức trong việc xin ân xá vào thời điểm đó, đã tái khẳng định qua Sắc Lệnh long trọng được ban hành vào ngày 10 tháng 6 năm 1745, lệnh cấm ăn cá và thịt trong cùng một bữa ăn vào những ngày ăn chay.
Cũng chính Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XIV, một người sống tinh thần tiết độ rất chuẩn mực, ngay sau khi lên ngôi Giáo Hoàng, ngài đã gửi một thông điệp đến với các giám mục trên toàn thế giới Công Giáo để bày tỏ nỗi đau buồn sâu sắc của ngài khi chứng kiến sự nới lỏng quá mức về việc thực hành chay tịnh được phổ biến giữa các tín hữu bởi những ân xá thiếu cân nhắc và không cần thiết. Thông điệp được đề ngày 30 tháng 5 năm 1741. Chúng tôi trích dẫn đoạn sau đây từ lá thư của ngài: “Việc tuân giữ Mùa Chay chính là dấu ấn đặc trưng của cuộc chiến đấu Kitô giáo. Nhờ việc tuân giữ này, chúng ta chứng minh rằng mình không phải là kẻ thù của thập giá Chúa Kitô. Nhờ đó, chúng ta tránh được những án phạt công minh của Thiên Chúa và chúng ta có thêm sức mạnh chống lại các quyền lực bóng tối. Vì thế, chúng ta được bao bọc chở che bởi sự trợ giúp từ thiên giới. Nếu nhân loại trở nên lơ là trong việc tuân giữ Mùa Chay, điều đó sẽ làm tổn hại đến vinh quang của Thiên Chúa, làm ô danh Giáo Hội Công Giáo và gây nguy hại cho các linh hồn Kitô hữu. Cũng không thể nghi ngờ rằng sự lơ là này sẽ trở thành nguồn gốc của bất hạnh cho thế giới, dẫn đến những tai hoạ chung cho nhân loại và nỗi thống khổ riêng cho mỗi người.[25]
Hơn 100 năm đã trôi qua kể từ khi lời cảnh báo long trọng này của Đấng Đại Diện Chúa Kitô được ban bố cho thế giới, và trong khoảng thời gian đó, sự nới lỏng mà ngài đã lên án càng ngày càng gia tăng. Quả thật, có rất ít người Kitô hữu mà chúng ta gặp còn giữ nghiêm ngặt việc tuân giữ Mùa Chay ngay cả dưới hình thức nhẹ nhàng hiện tại![26]
Và một điều chắc chắn là không thể nào không để lại hậu quả từ tinh thần nới lỏng chay tịnh thái quá và việc thiếu kỷ luật thân xác này, đó là sự yếu đuối chung về nhân cách, điều này cuối cùng sẽ dẫn đến những rối loạn xã hội khủng khiếp. Những lời tiên báo buồn thảm của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XIV quả thật đúng đắn. Có những quốc gia mà rất nhiều người dân của họ không còn sống tinh thần chay tịnh và thực hành sám hối nữa. Họ đang chất đống cơn thịnh nộ của Thiên Chúa lên chính mình, và đang thách thức sự công minh của Thiên Chúa để huỷ diệt họ bởi một trong những tai hoạ này: sự bất hoà dân sự hoặc chiến tranh xâm lược. Ngay tại đất nước chúng ta, có một sự mâu thuẫn mà bất kỳ tâm tưởng suy nghĩ nào cũng phải nhận ra: một mặt, việc tuân giữ ngày của Chúa và mặt khác, việc không tuân giữ các ngày sám hối và chay tịnh của quốc gia. Việc đầu tiên thật đáng ngưỡng mộ, nếu chúng ta loại trừ những thái quá của chủ nghĩa thanh giáo[27] và thể hiện một ý thức sâu sắc về tôn giáo; nhưng việc thứ hai là một trong những dấu hiệu tồi tệ nhất cho tương lai. Lời của Chúa không thể sai lầm: nếu chúng ta không sám hối, chúng ta sẽ hư mất[28]. Như dân thành Nivivê, nếu thế hệ chỉ biết ưa thích sự dễ dãi và hưởng thụ biết quay trở về với con đường sám hối và đền tội thì biết đâu cánh tay của Thiên Chúa vốn đã giươg cao để trừng phạt lại có thể ban phúc lành cho chúng ta thay vì giáng phạt?
Hãy để chúng ta viết tiếp lịch sử của mình và tìm kiếm con đường tâm linh của chúng ta qua việc học hỏi lòng nhiệt thành mà các Kitô hữu thời xa xưa đã tuân giữ Mùa Chay. Trước hết, chúng ta sẽ trình bày cho độc giả một số trường hợp về cách thức mà qua đó việc ân xá đã được ban phát.
Vào thế kỷ XIII, Tổng Giám mục Braga đã thỉnh cầu với Đức Giáo Hoàng đương nhiệm là Innôcentê III, xin Đức Giáo Hoàng cho biết sự đền bù nào mà ngài có thể yêu cầu các giáo dân của mình thực hiện do hậu quả của sự thiếu hụt các thực phẩm thông thường nên đã phải ăn thịt trong Mùa Chay? Cùng lúc đó, ngài cũng đã thỉnh cầu ý kiến của Đức Giáo Hoàng về cách thức thực hành chay tịnh đối với những người đau ốm bệnh tật, những người xin được miễn trừ việc ăn chay. Dựa trên bộ Giáo Luật[29] của Giáo Hội, câu trả lời của Đức Giáo Hoàng Innôcentê thật chu đáo và đầy lòng bác ái. Nhưng qua sự kiện này, chúng ta nhận thấy rằng vào thời điểm đó, sự tôn trọng đối với luật Mùa Chay lớn đến mức nào, người ta phải xin phép Giáo Hoàng để được miễn chuẩn. Chúng ta có thể thấy nhiều trường hợp như vậy trong lịch sử của Giáo Hội.
Và khi Wenceslaus, vua của Bohemia mắc phải một căn bệnh khiến việc ăn chay trong Mùa Chay trở nên nguy hại cho sức khoẻ của ông, do đó đã xin phép Đức Giáo Hoàng Bônifatiô VIII cho phép vua được ăn thịt (1297). Đức Giáo Hoàng đã giao cho hai vị tu viện trưởng Cistercian nhiệm vụ điều tra tình trạng sức khoẻ thực sự của nhà vua; họ sẽ cấp phép miễn chuẩn nếu thấy cần thiết, nhưng với các điều kiện sau: nhà vua không tự ràng buộc mình bằng một lời thề suốt đời là sẽ ăn chay trong Mùa Chay; và các ngày thứ Sáu, thứ Bảy và lễ vọng của thánh Mathia sẽ không nằm trong sự miễn trừ; và cuối cùng, nhà vua không được ăn trước mặt người khác và phải duy trì sự điều độ trong việc ăn uống.[30]
Vào thế kỷ XIV, chúng ta bắt gặp hai chiếu chỉ miễn chuẩn được ban hành bởi Đức Giáo Hoàng Clêmentê VI vào năm 1351 cho vua John của Pháp và hoàng hậu của vua. Trong chiếu chỉ thứ nhất, Đức Giáo Hoàng xem xét rằng trong các cuộc chiến mà vua tham gia, ông thường xuyên phải ở những nơi mà việc tìm kiếm cá rất khó khăn, nên đã trao quyền cho cha giải tội của vua ban phép miễn trừ cho cả vua và đoàn tuỳ tùng của vua ăn thịt vào những ngày ăn chay, trừ Mùa Chay, các ngày thứ Sáu trong năm, một số lễ vọng; đồng thời, không ai trong số họ, kể cả nhà vua và những người đi cùng có lời thề ăn chay suốt đời.[31] Trong chiếu chỉ thứ hai, Đức Giáo Hoàng trả lời cho nhà vua về việc miễn trừ ăn chay, ngài lại tiếp tục giao cho các linh mục giải tội hiện tại và tương lai của vua quyền được miễn chuẩn việc ăn chay cho cả vua và hoàng hậu, sau khi đã tham khảo ý kiến của các bác sĩ của họ.[32]
Vài năm sau đó, tức là vào năm 1376, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XI đã gửi một lá thư miễn chuẩn cho Charles V, vua của nước Pháp và Jane là hoàng hậu của vua. Trong thư miễn chuẩn này, Đức Giáo Hoàng uỷ quyền cho linh mục giải tội quyền cho phép họ sử dụng trứng và các thực phẩm từ sữa trong suốt Mùa Chay, nếu các bác sĩ của họ cho rằng họ cần sự miễn chuẩn này. Tuy nhiên, ngài cũng nói với cả các bác sĩ và linh mục giải tội rằng ngài giao phó quyết định này cho lương tâm của các vị và các vị sẽ phải chịu trách nhiệm trước mặt Chúa về quyết định của mình. Sự cho phép tương tự cũng được cấp cho những người phục vụ và đầu bếp của họ, nhưng chỉ trong phạm vi cần thiết để nếm thức ăn khi chuẩn bị cho vua và hoàng hậu.
Thế kỷ XV cũng cung cấp cho chúng ta những ví dụ về các yêu cầu xin miễn chuẩn việc ăn chay gửi tới Toà Thánh. Chúng ta sẽ trích dẫn lá thư chiếu chỉ của Đức Giáo Hoàng Xistô IV vào năm 1483 gửi cho Giacôbê III, vua của Scotland, trong đó ngài cho phép vua ăn thịt vào những ngày chay tịnh, với điều kiện là linh mục giải tội của vua cho rằng việc miễn chuẩn này là cần thiết.[33] Trong thế kỷ tiếp theo, chúng ta thấy Đức Giáo Hoàng Juliô II cấp phép miễn chuẩn tương tự cho Gioan, vua của Đan Mạch và nữ hoàng Christina[34]; và vài năm sau, Đức Giáo Hoàng Clêmentê VII cấp phép miễn chuẩn cho hoàng đế Charles V, và một lần nữa, cho vua Henry II của Navarre và nữ hoàng Margareta.[35]
Vì vậy, ở ba thế kỷ trước, chính các nhà vua đã được đối xử như thế khi họ tìm kiếm sự miễn chuẩn khỏi luật thánh của Mùa Chay. Chúng ta nghĩ gì về sự khác biệt hiện tại đối với việc giữ chay? Có thể so sánh như thế nào giữa những tín hữu của thời xưa, họ là những người thánh thiện đạo đức luôn sống với tấm lòng kính sợ sự phán xét công minh của Thiên Chúa và tinh thần ăn năn, luôn sống vui vẻ trải qua 40 ngày chay tịnh; và những người của thời đại chúng ta, khi mà tình yêu với khoái lạc và sự nuông chiều thể xác đang lên ngôi và sự suy giảm nỗi sợ hãi của con người đối với tội lỗi? Ở đâu ít hoặc không có nỗi sợ phải ăn năn vì tội lỗi thì càng vắng bóng sự kiềm chế để ngăn chặn chúng ta khỏi phạm tội.
Giờ đây, niềm vui đơn sơ và trong sáng vào ngày lễ Phục Sinh mà tổ tiên chúng ta đã từng thể hiện sau thời gian trải qua những ngày ăn chay nghiêm ngặt trong Mùa Chay, họ thưởng thức những món ăn ngon và đầy hương vị bây giờ còn đâu? Sự bình an mà việc ăn chay nhiệm nhặt và lâu dài luôn mang lại cho lương tâm người tín hữu khả năng được vui vẻ khi họ quay trở lại với những tiện nghi của cuộc sống, những điều mà họ đã từ bỏ để dành trọn 40 ngày ăn chay, cầu nguyện và lánh xa thế gian. Điều này dẫn chúng ta đến việc đề cập thêm một số chi tiết mà sẽ giúp cho đọc giả Công Giáo hiểu rõ hơn về Mùa Chay trong các thời đại của đức tin.
Đó là một mùa mà không chỉ tất cả các trò giải trí và các buổi biểu diễn sân khấu đều bị quyền lực dân sự cấm cách[36], mà ngay cả các toà án cũng phải đóng cửa; và điều này nhằm bảo đảm sự bình an và yên tĩnh tâm hồn, điều mà rất cần thiết cho việc phản tỉnh tâm hồn mình và hoà giải với Đấng Tạo Hoá. Ngay từ năm 380, Gratian và Theodosius đã ban hành luật yêu cầu các thẩm phán tạm ngừng tất cả các vụ kiện tụng và thủ tục pháp lý trong suốt 40 ngày trước lễ Phục Sinh.[37] Bộ luật Theodosian chứa đựng một số qui định thuộc vấn đề này và chúng ta thấy rằng các Công Đồng được tổ chức vào thế kỷ IX đã kêu gọi các vị vua ở thời kỳ này thực thi quy định mà chúng ta vừa đề cập. Quy định này đã được các Bộ Luật Giáo Hội phê chuẩn và được các Giáo Phụ của Giáo Hội chấp thuận.[38] Các truyền thống Kitô giáo đáng ngưỡng mộ này đã từ lâu không còn được thực hiện ở các nước Châu Âu; nhưng chúng vẫn được giữ gìn giữa những người Thổ Nhĩ Kỳ, những người trong suốt tháng Ramadan của họ cấm cách tất cả các hoạt động pháp lý. Thật là một sự sỉ nhục cho chúng ta, những người Kitô hữu!
Trong nhiều thế kỷ, việc săn bắn cũng được coi là bị cấm trong Mùa Chay: tinh thần của mùa thánh này quá thánh thiêng để cho phép những trò giải trí ồn ào và kích thích như vậy. Đức thánh Giáo Hoàng Nicholas I ở thế thỷ IX đã cấm việc săn bắn với người Bungari[39], những người vừa mới được cải đạo sang Kitô giáo. Thậm chí mãi đến thế kỷ XIII, chúng ta vẫn thấy thánh Raymund của Pennafort dạy rằng những ai tham gia việc săn bắn trong Mùa Chay thánh thì sẽ có thể được miễn tội nếu có những hoàn cảnh cụ thể mà ngài đã chỉ rõ.[40] Việc cấm này từ lâu đã trở thành một quy định hình thức, nhưng thánh Charles Bôrômeô đã tái lập nó tại tỉnh Milanô nơi một trong các Thượng Hội Đồng của ngài.
Nhưng chúng ta đừng ngạc nhiên rằng việc săn bắn bị cấm trong Mùa Chay, khi chúng ta nhớ lại trong những thời kỳ Kitô giáo, chiến tranh đôi khi là rất cần thiết cho sự an toàn của một quốc gia cũng bị hoãn lại trong mùa thánh này. Vào thế kỷ thứ IV, hoàng đế Constantine Đại Đế đã ban hành sắc lệnh cấm các cuộc tập trận quân sự vào các ngày Chúa Nhật và thứ Sáu, để tôn kính Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chịu đau khổ và sống lại vào hai ngày này, đồng thời cũng nhằm bảo đảm sự bình an và yên tỉnh cần thiết cho việc cử hành đúng thời điểm những mầu nhiệm cao quý như vậy.[41] Đức thánh Giáo Hoàng Nicholas I hướng dẫn cho người Bungari khuyên nên giữ nguyên sự thực hành này[42]; và chúng ta biết được từ một lá thư của thánh Grêgôriô VII gửi cho Đêsiđêriô, viện phụ thành Monte Cassinô rằng điều này đã được duy trì vào thế kỷ thứ XI[43]. Chúng ta có một ví dụ về việc thực hành này trong đất nước chúng ta vào thế kỷ thứ XII, như William của Malmesbury kể lại, khi hoàng hậu Matilda, nữ bá tước của Anjou và là con gái của vua Henry đang tranh dành quyền thừa kế ngôi vua với Stephen, bá tước của Boulogne. Hai đội quân đứng trong tầm nhìn của nhau; nhưng một lệnh ngừng bắn đã được đề nghị và chấp thuận vì đó là Mùa Chay năm 1143.[44]
Chắc hẳn các độc giả của chúng ta đã nghe nói về tổ chức tuyệt vời mang tên “Sự Đình Chiến của Chúa”, nhờ đó mà Giáo Hội đã thành công trong việc ngăn chặn nhiều cuộc đổ máu vào thế kỷ XI. Đạo luật này đã cấm mang vũ khí từ tối thứ Tư cho đến sáng thứ Hai suốt cả năm, đã được sự uỷ quyền của các Giáo Hoàng cũng như Công Đồng và được tất cả các vị vua Kitô giáo thi hành. Đây là một sự mở rộng của kỷ luật Mùa Chay về việc đình chiến. Edward vị vua thánh thiện của chúng ta đã thi hành sự hảnh hưởng của nó xa hơn nữa bằng cách ban hành một đạo luật (được người kế vị của ngài là William kẻ xâm chiếm xác nhận) rằng “lệnh ngừng chiến của Thiên Chúa” phải được tuân thủ không gián đoạn từ đầu Mùa Vọng cho đến ngày Lễ Phục Sinh; vào tất cả các ngày chay tịnh; vào các lễ vọng của tất cả các lễ trọng; và cuối cùng, mỗi tuần từ Giờ Kinh Chín của ngày thứ Tư cho đến sáng thứ Hai, như đã được quy định trước đó.[45]
Trong Công Đồng Clermont được tổ chức vào năm 1095, Đức Giáo Hoàng Urbanô II, sau khi soạn thảo các quy định cho các Cuộc Thập Tự Chinh, đã sử dụng quyền bính của mình để mở rộng “thời gian ngừng chiến của Thiên Chúa” (God’s truce), như đã được tái xác nhận trong Công Đồng tổ chức vào một năm sau tại Rouen. Quy định này có nội dung là tất cả các hoạt động chiến tranh phải được đình chiến từ thứ Tư Lễ Tro cho đến thứ Hai sau Tuần Bát Nhật Lễ Ngũ Tuần, và vào tất cả các ngày vọng và lễ Đức Mẹ Đồng Trinh và lễ các thánh Tông Đồ, ngoài những quy định đã có sẵn cho mỗi tuần, tức là từ tối thứ Tư đến sáng thứ Hai.[46]
Vì thế, thế giới đã bày tỏ lòng tôn kính đối với các thực hành thánh thiêng của Mùa Chay, đồng thời lấy cảm hứng từ những thiết chế khôn ngoan nhất được gắn kết với các mùa và các lễ trong Năm Phụng Vụ. Sự ảnh hưởng của thời gian 40 ngày sám hối của Mùa Chay cũng lan toả sâu đậm đến từng cá nhân. Mùa Chay đã tái tạo năng lượng cho con người, mang lại sức mạnh mới trong cuộc chiến với bản năng tự nhiên và nhờ sự kiềm chế dục vọng, tâm hồn con người được trở nên cao quý hơn. Sự tiết chế hiện diện khắp nơi; và kỷ luật hiện hành của Giáo Hội cấm cử hành hôn phối trong Mùa Chay, nhằm nhắc nhở cho các Kitô hữu về đức tiết độ thánh thiện vốn trong nhiều thế kỷ được tuân giữ như một giới luật suốt 40 ngày, điều mà các sách Phụng vụ thánh thiêng nhất, đặc biệt sách Lễ Rôma vẫn còn ghi nhận và khuyến khích.[47]
Thật đáng tiếc khi chúng ta khép lại lịch sử Mùa Chay mà không thể khai thác thêm nhiều chi tiết thú vị khác. Chẳng hạn, chúng ta có thể khám phá bao nhiêu kho tàng từ các tập tục Mùa Chay của các Giáo Hội Đông Phương, nơi vẫn duy trì được rất nhiều kỷ luật nguyên thuỷ! Tuy nhiên, chúng ta không thể không dành trang cuối này để chia sẻ một số điểm đặc biệt sau đây.
Chúng ta đã đề cập trong một tập sách trước rằng, Chúa Nhật mà chúng ta gọi là Chúa Nhật Septuagesima[48] được người Hy Lạp gọi là Prophoné[49], vì đó là ngày khai mạc Mùa Chay được công bố. Ngày thứ Hai sau Chúa Nhật này được tính là ngày đầu tiên của tuần tiếp theo, được gọi là Apocreos[50], là tên gọi của Chúa Nhật kết thúc tuần đó, tương ứng với Chúa Nhật Sexagesima[51] của chúng ta. Giáo Hội Hy Lạp bắt đầu kiêng thịt trong tuần này. Sau đó, vào ngày hôm sau, tức là thứ Hai thì bắt đầu tuần gọi là Tyrophagos[52], và kết thúc vào Chúa Nhật cùng tên, tương ứng với Chúa Nhật Quinquagesima[53] trong truyền thống của chúng ta. Trong tuần đó, các loại thịt trắng được phép sử dụng. Cuối cùng, ngày hôm sau tức là ngày đầu tiên của tuần thứ nhất Mùa Chay và việc ăn chay bắt đầu với tất cả sự nghiêm ngặt vào ngày thứ Hai này, trong khi Giáo Hội Latinh thì hoãn việc ăn chay lại cho đến thứ Tư Lễ Tro.
Trong suốt Mùa Chay trước Đại Lễ Phục Sinh, các thực phẩm như sữa, thịt, trứng và thậm chí cả cá đều bị cấm. Thức ăn duy nhất được phép ăn kèm với bánh mì là rau củ quả, mật ong. Đối với những người sống gần biển thì có thể dùng hải sản có vỏ. Trong nhiều thế kỷ, rượu cũng không được phép sử dụng, nhưng hiện nay đã được phép. Vào Lễ Truyền Tin và Chúa Nhật Lễ Lá, Giáo Hội ban phép chuẩn để được dùng cá.
Ngoài Mùa Chay chuẩn bị cho Lễ Phục Sinh, các tín hữu Hy Lạp còn giữ thêm ba Mùa Chay khác trong năm: Mùa Chay của các thánh Tông Đồ, kéo dài từ tuần Bát Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống cho đến lễ kính thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô; Mùa Chay kính Đức Trinh Nữ Maria, bắt đầu từ ngày 1 tháng 8 và kết thúc vào ngày vọng lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời; và cuối cùng là Mùa Chay chuẩn bị cho Lễ Giáng Sinh, kéo dài 40 ngày. Việc ăn chay và hãm mình trong ba Mùa Chay này không nghiêm ngặt bằng Mùa Chay thánh trước lễ Phục Sinh. Các dân tộc Kitô giáo khác ở Đông Phương cũng giữ nhiều Mùa Chay và thực hành chay tịnh nghiêm ngặt hơn cả các tín hữu Hy Lạp. Tuy nhiên, việc đi sâu vào chi tiết này sẽ làm câu chuyện trở nên quá dài. Vì vậy, chúng ta hãy tìm hiểu các mầu nhiệm được cử hành trong mùa thánh thiêng này.
Lm. Antôn Pađôva Nguyễn Phi Tiến, SVD trích dịch
Lm. Antôn Nguyễn Phi Tiến, SVD trích dịch từ: Abbot Guéranger, O.S.B., “The Liturgical Year: Lent”, Volume 5, (bản dịch tiếng Anh của Domlaurence Shepherd, O.S.B.), St. Bonaventure Publications 2000, tr. 1-20.
CHƯƠNG II: MẦU NHIỆM MÙA CHAY>>>
CHƯƠNG III: THỰC HÀNH MÙA CHAY>>>
Chú thích:
[1] Trong hầu hết các ngôn ngữ, tên gọi của Mùa Chay nhằm diễn tả số ngày chay tịnh, 40 ngày. Nhưng “Mùa Chay” trong Giáo Hội lại mang ý nghĩa là “Mùa Xuân Chay Tịnh” (mùa của sự đổi mới, tái sinh và phục sinh trong tự nhiên), và trong tiếng Anh-Saxon cổ, “Lenten-tide” là tên gọi của Mùa Xuân.
[2] Mt 9, 14-15.
[3] Lá thư 27 gửi cho Marcellus.
[4] Bài giảng số 2, 5, 9 về Mùa Chay.
[5] Bài giảng lễ Phục Sinh.
[6] “Septuagesima” có nguồn gốc từ tiếng Latinh, nghĩa là “ngày thứ bảy mươi”. Nó đánh dấu một khoảng thời gian chuẩn bị cho Mùa Chay.
[7] Chúa Nhật Sexagesima: Sáu mươi ngày trước Lễ Phục Sinh
[8] Chúa Nhật “Quinquagesima”: Năm Mươi Ngày trước Lễ Phục Sinh.
[9] Sách Giáo Lý số IV.
[10] Bài giảng số 1 về Mùa Chay.
[11] Bài giảng số 4cho dân thành Antiôkia
[12] Thông điệp Phục Sinh 3.
[13] None là giờ Kinh Thứ Chín trong ngày, được đọc vào khoảng giờ thứ chín theo cách tính thời gian của người La Mã cổ đại, tức khoảng ba giờ chiều. Trong thời kỳ đầu của Kitô giáo, giờ None thường đánh dấu thời điểm ngừng công việc để cầu nguyện hoặc ăn bữa chính duy nhất của ngày, đặc biệt trong các ngày ăn chay. (Người Do Thái và các Kitô hữu thời sơ khai thường đợi đến giờ này mới ăn bữa đầu tiên của ngày).
[14] Chương 39 trong một tài liệu được ghi lại trong tập 8 của bộ sách Concilia do Philippe Labbe biên soạn.
[15] Bài giảng số một về Mùa Chay của tác giả Jean Mabillon, trong cuốn sách với tựa đề Spicilegium, tập 2.
[16] Orderic Vitalis, “Lịch Sử Giáo Hội”, cuốn 4.
[17] Quy Luật của thánh Augustinô, chương III.
[18] Tổng Luận Thần Học của thánh Tôma Aquinô, Phần IV, Điều 3, câu hỏi 8.
[19] Tổng Luận Thần Học của thánh Tôma Aquinô, Phần II, Câu hỏi 147, Điều 7.
[20] Phần IV của tập sách “Sententiarum Libri IV” của Peter Lombard, Đoạn 15, Câu hỏi 8.
[21] Tổng Luận Thần Học của thánh Tôma Aquinô, Phần IV, Đoạn 15, Câu hỏi 9, Điều 7.
[22] Tổng Luận Thần Học của thánh Tôma Aquinô, Câu hỏi số 147, Điều 6.
[23] Học giả Labbeus, Công Đồng, tập thứ 10.
[24] Cách Mạng Pháp (1789) là một sự kiện lịch sử quan trọng đã dẫn đến những thay đổi lớn trong xã hội, chính trị và tôn giáo ở Pháp. Cuộc cách mạng này không chỉ thay đổi cơ cấu chính trị của Pháp mà còn tác động sâu sắc đến các truyền thống tôn giáo và các thực hành của Giáo Hội, bao gồm việc thay đổi hoặc xoá bỏ nhiều nghi lễ và thói quen sùng đạo trước đây.
[25] Thông Điệp: “Chúng ta không còn nghi ngờ”.
[26] Các quy định của Giáo Hội về việc ăn chay và kiêng thịt đã được sửa đổi cho phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện hiện tại. Việc ân xá được ban mỗi Mùa Chay trong những năm trước không còn cần thiết nữa, và tất cả mọi người đều phải tuân theo luật chung của Giáo Hội. Theo luật mới của Bộ Giáo Luật, có sự phân biệt giữa việc ăn chay và kiêng ăn. Tất cả các ngày trong tuần của Mùa Chay, các ngày buộc giữ chay và một số ngày canh thức là những ngày ăn chay, nhưng thịt được phép ăn trong bữa ăn đầy đủ, ngoại trừ vào các ngày thứ Tư và thứ Sáu, cùng các ngày Chay buộc trong Mùa Chay.
[27] Chủ nghĩa thanh giáo là một phong trào tôn giáo trong đạo Tin Lành xuất hiện ở Anh vào thế kỷ XVI và XVII.
[28] Lc 13, 3.
[29] Bộ Giáo Luật., Cuốn III, về việc Ăn Chay. Tiêu đề XLVI.
[30] Raynaldi, năm 1297.
[31] D’ Achery, Spicilegium, tập IV (Spicilegium là một bộ sưu tập các tài liệu lịch sử và văn hoá quan trọng, đặc biệt là các văn bản cổ của Giáo Hội và các tu viện.
[32] Ibid.
[33] Raynaldi, năm 1484.
[34] Ibid, năm 1505.
[35] Ibid, năm 1524.
[36] Chính Hoàng đế Justinian là người đã ban hành đạo luật này, nhưng chúng ta được biết từ Photius; Bộ Luật, Tiêu đề VII, Chương I.
[37] Bộ Luật của Theodosianus, Cuốn IX, Tiêu đề XXXV, số 4.
[38] Philippe Labbe, Công Đồng, tập thứ VII và IX.
[39] Ad consultat. Bulgarorum, trích từ Labbe, Concilia, tập VIII.
[40] Summariaum Casuum Poenitentiae, Quyển III, Chương XXIX. Delapsus và Dispensation 1.
[41] Eusebius, Đời Sống của Constantine, Quyển IV, Chương XVIII và XIX.
[42] Labbe, Công Đồng, Tập VII.
[43] Ibid, Tập X.
[44] Wilhelm, Malmesbur, Lịch Sử, số 30.
[45] Labbe, Công Đồng, Tập IX.
[46] Orderic Vitalis, Lịch Sử Giáo Hội, Quyển IX.
[47] Sách Lễ Rôma, Thánh Lễ cho cô dâu và chú rể.
[48] Chúa Nhật Septuagesima rơi vào khoảng ba tuần trước thứ Tư Lễ Tro; là thời gian chuẩn bị tâm hồn và thân xác, khuyến khích suy tư, sám hối và chuẩn bị để bước vào Mùa Chay thánh thiện.
[49] Prophoné là một thuật ngữ trong truyền thống Phụng vụ Đông Phương, được sử dụng để chỉ ngày Chúa Nhật mà Mùa Chay được chính thức bắt đầu, tương ứng với Chúa Nhật Septuagesim trong truyền thống Công Giáo Rôma.
[50] Apocros là một thuật ngữ thuộc truyền thống Phụng vụ Giáo Hội Đông phương, đặc biệt trong lịch sử Byzantine. Từ này có nghĩa là “sự từ bỏ ăn thịt” hoặc “ngừng ăn thịt”, ám chỉ tuần lễ cuối cùng trước khi Mùa Chay bắt đầu, khi các tín hữu được khuyến khích chuẩn bị bước vào thời gian ăn chay nghiêm ngặn hơn.
[51] Sexagesima ám chỉ khoảng 60 ngày trước Lễ Phục Sinh, mặc dù trong thực tế chỉ cách khoảng 56 ngày. Đây là một ngày Chúa Nhật trong lịch Phụng vụ truyền thống của Giáo Hội Công Giáo Rôma, đánh dấu ngày thứ hai trong ba Chúa Nhật chuẩn bị cho Mùa Chay. Đây là một phần của giai đoạn Tiền Mùa Chay theo lịch Phụng vụ cũ, không còn được áp dụng rộng rãi sau cải cách Phụng vụ năm 1970.
[52] Tyrophagos trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “tuần ăn pho-mát” hay “tuần ăn sữa”, là tên của một tuần trong Mùa Chay của Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp. Trong tuần này, tín hữu được phép ăn các sản phẩm từ sữa như pho-mát, nhưng vẫn phải kiêng thịt. Đây là tuần trước khi Mùa Chay bắt đầu và nó tương đương với Chúa Nhật “Quinquagesima” trong lịch Mùa Chay của Giáo Hội La Mã.
[53] Quinquagesima có nghĩa là “thứ năm mươi” là ngày Chúa Nhật trước Lễ Tro trong Mùa Chay của Giáo Hội La Mã. Nó nằm vào tuần cuối một chu kỳ ba tuần trước Mùa Chay, bao gồm: Septuagesima và Sexagesima. Quinquagesima được coi là ngày chuẩn bị cuối cùng cho Mùa Chay, một thời gian đặc biệt để chuẩn bị tâm hồn và thể xác cho thời gian ăn chay, cầu nguyện và sám hối sắp tới.