Chú Giải Tin Mừng Chúa Nhật II Mùa Vọng, Năm A (Mt 3,1-12)

0
396

DÌM TRONG NƯỚC – DÌM TRONG THÁNH LINH VÀ LỬA

Lm. Giuse Phạm Duy Thạch, SVD chú giải

Bản văn và dịch sát nghĩa  (Mt 3,1-12)

Việt Hy Lạp
1 Trong những ngày ấy, ông Gioan Tẩy Giả xuất hiện, rao giảng trong sa mạc Giuđê.

2 Nói rằng: “Hãy hoán cải, vì Nước Trời đã đến gần”.

3 Vì đây là lời được chép trong sách ngôn sứ Isaiah rằng: “Có tiếng của người hô vang trong sa mạc, hãy chuẩn bị con đường của Chúa, làm cho thẳng lối đi của Người”.

4 Ông Gioan này mặc áo choàng từ lông lạc đà và dây thắt lưng bằng da quanh thắt lưng của mình, lương thực của ông là những con châu chấu cùng với mật ong hoang dã.

5 Vào lúc ấy, người ta cứ đến cùng ông, Jêrusalem và tất cả vùng Giuđê và tất cả vùng quanh sông Giorđan.

6 Họ được ông dìm liên tục trong sông Giorđan, xưng thú tội lỗi của họ.

7 Khi nhìn thấy nhiều người Pharisêu và Xađốc đến vì phép rửa của ông, ông nói cùng họ rằng: “Hỡi con cái của loài rắn độc, ai đã chỉ cho các ngươi cách chạy trốn khỏi cơn thịnh nộ sắp đến?

8 Hãy tạo ra hoa trái xứng với lòng hoán cải.

9 Các ngươi đừng tự nhủ rằng [lt. nghĩ mà nói trong mình]: ‘Chúng tôi có cha là ông Ápraham’, vì tôi nói cho các ngươi hay, từ những hòn đá này, Thiên Chúa cũng có thể làm nên (lit. làm trổi lên) một đứa con cho ông Ápraham.

10 Cây rìu đã được đặt vào rễ cây rồi. Bất cứ cây nào không sinh hoa trái tốt, sẽ bị chặt đi và quăng vào lửa.

11 Tôi dìm các ngươi trong nước để hoán cải, nhưng Đấng đến sau tôi thì quyền năng hơn tôi, Đấng mà dép quai hậu của Người, tôi không xứng đáng xách, sẽ dìm các ngươi trong Thánh Linh và lửa.

12 Đấng mà cái sàng của Người đang ở trong tay và sẽ sàng lúa, rồi sẽ thu gom lúa của Người vào kho, còn vỏ trấu Người sẽ đốt đi bằng lửa không hề tắt.

1 Ἐν δὲ ταῖς ἡμέραις ἐκείναις παραγίνεται Ἰωάννης ὁ βαπτιστὴς κηρύσσων ἐν τῇ ἐρήμῳ τῆς Ἰουδαίας

2 [καὶ] λέγων· μετανοεῖτε· ἤγγικεν γὰρ ἡ βασιλεία τῶν οὐρανῶν.

3 οὗτος γάρ ἐστιν ὁ ῥηθεὶς διὰ Ἠσαΐου τοῦ προφήτου λέγοντος· φωνὴ βοῶντος ἐν τῇ ἐρήμῳ· ἑτοιμάσατε τὴν ὁδὸν κυρίου, εὐθείας ποιεῖτε τὰς τρίβους αὐτοῦ.

4 αὐτὸς δὲ ὁ Ἰωάννης εἶχεν τὸ ἔνδυμα αὐτοῦ ἀπὸ τριχῶν καμήλου καὶ ζώνην δερματίνην περὶ τὴν ὀσφὺν αὐτοῦ, ἡ δὲ τροφὴ ἦν αὐτοῦ ἀκρίδες καὶ μέλι ἄγριον.

5 Τότε ἐξεπορεύετο πρὸς αὐτὸν Ἱεροσόλυμα καὶ πᾶσα ἡ Ἰουδαία καὶ πᾶσα ἡ περίχωρος τοῦ Ἰορδάνου,

6 καὶ ἐβαπτίζοντο ἐν τῷ Ἰορδάνῃ ποταμῷ ὑπ᾽ αὐτοῦ ἐξομολογούμενοι τὰς ἁμαρτίας αὐτῶν.

7 Ἰδὼν δὲ πολλοὺς τῶν Φαρισαίων καὶ Σαδδουκαίων ἐρχομένους ἐπὶ τὸ βάπτισμα αὐτοῦ εἶπεν αὐτοῖς· γεννήματα ἐχιδνῶν, τίς ὑπέδειξεν ὑμῖν φυγεῖν ἀπὸ τῆς μελλούσης ὀργῆς;

8 ποιήσατε οὖν καρπὸν ἄξιον τῆς μετανοίας

9 καὶ μὴ δόξητε λέγειν ἐν ἑαυτοῖς· πατέρα ἔχομεν τὸν Ἀβραάμ. λέγω γὰρ ὑμῖν ὅτι δύναται ὁ θεὸς ἐκ τῶν λίθων τούτων ἐγεῖραι τέκνα τῷ Ἀβραάμ.

10 ἤδη δὲ ἡ ἀξίνη πρὸς τὴν ῥίζαν τῶν δένδρων κεῖται· πᾶν οὖν δένδρον μὴ ποιοῦν καρπὸν καλὸν ἐκκόπτεται καὶ εἰς πῦρ βάλλεται.

11 Ἐγὼ μὲν ὑμᾶς βαπτίζω ἐν ὕδατι εἰς μετάνοιαν, ὁ δὲ ὀπίσω μου ἐρχόμενος ἰσχυρότερός μού ἐστιν, οὗ οὐκ εἰμὶ ἱκανὸς τὰ ὑποδήματα βαστάσαι· αὐτὸς ὑμᾶς βαπτίσει ἐν πνεύματι ἁγίῳ καὶ πυρί·

12 οὗ τὸ πτύον ἐν τῇ χειρὶ αὐτοῦ καὶ διακαθαριεῖ τὴν ἅλωνα αὐτοῦ καὶ συνάξει τὸν σῖτον αὐτοῦ εἰς τὴν ἀποθήκην, τὸ δὲ ἄχυρον κατακαύσει πυρὶ ἀσβέστῳ. (Matt. 3:1-12 BGT)

 

 Bối cảnh

Mt 3,1-12 là đoạn khởi đầu trong phần trình thuật thứ nhất của Tin Mừng  Mátthêu, vốn được chia thành năm trình thuật và năm bài giảng xen kẽ nhau.[1] Đoạn này được xem là phần giới thiệu cho sự xuất hiện của Đấng Mêsiah ngay sau đó (Mt 3,13). Nói đúng ra, đoạn văn này giới thiệu về người dọn đường cho Đấng Mêsiah, và cũng là đoạn mà người dọn đường giới thiệu về Đấng Mêsiah. Chính vì thế, trong bối cảnh rộng, có rất nhiều chủ đề trong bản văn này liên kết với các bản văn khác của Tin Mừng  Mátthêu. Trong suốt Tin Mừng  thứ nhất, qua lời giảng của Đức Giêsu, độc giả sẽ gặp lại những chủ đề như “Hãy hoán cải, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 4,17), “hãy sinh hoa trái” (Mt 7,16-20; 12,33; 21,41.43), hình phạt “lửa không hề tắt” dành cho cây không sinh trái tốt (Mt 7,19), thậm chí ngôn ngữ ám chỉ nhóm lãnh đạo như “rắn độc”, cũng được lặp lại (Mt 12,34; 23,33). Trong lời giới thiệu người dọn đường, bản văn nối kết với lời ngôn sứ Isaiah trong thời Cựu Ước. Hình ảnh “dìm trong Thánh Linh và lửa” nối kết chặt chẽ với thực hành Phép Rửa trong hoạt động của các tông đồ thời sơ khai, được ghi lại trong sách Công Vụ.

 Cấu trúc

Mt 3,1-12 có thể chia làm hai phần. Phần I  (1-6) là chân dung của vị tiền hô, bao gồm danh xưng, thời gian và nơi chốn xuất hiện, thông điệp, cách thức ăn mặc, và sứ vụ làm Phép Rửa. Phần II (7-12) dành riêng cho lời giảng của vị tiền hô, bao gồm lời mời gọi sinh hoa trái xứng với lòng hoán cải và lời cảnh báo dành cho những người không sinh hoa trái tốt, cùng với lời giới thiệu về Đấng làm Phép Rửa trong Thánh Linh và lửa.

I. Mô tả ông Gioan (1-6)

Bối cảnh: Những ngày ấy, Gioan Tẩy Giả xuất hiện, rao giảng, trong sa mạc Giuđêa (1)

Thông điệp: “Hãy hoán cải, vì Nước Trời đã đến gần” (2)

Lời ngôn sứ: “Có tiếng người hô trong sa mạc … chuẩn bị con đường Chúa (3)

“Người hô”: Mặc: Áo choàng từ lông lạc đà, dây thắt lưng bằng da,

Thức ăn: Châu chấumật ong hoang dã (4)

Cử hành: Dìm những người xưng thú tội lỗi (5-6)

II. Lời Giảng của ông Gioan (7-12)

Người Pharisêu và Xađốc, con cái của rắn độc, con cái Ápraham (7)

Hãy tạo ra hoa trái xứng với lòng hoán cải (8).

Cuộc xét xử: Không sinh hoa trái tốtchặt và quăng vào lửa (9-10)

Đấng đến sau (11-12): Quyền năng hơn tôi, sẽ dìm các ngươi trong Thánh Linh và lửa

Sàng lúa và thu gom lúa vào kho

Đốt vỏ trấu bằng lửa không hề tắt

 

Một số điểm chú giải

  1. Ông Gioan Tẩy Giả xuất hiện rao giảng trong sa mạc Giuđê: Tác giả Mátthêu có lời giới thiệu về Gioan một cách súc tích, ngắn gọn nhưng vẫn đầy đủ dữ liệu. Lời giới thiệu bao gồm một mệnh đề trạng ngữ chỉ thời gian (trong những ngày ấy); Tên đầy đủ của nhân vật (Gioan Tẩy Giả); Hành động (xuất hiện); Hoạt động chính yếu (rao giảng); Nơi rao giảng (sa mạc Giuđê). Mệnh đề trạng ngữ thời gian “trong những ngày ấy” là điểm nối về thời gian giữa trình thuật thời thơ ấu của Đức Giêsu với thời rao giảng công khai của Người. Tác giả không cho biết khoảng thời gian giữa đó là bao nhiêu năm. Và cũng không cho biết Đức Giêsu bao nhiêu tuổi lúc Người bắt đầu sứ vụ. “Trong những ngày ấy” thường được hiểu là thời gian bắt đầu câu chuyện rao giảng công khai của Đức Giêsu.[2] Tác giả W. Davies – D. Allison nghĩ rằng cụm từ này, thời gian của Gioan và Đức Giêsu cũng có thể là thời gian hoàn tất về mặt cánh chung, vì các danh từ thời gian như “ngày ấy” và “những ngày ấy” thường mang nội dung cánh chung trong Tin Mừng thứ nhất và nhiều lần trong Cựu Ước cũng có cách dùng ấy.[3] Khác với Mátthêu, tác giả Luca đưa ra một bối cảnh lịch sử khác hoàn chỉnh về năm, hoàng đế, tổng trấn, các tiểu vương các vùng, các thượng tế Do Thái (x. Lc 1-2). Danh xưng Gioan Tẩy Giả trong tiếng Hy Lạp bao gồm tên gọi Gioan (x.Lc 1,60.63) cùng với một biệt danh gắn liền với sứ vụ: “Người dìm” (thường hiểu là người làm Phép Rửa). Danh xưng này có lẽ đã rất phổ biến vào thời tác giả Mátthêu soạn sách Tin Mừng và cả sứ vụ làm người dẫn đường cũng không lạ lẫm gì nữa (x. Cv 13,24;19,4). Động từ “xuất hiện/ đến” (παραγίνεται) cũng chính là động từ dùng diễn tả sự xuất hiện Đức Giêsu sau đó: “Vào lúc ấy, Đức Giêsu đến [παραγίνεται] từ miền Galilê” (Mt 3,13). Ngoài sự xuất hiện của các nhà chiêm tinh ở 2,1, không nơi nào khác động từ này được dùng lại trong Tin Mừng thứ nhất.

Trong sa mạc Giuđê: Nơi chốn “sa mạc” trước hết là để phù hợp với vị trí của “tiếng người hô trong sa mạc” của ngôn sứ Isaiah, mà tác giả sẽ trích dẫn sau đó. Hơn nữa, “sa mạc” cũng là nơi chốn gắn liền với thử thách, và sửa dạy mà Chúa dành cho dân suốt bốn mươi năm trong sa mạc. Sa mạc cũng chính là nơi mà Đức Giêsu sẽ trải qua những cơn thử thách trong suốt bốn mươi ngày (Mt 4,1-11). Các ngôn sứ đề cập đến sa mạc như là một nơi của sự bắt đầu mới và sự triển nở trong sa mạc là một trong những chủ đề chính của Isaiah đệ nhị.[4] Sa mạc Giuđê là vùng sa mạc thung lũng sông Giorđan, giữa cao nguyên Giuđê, và Biển Chết và phần dưới của của sông Giorđan. Theo sử gia Josephus, giữa Biển Galilê và Biển Chết, sông Giorđan chạy dọc một sa mạc.[5]

  1. “Hãy hoán cải, vì Nước Trời đã đến gần”: Đây chính là thông điệp mà Đức Giêsu rao giảng khi khai mạc sứ vụ (Mt 4,17). Mátthêu là tác giả duy nhất trong các tác giả sách Tin Mừng, đặt lên môi miệng người dẫn đường thông điệp này. Đó là một trong những dấu hiệu cho thấy tác giả Mátthêu muốn làm cho hình ảnh của người dọn đường giống với hình ảnh của Đấng Mêsiah nhất có thể.[6] Davies – D. Allison cho rằng Mt tóm tắt lời rao giảng của Gioan và của Đức Giêsu trong Mc 1,4 và 1,15 thành lời rao giảng của Gioan, nhưng đã bỏ qua ba điều: (1) “Sự tha thứ tội lỗi”; (2) “Tin Mừng của Thiên Chúa” và “Tin vào Tin Mừng”; và (3) “Thời kỳ đã hoàn trọn”.[7] Trong Máccô, ông Gioan rao giảng một phép rửa của lòng hoán cải để được ơn tha thứ (Mc 1,4); Trong khi đó, tác giả Mátthêu chỉ nói rằng: “Ông Gioan Tẩy Giả xuất hiện rao giảng trong hoang địa Giuđê”, thiếu “phép rửa của lòng hoán cải để được ơn tha thứ”. Có lẽ, đối với tác giả Mátthêu, sự tha thứ tội lỗi chỉ đến qua cái chết hy sinh của Đấng Kitô, vì vậy, cụm từ “để được ơn tha tội” được chuyển từ phép rửa của ông Gioan đến lời trên chén rượu trong Bữa Tiệc Ly (26,28).[8] Hành động “chịu dìm” và “xưng thú tội lỗi” sau đó có thể hướng đến ơn tha thứ trong tương lai. Mệnh lệnh “hãy hoán cải” gợi nhớ đến lời nhắc nhở liên lỉ của các ngôn sứ thời Cựu Ước, kêu gọi dân Chúa “trở về” với Chúa.[9] Ở đây hành vi “hoán cải” có lý do là “vì Nước Trời đã đến gần”. Đó chính là Nước Trời mà Đấng Mêsiah sẽ giới thiệu và chỉ dẫn dân chúng cách thức để đi vào. Tác giả Mátthêu dùng cả hai danh xưng “Nước Trời” và “Nước/triều đại Thiên Chúa”, nhưng ông thường ưa thích dùng “Nước Trời” hơn là “Nước Thiên Chúa” như tác giả Máccô và Luca.
  2. Lời được chép trong sách ngôn sứ Isaiah rằng: “Có tiếng của người hô vang trong sa mạc, hãy chuẩn bị con đường của Chúa, làm cho thẳng lối đi của Người

Trong ba tác giả Nhất Lãm, chỉ có tác giả Máccô thêm lời của ngôn sứ Malakhi  trước lời ngôn sứ Isaiah: “Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta” (Ml 3,1; Cf. Xh 23,20). Có lẽ, vì cả tác giả Luca và Mátthêu đều nhận ra đây không phải là lời ngôn sứ Isaiah như tác giả Máccô giới thiệu nên họ đều bỏ đi đoạn này. Tác giả Máccô cảm thấy cần thiết phải thêm câu này nhằm làm rõ vai trò dọn đường của ông Gioan Tẩy Giả. Lời trích của ngôn sứ Isaiah là rất cần thiết để làm cho vị thế của ông Gioan Tẩy Giả được trở nên vững chắc, vì đã được một ngôn sứ uy tín báo trước cách tỏ tường. Tác giả Mátthêu giới thiệu về Gioan (rao giảng trong sa mạc) cũng như thông điệp của ông, rồi mở một mệnh đề chỉ lý do bằng lời trích của ngôn sứ Isaiah: “Vì (γάρ) đây là lời qua ngôn sứ Isaiah: ‘Có tiếng người hô trong sa mạc’”. Tiếp theo sau đó, tác giả mô tả bề ngoài và thức ăn của ông Gioan Tẩy Giả. Việc bố trí câu trích của ngôn sứ Isaiah vào giữa cho thấy sự nối kết chặt chẽ trong sứ mạng của ông Gioan Tẩy Giả với lời ngôn sứ báo trước về ông. Lời của ngôn sứ Isaiah được viết trong bối cảnh dân Israel đang trong thời gian lưu đày ở Babylon. Vị ngôn sứ khích lệ dân bằng một bối cảnh trở về Babylon. Khoảng không gian giữa Babylon và Jêrusalem, thủ đô của đất nước Giuđa (vương quốc miền Nam) là sa mạc Ả rập. Lời của ngôn sứ có vẻ như muốn diễn tả một thực tế về mặt địa hình, rằng con đường từ Babylon về Giuđa phải băng qua sa mạc với núi đồi, thung lũng hiểm trở. Chính vì thế, tiếp theo lời ngôn sứ, (như tác giả Luca trích), có mệnh lệnh “lấp núi”, “bạt đồi”, “làm bằng phẳng nơi gồ ghề”. Ngôn sứ Isaiah nói tiền báo về một cuộc Xuất Hành mới băng qua sa mạc từ Babylon về Palestine[10] Trạng ngữ “trong sa mạc” (ἐν τῇ ἐρήμω) của ngôn sứ Isaiah dường như là gắn với “con đường” và “lối đi”, trong khi đó, theo các tác giả Tin Mừng , nhất là Mátthêu, trạng ngữ này rõ ràng gắn với nơi ông Gioan Tẩy Giả rao giảng, và Mátthêu còn cụ thể hóa đó là “sa mạc Giuđê”: “Gioan Tẩy Giả xuất hiện, rao giảng trong sa mạc Giuđê”.

 

Isaiah 40,3-5 Mt 3,3 Mc 1,2-3 Lc 3,4-6
Có tiếng của người hô trong sa mạc: “Hãy chuẩn bị con đường của Chúa, làm thẳng trong sa mạc một lối đi của Thiên Chúa chúng ta”. Mọi thung lũng phải được lấp đầy, mọi núi đồi  phải được làm thấp, mặt đất không bằng, phải trở nên bằng, những nơi gồ ghề phải thành đồng bằng và vinh quang Chúa phải được tỏ lộ, và mọi xác phàm sẽ thấy nó cùng nhau, vì miệng Chúa phán như vậy” đây là lời qua ngôn sứ Isaiah: “Có tiếng của người hô trong sa mạc: “Hãy chuẩn bị con đường của Chúa, làm thẳng lối đi của Người” Như đã được chép trong sách ngôn sứ Isaiah: “Này Ta sai sứ giả trước mặt con, người chuẩn bị còn đường của Con [Ml 3,1; Xh 23,20], có tiếng của người hô trong sa mạc: “Hãy chuẩn bị con đường của Chúa, làm thẳng lối đi của Người.” Như đã được chép trong sách của những lời ngôn sứ Isaiah: “Có tiếng người hô trong sa mạc: “Hãy chuẩn bị con đường của Chúa, làm thẳng lối đi của Người. Mọi thung lũng phải được lấp đầy, mọi núi đồi phải được làm thấp, đường quanh co phải trở nên thẳng, những nơi gồ ghề phải nên bằng phẳng.”
  1. Áo choàng của mình từ lông lạc đà … dây thắt lưng bằng da … châu chấu … mật ong hoang dã: Sau khi đã giới thiệu “người hô trong sa mạc”, tác giả Mátthêu mô tả cách thức ăn mặc và thức ăn của người này. Chất liệu áo choàng (từ lông lạc đà) và dây thắt lưng (làm bằng da thú), cũng như thức ăn đều nhấn mạnh đến nơi chốn “sa mạc” hoang dã của ông Gioan Tẩy Giả. Cách mô tả này (phong cách sa mạc) vừa minh chứng ông chính là nhân vật mà ngôn sứ Isaiah nói đến, vừa giới thiệu ông là một người đơn giản trong lối sống và có thể là một người chiêm niệm. Động lực ăn kiêng của ông Gioan được cho là một sự thanh tẩy mang tính nghi thức hơn là một chủ nghĩa khắc kỷ.[11] Lối sống ẩn tu, đơn giản, chiêm niệm, hòa với thiên nhiên của ông Gioan được mô tả phần nào trong Tin Mừng Luca: “Cậu vẫn ở trong sa mạc cho đến ngày xuất hiện công khai trước dân Israel” (Lc 1,80). Sa mạc chính là nơi Chúa đã đồng hành, dẫn dắt dân suốt bốn mươi năm, và nơi mà Người đã ký kết giao ước Sinai với dân. Cách ăn mặc của ông Gioan Tẩy Giả cũng ngụ ý rằng ông chính là hình bóng của ngôn sứ Êlia. Sứ giả của vua Akhátgia đã mô tả ông Êlia là “một người mặc áo lông, mang dây thắt lưng da” (2 V 1,8). Ông Êlia cũng được mô tả như là con người của hoang địa (1 V 17,2-6; 19,3-8; 2 V 2,6-12). Ông Êlia được ngôn sứ Malakhi nói đến như là sứ giả dọn đường cho Chúa trong ngày của Chúa (Ml 3,1.23). Nhiều lần trong Tin Mừng Mátthêu, Đức Giêsu đồng hóa Gioan Tẩy Giả chính là ông Êlia (Mt 11,14; 17,10-12).
  2. Jêrusalem … tất cả vùng Giuđê … tất cả vùng quanh sông Giorđan: Mặc dù sống trong sa mạc và xuất hiện trong sa mạc, sứ vụ của ông Gioan thật sự thu hút dân chúng một vùng rộng lớn. Giêrusalem là thành phố thủ đô, tượng trưng cho vùng thành thị trù phú và trung tâm tôn giáo của người Do Thái. Tính từ “tất cả/ toàn cõi” (πᾶσα) được đặt trước cả “miền Giuđê” và “vùng lân cận sông Giorđan” cho thấy mức độ rộng lớn và tuyệt đối. Tác giả Mátthêu có phần cường điệu hóa, nhưng ý ông muốn diễn tả sức thu hút từ lời rao giảng và phép rửa của ông Gioan. Đây chính là hối nhân, và người chịu phép rửa liên tục, và cũng là thính giả cho bài giảng ông Gioan dành trực tiếp cho nhóm những người Xađốc và Pharisêu sau đó. Thực tế, các câu chuyện trong sách Công Vụ cho thấy phong trào của ông Gioan vẫn còn tồn tại tận ngoài vùng đất Palestine sau khi ông chết (ở Alexandria: 18,24-28; Ở Êphêxô: 19,1-7).[12]
  3. Dìm[13] liên tục trong sông Giorđan … xưng thú tội lỗi của họ: Động từ “dìm” được chia ở thì vị hoàn (chưa hoàn thành) diễn tả sự liên tục của hành động làm phép dìm của ông Gioan. Với một lượng người như thế, hành động dìm liên tục là một hành động dễ hiểu. Động từ “xưng thú tội” (ἐξομολογούμενοι τὰς ἁμαρτίας) được chia ở dạng phân từ, thì hiện tại, thể trung bình, có thể diễn tả một hành động đồng thời với hành động “dìm”. Họ “được dìm” trong khi “xưng thú tội lỗi” của mình; Hoặc là tác giả chỉ muốn liệt kê hành động “thú nhận tội lỗi” đi kèm theo hành động “dìm” mà không quan tâm đến sắc thái thời gian. Cũng có thể xưng thú tội lỗi là hiệu quả của hành động dìm: Khi được “dìm” rồi thì “người được dìm” cảm thấy cần thú tội. “Được dìm” cũng có thể được hiểu như là biểu lộ của sự thú tội âm thầm. Cả tác giả Máccô và Mátthêu đều đặt động từ này sau động từ “được dìm”. “Được dìm” và “xưng thú tội lỗi” đi với nhau. “Dìm” trong nước liên quan đến việc “xưng thú tội lỗi”.[14] Việc hai hành vi “dìm” và “thú nhận” tội lỗi được đặt sau thông điệp “hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng” có thể làm cho độc giả hiểu hai hành động này có nối kết chặt chẽ với sự “hoán cải vì Nước Trời đã đến gần”. Trong bối cảnh trực tiếp, hai hành động “dìm” và “thú nhận tội lỗi” cũng được ông Gioan hiểu như là cách trốn cơn thịnh nộ sắp xảy ra.
  4. Người Pharisêu và Xađốc … con cái của rắn độc … có cha là Ápraham: Tác giả Mátthêu đã giới thiệu về mức độ nhiều và phong phú của nhóm người đến cùng ông Gioan Tẩy giả để được dìm và thú nhận tội lỗi. Tuy nhiên, chỉ khi thấy nhiều người Pharisêu và Xađốc đến thì ông Gioan bắt đầu rao giảng. Tác giả Luca không nhắc đến hai nhóm người này, nhưng chỉ nói là đám đông (Lc 3,7). Tác giả Máccô không đề cập gì đến danh tánh những nhóm người đến xin làm phép rửa. Tác giả Luca đề cập đến ba nhóm người cơ bản: (i) Đám đông (Lc 3,10); (ii) Những người thu thuế (Lc 3,12); (iii) Các quan nhân (Lc 3,14). Tác giả Mátthêu liệt kê hai nhóm người đối lập với nhau và đối lập với cả ông Gioan và Đức Giêsu: Xađốc và Pharisêu. Việc kết hợp hai nhóm này lại với nhau là rất khó tin về mặt lịch sử vì hai nhóm này vốn có những niềm tin và truyền thống trái ngược nhau. Nhóm Pharisêu tin có các thiên thần, và linh hồn bất tử; Tin vào sự sống đời sau; Trong khi đó nhóm Xađốc không tin các thiên thần, linh hồn bất tử, hay sự sống đời sau (Mt 22,23; Mc 12,18; Lc 20,27). Thành viên của hai nhóm này có thể làm việc chung trong một Hội Đồng Do Thái (Cv 23,6), nhưng rất khó hòa hợp về mặt tôn giáo. Chỉ có tác giả Mátthêu gom hai nhóm này lại với nhau không những một lần mà đến hai lần. Ngoài lần này, hai nhóm này lại cùng nhau đến thử Đức Giêsu bằng cách xin Người một dấu lạ từ trời (Mt 16,1). Đức Giêsu Mátthêu cũng hay ghép hai nhóm này lại với nhau: “Phải coi chừng men Pharisêu và Xađốc” (Mt 16,6.11.12). Ở đây, họ được ông Gioan nhìn nhận theo hai chiều. Chiều tích cực, họ được gọi là “con cái ông Ápraham”. Cách nói “có ông Ápraham là cha” nhấn mạnh đến nguồn gốc của dân mà Chúa đã ký kết giao ước, dân Chúa chọn, cùng con cháu là những người được Thiên Chủa tỏ lòng thương xót đến muôn đời (Lc 1,55). “Con cháu của ông Ápraham” cũng là những người được ơn cứu độ (Lc 19,9). Đức Giêsu cũng là “con của ông Ápraham” theo trình thuật gia phả (Mt 1,1). Nghĩa là, những người này cùng dòng giống với Đức Giêsu. Những người lãnh đạo Do Thái tự hào mình là dòng dõi ông Ápraham và không làm nô lệ cho ai bao giờ (Ga 8,33). Đức Giêsu cũng nhìn nhận nguồn gốc đó của họ nhưng cũng vạch trần sự xấu xa nơi họ, không giống với ông Ápraham (Ga 8,37-40). Có thể nói rằng, họ có căn tính là hậu duệ của tổ phụ cha của những người tin, nhưng họ lại hành động xấu xa như rắn độc. Chính vì thế mà ông Gioan nói đến chiều tiêu cực về họ khi gọi họ là “con cái của những con rắn độc”. Đức Giêsu cũng có cách gọi tương tự. Có ít nhất hai lần Đức Giêsu gọi những nhóm này là “con cái của những con rắn độc”. Lần thứ nhất, Đức Giêsu cũng gọi những người Pharisêu là “con cái của những con rắn độc” (γεννήματα ἐχιδνῶν) và nghi vấn về khả năng nói điều tốt lành nơi họ (Mt 12,34). Thực tế, trong bối cảnh ấy họ đã nói Đức Giêsu dựa thế quỷ vương Beelzebul để trừ quỷ (Mt 12,24). Một lần khác, Người gọi những Kinh Sư và Pharisêu là “những con rắn và con cái của những con rắn độc” và nghi ngờ về khả năng thoát khỏi hình phạt hỏa ngục của họ (Mt 23,33). Người cũng ám chỉ những người Xađốc và Pharisêu là “một thế hệ xấu xa và ngoại tình” khi họ đến xin Người một dấu lạ từ trời (Mt 16,1-14). “Rắn độc” (ἔχιδνα) là loài rắn rất phổ biến trong thời cổ xưa và thường được hiểu theo nghĩa bóng là người ác hiểm, xấu xa.[15] Có lẽ những người Xađốc và những người Pharisêu bị gọi là “con cái của rắn độc” là vì họ thường đầu độc dân chúng bằng những tư tưởng và lời nói không tốt, gọi là “men Pharisêu và men Xađốc”. Một lần nữa, độc giả có thể thấy ngôn ngữ, cũng như quan điểm của Đức Giêsu và người dọn đường về nhóm Xađốc, Pharisêu và Kinh Sư là rất giống nhau.[16]
  5. Hoa trái xứng với lòng hoán cải … không sinh hoa trái tốt … chặt và quăng vào lửa …đốt vỏ trấu bằng lửa không hề tắt: Việc đến với ông Gioan trong tư cách là con cái của ông Ápraham xem ra không đủ để thoát khỏi cơn thịnh nộ sắp xảy ra. Điều quan trọng là phải sinh “hoa xứng với lòng hoán cải”. “Hoa trái xứng với lòng hoán cải” của hoán nhân được ví như một cây “sinh hoa trái tốt. Nếu không sinh “hoa trái tốt” thì phải đối diện với hình phạt bị chặt và quăng vào lửa. Hình ảnh cây rìu đã đặt vào rễ cây, và sẵn sàng chặt những cây không sinh trái tốt, quăng vào lửa tương tự với hình ảnh vỏ trấu bị gió thổi bay và cũng sẽ bị đốt đi bằng lửa không hề tắt. Người đốt vỏ trấu không ai khác chính là “Đấng đến sau”, tức là Đấng Mêsiah. Đây là hình ảnh của cuộc phán xét cánh chung và hình phạt là vĩnh cửu dành cho những người không sinh hoa trái tốt. Tác giả Máccô nối kết hình phạt “lửa không hề tắt” với những người phải vào Gheenna (hỏa ngục Mc 9,43.48). Trong Bài Giảng Trên Núi, Đức Giêsu của Mátthêu đã nói đến hình phạt lửa: “gheenna của lửa” (Mt 5,22; 18,9); Đặc biệt là ý tưởng “cây nào không sinh trái tốt thì bị chặt đi và quăng vào lửa” (7,19), rất giống với lời giảng của ông Gioan (Mt 3,10). Trong bài giảng về dụ ngôn, Đức Giêsu cũng nhiều lần nhắc đến hình phạt liên quan đến lửa: Đốt bằng lửa (13,40); Quăng vào lò lửa đi kèm với trở thành người khóc lóc và người nghiến răng (13,42.50). Trong bài giảng về cộng đoàn, Đức Giêsu nói hình phạt “lửa đời đời” (τὸ πῦρ τὸ αἰώνιον, 18,18). Cuối cùng, trong cảnh phát xét chung, “lửa đời đời” là hình phạt dành cho những người bị nguyền rủa, lửa đã được chuẩn bị cho quỷ và các thiên sứ của nó (25,41). Những lời này được nhắm trực tiếp đến những người Xađốc và Pharisêu, nhưng đó cũng là những lời mời gọi và cảnh báo chung cho tất cả những người từ Jêrusalem, tất cả miền Giuđê và chung quanh sông Giorđan. Hoán cải đích thực không chỉ bằng lời và nghi thức, nhưng bằng cuộc sống mới đầy những hành động tốt lành.[17] Những lời mời gọi và cảnh báo của Gioan, liên kết mật thiết với tình huống những tá điền không cung cấp hoa lợi vườn nho trong 21,43, rồi cây vả không sinh trái ở ngoài thành Jêrusalem (21,18-19) khiến nó bị chết khô.
  6. Đấng đến sau quyền năng hơn … dìm trong Thánh Linh và lửa:

Sau khi đã mời gọi sinh hoa trái xứng với lòng hoán cải và cảnh báo về hình phạt khốc liệt nếu không sinh hoa trái, ông Gioan giới thiệu về Đấng Mêsiah, Đấng phán xét: Ban thưởng và trừng phạt. Tác giả Luca giới thiệu về bối cảnh của lời giới thiệu này là: “Khi dân đang mong đợi và tất cả đều tự hỏi trong lòng về ông Gioan, liệu ông ấy có thể là Đấng Kitô không?” (Lc 3,15) và lời giới thiệu của ông Gioan nhằm giải thích lời đồn đoán ấy. Tác giả Mátthêu, cùng với tác giả Máccô, không có bối cảnh tương tự. Lời giới thiệu Gioan trong Mátthêu và Máccô không nhằm giải thích bâng khuâng của dân chúng, mà đơn giản là giới thiệu cần thiết về Đấng Kitô, trước khi Người xuất hiện. Lời giới thiệu này gồm ba phần: (1) Đấng quyền năng hơn tôi (2) Làm phép rửa bằng Thánh Linh và lửa, khác với làm phép rửa bằng nước; (3) Thu gom lúa và đốt vỏ trấu bằng lửa không hề tắt. Tác giả Mátthêu thay cụm động từ “cởi quai dép” bằng “xách dép”. Phép rửa được ông Gioan trong Mátthêu (khác với Luca và Máccô) định rõ là “phép rửa bằng nước vì lòng hoán cải”. Điều này phù hợp với thông điệp mời gọi hoán cải mà ông đã loan báo: “Hãy hoán cải, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3,2). Ông Gioan nhìn nhận đúng vị thế của mình trong tương quan với Đấng Kitô. “Không đáng cởi quai dép” (Máccô và Luca) và “xách dép” đều là những công việc của một người đầy tớ nô lệ.[18] Kiểu nói “không xứng đáng (οὐκ εἰμὶ ἱκανὸς) để xách dép” diễn tả khoảng cách vị thế của ông Gioan và Đấng Kitô là quá lớn. Mặc dù vẫn được Đức Giêsu ca ngợi là “cao trọng nhất trong số những người phàm đã lọt lòng mẹ” (Mt 11,11; Lc 7,28) và “hơn cả một ngôn sứ nữa” (Lc 7,26), ông Gioan vẫn khiêm hạ nhìn nhận đúng vị trí của mình. Những điều ông Gioan giới thiệu sẽ được minh chứng trong cảnh Đức Giêsu chịu phép rửa: “Đây là Con yêu dấu của Ta, với Người, Ta hài lòng” (Mt 3,17).

Phép rửa trong nước: Phép Rửa bằng cách dìm trong nước của ông Gioan tại sông Giorđan có rất nhiều giá trị biểu tượng. Trước hết, dòng sông Giorđan là nơi mà dân Israel đã băng qua để tiến vào đất Canaan. Trước khi băng qua sông Giorđan, họ cũng đã băng qua nước Biển Sậy ráo chân (Xh 14). Nước cũng chính là hình ảnh thanh tẩy và hủy diệt những con người tội lỗi và cứu sống gia đình công chính của ông Nôê, trong câu chuyện Lụt Hồng Thủy (St 6 – 9). Gioan đang chuẩn bị cho một dân mới băng qua sông Giorđan đi về miền đất hứa mới. Tuy nhiên, phép Rửa trong nước phải dẫn đến phép rửa trong Thánh Linh và lửa. Phép rửa của Gioan phải dẫn đến phép rửa của Đấng Kitô hay nhân danh Đấng Kitô như thực hành của các tín hữu trở lại thời sơ khai (Cv 19,1-7).

Cho/ vì lòng hoán cải (εἰς μετάνοιαν): Sự hoán cải có thể được hiểu như là mục đích hay hoa trái của phép rửa: Chịu phép rửa để hoán cải, hay sinh ra lòng hoán cải. Nó cũng có thể được hiểu như là nguyên nhân của phép rửa như tác giả J. Mantey đề nghị. Vì hoán cải nên mới chịu phép rửa.[19] Phép rửa trong nước vì lòng hoán cải cùng với những lời giảng của ông Gioan có thể được xem như là lời mời gọi “chuẩn bị con đường của Chúa”, “làm thẳng lối đi của Người” (Mt 3,2).

Phép rửa “với Thánh Linh và lửa”: Phép rửa của Đấng Kitô hoàn toàn khác với phép rửa của ông Gioan. Phép rửa này được theo sau bởi một mặc khải về cuộc xét xử: Chọn lựa lúa – thu vào kho và loại vỏ trấu – đốt bằng lửa không hề tắt. Như vậy, cuộc phán xét này rất có thể liên quan đến phép rửa bằng Thánh Linh và lửa. Hơn nữa, trước đó, một hình phạt liên quan đến lửa cũng được nói đến:  “Cây nào không sinh hoa trái tốt thì bị chặt đi và bị quăng vào lửa”. Sự liên kết có thể được nhận thấy qua việc lặp lại danh từ “lửa” (πῦρ) trước khi nhắc đến phép rửa bằng “lửa” – quăng (cây) vào lửa – và sau khi nhắc đến phép rửa bằng “lửa” – “đốt trấu bằng lửa không hề tắt”. Cả hai tác giả Luca (3,16) và Mátthêu (3,11) đều thêm danh từ “lửa” (với Thánh Linh và lửa), trong khi Máccô chỉ có “với Thánh Linh” (Mc 1,8). Có thể thấy là cả hai tác giả này nhấn mạnh đến “lửa” trong phép rửa của “Đấng đến sau”. Như đã nói trên, Tin Mừng  thứ nhất nhiều lần dùng “lửa” như là phương tiện của hình phạt cánh chung.[20] Lửa cũng có ý thanh luyện và thanh tẩy con người. Ngôn sứ Malakhi nói đến Chúa đến trong thời cánh chung. Người như lửa luyện kim và như thuốc tẩy của thợ giặt (Ml 3,2). Ngôn sứ Dacaria nói đến việc Chúa cho một phần ba dân qua lửa, luyện họ như người ta luyện bạc và thử chúng như thử vàng” (Dcr 13,9). Tác giả G. Yamasaki cho rằng phép rửa bằng lửa có thể được hiểu cách tích cực như là sự thanh tẩy hay được hiểu cách tiêu cực như là cuộc phán xét.[21] Phép rửa trong Thánh Linh đặc biệt được nhấn mạnh trong tác phẩm của Luca. Trong truyền thống Luca – Công Vụ, Phép Rửa trong Thánh Linh và lửa có thể nhắc nhớ đến biến cố trong ngày Lễ Ngũ Tuần, trong đó Thánh Linh đã xuất hiện như hình lưỡi lửa đậu trên từng người (Cv 2,3.19). Ngay sau biến cố Ngũ Tuần, ông Phêrô đã rao giảng và kêu gọi: “Anh chị em hãy hoán cải, và mỗi người chịu Phép Rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, để được ơn tha tội và anh chị em sẽ nhận được ân sủng là Thánh Linh” (Cv 2,38). Theo thánh Phaolô, các tín hữu được “tẩy rửa, được thánh hóa, được nên công chính, nhờ danh Đức Giêsu Kitô và nhờ Thánh Linh của Thiên Chúa chúng ta” (1 Cr 6,11). Sứ vụ làm phép rửa trong Thánh Linh được Đức Giêsu hứa trao cho các môn đệ trước biến cố Ngũ Tuần: “Ông Gioan làm phép rửa với nước, nhưng trong vài ngày nữa anh em sẽ chịu phép rửa trong Thánh Linh” (Cv 1,5; 11,16).[22] Có tác giả đề xuất về hai loại phép rửa mà Đấng Kitô sẽ thực hiện: Phép rửa “trong Thánh Linh” dành cho “những người công chính” và “phép rửa bằng lửa” dành cho những kẻ xấu xa”.[23] Một số tác giả khác hiểu “lửa” ở đây là “lửa Thánh Linh” thanh tẩy và đổi mới tâm hồn con người như trong Cv 2,3, dưới dạng “lưỡi lửa”.[24]

Tóm lại, phép rửa “trong Thánh Linh và lửa” một mặt có thể được hiểu như là phép rửa với sự ngự xuống của Thánh Linh, mang đến sự thanh tẩy, biến đổi cho người lãnh nhận, trong các trình thuật Công Vụ, mặt khác, có thể được hiểu như là những giáo huấn và hành động của Đức Giêsu, mang lại cho con người ơn thanh tẩy khỏi những tội lỗi, bỏ đi những thói hư tật xấu, sống điều răn Chúa với một tinh thần mới như được hướng dẫn trong Bài Giảng Trên Núi (Mt 5 – 7). Phép rửa trong “Thánh Linh và lửa” cũng ngụ ý đến một cuộc xét xử thời cánh chung được ví như một buổi “rê lúa trên sân” để rồi có lúa được thu vào kho và có vỏ trấu bị đốt đi bằng lửa không hề tắt.

  1. Cái rìu và cái xỉa/ sàng (τὸ πτύον): Cả hai dụng cụ này đều rất quen thuộc với những người nông thôn và được dùng như là biểu tượng của cuộc phán xét. “Cái rìu” chỉ được sử dụng khi một cây nào đó “không sinh hoa trái tốt”. Trong bối cảnh này, đó là “hoa trái xứng với lòng hoán cải”, của những người Xađốc và Pharisêu. Hình phạt “chặt” sẽ được nối tiếp bằng “quăng vào lửa, nghĩa là tiêu diệt hoàn toàn. Cái sàng muộn thời hơn hoặc cái xỉa cổ thời được dùng để tách biệt lúa ra khỏi trấu và rác nhờ sức gió. Thời cổ xưa người ta thường dùng những cái xỉa để tung lúa mẩy, lẫn với lúa lép và rác, lên trong gió. Lúa mẩy, vì nặng hơn nên không bị gió cuốn bay; Trong khi đó, vỏ trấu và rác nhẹ hơn bị gió cuốn bay tách ra khỏi lúa. Muộn thời hơn, người ta có thể dùng sàng để sàng, hoặc một chiếc quạt thủ công để quạt rác bay đi; Hoặc là nông dân cũng có thể rê lúa bằng một chiếc thúng tre. Hình ảnh vỏ trấu bị gió thổi bay là hình ảnh rất quen thuộc Cựu Ước dùng để diễn tả hình phạt dành cho “những người xấu”: “Những người xấu không được như vậy, chúng không khác gì vỏ trấu bị gió cuốn đi” (Tv 1,4; Cf. Tv35,5; G 21,18; Is 17,13; Hs 13,3).

 

Bình luận tổng quát

Sự xuất hiện của Đấng Mêsiah được chuẩn bị một cách long trọng trong các trình thuật Nhất Lãm. Có một người MC (sứ giả) đến dọn đường trước bằng lời rao giảng và hành động. Vị sứ giả này cũng có vai trò giới thiệu về Đấng Kitô một cách trực tiếp, trước khi Người bước vào sân khấu để rao giảng công khai. Người dọn đường được gọi là Gioan Người Dìm (Gioan Tẩy Giả). Gioan là tên riêng của ông, còn “người dìm” là biệt danh gắn liền với hoạt động, mà qua đó ông được biết đến trong toàn cõi Giuđê. Uy tín, địa vị của ông được khẳng định vững chắc qua lời trích dẫn của vị ngôn sứ nổi tiếng trong Cựu Ước. Ông là người được ngôn sứ tiền báo trước. Một người ở trong sa mạc, rao giảng trong sa mạc, ăn những thức ăn và mặc những thứ thuộc về sa mạc. Lời ngôn sứ Isaiah đệ nhị nói về một viễn cảnh của cuộc Xuất Hành mới từ Babylon băng qua sa mạc đồi núi gập ghềnh để về lại miền đất Giuđê. Bây giờ, lời này được áp dụng cho một bối cảnh mới, một cuộc xuất hành mới được ông Gioan giới thiệu và được Đấng Kitô thực hiện. Đức Giêsu sẽ vào sa mạc bốn mươi đêm ngày và cũng xuống sông Giorđan để chuẩn bị cho hành trình dẫn dân Người về đất hứa mới. Ông Gioan quy tụ quanh mình hầu như tất cả mọi người thuộc mọi vùng đất của Giuđê thời bấy giờ. Đó là những người từ kinh thành Jêrusalem đến những người thuộc vùng ngoại biên quanh sông Giorđan. Họ là những người thuộc dòng dõi ông Ápraham, dòng dõi được Chúa tỏ lòng thương xót và ban ơn cứu độ. Thành phần ưu tuyển của dòng giống ông Ápraham là những người thuộc nhóm Xađốc và Pharisêu. Họ đến với ông Gioan với tâm thức của dòng giống dân được tuyển chọn. Ông Gioan nhìn nhận căn tính và lợi thế của họ, nhưng cũng mời gọi họ hãy sinh hoa trái, xứng với căn tính ấy và xứng với nghi thức hoán cải: Làm phép rửa và xưng thú tội lỗi. Những người không sinh hoa trái xứng với lòng hoán cải được ví như một cây không sinh hoa trái tốt sẽ bị chặt đi và quăng vào lửa, hoặc là như những vỏ trấu bị đốt đi bằng lửa không hề tắt. Thời kỳ cánh chung của Đấng Mêsiah, thời kỳ Nước Trời đến vốn là một thời kỳ hạnh phúc viên mãn cho những ai hoán cải qua việc thay đổi cuộc sống, trở nên tốt lành thật sự. Lời cảnh báo về hình phạt như là một điều tất yếu sẽ xảy ra cho những người không hoán cải thật sự. Đấng quyết định và là thẩm phán chung cuộc là “Đấng đến sau, nhưng quyền năng hơn” ông Gioan Tẩy Giả. Người sẽ làm phép rửa bằng Thánh Linh và lửa. Trước hết, đó là phép rửa biến đổi con người theo linh đạo và lối sống của Đức Kitô trong suốt Tin Mừng. Kế đến, phép rửa bằng “Thánh Linh và lửa” thanh tẩy trái tim, trí óc con người, ban cho họ một trái tim mới, một trái tim yêu thương, đổ Thần Khí mới vào lòng để sinh hoa trái nhân đức: Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nại, nhân từ, lương thiện, hiền hòa, khoan dung, trung tín, khiêm nhu, tiết độ và thanh khiết (Gl 5,22-23). Cuối cùng, “lửa” trong phép rửa này sẽ trở thành ngọn lửa phán xét và trừng phạt dành cho những ai không hoán cải cách đích thực.

Lm Jos. Phạm Duy Thạch, SVD

Chú thích:

[1] Phần về thời Thơ Ấu (1,1 – 2,23); Phần kể chuyện thứ nhất (3,1 – 4,25) – Bài giảng trên núi (5,1 – 7,29);    Phần Kể chuyện thứ hai (8,1 – 9,38) – Bài giảng về sứ vụ (10,1-42); Phần kể chuyện thứ ba (11,1 – 12,50) – Bài giảng bằng dụ ngôn (13,1-52); Phần kể chuyện thứ bốn (13,53 – 17, 27) – Bài giảng về đời sống Giáo Hội (18,1-35); Phần kể chuyện thứ năm (19,1 – 23,39) – Bài giảng về tương lai (24,1 – 25,46); Phần khổ nạn – Phục Sinh – Lên Trời (26,1 – 28,20) [X. B. Byrene, “Matthew”, The Paulist Biblical Commentary (ed. R.J. Clifford et al.)(New York 2018) 908-909].

[2]D.A. Hagner, Matthew 1-13 (WBC 33A; Dallas 2002) 45.

[3] “Because ‘that day’ and ‘those days’ frequently carry eschatological content in the First Gospel (7:22; 9:15; 10:15; 11:22, 24; 12:36; 24:19, 22, 29, 36, 42, 50; 25:13; 26:29), and because there is OT precedent for such usage (Jer 3:16, 18; 31:33; 50:4; Joel 3:1; Zech 8:23), an eschatological connotation is here quite possible: the time of John and Jesus is the time of eschatological fulfilment, of what the prophets spoke” [W.D. Davies – D.C. Jr., Allison, A critical and exegetical commentary on the Gospel according to Saint Matthew (ICC; London – New York 2004) I, 288].

[4] “It was in the wilderness after the escape from Egypt that Israel began its existence as the people of God, and it will be some of those wilderness experiences which will be brought back to our attention in 4:1–11 as Jesus goes through his own wilderness testing. The hope of a new exodus then led the prophets to speak of the wilderness as a place of new beginnings (Jer 2:2–3; Hos 2:14–15; cf. Ezek 20:35–38); the blossoming of the wilderness is one of the great themes of Deutero-Isaiah (Isa 41:18–19; 43:19–21; 44:3–4, etc.)” [[4] R.T. France, The Gospel of Matthew (NICNT; Grand Rapids, MI 2007) 100.].

[5] W.D. Davies – D.C. Jr., Allison, Gospel according to Saint Matthew, 290.

[6] “This device has the effect of relating the two figures by way of content and marking off a literary unit that begins with John (3:1) and leads up to Jesus’ caIling his first disciples (4:18-22)” [D.J. Harrington, The Gospel of Matthew (SP 1; Collegeville 1991) 52].

[7] W.D. Davies – D.C. Jr., Allison, Gospel according to Saint Matthew, 292.

[8] J.P. Meier, “John the Baptist in Matthew’s Gospel”, JBL 99/3 (1980) 383-405, 338.

[9] R.T. France, The Gospel of Matthew, 101.

[10] “Taken in the wider setting of the wilderness theme in Deutero-Isaiah, the text in its original context announces God’s coming to lead his people in their “new exodus” through the wilderness from Babylon back to Palestine. It is God himself who is to come and will use the processional way” (R.T. France, The Gospel of Matthew, 105).

[11]D.J. Harrington, The Gospel of Matthew, 51.

[12]D.J. Harrington, The Gospel of Matthew, 54.

[13] “Ritual ablutions were familiar in Jewish religious and social life, as may be seen from the remains of miqwāʾōt (ritual immersion pools) found around the south side of the temple and in the vicinity of several early synagogue buildings.But baptisma as a ritual term is a distinctively Christian word, which is used both of John’s practice and of later Christian initiation to refer not to regular ablutions to remove ceremonial impurity but to a single act of symbolic cleansing marking the entry into a new relationship with God. There is no certain evidence for such a practice in contemporary Jewish life” (R.T. France, The Gospel of Matthew, 108).

[14] “He was a good man and had exhorted the Jews to lead righteous lives, to practice justice toward their fellows and piety toward God, and so doing to join in baptism. In his view this was a necessary preliminary if baptism was to be acceptable to God. They must  not employ it to gain pardon for whatever sins they committed, but as a consecration of the body implying that the soul was already thoroughly cleansed by right behavior” (Josephus Ant. 18:116-119, trích lại trong D.J. Harrington, The Gospel of Matthew, 51).

[15] D.J. Harrington, The Gospel of Matthew, 55.

[16] “in the very beginning of chap. 3, we see that Matthew is consciously and methodically transferring parenetic sayings of Jesus to the Baptist and vice-versa, while at the same time balancing this parallelism with texts emphasizing the Baptist’s subordination” (J.P. Meier, “John the Baptist in Matthew’s Gospel”, 390).

[17] R.T. France, The Gospel of Matthew, 111.

[18] J. Nolland, Luke 1:1-9:20, 151.

[19] “In fact, John vehemently insisted on genuine repentance to those who came to him for baptism. Similarly in Mark 1,4 John’s baptism is called “baptism of repentance” (βάπτισμα μετανοίας) with a genitive of description” [J.R. Mantey, “The Causal Use of Eis in the New Testament”, in JBL 70 (1951) 45-48]. Tác giả Hagner cũng cho rằng cụm từ εἰς μετάνοιαν cần được hiểu như là “with reference to” or “associated with” or “in agreement with” repentance (D.A. Hagner, Matthew 113, 51).

[20] C.A. Briggs trong tiểu luận của ông “The Messiah of the Gospels, 1894. Sau đó, nhiều tác giả ủng hộ quan điểm nàybao gồm J. Wellhausen, M. Dibelius, J. Weiss, R. Bultmann, V. Taylor.

[21] G. YAMASAKI, John the Baptist in life and death, Audience-Oriented Criticism of Matthew’s Narrative (JSNT 167; Sheffield 1998) 93; Cf. J. MARCUS, John the Baptist in the History and Theology, 29.

[22] Xem thêm “Thánh Linh và Lửa” trong LỜI BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI ῥήματα ζωῆς αἰωνίου: NHỮNG HOA TRÁI CỦA LÒNG HOÁN CẢI. Chú giải Tin Mừng  CN III MV C (Lc 3,10-18) (josephpham-horizon.blogspot.com).

[23] Giáo phụ Origen đề nghị, và được nhiều tác giả sau đó đón nhận như F. Büchsel, B.S. Easton, E. Lohmeyer, R.E. Brown, U.Luz etc

[24] Giáo phụ Chrysostom đề nghị, được các tác giả theo như M-J. Lagrange, P. Gaechter.

Bài trướcAI TÍN: Ông Cố Phêrô Lê Minh Sâm (thân phụ Lm. Phêrô Lê Quốc Hùng, SVD-USC)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (03/12, Tuần 1 MV, Thánh Phanxicô Xavie, Lễ kính)