Chú Giải Tin Mừng Chúa Nhật XXVIII Thường Niên, Năm C (Lc 17,11-19)

0
327

CHỈ MỘT NGƯỜI ĐƯỢC CỨU

Lm. Giuse Phạm Duy Thạch, SVD chú giải

Bản văn và dịch sát nghĩa (Lc 17,11-19)

Hy Lạp Việt
11  Καὶ ἐγένετο ἐν τῷ πορεύεσθαι εἰς Ἰερουσαλὴμ καὶ αὐτὸς διήρχετο διὰ μέσον Σαμαρείας καὶ Γαλιλαίας.

12  Καὶ εἰσερχομένου αὐτοῦ εἴς τινα κώμην ἀπήντησαν [αὐτῷ] δέκα λεπροὶ ἄνδρες, οἳ ἔστησαν πόρρωθεν

13  καὶ αὐτοὶ ἦραν φωνὴν λέγοντες· Ἰησοῦ ἐπιστάτα, ἐλέησον ἡμᾶς.

14  καὶ ἰδὼν εἶπεν αὐτοῖς· πορευθέντες ἐπιδείξατε ἑαυτοὺς τοῖς ἱερεῦσιν. καὶ ἐγένετο ἐν τῷ ὑπάγειν αὐτοὺς ἐκαθαρίσθησαν.

15  Εἷς δὲ ἐξ αὐτῶν, ἰδὼν ὅτι ἰάθη, ὑπέστρεψεν μετὰ φωνῆς μεγάλης δοξάζων τὸν θεόν,

16  καὶ ἔπεσεν ἐπὶ πρόσωπον παρὰ τοὺς πόδας αὐτοῦ εὐχαριστῶν αὐτῷ· καὶ αὐτὸς ἦν Σαμαρίτης.

17  ἀποκριθεὶς δὲ ὁ Ἰησοῦς εἶπεν· οὐχὶ οἱ δέκα ἐκαθαρίσθησαν; οἱ δὲ ἐννέα ποῦ;

18  οὐχ εὑρέθησαν ὑποστρέψαντες δοῦναι δόξαν τῷ θεῷ εἰ μὴ ὁ ἀλλογενὴς οὗτος;

19  καὶ εἶπεν αὐτῷ· ἀναστὰς πορεύου· ἡ πίστις σου σέσωκέν σε.

(Lk. 17:11-19 BGT)

11 Chuyện xảy ra là đang khi hành trình đi đến Giêrusalem, Người băng qua khu vực giữa vùng Samari và Galilê.

12 Khi Người đi vào một làng nọ, có mười người đàn ông bị bệnh ngoài da, những người đứng từ đằng xa, ra gặp Người.

13 Họ cất giọng nói rằng: “Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi”.

14 Khi thấy họ, Người nói cùng họ rằng: “Hãy ra đi trình diện cho các tư tế và chuyện xảy ra là đang khi đi thì họ được sạch.

15 Một người trong số họ, vì thấy mình được chữa lành, nên đã quay trở lại tôn vinh Thiên Chúa với giọng lớn.

16 Anh sấp mặt xuống dưới chân Đức Giêsu mà cám ơn Người mà anh ta là một người Samari.

17 Để đáp lại, Đức Giêsu nói rằng: “Không phải mười người đều được sạch sao, vậy thì chín người kia đâu?

18 Sao không thấy họ quay trở lại tôn vinh Thiên Chúa ngoại trừ người nước ngoài này?”

19 Rồi, Người nói cùng anh ta: “Hãy trỗi dậy, gieo bước hành trình, lòng tin của anh đã cứu anh”.

 

Bối Cảnh

Đây là câu chuyện chỉ có trong Tin Mừng Luca. Trong bối cảnh trực tiếp, Lc 17,11-19, với chủ đề “đức tin”, được đặt tiếp theo sau đoạn văn nói về việc các tông đồ xin Đức Giêsu thêm đức tin cho các ông ( Lc 17,5-6). Sự kiện Đức Giêsu chữa lành một người ngoại trong câu chuyện này, cũng có thể liên hệ đến lời dạy về thái độ phục vụ khiêm nhường ngay trước câu chuyện này (Lc 17,7-10). Phép lạ chữa lành những người bị bệnh ngoài da, cũng có thể là dấu hiệu cho sự hiện diện của Triều Đại Thiên Chúa, được nhắc đến ngay sau đó (Lc 17,20-21). Trong bối cảnh rộng hơn, phép lạ chữa lành người bị bệnh ngoài da nhiều lần được nhắc đến trong các Tin Mừng Nhất Lãm (Mc 1,40-45; Mt 8,1-4; Lc 5,12-16; cũng x. Mc 14,3; Mt 10,8; 26,16). Chủ đề đức tin của những người ngoại trong câu chuyện này, đặc biệt là của người Samari nối kết với nhiều câu chuyện khác trong các sách Tin Mừng: Câu chuyện “người Samari nhân hậu” (Lc 10,29-37); Câu chuyện người phụ nữ Samari bên bờ giếng Giacóp (Ga 4,1-42); Câu chuyện người đại đội trưởng có niềm tin mạnh mẽ nhất (Lc 7,1-10; Mt 8,5-13); Người phụ nữ xứ Canaan có đức tin mạnh (Mt 15,21-28; Mc 7,24-30). Tình trạng xã hội và tôn giáo của những người bệnh ngoài da chắc chắn nối kết với những luật lệ khắt khe về tình trạng ô uế của họ được nói đến trong sách Lêvi (Lv 13). Đề tài sự lành sạch thể lý dẫn đến đức tin gợi nhớ đến câu chuyện của ông Naaman trong thời ngôn sứ Êlisa (2 V 5,1-19), trong đó ông Naaman một tướng chỉ huy quân đội vua Aram, sau đã tuyên bố: “Tôi tớ ngài sẽ không dâng lễ toàn thiêu hay hy lễ cho thần nào khác ngoài Chúa” (2 V 5, 17).

 

Cấu Trúc

Lc 17,11-19 gồm hai phần, có các thành phần song song với nhau (cc.11-14 và 15-19): ABCD // A’B’C’D’

Bối cảnh: Đang hành trình đến Giêrusalem; Khu vực giữa Samari và Galilê (11)

A. Mười người bệnh ngoài da gặp Đức Giêsu (12)

B. Lời cầu xin: Xin thương xót chúng tôi (13)

C. Đức Giêsu đáp trả: Hãy đi trình diện với các tư tế (14)

D. Được sạch bệnh đang khi đi (14c)

A’. Một người Samari quay trở lại, tôn vinh Thiên Chúa (15)

B’. Lời tạ ơn: Sấp mình và cám ơn (16)

C’. Đức Giêsu đáp trả: Chín người không trở lại tôn vinh Thiên Chúa (17-18)

Khoảng trống: Không lời đáp

D’. Công bố được khỏi bệnh: Được cứu thoát nhờ lòng tin

Trỗi dậy và gieo bước hành trình (19)

 

Một số điểm chú giải

  1. Đang trên hành trình đi đến Giêrusalem: Hành trình đi lên Giêrusalem được tác giả Luca đánh dấu cách rõ ràng từ Lc 9,51: “Khi những ngày lên trời của Người đến hồi hoàn tất, Đức Giêsu nhất quyết đi lên Giêrusalem”. Các trình thuật về chuyến hành trình này kéo dài từ 9,51 – 19,27. Do vậy, có lẽ vì sợ độc giả quên bối cảnh của cuộc hành trình này, mà tác giả thỉnh thoảng phải nhắc lại hành trình này: “Trong khi họ đang hành trình, Đức Giêsu vào làng kia” (Lc 10,38); Đức Giêsu băng qua các thị trấn, làng mạc, giảng dạy và hành trình về Giêrusalem (Lc 13,22; Cf. Lc 13,31.33); Trên hành trình đi lên Giêrusalem, Đức Giêsu đi băng qua Samari và Galilê (Lc 17,11); Sau khi mang riêng nhóm Mười Hai ra, Đức Giêsu nói cùng họ rằng: “Này, chúng ta đi lên Giêrusalem” (Lc 18,31.35); và “Sau khi nói những điều ấy, Người đi đầu, tiến lên Giêrusalem” (Lc 19,28; Cf. 19,1.11). Khi nhắc lại bối cảnh đặc biệt này, tác giả cũng muốn độc giả lưu ý hiểu những trình thuật này trong sự nối kết với hành trình khổ nạn – phục sinh của Đức Giêsu tại Giêrusalem.[1] Hơn nữa, tác giả cũng nhắc nhớ đến quyết tâm chịu chết của Đức Giêsu được nói đến trong câu: “Ngôn sứ mà phải chết ngoài Giêrusalem thì không được” (Lc 13,33).[2] Lần nhắc đến “hành trình đến Giêrusalem” trong đoạn văn này là lần thứ ba, nghĩa là, nó khởi đầu phần thứ ba trong bốn phần của toàn bộ trình thuật liên quan đến hành trình lên Giêrusalem của Đức Giêsu: Phần I: 9,51 – 13,21; Phần II: 13,22 – 17,10; Phần III: 17,11 – 18,14.[3] Bốn phần đầu tiên đều được đánh dấu bằng bối cảnh nhắc đến hành trình này: 9,51: “Khi những ngày lên trời của Người đến hồi hoàn tất, Người nhất quyết đi đến Giêrusalem”; 13,22: Trên hành trình lên Giêrusalem, Người đi xuyên qua các thị trấn và làng mạc và dạy dỗ”; 17,11: “Trên hành trinh lên Giêrusalem, Người đi xuyên qua vùng biên giới giữa Galilê và Samari”. Phần cuối cùng (18,15 – 19,27), tác giả Luca thêm vào những trình thuật của tác giả Máccô liên quan đến chuyến hành trình.[4]
  2. Đi xuyên qua khu vực giữa Samari và Galilê… một làng nọ: Động từ “đi xuyên qua” (đi băng qua) (διέρχομαι) nghe có vẻ bình thường trên một cuộc hành trình. Tuy nhiên, khu vực mà Đức Giêsu băng qua là một khu vực nhạy cảm: Khu vực giữa hai miền Samari và Galilê.[5] Galilê, mặc dù được mệnh danh là “vùng đất của dân ngoại” (Mt 4,15) trong cái nhìn của những người từ Giuđê, Giêrusalem, nhưng thực tế nó vẫn là vùng đất của rất nhiều người Do Thái. Đó là quê hương của gia đình Đức Giêsu, một gia đình Do Thái truyền thống tiêu biểu. Đó cũng là quê hương của các môn đệ đầu tiên Phêrô, Anrê, Giacôbê, Gioan, Philípphê, Nathanael và nhiều môn đệ khác. Đức Giêsu dùng phần lớn thời gian rao giảng và làm phép lạ tại miền Galilê. Ngược lại, Samari là vùng đất được xem là vùng của dân ngoại đặc trưng vào thời Đức Giêsu, mặc dù trong Cựu Ước, thời các vua, đây là thủ phủ của vương quốc miền Bắc, đất nước Ítrael.[6] Câu ghi chú của tác giả Tin Mừng thứ tư cho thấy sự phân chia rõ ràng giữa những người Do Thái và những người Samari: “những người Do Thái không có nối kết gì với những người Samari” (Ga 4,9). Trong câu chuyện này, chính Đức Giêsu đã gọi người Samari là người “ngoại quốc” (Lc 17,18). Nói như thế để thấy rằng hành động “băng qua” của Đức Giêsu có ý nghĩa to lớn hơn là một sự “băng qua” thông thường. Đó có thể là sự “băng qua” mang tính nối kết giữa hai dân tộc vốn từ lâu không có sự nối kết. Đó là một sự “băng qua” cần thiết để mở ra một cuộc đối thoại văn hóa, tôn giáo. Hơn hết, đó là sự “băng qua” của Đấng Cứu Độ muốn mang ơn giải thoát cho tất cả mọi người. Cụm từ “đi vào một làng nọ” rất có thể là đi vào làng của người Samari, vì Người đang đi từ Galilê lên Giêrusalem, từ miền Bắc lên miền Nam, và Samari thì ở giữa. Băng qua vùng tiếp giáp giữa Galilê và Samari theo hướng Bắc – Nam là đi vào lãnh địa của những người Samari. Đây là vùng không mấy dễ chịu, vì trước đó tác giả Luca đã ghi lại câu chuyện dân của một làng người Samari không muốn đón tiếp Đức Giêsu vì Người đang đi về hướng Giêrusalem (Lc 9,51-56). Hơn nữa, động từ “đi xuyên qua” được chia ở thì chưa hoàn thành (đang đi băng qua, cứ đi băng qua- διέρχομαι), diễn tả một hành động liên tục, hay kéo dài của hành động đặc biệt này. Trong kế hoạch cứu độ, dường như Đức Giêsu không tình cờ đi ngang qua vùng này, mà Người cố ý đến đây để gặp những người cùng khổ nơi đây. Sứ mạng rao giảng cho những người dân ở Samari cũng được các tông đồ tiếp tục và được kể lại trong sách Công Vụ (Cv 1,8; 8,1.5.9.14; 9,31; 15,3). Việc tác giả nhắc đến Samari trước Galilê (Samari và Galilê) xem ra hơi ngược ngạo và gây khó hiểu, vì nếu đi theo chiều Bắc – Nam thì nhắc đến Galilê trước (Galilê và Samari) mới hợp lý. Có tác giả đoán là do tác giả Luca không hiểu nhiều về địa lý Do Thái, nhưng có lẽ đúng hơn là vì tác giả Luca muốn nhấn mạnh đến vùng Samari, vì ông muốn nói đến sự nổi bật của nhân vật người Samari sau đó.[7]
  3. Mười người mắc bệnh ngoài da… đứng từ xa: Mệnh đề tính từ “những người đứng từ đằng xa” (οἳ ἔστησαν πόρρωθεν) đi kèm với cụm động từ “họ cất cao giọng” (αὐτοὶ ἦραν φωνὴν) diễn tả tình trạng bị xa cách của nhóm người này. Vì phải đứng cách xa Đức Giêsu, nên họ phải cất cao giọng để nói với Người. Dĩ nhiên, Đức Giêsu cũng phải cất cao giọng để trả lời cho họ. Khoảng cách này diễn tả nỗi cô đơn, lạc lõng, đau khổ của những người mắc bệnh ngoài da thời bấy giờ. Một phần, họ bị đau đớn về thể xác, nhưng phần lớn hơn, họ bị khốn khổ về tinh thần, khủng hoảng tâm lý vì phải sống xa người thân và mọi sinh hoạt tôn giáo, văn hóa, xã hội của cộng đồng.[8] Không gian vùng biên giới cho thấy một sự tách biệt giữa nhóm người này và thế giới còn lại. Chính vì thế, họ khao khát được gặp Đức Giêsu thế nào. Sự tách biệt khỏi cộng động có tính bắt buộc không phải vì lý do lây nhiễm, cho bằng lý do ô uế. Những người bị mắc bệnh này được coi là ô uế và phải tách ra khỏi cộng đồng. Danh từ “leprós” (λεπρός) vào thời Đức Giêsu được hiểu như là nhiều loại bệnh lở loét ngoài da, chứ không phải bệnh phong cùi, do vi trùng Hansen, thời nay. Sách Lêvi chương 13 ghi lại vô số những loại bệnh ngoài da này như nhọt, lác, đốm, nhọt trắng, phỏng, chốc, lang ben, hói đầu mà có vết thương trắng đỏ nhạt… Những người mang loại bệnh này phải “mặc áo rách, xõa tóc, che râu và kêu lên: ‘Ô uế, ô uế!’. Bao lâu nó còn mắc bệnh thì nó ô uế. Nó phải ở riêng ra, chỗ ở của nó là một nơi bên ngoài trại” (Lv 13,45; cũng x. Ds 5,2-4).
  4. Họ ra gặp … Đức Giêsu nhìn thấy họ: Trong hoàn cảnh phải sống xa cộng đồng, chịu đau khổ về thể xác và tinh thần, khao khát “gặp” Đức Giêsu là một điều hết sức dễ hiểu. Chỉ có Đức Giêsu mới là niềm hy vọng cho họ. Những tưởng rằng những người này chủ động gặp (ἀπήντησαν) Đức Giêsu, nhưng như đã nói trên, Đức Giêsu không đi qua đây một cách tình cờ. Người đã chủ động tìm đến họ để họ có cơ hội gặp Người. Trước khi mô tả Đức Giêsu nói cùng họ, tác giả đã ghi chú rằng: “Khi nhìn thấy họ” (ἰδὼν). Đó là cái nhìn gặp gỡ giữa hai người tìm nhau, cái nhìn để ý lưu tâm, nhìn thấy nhu cầu của người khác. Nhờ đó, Người đã cứu giúp họ.
  5. Lạy Thầy (ἐπιστάτα)! Xin thương xót chúng tôi”: “Lạy Thầy” (ἐπιστάτα) là danh xưng đặc trưng của tác giả Luca. Chỉ một mình tác giả Luca dùng danh xưng này cho Đức Giêsu và dùng đến bảy lần. Trong số bảy lần, sáu lần các môn đệ dùng để gọi Đức Giêsu (Lc 5,5; 8,242; 8,45; 9,33.49) một lần duy nhất là trong câu chuyện này, những người khác, không phải là các môn đệ, dùng để gọi Đức Giêsu (17,13). Lời cầu xin “xin thương xót” xuất hiện rất nhiều lần trong Tin Mừng Nhất Lãm, và thường đi kèm với danh xưng “Con Vua Đavít”: Lạy Con vua Đavít, xin thương xót tôi (Mt 15,22; 20,30.31; Mc 10,47.48). Lời cầu nguyện này đã được các vịnh gia và ngôn sứ Iaiah sử dụng trong Cựu Ước, để kêu cầu lòng trắc ẩn của Thiên Chúa (Tv 51,3; Is 33,2). Trong Tin Mừng Luca, lời cầu xin này còn được kêu lên với ông Ápraham, trong câu chuyện “người giàu có và ông Ladarô nghèo khổ” (Lc 16,24). Lời xin “hãy tỏ lòng thương xót” thường đến từ những bệnh nhân, và như thế “sự thương xót” đồng nghĩa với việc mang lại sự chữa lành. Mười bệnh nhân trong câu chuyện này có lẽ cũng mong muốn một sự chữa lành từ Đức Giêsu. Sự tỏ bày “lòng thương xót” là dấu hiệu cho sự viếng thăm của Thiên Chúa (Lc 1,50.54.58.72.78).[9] Truyền thống phụng vụ Giáo Hội, thường lặp lời cầu xin này ba lần trong mỗi Thánh Lễ, để cầu xin lòng thương xót của Chúa, ngay sau khi họ đã thú nhận lỗi lầm của mình: “Lạy Chúa! Xin thương xót chúng con”. Điều này ngụ ý, các tín hữu xin ơn chữa lành bệnh tật tâm linh qua việc xin ơn thứ tha lỗi lầm, ơn hòa giải từ Chúa.
  6. Trình diện với các tư tế: Sau khi nhìn thấy nhu cầu của họ, Đức Giêsu, mời gọi họ đi trình diện tư tế. Lời mời gọi này gián tiếp báo hiệu một sự chữa lành, vì theo quy định của luật Lêvi, những bệnh nhân này phải được các tư tế thăm khám và chuẩn nhận sự thanh sạch của họ. Các tư tế là những người quyết định họ bị ô uế và cũng là những người chuẩn nhận họ được sạch và cho tái hòa nhập cộng đồng (x. Lv 13,6.8.11.17.23.49). Trong câu chuyện chữa lành cho một người bị bệnh ngoài da trước đó (Lc 5,12-16; cf. Mc 1,40-45; Mt 8,1-4), Đức Giêsu nói cùng người bệnh rằng: “Hãy đi trình diện với các tư tế và vì anh đã được sạch, nên hãy dâng của lễ như ông Môsê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết” (Lc 5,14). Đang khi đi, thì một người thấy mình được sạch, liền quay trở lại với Đức Giêsu. Điều này ngụ ý rằng, người này không cần sự thăm khám và chứng nhận của các tư tế, hoặc người này hiểu Đức Giêsu như một vị tư tế và còn hơn một tư tế nữa.[10] Người là Đấng Cứu Độ, là Đấng Chúa sai đến.
  7. Được sạch … được chữa lànhcứu thoát: Động từ được thanh sạch được sử dụng hai lần trong đoạn văn này và đều được dùng ở thể bị động (ἐκαθαρίσθησαν). Tác nhân của động từ bị động rất có thể là Thiên Chúa. Thiên Chúa đã làm cho họ được sạch cách lạ lùng. “Được sạch” đối lại với “bị ô uế”. “Được sạch” không những giải thoát bệnh nhân khỏi căn bệnh thể lý mà nhất là mang lại cho họ niềm hạnh phúc tinh thần vì được tái hòa nhập với cộng đồng. Được sạch còn được diễn tả bằng động từ khác nữa là “được chữa lành”. “Được chữa lành” cũng có tác dụng cả về thể xác và tinh thần. Điều quan trọng nhất, và có thể nói là đỉnh cao của sự chữa lành là tuyên bố của Đức Giêsu: “Đức tin của anh đã cứu anh” (σέσωκέν). Đó là một sự chữa lành về mặt tâm linh. Anh đã được biến đổi từ một người ngoại, người ô uế, bị loại trừ, thành người tin vào quyền năng của Chúa, được đón nhận cách chân thành và có cơ may được ơn cứu độ. Từ sự chữa lành bệnh tật thể xác, anh đã vươn đến Thiên Chúa và ơn cứu độ của Người.[11] Lời tuyên bố “đức tin của con đã cứu con” được Đức Giêsu sử dụng nhiều lần cho nhiều người khác nhau (người phụ nữ được tha thứ trong Lc 7,50; Người phụ nữ bị rong huyết trong Lc 8,48; Người đàn ông mù ở Giêrikhô trong Lc 18,42). Điều này chứng tỏ rằng điều Đức Giêsu nhắm đến trong hành động chữa lành là đức tin, chứ không chỉ đơn thuần là khỏi bệnh về thể lý.
  8. “Không phải cả mười người được sạch sao?”: Câu hỏi của Đức Giêsu có thể hiểu theo hai hướng. Thứ nhất, có lẽ chỉ có một người Samari được sạch, vì anh này dù là người Samari lại có niềm tin mạnh mẽ về quyền năng của Chúa thể hiện qua Đức Giêsu, như Đức Giêsu đã tuyên bố sau đó[12]; Còn chín người kia, dù ra đi theo mệnh lệnh của Đức Giêsu nhưng vẫn lơ mơ, nghi ngờ, không hiểu ý nghĩa của mệnh lệnh này, nên không được sạch. Thứ hai, chín người kia cũng được khỏi bệnh vì làm theo mệnh lệnh của Đức Giêsu, nhưng vì vui mừng, thõa mãn với sự lành sạch về thể xác, họ quên ơn Chúa dành cho họ qua Đức Giêsu.[13] Vì câu hỏi của Đức Giêsu không có một lời đáp trả nào, nên nó vẫn có giá trị mời gọi sự đáp trả cho mọi người qua mọi thời đại.[14] 
  1. Tôn vinh Thiên Chúacảm ơn Đức Giêsu: Khi quay trở lại, và tôn vinh Thiên Chúa, người đã được sạch nhìn nhận tác động trực tiếp của quyền năng Thiên Chúa trong phép lạ chữa lành này.[15] Cụm động từ “tôn vinh Thiên Chúa được dùng nhiều lần trong các sách Tin Mừng, trong đó tác giả Luca là người dùng nhiều nhất (8 lần, so với Mt: 2 lần; Mc: 1 lần; Và Ga: 2 lần).[16] Nếu tính cả sách Công Vụ, tác giả Luca sử dụng tất cả là 12 lần (4 lần trong sách Cv)[17] cụm từ này. Có thể nói đây là cụm từ ưa chuộng của tác giả Luca. Riêng trong đoạn văn này, tác giả sử dụng hai lần (Lc 17,15.18). Trong Tin Mừng Nhất Lãm, chủ thể của hành động “tôn vinh Thiên Chúa” thường là những người được chữa lành, hoặc những người được thấy dấu lạ chữa lành. Tác giả Luca có một lần ghi lại chủ thể tôn vinh Thiên Chúa không phải là một người được chữa lành, cũng không phải vì thấy dấu lạ được chữa lành. Đó là trường hợp của người đại đội trưởng Rôma. Khi chứng kiến khoảnh khắc Đức Giêsu qua đời, ông đã “cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Người này đích thực là người công chính” (Lc 23,47). Tác giả Tin Mừng thứ tư cho chúng ta hiểu phần nào lý do tại sao người đại đội trưởng lại tôn vinh Thiên Chúa trong bối cảnh này. Khi Đức Giêsu nói cùng ông Phêrô là: “Sẽ đến lúc con phải dang tay ra cho người ta thắt lưng và dẫn đến nơi ông không muốn”, tác giả đã lý giải là, “Người nói như thế có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa” (Ga 21,18-19). Như vậy, không chỉ có người được chữa lành trong câu chuyện này tôn vinh Thiên Chúa, nhìn nhận quyền năng của Người trong các dấu lạ chữa lành, mà hầu hết mọi người đều nhìn nhận như thế. Chính Đức Giêsu nhìn nhận hành động “tôn vinh Thiên Chúa” của người này là chính đáng, phải đạo khi Người hỏi rằng: “Chín người kia đâu, sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa?”. Hành động “tôn vinh Thiên Chúa” được bổ nghĩa bằng cụm giới từ “với giọng nói lớn” (μετὰ φωνῆς μεγάλης). Nghĩa là, anh ta công khai bày tỏ dành sự tôn vinh của mình một cách mạnh mẽ, tỏ ra cho tất cả mọi người biết rằng Chúa quyền năng và đáng được ca tụng. Không rõ nội dung lời ca tụng là gì. Hầu hết nội dung lời tôn vinh đều không được ghi lại, ngoại trừ hai lần, đều trong tin Mừng Luca: Một lần là lời tôn vinh của người đại đội trưởng (người này đích thực là người công chính) (23,47), và lần khác là của những người chứng kiến dấu lạ phục sinh con trai bà góa thành Nain: “Họ kính sợ và tôn vinh Thiên Chúa, nói rằng: “Một ngôn sứ đã nổi lên giữa chúng ta và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người” (7,16). Sau khi tôn vinh Thiên Chúa, người được chữa lành “cảm ơn Đức Giêsu”. Hành động cám ơn của anh được mô tả một cách đặc biệt: “Anh sấp mặt xuống dưới chân Đức Giêsu, trong khi cảm ơn Người” (17,16). Khoảng thời gian mà người này sấp mặt dưới chân Đức Giêsu khá lâu. Ít là nó kéo dài cho đến sau khi Đức Giêsu kết thúc câu hỏi: “Không phải cả mười người đều được sạch hay sao? Chín người kia đâu, sao không thấy họ quay trở lại tôn vinh Thiên Chúa?” (17,17), vì sau câu này Đức Giêsu mới bảo anh ta “hãy trỗi dậy”. Hành động “sấp mặt dưới chân” diễn tả một thái độ cung kính lạ thường của người được chữa lành với Đức Giêsu. Có lẽ anh ta chưa nhận ra Đức Giêsu là Chúa, nhưng anh nhận thấy Người là người của Thiên Chúa, có liên hệ mật thiết với Thiên Chúa.[18] Hành động “sấp mặt dưới chân” cũng khéo léo diễn tả khoảng cách gần gũi giữa người này và Đức Giêsu. Khoảng cách “đứng từ đằng xa” trước đó, được xóa bỏ, rút ngắn thành “sấp mặt dưới chân”.[19] Hành động “cảm ơn” cho thấy người này nhìn nhận vai trò trung gian duy nhất của Đức Giêsu trong phép lạ chữa lành này và Đức Giêsu không chối từ, Người đón nhận lời cảm ơn cách trân trọng. Hành động “tôn vinh Thiên Chúa” đến trước hành động “cảm ơn” Đức Giêsu, bộc lộ một điều quan trọng về vai trò trung gian của Đức Giêsu. Người không dành vinh quang cho riêng mình, nhưng tìm làm vinh danh Chúa trong mọi sự. Người dẫn người ta đến với Thiên Chúa, hơn là chỉ dừng lại ở việc tôn vinh bản thân mình.
  2. Người Samaringười nước ngoài … chín người còn lại[20]: Lưu ý của người thuật chuyện: “Mà người này là một người Samari”, hé lộ nhiều điều thú vị. Thứ nhất, anh ta là một “người ngoại” (người nước ngoài) như Đức Giêsu nhìn nhận sau đó. Như thế, những người còn lại có thể là những người Do Thái.[21] Sự nhấn mạnh của Đức Giêsu trong câu hỏi về người ngoại này, “ngoại trừ người ngoại giáo này”, cho thấy Người đang mong chờ sự trở lại của những người Do Thái. Lẽ ra, chín người còn lại, những người Do Thái, phải là những người cảm nhận được quyền năng của Thiên Chúa trong dấu lạ này trước người ngoại. Thứ hai, nó có thể mang đến cái nhìn lạc quan về việc Tin Mừng chữa lành và cứu độ được mang đến cho dân ngoại, đặc biệt là những người Samari, vốn không nối kết với những người Do Thái, dân Chúa.[22] Thứ ba, những người Do Thái có vẻ thiếu nhạy cảm với việc nhìn nhận quyền năng của Thiên Chúa, được thể hiện qua Đức Giêsu và qua đó không vươn tới sự chữa lành đích thực, sự chữa lành về tâm linh, hay nói cách khác là đạt được ơn cứu độ qua Đức Giêsu. Thứ bốn, việc ở chung giữa người Samari và những người Do Thái cho thấy một điều là sự cùng khổ kéo con người lại với nhau, không phân biệt người Do Thái hay người Samari. Căn tính “người Samari” và “người nước ngoài” được cả người thuật chuyện nhấn mạnh cách đặc biệt, để làm nổi bật sự rộng mở đón nhận ơn cứu độ của những người ngoại, đối lại với thái độ thờ ơ của những người Do Thái.[23] Lòng thương xót của Chúa nơi Đức Giêsu đã phá tan mọi rào cản tôn giáo và đặt vấn đề cho bất cứ định nghĩa đặc trưng nào về tính ưu tuyển của dân Ítrael.[24]
  3. Hãy trỗi dậygieo bước hành trình: “Đức tin của anh đã cứu chữa anh” là lý do chính yếu cho mệnh lệnh này. Khi được đặt trong bối cảnh người được khỏi bệnh đang sấp mặt dưới chân Đức Giêsu, mệnh lệnh này có nghĩa đơn giản là: “Hãy đứng lên và đi đi”. Tuy nhiên, khi hiểu trong bối cảnh hành trình đang trên đường lên Giêrusalem của Đức Giêsu, mệnh lệnh này trở thành một sứ vụ của một người vừa mới hồi sinh: “Hãy trỗi dậy và lên đường”. Động từ “trỗi dậy” (ἀνίστημι) cũng chính là động từ diễn tả hành động “phục sinh” (Mc 8,31; 9,10.31; Ga 6,39; Mt 17,23; Cv 2,24; 13,34;1 Tx 4,16). Dĩ nhiên, người này chưa chết về thể lý, nhưng anh đã bị cách ly khỏi xã hội, cộng đồng. Sự phục sinh của anh có thể được hiểu là được tái hòa nhập với cộng đồng và nhất là sống một đời sống mới, đời sống của người tin vào Chúa. Tác giả J. Fitzmyer và F. Bovon còn cho rằng hành động “quay trở lại” biểu lộ một tiến trình hoán cải, trở về với Đức Giêsu.[25] Động từ “lên đường” (gieo bước hành trình) cũng chính là động từ diễn tả hành trình đi đến Giêrusalem của Đức Giêsu vào đầu đoạn văn này (17,11: ἐν τῷ πορεύεσθαι εἰς Ἰερουσαλὴμ; 17,19: πορεύου). Như vậy, mệnh lệnh “hãy lên đường” trong bối cảnh này được hiểu như là hành trình đi theo Đức Giêsu trên đường lên Giêrusalem, chứ không phải là đi về nhà, hay đi lối đi riêng của mình. Đó là hành trình mang đến ơn cứu thoát, cứu độ, sự sống đời đời, vượt xa sự thanh sạch của bệnh tật mà cả chín người đều được.

 

Bình Luận Tổng Quát

Khởi đầu hành trình lên Giêrusalem, Đức Giêsu đã từng muốn đi vào miền Samari một cách chính thức long trọng. Người sai các môn đệ đi trước để dọn đường nhưng dân chúng trong một làng Samari không muốn đón rước Người. Chính vì vậy, Đức Giêsu đành đi qua làng khác (Lc 9,51-56). Bối cảnh không gian Samari báo hiệu một sự bất tiện nhất định trong hành trình của Đức Giêsu. Tuy vậy, Đức Giêsu quyết biến sự bất tiện thành dịp thuận tiện để thực thi sứ mạng cứu độ của mình. Người quyết định đi xuyên qua ranh giới giữa Samari và Galilê. Lần này không có sứ giả đi trước để chuẩn bị, nhưng Đức Giêsu đã có chủ ý đi đến một làng, rất có thể là làng Samari. Người phải đi xuyên qua, băng qua ranh giới chia cắt về văn hóa, xã hội, và tôn giáo giữa hai miền từ bao đời nay. Có lẽ, Đức Giêsu Nadarét, một người Do Thái chính hiệu, muốn khởi động tiến trình nối kết người dân hai miền lại. Người muốn mang Tin Mừng cứu độ cho cả người Samari nữa. Trên thực tế, cơn bệnh quái ác, sự đuổi xua của dân chúng cả hai miền đã đẩy những con người thuộc hai dân tộc “không đội trời chung” này lại với nhau (trong nhóm mười người có cả người Samari và người Do Thái). Đức Giêsu muốn cho thấy rằng, ngay cả khi không có bệnh, thì họ cũng có thể nối kết với nhau. Sự xuất hiện của Đức Giêsu đã làm cho khoảng cách “đứng từ đằng xa” giữa một người “ô uế” và một người ngoại với một người người Do Thái bỗng chốc biến mất. Người được chữa lành có thể tiến lại gần, sấp mặt dưới chân Đức Giêsu để thưa chuyện với Người. Sự hiện diện của Đức Giêsu đã làm cho việc trình diện với các tư tế để chứng minh thanh sạch, không còn cần thiết nữa. Người được chữa lành giờ đây đã có Đức Giêsu, Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người. Anh đã cảm nghiệm được tình thương và quyền năng của Chúa và nhận biết được ân nghĩa mà Đức Giêsu dành cho mình. Anh tin vào Thiên Chúa hơn bao giờ hết. Niềm tin ấy là khởi điểm và nền tảng để anh có “trỗi dậy” và “lên đường” với Chúa để vươn đến ơn cứu độ trọn vẹn.[26] Đối lại với người Samari, là chín người Do Thái. Họ cũng được lành sạch bệnh như người Samari, nhưng họ lại không cảm nghiệm được quyền năng và lòng thương xót của Chúa nên không quay trở lại tôn vinh Thiên Chúa.[27] Vì thế, họ không đón nhận được lời tuyên bố “niềm tin cứu thoát” và lời mời gọi”, “hãy trỗi dậy và lên đường” với Đức Giêsu. Cuối cùng, họ không vươn đến ơn cứu độ như người ngoại quốc Samari.

Đức Giêsu nhập thể là một người Do Thái, nhưng Người mang ơn chữa lành và cứu độ cho tất cả mọi người không phân biệt họ thuộc quốc gia hay chủng tộc nào. Ơn chữa lành bệnh tật thể lý của Người chỉ có ý nghĩa thật sự, khi sự chữa lành ấy giúp cho người ta sống một đời sống mới, đời sống của người có niềm tin và sẵn sàng dấn bước theo Người trên con đường thập tự. Tỉ lệ 1/10 người được chữa lành căn bệnh về thể lý cảm nhận được lòng thương xót của Chúa và tin vào Người, cho thấy một thực tế phũ phàng rằng con số những người được chữa lành về thể xác, dẫn đến sự chữa lành về tâm linh, nghĩa là được Chúa biến đổi thành một người mới, là con số quá ít. Câu hỏi của Đức Giêsu: “Chín người kia đâu, sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa?” không có lời đáp trả. Đó là câu hỏi mở và là lời mời gọi dành cho tất cả mọi người qua muôn ngàn thế hệ. Mỗi người hãy cảm nhận tình thương và quyền năng của Chúa đối với bản thân, người thân, bạn hữu, quốc gia, thế giới qua nhiều dấu hiệu, nhiều cách thức, để tin tưởng vào Người hơn và tỏ lòng biết ơn, mà tôn vinh Thiên Chúa qua lối sống đẹp, theo thánh ý Người.

Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD

__________

Chú thích

[1] “The Gospel writer has stressed the journey, to which he called attention twice in v. 22. It is the journey of the Messiah, who advanced toward Jerusalem, the scene of his passion (“to Jerusalem” is stressed, at the end of the sentence) [F. Bovon, Luke 2. A Commentary on the Gospel of Luke 9:51–19:27 (ed. H. Koester) (Hermeneia; Minneapolis 2013) 310]; “In this brief heading, Luke describes Jesus’ characteristic activities as “making his way” and as “teaching,” highlighting the orientation of Luke’s journey narrative around soteriology, conflict, and the formation of disciples” [J.B. Green, The Gospel of Luke (NICNT; Grand Rapids 1997) 529]; “Jesus is traveling to Jerusalem as more than a pilgrim. He has repeatedly prophesied that Jerusalem would be for him the place of destiny, the place wherein he would fulfill the divine purpose, and the place of his own execution” (J.B. Green, The Gospel of Luke, 622).

[2] J.P.D. Thạch, “Tôi Không biết các ngươi từ đâu đến. Chú Giải Tin Meng Chúa Nhật XXI TN C” [LỜI BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI ῥήματα ζωῆς αἰωνίου: TÔI KHÔNG BIẾT CÁC NGƯƠI TỪ ĐÂU ĐẾN. Chú Giải Tin Mừng Chúa Nhật XXI TN C (Lc 13,22-30) (josephpham-horizon.blogspot.com)].

[3] J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX. Introduction, translation, and notes (AnB; New Haven – London 2008) XXVIII, 140.

[4] J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX, 1149.

[5] “Luke uses this transition verse to establish two literary points: a) to remind the reader that the Prophet was still on his way to Jerusalem, after a section of discourse stretching from 14:1 to 17:10; b) to prepare for the healing story involving a Samaritan leper (17:12-19)” (L.T.Johnson, The Gospel of Luke (SP 3; Collegeville 1997) 260].

[6] Xem thêm về “làng Samari” trong LỜI BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI ῥήματα ζωῆς αἰωνίου: VÌ SAO ĐỨC GIÊSU PHẢI LÊN GIÊRUSALEM? Chú Giải Tin Mừng CN XIII TN C (Lc 9,51-62) (josephpham-horizon.blogspot.com)

[7] F. Bovon, Luke 2. A Commentary on the Gospel of Luke 9:51–19:27 (ed. H. Koester) (Hermeneia; Minneapolis 2013) 502.

[8] “Leprosy” was a term used to designate a number of skin diseases, so the fundamental problem of these ten was, in all likelihood, not a malady that was physically life-threatening. Instead, they were faced with a debilitating social disorder. Regarded as living under a divine curse and as ritually unclean (whether they were Jew or Samaritan, it does not matter), they were relegated to the margins of society” … “the condition of leprosy was viewed in holistic terms fully embracing human existence in its physical, spiritual, and psychosocial unity” (J.B. Green, The Gospel of Luke, 623, 624).

[9] L.T.Johnson, The Gospel of Luke, 260.

[10] “Luke’s christology reaches impressive heights as he presents Jesus in the role of the temple—as one in whom the powerful and merciful presence of God is realized and before whom the God of the temple” (J.B. Green, The Gospel of Luke, 626).

[11] “Though ten lepers experience a miraculous healing, nine of them miss “salvation”; because the “seeing,” not the healing, is decisive, the narrator intends a sharp critique of the belief in healing miracles—which cannot be identical with the experience of salvation itself” (theo tác giả H. D. Betz, trích lại trong J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX, 1152).

[12] “Nhìn thấy mình được sạch”: “In the Lucan story this is an awakening; his eyes of faith were opened. The implication is that as a result of this awakening he no longer follows Jesus’ injunction to show himself to the priest, but returns spontaneously” (J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX, 1155).

[13] “What separates the one from the nine, then, is not the nature of the salvific benefits received. Rather, the nine are distinguished by their apparent lack of perception and, then, by their ingratitude. They do not recognize that they have been healed. This may be because leprosy was as much or more a socio-religious stigma as a physical malady” (J.B. Green, The Gospel of Luke, 626).

[14] “Far from being addressed to the Samaritan by way of congratulations, they are addressed to all who listen to and read the text, and they establish a new diagnosis, no longer that of “leprosy” but that of stagnant faith” (F. Bovon, Luke 2, 506).

[15] “Praising God following a miracle is the appropriate response in the Third Gospel; indeed, this former leper joins many in the narrative who witness God’s mighty acts, then return praising God” (J.B. Green, The Gospel of Luke, 624-625).

[16] Mt 9,8; 15,31; Mc 2,12; Lc 5,25.26; 7,16; 13,13; 17,15.18; 18,43; 23,47; Ga 9,24; 21,19.

[17] Cv 4,21; 11,18; 12,23; 21,20.

[18] “It could also be a recognition of him as an agent of God” (J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX, 1155).

[19] “He recognizes that the restorative power of God is manifest in Jesus. In recounting his action thus, Luke indicates that the socio-religious divisions between Jew and Samaritan have been mediated in Jesus” (J.B. Green, The Gospel of Luke, 621).

[20] “As clear as these structural boundaries are, equally transparent are the socio-cultural boundaries contained within its perimeters and that help to give significance to this account. The first of these is leprosy, a disorder with social and spiritual ramifications that outstrip the difficulties of its physical presentation.8 The boundary established by leprosy is marked in this pericope by the phrase “keeping their distance” (v 12). The second is the identification of at least one of these lepers as a Samaritan, a foreigner, employing language that draws a well-defined boundary between this person on the one hand, and Jesus and his (implied) entourage on the other” (J.B. Green, The Gospel of Luke, 620).

[21] “The contrast of nine with one further expresses the pathos, for the nine were presumably Jews, members of the house of Israel” (J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX, 1155).

[22] “Jews are not the only ones who qualify for God’s messianic blessings; outsiders may receive the benefits of salvation and, indeed, may prove to be more discerning about Jesus’ identity and role within the divine plan than Jewish insiders” (J.B. Green, The Gospel of Luke, 620).

[23] “Samaritans and Gentiles, moreover, respond with more faith and gratefulness to the call of the gospel than do the Israelites themselves, they who were the first to be called” (F. Bovon, Luke 2, 505);  “The emphasis does not lie on the narrative elements, as Dibelius rightly saw, but on the pronouncement of Jesus about the reaction of the Samaritan, who was a “stranger” (J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX, 1150).

[24] F. Bovon, Luke 2, 505.

[25] J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX, 1155; “In its association with joy and praise, however, it also suggests a spiritual reality: the man healed of his “leprosy” interiorized his healing, intensified his initial trust, deepened his faith, and completed his conversion” (Ibid.).

[26] “The Samaritan was not only cleansed, but on account of faith gained something more—namely, insight into Jesus’ role in the inbreaking kingdom. He is enabled to see and is thus enlightened, itself a metaphor for redemption” (J.B. Green, The Gospel of Luke, 627).

[27] “The miracle-story itself has been made subservient to something more (vv. 15–18), to a pronouncement which contrasts gratitude with ingratitude, Jews with a Samaritan, and the sight of faith with the miracle itself” (J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX, 1149, 1150).

Bài trướcNăm Mầu Nhiệm Sứ Vụ [Kinh Mân Côi truyền giáo]
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Chúa Nhật 28 Thường Niên, Năm C)