Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật XXIV Thường Niên – Năm C

0
304

BÀI ĐỌC I: Xh 32, 7-11. 13-14

Trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Môsê rằng: “Ngươi hãy đi xuống; dân mà ngươi dẫn ra khỏi đất Ai-cập đã phạm tội. Chúng đã sớm bỏ đường lối Ta đã chỉ dạy cho chúng, chúng đã đúc tượng bò con và sấp mình thờ lạy nó; chúng đã dâng lên nó của lễ hiến tế và nói rằng: “Hỡi Israel, này là Thiên Chúa ngươi, Ðấng đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập”. Chúa phán cùng Môsê: “Ta thấy rõ dân này là một dân cứng cổ. Ngươi hãy để Ta làm, Ta sẽ nổi cơn thịnh nộ với chúng và sẽ huỷ diệt chúng, rồi Ta sẽ làm cho ngươi trở nên tổ phụ một dân tộc vĩ đại”.

Môsê van xin Chúa là Thiên Chúa của ông rằng: “Lạy Chúa, tại sao Chúa nổi cơn thịnh nộ với dân mà Chúa đã dùng quyền lực và cánh tay hùng mạnh đưa ra khỏi đất Ai-cập? Xin Chúa nhớ đến Abraham, Isaac và Israel tôi tớ Chúa, vì chính Chúa đã thề hứa rằng: “Ta sẽ làm cho con cháu các ngươi sinh sản ra nhiều như sao trên trời. Ta sẽ ban cho con cháu các ngươi toàn cõi xứ này như lời Ta đã hứa, và các ngươi sẽ chiếm hữu xứ này mãi mãi”. Chúa đã nguôi cơn giận, không thực hiện điều dữ mà Người đe doạ phạt dân Người.

BÀI ĐỌC II: 1 Tm 1, 12-17

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi ông Timôthê.

Cha cảm tạ Ðấng đã ban sức mạnh cho cha là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, vì Người đã kể cha là người trung tín, khi đặt cha thi hành chức vụ: dù trước kia cha là kẻ nói phạm thượng, bắt đạo và kiêu căng, nhưng cha đã được Thiên Chúa thương xót, vì cha vô tình làm những sự ấy trong lúc cha chưa tin. Nhưng ân sủng của Chúa chúng ta đã tràn lan dồi dào cùng với đức tin và đức mến trong Ðức Giêsu Kitô.

Lời nói chân thật và đáng tiếp nhận mọi đàng là: Ðức Giêsu Kitô đã đến trong thế gian này để cứu độ những người tội lỗi, trong số ấy, cha là người thứ nhất. Vì thế, cha được hưởng nhờ ơn thương xót, là Ðức Giêsu Kitô tỏ ra tất cả lòng khoan dung trong cha trước hết, để nêu gương cho những ai sẽ tin vào Người hầu được sống đời đời.

Danh dự và vinh quang (xin dâng về) Thiên Chúa độc nhất, hằng sống, vô hình, là Vua muôn đời. Amen!

PHÚC ÂM: Lc 15, 1-10 {hoặc 1-32}

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, những người thâu thuế và những người tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng. Thấy vậy, những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: “Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi, cùng ngồi ăn uống với chúng”.

Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: “Ai trong các ông có một trăm con chiên, và nếu mất một con, lại không để chín mươi chín con khác trong hoang địa mà đi tìm con chiên lạc, cho đến khi tìm được sao? Và khi đã tìm thấy, người đó vui mừng vác chiên trên vai, trở về nhà, kêu bạn hữu và những người lân cận mà nói rằng: “Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc!” Cũng vậy, Tôi bảo các ông: “Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải.

“Hay là người đàn bà nào có mười đồng bạc, nếu mất một đồng, mà lại không đốt đèn, quét nhà và tìm kỹ lưỡng cho đến khi tìm thấy sao? Và khi đã tìm thấy, bà mời các chị em bạn và những người láng giềng đến mà rằng: ‘Chị em hãy vui mừng với tôi, vì tôi đã tìm được đồng bạc tôi đã mất’. Cũng vậy, Tôi bảo các ông: Các Thiên Thần của Thiên Chúa sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải”.

{Người lại phán rằng: “Người kia có hai con trai. Ðứa em đến thưa cha rằng: ‘Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con’. Người cha liền chia gia tài cho các con. Ít ngày sau, người em thu nhặt tất cả tiền của mình, trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ, phung phí hết tiền của. Khi nó tiêu hết tiền của, thì vừa gặp nạn đói lớn trong miền đó và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. Nó vào giúp việc cho một người trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó muốn ăn những đồ heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho. Bấy giờ nó muốn hồi tâm lại và tự nhủ: “Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói! Tôi muốn ra đi, trở về với cha tôi và thưa người rằng: ‘Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha’. Vậy nó ra đi và trở về với cha nó. Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy lại ôm choàng lấy cổ nó hồi lâu. Người con trai lúc đó thưa rằng: ‘Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa’. Nhưng người cha bảo các đầy tớ: ‘Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu, hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng, vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy’. Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình.

“Người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, anh gọi một tên đầy tớ để hỏi xem có chuyện gì. Tên đầy tớ nói: ‘Ðó là em cậu đã trở về và cha cậu đã giết con bê béo, vì thấy cậu ấy trở về mạnh khoẻ’. Anh liền nổi giận và quyết định không vào nhà. Cha anh ra xin anh vào. Nhưng anh trả lời: ‘Cha coi, đã bao năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn, còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại sai làm thịt con bê béo ăn mừng nó’.

“Nhưng người cha bảo: ‘Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải ăn tiệc mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy'”.}

BÀI GIẢNG: 

KHÔNG BAO GIỜ QUÁ MUỘN

ó thể nói, ba dụ ngôn trong chương 15 là những câu chuyện hay nhất trong Tin Mừng theo thánh Luca. Ba dụ ngôn khác nhau, nhưng lại có một bố cục rất chặt chẽ; chặt chẽ bởi vì tất cả các dụ ngôn đều nói đến hình ảnh người tội lỗi trở về nhà Cha; sự trở về của người tội lỗi mang lại niềm vui cho mọi người trên trời dưới đất.

Nhìn vào những con số ta nhận thấy tuycó sự khác biệt về tổng số, nhưng đều chỉ mất có một: chủ chiên có một trăm con chiên nhưng mất một con; người đàn bà có mười đồng bạc nhưng mất một đồng; người cha có hai con thì một đứa đi hoang. Xét về mặt kinh tế, nếu chỉ mất một trong vô sốsản phẩm thì nào có nghĩa lý gì. Tuy vậy, tâm tình của Cha trên trời thì khác. Ngài sẽ rơi vào tâm trạng đau khổ,  chờ mong mỗi khi lạc mất dù chỉ một. Ngài chờ mong bởi Ngài đã ban cho con người tự do nên Ngài không thể rút lại quyền đó. Chínhnỗi đau khổ lớn lao khi phải chờ đợi, thì sự vui mừng được gặp lại, được tìm thấy lại càng lớn lao khi không chỉ một mình Thiên Chúa mà cả triều thần trên trời đều mừng vui.

Nhìn vào câu chuyện thứ ba, chúng ta thấy được gì? Thường thì chúng ta chỉ để ý đến anh chàng con thứ hơn là anh chàng con cả, bởi anh ta quá nổi bật. Đó là sự nổi bật bất hiếu, dám đòi cha chia gia tài khi cha còn đang sống sờ sờ ra đó. Đó là sự nổi bật ăn chơi, anh ta sống phóng đãng. Đó là sự nổi bật của kiếp ăn mày ở đợ đến mức tột cùng, muốn ăn muồng heo cho đầy bụng mà chẳng ai cho. Đối với người Do Thái, con heo là con vật ô uế, nói chi đến thức ăn của nó thì còn ghê tởm hơn nữa. thế mà anh ta chỉ ao ước ăn thức ăn của heo. Anh ta nghĩ rằng ở nhà cha bị tù túng nên mong muốn ra đi để tự do bay nhảy, giờ anh được tự do thì chẳng có gì nhét vào bụng. Thật trớ trêu cho số phận của anh, cái giá phải trả cho thái độ “cá không ăn muối cá ươn…” là kết quả anh bị vỡ mộng tan tành. Nhiều người trẻ hôm nay cũng có tư tưởng như người con thứ, họ nghĩ rằng cha mẹ lạc hậu, chậm tiến, không hiểu biết sự đời, nên nhiều bạn trẻ cất bước ra đi khỏi nhà đến nơi đô thành náo nhiệt. Nhưng đến khi bệnh tật túng thiếu nơi thị thành, cần lắm một bát cháo của mẹ, hơi ấm bàn tay của cha thì khi đó mới sực nhớ là ta còn có cha có mẹ đang mong chờ ngày đêm. Rất nhiều bạn trẻ đã tỉnh ngộ và cuối cùng quay về nơi chính họ ra đi.

Người còn thứ là vậy, còn người con cả thì sao?

Nếu để ý kỹ thì chúng ta thấy anh con trai cả cũng chẳng khá hơn người con thứ là bao.Mặc dù nhìn bề ngoài anh có vẻ hiền lành, chịu khó làm ăn vất vả, mang dáng dấp của một nông dân cần cù tiết kiệm nhưng trong lòng, anh chẳng phải là người con có hiếu. Bởi vì nếu có hiếu thì phải làm vui lòng cha, trong khi người cha đang vui và hạnh phúc thì anh đã tạt một gáo nước lạnh lên mặt cha bằng câu nói:Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. 30 Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!(Lc 15,29-30). Anh đã không thừa nhận mình có một đứa em trai mặc dù đó là em ruột. Anh đã không chấp nhận niềm vui của người cha, thành thử anh cũng chẳng hơn gì đứa em hư hỏng của mình. Thời đại ngày nay, nhiều đứa con còn thậm tệ hơn anh con cả, nhìn bề ngoài có vẻ ngọt ngào với cha mẹ nhưng đến khi dụ cha mẹ giao tài sản cơ ngơi thì chúng sẵn sàng đuổi cha mẹ ra khỏi nhà hoặc mang đến viện dưỡng lão để khỏi phải chăm sóc.

Giữa hai người con hư hỏng là hình ảnh tuyệt vời của một người cha quá nhân từ, luôn yêu thương và tha thứ cho dù con cái phạm tội tày trời. Đối với người cha, không có gì là muộn màng cả. Đó chính là hình ảnh của Chúa Cha, Đấng đã dựng nên, nuôi dưỡng, yêu thương và sai Đấng cứu chuộc đến cứu chuộc toàn thể nhân loại, nhất là những người hư hỏng, xa lìa tình thương Thiên Chúa. Khi ai đó phạm tội, thì tức khắc Cha trên trời bị mất đi một người con cho dù Ngài có hàng tỷ tỷ người con khác đang ở bên Ngài. Vì Ngài là Cha nhân từ, nên vội vã lao ngay vào cuộc tìm kiếm và đợi chờ. Hành trình tìm kiếm được Chúa Giêsu diễn tả bằng việc bỏ lại chín mươi chín con chiên trong đàn; thắp lên ngọn đèn trong đêm tối để tìm đồng bạc; và kiên nhẫn ngày qua ngày đợi chờ con trở về trong tâm thức mỏi mòn yêu thương. Có lẽ chỉ những người có kinh nghiệm về sự mất mát to lớn này mới có thể hiểu được một chút nỗi khắc khoải đợi chờ xum họp của Thiên Chúa với người tội lỗi. Kinh nghiệm về sự mất mát đó có thể là người cha mất con, hoặc người con bỏ cha ra đi tìm về một nơi xa lắm, hoặc cũng có thể người con ở với cha nhưng hỗn láo với cha mỗi ngày mà cha vẫn im lặng thì mới hiểu được tấm lòng Thiên Chúa yêu thương.

Con chiên lạc cuối cùng cũng được chủ chăn vác trên vai mang về nhà săn sóc; đồng bạc lẻ cuối cùng cũng được tìm thấy và rồi nó được gói lại cẩn thận; và hai người con trai của người cha nhân hậu cuối cùng cũng được cha đưa vào bàn tiệc ngồi chung bàn, ngồi kế bên cha. Điều đó muốn nói lên rằng, không có gì là quá muộn đối với những ai phạm sai lầm. Mỗi người chúng ta nếu đã lỡ mà phạm tội, chúng ta hãy nhớ lại nỗi khổ đau của Cha mình đang thao thức mỏi mòn đợi chờ ta, và sự vui mừng lớn lao vô cùng trên thiên quốc bừng sáng khi ta quay về. Hãy đứng lên trở về ngay, đừng chần chừ nữa. Amen.

Joachim Trịnh Sơn Thạch

Bài trước5 Giám Mục Việt Nam tham dự khóa bồi dưỡng ở Roma
Bài tiếp theoQuý Cha đại diện và Quý Thầy Tỉnh Dòng Ngôi Lời Việt Nam tham dự Ngày Khai giảng Năm học 2016 – 2017 tại các Học viện

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây