Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật Chúa Chiên Lành – Năm A

0
1693

Bài Ðọc I: Cv 2, 14a. 36-41

“Thiên Chúa đã tôn Người làm Chúa và làm Ðấng Kitô”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong ngày lễ Ngũ Tuần, Phêrô cùng với mười một Tông đồ đứng ra, lên tiếng nói rằng: “Xin toàn thể nhà Israel hãy nhận biết chắc rằng: Thiên Chúa đã tôn Ðức Giêsu mà anh em đã đóng đinh, lên làm Chúa và làm Ðấng Kitô”.

Nghe những lời nói trên, họ đau đớn trong lòng, nói cùng Phêrô và các Tông đồ khác rằng: “Thưa các ông, chúng tôi phải làm gì?” Phêrô nói với họ: “Anh em hãy ăn năn sám hối, và mỗi người trong anh em hãy chịu phép rửa nhân danh Ðức Giêsu Kitô để được tha tội; và anh em nhận lãnh ơn Thánh Thần. Vì chưng, đó là lời hứa cho anh em, con cái anh em, và mọi người sống ở phương xa mà Chúa là Thiên Chúa chúng ta sẽ kêu gọi đến”. Phêrô còn minh chứng bằng nhiều lời khác nữa, và khuyên bảo họ mà rằng: “Anh em hãy tự cứu mình khỏi dòng dõi gian tà này”. Vậy những kẻ chấp nhận lời ngài giảng, đều chịu phép rửa, và ngày hôm ấy có thêm chừng ba ngàn người gia nhập đạo.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6

Ðáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi (c. 1).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng. – Ðáp.

2) Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. (Lạy Chúa), dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Ngài, đó là điều an ủi lòng con. – Ðáp.

3) Chúa dọn ra cho con mâm cỗ ngay trước mặt những kẻ đối phương; đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa. – Ðáp.

4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài. – Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Pr 2, 20b-25

“Anh em đã trở về cùng Ðấng canh giữ linh hồn anh em”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.

Anh em thân mến, khi làm việc lành, nếu anh em phải nhẫn nhục chịu đau khổ, đó mới là ân phúc trước mặt Thiên Chúa. Anh em được gọi làm việc đó, vì Ðức Kitô đã chịu đau khổ cho chúng ta, lưu lại cho anh em một gương mẫu để anh em theo vết chân Người. Người là Ðấng không hề phạm tội, và nơi miệng Người không thấy điều gian trá. Bị phỉ báng, Người không phỉ báng lại; bị hành hạ, Người không ngăm đe; Người phó mình cho Ðấng xét xử công minh; chính Người đã gánh vác tội lỗi chúng ta nơi thân xác Người trên cây khổ giá, để một khi đã chết cho tội lỗi, chúng ta sống cho sự công chính; nhờ vết thương của Người, anh em đã được chữa lành. Xưa kia, anh em như những chiên lạc, nhưng giờ đây, anh em đã trở về cùng vị mục tử và Ðấng canh giữ linh hồn anh em.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 10, 14

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta”. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 10, 1-10

“Ta là cửa chuồng chiên”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Thật, Ta bảo thật cùng các ngươi, ai không qua cửa mà vào chuồng chiên, nhưng trèo vào lối khác, thì người ấy là kẻ trộm cướp. Còn ai qua cửa mà vào, thì là kẻ chăn chiên. Kẻ ấy sẽ được người giữ cửa mở cho, và chiên nghe theo tiếng kẻ ấy. Kẻ ấy sẽ gọi đích danh từng con chiên mình và dẫn ra. Khi đã lùa chiên mình ra ngoài, kẻ ấy đi trước, và chiên theo sau, vì chúng quen tiếng kẻ ấy. Chúng sẽ không theo người lạ, trái lại, còn trốn tránh, vì chúng không quen tiếng người lạ”. Chúa Giêsu phán dụ ngôn này, nhưng họ không hiểu Người muốn nói gì. Bấy giờ Chúa Giêsu nói thêm: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ta là cửa chuồng chiên. Tất cả những kẻ đã đến trước đều là trộm cướp, và chiên đã không nghe chúng. Ta là cửa, ai qua Ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi, người ấy sẽ ra vào và tìm thấy của nuôi thân. Kẻ trộm có đến thì chỉ đến để ăn trộm, để sát hại và phá huỷ. Còn Ta, Ta đến để cho chúng được sống và được sống dồi dào”.

Ðó là lời Chúa.


 

Bài giảng chủ đề:

NGƯỜI MỤC TỬ NHÂN LÀNH (Lm. Giuse Nguyễn Đức Hòa, SVD)

Mục tử là hình ảnh quen thuộc của những người du mục như người Do Thái. Người mục tử là người coi sóc đàn chiên và họ luôn ở cùng đàn vật của mình. Đức Giê-su đã dùng hình ảnh

này để nói đến người chủ chăn trong Giáo Hội của Ngài. Mỗi đàn chiên luôn có người mục tử chăn dắt và giữ gìn. Đây cũng là hình ảnh của Giáo Hội mà chính Đức Giê-su là chủ đàn chiên. Và đàn chiên là Giáo Hội, ai muốn vào Giáo Hội phải qua Ngài, ai sống trong Giáo Hội sẽ lãnh nhận được ơn cứu độ và sẽ được bảo vệ bởi người Mục Tử Nhân Lành là Đức Giê-su Ki-tô.

Lời Đức Giê-su nói trong bài Tin Mừng lễ Chúa Nhật Chúa Chiên Lành hôm nay cho thấy vai trò của Ngài đối với đàn chiên. Một vai trò hết sức quan trọng vì Ngài bao trùm hết tất cả đoàn chiên, Ngài sẽ là người chăn dắt đàn chiên, Ngài đi đầu và đàn chiên đi theo và nghe tiếng Ngài. Hình ảnh Đức Giê-su, người Mục Tử Nhân Lành chăn dắt đàn chiên là một hình thức lãnh đạo mới của nước Ngài. Đó là hình thức của người mục tử phục vụ và chăm sóc.

Đối với những người lãnh đạo công quyền, họ thường muốn được người ta phục vụ, không mấy người lãnh đạo phục vụ thuộc cấp mình. Nhưng với Đức Giê-su thì ngược lại, Ngài lãnh đạo đàn chiên với tinh thần phục vụ hiến mạng sống vì đoàn chiên. Cách lãnh đạo của Ngài là cách lãnh đạo của người mục tử nhân lành tràn đầy yêu thương và đầy trách nhiệm, sống cho đoàn chiên và chết vì đoàn chiên. Một người lãnh đạo nhân lành và yêu thương đầy tinh thần phục vụ, một người lãnh đạo đã ví mình như cửa chuồng chiên để bảo vệ và để chăm sóc cho đoàn chiên.

Đức Giê-su đã ví mình như mục tử nhân lành và cửa chuồng chiên, đồng thời Ngài cũng ví các tín hữu như những con chiên hiền lành của Ngài, Người mục tử sẵn sàng làm tất cả, ngày cả mạng sống để hy sinh bảo vệ đoàn chiên của mình.

Tuy nhiên, để được trở thành đàn chiên của người lãnh đạo đầy yêu thương và phục vụ như thế, đòi buộc chúng ta phải nghe và theo người mục tử. Cũng như người tín hữu sống trong Giáo Hội của Chúa Ki-tô, phải vâng nghe Ngài và sống theo Ngài. Vì chỉ có Ngài mới mang lại ơn cứu độ cho chúng ta và chỉ có Ngài, chúng ta mới có được sự sống đời đời. Hơn nữa, Ngài sẽ bảo vệ và chăm sóc chúng ta, qua Ngài, chúng ta cũng sẽ là những mục tử như Chúa. Nhưng bởi đâu Đức Giê-su lại muốn ví mình là người mục tử, hay chỉ là cửa chuồng chiên mà không phải là đấng cao cả, con của Đấng Tối Cao đầy uy quyền, hoặc là vị vua đầy quyền lực hay lãnh chúa toàn quyền, mà chỉ muốn ví mình chỉ là người mục tử, một nghề nghiệp không mấy cao sang trong xã hội Do Thái thời bấy giờ. Xin thưa, cũng vì tình yêu thương và lòng đầy nhân hậu thương xót của Thiên Chúa. Chính vì con người đã phạm tội bất trung, cởi bỏ phẩm phục huy hoàng của con Chúa và khoác lên mình giá trị thấp hèn của kẻ tù tội và đã bước vào con đường tội lỗi của hư vô và diệt vong. Nhưng Thiên Chúa đầy lòng xót thương, Người đã không để cho nhân loại phải chết trong tội lỗi. Trái lại, chính Con của Người đã trở nên là con đường, là người chỉ lối đã hy sinh mạng sống mình để đưa nhân loại về với Thiên Chúa. Hình ảnh Đức Giê-su, Người Mục Tử Nhân Lành, là hình của lòng thương xót Thiên Chúa, Đấng đang dẫn đưa con người trở về tình trạng nguyên tuyền như thuở ban đầu. Đức Giê-su Ki-tô là Người Mục Tử Nhân Lành đến để làm điều đó và Ngài đã thực hiện được.

Vậy, để trở nên là đàn chiên của Chúa, là công dân của Nước Trời, chúng ta phải như thế nào? Để trở nên là mục tử như lòng Chúa ước mong, chúng ta phải sống làm sao và sống thế nào để xứng đáng với những ân huệ mà Thiên Chúa đã thương ban?

Đàn chiên của Chúa thì phải nghe tiếng của Chúa. Chúa biết chúng ta, vậy chúng ta cũng phải biết tiếng của Ngài. Biết tiếng của Ngài là tuân phục, lắng nghe và thực hành. Tuân phục là phải sống theo những gì Ngài đã giảng dạy, vâng nghe và tuân giữ các giới răn Ngài đã bảo ban. Công dân Nước Trời tuân phục đấng trị vì không như sự tuân phục của các công dân lãnh thổ trần gian. Công dân của đất nước lãnh thổ trần gian họ tuân phục chỉ vì quyền lực trên thân xác và tài sản, người cai trị dùng quyền hành và bắt buộc công dân tuân theo ý riêng người cai trị. Công dân Nước Trời tuân phục Đấng trị vì không phải cho người trị vì mà cho chính công dân. Thiên Chúa muốn con người tuân theo Ngài, để con người xứng đáng và đủ điều kiện hưởng hạnh phúc, tất cả là vì con người. Điều này khác hẳn với công dân của đất nước trần thế, họ phải tuân phục người cai trị có thể vì lợi ích của giai cấp tầng lớp, có thể vì lợi ích cá nhân dòng tộc. Đối với Thiên Chúa thì ngược lại, tất cả vì con người và cho con người. Tuân nghe tiếng Chúa là con người đang làm điều tốt đẹp cho chính mình. Nghe và thực hành tiếng Chúa là con người đang tiến bước vào cuộc sống hạnh phúc Thiên Đàng với Người.

Để xứng đáng với ân huệ này, ngoài việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa, chúng ta phải luôn ý thức mình thuộc về Thiên Chúa. Người thuộc về Thiên Chúa thì phải tuân giữ giới răn và sống đúng luật Người. Nhưng, như thế thôi thì chưa đủ mà còn phải nên giống như Thiên Chúa. Nghĩa là mỗi người Ki-tô hữu dù là giám mục, linh mục hay giáo dân, chúng ta phải sống như Đấng Mục Tử Nhân Lành. Đó là yêu thương, hy sinh phục vụ, chăm sóc bảo vệ và luôn quan tâm đến những người khác chung quanh mình. Mục tử thì phải luôn ân cần và giúp đỡ đàn chiên trong đời sống đạo, tận tâm phục vụ tất cả mọi người đặc biệt những người nghèo khổ và người bị bỏ rơi. Người lãnh đạo đàn chiên của Chúa phải là người gương tốt lành để đoàn chiên noi theo. Những bậc ông bà, cha mẹ hay người lãnh đạo dân phải luôn tận tâm lo cho con cái và thuộc cấp trong đời sống đức tin và đời sống hành đạo. Hơn thế nữa, là những mục tử của Chúa, được tuyển chọn cách riêng để lãnh đạo đoàn dân Chúa, linh mục và giám mục phải luôn là hình ảnh của Chúa Ki-tô trong đời sống hiện tại và trở nên người mục tử nhân lành của Chúa Ki-tô. Chúa nhật IV Phục Sinh, ngày cầu nguyện cách đặc biệt cho ơn gọi linh mục và tu sĩ, chúng ta hãy cầu nguyện cho Giáo Hội có thêm nhiều mục tử nhân lành để lãnh đạo và coi sóc đàn chiên của Chúa.

Trên thế giới ngày hôm nay, ơn gọi linh mục và tu sĩ ngày càng giảm sút, nhiều giáo xứ giáo phận thiếu chủ chăn, nhiều dòng tu thiếu ơn gọi, cánh đồng truyền giáo còn thiếu thợ gặt. Mỗi người Ki-tô hữu hãy khích lệ kêu gọi và cổ võ cho đời sống dâng hiến phục vụ, để cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội ngày có thêm nhiều thợ gặt, thêm nhiều môn đệ nhiệt thành của Chúa Ki-tô. Điều đặc biệt là mỗi Ki-tô hữu hãy luôn nguyện cầu cùng Chúa, ban thêm nhiều mục tử và giữ gìn các mục tử để sống và làm những việc như Đấng là Mục Tử Nhân Lành đã làm. Nhờ đó, Nước Chúa được mở rộng, đàn chiên của Chúa được chăm sóc và giữ gìn, hầu Giáo Hội được quy tụ thành một đàn chiên đông đúc dưới một Vị Chủ Chiên Nhân Lành. Amen.


 

HÀNH ĐỘNG CỦA NGƯỜI CÓ NIỀM TIN VÀO ĐỨC GIÊSU PHỤC SINH

Lm. Phêrô Nguyễn Thanh Nhiệm, SVD

Hôm nay Chúa Nhật IV Mùa Phục Sinh, lễ Chúa Chiên Lành, tôi xin chia sẻ với cộng đoàn dân Chúa đề tài: “Hành động của người có niềm tin vào Đức Giêsu Phục Sinh”. Đề tài này được xây dựng trên nền tảng lời Chúa qua các bài đọc trong thánh lễ hôm nay. Lời Chúa mời gọi mỗi người Kitô hữu chúng ta nhìn lại bản thân mình về hành động niềm tin của mình đúng danh Kitô hữu hơn. Đồng thời, khi nhìn vào thực trạng của các đoàn thể trong xã hội Việt Nam hôm nay, chúng ta càng xác tín hơn về giá trị hành động của niềm tin là nền tảng căn bản nhất để xây dựng một xã hội tốt đẹp, là dấu chỉ về sự hiện diện của vương quốc Thiên Chúa tại thế.

Hành động của người có niềm tin vào Đức Giêsu Phục Sinh là gì? Đúng như người đời đúc kết từ hệ quả kinh nghiệm sống niềm tin, khi nói: Tin theo, tin yêu, và tin cậy. Ba bài đọc lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy rõ tính chi phối hành động của người tin như thế nào trong ba cụm từ trên.

Qua bài đọc thứ nhất trích từ sách Công Vụ Tông Đồ, thánh Phêrô đã gợi lên cho dân hy vọng của niềm tin và vì thế dân đã lên tiếng: “Vậy chúng tôi phải làm gì?” (Cv 2,37). Thánh Phêrô đáp lại:“Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần”(Cv 2,38).

Trong bài đọc thứ hai trích thư thứ nhất của thánh Phêrô, thánh nhân mời gọi cộng đoàn của ngài sống theo gương mẫu Đức Giêsu, vị MụcTử Nhân Lành chết cho đoàn chiên.

Hai bài đọc trên là lối dẫn cho chúng ta hiểu và xác tín hơn vào bài Tin Mừng hôm nay. Đức Giê-su cho chúng ta thấy Người là vị Mục Tử Nhân Lành, vị mục tử có đủ phẩm chất bảo toàn tính mạng cho đoàn chiên của mình. Vậy, chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu hoa trái hành động của niềm tin nơi người tin trong ba chiều kích sau đây:

  1. Tin Theo

Tin theo là bước đầu tiên nói lên bản chất của người Kitô hữu đi theo Đức Giêsu. Người Kitô hữu tình nguyện đáp trả lại lời mời gọi của Thiên Chúa, nhưng cần biểu lộ sự trung thành với Ngài, là gia nghiệp của đời mình (x. Tv 16). Tính trung thành khi sống và chết cho lý tưởng của người Kitô hữu được xác tín vào “Ông Chủ” tình yêu “đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Tình yêu của Đức Giêsu được thể hiện bằng hành động là chết cho chiên của mình, đúng như lời thánh Gioan đã xác tín: “Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta” (1 Ga 3,16). Niềm tin đưa người tin vào kinh nghiệm sống với Thiên Chúa của mình, một Thiên Chúa thánh thiện. Hành động sống này được chuyển hóa không còn ở sự “vụ lợi”, hay sợ không được cứu rỗi mà sống như thánh Gioan truyền dạy, “Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em”(1 Ga 3,16). Chúng ta sẽ cảm nhận được điều này mãnh liệt hơn khi chúng ta đi vào bước thứ hai của niềm tin là tin yêu.

  1. Tin Yêu

Câu hỏi được đặt ra là bởi đâu các môn đệ và người theo Đức Giêsu lại dám chết cho lý tưởng của mình. Câu trả lời thật ngắn gọn: vì họ đã tin yêu vào Đức Giêsu và lời hứa của Ngài. Thái độ sống của người tin yêu là sống theo di nguyện của Đức Giêsu dành cho các môn đệ và những ai yêu mến Ngài. Lời trăn trối yêu thương của Đức Giêsu để lại cho những người tin đó là “tất cả nên một” trong tình yêu của Ngài (x. Ga 15,1-17) và “yêu thương nhau” như Ngài yêu thương chúng ta. (x. Ga 13,36).

Vậy, tính chất tin yêu không còn là việc thuần túy yêu Thiên Chúa bằng thái độ độc chiếm tình yêu giữa người tin và Chúa, mà là giữa người tin với Chúa và anh chị em của mình. Quả thật, Thiên Chúa đâu cần gì nơi chúng ta để cho Ngài, nhưng Ngài cần chúng ta để cho anh em chị em của mình. Chính Đức Giêsu nêu rõ tính song hành giữa tin và yêu khi Ngài đồng hóa con người với Ngài, “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40). Chính vì vậy mà Đức Giêsu đã tóm thập điều lại thành hai điều luật quan trọng, cũng là điều kiện cần và đủ để người tin được vào Nước Trời, đó là: “Kính mến Chúa và yêu thương người”.

  1. Tin Cậy

Niềm trông cậy tạo nên sức mạnh để người tín hữu có thể yêu thương tất cả và đón nhận tất cả cho một lý tưởng chân thật của mình khi theo Đức Giêsu. Một niềm tin cậy không hão huyền, nhưng đáp lại niềm khát vọng thâm sâu nhất của con người đó chính là sự sống vĩnh cửu. Thánh Phaolô xác tín về niềm tin cậy, ngài nói: “nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1 Cr 15,14).

Kinh nghiệm sống đức tin của người Kitô hữu đã mách bảo cho chúng ta biết rằng “trần gian là chốn tạm thời mà thôi”, đời người là “sinh ký tử quy”. Đây chính là ý niệm mãnh liệt, cùng với ân sủng của Thiên Chúa giúp con người có khả năng buông bỏ tất cả để chọn lấy Đức Giêsu làm nguồn sống đích thực của đời mình.

  1. Thái Độ Sống Niềm Tin

Cách đây không lâu, trên chuyến xe khách từ thành phố Hồ Chí Minh đi Ngãi Giao, Bà Rịa Vũng Tàu, tôi đọc được hàng chữ lớn viết trên xe của hãng xeanh Lâm như sau: “Thôi kệ! Mọi chuyện rồi sẽ qua”. Đọc hàng chữ này, tôi liên tưởng đến chủ xe, người viết câu này phải là người có niềm tin, tin vào tình người, và là người có thái độ ứng xử tử tế với người khác. Sức mạnh của hàng chữ đưa đến cho người đọc một thái độ sống: tất cả mọi sự ở đời chỉ có giá trị tương đối. Vậy, phải chăng việc đi theo Chúa Chiên Lành đến “đồng cỏ xanh tươi” mới là giá trị tuyệt đối?

Nhìn vào thực tế xã hội Việt Nam hôm nay, chúng ta dễ dàng nhận thấy đoàn thể hay cá nhân đang gây ra bao nỗi khổ đau cho con người. Họ không tin hay tin không đủ mạnh vào Thiên Chúa để rồi danh lợi trần thế làm cho họ không còn nhận ra “Chủ Chiên” của mình, nên họ không theo, không yêu và không sống trong hy vọng.

Đối lại hình ảnh trên, chúng ta thấy nhiều mẫu gương sống niềm tin vào Thiên Chúa trong Giáo Hội. Cuộc đời của họ là một hành trình yêu thương anh chị em của mình trong mọi hoàn cảnh sống. Tôi xin được lấy hai hình ảnh tiêu biểu trong thời đại chúng ta để đóng lại đề tài chia sẻ hôm nay, đó chính là Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta, và Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Các ngài là người sống niềm tin, yêu thương và hy vọng, vì các ngài đã đáp lại lời mời gọi của Tình Yêu, hết lòng đi theo Đức Giêsu là vị Mục Tử Nhân Lành, đưa lại cho con người sự sống đích thực.

 

Bài trướcChú giải Tin Mừng Chúa Nhật IV Phục Sinh, Năm A (Ga 10,1-10)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Tuần 4 Phục Sinh, Năm A)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.