PHÚC THAY! THƯƠNG THAY! (CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN C)

0
316
Photo: Puja Mehra (Value Research)

Gr 17, 5-8; 1Cr 15, 12.16-20; Lc 6, 17.20-26

Tin mừng:  Lc 6, 17.20-26

17 Đức Giêsu đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giuđê, Giêrusalem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xiđôn.

20 Đức Giêsu ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói:

Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó,

vì Nước Thiên Chúa là của anh em.

21 Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói,

vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng.

Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc,

vì anh em sẽ được vui cười.

22 Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả

và bị xoá tên như đồ xấu xa.

23 Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế.

24 Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi.

25 Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói.

Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than.

26 Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế.

BÀI GIẢNG

PHÚC THAY! THƯƠNG THAY! (Lm. Giuse Đỗ Nguyên Vũ, SVD)

Giàu và nghèo vốn là hai mảng màu tương phản của đời người trong sự phân hóa của xã hội và hoàn cảnh. Có người coi cặp đôi này là định mệnh, có người lại coi nó là triết lý sống để vươn lên, còn Tin Mừng hôm nay lại nhìn “cặp đôi” này dưới phương diện PHÚC THAY! và THƯƠNG THAY! (“phúc” và “khốn”). Khác với Tin Mừng Mátthêu 5,1-12 ghi lại 9 mối phúc liên tục tương ứng với 9 thái độ của người công chính và có mục đích khuyến thiện; còn Luca 6,17.20-26 chỉ ghi lại 4 mối phúc có tính cách xã hội và là những ưu tư dành riêng cho người nghèo. Tình thế của kẻ cơ bần sẽ được đảo lộn vì lời hứa cứu độ: tức là bây giờ đang nghèo khổ thì mai sau sẽ được hạnh phúc Nước Trời. Tin Mừng hôm nay còn xuất hiện 4 từ “khốn” song song với 4 từ “phúc”; nhưng đây “không phải là những lời nguyền rủa mà cũng không phải là những lời buộc tội gay gắt, nhưng là những lời thở than ái ngại và những lời ngăm đe: đó là những lời tha thiết kêu gọi người ta ăn năn hối cải” [1] (x. Lc 10,13; 11,42-52; 17,1; 21, 23; 22,22). Lời Chúa hôm nay hỏi chúng ta xem mình “đặt niềm tin vào ai” trong từng “cơn khát” cuộc đời: kẻ thì nghèo đói về vật chất, người lại đói khát về tinh thần / thiêng liêng. Những cơn khát của nhân loại là vô cùng vô tận, và có lẽ “lòng tham” là “nút thắt” khi Thiên Chúa cho con người có sự tự do vô hạn để định đoạt cuộc đời họ trên hành trình tìm hạnh phúc đích thực.

Nghèo Mà Hạnh Phúc

Dù ở phương diện vật chất, tinh thần, hoặc thiêng liêng, nghèo là một thực tại thiếu thốn và đáng buồn. Với niềm hy vọng thánh thiện, không ai muốn mình ở trong tình trạng “nghèo bền vững”, cả Thiên Chúa cũng không muốn. Thật vậy, thánh Phaolô cho biết: Đức Giêsu Kitô “vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2 Cr 8,9). Sự quảng đại ấy của Chúa Giêsu mời gọi chúng ta bám lấy sự hy sinh của Ngài để “thoát nghèo”, mà quan trọng nhất là thoát khỏi sự bi quan trầm luân của cái nghèo, thoát khỏi tư tưởng “cái nghèo lớn hơn số phận”. Khi nói “Tin Mừng của người nghèo” không có nghĩa là cổ xúy cho sự nghèo nàn hay dành riêng Tin Mừng cho người nghèo, nhưng là cụm từ ấy nhắc nhở chúng ta hãy hy vọng vào sức mạnh biến đổi của Tin Mừng: khi mọi người biết áp dụng những thông điệp của Lời Chúa vào đời sống hằng ngày thì sẽ giũ bỏ được những cái nghèo tai họa. Nghèo mà hạnh phúc không phải là sự buông thả chấp nhận số phận rồi bi quan trước cuộc đời, cũng không bất chấp số phận mà ngược đãi chính mình, nhưng là biết chọn Chúa, tin tưởng vào đường lối của Ngài để vượt qua nghịch cảnh, đổi đời, tìm về nguồn hạnh phúc đích thực.

Nói cho cùng, không ai trong chúng ta là hoàn toàn giàu có về mọi phương diện. Theo Thomas Fuller, “Người nghèo không phải người có ít mà là người muốn nhiều”. Trong sự hữu hạn của con người, còn sống là còn theo đuổi, còn khao khát, còn thấy mình khiếm khuyết bất toàn cho đến khi tìm được nguồn hạnh phúc đích thực là chính Chúa. Chúng ta muốn cái nghèo hạnh phúc là con đường khao khát chân lý và ân sủng ngày càng mãnh liệt. Ý thức được điều đó thì cái nghèo lại là một động lực để chúng ta không phủ nhận chính Chúa là cùng đích của cuộc đời, không buông lỏng cuộc đời mặc cho phận nghèo đẩy đưa, cũng không cậy vào thụ tạo thế gian chóng vánh. “Mỗi người đều giàu có hay nghèo khổ phụ thuộc vào tỉ lệ giữa ước vọng và sự thỏa mãn của chính mình” (Samuel Johnson). Nghèo mà hạnh phúc khi biết mình “đủ”: tỉ lệ giữa ước vọng và thỏa mãn là 1:1. Có người đã cảm nghiệm sau cuộc đời mải miết truy cầu như sau:

Hồi còn nhỏ ngồi chiếc xe đạp cà tàng, ăn dưa cải muối, nhìn thấy người ta ngồi xe gắn máy tiêu diêu tự tại, lòng không khỏi ao ước. Đợi đến sau này sắm được chiếc xe gắn máy rồi lại nhìn thấy người ta có tiền lái xe hơi, ăn thịt, uống rượu, hút thuốc, sống ở thành phố lớn, lòng thật thèm muốn biết bao!

Sau này lớn lên dốc sức kiếm tiền, cuối cùng cũng đã lái được xe hơi, ăn thịt, uống rượu. Lúc này ngoái đầu nhìn lại, thì thấy người có tiền đang đạp xe đạp, ăn mấy món rau dại mà lúc trẻ ta dùng để nuôi heo trong nhà, không còn hút thuốc, cũng không uống rượu nữa, hơn nữa còn chuyển về sống ở vùng thôn quê.

Trời đất ơi, rốt cuộc là họ đang nghĩ gì? Có thể nói cho tôi biết trước một tiếng hay không? Nếu biết trước là thế, tôi đã đợi các ông ở chỗ ban đầu. […]

ŽSuy cho cùng: “Cao ốc ngàn gian, thì đêm nằm ngủ cũng không quá hai mét, ruộng tốt vạn khoảnh, ngày ăn cũng không quá ba bữa”, hà cớ gì chúng ta phải truy cầu nhiều thứ như vậy? […] Cảnh tùy tâm mà chuyển, và biết đủ thì nghèo khổ cũng vui, không biết đủ thì giàu sang vẫn buồn.[2]

Giàu Mà Hạnh Phúc

Tỉ lệ 1:1 xem ra cũng là cái ngưỡng cửa của sự giàu có, sự truy cầu bắt đầu khấm khá. Tin Mừng luôn dùng những từ không mấy dễ nghe khi đề cập đến người giàu (về của cải vật chất) nên làm cho nhiều phú gia thấy mình bị xúc phạm và bị tổn thương (x. Mt 6,24; Lc 18,25; Mt 6,19-21; Lc 12,15.33-34; Lc 16,19ff; Mc 8,36;…). Khi Tin Mừng đề cập đến “con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa” (Mt 19,24) thì cũng cho chúng ta thấy sự chật vật mất cân xứng và nặng nề của sự giàu có (về mặt của cải vật chất và danh vọng). Một ước vọng không thấy thỏa mãn là một ước vọng vượt tầm kiểm soát, và sự vô độ tham lam sẽ làm cho giàu có thành bất hạnh vì “không làm giàu trước mặt Thiên Chúa” (Lc 12,20) thì số phận giàu có cũng ngập tràn nước mắt.

“Người giàu cũng khóc” là một cách nói mỉa mai khi nằm trong nhung lụa mà lòng rối như tơ vò, tim đau như cắt, tâm trí lo âu, người đời sỉ vả. Đó là cái giàu bất hạnh, một cái “khốn” đầy xót thương, tội nghiệp cho những ai giàu về vật chất thanh danh mà không biết chia sẻ, không biết cống hiến. Kẻ no nê vui cười cũng thật đáng thương vì họ tận hưởng những ân huệ Chúa ban một cách ích kỷ.

Tin Mừng cho chúng ta mẫu gương của những người giàu mà hạnh phúc khi họ biết chia sẻ (Lc 14,12-14) và giúp đỡ người khác như người Samari nhân hậu (Lc 10,29-37), như Dakêu biết cho người nghèo nửa gia sản của ông (Lc 19,1-10), và như Nicôđêmô biết dùng nhiều tiền để mua thuốc thơm xức xác Chúa (Ga 19,39).[3] Từ đó cho thấy, cái nghèo thảm hại nhất là nghèo nàn tấm lòng, cái giàu bất hạnh nhất là cái giàu không biết sẻ chia. Suy nghĩ về giàu nghèo còn dạy cho chúng ta bài học “đừng đánh giá con người bởi vẻ bề ngoài của họ”. “Cái nết đánh chết cái đẹp” cho thấy người đời trọng sự tử tế, lòng bao dung, từ ái, hiền hòa, khiêm nhường,… để dù có thành công mỹ mãn, tài năng xuất chúng, của cải ê hề, gia trang bề thế hay danh tiếng triệu người mê,… thì giàu có chỉ hạnh phúc khi đi kèm với phục vụ, trao ban, và lòng biết ơn quảng đại.

Quyết Định Khi Nào Hạnh Phúc?

Câu chuyện trên cho chúng ta thấy quan niệm về giàu, nghèo và thế nào là hạnh phúc còn tùy thuộc vào thái độ lạc quan đúng đắn của từng người trước “cơn khát làm giàu”. Trên America’s Got Talent (Tìm Kiếm Tài Năng Mỹ) năm 2021, ca sĩ Jane Marczewski (nghệ danh là Nightbirde, 30 tuổi), người đang chiến đấu với nhiều căn bệnh ung thư di căn vào nội tạng; dù chỉ còn 60 ngày để sống và 2% hy vọng, cô vẫn lên sân khấu hát bài “It’s OK” (Không sao đâu) với nụ cười rạng rỡ, tinh thần lạc quan toát ra trong giọng hát đầy cảm xúc và nghị lực sống. Khi vừa hát xong bài hát đầy cảm xúc và lúc các giám khảo còn đang nghẹn ngào, Nightbirde nói: “Chúng ta không thể chờ cho đến khi cuộc sống hết khốn khó trước khi quyết định hạnh phúc”. Cô đã nhận được Nút Vàng của Ban Giám khảo (cho đặc cách vào thẳng vòng bán kết). Chính trong nụ cười rạng rỡ trên sân khấu và nghị lực phi thường, Nightbirde cho chúng ta thấy sự sống và lạc quan là tài sản quý giá nhất mà chúng ta cần phải làm giàu, phải bảo vệ và trân quý món quà sự sống Chúa ban trong phép lạ đời người, đời tôi và đời bạn, cho dù chỉ còn 2% sống sót.

Trong xã hội, giàu và nghèo là hai thái cực và nó đã từng và vẫn còn là tiêu chuẩn để phân chia giai cấp. Cựu tổng thống Nam Phi, Nelson Mandela, người nhận giải Nobel Hòa Bình năm 1993, người là biểu tượng của tự do và bình đẳng, nói: “Chừng nào sự nghèo đói, sự bất công và sự bất bình đẳng trắng trợn còn tồn tại, không ai trong chúng ta có thể thực sự nghỉ ngơi.” Ông nhắc chúng ta, những con người cần giàu lòng nhân ái, giàu nhân nghĩa, giàu tri thức văn minh, … nhưng đôi khi lại dửng dưng trước thực trạng nghèo nàn lạc hậu của anh chị em mình. Vào ngày phán xét, Chúa Giêsu cũng hỏi chúng ta về cách thức chúng ta đang sử dụng của cải và ân huệ Chúa ban trong tình liên đới (x. Mt 25,31-46). Dù giàu hay nghèo, xin Chúa giúp chúng ta đan duyên kết phúc bằng tơ ánh việc lành và lý tưởng vươn đến: “PHÚC THAY!” Amen.

_____________

[1] Chú giải của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ.

[2] Xem thêm: https://www.dkn.tv/van-hoa/nguoi-co-tien-dang-nghi-dieu-gi.html

[3] Xem thêm: https://dongten.net/2019/02/14/hoc-hoi-tin-mung-chua-nhat-vi-thuong-nien-nam-c/

Bài trướcChú giải Tin Mừng Chúa Nhật V Thường Niên, năm C (Lc 5,1-11)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (13/2, Chúa Nhật VI TN)