MỞ TAI, MỞ MIỆNG VÀ MỞ LÒNG (5/9, Chúa Nhật XXIII TN-B)

0
377

Bài đọc 1: Is 35,4-7a; Bài đọc 2: Gc 2,1-5

Tin Mừng: Mc 7,31-37

Đức Giêsu lại bỏ vùng Tia, đi  qua ngả Xiđôn, đến biển hồ Galilê vào miền Thập Tỉnh. Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giêsu, và xin Người đặt tay trên anh. Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: “Épphatha”, nghĩa là: hãy mở ra! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng. Đức Giêsu truyền bảo họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng truyền bảo họ, họ lại càng đồn ra. Họ hết sức kinh ngạc, và nói: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.”

Bài giảng của Lm. Giuse Phạm Duy Thạch, SVD

Tin Mừng ngày hôm nay (Mc 7,31-37) kể lại những hoạt động của Đức Giêsu trên vùng đất của dân ngoại. Hành trình rao giảng đưa Đức Giêsu ra khỏi miền Galilê để đi về phía dân ngoại.

Sau khi trừ quỷ cho con gái của một người phụ nữ Hy Lạp tại vùng Tia (Mc 7,24-30). Hôm nay, nơi miền Thập Tỉnh, Đức Giêsu lại gặp gỡ một bệnh nhân khác. Câu giới thiệu về địa lý của đoạn Tin Mừng này rất ngắn gọn nhưng nó diễn tả cả một vùng địa lý rộng lớn trên đất Palestin: “Đức Giêsu lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xiđôn, đến biển hồ Galilê vào miền Thập Tỉnh” (Mc 7,31). Từ phía Tây của Palestin, dọc bờ biển Địa Trung Hải (Tia và Siđôn, Liban), băng qua miền đất liền Galilê, rồi qua Hồ Galilê, rồi đến Miền Thập Tỉnh ở phía Đông của Palestin. Nghĩa là, Chúa Giêsu phải đi từ Tây sang Đông và băng qua biển hồ Galilê.

Nhân vật được chữa lành trong đoạn Tin Mừng hôm nay không thể tự mình trình bày với Đức Giêsu về nhu cầu thiết yếu của mình. Anh ta cũng không thể nghe biết về khả năng chữa bệnh của Đức Giêsu, bởi vì anh ta vừa điếc lại vừa ngọng. Có những người tốt đã thắp sáng niềm hy vọng cho anh. Họ chắc chắn nghe biết về Chúa Giêsu và tin vào những dấu lạ Người đã làm. Họ thương anh, quan tâm đến anh nên họ nghĩ đến chuyện phải đưa anh đến với Chúa Giêsu, rồi họ năn nỉ Ngài đặt tay trên anh. Đó phải là một hành trình đẹp của tình người, tình nhân loại. Mối quan tâm đến những người cùng khổ được thể hiện bằng hành động là đem anh đến với Chúa để cầu thay nguyện giúp cho người anh em của mình. Đức Giêsu chắc chắn nhìn thấy thiện chí và tình thương của những người đồng hương với anh. Người đã đón nhận anh từ đám đông, ân cần chăm sóc anh. Người chạm vào tai anh. Người dùng nước miếng chạm vào lưỡi anh. Đó là những cái chạm thân tình nhất mà chỉ những người yêu nhau mới làm được. Người ngước mắt lên trời cầu nguyện cho anh, Người ra lệnh cho anh: “Éphatha, hãy mở ra”!  (Épphatha là mệnh lệnh cách trong tiếng Aramaic dịch ra tiếng Hy Lạp là đianoitheti: nghĩa là hãy mở ra). Đây là lần duy nhất và với người duy nhất Đức Giêsu dùng mệnh lệnh này trong toàn bộ cách sách Tin Mừng. Trước khi dùng mệnh lệnh này Đức Giêsu cũng làm một hành động khác, cũng là một lần duy nhất trong toàn bộ các sách Tin Mừng. Đó là, Người “rên lên một tiếng” (bản dịch của nhóm CGKPV). Động từ “stenagiồ” trong tiếng Hy Lạp, còn có nghĩa là thở dài, phàn nàn, và gầm rú. Không rõ chính xác là Chúa Giêsu đã làm gì, có thể là rên, có thể là thở dài hoặc là la to lên. Có thể đó là lối diễn tả sự để tâm mang tính cảm xúc sâu sắc của Chúa Giêsu, theo như cách hiểu của R. France.[1] Sự duy nhất của động từ này, cũng như mệnh lệnh Épphatha trong tiếng Aramaic, làm cho trình thuật chữa lành này trở nên hết sức đặc biệt. Chưa hết, một loạt 7 động từ được dùng trong tiến trình chữa lành này: Đức Giêsu kéo anh ra xa, tra ngón tay vào lỗ tai, nhổ nước miếng,[2] chạm vào lưỡi, nhìn lên trời, rên lên, và nói. Và mệnh lệnh Đức Giêsu nói là dành cho người bệnh chứ không phải cho tai và lưỡi anh. “Anh hãy được mở ra!” Đối tượng là cả con người bệnh nhân chứ không phải chỉ tai và lưỡi. Câm điếc là bệnh tật về thể lý. Đức Giêsu có thể chữa bệnh thể lý nhưng đối với Người, quan trọng nhất là con tim phải được mở ra. Phía sau phép lạ chữa lành về thể lý luôn luôn là một hiệu quả chữa lành về đức tin, một lòng tin vào Thiên Chúa, dẫn đến sự biến đổi về nội tâm và đời sống cho chính bệnh nhân và những người cùng đi với anh. Nên nhớ rằng dân ngoại thường được các ngôn sứ thời Cựu Ước (x. Is 42,17-19; 43,8–9; Mc 7,16) nối kết với sự điếc vì họ không để tâm đến Lời Chúa.[3]

Phép lạ mở tai và mở miệng cho người vừa điếc vừa ngọng được kết thúc bằng sự kinh ngạc cực kỳ của dân chúng. Trạng từ được dùng diễn tả mức độ kinh ngạc của dân chúng cũng là một trạng từ hết sức đặc biệt (hyperperissos: vượt qua sự đo lường, cực kỳ). Nó cũng được dùng một lần duy nhất trong toàn bộ Thánh Kinh. Lời cảm thán của dân chúng, “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả:[4] ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được”, là một cảm nghiệm từ một dấu lạ Đức Giêsu đã làm cho người ngọng điếc. Đó cũng là tin vui mà ngôn sứ Isaia đã loan báo từ ngàn xưa về thời Đấng Mêsia: “Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được; kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò” (Is 35,5-6).

Đó là một niềm vui khôn tả, vui đến nỗi không thể che dấu được. Vì thế, dẫu rằng Đức Giêsu đã ra lệnh cho họ không được nói với ai, nhưng Người càng ra lệnh thì họ càng rao giảng không ngừng.

Phép lạ chữa lành người ngọng điếc không chỉ có ý nghĩa cho cá nhân người ngọng điếc. Hơn thế nữa, anh chính là biểu tượng cho một vùng dân ngoại bẩm sinh mất đi khả năng nghe tiếng Chúa và nói về Chúa. Không nghe tiếng Chúa thì hẳn những điều họ nói về Chúa, về những điều Chúa muốn họ nói trở nên ngọng ngịu, khó thành câu. Đức Giêsu đã đến, và mọi thứ đã thay đổi, đôi tai họ đã được mở ra và miệng lưỡi họ loan báo kinh khủng, đến nỗi Người không thể bịt lại được nữa.

Cám ơn Chúa, vì Chúa đã đến với chúng ta. Người đã mở tai và mở lưỡi cho chúng ta vào ngày chúng ta chịu Phép Rửa. Tuy nhiên, nhiều lúc không khéo giữ gìn, bệnh cũ ngọng điếc của chúng ta lại tái phát. Để rồi, có những đôi tai không còn nghe tiếng Chúa nữa; có những đôi tai chỉ thích nghe những điều xấu xa; có những đôi tai thích thú với những lời nói xu nịnh, vuốt ve; có những đôi tai chỉ thích lắng nghe những điều xầm xì, bàn tán về người khác; có những đôi tai không đón nhận sự thật mất lòng; có những đôi tai làm ngơ trước lời kêu gào của người khốn khổ chung quanh mình; có những đôi tai dửng dưng trước Lời Chúa.

Không nghe tiếng Chúa, thì làm sao bắt chước tiếng Chúa được. Thế nên mới có những chiếc lưỡi không xương nhiều đường lắt léo, có những chiếc lưỡi khoe khoang, khoác lác, có những chiếc lưỡi xu nịnh vuốt ve, có những chiếc lưỡi lảng tránh sự thật, hoặc tệ hơn nữa là bẻ cong sự thật.

Có những chiếc lưỡi “hễ ngồi lê là bới xấu anh em và bêu diếu cả người ruột thịt” (Tv 50,20). “Môi miệng chúng chẳng có gì thành thật, lòng dạ đầy chước độc mưu thâm. Cửa họng chúng như nấm mồ mở rộng, khéo đẩy đưa ba tấc lưỡi phỉnh phờ (Tv 5,10). Và rốt cuộc: “Tấc lưỡi mình hại mình là thế! Thiên hạ xem, ai cũng lắc đầu (Tv 64,9).

Trong tông thư gửi những anh chị em sống đời thánh hiến, Đức Phanxicô đã khuyên rằng: “tôi không ngừng lặp đi lặp lại rằng: những lời chỉ trích, đàm tiếu, ghen tương, tị hiềm, đố kỵ không được phép cư ngụ ở trong nhà của anh chị em”.

Trong một bài giảng lễ ngày 2/9/2013, tại nhà nguyện Santa Mata, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã nói rằng: “Những ai trong một cộng đoàn hay nói xấu về người anh chị em mình, tức các thành viên khác của cộng đoàn, là muốn giết chết họ … Chúng ta thường nói xấu, buôn chuyện. Nhưng biết bao lần cộng đoàn chúng ta, ngay cả gia đình chúng ta, đã trở thành địa ngục khi chúng ta ác độc giết người anh em mình bằng lời nói!”

Mệnh lệnh Éphphatha (anh hãy được mở ra) của Chúa Giêsu, và những cái chạm vào đôi tai, vào lưỡi dành cho người ngọng điếc vẫn là những điều hết sức cần thiết cho mỗi người chúng ta. Xin Chúa Chúa mở tai, và thánh hóa môi miệng chúng ta để chúng ta biết nghe Lời Chúa dạy, tránh nghe những xầm xì, bàn tán, buôn chuyện, và chỉ nói những điều cần thiết mang lại lợi ích cho anh chị em mình mà thôi. Amen.

Chú thích:

[1] R.T. France, The Gospel of Mark: a commentary on the Greek text (New International Greek Testament Commentary; Grand Rapids 2002) 303-304.

[2] Nước bọt chính là phương thuốc dân gian rất phổ biến trong thời cổ đại, thậm chí còn được đánh giả cao bởi các thầy thuốc chuyên nghiệp (J. Marcus, Mark 1–8. A New Translation with Introduction and Commentary (AncB; New Haven – London 2008) XXVII, 472.

[3]J. Marcus, Mark 1–8, 472.

[4] Cụm từ này âm vang Tin Mừng của buổi sáng thế (St 1,31), nơi đó Đức Chúa cũng thấy rằng tất cả những công trình Ngài đã sáng tạo, là rất tốt đẹp. Điều này hàm ý rằng Chúa Giê-su đang thực hiện một cuộc sáng tạo mới ngay trên vùng đất dân ngoại (x. J. Marcus, Mark 1–8, 478).

Bài trướcChú giải Tin Mừng CN XXIII TN B (Mc 7,31-37)
Bài tiếp theoTHA THỨ ĐỂ NÊN HOÀN THIỆN (9/9, Thứ Năm Tuần 23 TN)