Lời Chúa + Bài giảng Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô – Năm B (CN IX TN)

0
940

Bài Ðọc I: Xh 24, 3-8

“Ðây là máu giao ước Thiên Chúa đã cam kết với các ngươi”.

Trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, Môsê đến thuật lại cho dân chúng nghe tất cả những lời và lề luật của Chúa, và toàn dân đồng thanh thưa rằng: “Chúng tôi xin thi hành mọi lời Chúa đã phán”. Vậy Môsê ghi lại tất cả những lời của Chúa. Và sáng sớm, ông chỗi dậy, lập bàn thờ ở chân núi, dựng mười hai cột trụ, chỉ mười hai chi họ Israel, ông sai các thanh niên trong con cái Israel mang của lễ toàn thiêu và hiến dâng lên Chúa những con bò tơ làm hy lễ giao hoà. Môsê lấy phân nửa máu đổ vào các chậu và rưới phân nửa kia lên bàn thờ. Ông mở quyển giao ước ra đọc cho dân nghe và họ thưa: “Chúng tôi xin thi hành và tuân theo tất cả những điều Chúa đã phán”. Vậy ông lấy máu rẩy lên dân chúng và nói: “Ðây là máu giao ước Thiên Chúa đã cam kết với các ngươi theo đúng tất cả những lời đó”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 115, 12-13. 15-16bc. 17-18

Ðáp: Tôi sẽ lãnh chén cứu độ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa (c. 13).

Hoặc đọc: Alleluia

Xướng: 1) Tôi lấy gì dâng lại cho Chúa, để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho tôi? Tôi sẽ lãnh chén cứu độ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa. – Ðáp.

2) Trước mặt Chúa thật là quý hoá, cái chết của những bậc thánh nhân Ngài. Tôi là tôi tớ Ngài, con trai của nữ tì Ngài, Ngài bẻ gãy xiềng xích cho tôi. – Ðáp.

3) Tôi sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa. Tôi sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Dt 9, 11-15

“Máu Chúa Kitô tẩy sạch lương tâm chúng ta”.

Trích thư gởi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, Chúa Kitô xuất hiện như vị Thượng tế cầu bầu mọi phúc lành tương lai. Người đi qua nhà tạm rộng rãi và hoàn hảo hơn, không phải do tay người phàm xây dựng, nghĩa là không thuộc về trần gian này, cũng không nhờ máu dê bò, nhưng nhờ chính máu của Người mà vào Cung Thánh chỉ một lần và đem lại ơn cứu độ muôn đời. Vì nếu máu dê và tro bò mà người ta rảy trên kẻ ô uế còn thánh hoá được thân xác nên trong sạch, huống chi máu của Ðức Kitô, Ðấng đã nhờ Thánh Thần mà hiến tế chính mình làm của lễ trong sạch dâng lên Thiên Chúa; máu đó sẽ tẩy sạch lương tâm chúng ta khỏi những việc sinh sự chết, khiến chúng ta có thể phụng sự Thiên Chúa hằng sống. Vì vậy Chúa Kitô là trung gian của Tân Ước, vì nhờ sự chết của Người để cứu chuộc tội phạm dưới thời Cựu Ước, mà những kẻ được kêu gọi, đến lãnh lấy gia nghiệp đời đời đã hứa cho họ.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 6, 51-52

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời”. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 14, 12-16. 22-26

“Này là Mình Ta. Này là Máu Ta”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Ngày thứ nhất trong tuần lễ ăn bánh không men là ngày giết chiên mừng lễ Vượt Qua, các môn đệ thưa Chúa Giêsu rằng: “Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn Lễ Vượt Qua tại đâu?” Người liền sai hai môn đệ đi và dặn rằng: “Các con hãy vào thành, và nếu gặp một người mang vò nước thì hãy đi theo người đó. Hễ người ấy vào nhà nào thì các con hãy nói với chủ nhà rằng: Thầy sai chúng tôi hỏi: ‘Căn phòng Ta sẽ ăn Lễ Vượt Qua với các môn đệ ở đâu?’ Và chủ nhà sẽ chỉ cho các con một căn phòng rộng rãi dọn sẵn sàng và các con hãy sửa soạn cho chúng ta ở đó”. Hai môn đệ đi vào thành và thấy mọi sự như Người đã bảo và hai ông dọn Lễ Vượt Qua.

Ðang khi họ ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông mà phán: “Các con hãy cầm lấy, này là Mình Ta”. Rồi Người cầm lấy chén, tạ ơn, trao cho các ông và mọi người đều uống. Và Người bảo các ông: “Này là Máu Ta, Máu tân ước sẽ đổ ra cho nhiều người. Ta bảo thật các con: Ta sẽ chẳng còn uống rượu nho này nữa cho đến ngày Ta sẽ uống rượu mới trong nước Thiên Chúa”. Sau khi hát Thánh Vịnh, Thầy trò đi lên núi Cây Dầu.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng chủ đề:

MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KITÔ

Lm. Giuse Lâm Văn Việt, SVD

Chúng ta có thể quả quyết rằng: Mỗi Thánh Lễ đều là lễ “Mình Máu Thánh Chúa”. Tuy nhiên, ngày lễ trọng kính Mình Máu Thánh Chúa được Giáo Hội ấn định hàng năm vào ngày Chúa Nhật liền sau Chúa Nhật lễ Chúa Ba Ngôi, phải có lý do. Đúng, đây là cơ hội đặc biệt để chúng ta tìm hiểu và suy niệm cách sâu xa hơn về mầu nhiệm này: một mầu nhiệm đức tin và cũng là mầu nhiệm tình yêu.

Thông thường, khi sắp chia ly nhau, người ta muốn tặng cho nhau một món quà kỷ niệm đặc biệt. Món quà quý giá cao trọng chừng nào thì thể hiện tấm lòng yêu thương chừng ấy của người tặng quà.

Bài Tin Mừng cho thấy Đức Giêsu đã biết trước giờ sắp ra đi của mình, nên Người đã chủ động chuẩn bị chu đáo cho bữa ăn Vượt Qua cuối cùng của Người với các môn đệ. Đó là một căn phòng rộng rãi trên lầu, kín đáo riêng tư để Thầy trò tâm sự.

Trong bữa ăn mừng Lễ Vượt Qua này, Đức Giêsu đã trao tặng cho các Tông Đồ yếu quý, và cho cả nhân loại một món quà quý giá qua việc Người thiết lập Bí Tích Thánh Thể. Kể từ nay, con người được đón nhận các mối phúc và được mời gọi sống trong tương giao dựa trên lòng yêu mến. Chính bữa ăn này đã đúc kết toàn bộ lịch sử của dân Ítraen và mở ra một trang sử mới. Bữa ăn này là một biến cố làm đảo lộn cả lịch sử mọi thời.

Như vậy, mỗi lần Hội Thánh cử hành Thánh Thể là mỗi lần được sinh ra trong Máu của Đức Giêsu, trong Giao ước vĩnh cửu. Do vậy, mỗi người Kitô hữu khi tham dự Thánh Lễ đều được mời dự phần vào mầu nhiệm sự chết của Đức Kitô. Chính cái chết này mở ra con đường dẫn đến vương quốc sự sống.

Thánh Lễ là cuộc tái diễn bữa ăn đặc biệt này, trong đó Đức Giêsu tiếp tục nhắc lại Giao ước với toàn thể nhân loại cũng như với từng người. Khi cử hành và tham dự Thánh Lễ, nhân loại một lần nữa đi vào Giao ước của Thiên Chúa qua cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Đức Kitô. Giao ước ấy đã được thực hiện một lần trong lịch sử, một lần là đủ, nhưng cần được nhắc lại để nhân loại luôn nhớ đến tình yêu đã cứu chuộc mình, và tình yêu ấy vẫn đang cứu chuộc để đưa nhân loại đến sự sống vĩnh cửu.

Khi qui tụ xung quanh bàn tiệc Thánh Thể mỗi người chúng ta đang được hưởng niềm vui và bình an. Chính nơi bàn tiệc ấy, chúng ta có thể trao đổi, chung chia cho nhau những khúc quanh cuộc đời, đồng cảm và đồng hành với nhau trong hành trình tiến về Nước Trời. Chính nơi ấy chúng ta được nâng đỡ và lớn lên trong tình yêu của Đức Kitô.

Vâng, mỗi người chúng ta đã được ánh nến Phục Sinh thắp sáng trong ngày lãnh nhận bí tích Rửa Tội; Ánh sáng ấy đã sưởi ấm và soi dẫn chính cuộc đời mỗi người.

Nhiệm vụ của chúng ta là hãy giữ lấy những nguồn sáng ấy để có thể làm muối, làm men cho đời. Nếu chất Kitô hữu ấy đã nguội lạnh hoặc đã bị biến dạng thì chẳng khi nào chúng ta có thể trở thành những gia vị hữu ích cho đời. Nếu có dịp ngồi thầm lặng trước một ánh nến leo lét trong nơi cô tịch nào đó, chúng ta sẽ khám phá ra được rất nhiều điều về chất Kitô hữu của mình. Khi ngọn lửa đã được thắp lên thì chất sáp sẽ bị hao mòn nhưng điều tuyệt diệu ở đây là căn phòng được sưởi ấm và bừng sáng.

Chất Kitô hữu ấy đã kết nên tấm bánh đời mình để rồi hàng ngày chúng ta dâng lên Cha những niềm vui và chén đắng cuộc đời. Từng tấm bánh và chén đắng cuộc đời ấy tạo nên một bữa tiệc huynh đệ xung quanh bàn tiệc Thánh Thể. Nơi ấy, chúng ta cùng được dâng lời tạ ơn, cùng ăn một tấm bánh là chính cuộc đời của nhau và cứ như thế, chúng ta lại nhào nặn, bẻ ra và trao cho anh chị em chính cuộc đời của mình… Cuộc đời của người Kitô hữu sẽ được diễn ra như vậy!

Ngày hôm nay, Thiên Chúa vẫn mong muốn mọi người kết hợp với nhau trong một cộng đoàn đức tin. Nơi đó, mọi người cùng đồng tâm nhất trí, chung một lời nguyện, cùng tham dự Bàn Tiệc Thánh và cùng nhận một sứ vụ ra đi loan báo Tin Mừng.

Và như thế, từ Bàn Tiệc thánh, Thiên Chúa mời gọi chúng ta ra đi thi hành sứ vụ, đến với tất cả các anh chị em khác để chia sẻ với họ những tâm tình của mình và cùng nhau xây dựng một nhiệm thể Đức Kitô trong một cộng đoàn đức tin. Một cộng đoàn luôn ý thức rằng, chúng ta được sai đi để chữa lành, gây niềm cảm hứng, trao tặng niềm hy vọng cho anh chị em mình. Đây không phải là việc biểu diễn một kỹ năng độc đáo, nhưng là một sự diễn tả niềm tin của mình cho tất cả những người được Đức Giêsu quy tụ và ủy thác cho chúng ta. Đức Giêsu đã sống lại và hiện diện với mỗi người theo cách thức khác nhau.

Ngày hôm nay, chúng ta còn có rất nhiều cách để làm chứng cho mọi người biết là Chúa vẫn đồng hành và yêu thương chúng ta. Sứ vụ loan báo đích thực không chỉ là cho đi nhưng còn có nghĩa là đón nhận. Sứ vụ loan báo Tin Mừng chỉ có thể được thi hành một cách bền bỉ khi người ta ý thức cả hai chiều kích ấy, “được người khác quan tâm và biết quan tâm đến người khác”. Bởi chưng, người cho đi vẫn cảm thấy mình cần phải lãnh nhận và kẻ lãnh nhận cũng biết mình cần phải cho đi; Một tương quan như thế ắt hẳn sẽ làm cho biên giới lòng mến dần dà trải rộng.

Đã bao lần tôi ý thức rằng, khi tôi lãnh nhận lương thực hằng sống là tôi được hiệp thông với Chúa Kitô. Của ăn vật chất bồi dưỡng cho thân xác, cũng vậy, khi tôi rước lễ, Mình Thánh Chúa cũng sẽ làm cho đời sống thiêng liêng của tôi thêm tăng trưởng, tránh xa được mọi tội lỗi và được qui tụ cùng với anh em mình làm nên một Hội Thánh.

Chúa Giêsu đến và ở trong tôi. Mình Máu Ngài đã nuôi dưỡng đời tôi. Thế nhưng, tôi đã không ý thức, tôi đã đón nhận Ngài như một thói quen, chứ không như một nhu cầu thiết yếu cho đời sống của tôi. Sự vô cảm ấy ngăn cản tôi sống trong Ngài và Ngài sống trong tôi. Mỗi khi chúng ta ăn và uống Mình Máu Chúa là chúng ta đụng chạm tới Ngài. Chúng ta đụng chạm tới Chúa để được chữa lành các tội lỗi và nết xấu của chúng ta. Ngài hiện diện đó như lương thực thần linh đem lại cho chúng ta sự sống đời đời. Ngài hiện diện như một của lễ, để chúng ta được cùng với Ngài dâng lên Chúa Cha.

Hằng tuần, hằng ngày, người Kitô hữu khi đón nhận Mình và Máu Chúa Giêsu được tiếp nhận sức sống của Chúa. Chúng ta cũng được mời gọi trở nên giống Chúa, như tấm bánh bẻ ra trao cho người khác, qua việc hy sinh lợi ích cá nhân để phục vụ lợi ích của tha nhân. Chúa muốn chúng ta sẵn sàng hy sinh thời giờ để giúp đỡ một người đang cần chúng ta hướng dẫn trong công việc, hay an ủi khi cô đơn.

Nói cách khác, trong xã hội đang tôn thờ chủ nghĩa cá nhân như hiện nay, có biết bao người đang đói khát bánh tình yêu, muốn bánh chân lý, bánh cộng đồng, bánh hy vọng. Vì thế, muốn loan báo Tin Mừng hiệu quả, chúng ta hãy sống như Giêsu đã sống, yêu như Giêsu đã yêu, để những người đang đói khát tìm được Đức Giêsu và cảm được tình yêu của Chúa hiện diện nơi chúng ta.

Hôm nay mừng Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, tâm tình chúng ta cần phải có là dâng lên Chúa lòng biết ơn sâu sắc vì đã lập phép Thánh Thể để ở lại với chúng ta; Đồng thời chúng ta hãy quyết tâm  từ đây tận dụng phép Thánh Thể, khai thác phép Thánh Thể để có lợi nhiều nhất cho cuộc sống giữ đạo của ta.

Ước gì, mỗi ngày khi qui tụ xung quanh bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta biết dâng lên Cha những chén đắng cuộc đời để cùng chung chia cho nhau những khúc quanh cuộc đời và cùng hòa vang niềm tạ ơn với đời, với người; Để rồi những gì chúng ta đang nâng niu, đang chọn lựa sẽ trở thành hiện thực; Để rồi mỗi ngày chúng ta biết xác tín hơn vào con đường mình đã chọn và hơn nữa chúng ta cố gắng để trở nên tấm bánh tình yêu được bẻ ra và trao ban, nhờ đó chúng con biết sẵn sàng sống yêu thương và phục vụ anh chị em đồng loại.

 

Bài trướcBà Cố Anna Bùi Thị Thường, Thân Mẫu Tu sĩ Phêrô Trần Thái Đức, SVD
Bài tiếp theoThường Niên – Tuần IX – Năm B

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.