Lời Chúa + Bài giảng Lễ Hiển Linh

0
1428

Bài Ðọc I: Is 60, 1-6

“Vinh quang Chúa xuất hiện trên ngươi”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Hãy đứng lên, hãy toả sáng ra, hỡi Giêrusalem! Vì sự sáng của ngươi đã tới, vì vinh quang của Chúa đã bừng dậy trên mình ngươi.

Kìa tối tăm đang bao bọc địa cầu, vì u minh phủ kín các dân, nhưng trên mình ngươi Chúa đang đứng dậy, vì vinh quang của Ngài xuất hiện trên mình ngươi. Chư dân sẽ lần bước tìm về sự sáng của ngươi, và các vua hướng về ánh bình minh của ngươi.

Hãy ngước mắt lên chung quanh, và hãy nhìn coi: tất cả những người đó đang tập họp, đang tìm đến với ngươi; các con trai của ngươi tự đàng xa đi tới, và các con gái ngươi đứng dậy từ khắp bên hông.

Bấy giờ ngươi sẽ nhìn coi, và ngươi trở nên rực rỡ, tim ngươi sẽ rạo rực và sẽ phồng lên. Bởi vì những kho tàng bể khơi tuôn đến với ngươi, nguồn phú túc của chư dân sẽ tới tay ngươi. Những con lạc đà tràn ngập vây phủ lấy ngươi, những lạc đà một bướu tự xứ Mađian và Epha; tất cả những ai từ Saba đi tới, đem theo vàng và nhũ hương, và họ sẽ tuyên rao lời ca ngợi Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 71, 2. 7-8. 10-11a. 12-13

Ðáp: Lạy Chúa, mọi dân tộc trên địa cầu đều thờ lạy Chúa (x. c. 11b).

Xướng: 1) Lạy Chúa, xin ban quyền xét đoán khôn ngoan cho đức vua, và ban sự công chính cho hoàng tử, để người đoán xét dân Chúa cách công minh, và phân xử người nghèo khó cách chính trực. – Ðáp.

2) Sự công chính và nền hoà bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại người, cho đến khi mặt trăng không còn chiếu sáng. Và người sẽ thống trị từ biển nọ đến biển kia, từ sông cái đến tận cùng trái đất. – Ðáp.

3) Vì người sẽ giải thoát kẻ nghèo khó khỏi tay kẻ quyền thế, và sẽ cứu người bất hạnh không ai giúp đỡ. Người sẽ thương xót kẻ yếu đuối và người thiếu thốn, và cứu thoát mạng sống kẻ cùng khổ. – Ðáp.

4) Chúc tụng danh người đến muôn đời, danh người còn tồn tại lâu dài như mặt trời. Vì người, các chi họ đất hứa sẽ được chúc phúc, và các dân nước sẽ ca ngợi người. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Ep 3, 2-3a. 5-6

“Bây giờ được tỏ ra rằng các dân ngoại được đồng thừa tự lời hứa”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, (chắc) anh em đã nghe biết rằng: Thiên Chúa đã ban cho tôi việc phân phát ân sủng cho anh em, là theo ơn mạc khải cho tôi biết, tôi đã được thấu hiểu mầu nhiệm mà con cái loài người các thế hệ khác không được biết, nhưng nay đã mạc khải cho các thánh Tông đồ của Người, và cho các vị Tiên tri, nhờ Thánh Thần. Và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được nên đồng thừa tự, đồng một thân thể và đồng thông phần với lời hứa của Người trong Chúa Giêsu Kitô.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 2, 2

Alleluia, alleluia! – Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Ðông phương, và chúng tôi đã đến để triều bái Người. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 2, 1-12

“Chúng tôi từ phương Ðông đến thờ lạy Ðức Vua”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, trong đời vua Hêrôđê, có mấy nhà đạo sĩ từ Ðông phương tìm đến Giê-rusalem. Các ông nói: “Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Ðông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người”. Nghe nói thế, vua Hêrôđê bối rối, và tất cả Giêrusalem cùng với nhà vua. Vua đã triệu tập tất cả các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Ðức Kitô sinh hạ. Họ tâu nhà vua rằng: “Tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, vì đó là lời do Ðấng Tiên tri đã chép: Cả ngươi nữa, hỡi Bêlem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta”.

Bấy giờ Hêrôđê ngầm triệu tập mấy nhà đạo sĩ tới, cặn kẽ hỏi han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện ra. Rồi vua đã phái họ đi Bêlem và dặn rằng: “Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về Hài Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho Trẫm, để cả Trẫm cũng đến triều bái Người”. Nghe nhà vua nói, họ lên đường. Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Ðông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người. Rồi, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Và khi nhận được lời mộng báo đừng trở lại với Hêrôđê, họ đã qua đường khác trở về xứ sở mình.

Ðó là lời Chúa.

 


Bài giảng / chia sẻ:

ĐÓN NHẬN HAY KHƯỚC TỪ

Lm. Antôn P. Phạm Thanh Thịnh, SVD

Mừng lễ Chúa Hiển Linh là mừng lễ Thiên Chúa tỏ mình ra cho muôn dân biết Ngài là một vị Thiên Chúa làm người, mà đại diện cho muôn dân là ba nhà chiêm tinh. Họ là những người ngoại giáo. Trước đây chúng ta thường gọi ba nhà chiêm tinh là ba vua. Ngày hôm nay, theo các nhà nguyên cứu Thánh Kinh thì họ không phải là ba vị vua, mà là ba nhà chiêm tinh, nên Phụng vụ gọi lễ này là lễ Chúa Hiển Linh. Lễ Chúa Hiển Linh nhắc nhớ chúng ta rằng: Hài Nhi Giêsu là Con Thiên Chúa làm người, là vua của vũ trụ và là Đấng cứu độ muôn dân. Ba nhà chiêm tinh đã nhìn thấy ánh sao lạ xuất hiện, họ tin ngôi sao lạ đó là dấu chỉ dẫn đường để họ tìm đến với Đấng Cứu Tinh, nên ba nhà chiêm tinh đã mau mắn lên đường trong niềm hy vọng và phấn khởi. Nhưng thỉnh thoảng ngôi sao lạ ấy lại biến mất, tưởng chừng như họ bỏ cuộc, nhưng không, họ vẫn không thất vọng bỏ cuộc, mà tiếp tục dò hỏi kiếm tìm: “Đức Vua dân Do Thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhìn thấy ngôi sao của Người ở Phương Đông, nên chúng tôi đến để triều bái Người” (Mt 2,2-3). Hành trình của ba nhà chiêm tinh là hành trình Đức Tin, con đường của họ là con đường thập giá.

Bài Tin mừng hôm nay nêu lên hai thái độ khác nhau của con người đối với Hài Nhi Giêsu, đó là: “đón nhận hay khước từ”. Ba nhà đạo sĩ Phương Đông đã chấp nhận một cuộc phiêu lưu, dám ra khỏi cảnh sống thường ngày của mình, từ bỏ những tiện nghi mình đang hưởng, để đi theo ánh sao lạ trên bầu trời dẫn đường đến với Hài Nhi Giêsu. Họ thành tâm tìm Chúa nên họ đã gặp được Ngài. Và khi gặp được Hài Nhi Giêsu, họ khiêm tốn tin nhận và tôn thờ vua vũ trụ nơi một em bé sơ sinh yếu đuối, bé bỏng, nghèo hèn nằm trong máng cỏ. Họ dâng lên Hài Nhi Giêsu ba phẩm vật quý giá là: vàng, nhủ hương và mộc dược, để tỏ lòng tôn kính Ngài. Vàng chỉ vương quyền của Đức Kitô, nhủ hương chỉ thiên tính của Ngài, và mộc dược chỉ cuộc khổ nạn của Đức Kitô. Như vậy, các nhà chiêm tinh đã được ơn soi sáng, đã tin nhận Hài Nhi Giêsu sinh ra tại Bêlem là vị Vua Thiên Sai, là Đấng Cứu Độ nhân loại.

Trong khi đó, vua Hêrôđê, các tư tế và luật sĩ lại thiếu sự nhiệt thành, thiếu lòng khao khát trong việc tìm kiếm Chúa, mặc dầu họ có nhiều điều kiện thuận lợi: họ có Kinh Thánh trong tay, họ hiểu rất rõ những điều tiên báo về Đấng Cứu Thế, họ biết Đấng Cứu Thế sinh ra tại Bêlem, và họ cũng đang chờ mong Ngài. Thế nhưng khi Đấng Cứu Thế đến, họ đã khước từ Ngài. Họ lo hưởng thụ của cải, chức quyền, danh vọng và những tiện nghi vật chất họ đang có, chứ không màng chi đến việc tìm kiếm, đón nhận Chúa. Tệ hơn nữa, vì tham vọng, ganh tị và sợ mất ngai vàng mà vua Hêrôđê xem Hài Nhi Giêsu như kẻ thù, như một người chiếm lấy địa vị và quyền lực của ông, nên ông đã ra lệnh sát hại các trẻ thơ vô tội với ý đồ giết được Vua dân Do Thái.

Nếu ba nhà chiêm tinh thăm hỏi và hết sức nhiệt tình tìm Chúa, thì Hêrôđê ngược lại, ông ta lãnh đạm, lười biếng, và khước từ trong lo âu và sợ hãi. Nếu ba nhà chiêm tinh chân thành tìm Chúa, thì Hêrôđê là sự mưu mô, gian dối, và cuối cùng là khước từ thẳng thừng. Hêrôđê và các tư tế, luật sĩ là những người đáng lẽ ra phải đón nhận Tin Mừng cứu độ, và đón nhận Đấng Cứu Thế do chính Thiên Chúa gởi đến cho nhân loại, thì lại khước từ Ngài. Họ khước từ Đấng Cứu Thế, vì đầu óc của họ chai cứng và khô cằn, vì họ kiêu căng, tự mãn với những của cải, chức quyền, danh vọng và lạc thú họ đang có. Đang khi đó, ba nhà chiêm tinh là những người dân ngoại, là những người chưa hiểu biết gì về Chúa, lại đón nhận và tôn thờ Ngài.

Các bài đọc Lời Chúa trong ngày lễ Chúa Hiển Linh, nhất là bài Tin Mừng mời gọi chúng ta, mỗi người hãy tự kiểm điểm lại cách sống đạo của chính mình, cuộc sống thường ngày của chúng ta, những gì chúng ta làm và tuân giữ, có giúp chúng ta gặp được Chúa hay không? Thiên Chúa vẫn luôn tỏ mình cho chúng ta qua những người chúng ta gặp gỡ hàng ngày, Ngài tỏ mình cho chúng ta qua các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể mà chúng ta tham dự mỗi ngày. Thế nhưng chúng ta có đủ khiêm tốn để đón nhận Chúa hay chúng ta khước từ Ngài? Có khi nào chúng ta có suy nghĩ, việc chúng ta kiếm tìm và tin nhận Chúa, làm mình thiệt hại những lợi lộc vật chất và danh vọng không? Mỗi người tín hữu đều nhắm đến đích là Nước Trời để tiến bước, nhưng để được vào Nước Trời không chỉ kiếm tìm và tin nhận Đức Giêsu là đủ, nhưng còn phải thể hiện niềm tin đó bằng việc làm trong đời sống hàng ngày của mình.

Hài Nhi Giêsu vẫn luôn tỏ mình ra cho mọi người ở mọi nơi và mọi thời, với những hình thức khác nhau, và mời gọi chúng ta cộng tác với Ngài, cộng tác để mỗi người tín hữu trở thành một ánh sao sáng soi dẫn những người sống chung quanh mình, bằng cách sống và bằng những công việc thường ngày của mỗi người. Những ánh sao sáng của yêu thương và phục vụ, của bác ái và hy sinh, của cảm thông và chia sẻ. Để qua đó, nhiều người gặp được những tín hiệu, những dấu chỉ dẫn đưa họ đến cùng Thiên Chúa, và giúp họ nhận ra được quyền năng, tình yêu thương và ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Gặp được Chúa và tin nhận Ngài là Thiên Chúa duy nhất của đời mình, đó là mục đích của cuộc đời mỗi người chúng ta, và đó cũng là trọng tâm của bài Tin Mừng trong ngày lễ Chúa Hiển Linh hôm nay. Trong cuộc sống của mỗi người, có những biến cố xảy ra, chuyện vui có và chuyện buồn cũng không thiếu, chuyện vừa ý chưa đến thì chuyện trái ý đã có đây rồi, điều quan trọng nhất là, chúng ta biết đón nhận tất cả với lòng tin tưởng vào Chúa cách tuyệt đối. Những biến cố vui buồn trong đời ta như là ánh sao dẫn đưa chúng ta đến với Chúa. Và khi chúng ta đã là những ánh sao sáng rồi, thì mỗi chúng ta cũng phải biết soi chiếu, dẫn dắt anh chị em của mình đến với Chúa, để họ cũng gặp được Chúa và tin nhận Ngài là Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ muôn dân.

Với các bài đọc Lời Chúa hôm nay, chúng ta được chính Lời Chúa như những vì sao soi dẫn chúng ta tìm đến gặp Chúa. Xin cho mỗi người chúng ta mãi mãi là những ánh sao sáng, chiếu tỏa yêu thương, niềm hy vọng và Tin Mừng của Chúa cho mọi người, nhất là những người chưa nhận biết Chúa. Đó chính là nỗi thao thức của Giáo Hội và cũng là trách nhiệm của mỗi người chúng ta trong thế giới hôm nay.


 

ĐÓN NHẬN HAY TỪ CHỐI 

Lm. Phêrô Nguyễn Thanh Nhiệm, SVD

Mừng lễ Chúa Hiển Linh, chúng ta cảm tạ Thiên Chúa vì Người đã mạc khải cho chúng ta biết về chính Người qua Đức Giê-su Ki-tô. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1 dạy rằng: “Người đã tự ý tạo dựng con người, để họ được thông phần sự sống vĩnh phúc. Do đó, Người đã đến với con người. Thiên Chúa kêu gọi con người, giúp họ tìm kiếm, nhận biết và đem hết tâm lực yêu mến Người, … Người đã cử Chúa Con đến làm Đấng chuộc tội và cứu độ. Trong và nhờ Người Con ấy, Thiên Chúa kêu gọi loài người trở nên nghĩa tử trong Chúa Thánh Thần, và do đó, được thừa kế đời sống hạnh phúc của Ngài”.

Thiên Chúa đã đến với con người. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể đón nhận Người vào trong cuộc đời của mình. Bài Tin Mừng hôm nay đã minh chứng cho chúng ta thấy con người dùng sự tự do của mình để đón nhận hay từ chối Thiên Chúa. Mẫu người nào đã đón nhận và mẫu người nào đã từ chối? Hai mẫu người này đã có sự khác biệt rất lớn trong tình yêu thương.

Người thành tâm sẽ tìm gặp được Thiên Chúa. Ngôi sao là vật thể mà mọi người có thể thấy. Tuy nhiên, trong câu chuyện này, các nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem đã nhận ra dấu lạ của ngôi sao chỉ cho họ biết Đấng Ki-tô được sinh ra cho con người và họ đã tìm đến để thờ lạy. Con mắt của các nhà chiêm tinh cũng giống như con mắt của vua Hê-rô-đê và những người thân cận của vua, nhưng các nhà chiêm tinh nhìn sự vật dưới ánh mắt đức tin, nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa, tin và đón nhận Người. Tính thành tâm hay không thành tâm sẽ đưa con người đến một thái độ sống khác nhau. Người thành tâm có sự quảng đại và tìm được an vui trong đời sống vì họ gặp gỡ được Thiên Chúa là gặp gỡ được chính mình.

Người khao khát gặp gỡ Thiên Chúa sẽ đi trong đường lối của Người. Đoạn kết của bài Tin Mừng nói lên niềm hạnh phúc cho người có lòng thành “họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa” (Mt 2,12), đồng nghĩa là Thiên Chúa đã dẫn dắt họ không gặp điều ác hại, đưa họ “đi lối khác mà về xứ mình” (x. Mt 2,12), về lại với lòng chân thành của mình.

Kẻ mưu mô và cao ngạo sẽ không có được Thiên Chúa làm lẽ sống cho cuộc đời. Các nhà chiêm tinh đại diện cho những người thành tâm thiện chí đón nhận chân lý. Họ thuộc về những con người đơn sơ nhận ra giới hạn của mình và khát vọng tìm kiếm sự thật. Ngược lại, vua Hê-rô-đê đại diện cho những con người khát vọng quyền lực và tham vọng bất chính, tâm họ không an vì sợ, nên đã sống hai mặt “để tôi cũng bái lạy Người” (Mt 2,8), nhưng kỳ thực để giết hại Người. Đấng Đáng Kính, Hồng Y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận nói trong cuốn sách Đường Hy vọng, số 511: “Kiêu ngạo là ăn cướp ơn Chúa, vinh danh Chúa, để làm của riêng con, công nghiệp con”. Thiết nghĩ, người tâm tà thì làm sao có thể trở thành mưu ích cho anh chị em đồng loại được?

Kẻ từ chối Thiên Chúa sẽ sống trong tham vọng bất chính. Rõ ràng vua Hê-rô-đê đã có tất cả theo chiều kích trần thế, nhưng không có được một trái tim an, một tâm hồn thiện lành, nên ông không thể nhận ra được sự hiện diện đầy yêu thương của Đấng Cứu Thế, Người mà nhân loại trông chờ qua bao thế hệ. Chính sự tự mãn và an nghỉ trên quyền lực của con người, nên mắt vua đã nhìn thấy mà không thấy về sự khác lạ của ngôi sao. Thật chí lý khi nói: “Nắm vững đức tin, con phân biệt đâu là đường hy vọng của tâm hồn tông đồ, đâu là lối chết của thế gian” (Đường Hy Vọng, số 273). Quả thực, vua Hê-rô-đê đã lầm lạc và cuồng điên khi phủ nhận chân lý, ông đã không được các nhà chiêm tinh trở

lại và báo cho biết về Đấng Cứu Thế. Sự vô vọng của kẻ cuồng vọng đưa đến tội ác phản nghịch với Thiên Chúa. Câu chuyện về kẻ chối từ Thiên Chúa kết thúc thật buồn: “Bấy giờ vua Hê-rô-đê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh” (Mt 1,16).

Gẫm mà xem! Xã hội loài người tự cổ chí kim, con người luôn phải đau khổ với hạng người sống ngoài ánh sáng chân lý bởi tính cuồng vọng và tham lam của họ. Tâm hồn họ không có sự hiện diện của Thiên Chúa. Họ đã gây ra bao tội ác cho nhân loại. Chúng ta không cần phải liệt kê danh sách về những con người đó, nhưng nhẩm tính mười ngón tay không đủ để làm phép tính cộng.

Quay trở lại với một thực tại, nhìn vào đoàn thể và trong gia đình vẫn còn đó những “vua Hê-rô-đê” gây nên bao đau thương cho anh chị em của mình, mà lắm lúc họ không hề hay biết vì họ xa vào cám dỗ chệch hướng. Loại cám dỗ này có khi mang sắc màu tươi đẹp của một công việc tốt lành và cho là một lý tưởng cao quý, nhưng mục đích cuối cùng không phải thuộc chân lý. Người phạm tội này vẫn không thể nhận ra tội lỗi của mình bởi tính tự phụ và tư lợi đã xâm chiếm tâm hồn họ.

Đi vào một thực tại là chính tôi. Tự hỏi tôi có an nhiên thực sự trong ơn gọi của tôi không? An nhiên đích thực của một người tin nhận Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ là an nhiên của người tự do làm con cái Thiên Chúa. An nhiên thực là tâm hồn không bị lay động trước những thực tại của xã hội đầy danh và lợi. An nhiên thực là tôi không làm mục vụ cầm chừng và an trú trong chức vụ để bảo toàn khát vọng riêng của mình. An nhiên thực là tôi không chối bỏ bản chất ơn gọi của một Ki-tô hữu hay một tu sĩ nhưng sống trọn chức phận của mình trong lời mời gọi của Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con có được một tâm hồn chân thành và khao khát tìm Chúa trong cuộc đời chúng con, để chúng con có thể sống trong đường lối của Chúa. Xin Thánh Thần Chúa xuống trên mỗi người chúng con, dẫn chúng con đến bên Chúa Giê-su để chúng con thờ lạy Người như khi xưa Chúa đã dẫn các nhà chiêm tinh đến bên Chúa Hài Đồng để các ông thờ lạy bằng một tâm hồn tin yêu và chân thành. Amen.


 

NHIỆT THÀNH TÌM KIẾM CHÚA

(Lm. Antôn Nguyễn Thanh Hà, SVD)

Hôm nay là lễ Chúa “Hiển Linh”. Điều mà Giáo Hội kính nhớ và vui mừng cử hành cách trọng thể trong ngày hôm nay là việc Đức Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể làm người, đã tỏ mình ra cho muôn dân qua ba vị đại diện, là các nhà chiêm tinh đến từ phương Đông. Đây là điều đã được ngôn sứ Isaia đệ tam tiên báo từ trước như chúng ta nghe trong bài đọc I. Nhưng câu hỏi được đặt ra là tại sao chỉ có ba nhà chiêm tinh từ phương Đông đến bái lạy Chúa Giêsu Hài Đồng? Phải chăng Thiên Chúa chỉ tỏ lộ cho ba vị biết mà thôi? Để trả lời cho những câu hỏi ấy, chúng ta thử tìm hiểu Lời Chúa hôm nay.

Các Nhà Chiêm Tinh Là Những Người Chịu Khó Đọc Và Tìm Hiểu Dấu Chỉ Thời Đại

Theo như thánh Mátthêu tường thuật lại, sở dĩ ba nhà chiêm tinh biết được Đức Vua dân Do Thái mới ra đời là vì các ngài đã nhìn thấy ngôi sao của Người xuất hiện ở bên phương Đông (x. Mt 2, 2). Điều ấy đã làm ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ Isaia đệ tam mà chúng ta nghe trong bài đọc thứ nhất (Is 60,1-6). Ngôn sứ Isaia đệ tam đã tiên báo rằng ánh sáng của Thiên Chúa sẽ xuất hiện trên Ítraen và các dân tộc sẽ hướng về ánh sáng ấy mà cất bước. Ngôn sứ loan báo niềm hy vọng ấy trong bối cảnh ảm đảm của thời mà dân Ítraen mới hồi hương. Lời tiên báo ấy trở nên hiện thực với biến cố Chúa Giêsu xuống thế làm người. Quả thật, Chúa Giêsu Kitô chính là Nguồn Sáng thật, là “Vầng Đông tự chốn cao vời” (Lc 1, 78) chiếu tỏa trên trần gian và chiếu soi mọi người như lời thánh sử Gioan nói trong lời tựa của Tin Mừng thứ tư: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1, 9). Trước hết, ánh sáng ấy chiếu tỏa trên Ðức Maria và thánh Giuse, kế đến là các mục đồng tại Bêlem. Các mục đồng, cùng với Đức Maria và thánh Giuse, đại diện cho “nhóm nhỏ còn lại của dân Ítraen”, những người nghèo, những kẻ đã được loan báo Tin Mừng. Ánh sáng của Chúa Giêsu Kitô cuối cùng đã chiếu toả đến các nhà chiêm tinh, đại diện cho dân ngoại, qua ánh sáng của ngôi sao lạ.

Ở đây một vấn đề được đặt ra là: sự kiện một ngôi sao xuất hiện là chuyện xảy ra một cách công khai trước mặt mọi người, chứ không phải chỉ xuất hiện trước mặt ba nhà chiêm tinh mà thôi. Thế nhưng, tại sao chỉ có các nhà chiêm tinh mới nhận ra ngôi sao xuất hiện đó là ngôi sao của Đức Vua dân Do Thái mới sinh ra đời? Chúng ta chỉ có thể trả lời rằng: Các nhà chiêm tinh là những người chịu khó đọc và tìm hiểu những dấu chỉ thời đại, đặc biệt là những dấu chỉ của thời đại Mêsia mà Thiên Chúa tỏ lộ cho họ qua các tinh tú trên trời. Chính vì cần mẫn đọc và tìm hiểu dấu chỉ của thời đại Mêsia, nên các nhà chiêm tinh đã nhận ra sự xuất hiện của Đấng Mêsia vừa mới sinh ra trong trần thế.

Đọc lại Cựu Ước, chúng ta thấy rằng Thiên Chúa tỏ lộ chính bản thân Người qua từng biến cố của các tổ phụ Ápraham, Isaác và Giacóp, qua từng sự kiện trong dòng lịch sử của cả dân tộc Ítraen. Hôm nay, chúng ta mừng lễ Chúa Hiển Linh để kỷ niệm biến cố Con Thiên Chúa nhập thể làm người đã tỏ mình ra cho các nhà chiêm tinh, là những người đại diện cho muôn dân, qua hiện tượng ngôi sao lạ xuất hiện trên bầu trời. Nhưng Thiên Chúa không chỉ tỏ lộ chính bản thân Ngài qua các hiện tượng trong thiên nhiên mà thôi, nhưng Ngài còn không ngừng tỏ lộ chính bản thân Ngài qua từng biến cố trong lịch sử cuộc đời của từng người, qua từng dấu chỉ thời đại trong dòng lịch sử của nhân loại cho đến tận thế.

Các Nhà Chiêm Tinh Là Những Người Tìm Kiếm Cách Nhiệt Thành Và Khiêm Nhường

Như chúng ta đã nói, Thiên Chúa không chỉ tỏ lộ chính bản thân Ngài qua những dấu chỉ của thiên nhiên mà thôi, nhưng Thiên Chúa còn bộc lộ chính bản thân Ngài qua những biến cố trong cuộc đời của các tổ phụ dân tộc Ítraen và trong dòng lịch sử của dân tộc ấy. Những biến cố ấy được Kinh Thánh Cựu Ước thuật lại cho hậu thế. Như vậy, qua Kinh Thánh, con người cũng có thể nhận ra Thiên Chúa. Mà quả thật, khi các nhà chiêm tinh đến Giêrusalem và hỏi về nơi ở của Đức Vua dân Do Thái mới sinh, thì vua Hêrôđê đã triệu tập các thượng tế và kinh sư lại để hỏi cho biết nơi ở của Đấng Kitô mới sinh. Dựa vào sách ngôn sứ, họ đã trả lời cho vua Hêrôđê một cách rõ ràng là tại Bêlem (x. Mt 2, 2-6). Như thế là nhiều người trong dân Ítraen biết về việc Đấng Kitô sinh ra ở đâu, nhưng tại sao không một ai gặp được Chúa Giêsu Hài Đồng? Còn vua Hêrôđê cũng sốt ruột tìm kiếm Chúa Giêsu nhưng tại sao ông cũng không gặp được Ngài? Trái lại, chỉ có các nhà chiêm tinh từ phương Đông xa xôi đến mới gặp được Hài Nhi Giêsu.

Các thượng tế và kinh sư, mặc dù biết được nơi ở của Đấng Kitô dựa vào sách ngôn sứ và nhận được thông tin từ các nhà chiêm tinh rằng Ngài vừa mới sinh ra, nhưng không gặp được Chúa Giêsu Hài đồng là vì họ không lên đường tìm kiếm Ngài. Ta không có chứng cứ Kinh Thánh xác đáng nào để biết cách chính xác là vì lý do gì mà họ không tìm kiếm Chúa Hài Đồng. Nhưng qua thái độ không tìm kiếm ấy, chúng ta có thể nói rằng họ khinh chê và từ khước Đấng Kitô mới sinh ra ở Bêlem. Có lẽ bởi Bêlem là một thành nhỏ nhất của Giuđa, nghèo nàn và chẳng có tiếng tăm gì, cho nên theo họ Đấng Kitô sinh ra ở đó cũng chẳng thể là Đấng Kitô như họ mong đợi. Họ mong đợi một Đấng Kitô vinh hiển theo nghĩa chính trị, theo nghĩa là một lãnh tụ oai phong có thể quy tụ dân Do Thái chống lại đế quốc Rôma để giải phóng dân tộc Do Thái.

Còn vua Hêrôđê tích cực tìm kiếm Chúa Giêsu Hài Đồng nhưng không thể gặp được Ngài. Đó là bởi vì ông tìm kiếm Ngài nhưng không phải để thờ lạy Ngài, nhưng tìm kiếm Ngài để sát hại Ngài. Ông lo sợ vị ấu vương vừa mới ra đời sẽ cướp ngai vàng trần thế khỏi tay của ông và dòng họ ông. Các nhà chiêm tinh thì khác, họ không tìm kiếm Chúa Giêsu Hài Đồng để sát hại Ngài, nhưng tìm kiếm Chúa Hài Đồng để thờ lạy Ngài. Khi biết được tin Đức Vua dân Do Thái mới sinh qua dấu chỉ ngôi sao lạ, họ đã lên đường theo chân ngôi sao lạ. Họ đã vượt qua biết bao nhiêu khó khăn của hành trình xa xôi. Họ đã cố gắng tìm kiếm Ngài bằng cách dò hỏi khi dấu lạ ngôi sao không còn xuất hiện nữa. Và khi ngôi sao lạ xuất hiện trở lại, họ đã vui mừng và bước đi theo sự dẫn đường của ngôi sao lạ. Khi gặp được Chúa Giêsu Hài Đồng trong hoàn cảnh hết sức đơn nghèo, họ không vì thế mà khinh thường và từ khước Đấng Kitô. Họ liền sấp mình thờ lạy, rồi mở bảo tráp để lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến Ngài. Chính thái độ đó, thái độ tìm kiếm nhiệt thành và khiêm nhường, mà các nhà chiêm tinh đã gặp được Chúa Giêsu Hài Đồng.

Ngày xưa, các nhà chiêm tinh ở phương Đông đã nhận ra được sự xuất hiện của Chúa Giêsu Hài Đồng khi các ngài cần mẫn đọc các dấu chỉ thời đại của mình. Ngày nay cũng thế, chúng ta cũng sẽ nhận ra sự xuất hiện của chính Chúa, khi chúng ta biết chịu khó đọc và tìm hiểu những dấu chỉ thời đại mình. Nhưng chúng ta có gặp được chính Chúa hay không là do chính thái độ tìm kiếm của chúng ta. Chúng ta tích cực tìm kiếm Ngài và khiêm nhường đón nhận Ngài thì chúng ta sẽ gặp gỡ được chính Ngài. Bởi vì Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa hay dùng những gì là yếu kém, là hèn mọn để hạ nhục những kẻ kiêu căng và tự mãn. Trong suốt dòng lịch sử của Hội Thánh, điều này vẫn thường xảy ra. Chúa vẫn luôn dùng những con người hèn kém và hiện diện ở nơi họ để thể hiện quyền năng yêu thương của Ngài cho nhân loại được thấy. Vì thế, trong thánh lễ này, chúng ta hãy cầu nguyện cho chính mỗi người chúng ta biết cần mẫn đọc và tìm hiểu các dấu chỉ thời đại để nhận ra sự xuất hiện của Ngài, đồng thời biết tích cực tìm kiếm Ngài và khiêm nhường đón nhận Ngài trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Amen.


 

THÁI ĐỘ CỦA CON NGƯỜI TRÊN CON ĐƯỜNG TÌM KIẾM CHÚA 

Lm. Gioan Baotixita Nguyễn Văn Thuật, SVD

Chúng ta vừa mừng đại lễ Chúa Giáng Sinh, một ân sủng tuyệt vời mà Thiên Chúa dành cho nhân loại. Ngày hôm nay, Giáo Hội mừng lễ Chúa Hiển Linh, mà chúng ta thường gọi là lễ Ba Vua. Lễ Hiển Linh là ngày lễ Thiên Chúa tỏ mình ra cho nhân loại. Thiên Chúa không chỉ tỏ mình ra cho Dân riêng của Ngài mà còn cho muôn dân.

Trong bài đọc I, ngôn sứ Isaia cho thấy trước ngày Thiên Chúa sẽ ban ơn cứu độ của Ngài như vinh quang cho Giêrusalem và như ánh sáng cho muôn dân. Trong bài đọc II, thánh Phaolô nhắc nhở cho các tín hữu của ngài về mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa. Theo mầu nhiệm này, Thiên Chúa chọn dân Do Thái như dân riêng để chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế ra đời; nhưng khi Ngài đến, Ngài sẽ ban ơn cứu độ cho tất cả mọi người qua niềm tin của họ vào Đức Kitô.Qua bài Tin Mừng của Thánh Mátthêu, chúng ta thấy hình ảnh ba nhà đạo sĩ lên đường tìm kiếm Hài Nhi nhờ ngôi sao lạ dẫn đường. Xen kẽ vào đó là thái độ thờ ơ lạnh nhạt của dân Do Thái và sự gian xảo, độc ác, bày mưu lập kế của vua Hêrôđê. Cho nên, trong bài chia sẻ ngày hôm nay, tôi muốn đưa ra hai thái độ để chúng ta cùng nhau chiêm ngắm, một làthái độ khao khát tìm kiếm Chúa của các nhà chiêm tinh và hai làthái độ bày mưu lập kế để giết Chúa Hài Đồng của vua Hêrôđê.

  1. Các nhà chiêm tinh khao khát tìm kiếm Chúa

Tin Mừng Mátthêu thuật lại câu chuyện ba nhà chiêm tinh hăng hái lên đường tìm kiếm Chúa Hài Đồng để bái lạy. Hành trình của các nhà chiêm tinh trái ngược với hình ảnh thờ ơ lạnh nhạt của dân Do Thái thời bấy giờ, cách riêng các thượng tế và kinh sư. Người Do Thái trông chờ từng ngày, từng giờ, từng phút và chuẩn bị cho việc đón Đấng Cứu Thế ra đời. Họ trông chờ nhưng họ không tìm kiếm. Ngay thời điểm đó, họ bằng lòng với cuộc sống thực tại, xa hoa, phú quý và không nhất thiết cần đến ánh sáng của sự sống, ánh sáng của sự thật và chân lý. Hình ảnh các nhà chiêm tinh tìm kiếm Chúa cho thấy nỗi lòng của những ai khao khát tìm kiếm ơn cứu độ của Thiên Chúa. Thánh Mátthêu thuật lại một cách cặn kẽ: “Khi Đức Giêsu ra đời tại Bêlem, miền Giuđa, thời vua Hêrôđê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giêrusalem, và hỏi: “Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.” (Mt 2,1-2). Họ không sợ đường xa, trời tối, nguy hiểm, gió lạnh mùa đông, và nhất là theo dấu một vì sao mong manh. Họ không nản lòng khi mất dấu ngôi sao; họ vào Thành Giêrusalem với hy vọng sẽ tìm được Ngài trong lịch sử. Và khi được hướng dẫn của Kinh Thánh (Mk 5:1), họ lại tiếp tục lên đường. Họ mừng vui khi thấy ngôi sao tái xuất hiện, và họ đã thấy Hài Nhi. Lòng khao khát, sự hy sinh, mong chờ của họ đã được đền đáp bằng việc diện kiến thánh nhan của Ngôi Lời Nhập Thể.

Hành trình tìm kiếm Ngôi Lời Nhập Thể cũng giống như hành trình đức tin của mỗi người chúng ta. Ngày xưa, nhờ ngôi sao lạ mà các nhà chiêm tinh tìm được Chúa. Ngày hôm nay, ngôi sao dẫn đường cho chúng ta chính là Tin Mừng của Chúa. Chúng ta phải hăng hái nhiệt thành tìm hiểu lời Chúa,bởi vì lời Chúa sẽ dẫn đưa chúng ta tới cuộc đời và sứ vụ của Chúa Giêsu, mà Chúa Giêsu chính là ánh sáng thật, là sự sống đời đời. Cho nên, trách nhiệm của mỗi người chúng ta là phải trở thành ngọn đèn chiếu sáng, là cầu nối tình yêu, là ngôi sao lạ dẫn đưa mọi người chạy đến với Ngôi Lời Nhập Thể. Chúng ta phải siêng năng đọc lời Chúa, tìm hiểu cặn kẽ Lời của Ngài để hiểu được thánh ý của Ngài muốn nói với chúng ta những gì để chúng ta sống và đem ra thực hành.

  1. Vua Hêrôđê bày mưu lập kế để giết Chúa Hài Đồng

Khi nghe tin Đức Giêsu chào đời, vua Hêrôđê cảm thấy bối rối và lo sợ. Ông lo sợ cho quyền lợi của mình bị đánh mất, lo sợ cho chiếc ghế của mình bị lung lay. Cho nên, ông đã bày mưu lập kế để tiêu diệt vị vua sắp sinh này. “Bấy giờ Vua Hêrôđê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. Rồi vua phái các vị ấy đi Bêlem và dặn rằng:Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người.” (Mt 2,7-8). Bản chất của một con người ích kỷ, độc ác, vun vén cho tư lợi của bản thân lập tức trỗi dậy trong con người của vua Hêrôđê. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, nếu không cẩn thận chúng ta cũng có thể trở thành một Hêrôđê đích thực. Chúng ta không bày mưu lập kế để giết Chúa Hài Đồng nhưng chúng ta đang hủy hoại đường hướng, lối sống và công trình của Ngài ở trần gian. Nếu chúng ta không có niềm tin xác tín, một lòng yêu mến Chúa tuyệt đối, chúng ta dễ rơi vào lối suy nghĩ của vua Hêrôđê năm xưa.

Thiết nghĩ, Ngôi Lời Nhập Thể không cần châu báu, vàng bạc, quyền hành để cai trị nhưng Ngài đến để cứu vớt nhân loại. Chúa Giêsu chấp nhận sinh ra trong máng cỏ để cứu tội lỗi mà chúng ta trót phạm làm mất lòng Chúa. Cho nên, mỗi người chúng ta cần phải ý thức được nếp sống của mình, ý thức mình là con cái của Thiên Chúa, con cái của ánh sáng. Cũng giống thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Êphêxô đã nói rằng: “Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ, trong Chúa, anh em lại là ánh sáng; mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật. Anh em hãy xem điều gì đẹp lòng Chúa. Đừng cộng tác vào những việc ấy ra mới đúng, vì những việc chúng làm lén lút, thì nói đến đã nhục rồi…. Anh em hãy cẩn thận xem xét cách ăn nết ở của mình, đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan, biết tận dụng thời buổi hiện tại, vì chúng ta đang sống những ngày đen tối. Vì thế, anh em đừng hóa ra ngu xuẩn, nhưng hãy tìm hiểu đâu là ý Chúa” (Ep 5,8-17).

Trong cuộc sống, không phải cứ có đạo là gặp được Chúa. Không phải cứ giỏi giáo lý là biết Chúa. Muốn gặp được Chúa phải có thiện chí đi tìm. Muốn biết Chúa, phải dấn thân lên đường. Ba Vua là những người ngoại đạo đến từ rất xa, nhưng đã trở nên gương mẫu cho ta trong việc đi tìm và hiểu biết Chúa. Các ngài có tâm hồn thiện chí.

Ước gì mỗi người chúng ta qua ánh sáng lời Chúa ngày hôm nay cũng biết học hỏi gương của các nhà chiêm tinh, hăng hái lên đường để tìm kiếm Chúa, tìm kiếm ơn cứu độ mà Thiên Chúa dành tặng cho nhân loại. Ước gì chúng ta đừng lặp lại lỗi lầm của người Do Thái, mơ ước một vị vua quyền thế và cao sang, một vị vua chỉ dành cho người Do Thái hay các Kitô hữu, mà chúng ta phải biết rằng Thiên Chúa là của tất cả mọi người, của mọi dân tộc, của kẻ lành cũng như người bất lương. Vì Con Thiên Chúa đến để cứu vớt chứ không phải để lên án hay loại bỏ.

Lạy Chúa, xin cho chúng con là ngôi sao dẫn đường, là ngọn đèn của Chúa, là ánh sáng của sự thật, là men là muối ướp mặn cho người và cho đời, để mọi người nhìn vào đời sống của chúng con mà nhận biết được sự Nhập Thể của Con Ngài. Xin cho chúng con có một đời sống đạo trong sáng như ngôi sao sáng để đưa dẫn nhiều tâm hồn về với Chúa.


 

KHAO KHÁT TÌM KIẾM CHÚA

Lm. Phêrô Nguyễn Tương Lai, SVD

Hôm nay Giáo hội mừng trọng thể lễ Chúa Hiển Linh mà chúng ta thường gọi là Lễ Ba Vua. Đây là cách gọi quen thuộc của người Việt Nam dùng để nói về việc các nhà đạo sĩ hay các nhà chiêm tinh phương Đông tìm đến Bêlem viếng Chúa Hài Đồng.

Tin Mừng thuật lại câu chuyện các nhà chiêm tinh đến thờ lạy Hài Nhi Giêsu. Các nhà chiêm tinh là hình ảnh của tất cả những ai khao khát tìm kiếm Thiên Chúa.  Và Thiên Chúa luôn luôn tỏ lộ cho tất cả mọi người, mọi thời, bất kể họ là ai, ở đâu hay làm gì, miễn là họ biết chân thành tìm kiếm Ngài. Đó cũng là lời mời gọi cho mỗi người chúng ta, những người đang trên hành trình theo Chúa và cũng là những người mang sứ mệnh phải giới thiệu Thiên Chúa cho người khác.

Thời Chúa Giêsu Giáng sinh, trong khi mọi người xa gần đều thơ ơ lãnh đạm và mải mê với công việc của mình, thì các nhà chiêm tinh đã ấp ủ trong lòng nỗi khao khát và chờ mong Đấng Cứu Thế đến. Họ nghiên cứu và chờ đợi dấu hiệu, và cuối cùng họ đã nhận ra dấu hiệu của ánh sao, liền tự nhủ: “Đây là dấu chứng tỏ Đại Vương! Tìm Thiên Nhan, nào ta hãy lên đường. Để dâng tiến vàng, hương cùng mộc dược.” Lòng khao khát kiếm tìm của họ đã được mở lối.

Nhưng, nếu khao khát mà vẫn ngồi yên chờ đợi thì chưa phải là khao khát thật sự. Các nhà chiêm tinh đã khao khát, và khi nhận ra ánh sao lạ, họ đã cương quyết lên đường để thực hiện cuộc tìm kiếm. Cuộc hành trình của họ không phải là đơn giản: Họ đã phải vượt sa mạc mênh mông khô cằn, dấn thân vào xứ lạ, và ra đi nhưng không rõ đích điểm mình sẽ đi về đâu. Nhờ lòng kiên trì, các đạo sĩ đã vững bước lên đường, và họ đã tới đích. Cuộc gặp gỡ không làm họ thất vọng, mà là họ đã gặp được Chúa Hài Đồng, họ khiêm tốn thờ lạy và tiến dâng lễ vật cho Ngài.

Cuộc hành trình của các chiêm tinh cũng là hình ảnh của cuộc lữ hành đức tin của mỗi người chúng ta. Các các nhà chiêm tinh đã được ánh sao lạ hướng dẫn, chúng ta cũng bước đi trong ánh sáng Đức tin. Đức Kitô là nguồn ánh sáng thật, là ánh sáng mà chúng ta bước theo. Bước theo Chúa với niềm tin cũng có nghĩa là chúng ta mong tìm thánh ý Chúa trong cuộc đời của mình, và cũng có nghĩa là chúng ta sẵn sàng chấp nhận những hy sinh, thách đố trong cuộc sống, qua đó, chúng ta tìm gặp được Đức Kitô là cùng đích của đời mình.

Trách nhiệm của mỗi người Kitô hữu là, những người đang mang trong  mình ánh sáng và sức sống của Đấng Emmanuen, sẽ phải là những ngôi sao sáng báo hiệu, dẫn đường cho tất cả những tâm hồn đang khao khát tìm kiếm ơn cứu độ.

“ Chính anh em là ánh sáng cho trần gian.” (Mt 5,14) . Đó là mang Chúa đến với người khác. Chúa Kitô là ánh sáng thật, Người nhóm lửa tình yêu trong trái tim của những ai tìm gặp và bước theo Người, và Người mời gọi chúng ta hãy mang Chúa đến với anh chị em xung quanh chúng ta.

Có câu chuyện kể về một giáo xứ nghèo nọ. Để đón mừng Lễ Chúa Giáng Sinh, dân chúng đã cố gắng bỏ công sức để có thể dựng một hang đá rất đẹp trước cửa chính nhà thờ. Và để có được một bộ tượng Chúa Hài đồng xinh xắn, dân chúng đã phải đóng góp từ những đồng tiền họ đã dành dụm được. Đêm Giáng sinh đã đến và dân chúng vui mừng đón mừng Lễ Giáng Sinh vui vẻ trong bầu khí trang nghiêm.

Khi trời đã khuya, cha chánh xứ chuẩn bị đóng của nhà thờ. Ngài đến viếng hang đá và chào Chúa Hài Nhi, nhưng cha xứ ngỡ ngàng khi phát hiện ra rằng tượng Chúa Hài Nhi xinh xắn dễ thương đã không còn nữa. Ai mà cả gan lấy cắp tượng Chúa Hài Nhi ngay trong đêm Giáng Sinh vậy?

Cha xứ đang phân vân lo nghĩ  thì  phát hiện có một cô bé khoảng bảy tám tuổi thập thò, lo sợ bước đến háng đá, tay bồng Chúa Hài Nhi Giêsu vấn trong chiếc áo lạnh của cô bé. Cô bé nhẹ nhàng mang Chúa Hài Nhi đặt trở lại máng cỏ, bái gối cung kính và chuẩn bị chạy ra cửa. Nhưng cha xứ gọi cô bé lại và gạn hỏi tại sao cô bé lại lấy Chúa Hài Nhi, và để làm gì? Cô bé vừa lo sợ vừa khóc và trả lời:

“Thưa cha, em con ở nhà hay khóc lắm, nên con hứa với em của con nếu em không khóc nhè nữa thì chị sẽ mời Chúa Hài Đồng đến thăm em. Và con làm điều con đã  hứa; con dẫn Chúa đến thăm em của con.” Lúc ấy vị linh mục mới vỡ lẽ ra rằng cô bé đã bồng Chúa Hài Nhi về thăm em của mình ở nhà.

Câu chuyện đơn sơ của cô bé muốn nói với mỗi người rằng: Trách nhiệm của người Kitô hữu là phải giới thiệu Chúa cho anh chị em xung quanh, những người chưa biết Chúa. Bởi vì,  Tình Yêu Cứu Độ không chỉ giới hạn trong Dân Chúa chọn là Israel, nhưng Tình Yêu ấy được dành cho tất cả mọi người. Chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để trở nên “men” trong bột, trở nên “muối” ướp mặn cho đời, là “đèn cháy sáng” soi chiếu thế gian, để có thể dẫn đưa người khác tìm về với Chúa.

Mừng Lễ Chúa Hiển Linh hôm nay, chúng ta được nhắc nhở rằng, trong cuộc hành trình theo Chúa Kitô, chúng ta được mời gọi hãy liên lỉ  tìm kiếm và nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong các biến cố của cuộc đời mỗi người, và đồng thời hãy nỗ lực giúp anh chị em xung quanh cũng nhận ra Tình Yêu của Thiên Chúa bằng chính cuộc sống quên mình, bác ái và phục vụ của chúng ta. Amen.


 

BÀI GIẢNG LỄ HIỂN LINH

Lm. Gioakim Đỗ Sỹ Hùng, SVD

Làng Đak Pnan, Giáo Họ Kon Thụp, Hạt Mang Yang, GP Kon Tum 03/01/2018

Anh chị em thân mến,

Hôm nay là Chúa Nhật Chúa Giêsu Hiển Linh, có nghĩa là Thiên Chúa tỏ mình ra cho nhân loại. Trước đây chúng ta quen gọi là lễ Ba Vua vì đoạn Tin Mừng miêu tả hình ảnh các nhà chiêm tinh từ Đông Phương đến triều bái Hài Nhi Giêsu với ba lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Ba lễ vật dâng Chúa có một ý nghĩa tượng trưng:

Vàng: Tượng trưng cho vương quyền.  Khi tiến dâng vàng cho Hài Nhi Giêsu, ba nhà chiêm tinh đã công nhận quyền vương đế của Ngài.  Hài nhi Giêsu chính là Vua của toàn thể vũ trụ này.

Nhũ Hương: Tượng trưng cho thiên tính của Hài Nhi Giêsu. Ngài chính là vị Tư Tế Tối Cao, là Thiên Chúa.

Mộc Dược: Tượng trưng cho nhân tính của Chúa Hài Đồng.

Khi gọi lễ này là lễ Ba Vua, thì chúng ta không thể nhận ra hình ảnh một Thiên Chúa Hiển Linh, mà chỉ nhận thấy ba nhà chiêm tinh tài tình đã khám phá ra một điều huyền bí cao siêu nhờ thuật chiêm tinh.

Để nhận ra một Thiên Chúa hiển linh chúng ta phải nhìn nhận bằng con mắt đức tin. Bài học về đức tin là điều quan trọng mà Giáo Hội mời gọi chúng ta suy niệm trong đoạn Tin Mừng hôm nay.

  • Thiếu đức tin con người sẽ lạc lối: Người đời thường nghĩ, nhờ tài ba mà con người khám phá ra điều này, phát minh ra cái kia. Nhưng dưới con mắt đức tin, tất cả là do Chúa ban. Ba nhà chiêm tinh đã nhìn thấy ngôi sao lạ và biết có vị vua mới sinh. Họ nghĩ rằng vua thì luôn ở trong cung điện ngọc ngà châu báu, nên họ đi vào cung điện vua Hê-rô-đê và không được gặp Vua Giêsu. Sau khi nghe được lời Kinh Thánh tiên báo, họ ra đi theo ánh sao chỉ đường và được gặp Hài Nhi Giêsu. Qua những dấu chỉ thiên nhiên và những biến cố của thời đại, Thiên Chúa muốn tỏ mình ra cho chúng ta. Nhờ con mắt đức tin, chúng ta mới có thể gặp được Ngài.
  • Khát khao và nỗ lực tìm kiếm Chúa: “Hê-rô-đê bối rối và cả thành Giê-ru-sa-lem xôn xao” (Mt 2, 3). Mặc dù Kinh Thánh đã tiên báo một vì Cứu Tinh sẽ đến, nhưng người đương thời không thiết tha tìm kiếm Chúa, niềm tin của họ chưa sẵn sàng. Chúa có tỏ mình ra thế nào đi nữa người ta cũng không gặp được.
  • Thay đổi não trạng để nhận ra Chúa: “Đức Vua dân Do-Thái mới sinh hiện ở đâu?” Câu hỏi của ba nhà chiêm tinh làm chúng ta ngỡ ngàng. Tại sao họ lại đến “bái lạy” một vị vua của dân Do Thái? Qua ánh sao, Chúa đã tỏ mình ra cho tất cả các dân tộc biết Ngài không phải là một vị vua tầm thường mà là một vị vua quyền uy, cao cả, muôn dân phải kính thờ. Người Do-Thái cũng phải thay đổi lối suy nghĩ về địa danh: “Phần ngươi, hỡi Bê-lem, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa…” một cái nhìn thiên kiến về làng quê Bê-lem đã làm cho người dân đương thời mất cơ hội gặp Chúa. Hãy học nơi các nhà chiêm tinh Phương Đông, họ đã phải vượt qua nhiều ranh giới và cả thành kiến mới gặp được Vua Hài nhi Giêsu: họ phải vượt qua về địa lý, về dân tộc tính, và cả về niềm tin (“Họ vào nhà, thấy hài nhi… liền sấp mình thờ lạy Người”.). Có thể nói đoạn Tin Mừng này như tấm bi kịch được diễn ra: Hêrôđê tượng trưng cho quyền lực, một thứ quyền lực xảo quyệt, dối trá, ích kỷ, chỉ biết khư khư giữ lấy ngai vàng. Còn dân thành Giêrusalem đáng lý ra phải vui mừng khi hay tin “Vua người Do Thái mới sinh“, Đấng họ trông chờ như Vị Cứu Tinh, thì trái lại, họ đã hoảng hốt cùng với Hêrôđê người cai trị trên họ. Dường như họ ngại phải dấn mình vào một sự đổi thay, dù họ tin rằng sự đổi thay đó sẽ giải thoát cho họ. Còn những Tư Tế và những nhà thông luật, biết rõ nơi Vị Cứu Tinh ra đời, nhưng chẳng ai màng đến với Ngài. Chỉ có những người bị liệt vào hàng “dân ngoại” lại hăm hở đến bái lạy “Vua người Do Thái”. Phần bạn, bạn có tin một hài nhi nhỏ bé sinh ra trong máng cỏ hang lừa là một vị Vua không?

Với lễ Chúa Hiển Linh hôm nay, mỗi người hãy cầu xin ơn Đức tin cho mình để làm hành trang đến gặp Chúa Giêsu, Đức Vua cao cả để bái thờ Ngài.

 

Bài trướcLỜI SỐNG (Ngày 4/1, trước Lễ Hiển Linh)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Lễ Chúa Hiển Linh)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.