Thường Niên – Tuần I – Năm B

0
468

Chúa Nhật – Ngày 07 – Tháng 1

CHÚA HIỂN LINH 

Lễ Trọng (Tr). Lễ cầu cho giáo dân.

Bài đọc 1 : Is 60,1-6

Bài đọc 2 : Ep 3,2-3a.5-6

Tin Mừng : Mt 2,1-12

[…] Bấy giờ Hêrôđê ngầm triệu tập mấy nhà đạo sĩ tới, cặn kẽ hỏi han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện ra. Rồi vua đã phái họ đi Bêlem và dặn rằng: “Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về Hài Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho Trẫm, để cả Trẫm cũng đến triều bái Người”. Nghe nhà vua nói, họ lên đường. Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Ðông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người. Rồi, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Và khi nhận được lời mộng báo đừng trở lại với Hêrôđê, họ đã qua đường khác trở về xứ sở mình.

MỤC ĐÍCH GẶP CHÚA

Hôm nay chúng ta mừng lễ Chúa Hiển Linh, tức là Thiên Chúa tỏ mình cho con người. Ngài không những tỏ mình cho dân riêng là Ítraen mà còn cho cả dân ngoại.

Chúng ta thấy các nhà chiêm tinh và vua Hêrôđê cùng muốn tìm gặp Hài Nhi Giêsu, nhưng mục đích lại hoàn toàn trái ngược nhau. Các nhà chiêm tinh vì nhận ra ánh sáng của ngôi sao dẫn đường nên các ngài lên đường tìm Hài Nhi Giêsu để triều bái và dâng lễ vật. Qua những lễ vật cho thấy các nhà chiêm tinh đã tuyên xưng Hài Nhi Giêsu là Vua, là Con Thiên Chúa Nhập Thể, là Đấng cứu độ trần gian.

Bên cạnh đó, vua Hêrôđê cũng muốn tìm gặp Hài Nhi Giêsu, nhưng vì sống trong bóng tối nên ông đã không nhận ra ánh sáng của ngôi sao. Từ sâu thẳm trong ý định, ông muốn tìm Hài Nhi Giêsu không phải để thờ lạy, nhưng là để loại trừ và giết chết.

Tin Mừng cho chúng ta thấy, sau khi gặp Hài Nhi Giêsu, các nhà chiêm tinh đã đi lối khác mà trở về. Như vậy, sau khi gặp Chúa, họ được biến đổi, họ đã chọn lựa lối khác để trở về. Nếu trở lại con đường cũ, họ sẽ gặp thế lực bóng tối của Hêrôđê.

Trong cuộc lữ hành này, tất cả chúng ta đây đã và đang tìm Chúa. Chúng ta có ánh sao dẫn đường là chính lương tâm chúng ta, đặc biệt là Lời Chúa, Thánh Lễ và các Bí Tích. Quả thật, nếu chúng ta gặp được Chúa thì cũng như các nhà chiêm tinh, chúng ta dám chọn lựa đi lối khác khi cần.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã tỏ mình để chúng con nhận ra Ngài. Xin cho chúng con gặp được Chúa và biến đổi đời mình cho hợp với thánh ý Ngài muốn thực hiện nơi chúng con. Xin cho chúng con khôn ngoan như các nhà chiêm tinh, dám từ bỏ nếp sống cũ và chọn lối khác để Đức Kitô được nhận biết và tôn thờ.

Lm. Phaolô Nguyễn Hữu Thiện, SVD

Thứ Hai – Ngày 08 – Tháng 1

CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA – Lễ Kính

Bài đọc 1: Is 55,1-11

Tin Mừng : Mc 1,6b-11

Khi ấy, ông Gioan rao giảng rằng: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần.”

Hồi ấy, Đức Giêsu từ Nadarét miền Galilê đến, và được ông Gioan làm phép rửa dưới sông Giođan. Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng : “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.”

SỐNG KHIÊM NHƯỜNG

Qua đoạn Tin Mừng hôm nay, tôi bị đánh động bởi tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1,11). Chúa Cha tuyên bố Chúa Giêsu chính là “Con yêu dấu”, làm cho Chúa Cha “hài lòng” khi Người chịu phép rửa bởi tay Gioan Tẩy Giả.

Khởi đi từ hình ảnh này, tôi có dịp để nhìn lại bản thân. Chúa Giêsu là Chúa nhưng đã khiêm nhường sống vâng phục Chúa Cha để thi hành sứ vụ đã được trao phó. Người sẵn sàng đứng cùng hàng  với những tội nhân, cúi xuống chịu phép rửa bởi tay ông Gioan, dù Người hoàn toàn trong sạch.

Là môn đệ của Người, bước theo Người để trở nên đồng hình đồng dạng với Người, nhưng có lẽ tôi chưa thể cảm nhận được tiếng Chúa Cha nói về tôi rằng “Cha hài lòng về con”. Bởi lẽ bản thân tôi cảm nhận những khó khăn nơi bản thân khiến đôi khi tôi cảm thấy đầy yếu đuối, nhưng tôi lại chưa thật sự khiêm nhường để biết luôn bám lấy Chúa.

Trong đời sống hàng ngày, tôi thường cảm thấy dễ gần những người mà mình cảm mến hơn là những người thiếu thiện cảm. Đôi khi tôi dường như cũng thấy mình có thể dễ dàng chia sẻ, cộng tác với những người vui vẻ, dễ gần hơn là dung hòa hết mọi người. Tôi chưa đủ khiêm nhường để hạ mình đến với mọi anh em.

Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay thúc đẩy tôi phải suy xét lại bản thân, cố gắng sống khiêm tốn mỗi ngày để luôn biết dựa vào ân sủng của Chúa, và để dễ dàng đến với mọi anh em, nhất là đến với những người đang cần tôi sống tinh thần khiêm tốn phục vụ.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con mỗi ngày sống luôn biết khiêm nhường và tràn đầy tinh thần yêu thương phục vụ. Amen.

Tu sĩ Giuse Tạ Quang Duy, SVD

Thứ Ba – Ngày 09 – Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN I

Bài đọc 1 : 1 Sm 1, 9-20

Tin Mừng : Mc 1,21b-28

Ngày sabát, Người vào hội đường giảng dạy. Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư.  Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên rằng: “Ông Giê-su Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” Nhưng Đức Giêsu quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!” Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Galilê.

 HÃY CHO HỌ ĂN

Khi nói đến những người nghèo đói, người ta thường chỉ quan tâm đến sự thiếu thốn cơm áo gạo tiền, ít chú ý đến nghèo đói trong đời sống tinh thần. Chính vì thế, những người đang khó khăn về vật chất thường cho rằng họ chưa lo đủ cho nhu cầu của mình nên không thể giúp được ai, hoặc họ coi những người khá giả thì không cần giúp đỡ. Tuy nhiên, thực tế cuộc sống không phải vậy: ai cũng có thể cho và luôn cần sự chia sẻ từ người khác; đúng như một nhạc sĩ nào đó đã viết “không ai giàu đến nỗi không cần một nụ cười duyên, không ai nghèo đến nỗi không thể cho một nụ cười”. Mỗi người cần phải biết cho và nhận tùy theo khả năng của mình.

Chúa Giêsu không đòi hỏi ta quá mức khi bảo “hãy cho họ ăn”, vì nếu ta là người giàu có ta có thể chia sẻ vật chất cho người khác; ta là người đang thiếu thốn vẫn có thể chia sẻ thời gian, sức lực, sự quan tâm động viên… để làm cho những người chung quanh cảm thấy bình an vui vẻ. Đây chính là những cách “cho họ ăn” mà Chúa muốn ta thực hiện. Thiết nghĩ rằng thay vì an ủi động viên những người đói khổ bất hạnh “đời này vất vả đời sau thanh nhàn”, thì hãy dùng mọi khả năng để giúp nhau sống vui vẻ hạnh phúc ở đời này và đạt tới sự viên mãn ở đời sau, vì Chúa Giêsu không muốn ai phải sống lay lắt, nhưng được “sống dồi dào” (Ga 10, 10).

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con luôn biết quan tâm đến những người chung quanh qua việc biết cho đi, để không một ai phải đói khổ thất vọng, nhưng tìm được niềm vui khi gặp gỡ chúng con.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Linh, SVD

Thứ Tư – Ngày 10 – Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN I

Bài đọc : 1 Ga 4,11-18

Tin Mừng : Mc 1,29-39

Vừa ra khỏi hội đường Caphácnaum, Đức Giêsu đi đến nhà hai ông Simôn và Anrê. Có ông Giacôbê và ông Gioan cùng đi theo. Lúc đó, bà mẹ vợ ông Simôn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà.  Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài. Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. Cả thành xúm lại trước cửa. Đức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai. Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. Ông Simôn và các bạn kéo nhau đi tìm. Khi gặp Người, các ông thưa: “Mọi người đang tìm Thầy đấy!” Người bảo các ông: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.” Rồi Người đi khắp miền Galilê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.

LÀM VIỆC VÀ CẦU NGUYỆN

Ta phải làm gì để kiếm được nhiều tiền? Đây là câu hỏi muôn thuở mà con người luôn khắc khoải trong cuộc sống thường ngày. Tiền tài vật chất trở thành một lực hút lôi kéo con người vào vòng xoáy của công việc. Con người chỉ biết làm và làm. Cho nên, họ đánh mất đi sự quân bình giữa công việc thường ngày và đời sống cầu nguyện. Trái lại, bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy hình ảnh một Chúa Giêsu bận rộn như thế nào trong việc rao giảng và chữa lành bệnh tật nhưng Ngài vẫn dành thời gian để cầu nguyện với Chúa Cha.

Mở đầu một ngày mới Chúa Giêsu vào trong đền thờ để giảng dạy và cầu nguyện. Sau đó, Ngài đi chữa bệnh cho mẹ vợ của Simon Phêrô; chiều đến chưa kịp nghỉ ngơi người ta lại đem các bệnh nhân tới và Ngài lại cứu chữa. Dù bận rộn và tất bật như thế nhưng Chúa Giêsu vẫn dành thời gian đi vào nơi hoang vắng để cầu nguyện với Chúa Cha. Ngài tìm kiếm thánh ý của Chúa Cha. Ngài kết hiệp với Chúa Cha để cho thánh ý của Chúa Cha được thực thi ở trần gian này.

Hình ảnh của Chúa Giêsu chính là lời mời gọi mỗi người tín hữu chúng ta ý thức lại thời khóa biểu trong ngày của mình. Mỗi ngày chúng ta đã dành bao nhiều thời gian cho Chúa? Chúng ta có tha thiết chạy đến với Chúa để thổ lộ những tâm tình, chia sẻ những gánh nặng của kiếp nhân sinh? Cầu nguyện sẽ giúp chúng ta thăng tiến hơn trong đời sống tâm linh, gắn bó mật thiết với Thiên Chúa, giúp chúng ta an bình trong tâm hồn để làm việc và mưu sinh trong công việc thường ngày. Vì thế, một cuộc sống quân bình giữa làm việc và cầu nguyện là điều cần thiết.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết quân bình trong công việc và cầu nguyện để chúng con nhận biết được thánh ý Chúa qua những công việc thường ngày. Amen.

Tu sĩ Giuse Huỳnh Ngọc Thiên Ân, SVD

Thứ Năm – Ngày 11 – Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN I

Bài đọc : 1 Sm 4,1-11

Tin Mừng : Mc 1,40-45

Có người bị phong hủi đến gặp Người, anh ta quỳ xuống van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi !” Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch. Nhưng Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay, và bảo anh: “Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Môsê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.” Nhưng vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người.

NẾU NGÀI MUỐN

Xin ai giúp mình điều gì thì ta luôn mong được họ đồng ý; nếu bị từ chối chắc ta sẽ buồn và thất vọng. Tuy nhiên, có người xin mà lại không nài ép, nhưng hoàn toàn tôn trọng ý muốn của người ban ơn. Đó chính là câu chuyện người phong hủi được chữa lành trong Tin Mừng hôm nay. Kiểu xin của anh đã gián tiếp chỉ cho ta một bài học về cách cầu nguyện.

Trước hết, anh đến với Đức Giêsu bằng một con tim đầy khao khát và tin tưởng. Thánh Máccô dùng một loạt động từ để diễn tả thái độ thành tín của anh: “đến, quỳ xuống, van xin”. Người phong hủi bị xã hội và tôn giáo Do Thái xếp vào hạng ô uế tội lỗi; họ bị xa lánh và loại trừ, bị cấm tiếp xúc với những người khác để tránh lây lan bệnh tật và sự ô uế. Tuy nhiên, khao khát được chữa lành cũng như niềm tin tưởng vào khả năng của “thầy thuốc” Giêsu đã khiến anh vượt qua những rào cản của luật lệ, của định kiến xã hội và tôn giáo để đến xin Đức Kitô chữa lành.

Mong ước được lành bệnh và tin tưởng hết tình vào khả năng của Thầy Giêsu, nhưng anh vẫn hết mực tôn trọng quyết định của Người. Anh không cố ép bằng mọi giá để được chữa lành, mà chỉ khiêm tốn xin rằng “nếu Ngài muốn thì cho tôi được sạch”. Thật là một lời cầu nguyện hết sức chân tình; anh phó thác vận mệnh cuộc đời cho sự sắp đặt của Thiên Chúa; Ngài muốn sao thì tùy ý, dù rằng anh vẫn muốn được lành sạch.

Nhiều lúc trong cuộc sống, ta “xin chày xin cối” cố ép Chúa phải ban cho ta điều ta cầu xin. Ta chỉ quan tâm đến điều ta thích, ta muốn, mà không cần biết đến tự do và ý muốn của Chúa. Ta xin mà không được Chúa nhậm lời vì điều xin không chính đáng, cách xin không phù hợp và bản thân người xin lại không xứng đáng. Thiên Chúa nhậm lời ta khi ý Trời và lòng người hòa hợp, nghĩa là Ngài thấy điều ta xin thực sự chính đáng và cần thiết cho ta.

Lạy Chúa, xin cho chúng con nhận ra thánh ý của Chúa trong những lời cầu nguyện của mình, để biết tạ ơn khi được như sở nguyện, nhưng cũng biết vui vẻ khi bị từ chối vì có thể điều chúng con xin không chính đáng và đẹp ý Chúa.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Linh, SVD

Thứ Sáu – Ngày 12 – Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN I

Bài đọc : 1 Ga  5,5-13

Tin Mừng : Mc 2,1-12

Sau ít ngày, Chúa Giêsu lại trở về Caphácnaum; nghe tin Người đang ở trong nhà, nhiều người tuôn đến đông đảo, đến nỗi ngoài cửa cũng không còn chỗ đứng, và Người giảng dạy họ. Người ta mang đến cho Người một kẻ bất toại do bốn người khiêng. Vì dân chúng quá đông, không thể khiêng đến gần Người được, nên họ dỡ mái nhà trên chỗ Người ngồi một lỗ to, rồi thòng chiếc chõng với người bất toại xuống. Thấy lòng tin của họ, Chúa Giêsu nói với người bất toại rằng: “Hỡi con, tội lỗi con được tha”. Lúc ấy, có một ít luật sĩ ngồi đó, họ thầm nghĩ rằng: “Sao ông này lại nói thế? Ông nói phạm thượng. Ai có quyền tha tội, nếu không phải là một mình Thiên Chúa”. Chúa Giêsu biết tâm trí họ nghĩ như vậy, liền nói với họ: “Tại sao các ông nghĩ như thế? Nói với người bất toại này: ‘Tội lỗi con được tha’ hay nói: ‘Hãy chỗi dậy vác chõng mà đi’, đàng nào dễ hơn? Nhưng (nói thế là) để các ông biết Con Người có quyền tha tội dưới đất”. – Người nói với kẻ bất toại: “Ta truyền cho con hãy chỗi dậy, vác chõng mà về nhà”. Lập tức người ấy đứng dậy, vác chõng ra đi trước mặt mọi người, khiến ai nấy sửng sốt và ngợi khen Thiên Chúa rằng: “Chúng tôi chưa từng thấy như thế bao giờ”.

LÒNG TIN

Bài Tin Mừng cho thấy lòng tin mãnh liệt của dân chúng vào Chúa Giêsu

khi họ đưa người bại liệt đến để xin Người chữa. Họ tin rằng Chúa Giêsu sẽ chữa được nên làm mọi sự, kể cả việc dỡ mái nhà để đưa người bại liệt đến với Người. Đối với xã hội Do Thái ngày xưa, bệnh tật là do tội mà ra, nên Chúa Giêsu mới nói: “Này con, tội con đã được tha.” Việc Chúa Giêsu tha tội cho người bại liệt cũng có nghĩa là Người chữa lành bệnh cho anh.

Tuy nhiên, việc chữa lành của Đức Giêsu không thể xảy ra nếu con người không có lòng tin. Nhiều lần Chúa Giêsu đã nói về lòng tin trong Tin Mừng Máccô;

nhờ lòng tin mà họ được tha tội, được chữa lành: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con.” (Mc 5,34); hay khi Đức Giêsu nói với ông trưởng hội đường chỉ cần tin thì con gái ông sẽ sống lại (x. Mc 5,35-43).

Thời đại ngày hôm nay đang làm con người mất niềm tin vào Chúa. Biết bao người lạc xa đức tin chỉ vì nghĩ rằng mình sẽ làm được tất cả nên không cần tin vào Chúa. Hậu quả là các mối tương quan giữa con người với nhau bị đổ vỡ, xã hội loài người bị nhiễu loạn. Thực tế này là thách đố cho mỗi Kitô hữu. Hơn lúc nào hết chúng ta cần giữ vững đức tin và đặc biệt là cầu xin Chúa ban thêm lòng tin.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con nhận ra sự yếu đuối của bản thân mà luôn đặt trọn niềm tin vào Chúa và biết lan tỏa niềm tin đó cho những người mà chúng con gặp gỡ. Amen.

Tu sĩ Giuse Trần Văn Huyến, SVD

Thứ Bảy – Ngày 13 – Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN I

Thánh Hilariô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh (Tr).

Bài đọc : 1 Sm 9,1-4.17-19; 10,1a

Tin Mừng : Mc 2,13-17

Khi ấy Chúa Giêsu đi dọc theo bờ biển, toàn dân đến cùng Người và Người giảng dạy họ. Khi vừa đi qua, Người thấy ông Lêvi con của Alphê, đang ngồi nơi bàn thu thuế. Người bảo ông: “Hãy theo Ta”. Ông liền đứng dậy theo Người. Và xảy ra là khi Người dùng bữa tại nhà ông, nhiều người thu thuế và tội lỗi cùng đồng bàn với Chúa Giêsu và các môn đệ của Người, vì đã có nhiều kẻ theo Người. Những luật sĩ và biệt phái thấy Người ngồi ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi, liền nói với các môn đệ Người rằng: “Tại sao thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi?” Nghe vậy, Chúa Giêsu bảo họ: “Những người khoẻ mạnh không cần gì đến thầy thuốc, nhưng là những người đau yếu. Ta không đến để kêu gọi những người công chính, mà kêu gọi những người tội lỗi”.

YÊU THƯƠNG VÀ THA THỨ

Yêu thương và tha thứ là con đường ngắn nhất để đưa người tội lỗi trở về. Đó là điều mà Chúa Giêsu thường thực hiện trong suốt cuộc đời của Ngài. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã kêu gọi Lêvi, một người thu thuế tội lỗi. Ơn gọi của Lêvi được coi là khác thường và gây ngạc nhiên hơn ơn gọi của các tông đồ khác, bởi vì ông là một người tội lỗi công khai.

Đối với người Do Thái, những người thu thuế là gương mù cần phải tránh xa, xét về phương diện tôn giáo và xã hội, vì hai lý do: Thứ nhất, vì họ cộng tác với chính quyền ngoại quốc để bóc lột nhân dân. Thứ hai, vì họ có bàn tay dơ bẩn bởi dùng tiền của dơ bẩn. Đối với những vị có trách nhiệm về luật Môsê và về phụng tự, thì người thu thuế bị loại trừ khỏi ơn cứu độ, vì họ bị coi như không thể từ bỏ con đường xấu xa, cũng không thể sửa lại những gian lận trong nghề được. Do đó, tiền của người thu thuế dâng cúng vào đền thờ không được nhận. Họ không có quyền dân sự, không thể làm thẩm phán hoặc chứng nhân, tất cả những gì tiếp xúc với họ đều bị coi là nhơ uế, là dơ bẩn.

Nhưng đó không phải là thái độ của Chúa Giêsu. Khi người ta xa lánh, loại trừ, ghét bỏ, thì Chúa đón nhân, bởi vì Ngài là Thiên Chúa của tình yêu; Ngài đến là để kêu gọi những người tội lỗi. Tình thương đó đã được biểu hiện qua các dụ ngôn về lòng thương xót, đặc biệt là ba dụ ngôn con chiên lạc, đồng tiền bị đánh mất, và người cha nhân hậu. Trong các dụ ngôn ấy lòng thương xót được trình bày như một sức mạnh vượt thắng tất cả, đong đầy trái tim bằng tình yêu và niềm vui của sự tha thứ.

Tin Mừng hôm nay một lần nữa mời gọi mỗi người chúng ta cần phải sống kinh nghiệm tình yêu thương của Thiên Chúa. Yêu thương và tha thứ là con đường ngắn nhất để đưa tội nhân trở về với Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn cảm nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa, để chúng con cũng biết đến với tha nhân với lòng xót thương.

Tu sĩ Gioan Đinh Quốc Tĩnh, SVD

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Lễ Hiển Linh
Bài tiếp theoNhững mẫu chuyện cho cuộc sống: NIỀM HY VỌNG ƯỚC MƠ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.