BÀI GIẢNG (Chúa Nhật, Tuần 5 Mùa Chay – Năm A)

0
638

Bài Ðọc I: Ed 37, 12-14

“Ta sẽ cho các ngươi thần trí của Ta, và các ngươi sẽ được sống”.

Trích sách Tiên tri Êdêkiel.

Ðây Chúa là Thiên Chúa phán: “Hỡi dân Ta, này Ta sẽ mở cửa mồ các ngươi, Ta sẽ kéo các ngươi ra khỏi mồ và dẫn dắt các ngươi vào đất Israel. Hỡi dân Ta, các ngươi sẽ biết Ta là Chúa, lúc Ta mở cửa mồ các ngươi, và kéo các ngươi ra khỏi mồ, Ta sẽ cho các ngươi thần trí của Ta, và các ngươi sẽ được sống, Ta sẽ cho các ngươi an cư trên đất các ngươi, và các ngươi biết rằng: Ta là Chúa, chính Ta đã phán và đã thi hành”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 129, 1-2. 3-4ab. 4c-6. 7-8

Ðáp: Bởi vì Chúa rộng lượng từ bi, và Chúa rất giàu ơn cứu độ (c. 7).

Xướng: 1) Từ vực sâu, lạy Chúa, con kêu lên Chúa. Lạy Chúa, xin nghe tiếng con cầu; dám xin Chúa hãy lắng tai, hầu nghe thấu tiếng van nài của con. – Ðáp.

2) Nếu Chúa con nhớ hoài sự lỗi, lạy Chúa, nào ai chịu nổi được ư? Nhưng Chúa thường rộng lượng thứ tha, để cho thiên hạ tôn thờ kính yêu. – Ðáp.

3) Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Ngài. Linh hồn con mong đợi Chúa con, hơn người lính gác mong trời rạng đông. – Ðáp.

4) Hơn người lính gác mong hừng đông dậy. Israel đang mong đợi Chúa con: Bởi vì Chúa rộng lượng từ bi, và Chúa rất giàu ơn cứu độ. Và chính Ngài sẽ giải thoát Israel cho khỏi mọi điều gian ác. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Rm 8, 8-11

“Thánh Thần của Ðấng làm cho Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại ở trong anh em”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, những kẻ sống theo xác thịt, thì không thể đẹp lòng Chúa. Còn anh em, anh em không sống theo xác thịt, nhưng sống theo tinh thần, nếu thật sự Thánh Thần Chúa ở trong anh em. Nếu ai không có Thánh Thần của Ðức Kitô, thì kẻ ấy không thuộc về Người. Nhưng nếu Ðức Kitô ở trong anh em, cho dù thân xác đã chết vì tội, nhưng tinh thần vẫn sống vì đức công chính. Và nếu Thánh Thần của Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại ở trong anh em, thì Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại cũng cho xác phàm hay chết của anh em được sống, nhờ Thánh Thần Người ngự trong anh em.

Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Ga 11, 25a và 26

Chúa phán: “Ta là sự sống lại và là sự sống; ai tin Ta, sẽ không chết đời đời”.

Phúc Âm: Ga 11, 1-45

“Ta là sự sống lại và là sự sống”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, có một người đau liệt tên là Ladarô, ở Bêtania, làng quê của Maria và Martha. (Maria này chính là người đã xức dầu thơm cho Chúa, và lấy tóc lau chân Người. Em trai bà là Ladarô lâm bệnh). Vậy hai chị sai người đến thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, người Thầy yêu đau liệt”. Nghe tin ấy, Chúa Giêsu liền bảo: “Bệnh này không đến nỗi chết, nhưng để làm sáng danh Thiên Chúa và do đó Con Thiên Chúa sẽ được vinh hiển”.

Chúa Giêsu thương Martha và em là Maria và Ladarô. Khi hay tin ông này đau liệt, Người còn lưu lại đó hai ngày. Rồi Người bảo môn đệ: “Chúng ta hãy trở lại xứ Giuđêa”. Môn đệ thưa: “Thưa Thầy, mới đây người Do-thái tìm ném đá Thầy, mà Thầy lại trở về đó ư?” Chúa Giêsu đáp: “Một ngày lại chẳng có mười hai giờ sao? Nếu ai đi ban ngày thì không vấp ngã, vì người ta thấy ánh sáng mặt trời; nhưng kẻ đi ban đêm sẽ vấp ngã vì không có ánh sáng”. Người nói thế, rồi lại bảo họ: “Ladarô bạn chúng ta đang ngủ, dầu vậy Ta đi đánh thức ông”. Môn đệ thưa: “Thưa Thầy, nếu ông ta ngủ, ông sẽ khoẻ lại”. Chúa Giêsu có ý nói về cái chết của Ladarô, nhưng môn đệ lại nghĩ Người nói về giấc ngủ. Bấy giờ Chúa Giêsu mới nói rõ: “Ladarô đã chết. Nhưng Ta mừng cho các con, vì Ta không có mặt ở đó để các con tin. Vậy chúng ta hãy đi đến nhà ông”. Lúc đó Tôma, cũng có tên là Ðiđimô, nói với đồng bạn: “Chúng ta cũng đi để cùng chết với Người”.

Ðến nơi, Chúa Giêsu thấy Ladarô đã được an táng bốn ngày rồi. (Bêtania chỉ cách Giêrusalem chừng mười lăm dặm). Nhiều người Do-thái đến nhà Martha và Maria để an ủi hai bà vì người em đã chết. Khi hay tin Chúa Giêsu đến, Martha đi đón Người, còn Maria vẫn ngồi nhà. Martha thưa Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Tuy nhiên, ngay cả bây giờ, con biết Thầy xin gì cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng sẽ ban cho Thầy”. Chúa Giêsu nói: “Em con sẽ sống lại”. Martha thưa: “Con biết ngày tận thế, khi kẻ chết sống lại, thì em con sẽ sống lại”. Chúa Giêsu nói: “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ. Con có tin điều đó không?” Bà thưa: “Thưa Thầy, vâng, con đã tin Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian”.

Nói xong bà về gọi Maria em gái bà và nói thầm với em rằng: “Thầy ở ngoài kia, Thầy gọi em”. Nghe vậy, Maria vội vàng đứng dậy và đi đến cùng Chúa. Vì lúc đó Chúa Giêsu chưa vào trong làng, Người còn đang đứng ở nơi Martha đã gặp Người. Những người Do-thái cùng ở trong nhà với Maria và an ủi bà, khi thấy bà vội vã đứng dậy ra đi, họ cũng đi theo bà, tưởng rằng bà đi ra khóc ngoài mộ. Vậy khi Maria đến chỗ Chúa Giêsu đứng, thấy Người, bà liền sấp mình xuống dưới chân Người và nói: “Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt đây, thì em con không chết”. Khi thấy bà khóc nức nở và những người Do-thái theo bà cũng khóc, Chúa Giêsu thổn thức và xúc động. Người hỏi: “Ðã an táng Ladarô ở đâu?” Họ thưa: “Thưa Thầy, xin đến mà xem”. Chúa Giêsu rơi lệ. Người Do-thái liền nói: “Kìa, xem Ngài thương ông ấy biết bao!” Nhưng có mấy kẻ trong đám nói: “Ông ấy đã mở mắt người mù từ khi mới sinh mà không làm được cho người này khỏi chết ư?” Chúa Giêsu lại xúc động; Người đi đến mộ. Mộ đó là một hang nhỏ có tảng đá đậy trên. Chúa Giêsu bảo: “Hãy đẩy tảng đá ra”. Martha là chị người chết, thưa: “Thưa Thầy, đã nặng mùi rồi vì đã bốn ngày”. Chúa Giêsu lại nói: “Ta đã chẳng bảo con rằng: Nếu con tin, thì con sẽ xem thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?” Thế là người ta cất tảng đá ra. Chúa Giêsu ngước nhìn lên và nói: “Lạy Cha, Con cảm tạ Cha đã nhậm lời Con. Con biết Cha hằng nghe lời Con, nhưng Con nói lên vì những người đứng xung quanh đây, để họ tin rằng Cha đã sai Con”. Nói rồi, Người kêu lớn tiếng: “Ladarô! Hãy ra đây!” Người đã chết đi ra, chân tay còn quấn những mảnh vải, trên mặt quấn khăn liệm. Chúa Giêsu bảo: “Hãy cởi ra cho anh ấy đi”.

Một số người Do-thái đến thăm Maria, khi được chứng kiến những việc Chúa Giêsu làm, thì đã tin vào Người.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc bài vắn này: Ga 11, 3-7. 17. 20-27. 33b-45

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, hai chị em của Ladarô sai người đến thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, người Thầy yêu đau liệt”. Nghe tin ấy, Chúa Giêsu liền bảo: “Bệnh này không đến nỗi chết, nhưng để làm sáng danh Thiên Chúa và do đó Con Thiên Chúa sẽ được vinh hiển”.

Chúa Giêsu thương Martha và em là Maria và Ladarô. Khi hay tin ông này đau liệt, Người còn lưu lại đó hai ngày. Rồi Người bảo môn đệ: “Chúng ta hãy trở lại xứ Giuđêa”.

Ðến nơi, Chúa Giêsu thấy Ladarô đã được an táng bốn ngày rồi. Khi hay tin Chúa Giêsu đến, Martha đi đón Người, còn Maria vẫn ngồi nhà. Martha thưa Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Tuy nhiên, ngay cả bây giờ, con biết Thầy xin gì cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng sẽ ban cho Thầy”. Chúa Giêsu nói: “Em con sẽ sống lại”. Martha thưa: “Con biết ngày tận thế, khi kẻ chết sống lại, thì em con cũng sẽ sống lại”. Chúa Giêsu nói: “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ. Con có tin điều đó không?” Bà thưa: “Thưa Thầy: vâng, con đã tin Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian”.

Người xúc động và hỏi: “Ðã an táng Ladarô ở đâu?” Họ thưa: “Thưa Thầy, xin đến mà xem”. Chúa Giêsu rơi lệ. Người Do-thái liền nói: “Kìa, xem Ngài thương ông ấy biết bao!” Nhưng có mấy kẻ trong đám nói: “Ông ấy đã mở mắt người mù từ khi mới sinh mà không làm được cho người này khỏi chết ư?” Chúa Giêsu lại xúc động; Người đi đến mộ.

Mộ đó là một hang nhỏ có tảng đá đậy trên. Chúa Giêsu bảo: “Hãy đẩy tảng đá ra”. Martha là chị người chết, thưa: “Thưa Thầy, đã nặng mùi rồi vì đã bốn ngày”. Chúa Giêsu lại nói: “Ta đã chẳng bảo con rằng: Nếu con tin, thì con sẽ xem thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?” Thế là người ta cất tảng đá ra. Chúa Giêsu ngước nhìn lên và nói: “Lạy Cha, Con cảm tạ Cha đã nhậm lời Con. Con biết Cha hằng nghe lời Con. Nhưng Con nói lên vì những người đứng xung quanh đây, để họ tin rằng Cha đã sai Con”. Nói rồi, Người kêu lớn tiếng: “Ladarô! Hãy ra đây!” Người đã chết đi ra, chân tay còn quấn những mảnh vải, trên mặt quấn khăn liệm. Chúa Giêsu bảo: “Hãy cởi ra cho anh ấy đi”.

Một số người Do-thái đến thăm Maria, khi được chứng kiến những việc Chúa Giêsu làm, thì đã tin vào Người.

Ðó là lời Chúa.


 

Bài giảng chủ đề:

“… HÃY RA KHỎI MỒ!” (Lm. Giuse Lâm Sơn Tòng, SVD)

Cuộc đời đầy đau khổ và chết chóc!

Đời sống con người ở mọi thời, mọi nơi đều gắn liền với những đau khổ. Có người gặp đau khổ về thân xác như ốm đau bệnh tật. Nhiều người gặp đau khổ về mặt tinh thần. Có những đau khổ thử thách do ngoại cảnh, nhưng cũng có những khổ đau phát xuất từ chính bản thân. Có bao nhiêu con người thì có bấy nhiêu thứ đau khổ. Tận cùng của đau khổ chính là sự chết.

Đức Phật Thích Ca, sau khi đã tu tâm giác ngộ, đạt đến cõi vô vi, Ngài đã phải thốt lên một nhận định chua chát và thực tế mà con người phải đối diện hàng ngày, ngài nói: “đời là bể khổ”.

Đức Giê-su trong thân phận con người, cũng đã gặp những đau khổ. Trong hành trình rao giảng Tin Mừng, Ngài đã gặp những chống đối của nhóm lãnh đạo Do Thái đương thời. Cuối hành trình rao giảng, Ngài đã chấp nhận đau khổ, chịu đánh đòn, vác thập giá, và tận cùng là cái chết nhục nhã trên thập giá do nhà cầm quyền Do Thái gây lên. Đau khổ quả là một huyền nhiệm của đời người. Đứng trước những khổ đau của con người, Đức Giê-su không đi tìm câu trả lời về nguồn gốc của nó, nhưng Ngài đã chữa lành và cứu giúp những người khổ đau. Ngài chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền trong dân (x. Mt 4,23). Ngài cũng mời gọi mỗi người hãy chung tay góp sức để đẩy lùi đau khổ của bản thân và tha nhân.

Thiên Chúa đồng cảm và đau nỗi đau của con người

Thiên Chúa yêu thương con người. Đó là Tin Mừng và là xác tín từ ngàn đời. Thiên Chúa không tạo ra đau khổ. Đau khổ không phát xuất từ Thiên Chúa. Ngài là Đấng tốt lành, nguồn ơn ban phát sự thiện hảo. Nhưng Thiên Chúa cho phép đau khổ xảy ra để cảnh tỉnh và để thanh luyện con người.

Đức Giê-su là chân dung của một Thiên Chúa quyền năng và yêu thương loài người. Ngài đã từ trời cao xuống thế để đồng lao cộng khổ với loài người, hầu cứu giúp con người. Hôm nay Đức Giê-su đã đến nhà chị em Mác-ta và Ma-ri-a để chia sẻ nỗi buồn đau mất mát người thân là anh La-za-rô. Đứng trước cái chết của anh La-za-rô, Chúa Giê-su đã thổn thức trong lòng và xao xuyến. Trước huyệt mộ chôn xác La-za-rô, Đức Giê-su đã khóc thương anh! (x. Ga 11,33.34). Những biểu tỏ cảm xúc như “thổn thức”, “xao xuyến” và “khóc thương”, diễn tả một tâm hồn đồng cảm, cùng buồn đau với nỗi đau của người khác. Chúa đang đau nỗi đau mất người thân của hai chị em Mác-ta và Ma-ri-a. Chúa đang cùng khóc với gia đình tang quyến. Thiên Chúa yêu thương dân Người!

Thiên Chúa không khoanh tay đứng nhìn khi con người gặp đau khổ. Ngài đã đích thân đến gần và đụng chạm tới đau khổ của con người. Sự việc Chúa đến thăm gia đình Mác-ta và Ma-ri-a, không chỉ là động viên, an ủi gia cảnh đang đau buồn, mà còn đem lại niềm vui lớn lao cho họ, qua việc hồi sinh sự sống cho người em La-za-rô. Đó là một khẳng định mạnh mẽ, một minh chứng hùng hồn về việc Thiên Chúa yêu thương con người.

Thiên Chúa thể hiện quyền trên sự chết

Đức Giê-su đến trần gian để rao giảng và mạc khải cho con người biết về một Thiên Chúa quyền năng và yêu thương. Dĩ nhiên, Ngài không rao giảng và không nói lý thuyết thuần túy. Chính Người đã ra tay cứu giúp rất nhiều bệnh nhân. Không những thế, Người còn làm cho kẻ chết sống lại. Người cứu con trai của bà góa thành Na-in. Người truyền lệnh cho chàng thanh niên đã chết và nằm trong quan tài: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!”. Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói (x. Lc 7,13-15). Trường hợp thứ hai, Chúa phục hồi sự sống cho con gái của ông Gia-ia. Người cầm lấy tay bé gái đã chết và lên tiếng gọi: “Này bé, trỗi dậy đi!”. Hồn đứa bé trở lại, và nó đứng dậy ngay (x. Lc 8,52-55).

Lần thứ ba Chúa cho kẻ chết sống lại chính là việc cứu anh La-za-rô. Phép lạ cứu chữa anh La-za-rô được thánh Gio-an tường thuật chi tiết và tỉ mỉ. Sự việc xảy ra từ khi Chúa Giê-su nghe tin La-za-rô bệnh, cho tới khi anh chết và lúc Chúa đến thì anh đã được chôn trong mồ đá được bốn ngày.

Khi nghe Đức Giê-su nói “đem phiến đá này đi”, chị Mác-ta thưa: “thưa thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày” (Ga 11,39). Qua câu nói của chị Mác-ta, chúng ta có thể hiểu được tâm trạng của chị lúc này. Chị vừa buồn đau, vừa bối rối, băn khoăn và vừa hết sức ngạc nhiên. Chị đang đau nỗi đau mất em. Chị bối rối và băn khoăn khi chính từ môi miệng Đức Giê-su quả quyết với chị, “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11,26).

Chị mạnh dạn tuyên xưng niềm tin vào Đức Giê-su một cách công khai. “Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian” và “Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết”. Chị tuyên xưng ngoài miệng như thế, nhưng niềm tin của chị vẫn còn điều gì đó mơ hồ, chưa hình dung ra cụ thể thế nào. Niềm tin của chị vẫn còn hạn chế. Chị không biết được rằng, “đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể” (Mt 19, 26).

Chính vì thế, khi nghe Đức Giê-su yêu cầu: “đem phiến đá này đi”, Mác-ta đã tỏ ra bối rối và băn khoăn. Đem phiến đá này đi, tức là hãy mở huyệt mộ này ra. Chúng ta có thể cảm nhận được nỗi băn khoăn trong lòng của Mác-ta. Thưa Thầy, Thầy định làm gì, mở huyệt mộ ra để làm gì, vì nặng mùi rồi. Em con nằm trong huyệt mộ đã bốn ngày trời rồi. Thân xác chắc chắn đã phân hủy  và nặng mùi, giờ còn có thể làm được gì nữa… và giá như Thầy đến sớm hơn, nếu có Thầy ở đây thì em con đã không chết, không phải bị chôn vùi thế này…!

Mác-ta không biết Chúa Giê-su định làm gì trong hoàn cảnh hiện tại của em chị. Chị tin rằng Chúa có thể chữa mọi bệnh nặng và nan y của mọi người. Nhưng có lẽ chị không thể tin, hay chưa có khái niệm về việc Chúa cho người chết sống lại, mà người ấy lại là em chị, người ấy đã chết và đang bị phân hủy… thì làm gì được nữa…!

Không một ai dám đặt cược niềm tin vào một điều họ cho là không thể. Vì con người, vốn dĩ là giới hạn, chỉ dám tin vào điều mà họ hiểu được, chứng thực được bằng các giác quan, lý trí tự nhiên của mình. Con người không thể tin, không dám đặt niềm tin vào điều gì đó vượt quá khả năng suy đoán hay hiểu biết của con người. Chưa bao giờ chứng kiến và chưa bao giờ được nghe việc kẻ chết sống lại thì làm sao mà dám tin. Họ không tin cũng là điều dễ hiểu và bình thường. Họ mà tin mới là điều bất thường!

Thiên Chúa làm được mọi sự

“Anh La-za-rô, hãy ra khỏi mồ!” Người chết liền đi ra, chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn. Đức Giê-su bảo: “Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi” (Ga 11,43.44). Quả thật, Thiên Chúa đầy quyền năng và đối với Thiên Chúa thì không có gì là không thể được (x. Lc 1,37). Quyền năng của Thiên Chúa nhằm cứu giúp, giải thoát con người khỏi nỗi buồn, nỗi khổ và kể cả sự chết. Quyền năng của Thiên Chúa được tôn vinh, khi con người được sống. Điều làm vinh danh Thiên Chúa, chính là khi con người được giải thoát và được sống, sống dồi dào. Đó là lời xác tín của thánh I-rê-nê và cũng là xác tín của chúng ta. “… Hãy ra khỏi mồ”.

Trong hai trình thuật làm phép lạ cho người chết sống lại của thánh Lu-ca, Chúa Giê-su đều nói ngắn gọn với người đã chết: “hãy trỗi dậy”. Còn Tin Mừng Gio-an đặt vào môi miệng của Đức Giê-su một lời cũng đầy quyền năng: “Hãy ra khỏi mồ”. Quả thật, đây là một lệnh truyền, một hiệu lệnh đầy quyền phép, một Lời uy quyền, Lời ban sự sống phát ra từ chính môi miệng của Đức Giê-su. Chính nhờ Lời đầy quyền năng ấy mà người chết đã hồi sinh, đã sống lại, bước vào cõi sống. Con người đang sống trong một thế giới đầy những đau khổ do tội lỗi gây lên: chiến tranh, hận thù, ghen ghét, ganh đua, ngoại tình, phá thai, trộm cắp, giết người…

Ở tầm mức quốc gia, nước này chiến tranh với nước kia. Người ta vẫn nhân danh chính nghĩa để hủy diệt người khác, chiếm đoạt đất đai và sinh mạng dân thường. Trong đất nước chúng ta vẫn đang tồn tại nhiều bất công: tham nhũng, hối lộ, chiếm đoạt của công. Thế giới quả là mồ chôn tập thể!

Huyệt mộ là nơi giam giữ, chôn cất người đã chết. Đó là huyệt mộ vật chất, thể lý, đáng sợ nhưng không chấm dứt ở sự tuyệt vọng. Điều đáng sợ hơn là những huyệt mộ giam giữ tâm hồn con người. Mỗi người chúng ta, một cách nào đó cũng đang bị giam giữ bởi những huyệt mộ của sự ghen ghét, của sự ích kỷ, của lòng tham, sự gian dối… hẹp hòi, vô cảm với tha nhân. Hơn thế nữa, những nấm mồ hôm nay còn là những khó khăn bế tắc của cõi nhân sinh. Biết bao người đang đắm chìm trong đau khổ tinh thần và thất vọng. Họ như đang bị chôn vùi trong huyệt mộ của sự đau khổ, bệnh tật, thất nghiệp, mâu thuẫn, nghèo đói, bất hạnh gia đình, ly thân, ly dị… Họ đang rất cần được Chúa giải thoát khỏi những nấm mồ ấy.

Hành trình của Mùa Chay, tinh thần chay tịnh, hãm mình, hy sinh không kết thúc ở đích điểm là đau khổ, nhưng sẽ dẫn đến sự sống. Thiên Chúa sẽ đến mở huyệt mộ và đưa chúng ta ra khỏi đó. Giống như hôm nay, Ngài đã mở huyệt mộ và đưa La-za-rô ra khỏi huyệt mộ để bước vào cõi sống.

Chúng ta tin theo Chúa, chúng ta chấp nhận chịu đau khổ thử thách, nhưng không kết thúc hay chấm dứt ở đau khổ. Đức Giê-su dù vác thập giá, chết trên thập giá, nhưng đó không phải là kết cục cuối cùng. Cái chết ấy là con đường dẫn tới sự sống vĩnh cửu. Đó chính Tin Mừng, là sự an ủi cho chúng ta, cho những ai đang gặp thử thách đau khổ ở cuộc đời tạm bợ này.

Chúng ta được mời gọi bắt chước hai chị em Mác-ta và Ma-ri-a, hãy mời Chúa Giê-su đến, xin Ngài giải phóng chúng ta và anh chị em khỏi sự giam cầm của những huyệt mộ tuyệt vọng, đau khổ và chết chóc. Xin Người ban cho chúng ta một cuộc sống mới, một cuộc sống tự do thoát khỏi sự giam cầm của tội lỗi, một cuộc sống chan hòa yêu thương, thấm đượm tình bác ái và vươn tới cuộc sống vĩnh cửu của Đấng Phục Sinh. Amen.


 

ĐẤNG KHAI THÔNG BẾ TẮC KIẾP NGƯỜI (Lm. Antôn Nguyễn Thanh Hà, SVD)

Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan thuật lại cho chúng ta việc Đức Giêsu cho anhLadarô chết chôn trong mồ bốn ngày được sống lại. Ở đây, chúng ta thấy Chúa Giêsu biết tin anhLadarô bị bệnh (Ga 11,3) và cũng biết anh đã chết (Ga 11,14). Ngài đã cố tình đến làng Bêtania chậm hai ngày (Ga 11,6) để cho hai chị emMácta và Maria phải đối diện với cái chết của em trai mình. Như thế, Chúa Giêsu để gia đình của côMácta phải đối diện với tình trạng tăm tối nhất của kiếp người, đó là đối diện với tử thần. Nhà thơ Văn Thiên Trường đã nói cái tất yếu của phận người ấy qua hai câu thơtrong bài ‘Quá Linh Đinh Dương’ như sau:

Nhân sinh tự cổ thùy vô tử

Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.

(Ngàn xưa, người thế ai không chết,

Chết, để lòng son rạng sử xanh.)

Và tác giả Thánh vịnh 88 cũng khẳng định cái tất yếu ấy:

Xin nhớ rằng: đời con là một kiếp phù du,

Loài người Chúa dựng nên thật mỏng manh quá đỗi!

Sống làm người, ai không phải chết,

Ai cứu nổi mình thoát quyền lực âm ty.(Tv 88,48-49)

Đã mang lấy thân phận con người, ai cũng phải đối diện với cái chết, không ai thoát khỏi điều ấy. Nhưng cách đối diện với thực tại ấy của mỗi người không giống nhau. Đối với những người không có niềm tin vào đời sau, không có niềm tin vào sự sống lại, thì chết là dấu chấm hết. Đằng sau cái chết không có gì cả. Tất cả đều rơi vào cõi hư vô. Cho nên, trong bài thơ ‘Hư vô’, thi sĩ Xuân Diệu đã phải khóc lên cách não ruột khi nghĩ đến giây phút rời bỏ thế gian này:

Nhưng mà tôi sẽ chết than ôi!

[…]

Tôi run như lá, tái như đông,

Trán chảy mồ hôi, mắt lệ phồng,

Năm đẩy tháng dồn tôi đã đến

Trước bờ lạnh lẽo cõi hư không.

Quả thật, đối với những người không có niềm tin vào sự sống lại, vào đời sau, thì họ cảm thấy cái chết là một “ngõ cụt” của phận người. Đứng trước tử thần, bỗng chốc tất cả hóa ra không. Bao nhiêu công khó, bao nhiêu tích lũy ở đời này đều đổ sông, đổ biển. Cái chết thật sự là một nỗi tuyệt vọng. Do đó khi còn sống, họ cố hưởng thụ hết sức để không hối tiếc khi đối diện với tử thần. Đây là điều mà nhà thơ Nguyễn Công Trứ đã nói trong bài thơ ‘Chơi xuân kẻo hết xuân đi’:

Cuộc hành lạc bao nhiêu là lãi bấy

Nếu không chơi, thiệt ấy ai bù?

Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy tất cả những người quen biết gia đình côMácta đã bất lực trước cái chết và chỉ còn biết an ủi một cách yếu ớt (Lc 11,19.31). Điều đó cho chúng ta thấy sự bất lực nói chung của con người trước tử thần. Trong hoàn cảnh bi đát của phận người ấy, Đức Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy chính Người là Đấng đem đến niềm hy vọng được thoát khỏi “ngõ cụt” của kiếp nhân sinh khi làm cho anhLadarô sống lại. Qua dấu lạ “làm cho anh Ladarô sống lại”, Đức Giêsu muốn cho chúng ta biết rằng Người không đến để ngăn chặn cái chết thể lý, không đến để làm cho cuộc đời này thành vĩnh cửu, nhưng để ban cho nhân loại chúng ta một đời sống khác không có cùng tận, khi Người nói rằng:“Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Lc 11,25-26).Như thế, nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa tỏ cho chúng ta biết Ngài là Đấng lôi kéo chúng ta ra khỏi cái chết và đưa chúng ta vào trong cuộc sống bất tử của Ngài. Tuy nhiên, Thiên Chúa chỉ có thể đưa chúng ta vào cuộc sống vĩnh hằng của Ngài khi chúng ta tin vào Đức Giêsu Kitô.

Qua lời Chúa trong bài Tin Mừng, chúng ta thấy Đức Giêsu đã làm cho anhLadarô ra khỏi mồ, nhưng Người đã đưa anh ta trở lại cuộc sống trần thế. Tuy nhiên, qua dấu lạ này Đức Giêsu muốn hướng chúng ta đến sự sống lại không mang tính trần thế mà Người sẽ ban cho toàn thể nhân loại qua cuộc khổ nạn và phục sinh vinh hiển của Người. Người đã mạc khải cho chúng ta thấy cuộc sống ấy là cuộc sống giống như các thiên thần trong câu chuyện một người phụ nữ lấy bảy anh em trai làm chồng (x. Mt 22,23-33; Mc 12, 18-27; Lc 20,27-40). Điều này đã được thánh Phaolô Tông Đồ giải thích cách rõ hơn trong thư thứ nhất gửi cho tín hữu Côrintô: “Ngươi gieo cái gì, cái ấy phải chết mới được sống. Cái ngươi gieo không phải là hình thể sẽ mọc lên, nhưng là một hạt trơ trụi, chẳng hạn như hạt lúa hay một thứ nào khác […] Việc kẻ chết sống lại cũng vậy: gieo xuống thì hư nát, mà trỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà trỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà trỗi dậy thì mạnh mẽ, gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà trỗi dậy là thân thể có thần khí” (1Cr 15,35-37.42-44).

Như vậy, theo lời của thánh Phaolô Tông Đồ, thân thể khi sống lại rất khác với thân thể khi chết, nhưng bản thể vẫn giống nhau. Thân xác phục sinh khác với thân xác khi chết ở chỗ: thân xác phục sinh sẽ không bao giờ bị hủy hoại nữa; thân xác phục sinh sẽ trở nên vinh quang; thân xác phục sinh sẽ không còn yếu đuối, sẽ không còn bệnh tật và bị ảnh hưởng bởi môi trường; và thân xác phục sinh sẽ là thân xác có thần khí. Như thế, nhờ tin tưởng vào Chúa Giêsu Kitô phục sinh, thân xác khi chết của chúng ta sẽ được biến đổi trong giây lát. Thân xác phải hư nát ấy của chúng ta sẽ mặc lấy sự bất diệt và bất tử (x. 1Cr 15,52-53). Trong thư gửi cho các tín hữu Philiphê, thánh Phaolô cho chúng ta biết rằng chính Chúa Giêsu thực hiện cuộc biến đổi ấy: “Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,31).

Tóm lại, dưới ánh sáng lời Chúa hôm nay, người Kitô hữu chúng ta cảm thấy được an ủi và củng cố trước những đau thương của cuộc đời; được khích lệ mạnh mẽ trên con đường vác thập giá hằng ngày mà theo Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta không còn sống như những người không có niềm hy vọng, nhưng chúng ta sống cuộc đời này như những người mang nơi mình niềm hy vọng sống lại, như những người có “lối thoát” cho kiếp nhân sinh. Chúng cầu xin Chúa ban ơn thêm sức và trợ lực cho niềm tin và niềm hy vọng ấy của chúng ta. Để càng ngày chúng ta càng thâm tín hơn vào điều mà Chúa Giêsu đã hứa ban cho những ai đặt niềm tin tưởng và phó thác cuộc đời trong tay Người.

 

Bài trướcĐệ Tử Viện Ngôi Lời hội ngộ trong tình huynh đệ
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Tuần 5 Mùa Chay – A)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.