Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật tuần 18 Thường Niên – Năm C

0
310

Bài Ðọc I: Gv 1, 2; 2, 21-23

“Ích gì cho người bởi mọi việc mình làm”.

Trích sách Giảng Viên.

Giảng Viên đã dạy rằng: Hư không trên các sự hư không, hư không trên các sự hư không, và mọi sự đều hư không. Vì kẻ này làm việc vất vả trong sự khôn ngoan, hiểu biết và lo lắng, rồi phải để sự nghiệp lại cho người ở nhưng không, thì thật là hư không và tai hại lớn lao. Ích gì cho người bởi mọi việc mình làm mà phải chịu đau khổ cực lòng dưới phàm trần? Suốt ngày của họ đầy sự đau khổ gian truân, và ban đêm lại không được yên lòng, thế thì chẳng phải là hư không sao?

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 94, 1-2. 6-7. 8-9

Ðáp: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: các ngươi đừng cứng lòng (c. 8).

Xướng: 1) Hãy tới, chúng ta hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hô Ðá Tảng cứu độ của ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời ca ngợi, chúng ta hãy xướng ca để hoan hô Người. – Ðáp.

2) Hãy tiến lên, cúc cung bái và sụp lạy, hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Ðấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người. – Ðáp.

3) Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: “Ðừng cứng lòng như ở Mêriba, như hôm ở Massa trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta, họ đã thử Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta”. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Cl 3, 1-5, 9-11

“Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.

Anh em thân mến, nếu anh em đã sống lại với Ðức Kitô, anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất. Vì anh em đã chết, và sự sống anh em được ẩn giấu với Ðức Kitô trong Thiên Chúa. Khi Ðức Kitô là sự sống anh em xuất hiện, bấy giờ anh em sẽ xuất hiện với Người trong vinh quang. Vậy còn sống trên địa cầu, anh em hãy kiềm chế các chi thể anh em, là sự gian dâm, ô uế, dục tình, đam mê xấu xa và hà tiện, tức là sự thờ phượng thần tượng.

Anh em chớ nói dối với nhau; anh em hãy lột bỏ người cũ cùng các việc làm của nó, và mặc lấy người mới, con người được đổi mới theo hình ảnh của Ðấng đã tạo thành nó: ở đấy không còn là dân ngoại và Do-thái, chịu phép cắt bì hay không chịu phép cắt bì, người man rợ hay người Scytha, nô lệ hay tự do nữa, nhưng mọi sự và trong mọi sự có Ðức Kitô.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 4, 4b

Alleluia, alleluia! – Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 12, 13-21

“Những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có người trong đám đông thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi”. Người bảo kẻ ấy rằng: “Hỡi người kia, ai đã đặt Ta làm quan xét, hoặc làm người chia gia tài cho các ngươi?” Rồi Người bảo họ rằng: “Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu”.

Người lại nói với họ thí dụ này rằng: “Một người phú hộ kia có ruộng đất sinh nhiều hoa lợi, nên suy tính trong lòng rằng: ‘Tôi sẽ làm gì đây, vì tôi còn chỗ đâu mà tích trữ hoa lợi?’ Ðoạn người ấy nói: ‘Tôi sẽ làm thế này, là phá các kho lẫm của tôi mà xây những cái lớn hơn, rồi chất tất cả lúa thóc và của cải tôi vào đó, và tôi sẽ bảo linh hồn tôi rằng: “Hỡi linh hồn, ngươi có nhiều của cải dự trữ cho nhiều năm: ngươi hãy nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi đi”. Nhưng Thiên Chúa bảo nó rằng: ‘Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?’ Vì kẻ tích trữ của cải cho mình mà không làm giàu trước mặt Chúa thì cũng vậy”.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng chủ đề:

THỰC DỤNG

Lm. Antôn Nguyễn Huy Quyền, SVD

Nhìn vào thực trạng xã hội, người ta vẫn thường nói với nhau rằng, chưa bao giờ con người lại có một lối sống thực dụng như ngày hôm nay. Người ta không chỉ thể hiện lối sống thực dụng trong sinh hoạt thường ngày, nhưng còn thực dụng trong cả vấn đề tình cảm và thậm chí là trong việc sống và thực hành đức tin. Tuy nhiên, nếu nhìn lại lịch sử nhân loại thì chúng ta sẽ nhận ra rằng tính thực dụng đã ăn sâu vào trong con người chúng ta từ rất sớm. Câu chuyện xảy ra với Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay là một dẫn chứng cụ thể.

Thánh Luca kể rằng, trong lúc Đức Giêsu và các môn đệ đang trên đường lên Giêrusalem, đám đông đi theo để được nghe Ngài giảng dạy và chứng kiến các phép lạ. Bỗng nhiên, có một người trong đám đông đứng lên thưa với Ngài câu chuyện đang xảy ra với gia đình của anh ta. Chuyện là bố mẹ anh chết để lại một khối tài sản cho hai anh em. Nhưng có lẽ người anh đã thâu tóm hết mà không chia cho anh phần mà đáng ra anh được hưởng. Cho nên hôm nay, anh đến nhờ Đức Giêsu đứng ra làm trọng tài để phân xử việc tranh chấp tài sản thừa kế giữa anh và người anh trai: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi” (Lc 12,13). Nhưng, khi nhận được lời đề nghị của anh, Đức Giêsu đã thẳng thắn từ chối: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?” (12,14).

Để hiểu nội dung câu chuyện, chúng ta phải quay trở về với bối cảnh văn hóa, xã hội và tôn giáo của người Do Thái lúc bấy giờ. Thật vậy, trong việc phân chia tài sản thừa kế, theo luật Do Thái (Đnl 21,17), tất cả mọi con trai đều được hưởng tài sản của cha mẹ để lại. Tuy nhiên, nếu tài sản cha mẹ để lại chỉ có đất đai và nhà cửa thì người con trai trưởng có quyền thừa hưởng hết. Và khi có sự tranh chấp tài sản xảy ra, người ta thường chạy đến với các rabbi nhờ làm trọng tài phân xử.

Hôm nay, Đức Giêsu đang phải đối diện với vấn đề này. Như vậy, việc người em trai đến thưa với Đức Giêsu về hoàn cảnh của mình và xin Ngài đứng ra làm trọng tài phân chia tài sản giữa hai anh em cho ta hiểu rằng, có lẽ người anh trai đã chiếm hết tất cả tài sản và không chịu chia cho người em phần mà đáng lẽ em được hưởng. Trước khi đến nhờ Đức Giêsu, có lẽ anh đã nhờ nhiều rabbi danh tiếng đứng ra làm trọng tài giải quyết giúp anh, nhưng tất cả đều thất bại. Cho nên, hôm nay khi nghe biết uy tín của Đức Giêsu, anh đã chạy đến để mong Ngài giúp đòi lại sự công bằng cho mình. Nhưng, một lần nữa anh lại thất bại vì bị Đức Giêsu từ chối.

Khi bị Đức Giêsu từ chối lời đề nghị, có lẽ anh ta rất thất vọng. Anh thất vọng vì không thể đòi lại số tài sản từ người anh trai mà mình được quyền thừa hưởng. Nhưng, điều làm anh thất vọng hơn có lẽ là chính Đức Giêsu. Bởi vì, Đức Giêsu là một người luôn đề cao lòng đạo đức, tình yêu thương và sự công bằng, thế mà bây giờ chuyện bất công xảy ra rõ ràng trước mắt mà Ngài lại từ chối giải quyết, nhắm mắt làm ngơ. Xem ra điều này đi ngược lại hoàn toàn với Tin Mừng mà Ngài đang rao giảng. Tuy nhiên, Đức Giêsu có lý do của mình. Ngài muốn lợi dụng cơ hội này để dạy các môn đệ và những người hiện diện ở đó, kể cả chúng ta hôm nay, một bài học về đức tin sâu xa hơn rất nhiều. Ngài muốn con người thoát ra khỏi não trạng của sự thực dụng, vì nếu con người chỉ quanh quẩn với những vấn đề trần thế thì họ không thể tiến xa hơn trên đường trọn lành.

Thật vậy, theo cách kể chuyện của thánh Luca thì lúc này Đức Giêsu đang trên đường tiến về Giêrusalem để bước vào cuộc khổ nạn và phục sinh. Vì thế, trong hoàn cảnh này Ngài dồn hết tâm trí của mình vào việc thực hiện ý của Chúa Cha. Cho nên, khi từ chối đứng ra xử kiện, Đức Giêsu muốn nói rằng vai trò và sứ mạng của Ngài không phải đến để giải quyết những vấn đề trần thế cho con người. Hay nói cách khác, Ngài đến để đưa con người thoát ra khỏi những cám dỗ, mong muốn tìm kiếm nơi Tin Mừng một sự bảo đảm các nhu cầu trần gian. Ngài muốn con người phải bỏ những suy nghĩ, những toan tính hẹp hòi và thực dụng nơi trần thế để hướng nhìn về trời cao là cùng đích và cứu cánh của đời người. Ngài không muốn những cám dỗ vật chất trần thế che mất tầm nhìn và cản trở bước tiến của con người trên hành trình tiến về Quê Trời. Nên Ngài đã cảnh báo: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu” (Lc 12,15). Cái kết đối với “nhà phú hộ” trong dụ ngôn là một bài học đau đớn cho những ai có lối sống thực dụng, chỉ biết bám víu vào vật chất trần thế.

Như vậy, câu chuyện của người thanh niên đến xin Đức Giêsu làm trọng tài chia gia tài trong bài Tin Mừng có thể là câu chuyện của mỗi người chúng ta ngày hôm nay. Có lẽ nhiều và rất nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cũng đến với Thiên Chúa bằng một thái độ rất thực dụng. Điều này có nghĩa là chúng ta đến với Chúa không phải với tâm tình của một người con thảo để gặp gỡ Cha, nhưng chúng ta chỉ đến với Ngài khi chúng ta cần Ngài giải quyết cho mình những nhu cầu trần thế mà thôi. Mỗi khi đến với Chúa, chúng ta chỉ muốn Ngài phải làm ngay những phép lạ theo ý của mình. Nếu Thiên Chúa không làm theo ý ta thì ta không thèm đến với Ngài nữa. Đây là một thái độ sống đạo hời hợt và thực dụng của rất nhiều người trong chúng ta ngày nay.

Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta biết từ bỏ lối sống thực dụng trong đời sống đức tin, để chúng ta luôn nhận ra ý của Thiên Chúa trong cuộc đời của mình. Bởi vì, thái độ sống thực dụng sẽ không mang đến cho ta một tầm nhìn xa để nhận ra những giá trị vĩnh cửu của con người.

 

Bài trướcLòng Thương Xót Vô Bờ
Bài tiếp theoThường Niên – Tuần XVIII – Năm C

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.