LỜI SỐNG (Thứ Hai Tuần 18 TN)

0
826

Tin Mừng (Mt 14,13-21)

13 Khi ấy, được tin ông Gio-an Tẩy Giả chết, Đức Giê-su xuống thuyền đến một chỗ hoang vắng riêng biệt. Nghe biết vậy, đông đảo dân chúng từ các thành đi bộ mà theo Người. 14 Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ.

15 Chiều đến, các môn đệ lại gần thưa với Người : “Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn.” 16 Đức Giê-su bảo : “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn.” 17 Các ông đáp : “Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá 45!” 18 Người bảo : “Đem lại đây cho Thầy !” 19 Sau đó, Người truyền cho dân chúng ngồi xuống cỏ. Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho môn đệ, và môn đệ trao cho đám đông. 20 Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được mười hai giỏ đầy. 21 Số người ăn khoảng chừng năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con.


Suy niệm

THƯƠNG BAN (Tu sĩ  G. B. Đinh Dương Minh Quân, SVD)

Phép lạ hóa bánh là phép lạ duy nhất được cả bốn sách Tin Mừng thuật lại. Thật vậy, đây là một trong số những phép lạ tiêu biểu Thiên Chúa mạc khải cách trọn vẹn tình yêu của Ngài cho con người mà Đức Giêsu thực hiện. Qua đó, Đức Giêsu tỏ lộ tình yêu tuyệt đối của Người dành cho chúng ta, và mời gọi ta cũng hãy trao ban cho anh chị em của mình.

“Đức Giêsu trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ” (Mt 14,14). Dù đám đông cản trở dự định ẩn mình của Đức Giêsu, Người vẫn “chạnh lòng thương” những nỗi khốn khổ của họ và “chữa lành các bệnh nhân của họ”. Động từ “chạnh lòng thương” ở đây gợi nhớ đến tấm lòng của vị mục tử dịu dàng đối với đám đông “lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt” (Mt 9,36) và việc Người “chữa lành các bệnh nhân của họ” nhắc nhớ đến sấm ngôn của Êzêkiel về vị Mục Tử Israel, Đấng “chữa lành” các con chiên “bệnh tật ốm đau” (Ed 34,15-17). Qua đó, Đức Giêsu không còn sống cho chính mình. Ngài đến để hiến dâng mạng sống mình cho con người. Hơn thế nữa, Đức Giêsu còn “hóa bánh ra nhiều” để nuôi dưỡng dân chúng, vì họ đã đi bộ một quãng đường dài với Người, đã lắng nghe Người suốt ngày, và chiều xuống, họ không có gì ăn.

Qua hai tác động: “Chữa lành và hóa bánh ra nhiều”, Đức Giêsu đã diễn tả trọn vẹn thời điểm cứu độ đã đến; giờ của Đấng Mêsia là giờ của sự hiện diện và tác động của Thiên Chúa giữa con người, giờ bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa. Và từ đây, Đức Giêsu đang mời gọi chúng ta nhìn lại đời sống hằng ngày của mình. Chúng ta đã thực sự cảm nhận thấy sự hiện diện của người anh em xung quanh ta và có sẵn sàng đưa tay ra giúp họ khi họ đang trải qua khó khăn không? Và quan trọng nhất, tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa có ở nơi anh chị em của ta không?

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn thức tỉnh tâm hồn để cảm nhận tình yêu của Ngài nơi tha nhân, và sẵn sàng trao ban chính mình cho người khác. Amen.


SỐNG CHO SỰ THẬT (Tu sĩ Phêrô Phan Văn Thắng, SVD)

Trong niềm tin vào Thiên Chúa, thánh Phaolô xác tín: “Chính Người đã ban ơn cho kẻ này làm Tông đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ” (Ep 4,11). Quả thật, Thiên Chúa đã gọi nhiều người bằng nhiều cách khác nhau, nhưng điểm chung trong từng ơn mà Chúa kêu mời là hãy sống cho sự thật. Vì Chúa đã nói “Ai đứng về sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18,37).

Hôm nay, tác giả sách Tin Mừng trình thuật biến cố cái chết của ông Gioan. Ông bị chém đầu, vì đã dám lên tiếng bảo vệ sự thật, gìn giữ sự thanh vẹn của lề luật. Theo sách Lêvi: “Khi người đàn ông nào lấy chị dâu hay em dâu mình, thì đó là điều nhơ nhớp” (Lv 20,21). Thế nhưng, vua Hêrôđê đã “lạm dụng chức quyền”, bất chấp sự ngăn cản của ông Gioan, để làm điều ghê tởm, trái với luật hiện hành. Ông đã bỏ người vợ chính thức của mình mà cưới người chị dâu để làm vợ. Cái tội lớn nhất của Hêrôđê chính là không làm chủ được bản thân, để cho thú vui nhục dục lấn át, che khuất và chỉ biết tìm cách thỏa mãn thú vui xác thịt. Tệ hại hơn, ông còn bị sa bẫy “mỹ nhân kế” do mẹ con bà Hêrôđia bày ra. Trong lúc chè chén say sưa, ông lỡ miệng thề thốt mà phạm tội ác, sát hại người vô tội.

Ông Gioan có thể chọn cách im lặng hay làm ngơ trước sự kiện để nhận được sự sủng ái từ nhà vua. Nhưng không, với vai trò là một ngôn sứ, là người nói tiếng của Thiên Chúa, ông Gioan không cho phép mình làm ngơ trước tội loạn luân của Hêrôđê và Hêrôđia. Ông đã can đảm lên tiếng can ngăn, trách cứ và chấp nhận hy sinh bản thân để bảo vệ luân lý, bảo vệ sự thật.

Lạy Chúa, chúng con đang sống giữa một thế giới tràn đầy sự cám dỗ trần tục. Chúng con có thể sa ngã bất cứ lúc nào nếu chúng con giả điếc làm thinh trước tiếng Chúa dạy bảo. Xin Chúa ban thêm sức để chúng con có đủ can đảm sống và luôn làm chứng cho sự thật. Amen.


 

HÃY CHO HỌ ĂN (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)

 

YÊU LÀ THẤU HIỂU VÀ TRAO BAN (Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Cương, SVD)

Hàn Mặc Tử, một thi sĩ kiệt xuất của nền văn chương Việt Nam, đã cảm nhận và viết nên những vần thơ sâu sắc về tình yêu như sau: “Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều, để nghe dưới đáy nước hồ reo, để nghe tơ liễu run trong gió, và để nghe trời giải nghĩa yêu” (Hàn Mặc Tử – Đà Lạt Trăng Mờ). Nghe trời giải nghĩa yêu hay cách cụ thể hơn là nói về tình yêu Thiên Chúa. Vậy tình yêu Thiên  Chúa được thể hiện như thế nào?

Tình yêu của Thiên Chúa thể hiện cách cụ thể nơi Đức Giêsu. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu “chạnh lòng thương” đám đông. Đây phải là một tình yêu phát xuất từ tận sâu thẳm của cõi lòng, của một trái tim rung động, thổn thức trước con người. Bởi, Đức Giêsu thấu hiểu đám đông. Họ là những người “đang khát”. Họ khao khát nghe Người giảng, khao khát được chữa lành, … Đức Giêsu thấu hiểu và Người đã trao ban cho họ thời gian, sức lực, tình yêu. Người trao ban cho họ lời hy vọng, lời cứu sống. Người chữa lành các bệnh nhân. Người đã làm phép lạ hoá bánh cho dân được ăn no nê.

Nhìn lại cuộc sống của mình, mỗi người chúng ta tự hỏi liệu chúng ta đã thấu hiểu người bên cạnh mình hay chưa, thấu hiểu chứ không phải là hiểu biết cách sơ sài, đại khái. Chúng ta có “chạnh lòng thương” anh chị em mình hay vẫn đang thờ ơ, dửng dưng trước những nhu cầu cần thiết của họ! Chúng ta đã thành tâm lắng nghe nỗi lòng của người bên cạnh hay chỉ nghe cách qua loa, hời hợt! Đã bao lần chúng ta quan tâm cha mẹ, người thân bằng những cử chỉ cụ thể, hoặc giúp đỡ những người nghèo bên cạnh mình, hay chúng ta chỉ biết sống cho riêng mình?

Lạy Chúa, xin lấy khỏi lòng chúng con quả tim chai đá và ban tặng một quả tim biết yêu thương, để chúng con cũng biết rung động trước sự khó khăn của anh em, và sẵn sàng chia sẻ những gì chúng con có bằng tình yêu chân thành. Amen.


 

 

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 18 Thường Niên – Năm B
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Ngày 6/8, Chúa Hiển Dung)