Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 18 Thường Niên – Năm B

0
516

Bài Ðọc I: Xh 16, 2-4. 12-15

“Ta sẽ cho bánh từ trời rơi xuống như mưa”.

Trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, toàn thể cộng đoàn con cái Israel kêu trách Môsê và Aaron, họ nói với hai ông rằng: “Thà chúng tôi chết trong đất Ai-cập do tay Chúa, khi chúng tôi ngồi kề bên nồi thịt và ăn no nê. Tại sao các ông dẫn chúng tôi lên sa mạc này, để cả lũ phải chết đói như vầy?”

Chúa liền phán cùng Môsê rằng: “Ðây Ta sẽ cho bánh từ trời rơi xuống như mưa: dân chúng phải đi lượm bánh ăn mỗi ngày, để Ta thử coi dân có tuân giữ lề luật của Ta hay không. Ta đã nghe tiếng kêu trách của con cái Israel: ngươi hãy nói với họ rằng: ‘Chiều nay các ngươi sẽ ăn thịt, và sáng mai sẽ ăn bánh no nê, như thế các ngươi sẽ biết rằng Ta là Thiên Chúa các ngươi'”.

Chiều hôm ấy, có chim cút bay tới che rợp các trại, và sáng hôm sau có sương sa xuống quanh trại. Tới lúc sương tan trên mặt đất, thì thấy có vật gì nho nhỏ tròn tròn như hột sương đông đặc trên mặt đất. Con cái Israel thấy vậy, liền hỏi nhau rằng: “Man-hu”, có nghĩa là: “Cái gì vậy?” vì họ không biết là thứ gì. Môsê liền nói với họ: “Ðó là bánh do Chúa ban cho anh em ăn”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 77, 3 và 4bc. 23-24. 25 và 54

Ðáp: Chúa đã ban cho họ được bánh bởi trời (c. 24b).

Xướng: 1) Ðiều mà chúng tôi đã nghe, đã biết mà tổ tiên đã thuật lại cho chúng tôi hay, chúng tôi sẽ kể lại cho thế hệ tương lai: đó là những lời khen ngợi và quyền năng của Chúa. – Ðáp.

2) Nhưng Người đã ra lệnh cho ngàn mây trên cõi cao xanh, và Người đã mở rộng các cửa trời. Người đã làm mưa man-na xuống để họ ăn, và Người đã ban cho họ được bánh bởi trời. – Ðáp.

3) Con người được ăn bánh của những bậc hùng anh; Người ban cho họ lương thực ăn tới no nê. Người đưa họ vào nơi thánh địa của Người, tới miền núi non mà tay hữu Người tậu sắm. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Ep 4, 17. 20-24

“Hãy mặc lấy người mới đã được tác thành theo thánh ý Chúa”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, tôi nói với anh em điều này, và chứng thực trong Chúa là anh em chớ ăn ở như Dân Ngoại ăn ở, chiều theo sự giả trá của tâm tư mình. Phần anh em, anh em không hề học biết Ðức Kitô như thế đâu, nhưng nếu anh em đã nghe biết Người và đã được thụ giáo trong Người, như sự chân thật trong Ðức Giêsu dạy, là anh em hãy khử trừ lối sống xưa kia, hãy lột bỏ con người cũ, đã bị hư theo những đam mê lầm lạc. Anh em hãy trở nên mới trong lòng trí anh em, hãy mặc lấy người mới đã được tác thành theo thánh ý Chúa trong sự công chính và thánh thiện xứng với sự thật.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia:

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin mở lòng chúng con, để chúng con nghe lời Con Chúa. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 6, 24-35

“Ai đến với Ta sẽ không hề đói, ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, lúc đám đông thấy không có Chúa Giêsu ở đó, và môn đệ cũng không, họ liền xuống các thuyền và đến Caphar-naum tìm Chúa Giêsu. Khi gặp Người ở bờ biển bên kia, họ nói với Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ?” Chúa Giê-su đáp: “Thật, Ta bảo thật các ngươi, các ngươi tìm Ta, không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê. Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống muôn đời, là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi. Người là Ðấng mà Thiên Chúa Cha đã ghi dấu”.

Họ liền thưa lại rằng: “Chúng tôi phải làm gì để gọi là làm việc của Thiên Chúa?” Chúa Giêsu đáp: “Ðây là công việc của Thiên Chúa là các ngươi hãy tin vào Ðấng Ngài sai đến”.

Họ thưa Chúa Giêsu: “Ngài sẽ làm dấu lạ gì để chúng tôi thấy mà tin Ngài? Ngài làm được việc gì? Cha ông chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc, như đã chép rằng: “Người đã ban cho họ ăn bánh bởi trời”. Chúa Giêsu đáp: “Thật, Ta bảo thật các ngươi, không phải Môsê đã ban cho các ngươi bánh bởi trời, mà chính Cha Ta mới ban cho các ngươi bánh bởi trời đích thực. Vì bánh của Thiên Chúa phải là vật tự trời xuống, và ban sự sống cho thế gian”.

Họ liền thưa Người rằng: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi bánh đó luôn mãi”. Chúa Giêsu nói: “Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ”.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng chủ đề:

ĐỨC KITÔ, ƠN CỨU ĐỘ VÀ TÌNH YÊU (Lm. Phaolô Nguyễn Văn Ngọc, SVD)

 

Thiên Chúa Quan Phòng

Bài đọc thứ nhất trong sách Xuất Hành cho chúng ta hiểu về sự thiếu thốn khi ở trong sa mạc. Khi đối diện với cái đói thể lý, con người quay cuồng tìm kiếm của ăn nuôi thân xác bằng mọi cách, dù phải làm nô lệ: “Thà chúng tôi chết trong đất Ai Cập do tay Chúa, khi chúng tôi ngồi kề bên nồi thịt và ăn no nê. Tại sao các ông dẫn chúng tôi lên sa mạc này, để cả lũ phải chết đói như vầy?” (Xh 16,3); hay có trường hợp chấp nhận bị hãm hiếp để có được thức ăn nuôi sống thể xác qua những ngày đói.[1] Mọi người cũng có lúc rơi vào hoàn cảnh sa mạc: tình huống nguy cấp mà dường như không có giải pháp trợ giúp nào để sống sót trong hoàn cảnh đó. Nhưng đối với dân Israel thì thật là một điều may mắn khi họ phải ở trong sa mạc, nơi thiếu thốn mọi thứ, để họ có thể kinh nghiệm cách tuyệt vời về Thiên Chúa, Đấng cứu giúp những người tin cậy nơi Người. Trong sa mạc, Dân Chúa học được kinh nghiệm làm người trong thân phận “nghèo đói”, “cần mọi sự” trợ giúp của Thiên Chúa. Điều này sẽ hữu ích cho sự phát triển đức tin và niềm hy vọng của họ vào những sự trợ giúp kỳ diệu.

Ngày nay, các nhà chú giải Kinh thánh cho chúng ta biết rằng “những người du mục ở bán đảo Sinai vẫn dùng từ manna để gọi nhựa của một loại cây bụi, nhỏ dọt xuống đất, do cái lạnh của ban đêm, nó đông đặc lại và phải nhặt lấy nó vào lúc bình minh trước khi mặt trời làm nó tan chảy. Manna có vị ngọt, và người ta nhặt được nó ở đâu là ăn liền. Mô tả của bản văn Kinh Thánh về manna dường như tương ứng với hiện tượng tự nhiên này.” [2] Hiện tượng chim cút cũng có thể được giải thích một cách tự nhiên. Thật vậy, chúng ta biết rằng hàng năm, vào mùa xuân và mùa thu, “những đàn chim cút, kiệt sức vì vượt Địa Trung Hải trên đường trở về từ cuộc di cư đến Châu Âu, bị gió tây thổi nên số lượng lớn chúng bị rơi xuống bờ biển phía bắc bán đảo.” [3] Đôi khi chúng kiệt sức đến mức có thể dễ dàng bắt được chúng bằng tay. Việc manna và chim cút là lương thực tự nhiên, tuy xa lạ và không được dân Israel biết đến, nhưng cho chúng ta hiểu rằng họ coi đó là “dấu chỉ” về sự bảo vệ và trợ giúp đặc biệt của Thiên Chúa đối với dân Người. Bởi vì “sa mạc như là nơi gặp gỡ với cái chết và không ai có thể sống sót trong sa mạc, nên nếu dân Israel có thể sống sót là vì đã có một ´phép lạ´, một biến cố đặc biệt đã làm nên điều đó… Thiên Chúa quan phòng đối với dân Người mỗi ngày và trong bối cảnh đó là những trình thuật về manna, chim cút, và nước.” [4] Qua đó, ta hiểu rằng sự quan phòng của Thiên Chúa được biểu lộ qua những việc thường ngày.

Sự thật là người Israel luôn coi sự xuất hiện của loại thực phẩm này như một minh chứng cho sự can thiệp thần kỳ cho dân tộc của họ. Họ gọi loại thực phẩm đó là “manna”, bởi vì khi ăn nó, họ hỏi nhau: “Đây là cái gì? Trong ngôn ngữ Do Thái, họ gọi là: “Man hu”. Nó cũng được các Thánh Vịnh gọi là “bánh từ trời” (Tv 78, 24) và Sách Khôn Ngoan nói rằng “nó biến đổi theo ước muốn của từng người” (Kn 16, 21b). Đức Giêsu sau này sẽ tuyên bố rằng Bánh Đích Thực từ trời xuống sẽ là Mình và Máu Thánh Người. Nói cách khác, manna thần kỳ từ sa mạc này là một biểu tượng và lời tiên báo về những gì Thiên Chúa sẽ thực hiện sau này với những người được Người tuyển chọn và ban cho họ thân thể của chính Con Thần Linh của Người làm của ăn.

Đức Kitô, bánh thần linh

Bài Tin Mừng theo thánh Gioan hôm nay, trình bày diễn từ về bánh hằng sống mở ra trong ba tuyên bố liên tiếp nhau cách logic: sự thật và đích thực “bánh bởi trời” không phải là manna do Môsê ban cho, tuyên bố này trái ngược với suy nghĩ của người Do Thái (c.31); Thiên Chúa mới là người ban bánh này chứ không phải Môsê (c.32); Đức Giêsu đã làm những dấu lạ để mặc khải ý nghĩa con người của Ngài, nhưng người ta chỉ hiểu Ngài theo nhu cầu vật chất của họ (6, 26.12).

Đức Giêsu muốn dẫn họ đến chỗ hiểu con người của Ngài, bởi vì chỉ nhờ đức tin, họ mới hiểu được Ngài là ai và chỉ khi đó Ngài mới có thể hiến mình làm của ăn cho họ. Tuy nhiên, để làm được điều này, cần phải làm việc hoặc tìm kiếm lương thực và một cuộc sống không có kết thúc và chúng là quà tặng của Con Người (x. c.27). Người Do Thái nghĩ ngay đến những việc làm (x. c.28; Rm 9,31-32), nhưng Đức Giêsu trả lời rằng họ chỉ phải làm một việc đó là tin vào Ngài (c.29; Rm 3,28), nhận ra rằng họ cần đến Ngài như người ta cần thức ăn vật chất cho thể xác vậy. Xét thấy đòi hỏi của Đức Giêsu quá lớn, chính vì lý do này mà họ yêu cầu được chứng minh điều Ngài khẳng định bằng cách thực hiện một dấu lạ ít nhất là tương đương với những việc mà ông Môsê đã làm (x. c. 30- 31), vì những điều Ngài vừa thực hiện không được coi là đủ. Đức Giêsu đáp lại bằng cách khẳng định rằng Ngài hơn Môsê, vì nơi Ngài (Đức Kitô) món quà không hư mất của Thiên Chúa được hiện thực hóa. Bánh của Ngài có thể thu lại được (x. Ga 6,13), còn manna thì bị thối rữa (x. Xh 16,20).

Đức Giêsu nói với họ về một thứ bánh không chỉ thỏa mãn cơn đói qua ngày, mà còn là sự đói khát sự sống nơi con người. Chúng ta trong thân phận con người luôn luôn tồn tại sự khao khát hạnh phúc, khao khát sự công bằng cho mọi người, khao khát tự do, hòa bình và sự thật… Đức Giêsu tự giới thiệu mình như Bánh đến với chúng ta từ Chúa Cha “để ban sự sống cho thế giới”. Bánh này, đến từ Thiên Chúa, “tồn tại cho sự sống đời đời.”

“Ta là bánh hằng sống” là một công thức có sức mạnh phi thường, tương tự như những công thức khác mà chỉ có Đức Giêsu mới có thể tự gán cho mình: “Ta là ánh sáng thế gian”, “Ta là mục tử nhân lành” … Ai đến với Đức Giêsu sẽ không đói, không khát, họ không cần những nguồn vui khác để thỏa mãn những ước muốn và khát vọng của mình. Đức Giêsu là nguồn gốc của sự cân bằng và của niềm vui, nguồn bình an và tĩnh lặng. Đức Giêsu là nơi và là nền tảng của hồng ân sự sống mà Thiên Chúa ban cho con người. Nơi Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa hoàn toàn ưu ái con người, đến độ nơi Ngài mở ra sự hiệp thông sống động, ơn cứu độ và tình yêu, và đến độ Thiên Chúa muốn ở cùng con người như là Đấng tự hiến thân và thông ban mọi sự. Trong sự hiệp thông với Đấng mạc khải là Đức Kitô, con người được xoa dịu ngay cả cơn đói khát sự sống đang khuấy động. Hãy nhận lấy Đức Kitô qua hình Bánh Sự Sống, Ngài sẽ thỏa mãn những ước muốn sâu xa nhất của chúng ta, không chỉ là những ước muốn cơm bánh trần thế, nhưng vươn tới những chân trời của sự sống vĩnh cửu.

___Chú thích:

1  Lời kể của một nạn nhân bị lạm dụng tình dục trong cuộc phỏng vấn và chia sẻ về “lương thực” trong Kinh Lạy Cha, Luận Văn Tốt Nghiệp Cử Nhân Thần Học (tr. 48-49) do Sr. Ana BUI THI THU, ACI thực hiện với tự đề “LA CONVIVENCIA FAMILIAR A PARTIR DEL PADRENUESTRO”, PONTIFICIA UNIVERSIDAD JAVERIANA, FACULTAD DE TEOLOGÍA,

BOGOTÁ DC. COLOMBIA. “Tôi sinh ra trong một gia đình rất nghèo ở vùng Boyaca. Từ bé tôi đã phải chịu đói, rất đói và tôi phải làm việc để giúp đỡ gia đình vì tôi là chị cả trong gia đình. Khi tôi được năm tuổi, một sự việc xảy ra với tôi mà nó khắc sâu suốt cả cuộc đời: cha tôi đã hãm hiếp tôi… Lúc lên bảy, tám tuổi, khi tôi đang trông coi hai đứa em trai thì chúng chết liên tiếp trong hai ngày nhưng không biết vì bệnh gì. Gia đình chúng tôi rất nghèo, chúng tôi không có cái gì để ăn, tôi đến nhà chú ở và ở đó, ông ta hãm hiếp tôi và tôi phải cam chịu bị hãm hiếp để có thức ăn.”

2 Chú giải LA BIBLIA Libro Del Pueblo De Dios, Verbo Divino, p. 107.

3 Chú giải BIBLIA DE JERUSALEN, Quinta Edición, Desclée De Brouwer, Bilbao, p. 93-94.

4 P. Hernán Darío Cardón Ramírez, SDB, El Éxodo clave transversal de la Biblia, p. 6.

 


 

SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI (Tu sĩ Phanxicô Nguyễn Quốc Vương, SVD)

Con người không thể sống nếu thiếu Ăn và Uống. Ăn và Uống là nhu cầu cần thiết nhất để bảo toàn sự sống. Vì thế, nếu đói và khát là một thảm trạng và nỗi ám ảnh, thì no đủ luôn là giấc mơ của mọi người.

Bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần trước, thánh sử Gioan đã cho thấy Đức Giêsu rất thấu hiểu nhu cầu thiết yếu đó, Ngài đã chạnh lòng và làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi sống dân chúng ăn một cách no nê.

Đoạn Tin Mừng hôm nay kế tiếp đoạn Tin Mừng của Chúa Nhật tuần trước, sau khi họ đã chứng kiến phép lạ và được ăn no nê, và dân chúng lại tìm mọi cách để gặp Chúa. Vậy đám đông đi tìm Chúa vì điều gì? Có phải vì họ được ăn no nê hay là họ nhận ra Đức Giêsu là Đấng Mêsia?

Thưa, họ đi gặp Đức Giêsu với mục đích là để thoả mãn nhu cầu cho thân xác như cơm ăn, áo mặc, nước uống… Họ háo hức đi tìm Chúa, không phải vì đã nhận ra Người là Đấng Mêsia, nhưng vì muốn được tiếp tục ăn uống no nê.

Con người ở thời nào cũng thế, điều trước tiên và cần thiết, là luôn tìm mọi cách để được no đủ và thoả mãn những nhu cầu vật chất. Người nghèo thì bị hút vào công việc lam lũ, lo sao có đủ miếng cơm hàng ngày. Người giàu thì lại cuốn vào những tiện nghi của cải vật chất xa hoa. Rốt cuộc kẻ nghèo, người giàu cũng chỉ mãn nguyện với sự no thoả của cái bụng, và ít khi lưu tâm đến sự đói khát của linh hồn.

Nỗi lo về cơm, áo gạo tiền không chỉ là nỗi lo của con người ngày hôm nay mà nó đã là nỗi lo của tổ tiên chúng ta. Bài đọc thứ nhất trích từ sách Xuất Hành đã thuật lại: Dân chúng ca thán và trách móc Môsê, tại sao không để họ ngồi kề bên nồi thịt ở Ai Cập, mà lại dẫn họ vào sa mạc để phải chết đói? Dân Do Thái sẵn sàng làm nô lệ, miễn sao được no bụng, họ không muốn tự do mà phải chết đói. Ở đây, dân chúng đã chỉ dừng lại nơi những gì là miếng ăn vật chất, nên đã không nhận ra dấu chỉ của tình thương Chúa. Điều này đã được Đức Giêsu cảnh báo họ: “Các ông tìm Tôi…. chỉ vì các ông đã được ăn bánh no nê”. Biết được ý định của dân chúng, Đức Giêsu trả lời với họ: “Các ông hãy ra công làm việc, không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh”.

Phép lạ Manna trong sa mạc nuôi dân Do Thái, phép lạ hoá bánh ra nhiều nuôi năm ngàn người, là những dấu chỉ mà qua đó, Thiên Chúa muốn cho con người nhận biết và tin vào một Thiên Chúa quyền năng đầy tình thương. Chính qua dấu lạ đó, lẽ ra dân chúng phải nhận ra Người làm phép lạ đó là ai, nhưng họ đã chỉ dừng lại trước những ước muốn phàm nhân: đó là sự no thoả bánh ăn.

Trước nỗi lo lắng và tìm kiếm về của cải mau hư hát, Đức Giêsu đã giúp họ hướng đến một thứ lương thực cao quý hơn và có thể mang lại hạnh phúc đời đời. Đó là lương thực thần linh.

Thực ra, Đức Giêsu không phủ nhận sự cần thiết phải lo cho thân xác, nhưng Người muốn hướng chúng ta tới những giá trị tuyệt đối, tới hạnh phúc Nước Trời. Ngài còn có sáng kiến là lấy chính thân mình trở thành một “tấm bánh” để ai ăn bánh này sẽ không phải chết và có một cuộc sống trường sinh. Chính Người là tấm bánh đích thực, bánh trường sinh mà Thiên Chúa ban cho con người để được sự sống đời đời: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!”.

Thế nhưng ngày nay, chúng ta thấy nhiều người chỉ mải mê kiếm tìm những thứ lương thực chóng hư nát mà bỏ bê việc tìm kiếm lương thực để nuôi dưỡng linh hồn. Họ sẵn sàng bỏ lễ Chúa Nhật chỉ vì những lý do hết sức tầm thường.

Chuyện kể rằng: Ngày kia, một con chuột rơi vào trong một cái lu gạo, số gạo trong lu vẫn còn một nửa, và sự cố ngoài ý muốn này khiến nó vui mừng không sao tả được. Sau khi xác định là không có gì nguy hiểm, nó liền bắt đầu cuộc sống: ăn rồi lại ngủ, ngủ rồi lại ăn trong cái lu gạo đó. Rất mau, lu gạo sắp cạn kiệt, nhưng sự thoả mãn trong cái no của những hạt gạo, “không phải vất vả mà vẫn có ăn”, nó tiếp tục ở lại trong cái lu. Cuối cùng, khi ăn hết gạo, chuột ta mới phát hiện rằng mình không thể nhảy ra ngoài được nữa, lực bất tòng tâm, phải bỏ mình trong cái lu.

Có chăng cuộc sống con người cũng thế, luôn bị cám dỗ bởi sự no thoả của cải vật chất, và dễ dàng bị rơi vào vòng xoáy: làm sao phải kiếm được thật nhiều tiền để hưởng thụ, để tiêu xài, để ăn chơi … Người nghèo thì muốn trở thành giàu, người giàu lại muốn giàu hơn. Và cứ thế, của cải vật chất không sao có thể khoả lấp được trái tim vô biên của con người. Thánh Augustinô dành cả tuổi thanh xuân để tìm kiếm danh tiếng, tiền bạc và địa vị. Đạt được những thứ đó rồi, ngài vẫn không cảm thấy hạnh phúc và thoả mãn cho đến khi tin vào Đức Giêsu. Ngài đã thân thưa với Chúa: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa, tâm hồn con mãi khắc khoải băn khoăn, cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa”.

Nhưng làm thế nào để tin vào Đức Giêsu? Không phải đơn thuần chỉ là thuộc giáo lý về Chúa, hay chỉ mang danh là Kitô hữu, cũng không phải chỉ thực hành một số việc đạo đức cách máy móc, như quan niệm truyền thống của những người Do Thái, nhưng là sống giáo huấn của Đức Giêsu, như lời thánh Phaolô trong bài đọc hai đã khuyên nhủ các tín hữu Êphêxô: “Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa, để thật sự sống công chính và thánh thiện”.

Sự công chính và thánh thiện mà thánh Phaolô muốn nói ở đây, đó là chết đi con người cũ, để sống yêu thương như Chúa Giêsu đã yêu thương. Vì không ai có thể đến với Thiên Chúa để được sự sống đời đời, mà không qua con đường Thập Giá hy sinh. Con đường mà Chúa chúng ta đã đi qua. Chết đi cho con người cũ và sống giáo huấn yêu thương của Đức Giêsu, bắt đầu từ những hy sinh nhỏ: đó là từ bỏ một thói quen xấu nơi bản thân, quan tâm và dành thời gian cho những thành viên trong gia đình, chia sẻ và cảm thông với những người nghèo khổ xung quanh, … đó là chúng ta đang sống con người mới, con người của Thần Khí. Đó cũng chính là con đường của bác ái, “con đường Giêsu” sẽ đưa chúng ta đến sự sống đời đời.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa chính là tấm bánh bẻ ra cho muôn dân được sống và sống dồi dào. Xin cho mỗi người chúng con cũng biết hy sinh, hãm mình trong lời nói và hành động hầu trở thành khí cụ mang lại bình an cho mọi người mà chúng con gặp gỡ. Amen.


 

LƯƠNG THỰC CỦA SỰ SỐNG TRƯỜNG CỬU (Lm. Antôn Pađôva Lê Sơn, SVD)

Khi cận kề với cái chết, người ta mới có thể cảm nghiệm cách sâu sắc nhất về giá trị của sự sống. Khát vọng sống và sống vĩnh cửu là quy luật vĩnh hằng, bất biến và tự nhiên của con người. Khi nói về cái đói, cái khát của con người, nhiều người cho rằng đó là một nhu cầu chính đáng và là một yếu tố thuộc về bản năng cần được đáp ứng. Phải chăng đó là lý do mà hôm nay có nhiều kẻ đã “tìm gặp” Đức Giêsu với hy vọng sẽ được Ngài cho ăn một bữa no nê như họ đã từng kinh nghiệm về sự quảng đại của Ngài. “Ai đến với tôi không hề phải đói; ai tin vào tôi chẳng khát bao giờ” (Ga 6,36). Khát vọng sống vô biên là điều hết sức chính đáng của con người. Tuy nhiên, chân lý mà Đức Giêsu muốn truyền đạt cho họ hôm nay lại là điều vượt quá sức tưởng tưởng của họ. Có lẽ đây cũng chính là điểm mấu chốt về sự khác nhau trong cách hiểu về thứ lương thực mà Đức Giêsu đề cập đến trong đoạn Tin Mừng (Ga 6,24-35) mà chúng ta vừa nghe.

  1. Người Do thái không thể vượt ra khỏi kinh nghiệm quá khứ

Trong bài đọc 1, sách Xuất hành (Xh 16, 2-4.12-15) nhắc lại cho chúng ta một kinh nghiệm về việc tổ tiên những người Do Thái đã bám víu vào Đức Chúa, chỉ vì Ngài đã cho họ được ăn no nê thứ bánh bởi trời là Manna, cùng với thịt của chim cút trong hành trình đói khát và mệt nhọc của sa mạc. Nhờ lời thỉnh cầu của Môsê, vị lãnh tụ mà Đức Chúa tuyển chọn để chăn dắt dân Israel ra khỏi Ai Cập mà Đức Chúa đã ban cho họ được thỏa thuê về những thứ mà họ đòi hỏi. [1]  Như vậy, chính Đức Chúa đã ban lương thực để nuôi dưỡng họ trong hành trình tiến về Đất Hứa. Nghĩa là thông qua món quà lương thực nuôi sống trong cuộc xuất hành ấy, tổ tiên họ đã tin vào Đức Chúa. Đó chính là bài học từ kinh nghiệm của một niềm tin do cha ông họ để lại.

Cũng như các bậc tiền nhân của họ, những người Do Thái hôm đó tìm gặp Đức Giêsu cũng chỉ vì miếng ăn: “Thật, Tôi bảo thật các ông, các ông tìm Tôi không phải vì thấy những dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê” (Ga 6,26). Ngài đã khiển trách họ, vì động lực mà họ tìm kiếm Ngài là quá thực dụng và thấp hèn, để “được ăn bánh no nê”. Trong khi Ngài thực sự chờ đợi nơi họ một điều cao thượng hơn là họ cần phải nhìn ra quyền năng và sự cao cả trong hành động của Con Thiên Chúa.[2] Đây chính là khởi điểm của niềm tin mà họ cần phải có để xác tín vào Đấng có thể lấy máu và thịt của mình làm lương thực cho sự sống đời đời mà họ đang khao khát. Quả đúng như lời thánh Gioan Kim khẩu đã nói: “Loài người vốn bị đóng đinh vào những việc thuộc về đời sống”. Nhận định này cho chúng ta hiểu thêm về giới hạn của con người: Chỉ đi tìm và khát vọng những điều thuộc về cõi nhân gian. Họ không thể nào phóng tầm nhìn của mình vượt ra khỏi bức tường thành của thế gian để có thể đạt tới chân trời vĩnh cửu. Thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Philípphê cũng nói: “Chúa họ thờ chỉ là cái bụng, và cái họ lấy làm vinh quang lại là cái đáng hổ thẹn. Họ là những người chỉ nghĩ đến những sự thế gian” (Pl 3,19). Trong vai trò của vị cứu tinh, Đức Giêsu hoàn toàn không kết án thái độ và mục đích tìm kiếm Thiên Chúa với cách thức thiển cận của họ. Ngài muốn dẫn dắt họ tới đích điểm tận cùng của thứ hạnh phúc đích thực có giá trị vượt lên trên mọi hữu hạn của thời gian và không gian.

  1. Một nhận thức mới về giá trị của lương thực trường sinh

Chúng ta có thể đưa ra một giả định: thánh Gioan khi nói đến mặc khải của Đức Giêsu về bánh trường sinh và sự sống đời đời đã dẫn dắt các độc giả đương thời qua cách thức so sánh và luận giải từ một nhu cầu rất thực tế của kiếp phù sinh, đó là chuyện ăn, chuyện uống. Ngài đã khai mở lòng trí của họ: “Hãy làm việc không phải để có lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,27). Xưa kia ngôn sứ Isaia cũng đã khiển trách dân chúng thời của ông: “Sao lại phí tiền bạc vào của không nuôi sống, tốn công lao vất vả vào những thứ chẳng làm cho chắc dạ no lòng?” (Is 55,2). Khác với cái nhìn của họ về giá trị của lương thực hằng ngày chỉ để nuôi sống thể lý con người, thứ đó chỉ có thể đáp ứng nhu cầu xác thể của con người. Đức Giêsu mời gọi họ hãy làm việc để có thứ bánh trường sinh nuôi dưỡng đời sống tâm linh. Đâu là chân lý đích thực cho lời mời gọi này? Quả thật đây là một thách đố cho bất cứ ai khi nghe lời đề nghị của Đức Giêsu, kể cả chúng ta trong thời đại hôm nay.

Tuy nhiên, nếu suy tư một cách chân thành hơn về quy luật vòng quay của cuộc sống thì chúng ta mới có thể cảm nghiệm cách sâu sắc hơn về ý nghĩa từ lời đề nghị của Đức Giêsu. Cứ cho là cuộc đời con người được kết tạo nên bởi các nhu cầu vật chất và tinh thần. Ở phương diện vật chất, thì hầu như tất cả mọi người đều quay theo chu trình: Ăn uống, lao động, ngủ nghỉ, cứ thế vòng quay cứ tiếp tục tuần hoàn đến khi cuộc sống trở nên nhàm chán và rất nhiều người đã cảm thấy trở nên vô vị cho đến khi cuộc đời con người khép lại bởi cái chết. Về phương diện tinh thần, cứ ngỡ những thú vui giải trí như phim ảnh, thể thao, kể cả những niềm đam mê khoa học nghệ thuật có thể lấp đầy những khát vọng vô biên của con người. Nhà vô địch Quyền Anh J. Demsey (thời kỳ trước 1975) đã ghi lại cảm giác lần đầu tiên ông nắm giữ chức vô địch võ sỹ quyền anh như sau: “Tôi hồi hộp và lo sợ đến độ gần như không thể ngủ được ngay trong đêm vừa được tuyên bố danh hiệu vô địch. Khi đã quá mệt mỏi tôi vừa thiếp đi lại mơ thấy mình bị mất chức vô địch. Thế là tôi trắng giấc. sáng hôm sau tôi đã vội vàng đi mua một tờ báo nói về chức vô địch của tôi. Sau khi đọc bài báo tôi hiểu rằng sự thành công không có mùi vị thơm ngon như tôi hằng mơ tưởng trước đó. Sau biến cố đó tôi vẫn cảm thấy cuộc đời trống rỗng”.[3] Nhiều khi trong cuộc sống không ít người đã dồn hết tâm lực, tài cán cho một lý tưởng nào đó như danh vọng, quyền lực, địa vị, nhưng rồi thấy tất cả đều vô nghĩa. Phải chăng khi chúng ta càng thấm thía cuộc đời với những thành bại và hư danh của thế gian thì lúc đó chúng ta mới càng cảm thấy chân lý mà Đức Giêsu khẳng định hôm nay quả thật mang một giá trị bất biến và vĩnh hằng?

“Chính tôi là bánh đem lại sự sống. Ai đến với tôi không hề phải đói. Ai tin vào tôi chẳng khát bao giờ” (Ga 6,35). Đó là một xác quyết chắc chắn từ một Đấng có thẩm quyền trên sự sống của trời đất, vũ trụ và con người. Đây là một lời mời gọi để cảm nghiệm về một chân lý của sự sống siêu nhiên, nhưng cũng là một thách đố lớn cho mỗi người chúng ta. Với bản tính yếu hèn của sự sống phần xác, cùng sự ghì kéo của tội lỗi nên chúng ta khó có thể sống trọn vẹn cho lời mời gọi phải làm việc một cách can trường vì lương thực đời đời. Sự thụ hưởng cuộc đời cũng không thể nào khỏa lấp nổi những khát vọng vô biên nơi con người. Có biết bao kẻ đã hủy hoại và đốt cháy cuộc đời của mình bằng những thứ phi nghĩa và trống rỗng như cờ bạc, ma túy, cảm giác mạnh, vv. Tất cả phát xuất từ sự mất cân bằng của cảm giác hạnh phúc đích thực. Điều đó đã khiến cho rất nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay không tìm ra ý nghĩa của cuộc đời để sống một cách tích cực. Họ sẵn sàng tìm đến bất cứ điều gì tạo cho họ được một rung động mới, một cảm giác lạ, mặc cho thứ hạnh phúc đó chỉ rất chóng vánh và để lại hậu quả khôn lường.

  1. Chúng ta phải làm gì để chiếm hữu được sự sống đời đời

Chúng ta có thể dùng câu hỏi của bài Tin Mừng hôm nay để suy tư về bài học thực hành cho cuộc sống: “Chúng tôi phải làm gì để thi hành những việc Thiên Chúa muốn? Việc Thiên Chúa muốn là các ông hãy tin vào Đấng Người đã sai đến” (Ga 6,28-29). Niềm xác tín vào Đức Giêsu cho thời đại hôm nay là cả một thách đố không nhỏ cho bất cứ ai muốn trở thành môn đệ đích thực của Ngài. Bởi những nhu cầu phần xác, nên thường khi đến với Chúa chúng ta lại cũng mang tâm trạng và mong muốn không hơn gì những người Do Thái xưa kia, vì đã được ăn no nê.

Mặc dầu chúng ta đang sống trong thời đại văn minh và dư giả vật chất, nhưng cứ mỗi lần đến với Chúa, chúng ta chủ yếu là xin Ngài đáp ứng những nguyện vọng cho những nhu cầu phần xác. Có lẽ ít khi chúng ta quan tâm đến thứ lương thực trường sinh mà Đức Giêsu đã nhấn mạnh hôm nay như một lưu ý đặc biệt cho bất cứ ai trong cuộc hành trình tiến về Đất Hứa trên quê trời. Như thế, lời mời gọi của Đức Giêsu: “Hãy làm việc không phải để có lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,27), vẫn là một đề nghị thiết thực cho mỗi người chúng ta giữa thời đại này.

[1] Xc.  Con Người Tin Chúa (Công Giáo và Dân tộc, Giáng sinh 2014: Phụng vụ năm B – 2014 -2015), tr. 245.

[2] Xc. Tin mừng theo thánh Gioan: Bộ sách chú giải kinh thánh, William Barclay (Hà Nội, Tôn Giáo, 2008), tr.172.

[3] Tứ Hải giai huynh đệ – Quyền anh; Nguyễn Hạnh; đăng ngày 18/02/2008.

Bài trướcLỜI SỐNG (Chúa Nhật Tuần 18 TN – B)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Hai Tuần 18 TN)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.