LỜI SỐNG (Ngày 6/8, Chúa Hiển Dung)

0
589

Tin mừng: Mc 9, 2-10

2 Khi ấy, Ðức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao.

Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. 3 Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. 4 Và ba môn đệ thấy ông Êlia cùng ông Môsê hiện ra đàm đạo với Ðức Giêsu.

5 Bấy giờ, ông Phêrô thưa với Ðức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, hay quá! Chúng con xin dựng ba cái lều, Thầy một cái, ông Môsê một cái, và ông Êlia một cái.” 6 Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng.

7 Và có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: “Ðây là Con Ta Yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” 8 Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Ðức Giêsu với các ông mà thôi.

9 Ở trên núi xuống, Ðức Giêsu truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trừ khi Con Người đã từ cõi chết sống lại. 10 Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì.


 

Suy niệm

BIẾN ĐỔI (Tu sĩ  Tôma Nguyễn Siêu Quốc, SVD)

Thomas Paine đã từng nói: “Thời gian tạo ra nhiều biến đổi hơn là lý lẽ”. Trong thế giới này, không có gì là thường trực và bất biến mãi mãi. Cuộc sống là một dòng chảy không ngừng, và sự biến đổi là điều duy nhất mà ta có thể chắc chắn. Mừng lễ Chúa Giêsu Hiển Dung, ta được mời gọi suy niệm về ‘sự biến đổi’ của ta trong chính cuộc sống thường ngày.

Vậy “biến đổi” là gì? Đó là sự thay đổi không ngừng, là sự vận động liên tục để bắt kịp và hoà nhịp với những giai điệu bất tận của cuộc sống. Trong mỗi hơi thở của thời gian, biến đổi luôn hiện diện sẵn chỉ là ta không nhận ra mà thôi. Nhìn vào cái cây, chẳng phải nó đã biến đổi rất nhiều từ khi chỉ là một hạt mầm hay sao?

Nhìn lên trời, bầu trời hôm qua với hôm nay đâu có hoàn toàn giống nhau mặc dù vẫn là một bầu trời. Vũ trụ cũng thế, nó không ngừng chuyển động để nỗ lực sống và tạo ra sự sống. Hay nhìn vào nơi chính mình, tế bào này chết, tế bào kia sinh ra. Hàng tỉ tế bào đang biến đổi không ngừng mỗi ngày. Vì vậy, biến đổi là quy luật tất yếu, điều quan trọng là ta chọn để biến đổi trở nên cái gì? Tốt hơn hay xấu đi?

Bên cạnh đó, con người thời đại chỉ thích biến đổi bề ngoài chứ không hề muốn biến đổi bên trong. Họ khoác lên mình bộ dạng “thần thánh” của sự biến đổi nhằm che đậy cái xấu xa của lòng mình. Không chỉ thế, có người còn lầm tưởng biến đổi là sống đổi thay, nay thế này mai lại thế khác. Biến đổi mà Chúa Giêsu mời gọi không phải là thay lòng đổi dạ, cũng không phải biến đổi bề ngoài, nhưng biến đổi để đồng hình đồng dạng với Ngài, để trở nên hoàn thiện và thánh thiện như Chúa.

Hãy thay đổi để được biến đổi cho chỉ là chút ít. Hãy góp chút ánh sáng của mình để chiếu soi đêm đen của thế giới. “Các hiền sĩ sẽ chói lọi như bầu trời rực rỡ, những ai làm cho người người nên công chính, sẽ chiếu sáng muôn đời như những vì sao” (Đn 12,3). Lạy Chúa, xin biến đổi con! Amen.


BIẾN HÌNH (Tu sĩ Micae. Trần Quốc Thạch, SVD)

Con người ngày nay tạo ra những phần mềm để biến hình, cho phép người sử dụng thay đổi diện mạo của mình thành bất cứ ai hay vật gì mình muốn. Còn đối với cuộc biến hình của Chúa Giêsu không phải như thế.

Tin Mừng hôm nay thuật lại rằng: sau khi đưa ba môn đệ là ông Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi, thì Chúa Giêsu biến hình trước mắt các ông. Dung nhan của Chúa chói lọi như mặt trời và y phục trở nên trắng tinh như ánh sáng. Chúa Giêsu đã cho các ông thấy được Ngài là ai và các môn đệ nhận ra dung nhan thật của Thầy mình, nhận ra Ngài là Con Thiên Chúa đầy vinh quang, là một Đức Giêsu khác hẳn vị thầy thường ngày vẫn ở với họ. Các ông cảm thấy sung sướng và hạnh phúc tràn trề, muốn sống mãi với tình trạng vinh quang của Chúa, nên các ông đã xin dựng lều tại đó. Tuy nhiên, ý của các môn đệ không phải là ý Chúa muốn. Chúa biến hình nhằm tiên báo cho các môn đệ ý thức rằng, vinh quang mà Chúa tỏ hiện hôm nay sẽ trở nên trọn vẹn khi Người bước vào cuộc khổ nạn, chấp nhận thập giá để cứu độ con người. Chúa Giêsu không chỉ muốn các ông chứng kiến thiên tính của mình hay muốn các ông nghe trực tiếp lời minh chứng của Chúa Cha về Người mà còn là để củng cố niềm tin cho các ông nữa.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta cùng “biến hình” với Ngài. Biến hình không phải là trở thành cái gì cao siêu, khác thường, nhưng biến hình là để trở về với chính mình, người con mang lấy hình ảnh Thiên Chúa. Cương quyết xa tránh mọi tội lỗi do ma quỷ xúi dục với sự tiếp tay của thế gian và chiều theo những khuynh hướng xấu còn tồn tại trong mình. Biến hình là biến đổi tâm hồn mình, trở thành một người mới, luôn biết bám víu và tin tưởng vào Chúa dẫu cho hành trình đức tin luôn gặp nhiều gian nan, thử thách.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban ơn giúp sức cho chúng con, để chúng con can đảm “biến hình” với Chúa, hầu chúng con trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài. Amen.


 

DỰNG LỀU (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


 

BIẾN ĐỔI NÊN GIỐNG ĐỨC KITÔ (Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Dũng, SVD)

Núi cao thường là nơi Chúa Giêsu cầu nguyện gặp gỡ Chúa Cha hoặc mặc khải những điều quan trọng. Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dẫn ba môn đệ lên núi Tabor để tỏ bày dung nhan của Người cho các ông và củng cố lòng tin cho họ.

Biến cố này diễn ra sáu ngày sau khi Chúa loan báo về cuộc khổ nạn và Phục Sinh của Người. Các môn đệ và ngay cả những người môn đệ thân tín nhất là Phêrô, Gioan và Giacôbê, không thể hiểu và không muốn chấp nhận cuộc khổ nạn của Người. Chính vì thế, hôm nay khi ở trên núi, Chúa Giêsu đã mặc khải cho các ông thần tính vinh quang chói sáng của Người, qua đó để củng cố lòng tin, đồng thời hướng các môn đệ có cái nhìn hiểu biết sâu xa hơn về mầu nhiệm thập giá và vinh quang Phục Sinh của Chúa Giêsu. Ba người môn đệ thân tín của Chúa Giêsu đã ngây ngất khi chiêm ngắm dung mạo sáng chói, chính là ánh vinh quang của Chúa Giêsu Phục Sinh, nhưng ánh sáng phục sinh ấy chỉ kéo dài trong giây lát, và rồi họ trở về với thực tại cuộc sống. Có lẽ họ sẽ hụt hẫng sau giây phút hạnh phúc ngắn ngủi ấy, nhưng chắc chắn ánh sáng Phục Sinh ấy đang chiếu rọi trong tâm hồn các ông.

Với biến cố biến hình trên núi của Chúa Giêsu, mỗi người Kitô hữu cũng được mời gọi sống sự biến hình hằng ngày. Chúng ta không thể biến hình trở nên sáng láng như Chúa, nhưng từng ngày sống, người Kitô hữu chúng ta cũng được mời gọi không ngừng đổi mới bản thân bằng việc lắng nghe Lời Chúa và đem Lời Chúa ra thực hành để làm chứng cho Chúa và được trở nên giống Đức Kitô hơn.

Lạy Chúa Giêsu, nguyện xin ánh sáng Phục Sinh của Chúa luôn chiếu soi vào tâm hồn mỗi người chúng con và biến đổi chúng con mỗi ngày trong đời sống. Amen.


 

ĐƯỜNG ĐẾN HẠNH PHÚC (Tu sĩ Antôn Chu Văn Nhật, SVD)

Hình ảnh xán lạn của Chúa Giêsu Hiển Dung đã làm cho ba môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan ngất ngây trong hạnh phúc. Các ông vui sướng đến nỗi Tông Đồ Phêrô phải thốt lên: “Thưa Thầy, chúng con ở đây thật là hay” (Mc 9,5). Các ông muốn ở lại để tận hưởng khung cảnh huy hoàng của biến cố Biến Hình luôn mãi, các ông không muốn xuống núi.

Chúa Giêsu hiển dung, Người biểu lộ căn tính đích thực của mình. Ba môn đệ được chiêm ngắm bản tính Thiên Chúa ẩn tàng trong con người Giêsu mà các ông vẫn tiếp xúc hằng ngày. Trong lúc biến hình, có Môsê và Êlia đàm đạo với Chúa Giêsu. Môsê đại diện cho lề luật Cựu Ước và Êlia là thủ lãnh các ngôn sứ. Tuy nhiên, giữa khung cảnh vinh quang rực rỡ ấy, hai vị lại đàm đạo với Chúa Giêsu về cuộc thương khó mà Người sắp phải trải qua tại Giêrusalem.

Như thế, biến cố Biến Hình muốn nói rằng Chúa Giêsu sẽ phải trải qua con đường thập giá rồi mới đi đến vinh quang phục sinh. Do đó, là người môn đệ của Chúa, chúng ta cũng phải đi cùng một con đường ấy: “con đường của thập giá” rồi mới đạt đến hạnh phúc đích thực. Không có con đường tắt, không có cầu vượt cho chúng ta. Phản ứng của Tông Đồ Phêrô cho thấy ông muốn nói lên niềm vui sướng của ông lúc này, ông muốn tiếp tục được ở lại mãi trên núi để tận hưởng niềm hạnh phúc của cuộc Biến Hình. Hẳn nhiều người trong chúng ta cũng có cùng phản ứng như Phêrô, muốn ở lại trong niềm vui và hạnh phúc mãi mãi. Tuy nhiên, không có sự phục sinh nếu không có cuộc thương khó và chịu chết, không có hạnh phúc đích thực nếu không trải qua gian nan, thử thách.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn ý thức rằng: với phần thưởng lớn lao mà Ngài hứa ban là hạnh phúc Thiên Đàng, thì những hy sinh, khó khăn thử thách và thập giá mà chúng con đang phải gánh chịu chẳng thấm vào đâu.

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Hai Tuần 18 TN)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Tư Tuần 18 TN)