CHIA SẺ TIN MỪNG (Chúa Nhật 15 Thường Niên – C)

0
279

Bài đọc 1: Đnl 30,10-14; Bài đọc 2: Cl 1,15-20

Tin mừng: Lc 10, 25-37

25 Và này có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” 26 Người đáp: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?”

27 Ông ấy thưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.” 28 Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.”

29 Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?” 30 Đức Giê-su đáp: “Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết.

31 Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. 32 Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi.

33 Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. 34 Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc.

35 Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.” 36 Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?”

37 Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”


 

CHIA SẺ

SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI (Tu sĩ Phêrô Phan Thái Hiền, SVD)

Khi nói về sự sống đời sau, chúng ta sẽ có hai quan điểm đối lập nhau. Đối với người hữu thần, họ tin có thượng đế và có sự sống đời sau. Đối với người vô thần, họ lại không tin như thế. Cách riêng, người Kitô hữu, chúng ta luôn tin có Thiên Chúa duy nhất và có sự sống đời đời. Vì thế, cả cuộc đời mình, người Kitô hữu luôn tìm kiếm và phụng thờ Thiên Chúa và mong đạt được sự sống đời đời. Vậy làm thế nào để có sự sống đời đời? Dựa vào Tin Mừng hôm nay, qua câu trả lời của người thông luật, chúng ta biết rằng để có được sự sống đời đời thì chúng ta phải tuân giữ hai giới răn sau đây:

Giới răn thứ nhất: Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực.

            Yêu là phải hành động. Nếu chúng ta yêu một ai đó mà chỉ dựa vào lời nói thì dường như chúng ta đang mù quáng và mạo hiểm để đón nhận tình yêu ấy, vì lời nói dễ bị gió cuốn bay, nó chỉ mang tính nhất thời mà không có gì là chắc chắn. Vì thế, để biết một tình yêu là thật lòng hay không thì chúng ta cần phải dựa trên hành động, việc làm của họ. Vì càng thực sự yêu, chúng ta càng sáng tạo trong cách yêu, làm nhiều việc cho người mình yêu và hy sinh rất nhiều cho người mình yêu. Cũng vậy khi chúng ta nói yêu mến Thiên Chúa thì nó đòi buộc chúng ta thể hiện sự yêu mến này bằng những hành động cụ thể. Có nhiều cách để thể hiện lòng mến với Thiên Chúa. Trong bài đọc I, sách Đệ Nhị Luật, ông Môsê kêu gọi dân Ítraen trở lại, nghe và tuân giữ mệnh lệnh của Thiên Chúa rồi Ngài sẽ cho họ được hạnh phúc, sung túc và thành công. Như thế, chúng ta nhận thấy rằng Thiên Chúa luôn luôn dành cho dân của Ngài những điều tốt nhất. Để hưởng được những điều này, dân của Ngài cần phải nỗ lực trở lại, lắng nghe và thực hành Lời của Ngài. Vì thế, xét một góc độ nào đó, việc trở lại, nghe và thực hành mệnh lệnh của Thiên Chúa là hành động yêu mến Thiên Chúa thật tâm. Vì chỉ khi còn yêu thì còn muốn trở lại để hàn gắn những điều đã bỏ lỡ hay đổ vỡ. Chỉ khi yêu thì mới biết lắng nghe và giữ Lời của Thiên Chúa, vì “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.” (Ga 14, 21).

            Yêu là phải mãnh liệt. Không chỉ dừng lại ở khía cạnh yêu mến phải được thể hiện bằng hành động, sách luật còn đòi buộc chúng ta yêu mến Thiên Chúa ở một mức độ tuyệt đối: yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực; nghĩa là chúng ta chỉ tôn thờ và yêu mến một mình Ngài mà thôi, phải yêu bằng cả trái tim, tâm trí và sức lực thể lý. Đây là một đòi hỏi rất khó đối với chúng ta nhưng nếu chúng ta luôn lắng nghe và thực hành các lời dạy của Thiên Chúa và luôn chạy đến với Ngài thì Ngài sẽ ban cho chúng ta tất cả những gì để sinh ơn ích cho chúng ta, để ta yêu mến Ngài nhiều hơn.

            Quả thực, yêu mến và tôn thờ Thiên Chúa “hết lòng, hết sức, hết trí khôn” là một bổn phận của người Kitô hữu. Nhưng tình yêu đối với Thiên Chúa phải được thực sự triển nở nơi tình yêu đối với đồng loại. Hay nói cách khác, tình yêu đối với Thiên Chúa phải là khơi nguồn cho tình yêu đối với tha nhân vì “không thể yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Ga 4,20).

Giới răn thứ hai: yêu mến người thân cận như chính mình.

            Trong bối cảnh người thông luật đặt câu hỏi cho Đức Giêsu “ai là người thân cận của tôi?”, Đức Giêsu đã dùng dụ ngôn người Samari nhân hậu để trả lời cho ông. Dụ ngôn kể về vị Tư tế và thầy Lêvi đã tránh né giúp đỡ người gặp nạn trên đường từ Giêrusalem xuống Giêricô. Ngược lại, người Samari lại chạnh lòng thương mà băng bó vết thương, đưa về quán trọ, nhờ chủ quán săn sóc rồi trả hết mọi phí tổn. Cuối câu chuyện người thông luật đã khẳng định người Samari là người thân cận của người bị nạn. Nếu để ý, chúng ta thấy điều độc đáo nơi Đức Giêsu. Người thông luật là bậc thầy về luật, ông biết người thân cận là người cùng chủng tộc Dothái (x. Lv 19,34), mở rộng hơn là các ngoại kiều trong xứ sở (x. Đnl 19,10). Thế nhưng, ông đã xác nhận người Samari-người ngoại giáo đối với người Dothái là người thân cận của người bị nạn chứ không phải là vị Tư tế hay thầy Lêvi. Theo các nhà chú giải, người bị nạn là người Do thái, thế mà ông không những không được cứu giúp bởi những bậc thầy của ông, mà còn bị bỏ mặc nửa sống nửa chết. Qua đó, Đức Giêsu đã chỉ cho chúng ta khái niệm người thân cận hoàn toàn mới so với luật lệ bấy giờ, đó là bất cứ ai cần sự trợ giúp đều là người thân cận của chúng ta, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc, giai cấp… miễn là cứu chữa người.

            Nhìn vào cách hành xử của ba nhân vật trong bài Tin mừng, chúng ta thấy vị Tư tế và thầy Lêvi đại diện cho tinh thần sống đạo vị luật, yêu mến là nghiêm khắc tuân giữ các luật lệ trên mặt chữ vì luật dạy rằng Tư Tế không được đụng vào thây người chết vì sợ bị ô uế (x. Lv 21,1). Nạn nhân dở sống, dở chết, tức là có thể chết. Vì thế, vị Tư Tế và thầy Lêvi không dám chạm đến người có thể chết. Họ ứng xử như thế là phải lẽ và hợp luật. Vì thế, họ bị luật lệ ngăn cản thực thi lòng thương xót. Còn người Samari đại diện cho tinh thần sống luật mới, đó là thực hành luật yêu thương, yêu thương không bị trói buộc bởi luật lệ thụ động trên mặt chữ, mà phải năng động vượt qua giới hạn của giai cấp, chủng tộc. Chính hành động của người Samari là hành động yêu thương người thân cận mà Đức Giêsu muốn chúng ta thực hiện chứ không phải là cách sống vị luật như vị Tư tế và thầy Lêvi. Luật yêu thương phải vượt lên trên lề luật ghi chép, luật lệ phải là hành động phục vụ giới luật yêu thương.

            Theo các nhà chú giải, người Samari nhân hậu chính là Đức Giêsu. Người là Con Thiên Chúa, được coi là “người ngoại giáo” so với con người. Người đã chạnh lòng thương khi thấy loài người đang bị thương tích do tội lỗi. Nên Người tự nguyện làm Vị Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người. Người đã đến với loài người để chữa lành những vết thương tâm hồn lẫn thể xác bằng cái chết của Người trên thập giá, sẵn sàng hy sinh mạng sống vì người mình yêu. Điều này được thánh Phaolô khẳng định trong bài đọc II rằng: “vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hòa giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1,19-20). Chính cái chết của Đức Giêsu là mô mẫu cho giới luật yêu thương, để thi hành luật yêu thương với tha nhân, sẵn sàng giúp đỡ khi người khác cần mà không cần phải quan tâm đến huyết thống, giai cấp, chủng tộc hay tôn giáo của họ. Và nếu cần thiết thì sẵn sàng hy sinh quyền lợi, tính mạng cho người khác khi họ gặp khó khăn.

            Qua dụ ngôn người Samari nhân hậu, chúng ta biết được người thân cận với chúng ta là tất cả những người cần chúng ta giúp đỡ, và ngược lại. Đồng thời, Tin Mừng dạy ta cách thức sống điều răn “yêu mến người thân cận như chính mình,” tình yêu vượt qua mọi biên giới, sẵn sàng giúp đỡ bất cứ ai gặp khó khăn, gian nan, đặc biệt là những người nguy tử. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, có rất nhiều người thân cận với chúng ta, họ đang đói, khát, bệnh tật, bấn loạn tâm lý, chiến đấu với cái chết. Họ đang bị con virút Corona hành hạ thân xác, làm cho người ta nửa sống nửa chết, thoi thóp nằm vất vưởng khắp nơi như bệnh viện, khu cách ly, bên các ngả đường, nơi gầm cầu cuối phố… Họ là những người thân cận của chúng ta, họ cần hình ảnh người Samari trong mỗi chúng ta đến bên họ để băng bó vết thương lòng bằng lời động viên; họ cần chúng ta đỡ họ lên lưng lừa bằng cách tăng sức đề kháng để chống lại con virút; họ cần chúng ta đưa họ về nhà trọ và chăm sóc với những hạt gạo, giọt nước, ống oxy… Đó là hiện trạng ngày nay. Nhìn vào thực tế và đối chiếu với Lời Chúa hôm nay, hơn bao giờ hết, chúng ta cần phải hành động cứu giúp người thân cận của chúng ta bằng những hành động cụ thể: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, thăm viếng kẻ bệnh tật, an ủi kẻ âu lo…

            Nói tóm lại, để được sự sống đời đời đòi buộc chúng ta sống trọn hai giới luật “yêu mến Thiên Chúa và yêu mến tha nhân.” Yêu Chúa là lắng nghe và thực hành huấn lệnh của Ngài, và biết quay trở lại với Ngài khi lỗi phạm. Yêu mến người thân cận như chính mình, nghĩa là nếu chúng ta chỉ muốn điều lành, điều tốt, hạnh phúc, bình an, thuận lợi, thành công… thì chúng ta cũng nên mong muốn điều đó cho người khác, thậm chí phải giúp người khác đạt được những điều đó nếu có thể. Điều này giống như luật vàng dạy rằng: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7,12). Và nếu cần thiết, chúng ta có thể sẵn sàng hy sinh tính mạng vì người khác như Đức Kitô đã chết cho chúng ta, điều mà bài đọc II đã thuật lại.

            Lạy Chúa, xin nhắc chúng con luôn nhớ mãi câu hỏi của người thông luật “thưa thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời” trong tâm trí chúng con, để chúng con luôn khắc khoải và tìm kiếm không ngừng sự sống ấy qua việc lắng nghe và thực hành Lời Ngài, để chúng con luôn giữ trọn hai giới luật “mến Chúa và yêu người” thể hiện qua hành động chứ không phải qua câu chữ. Amen.

Bài trướcLỜI SỐNG (Chúa Nhật 15 TN – C)
Bài tiếp theoThông báo sa thải Lm. Martinô Mai Anh Tuấn