CHIA SẺ CHÚA NHẬT 34 TN-B: ĐỨC GIÊSU KITÔ, VUA VŨ TRỤ

0
305
Christ the King

Các bài đọc: Đn 7,13-14; Kh 1,5-8;

Tin Mừng: Ga 18,33b-37

34 “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?”

35Ông Philatô trả lời: “Tôi là người Dothái sao? Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi. Ông đã làm gì?”

36 Đức Giêsu trả lời: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Dothái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này.”

37 Ông Philatô liền hỏi: “Vậy ông là vua sao?” Đức Giêsu đáp: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.

—oOo—

Suy niệm

AI LÀ VỊ VUA CỦA ĐỜI TÔI?

Tu sĩ Martinô Nguyễn Hoàng Vũ, SVD

Idol – thần tượng, dường như đây không còn là từ quá xa lạ với chúng ta ngày hôm nay. Ngày nay, có rất nhiều vị “vua” trong cuộc sống của chúng ta như: vua bóng đá, vua âm nhạc… Ðó là những thần tượng giàu có, sang trọng của con người thời đại này. Và dường như mỗi người đều chọn một thần tượng nào đó để yêu mến và làm hình mẫu lý tưởng cho đời sống của mình. Còn chúng ta, những Kitô hữu, chúng ta sẽ chọn ai làm thần tượng, làm “vua” cho mình? Hôm nay Chúa nhật XXXIV Thường niên năm B, Chúa Nhật cuối cùng của năm phụng vụ, Giáo Hội dành Chúa Nhật này để tôn vinh Đức Giêsu là Vua Vũ Trụ, Vua của tình yêu. Lời Chúa ngày hôm nay là lời nhắc nhở mỗi người chúng ta hãy nhận ra ai mới là vị vua thật sự, là thần tượng mà chúng ta cần tôn thờ?

  1. Một Vị Vua Không Có Vương Quốc

Tin Mừng theo thánh sử Gioan ngày hôm nay thuật lại một phiên toà lạ thường, một vị vua, một Thiên Chúa toàn năng nay bị kết án bởi một con người. Đức Giêsu bị người Do Thái trao nộp cho tổng trấn Philatô với lý do mạo nhận là Vua dân Do Thái.

Khi nói đến một vị vua, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến điều gì? Đó là một vị đầy quyền uy, với vương miện trên đầu và vương trượng cầm tay. Vua là người đứng đầu tối cao, có quân đội, là người cầm quyền cai trị ở một quốc gia, trên một lãnh thổ. Vua là người nắm giữ quyền hành cao nhất trên con người và mọi vật. Và với một số tiêu chuẩn như vậy, liệu Đức Giêsu có thật sự là vua? Sinh ra trong một hang bò lừa tanh hôi, vừa chào đời, Đức Giêsu đã phải xa quê hương xứ sở, trốn chạy khỏi sự truy đuổi của bạo chúa. Người lớn lên trong một gia đình nghèo, đơn sơ, tại một làng quê nhỏ bé. Thần dân cũng chỉ là những người nghèo hèn, người bên lề xã hội, hay người tội lỗi. Và họ có thể bỏ rơi Người bất cứ lúc nào. Có thể xem là một vị vua hay không khi Đức Giêsu lại không có một ai để bảo vệ, bị một người không phải vua tra tấn, xét xử, bị kết án và phải chịu một cái chết đầy tủi nhục như một người nô lệ. Trong khi Philatô ngồi toà xét xử, thì Đức Giêsu bị xem như là một tên gian phi tầm thường. Trước mặt Philatô, rõ ràng Người không phải là một vị vua theo cái nhìn của nhân loại.

Thế nhưng, Người vẫn là vua, vua theo cách riêng của mình. Nếu như theo thế gian, vua là người thống trị kẻ khác bằng uy lực và vương quyền, hay theo niềm hy vọng của người Do Thái là người sẽ giải phóng Ítraen khỏi ách đô hộ. Thì với Đức Giêsu, Người không ép buộc người khác theo mình, không kháng cự khi bị kẻ thù bắt bớ. Hình ảnh Vua Giêsu không giống những vị vua thông thường. Người là một vị vua không có vương miện mà chỉ có mão gai, không thần dân nhưng chỉ có những người bỏ rơi và phản bội, không lời chúc tụng mà chỉ có nhạo báng chê khinh. Người là một vị vua nghèo túng, bị lăng nhục và bị đóng đinh trên thập giá. Đức Giêsu đăng quang ngôi vua trên thập giá: Người làm vua vũ trụ bằng chính con đường vâng phục thánh ý Chúa Cha (Pl 2,6-8). Vương quốc của Người không phải là một lãnh thổ xác định trên tấm bản đồ vì “nước tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 18,36). Vương quốc ấy ở khắp mọi nơi, nơi mà những trái tim biết sống yêu thương và sống cho sự thật, “ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18,37). Chỉ có những người tin, sống cho tình yêu, cho sự thật và chân lý của Thiên Chúa thì mới thuộc về vương quốc của Người, mới là thần dân của Nước Trời.

Đức Giêsu có thể làm nhiều điều vĩ đại để mọi người tin vào Người chính là Con Thiên Chúa. Thế nhưng Người đã không làm như vậy. Trong tác phẩm Anh Em nhà Karamasoff  của nhà văn Dostojewski đã viết: Lạy Chúa, nếu Chúa đã lấy Vương Quyền và thanh gươm ra, thì mọi người đã tuân phục Chúa một cách vui vẻ. Và sự hiệp nhất của một Vương Triều và một đất nước hòa bình vĩnh cửu đã được tái lập. Chúa ơi, Ngài đã bỏ lỡ cơ hội rồi. Chúa đã không xuống khỏi Thập Giá, khi mọi người chế diễu và thách thức Ngài. Chúa đã không xuống khỏi Thập Giá, vì Ngài đã không muốn qua một phép lạ nào đó, để rồi con người sẽ trở thành những kẻ nô lệ, và vì Chúa không muốn sống theo một tình yêu bị ép buộc và luôn đợi chờ ở một phép lạ, mà Ngài muốn sống theo một tình yêu hoàn toàn tự do.[1] Đức Giêsu không muốn chúng ta tin vào Người vì những phép lạ, nhưng tin vì tình yêu và sự thật mà Người đã mang đến thế gian này, “chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10,27).

  1. Thần Dân Của Vị Vua Nào?

Ngày nay có rất nhiều ngẫu tượng, thần tượng trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta không chỉ theo đuổi những thần tượng là con người, nhưng còn có những ngẫu tượng khác như tiền tài, danh vọng, tình cảm, … Tưởng chừng như theo đuổi những điều đó sẽ đem lại cho con người hạnh phúc, thế nhưng chính nó cũng biến chúng ta trở thành những nô lệ.

Chọn lựa, chính là điều con người luôn phải làm để cho cuộc sống của mình ngày một tốt hơn. Mỗi sự chọn lựa sẽ cho chúng ta một kết quả hoàn toàn khác nhau. Có thể nói, một trong những món quà quý giá nhất mà Thiên Chúa ban cho con người chính là sự tự do. Qua tự do, con người có thể chọn lựa và yêu mến Thiên Chúa một cách chân thật nhất. Thế nhưng cũng qua tự do, mà con người có thể chọn rời xa và khước từ Thiên Chúa. Người Do Thái, cụ thể hơn chính là những kỳ mục, kinh sư và thượng tế đã không chọn Đức Giêsu làm vua của mình. Họ mong chờ một vị vua khác, người mà có thể đáp ứng những nhu cầu và mong muốn của họ. Chúng ta ngày hôm nay cũng vậy, cũng lựa tìm cho mình những thần tượng, những vị vua mà có thể mang đến cho ta những thỏa mãn trong cuộc sống của mình. Vậy đâu mới là vị vua thật sự mà chúng ta sẽ chọn? Sự thường chúng ta luôn muốn chọn tất cả những điều được xem là tốt nhất về cho mình. Thế nhưng với Thiên Chúa, “Không ai có thể làm tôi hai chủ … Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Lc 16,13). Chúng ta hãy nhìn nhận lại chúng ta đang là thần dân của ai. Và hơn hết, Thiên Chúa giữ một vị trí nào trong cuộc sống của chúng ta?

Mừng đại lễ Đức Giêsu Kitô, Vua vũ trụ, người tín hữu chúng ta được mời gọi hãy xét lại cuộc đời mình, xem ta đang là thần dân của ai, đang là nô lệ cho vị vua nào? Có phải Đức Giêsu là vua của cuộc đời chúng ta hay không, hay còn những ông vua khác như tiền bạc, danh vọng hay dục vọng? Lời Chúa ngày hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta hãy khước từ những thần tượng hay ngẫu tượng trần thế. Chúng ta hãy để Thiên Chúa làm Vua, làm chủ cuộc sống của mình. Bên cạnh đó, như Đức Giêsu đã xác nhận, chỉ những ai sống trong sự thật mới thuộc về Vương Quốc của Người. Như vậy, Nước Thiên Chúa chỉ dành cho những ai yêu mến công lý, sự thật và tình yêu. Lời Chúa cũng mời gọi chúng ta, hãy sống xứng đáng là thần dân của Nước Trời được thể hiện qua đời sống trong tình yêu và sự thật với tất cả mọi người.

Nguyện xin Đức Giêsu Kitô, Vua vũ trụ, sẽ luôn là vị vua ngự trị trong tâm hồn mỗi người chúng ta. Xin hồng ân và sức mạnh của Thiên Chúa luôn đổ tràn trên chúng ta, để chúng ta luôn biết sống trong sự thật và tình yêu, hầu xứng đáng là thần dân của Vương Quốc Nước Trời, là con cái đích thật của Thiên Chúa. Amen.

Chú thích: [1] x. Lm. NGUYỄN NGỌC THẾ. SJ, Đứng trước Vua Kitô, trong https://linhmucmen.com/thuong-nien-c/suy-niem-tin-mung-chua-nhat-le-chua-kito-vua-34-tn-c-bai-51-100-804.html

Bài trướcChú Giải Tin Mừng Chúa Nhật 34 TN B (Ga 18,33-37)
Bài tiếp theoCác CĐ. Ngôi Lời hiệp thông cầu nguyện cho các nạn nhân COVID-19