Nụ cười yêu thương

0
379

Các bạn Sinh viên – Giới trẻ, đặc biệt các bạn Tân Sinh viên thân mến!

Một tác giả khuyết danh đã từng nói: “Nụ cười không những là dấu hiệu của sức mạnh, mà bản thân nó cũng đã là sức mạnh.” Sức mạnh của nụ cười xua tan những bỡ ngỡ của những ngày đầu tiên của đời sinh viên. Sức mạnh của nụ cười xóa tan những lạ lẫm khi các bạn bước vào môi trường thành phố sau những ngày tháng dài sống tại những vùng nông thôn xa xôi. Sức mạnh nụ cười diễn tả niềm vui khi các bạn bước chân vào giảng đường đại học. Sức mạnh nụ cười diễn đạt niềm hy vọng vào một tương lai tươi sáng.

Nhưng các bạn có biết khi nào nụ cười sẽ phát huy sức mạnh cách tuyệt đỉnh? Khi các bạn trao cho nhau nụ cười YÊU THƯƠNG. Chính vì thế mà Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta đã từng nói: “Chúng ta hãy luôn gặp nhau với nụ cười, bởi nụ cười là điểm bắt đầu của yêu thương. Let us always meet each other with smile, for the smile is the beginning of love

Trước hết, nụ cười yêu thương đến từ đâu nếu không phải đến từ niềm tin vào Thiên Chúa là Cha yêu thương. Chính niềm tin đó đã đưa các bạn đến với nhau. Trong niềm tin đó, các bạn không còn là những con người xa lạ. Trái lại, niềm tin vào Cha yêu thương đã nối kết các bạn thành một. Niềm tin đã đưa các bạn lại gần với nhau hơn. Không còn xa lạ. Không còn bỡ ngỡ. Nhưng rất gần. Rất thân thiết. Dù chưa một lần gặp nhau, nhưng chính niềm tin đã giúp các bạn mở cõi lòng để gặp gỡ và đón nhận nhau như đã từng quen biết. Vâng, đúng vậy! Niềm tin vào Thiên Chúa là Cha yêu thương đã xây một chiếc cầu vô hình nối kết bạn lại với nhau trong tình yêu của Người.

Cũng chính niềm tin vào Thiên Chúa giàu lòng thương xót trở thành tâm điểm của gặp gỡ và kết nối các bạn thành một trong Lời Chúa và Thánh Thể Chúa Kitô. Các bạn trở thành một trong nhiệm thể Chúa Kitô là Hội Thánh. Trong nhiệm thể Chúa Kitô, các bạn được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và Thánh Thể Chúa Kitô. Vậy các bạn đã trở thành Anh Chị Em của nhau.

Các bạn mến,

Có lẽ giữa dòng đời có quá nhiều hướng đi, nhiều lúc các bạn sẽ có những trăn trở, khắc khoải và lo âu: “Đâu là hướng đi đúng và thích hợp của tôi lúc này? Hướng đi nào giúp tôi trung thành với thánh ý Thiên Chúa và giáo huấn của Giáo Hội? Hướng đi nào giúp tôi được gần Chúa, gần Anh Chị Em của tôi? Tôi sẽ như thế nào để sống triệt để lòng mến Chúa yêu người?” Những lúc như thế và luôn mãi trong cuộc đời, Lời Chúa là kim chỉ nam hướng dẫn đời sống của các bạn. Dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu (Lc 10,25-37) có thể trở thành lời giải đáp cho các bạn.

Hướng đi đúng và thích hợp lúc này là “trông thấy và chạnh lòng thương” (Lc 10,33). Chạnh lòng thương được hiểu là “xúc động đến ruột gan”. Lòng trắc ẩn và xúc động giúp người Samaritanô này nhận ra người bị nạn đang nằm chờ chết bên đường là người thân cận của ông. Người Samaritanô không giống như thầy Tư Tế và Lêvi “trông thấy, tránh qua và đi” (Lc 10,31-32). Hoặc ông ta chỉ đứng đó mà nhìn. Trái lại, lòng trắc ẩn và xúc động đến ruột gan đã thúc đẩy ông “lại gần” với nạn nhân. “Lại gần. Cúi xuống. Băng bó những vết thương. Xức dầu và rượu. Đỡ nạn nhân lên lưng lừa. Đưa về quán trọ mà săn sóc” (Lc 10,34). Không dừng lại ở đó.  “Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho chủ quán và nói:Nhờ bác săn sóc cho người này, có chi phí thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác”. Những hành động của ông là hành động của lòng thương xót.

Thật vậy, hành động của lòng thương xót khi người Samaritanô có một trái tim rất nhạy bén. Trái tim nhạy bén làm đôi mắt mở to để nhìn thấy người bị nạn. Trái tim nhạy bén làm cho đôi tai nghe được tiếng rên rỉ, yếu ớt và ngắt quãng của người bị nạn nằm bên đường. Trái tim nhạy bén đã “nói” với đôi chân của ông: “hãy dừng lại, không thể tránh qua mà đi’. Trái tim nhạy bén đã “nói” với đôi tay của ông: “hãy làm điều gì đó cho người anh em này”.

Không chỉ có một trái tim rất nhạy bén, người Samaritanô này có một trái tim biết quan tâm. Trái tim quan tâm đưa ông lại gần với người anh em đang nằm bên đường. Trái tim quan tâm đã giúp ông biết cách và làm tất cả có thể để phục vụ người anh em. Trái tim quan tâm giúp ông lúc đó trở thành “một bác sĩ”. Một bác sĩ thành thạo trong cách chăm sóc và chữa lành bệnh nhân. Ông cần mẫn băng bó vết thương cách nhanh chóng và khéo léo. Ông nhẹ nhàng đổ rượu và xức dầu lên vết thương. Nhẹ nhàng để nạn nhân không cảm thấy đau đớn. Ông cẩn thận đỡ lấy nạn nhân lên lưng lừa. Cẩn thận để các vết thương không còn rỉ máu. Trái tim quan tâm giúp ông ôm và giữ nạn nhân trên lưng lừa để đưa về quán trọ. Ông nhẹ nhàng đưa nạn nhân vào quán trọ nghỉ ngơi để tránh mưa nắng, gió sương. Vì sao ông có sẵn gạc, băng dính hoặc băng cuộn để băng bó vết thương? Vì sao ông ta lại có sẵn dầu, rượu để sát trùng vết thương? Bởi vì trái tim biết quan tâm mách bảo ông chuẩn bị trước. Chuẩn bị trước phòng khi gặp tại nạn xảy ra cho chính mình hoặc người khác. Thật vậy, người Samaritanô này đã làm tất cả theo sự hướng dẫn của trái tim. Với trái tim biết quan tâm, ông đã làm tất cả với sự chuẩn xác, thành thạo và nhiệt tâm để cứu nạn nhân.

Hơn nữa, chắc hẳn người Samaritanô này có một trái tim chung thủy. Trái tim chung thủy không làm việc nửa vời, nhưng đến nơi đến chốn. Trái tim chung thủy giúp ông làm việc không mệt mỏi, buông xuôi, nhưng lo lắng cho nạn nhân cách đầy đủ nhất có thể. Ông đã không bỏ mặc nạn nhân cho chủ quán trọ săn sóc. Trái lại, ông xin chủ quán trọ giúp ông săn sóc nạn nhân. Sau đó, ông sẽ trở lại xem tình trạng của nạn nhân có biến chuyển tốt hơn không. Trái tim chung thủy đã giúp ông tự nhận trách nhiệm trên tính mạng và sự sống của nạn nhân. Ông đã làm tất cả với một trái tim chung thủy vẹn toàn.

Thật vậy, chính lòng chính lòng thương xót xuất phát từ ruột gan, lòng trắc ẩn sâu xa của người Samaritanô, đã đốt lên một “que diêm”. “Que diêm” của lòng nhân ái. Dù “ánh sáng của một hành động nhân ái nhỏ bé như một que diêm cũng sẽ chiếu sáng trong đêm tăm tối của nhân loại” (John Keller). Chính “que diêm” của lòng thương xót, trắc ẩn, nhân ái của ông đã xua tan bóng đêm của sự vô cảm, dửng dưng nơi thầy Tư Tế, Lêvi. Chính “que diêm” của lòng xót thương, người samaritanô này đã băng bó và hàn gắn lại vết thương lòng nơi người bị nạn. Vết thương lòng do các tên cướp, thầy Tư tế – Lêvi gây ra cho anh. Chính lòng thương xót của người Samarita đã đem đến cho người bị nạn một niềm hy vọng lớn lao: anh vẫn còn được yêu thương, dù anh là ai.

Các bạn mến,

Có lẽ các bạn đã tìm được hướng đi đúng và thích hợp cho chính mình. Vậy các bạn được Chúa Giêsu Kitô – Hiện thân của Lòng Thương Xót của Chúa Cha mời gọi: “Hãy Đi và Cũng Hãy Làm Như Vậy” (Lc 10,37). Bởi vì các bạn, mọi người và tôi đã được Thiên Chúa xót thương cách lạ lùng và nhưng không. Và khi các bạn, mọi người và tôi sống – thực thi lòng thương xót là lúc chúng ta chiếu tỏa và chiếu sáng SỨC MẠNH LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA CHÚA giữa những tăm tối của nhân loại hôm nay.

Lm. Antôn Đỗ Quang Quốc, SVD

Bài trướcNgày Năm Thánh đặc biệt dành cho các tù nhân được cử hành tại Vatican
Bài tiếp theoSecond Gathering of Recent SVD Arrivals

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.