Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật XXXIII Thường Niên – Năm C

0
295

Bài Ðọc I: Ml 4, 1-2a

“Các ngươi sẽ được Mặt Trời công chính mọc lên cho”.

Trích sách Tiên tri Malakhi.

“Ðây sẽ đến ngày bừng cháy lên như lò lửa: tất cả những kẻ kiêu căng và những người làm tội ác sẽ như rơm rạ, ngày ấy đến sẽ thiêu đốt họ, và không để sót lại cho họ cội rễ ngành chồi gì cả, Chúa các đạo binh phán như vậy. Phần các ngươi là những kẻ kính sợ thánh danh Ta, các ngươi sẽ được Mặt Trời công chính mọc lên cho, mang theo sự cứu chữa trong cánh Người”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 97, 5-6. 7-8. 9

Ðáp: Chúa ngự tới cai quản chư dân trong đường chính trực (x. c. 9).

Xướng: 1) Hãy ca mừng Chúa với đàn cầm, với cây đàn cầm, với điệu nhạc du dương, cùng với tiếng kèn râm ran, tiếng tù và rúc, hãy hoan hô trước thiên nhan Chúa là Vua. – Ðáp.

2) Biển khơi và muôn vật trong đó hãy rống tiếng lên, cả địa cầu và những dân cư ngụ ở trong cũng thế. Các sông ngòi hãy vỗ tay reo, đồng thời các núi non hãy hân hoan nhảy nhót. – Ðáp.

3) Trước thiên nhan Chúa vì Người ngự tới, vì Người ngự tới cai quản địa cầu. Người cai quản địa cầu với đức công minh, và cai quản chư dân trong đường chính trực. – Ðáp.

Bài Ðọc II: 2 Tx 3, 7-12

“Nếu ai không muốn làm việc thì đừng có ăn”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.

Anh em thân mến, chính anh em biết phải noi gương chúng tôi thế nào, bởi vì chúng tôi đã không lười biếng lúc ở giữa anh em, cũng không ăn bám của ai, nhưng chúng tôi làm lụng khó nhọc vất vả đêm ngày, để không trở nên gánh nặng cho người nào trong anh em. Không phải chúng tôi không có quyền, nhưng là để nêu gương cho anh em, để anh em bắt chước chúng tôi. Bởi vì khi chúng tôi còn ở với anh em, chúng tôi đã truyền dạy anh em rằng: “Nếu ai không muốn làm việc, thì đừng có ăn”. Vì chúng tôi nghe tin có một số người trong anh em sống nhàn cư, chẳng làm việc gì hết, nhưng lại dây mình vào mọi việc. Ðối với những hạng người đó, chúng tôi mời gọi và khuyến cáo họ trong Chúa Giêsu Kitô, để họ yên hàn làm việc và dùng lương thực mình tìm ra.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 24, 42a và 44

Alleluia, alleluia! – Các con hãy tỉnh thức và sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 21, 5-19

“Các con cứ bền đỗ, các con sẽ giữ được linh hồn các con”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có mấy người trầm trồ về đền thờ được trang hoàng bằng đá tốt và những lễ vật quý, nên Chúa Giêsu phán rằng: “Những gì các con nhìn ngắm đây, sau này sẽ đến ngày không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào mà chẳng bị tàn phá”. Bấy giờ các ông hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, bao giờ những sự ấy sẽ xảy ra, và cứ dấu nào mà biết những sự đó sắp xảy đến?” Người phán: “Các con hãy ý tứ kẻo bị người ta lừa dối. Vì chưng, sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến mà tự xưng rằng: ‘Chính ta đây và thời giờ đã gần đến’. Các con chớ đi theo chúng. Khi các con nghe nói có chiến tranh loạn lạc, các con đừng sợ, vì những sự ấy phải đến trước đã, nhưng chưa phải là hết đời ngay đâu”.

Bấy giờ Người phán cùng các ông ấy rằng: “Dân này sẽ nổi dậy chống lại dân kia, và nước này sẽ chống với nước nọ. Sẽ có những cuộc động đất lớn mọi nơi; sẽ có ôn dịch đói khát, những hiện tượng kinh khủng từ trên trời và những điềm lạ cả thể. Nhưng trước những điều đó, người ta sẽ tra tay bắt bớ, ức hiếp và nộp các con đến các hội đường và ngục tù, điệu các con đến trước mặt các vua chúa quan quyền vì danh Thầy; các con sẽ có dịp làm chứng. Vậy các con hãy ghi nhớ điều này trong lòng, là chớ lo trước các con sẽ phải thưa lại thể nào. Vì chính Thầy sẽ ban cho các con miệng lưỡi và sự khôn ngoan, mọi kẻ thù nghịch các con không thể chống lại và bắt bẻ các con. Cha mẹ, anh em, bà con, bạn hữu sẽ nộp các con, và có kẻ trong các con sẽ bị giết chết. Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu các con cũng sẽ chẳng hư mất. Các con cứ bền đỗ, các con sẽ giữ được linh hồn các con”.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng chủ đề: 

CHÚA GIÊSU LÀ BIỂU TƯỢNG CỦA CUỘC HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN

Lm.Gioakim Đỗ Sỹ Hùng,SVD

Những ngày cuối cùng của năm phụng vụ, chúng ta được nghe những bài Kinh Thánh nói về mầu nhiệm cánh chung. Với lối văn khải huyền khó hiểu về những điềm báo và những lời tiên tri về sự sụp đổ của đền thờ Giêrusalem, Chúa Giêsu đã đưa ra một viễn tượng về ngày cuối cùng của thế giới, những khó khăn thử thách của những người tin, và lời hứa về ơn cứu rỗi cho họ.

Xét theo bối cảnh, đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe có những ý chính sau:

Lời tiên báo của Chúa Giêsu về đền thờ Giêrusalem

Lời khen của một số người về Đền Thờ Giêrusalem làm ta có cảm tưởng người ta khen ngợi với vẻ tự hào về sự nguy nga, tráng lệ của đền thờ, và họ nghĩ đền thờ Giêrusalem kiên cố, vững bền mãi mãi. Nhưng Chúa Giêsu đã lên tiếng cảnh báo:“Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó, sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào” (Lc 21,6).

Quả thật, 36 năm sau lời tiên báo của Chúa Giêsu, Đền Thờ Giêrusalem bị quân đội Rôma tàn phá hoàn toàn. Theo sử gia Josephus Flavius, năm 70 SCN, tướng Titô đã lãnh đạo quân đội Rôma, bao vây Giêrusalem để triệt hạ thành. Đây là thời kỳ cùng cực nhất của người Do Thái, khiến 1.100.000 chết và 97.000 người bị bắt làm phu tù. Quốc gia Do Thái bị quét sạch, thành và Đền Thờ Giêrusalem bị phá hủy (William Barclay, TM theo thánh Luca, tr 245).

Những điềm báo trước về ngày tận thế

Chiến tranh, loạn lạc, thiên tai, bệnh tật đói nghèo là những vấn đề con người phải luôn đương đầu trong mọi thời đại và trên qui mô toàn cầu. Với lối văn khải huyền, Chúa Giêsu không nói rõ thời gian các sự việc xảy đến, nhưng Người ám chỉ những sự kiện sẽ xảy ra trong mọi thời đại, cũng như qua các biến cố thường ngày để nhắc nhở mỗi người sẵn sàng như thể Chúa đến bất cứ lúc nào trong đời ta. Vì thế, phải tin tưởng, cậy trông  vào quyền năng của Thiên Chúa và chu toàn bổn phận mỗi ngày.

Sự bắt bớ, chống đối của các thế lực thù địch (Lc 21,8-12) và kẻ ganh ghét những người tin vào danh Chúa Giêsu cũng là thực tại mà tín hữu phải chịu trong mọi thời đại. Tuy nhiên, người tín hữu phải biết chấp nhận thử thách, đau khổ mới mong đạt tới hạnh phúc Nước Trời (x. Câu 19).

Ý tưởng về “Ngày của Chúa”

“Ngày của Chúa là một trong những nền tảng của tôn giáo trong thời Chúa Giêsu. Ai nấy đều biết những hình ảnh khủng khiếp này như Tin Mừng đã nhắc đến trong các câu 9,11,25,26” (William Barclay, TM theo thánh Luca, tr 245).

Người Do Thái chia thời gian làm hai thời kỳ, thời kỳ hiện tại là thời kỳ xấu xa tội lỗi sẽ bị hủy diệt hoàn toàn. Rồi sẽ có một thời trong tương lai, là thời hoàng kim rực rỡ của Chúa. Trong thời kỳ này, dân Do Thái sẽ là dân tộc đứng đầu thế giới. Giữa hai thời kỳ đó sẽ là “Ngày của Chúa”,ngày mà thế giới bị đảo lộn tan tành, ngày đau khổ của mọi tạo vật để sinh ra thời đại mới. Chính vì thế, từ ngữ “Trời mới đất mới” được nhắc đến trong Kinh Thánh (x. Is 13,6-9; 65,17-25; Ge 2,1-2; Am 5,18-20; 2Pr 3; Kh 21). Theo cái nhìn của các ngôn sứ, “Ngày của Chúa” chính là ngày Thiên Chúa ra tay uy quyền để giải thoát dân Do Thái khỏi ách nô lệ, và đưa họ đến một thời quyền uy, huy hoàng.

Với những điểm trên, Chúa Giêsu muốn truyền đạt không những cho các môn đệ, cho thính giả thời của Người và cho cả chúng ta những sứ điệp quan trọng:

  1. Thế giới vật chất chúng ta đang sống là một thế giới tạm bợ, mau qua, không có chi vững bền vĩnh cửu. Biến cố thành Giêrusalem bị tàn phá nhắc nhở mỗi người rằng, vạn vật rồi sẽ đổi thay, thế giới vật chất phù du sẽ lụi tàn, chỉ có Thiên Chúa và những gì thuộc về Thiên Chúa mới vĩnh cửu.
  2. Con người ngày xưa đã biết quan sát và tìm hiểu về điềm báo của thiên nhiên để phòng tránh thiên tai, hoạn nạn. Những biến cố xảy đến trong cuộc sống thường ngày của những người chung quanh khi họ từ giã cõi đời như bệnh tật, tai nạn, thiên tai, chiến tranh, khủng bố là một lời nhắc nhở mỗi người chuẩn bị đến lượt Chúa gọi mình mà hãy lo sống xứng đáng,để nhận được sự sống vĩnh cửu mai sau.
  3. Sống đức tin: kiên trì làm chứng cho Tin Mừng bằng đời sống đức tin: (cc. 13-19). Trong khi chờ đợi “Ngày của Chúa” (Ngày Chúa đến lần thứ hai), các tín hữu phải trải qua nhiều gian nan thử thách, bách hại. Chúa Giêsu mời gọi mọi người đừng sợ, hãy kiên trì giữ vững đức tin. Ai kiên trì làm chứng cho Tin Mừng trong những cơn nguy khốn, bị bách hại vì danh Chúa Giêsu, sẽ nhận được phần thưởng là ơn cứu rỗi đời đời (cc. 19 và 28). Đối với Chúa Giêsu, muốn đạt tới vinh quang phải đi qua thập giá. Những thử thách, bách hại, chống đối và tù đày không phải là điều đáng sợ, phải tránh nhưng là một cơ may để làm chứng cho Tin Mừng bằng đức tin trung kiên của mình.
  4. Thực thi Lời Chúa và chu toàn bổn phận mỗi ngày trong tin yêu. Trong khi chờ đợi “Ngày của Chúa”, mỗi tín hữu phải sống tinh thần phó thác, bình an và sẵn sàng đón nhận mọi biến cố như dấu chỉ Chúa gởi đến trong đời ta.

Có nhiều người trong giáo đoàn Thêxalônica hoang mang lo lắng vì nghe tin đồn rằng ngày Chúa đến đã gần kề nên họ bỏ bê công việc, sống vô kỷ luật,nên trong bài đọc 2 (2Tx 3,7-12), thánh Phaolô đã khuyên nhủ mọi người đừng chờ đợi “Ngày Chúa đến” theo kiểu hoang mang rồi buông xuôi, vô trách nhiệm. Nhưng phải biết sống niềm tin của mình với tinh thần kỷ luật, lo chu toàn bổn phận từng giây từng phút trong tình thương yêu giúp đỡ nhau, kiên trì làm việc cho đến giây phút Chúa đến. Chính thánh nhân đã trở nên mẫu gương sống chứng nhân Tin Mừng ở giữa họ.

Liệu tôi có sống đến “ngày tận thế” để xem sự việc xảy ra thế nào không hay là đột nhiên Chúa đến gọi tôi ngày hôm nay, ngày mai hay ngày kia? Như vậy, bao giờ Chúa gọi tôi? Hay ngày tận thế đến với tôi không quan trọng nữa. Điều quan trọng và cần thiết là mỗi người đã sống như thế nào, đã làm gì để chuẩn bị đón Chúa trong từng giây phút cuộc đời.

Mọi sự trong thế gian đều có ngày tận cùng của nó, và thế gian này sẽ qua đi. Hình ảnh Giêrusalem bị tàn phá trong bài Tin Mừng hôm nay là hình ảnh tiên báo cho thế giới này. Số phận của Giêrusalem cũng là số phận của những ai không biết thực thi lời Thiên Chúa. Mỗi giây phút chúng ta sống là mỗi lúc ta tiến gần hơn ngày Chúa đến trong đời ta. Vậy mỗi người phải có thái độ nào để đón chờ ngày Chúa đến? Chớ gì mỗi người chúng ta biết mau mắn thực thi Lời Chúa: làm hòa với Chúa và anh chị em; mở lòng ra chia sẻ cho người khác một chút vật chất và tình thương; an ủi những ai sầu khổ hoạn nạn. Mỗi gia đình tập sống hy sinh, cha mẹ, vợ chồng, con cái biết lắng nghe nhau, quan tâm nâng đỡ nhau. Trong thời gian sống chờ đợi Chúa, hãy cố gắng chu toàn bổn phận hằng ngày. Bổn phận của ta đối với Chúa, đối với tổ tiên ông bà, cha mẹ, đối với quê hương, đất nước. Nhất là biết tin tưởng cậy trông vào lòng thương xót của Thiên Chúa, để mọi nơi mọi lúc, chúng ta sẵn sàng đáp tiếng xin vâng theo ý Chúa.

 

Bài trướcSecond Gathering of Recent SVD Arrivals
Bài tiếp theoAudio Lời Chúa + Suy niệm Chúa Nhật XXXIII Thường niên – Năm C

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.