Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 14 Thường Niên – Năm A

0
812

Bài Ðọc I: Dcr 9, 9-10

“Này vua ngươi khiêm tốn đến với ngươi”.

Trích sách Tiên tri Dacaria.

Ðây Chúa phán: “Hỡi thiếu nữ Sion, hãy nhảy mừng; hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy reo mừng! Này vua ngươi đến với ngươi. Người là Ðấng công chính và là Ðấng cứu độ; Người khiêm tốn ngồi trên lừa con, con của lừa mẹ. Người đã loại bỏ các chiến xa khỏi Ephraim, và ngựa khỏi Giêrusalem. Cung tên chiến trận sẽ được phá huỷ. Người sẽ công bố hoà bình cho các dân tộc. Quyền bính của Người sẽ bành trướng từ biển này đến biển nọ, từ sông cái đến tận cùng trái đất”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 144, 1-2. 8-9. 10-11. 13cd-14

Ðáp: Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa, con sẽ chúc tụng danh Chúa tới muôn đời (c. 1).

Xướng: 1) Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa, con sẽ ca khen Chúa, và con sẽ chúc tụng danh Chúa tới muôn đời. Hằng ngày con sẽ chúc tụng Chúa, và con sẽ khen ngợi danh Chúa tới muôn đời. – Ðáp.

2) Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi loài, và từ bi với mọi công cuộc của Chúa. – Ðáp.

3) Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài. – Ðáp.

4) Chúa trung thành trong mọi lời Ngài phán, và thánh thiện trong mọi việc Ngài làm. Chúa nâng đỡ hết những ai sa ngã, và cho mọi kẻ khòm lưng đứng thẳng lên. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Rm 8, 9. 11-13

“Nếu nhờ thần trí mà anh em đã giết được hành động của xác thịt, thì anh em sẽ được sống”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, anh em không sống theo xác thịt, nhưng sống theo tinh thần, nếu thật sự Thánh Thần Chúa ở trong anh em. Nếu ai không có Thánh Thần của Ðức Kitô, thì kẻ ấy không thuộc về Người. Và nếu Thánh Thần của Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại ở trong anh em, thì Ðấng đã làm cho Ðức Kitô từ cõi chết sống lại, cũng cho xác phàm hay chết của anh em được sống, nhờ Thánh Thần Người ngự trong anh em.

Anh em thân mến, chúng ta không phải là những kẻ mắc nợ xác thịt, để chúng ta sống theo xác thịt. Vì chưng, nếu anh em đã sống theo xác thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ Thần Trí mà anh em đã giết được các hành động (xấu xa của) thân xác, thì anh em sẽ được sống.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 10, 17

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng theo Ta”. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 11, 25-30

“Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu lên tiếng nói rằng: “Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy. – Mọi sự đã được Cha Ta trao phó cho Ta. Và không ai biết Con, trừ ra Cha. Và cũng không ai biết Cha, trừ ra Con và kẻ Con muốn mạc khải cho.

“Tất cả hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái, và gánh của Ta thì nhẹ nhàng”.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng chủ đề:

ÁCH ÊM ÁI, NHẸ NHÀNG (Tu sĩ Giuse Phạm Minh Hoàng, SVD)

Trong bài Tin Mừng hôm nay, hình ảnh Đức Giê-su mời gọi những ai đang vất vả mang gánh nặng nề hãy đến với Người làm nổi bật lên tình thương yêu cao cả của Thiên Chúa dành cho nhân loại chúng ta. Tình thương yêu đó được diễn tả qua cái ách và cái gánh mà Chúa trao ban, hầu chúng ta có thể được “nghỉ ngơi và bồi dưỡng” trước những thăng trầm của cuộc sống. Tuy nhiên, việc mang lấy ách của Chúa cho thật nhẹ nhàng và êm ái không phải là điều mà ai cũng có thể dễ dàng làm được. Trước khi nói đến cách thức đón nhận ách của chúa, chúng ta cần hiểu hạn từ này theo đúng ý nghĩa và tinh thần của tác giả bản văn.

  1. Cái ách của luật cũ

Trong xã hội Do Thái, hình ảnh cái ách ám chỉ rất nhiều điều như: ách giới răn, ách lề luật, ách Nước Trời, tất cả đều là những gì loài người hân hoan tự mình mang lấy để đáp lại những đòi hỏi của Thiên Chúa. Trong Kinh Thánh, ách còn có nghĩa là Lề Luật của Thiên Chúa, bằng chữ viết hay truyền khẩu. Người ta mang ách của Chúa khi tuân phục các giới răn của Người, còn kẻ tội lỗi thì vất bỏ cái ách đó (x. Gr 2,20; 5,5). (xem: Claude Tassin, Tin Mừng Thánh Matthêu: Chú giải mục vụ, tr. 224-225.) “Ách cũng là giáo huấn của một bậc thầy, vì thế mang lấy ách của họ là làm môn đệ họ”.

  1. Cái ách của Đức Giê-su

Trong thời Cựu Ước, Thiên Chúa cũng mời gọi con người đến với Người để được Người nâng đỡ và ủi an. Thiên Chúa sẽ biểu thị uy quyền và phù trợ tôi tớ của Người (x. Is 50,7-9; Gr 6,16). Người Tôi Tớ mà các ngôn sứ tiên báo đã nên ứng nghiệm trọn vẹn nhất nơi Đức Giê-su, Đấng đến để mang lại những cái ách – cái gánh nhẹ nhàng và đem lại ơn cứu độ cho dân Ít-ra-en.

“Ách tôi êm ái”: So với lời dạy của các Pha-ri-sêu, thì lời dạy của Đức Giê-su xét về số lượng thì dễ dàng hơn, vì ngắn gọn hơn và tập trung vào cái cốt yếu, nhưng vì nó vươn tới sự công chính vượt trổi (x. Mt 5,20), nên về phẩm chất, nó khó khăn hơn nhiều.

Những người lao nhọc được đề cập đến trong bài Tin Mừng ám chỉ những ai đang vất vả giữ lề luật, đang phải chịu đựng những khó khăn bởi những điều luật thiếu tình thương và cảm thông. Nói cách khác, “những ai lao nhọc” được hiểu về những người Do Thái sống dưới ách của lề luật cũ và vô vàn vô số những tập tục nặng nề mà các kinh sư và nhóm Pha-ri-sêu đã đặt ra (x. Mt 23,4). Nhưng cũng phải hiểu rộng ra về kiếp sống của con người trên trần gian này nói chung (xem: Lm Đa Minh Phạm Xuân Uyển, SDB., Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu, Đồng Nai, 2013, tr. 187.). Chúng ta thường giải thích những người vất vả và mang gánh nặng nề là tất cả những ai đau khổ thể xác và tinh thần, gánh nặng của họ có thể là nghèo đói, bệnh tật, bị khinh dể, bị thất bại trong cuộc sống. Nhưng căn cứ vào những điều nói trên đây về ý nghĩa của thuật ngữ “ách” trong Kinh Thánh, thì rõ ràng là nó chưa sát ý bản văn. Chúa sẽ cất gánh nặng trên vai ta khi ta nhận lấy cái ách, cái gánh của Chúa, tức là giáo huấn và các giới răn của Người: “Hãy mang lấy ách của tôi và hãy học cùng tôi”.

Đặc biệt, “những ai lao nhọc” không chỉ nói về những ai bị những người Pha-ri-sêu loại trừ mà ngay cả những người Pha-ri-sêu nữa. Cả hai đối tượng nói trên đều được mời gọi học lấy sự khôn ngoan và quy phục cái ách của Chúa. Luật lệ của người Pha-ri-sêu trở thành một gánh nặng không thể mang nổi trên vai người dân, vì chúng không đề cao lòng thương xót của Thiên Chúa (x. Hs 6,6).

  1. Lý do chọn mang ách của Đức Giê-su

Đứng trước những nỗi đau khổ và khó khăn của dân Ít-ra-en vì những cái ách nặng nề của người Pha-ri-sêu, Đức Giê-su đã đến và mời gọi họ mang lấy ách của Người. Người không đến để cất đi những cái ách, nhưng Người chỉ cho họ thấy cái ách và cái gánh nhẹ nhàng nơi mình, để dân Người được nghỉ ngơi và bồi dưỡng.

Chúng ta chọn mang lấy ách của Đức Giê-su vì cái ách của Người không xuất phát từ tư lợi và ích kỷ, nhưng từ tình yêu vô điều kiện, từ sự hiền hậu và khiêm nhường trong lòng. Trong những chuỗi ngày ra đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời, chúng ta thấy Đức Giê-su đã đến để kiện toàn lề luật, đem tình yêu và lòng thương xót đến cho con người. Thật vậy, chúng ta chọn mang lấy ách của Đức Giê-su vì Người hằng yêu thương chúng ta, thương xót chúng ta. Nói về lòng thương xót của Đức Giê-su, chúng ta nhớ đến câu chuyện về người phụ nữ ngoại tình được Người thương xót (x. Ga 8,1-11), hay khi Người cho người con trai của bà góa thành Na-in sống lại (Lc 7,11-17), hay qua trình thuật Người chữa cho một người mù ở Giê-ri-khô sáng mắt (x. Mc 10,46-53).

Đức Giê-su là vị thầy nhân hậu và khiêm tốn. Người giúp người ta khám phá ra lòng thương xót của Thiên Chúa trong cuộc đời mình. Chúa bày tỏ tình thương của Thiên Chúa ngay trong những đòi hỏi của Luật. Ngày lại ngày, chúng ta thấy Đức Giê-su đến với những con người nhỏ bé trong xã hội. Người chữa lành mọi kẻ ốm đau, bệnh hoạn tật nguyền, kể cả những người bị coi là tội lỗi cũng được Người gần gũi và tha tội. Và nhất là khi thập giá đè nặng trên mình, Đức Giê-su vẫn hiền từ và thinh lặng, không một lời than trách hay oán hận trước những roi đòn và hành hạ của quân dữ. Sự hiền lành, khiêm nhường và tình yêu cao cả nơi Người đã đạt tới tầm vóc viên mãn bằng sự vâng phục tuyệt đối thánh ý Chúa Cha, để đem lại ơn cứu độ cho chúng ta. Tóm lại, cái ách của Chúa là hình mẫu cho những lề luật qua mọi thời đại.

  1. Thái độ đón nhận ách Chúa trao

Trong cuộc sống, chúng ta nhận thấy những điều Chúa truyền dạy thật sự quan trọng và ý nghĩa trên hành trình đời sống đức tin. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, chúng ta còn chưa sẵn sàng đón nhận những cái ách mà Chúa trao. Nhất là khi những cái ách đó làm lộ ra những khoảng tối trong cuộc đời của chúng ta, hay khiến cho chúng ta phải hy sinh và từ bỏ nhiều thứ. Hay trong những lúc buồn sầu, chúng ta vội vã cho rằng cái ách của Người quá nặng khi phải đương đầu với những thử thách và khó khăn trong cuộc sống. Cái ách và cái gánh của Chúa đều có những giá trị và ý nghĩa riêng trong hành trình đời sống đức tin của mỗi người chúng ta. Đành rằng có sự ngần ngại và né tránh khi cái ách của Chúa khiến ta phải hy sinh, đánh đổi. Nhưng trước những cái gánh nhẹ, cái ách dễ chịu và đem lại lợi ích ngay trước mắt, thì chúng ta tỏ thái độ sẵn sàng đón nhận hơn. Qua đó, chúng ta thấy được nơi bản thân mình những toan tính thiệt – hơn và được – mất trước sự trao ban với một tình yêu vô điều kiện của Chúa. Đối lại những thái độ tiêu cực ấy, chúng ta cần đón nhận cái ách Chúa trao với tâm tình biết ơn. Qua những cái ách đó, Chúa tỏ lòng thương yêu chúng ta bằng những giới răn, những lời chân lý, lời soi sáng và dẫn ta đến nguồn ơn cứu độ.

Lạy Chúa, trong cuộc sống của chúng con, có rất nhiều những quy tắc và luật lệ: trong xã hội, trong trường học, trong cộng đoàn hay nơi giáo xứ,… Xin Chúa cho chúng con biết khôn ngoan mà sống luật của Chúa, biết chạy đến với Chúa, biết đón nhận những cái ách Chúa trao với niềm tin yêu và lòng biết ơn, hầu cho chúng con có thể vượt qua những thách thức và khó khăn trong cuộc sống. Amen.


 

HÃY DỰA VÀO CHÚA GIÊSU (Lm. Giuse Phan Hoàng Huy, SVD)

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nhắn nhủ: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28). Chúa Giêsu ngỏ lời với những tâm hồn đang chìm trong đau thương, chán nản, thất vọng. Còn gì hạnh phúc bằng khi nghe được những lời êm ái này của Chúa Giêsu trong khi ta đang mang vác trên vai biết bao gánh nặng của cuộc đời hay cả gánh nặng về tôn giáo.

Bước vào cuộc đời con người phải gánh chịu biết bao nỗi lo toan vất vả, đắng cay sầu khổ,đến nỗi người ta phải thốt lên “đời là bể khổ”. Ở nơi đâu con người cũng gặp khổ. Chạy đến cùng trời cuối đất cũng chẳng thoát khổ. Con người ta chạy đến với tôn giáo để mong sẽ tìm được niềm an ủi, để vơi đi những đắng cay cuộc đời, để tìm được một chỗ dựa bình an hạnh phúc. Nào ngờ nhiều người lại chịu thêm một cái ách khác. Ách đời đã khổ, ách đạo cũng chẳng kém.

Vào thời chúa Giêsu, người dân Do Thái đã phải hứng chịu nhiều gánh nặng không chỉ do đế quốc Rôma gây ra mà còn do luật lệ tôn giáo đặt ra, đến nỗi người ta khó có thể chu toàn. Chính Chúa Giêsu đã phải khiển trách các nhà thông luật về những gánh nặng mà họ đặt lên vai người dân: “Khốn cho cả các ngươi nữa, hỡi các nhà thông luật! Các ngươi chất trên vai kẻ khác những gánh nặng khổng thể gánh nổi…” (Lc 11,46).

Tưởng chừng như những gánh nặng do luật lệ tôn giáo chỉ tồn tại vào thời Chúa Giêsu nơi đất nước Do Thái. Nhưng điều đó vẫn còn tiếp diễn, vẫn còn xảy ra đâu đó, nơi này nơi kia khi những nhà lãnh đạo tôn giáo không hành xử với một tấm lòng của người mục tử nhân lành. Hẳn chúng ta đã từng nghe những câu than thở của giáo dân về những người lãnh đạo tinh thần của mình như: hành xử độc đoán, đặt ra nhiều qui định… Chính những qui định, luật lệ thiếu tình thương, thiếu tình người đã làm cho biết bao người cảm thấy vô vọng, kiệt sức trên đường tìm kiếm chân lý.

Trước những gánh nặng, thất vọng cuộc đời đang đè nặng, hay khi niềm tin nơi nhà lãnh đạo tinh thần không còn, con người rơi vào cảnh tuyệt vọng thì Chúa Giêsu chính là ánh sáng cuối đường hầm đen tối cuộc đời để soi sáng, để hướng dẫn. Ngài là cái “phao”, là chỗ dựa, là con đường cho những ai đang bơ vơ lạc lối, tuyệt vọng sầu thương. Ngài trao ban niềm hy vọng, nguồn an vui và hạnh phúc vĩnh cửu cho ai đến với Ngài.

Chúa Giêsu mời gọi ta đến với Ngài với lời mời gọi tha thiết, vì Ngài biết rõ ta đang đau khổ dường như không lối thoát. Chúa Giêsu biết chỉ ở trong Ngài ta mới được bình an hạnh phúc đích thực. Chỉ qua Ngài ta mới được chăm sóc tốt, được dẫn đến với đồng cỏ xanh tươi, với suối nước trong lành (x. Ga 10,7-10). Chúa Giêsu mời gọi ta hãy mang lấy ách của Ngài. Ách mà Chúa Giêsu trao ban cho ta là cái ách thật êm ái, cái ách thật nhẹ nhàng, bởi vì ách này là ách của một tình yêu trọn hảo tuyệt đối. Ách của Chúa Giêsu bao gồm cả giáo huấn và cuộc đời của Ngài. Chúa Giêsu đã dạy điều Ngài sống và sống điều Ngài dạy một cách triệt để. Mang lấy ách của Chúa Giêsu là mang lấy trọn tình yêu của một vị Thiên Chúa yêu thương con người đến cùng qua cái chết trên thập giá.

Chúa Giêsu không chỉ mời gọi ta đến hưởng sự êm ái, dịu ngọt nơi tình yêu của Ngài mà còn mời gọi ta đến học với Ngài để sống hạnh phúc. Học với Chúa Giêsu là học sự khiêm nhường và hiền hậu nơi Ngài. Chúa Giêsu chính là mẫu gương khiêm nhường tuyệt vời nhất để ta học theo: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phầm nhân sống như người trần thế” (Pl 2,6-7). Trong mọi sự Chúa Giêsu luôn tìm kiếm và vâng phục theo thánh ý của Chúa Cha đến nỗi vâng phục đã trở thành như của ăn của Ngài: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy” (Ga 4,34). Học sự khiêm nhường với Chúa Giêsu giúp ta dâng trọn cuộc đời và hoàn toàn phó thác trong sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa. Nơi Chúa Giêsu ta còn học được cách để trở thành một con người sống hiền hòa và nhân hậu đối với tha nhân.

Dù ta là ai, dù muốn dù không ta cũng không thể tránh được những gánh nặng, những vất vả, những lúc mệt mỏi chán nản, hay những lúc cô đơn tuyệt vọng cả về thể xác lẫn tinh thần. Vậy ta còn chần chờ gì nữa, hãy mau chạy đến nương tựa vào Chúa Giêsu chắc chắn ta sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng, để được xoa dịu và được chữa lành hồn xác.

 

Bài trướcChú Giải Tin Mừng Chúa Nhật XIV Thường Niên, Năm A (Mt 11,25-30)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Tuần 14 TN – A)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.