CHIA TAY HAY TIẾP TỤC?
Bản văn Gioan 6,60-69
♦ Chú giải của Lm. Giuse Phạm Duy Thạch, SVD
Bản văn và chuyển ngữ sát nghĩa
Hy Lạp | Việt |
60 Πολλοὶ οὖν ἀκούσαντες ἐκ τῶν μαθητῶν αὐτοῦ εἶπαν· σκληρός ἐστιν ὁ λόγος οὗτος· τίς δύναται αὐτοῦ ἀκούειν;
61 εἰδὼς δὲ ὁ Ἰησοῦς ἐν ἑαυτῷ ὅτι γογγύζουσιν περὶ τούτου οἱ μαθηταὶ αὐτοῦ εἶπεν αὐτοῖς· τοῦτο ὑμᾶς σκανδαλίζει; 62 ἐὰν οὖν θεωρῆτε τὸν υἱὸν τοῦ ἀνθρώπου ἀναβαίνοντα ὅπου ἦν τὸ πρότερον; 63 τὸ πνεῦμά ἐστιν τὸ ζῳοποιοῦν, ἡ σὰρξ οὐκ ὠφελεῖ οὐδέν· τὰ ῥήματα ἃ ἐγὼ λελάληκα ὑμῖν πνεῦμά ἐστιν καὶ ζωή ἐστιν. 64 ἀλλ᾽ εἰσὶν ἐξ ὑμῶν τινες οἳ οὐ πιστεύουσιν. ᾔδει γὰρ ἐξ ἀρχῆς ὁ Ἰησοῦς τίνες εἰσὶν οἱ μὴ πιστεύοντες καὶ τίς ἐστιν ὁ παραδώσων αὐτόν. 65 καὶ ἔλεγεν· διὰ τοῦτο εἴρηκα ὑμῖν ὅτι οὐδεὶς δύναται ἐλθεῖν πρός με ἐὰν μὴ ᾖ δεδομένον αὐτῷ ἐκ τοῦ πατρός. 66 Ἐκ τούτου πολλοὶ [ἐκ] τῶν μαθητῶν αὐτοῦ ἀπῆλθον εἰς τὰ ὀπίσω καὶ οὐκέτι μετ᾽ αὐτοῦ περιεπάτουν. 67 εἶπεν οὖν ὁ Ἰησοῦς τοῖς δώδεκα· μὴ καὶ ὑμεῖς θέλετε ὑπάγειν; 68 ἀπεκρίθη αὐτῷ Σίμων Πέτρος· κύριε, πρὸς τίνα ἀπελευσόμεθα; ῥήματα ζωῆς αἰωνίου ἔχεις, 69 καὶ ἡμεῖς πεπιστεύκαμεν καὶ ἐγνώκαμεν ὅτι σὺ εἶ ὁ ἅγιος τοῦ θεοῦ. (Jn. 6:60-69 BGT) |
60 Rồi sau khi nghe, nhiều người trong các môn đệ của Người nói rằng: “Lời này khó nghe quá, ai có thể nghe nó?”
61 và khi Đức Giê-su biết trong mình rằng các môn đệ của Người này lẩm bẩm phàn nàn về điều ấy, Người nói cùng họ: “Điều đó gây vấp ngã cho anh em hả? 62 vậy thì, nếu anh em thấy Con Người đi lên nơi Người đã ở trước kia? 63 Pnêu-ma mới là cái làm cho sống, xác thịt không mang lại ích gì. Những lời mà Thầy đã nói với anh em là pnêu-ma và sự sống. 64 nhưng vài người trong anh em đã không tin vì Đức Giê-su biết ngay từ đầu những người không tin và ai là kẻ nộp Người. 65 Và Người nói: Vì thế Thầy đã nói cùng anh em rằng không ai có thể đến với Thầy nếu không phải là người được Chúa Cha ban cho. 66 Từ đó, nhiều người trong số môn đệ của Người đi ra đằng sau, và không còn đi với Người nữa. 67 rồi Đức Giê-su nói cùng nhóm Mười Hai: “Anh em không muốn bỏ đi chứ?” 68 Simon Phê-rô trả lời Người: “Thưa Thầy, chúng tôi đến với ai? Thầy mới có lời của sự sống đời đời”. 69 Chúng con đã tin và biết rằng Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa. |
Bối cảnh bản văn
Bản văn Ga 6,60-69 là đoạn cuối cùng trong diễn từ Bánh Hằng Sống (Ga 6,22-69). Danh từ “lời này” (Lời này khó nghe quá) với mạo từ xác định nối kết với những lời mà Đức Giê-su nói trước đó trong Ga 6,52-59 đặc biệt là những nhấn mạnh liên quan đến lời mời gọi “ăn thịt” và “uống máu” của Đức Giê-su (6,53.54.55.56). Những “lời” này đã dẫn đến phản ứng của nhiều môn đệ. Động từ “xầm xì phản đối” (γογγύζω) (6,61) nhắc nhớ đến sự xầm xì phản đối của những Người Do Thái dành cho Đức Giê-su (6,41.44.47.50.51.54.58) khi Người mạc khải nguồn gốc từ trời của mình. Chủ đề pnêu-ma (tinh thần) gợi nhớ đến cuộc đối thoại giữa Đức Giê-su và ông Ni-cô-đê-mô trong đó Đức Giê-su cũng nói về Thần Khí và tinh thần (Ga 3,6: Cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí; cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt). Trong cuộc đối thoại với người phụ nữ Samari (Ga 4), Đức Giê-su cũng nói đến việc đã đến lúc người ta thờ Chúa trong “thần khí và sự thật”, bởi vì “Thiên Chúa là thần khí” (4,24). Chủ đề về Thần Khí sẽ trải dài trong Tin Mừng Gioan (7,39; 14,17; 15,26; 16,13; 19,30). Cách nói “lên nơi đã ở trước kia” liên kết với nguồn gốc “từ trời” đã được nói đến trong suốt “Diễn Từ Bánh Hằng Sống” (6,32.33.41.42.50.51.58). Nguồn gốc “từ trời” của Đức Giê-su cũng đã được nói đến trong 3,13 và 3,31. Trong đoạn này, Đức Giê-su cũng nhắc lại thẩm quyền của Chúa Cha trong việc ban ơn cho ai đến với Đức Giê-su (6,65), đã được nói đến trong (Ga 6,44: Chẳng ai có thể đến được với tôi, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi không lôi kéo người ấy). Chủ đề “sự sống đời đời” (6,68: Thầy có lời ban sự sống đời đời) đã được nói đến trong suốt Diễn Từ này (6,27.40), và được nhắc đến ở đoạn này như là một sự kết thúc của Diễn Từ. Chủ đề “tin” (6,69: “Chúng con đã tin”; (6,64: Có những kẻ không tin) đã được nói đến như là một điều kiện quan trọng nhất để có sự sống đời đời (6,47: “Ai tin thì có sự sống đời đời”). Mục đích của toàn bộ Tin Mừng là để cho độc giả “tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà có sự sống nhờ danh Người” (20,31). Ngược lại với “những người tin” là những “kẻ không tin”. “Những kẻ không tin thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa” (Ga 3,18). Đức Giê-su cũng đã tuyên bố cách long trọng ở một nơi khác: “Ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống” (Ga 5,24). Chủ đề “kẻ nộp Con Người” nhắc nhớ đến Giu-đa và hành động nộp Thầy của ông (Ga 13,2.21; 18,2.5; Cf. Mc 14,42.44; Mt 26,46.48). Giu-đa cũng được đề cập đến như là quỷ (διάβολός) ở cuối đoạn này: “Một người trong anh em là quỷ” (Ga 6,70). Trong trình thuật “Rửa Chân” cho các môn đệ, Đức Giê-su lại nhắc đến Giu-đa như là người “không sạch” ám chỉ đến hành động “nộp” Người. Danh xưng “Đấng Thánh của Thiên Chúa” (6,69) gợi nhớ đến lời của thần ô uế: “Tôi biết ông là ai rồi: Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Mc 1,24; Lc 4,34). Thiên thần Gáp-ri-el cũng tiền báo Đức Giê-su là “Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1,35). Trong bài giảng cho người Do Thái, Phê-rô cũng gọi Đức Giê-su là “Đấng Thánh và Đấng Công Chính” (Cv 3,14).
Cấu Trúc
Có thể chia đoạn văn này thành hai phần ứng với hai phản ứng trái ngược nhau của hai nhóm người. Phần I là phản ứng của nhiều môn đệ. Phần II là đáp trả của Nhóm Mười Hai qua lời của Phê-rô. Phần I bao gồm 3 cặp tiểu phần song song với nhau: (A) Lời này khó nghe dẫn đến sự vấp ngã // đành động cuối cùng là rút lui, không đi chung với Đức Giê-su nữa; (B) Không thể đón nhận chân lý: Con người lên nơi đã ở trước đây // (B’) Không tin – nộp Người – không đến được với Đức Giê-su; (C) Thần khí làm cho sống, xác thịt thì vô ích // (C’) lời của Đức Giê-su là sinh khí và sự sống. Phần II bao gồm câu hỏi của Đức Giê-su (A) và phần đáp trả có tính xác tín của Nhóm Mười Hai (B).
I. Phản ứng của nhóm các môn đệ: Vấp ngã – Không tin – Rút lui
(A) Lời này khó nghe – gây vấp ngã (6,60-61a) (B) Không thể đón nhận: Con Người lên nơi đã ở trước đây (6,61b). (C) Sinh khí mới là điều làm cho sống – xác thịt vô ích (6,62) (C’) Lời Đức Giê-su: sinh khí và sự sống (6,63) (B’) Không tin – nộp – không đến được với Đức Giê-su (64-65) (A’) Rút lui – không còn đi chung (6,66) II. Phản ứng của nhóm Mười Hai (6,67-69) Tin và biết Thầy là Đấng Thánh. A. Câu hỏi của Đức Giê-su: Không phải anh em cũng muốn rút lui chứ? (6,67) B. Đáp trả: Thầy có lời của sự sống đời đời (6,68) Tin và biết rằng Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa (6,69) |
Một số điểm chú giải
- “Các môn đệ”: Trong bối cảnh này, nhóm “các môn đệ” được phân biệt với Nhóm Mười Hai. Tuy nhiên, các thành viên của Nhóm Mười Hai cũng được gọi là “các môn đệ” (Ga 6,8: Một trong các môn đệ là ông An-rê, thưa với Người; Ga 6,71: Giu-đa con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt, một môn đệ trong Nhóm Mười Hai). Nhóm các môn đệ ở đây có lẽ là lớn hơn Nhóm Mười Hai. Luca có nhắc đến một nhóm 72 môn đệ được Đức Giê-su chỉ định và sai đi “từng hai người một” và họ đã trở về hớn hở khi thấy ma quỷ khuất phục trước danh của Đức Giê-su (Lc 10,1.17). Gioan không nhắc đến nhóm 72 môn đệ này. Đối với ông, môn đệ là chỉ chung cho tất cả những ai đi theo và học hỏi với Đức Giê-su. “Môn đệ” trong tiếng Hy Lạp là “người học hỏi”, “người học trò”. Cũng như các môn đệ Gioan Tẩy Giả, họ đi theo và học hỏi với ông một thời gian, rồi một vái người trong số họ đã theo Đức Giê-su, khi được Gioan giới thiệu (An-rê là một ví dụ). Một “môn đệ” đúng nghĩa là người “ở lại trong lời” của Đức Giê-su (Ga 8,31). Đặc điểm nhận dạng các môn đệ của Đức Giê-su là tình yêu mà họ dành cho nhau: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35). Khuôn mẫu chuẩn của người môn đệ trong Tin Mừng thứ tư chính là “Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến”. Người duy nhất đã ở trong lòng Đức Giê-su trong Bữa Tiệc Ly (Ga 13,23). Ông cũng là môn đệ duy nhất hiện diện dưới chân thập giá Chúa và đã được Đức Giê-su nói lời di chúc: “Đây là con của Mẹ…Đây là Mẹ của con” (Ga 19,26-27). Người môn đệ duy nhất đã thấy ngôi mộ trống và đã tin cũng chính là ông (Ga 20,8). Nhóm môn đệ này đã cuối cùng đã rút lui, vì họ không chấp nhận “lời” của Đức Giê-su.
- “Nhóm Mười Hai”: “Nhóm Mười Hai”[1] được nhắc đến trong Tin Mừng thứ tư tất cả 4 lần. Trong 4 lần đó thì có đến 3 lần được nằm trong đoạn văn này (6, 67.70.71). Khác với Tin Mừng Nhất Lãm. Tin Mừng thứ tư không ghi lại sự kiện Đức Giê-su lập Nhóm Mười Hai cũng như không có một danh sách Nhóm Mười Hai trọn vẹn. Có một lần duy nhất tác giả liệt kê tên các Tông Đồ, nhưng cũng không đầy đủ (Ga 21,2: Ông Si-môn, ông Tô-ma gọi là Di-Đy-mô, Ông Na-tha-na-el người Cana miền Ga-li-lê, các con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa). Tên Na-tha-na-el là tên mà Gioan gọi khác với tác giả Tin Mừng Nhất Lãm, nơi thường gọi ông này là Ba-tô-lô-me-ô. Cách mà Gioan tường thuật Đức Giê-su gọi bốn môn đệ đầu tiên cũng khác so với Tin Mừng Nhất Lãm. Theo các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm, Đức Giê-su gọi bốn môn đệ đầu tiên là 2 cặp anh em ruột: Phê-rô, An-rê, Gia-cô-bê, Gioan (Mc 1,16-20; Mt 4, 18-22; Lc 5,1-11). Theo tác giả Tin Mừng thứ tư, An-rê là một trong hai môn đệ của Gioan Tẩy Giả, những người đã đến xem và ở lại với Đức Giê-su (Ga 1,37-39). Sau đó, ông giới thiệu với em mình là Si-môn. Đức Giê-su đã “nhìn ông Si-môn” và đổi tên ông thành Kê-pha nghĩa (Phê-rô) (Ga 1,42). Rồi, Đức Giê-su gọi riêng ông Phi-líp-phê, người cùng quê với Si-môn và An-rê (Bết-sai-đa) (Ga 1,43-44). Ông Phi-líp-phê lại giới thiệu về Đức Giê-su cho ông Na-tha-na-el, nhưng ông này tỏ vẻ khinh thường vì nguồn gốc Na-gia-rét của Đức Giê-su. Tuy nhiên, khi Đức Giê-su gặp ông và nói chuyện với ông, thì ông đã được biến đổi và tuyên xưng rằng: “Lạy Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là vua Ít-ra-el” (Ga 1,49). Như vậy, bốn môn đệ đầu tiên mà Đức Giê-su gọi trong Tin Mừng Gioan không giống với bốn môn đệ đầu tiên trong Tin Mừng Nhất Lãm (An-rê, Si-môn, Phi-líp-phê, và Na-tha-na-el). Chính Tác giả Gioan cũng không bao giờ dùng danh xưng Tông Đồ để gọi thành viên của Nhóm Mười Hai. Ông chỉ gọi họ là các môn đệ (μαθητής). Như đã nói trên, môn đệ trong tiếng Hy Lạp là “học trò”, “người học”, “sinh viên”.[2] Tin Mừng Nhất Lãm gọi thành viên nhóm Mười Hai là các “Tông đồ” (ἀπόστολος) trong tiếng Hy Lạp là “sứ giả”, “người được sai đi”. Luca nói rõ là Đức Giê-su đã tuyển chọn mười hai ông giữa nhóm các môn đệ và gọi họ là “các Tông Đồ” (Lc 6,13). Còn Mác-cô thì nêu rõ mục đích Đức Giê-su lập Nhóm Mười Hai là để họ ở với Người và Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ (Mc 3,14). Quả thật, trong Tin Mừng Nhất Lãm, có trình thuật về việc Đức Giê-su sai các Tông Đồ đi rao giảng (Mc 6,1-13; Mt 10,5-15; Lc 9,1-6). Trong Tin Mừng Gioan, sứ vụ sai đi được “cất dành” cho đến sau khi Đức Giê-su Phục Sinh: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Theo Gioan, trong thời hoạt động công khai của Đức Giê-su, các môn đệ, kể cả Nhóm Mười Hai đi bên cạnh Đức Giê-su như những “người học trò”, “người sinh viên”. Trong Diễn Từ Bánh Hằng sống, nơi mà Nhóm Mười Hai được nhắc đến nhiều nhất trong Tin Mừng Gioan, nhóm này được Đức Giê-su nhắc đến như nhóm được chọn. Trong nhóm này, có nhiều người đã tin vào Đức Giê-su nhưng cũng có kẻ đã nộp Người. Đừng quên, trong Cuộc Thương Khó, chính Phê-rô cũng đã từ chối thân phận môn đệ của mình trước mặt một người phụ nữ (Ga 18,17.25), còn các môn đệ khác thì bỏ chạy hết, trừ một mình “người môn đệ Đức Giê-su yêu mến”.
Hình ảnh Đức Giê-su quay qua hỏi Nhóm Mười Hai sau khi hầu hết mọi người, kể cả nhiều môn đệ đã quay lưng với Người, gợi nhớ đến câu chuyện Đức Giê-su chất vấn Nhóm Mười Hai về căn tính của Người: “Người ta bảo Con Người là ai?”. Sau những câu trả lời mang tính đồn đoán của dân chúng (người cho là Ê-li-a, Giê-rê-mi-a, hay một trong các ngôn sứ), Phê-rô, đại diện cho Nhóm Mười Hai đã tuyên xưng: Thầy là Đấng Ki-tô (Mc 8,27-30; Mt 16,13-20; Lc 9,18-21). Như thế, ở đây Nhóm Mười Hai cũng xuất hiện như những người tin và hiểu biết về Đức Giê-su hơn hẳn những người khác.
- “Lời này” … “những lời mà Thầy đã nói”: Trung tâm của cuộc tranh luận là “lời này”. “Lời” với mạo từ xác định (ὁ λόγος) diễn tả những điều đã nói trước đó. Từ đầu diễn từ Bánh Hằng Sống Đức Giê-su đã nói nhiều. Tuy nhiên, “lời” làm cho cho nhiều môn đệ phản ứng là những lời ngay trước đoạn văn này (Ga 6,50-58). Cụ thể là lời mời gọi “ăn thịt và uống máu” của chính Đức Giê-su (6, 53.54.56). Đây là những “lời” diễn tả cụ thể và sống động về Bí Tích Thánh Thể. “Lời này” cũng có thể hiểu là những lời mà Đức Giê-su nói từ đầu Diễn Từ cho đến lúc này.[3] Có thể là trước đó các môn đệ chưa phản ứng, vì đã có đám đông và những người Do Thái phản ứng rồi. Bây giờ đến lượt các môn đệ phản ứng. Đó có thể là cách tường thuật giới hạn đối tượng phản đối cách tiệm tiến của tác giả Tin Mừng: “Đám đông” – “những người Do Thái” – “Các môn đệ”. Sau đó, Đức Giê-su giải thích cho họ rằng “những lời” mà Đức Giê-su “đã nói” chính là “sinh khí” và là “sự sống”[4] nhưng họ vẫn không chấp nhận. Tương tự như “lời này”, “những lời” mà Đức Giê-su đã nói trong bối cảnh trực tiếp có thể là lời mời gọi “ăn thịt và uống máu”, có thể cũng là “lời này” mà nhóm môn đệ đang thắc mắc. Tuy nhiên, “những lời” của Đức Giê-su có thể mở rộng ra toàn bộ những lời trong Diễn Từ Bánh Hằng Sống cũng như toàn bộ giáo huấn của Đức Giê-su trong các sách Tin Mừng. Những lời này mang đến cho người nghe và đón nhận “sinh khí và sự sống”. Lời mà Đức Giê-su đã nói theo nghĩa này phù hợp với “những lời ban sự sống đời đời” mà Phê-rô đã tuyên xưng sau đó: “Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời”. Trong những đoạn trước, độc giả đã có dịp tìm hiểu về “bánh ban sự sống đời đời”. Đức Giê-su chính là “bánh ban sự sống đời đời” (Ga 6,48). “Bánh ban sự sống” có thể được hiểu theo hai nghĩa: (i) Bánh Thánh Thể (Mình Máu Chúa); (ii) Lời khôn ngoan của Đức Giê-su.[5] Cách hiểu thứ hai được thể hiện rõ trong đoạn này (Ga 6,60-69), cũng là đoạn kết của Diễn Từ. Bánh ban sự sống đời đời = lời ban sự sống đời đời = Đức Giê-su.
- Lẩm bẩm phàn nàn: Động từ diễn tả phản ứng của nhóm “nhiều môn đệ” (γογγύζω: Xầm xì phản đối) giống với động từ mà những người Do Thái phản ứng khi Đức Giê-su nói về nguồn gốc “từ trời” của Người: “Người Do Thái liền xầm xì phản đối vì Đức Giê-su đã nói: “Tôi là bành từ trời xuống” (Ga 6,41). Sau đó, khi Đức Giê-su nói rằng: “Bánh tôi sẽ ban tặng chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6,51), Người Do Thái lại tiếp tục tranh luận với nhau: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt của ông ta được” (6,52). Trong đoạn này đến lượt các môn đệ “xầm xì phản đối” về lời mời gọi “ăn thịt” và “uống máu” của Đức Giê-su. Đối tượng tranh luận không còn là những người Do Thái nữa mà là chính các môn đệ của Đức Giê-su. Như thế, đối tượng tranh luận ngày càng được mở rộng ra đến những người có tương quan gần với Đức Giê-su hơn. Theo như lời diễn giải của Đức Giê-su, thì các môn đệ đã bị vấp ngã vì lời mời gọi của Người (σκανδαλίζω) (skandalizo). Động từ này chính là nguồn gốc của thuật ngữ “scandal” (vụ bê bối) ngày nay. Trong tiếng Hy Lạp, nó có nghĩa là “gây vấp ngã”. Bản dịch Tiếng Việt là “lấy làm chướng, không chấp nhận được” (CGKPV); “làm cho gai chướng” (NTT); Bản Anh Ngữ là “take offense at” (ESV); Bản Ý Ngữ: “scandalizza” (CEI); Bản Pháp Ngữ là “une cause de scandale” (TOB). Họ đã thật sự “vấp ngã” và không muốn nghe Người nữa.
- “Đi lên nơi Người đã ở”: Mệnh đề “nơi Người đã ở” đưa các môn đệ quay trở lại với chủ đề nguồn gốc “từ trời” đã được những Người Do Thái xầm xì phản đối trước đó. Người là bánh hằng sống từ trời xuống (6,33.41.50.51). Người chính là Đấng từ nơi Chúa Cha mà đến và đã thấy Chúa Cha (6,46). Tác giả Tin Mừng thứ tư đã mạc khải ngay từ đầu là: “Vào thuở ban đầu đã có Lời, và Lời hằng hướng về Thiên Chúa và Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1). Người cũng là “Con Một, là Thiên Chúa, Đấng hằng ở trong cung lòng Chúa Cha” (Ga 1,18). Người thuộc thượng giới (Ga 8,23); “Con Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3,13.31). Động từ “đi lên” (ἀναβαίνω) liên tưởng đến sự thăng thiên của Đức Giê-su: “Đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha… Thầy lên cùng Cha của Thầy cũng là Cha của anh em, cùng Chúa của Thầy cũng là Chúa của anh em” (Ga 20,17). Đức Giê-su đã dùng danh xưng “Con Người” để nói về mầu nhiệm “đi lên” tương tự như danh xưng mà Người đã dùng trong cả 3 lần tiền báo về Cuộc Tử Nạn – Chết – Phục Sinh (Mc 8,31; 9,31; 10,33). Trong cuộc đối thoại với Ni-cô-đê-mô Đức Giê-su cũng dùng danh xưng này để nói: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3,13). Khoảnh khắc Đức Giê-su bước vào Cuộc Khổ Nạn được xem như là giờ Đức Giê-su “khởi hành khỏi thế gian về cùng Chúa Cha” (Ga 3,1; Cf. 16,28). Những chân lý về nguồn gốc “từ trời”, “từ Chúa”, rồi “đi lên cùng Cha” của Đức Giê-su dường như quá tầm hiểu biết của những môn đệ này. Câu văn của Đức Giê-su chỉ có mệnh đề “nếu” và thiếu đi mệnh đề “thì” (Nếu anh em nhìn thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia?”). Có 3 giải pháp được đưa ra cho mệnh đề “thì”. (1) (liên kết với c.61) Thì anh em càng bị vấp ngã hơn (bị shock hơn) hay thì sự vấp ngã của anh em sẽ được gỡ bỏ; (2) (liên kết với cc.48-50) Thì anh em sẽ hiểu bánh ban sự sống, bánh đến từ trời; (3) (liên kết với cc. 51-58) Thì anh em sẽ đánh giá “thịt của tôi” một cách khác đi.[6]
- Pnêu-ma và sự sống: Có hai từ “Pnêu-ma được dùng trong 6,63. Hầu hết các bản dịch Anh, Ý, Pháp, đều chọn dịch chữ pnêu-ma thứ nhất viết in hoa (ngụ ý là Ngôi Ba Thiên Chúa) (Thần Khí là Đấng làm cho sống). Nhóm CGKPV dịch chữ pnêu-ma thứ nhất là “thần khí” (in thường) có vẻ hợp lý vì nó đối lại với xác thịt. Từ pnêu-ma thứ hai được chọn viết in thường “thần khí, hơi thở, gió, khí, sinh khí” (ngụ ý là một đặc tính thuộc về con người làm cho con người): “Lời mà Thầy đã nói với anh em là thần khí và là sự sống”. Sự sống bên trong của con người được chia thành hai phần: “Linh hồn” và “tinh thần” (ψυχὴ καὶ πνεῦμα). “πνεῦμα” là phần làm cho cơ thể trở nên sống động (hơi thở, hay tinh thần sống); hay là “một phần cá tính của con người” (tinh thần) (đối lại với xác thịt: tinh thần và xác thịt).[7] “Xu-khê” (ἡ ψυχή) trong tiếng Hy Lạp là linh hồn, sự sống, nguyên lý sống, “trung tâm của sự sống bên trong con người trong nhiều khía cạnh khác nhau của nó” như là cảm xúc và cảm giác.[8] Trong thư thứ hai gửi tín hữu Thes-sa-lo-ni-an, thánh Phao-lô nói đến 3 phần của một con người: Tinh thần, linh hồn, và thể xác (τὸ πνεῦμα καὶ ἡ ψυχὴ καὶ τὸ σῶμα) (1 Tx 5,23: “Giờ đây nguyện xin Thiên Chúa thánh hóa anh em cách hoàn toàn, và nguyện xin cho toàn thể tinh thần, linh hồn và thân thể anh em được gìn giữ vẹn toàn, không gì đáng trách, vào lúc Đức Giê-su Ki-tô ngự đến”). Các môn đệ thất bại trong việc đón nhận những lời và những hành động của Đức Giê-su, vì họ đánh giá nông cạn theo tính xác thịt. Theo Đức Giê-su, “xác thịt nào có ích gì” (6,63b).[9]
- “Một số người không tin … kẻ nộp Người”: Chi tiết này khẳng định khả năng hiểu biết thần linh của Đức Giê-su. Đức Giê-su gọi Giu-đa là “quỷ”: “Chẳng phải Thầy đã chọn anh em, Nhóm Mười Hai? Vậy mà một người trong anh em là quỷ” (Ga 6,70). Người thuật chuyện đã ghi chú về câu nói của Đức Giê-su và làm rõ tên của nhân vật mà Đức Giê-su muốn nói: “Người muốn nói về Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt; thật thế, chính y, một môn đệ trong Nhóm Mười Hai, sẽ nộp Người” (Ga 6,71). Chi tiết Đức Giê-su mạc khải về “quỷ” tính trong con người Giu-đa sẽ được người thuật chuyện nói rõ khi tường thuật về biến cố “giờ” của Đức Giê-su: “Ma quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa ý định nộp Người” (Ga 13,2). Đối với tác giả Tin Mừng thứ tứ, Giu-đa nộp Đức Giê-su, vì hắn đã bị ma quỷ khống chế và trở thành công cụ của “quỷ”. Theo Mát-thêu, Giu-đa nộp Đức Giê-su, vì “ba mươi đồng bạc” (Mt 26,15; 27,3.9). Trong Tin Mừng thứ tư, có nhiều lần người thuật chuyện gắn liền tên của Giu-đa với hành động “trao nộp” (Giu-đa, kẻ nộp Người) (x. 12,4; 18,2.5). Chính Đức Giê-su cũng cho các môn đệ biết danh phận của “kẻ nộp” Người trong Bữa Tiệc Ly, khi Người chấm miếng bánh và trao cho Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt (Ga 13,26). Đây chính là tín hiệu mà Người đã bật mí cho “Người môn đệ Chúa yêu” về danh tánh “kẻ nộp” Người. Một số người không tin là nhóm các môn đệ đã “rút lui”, không theo Người nữa.
- “Không ai có thể đến với Thầy trừ khi được Chúa Cha ban ơn”: Kiểu nói này có cùng nội dung với kiểu nói Đức Giê-su đã nói với những người Do Thái trước đó: “Chẳng ai có thể đến được với tôi nếu Chúa Cha, Đấng đã sai tôi không lôi kéo Người ấy” (Ga 6,44). “Lôi kéo” là những tác động, thu hút, thúc đẩy, chỉ dẫn từ Chúa Cha. Thẩm quyền đó chắc chắn là của Chúa Cha, nhưng Chúa Cha không hạn chế ban ơn cho tất cả mọi người, lôi kéo mọi người đến với Đức Giê-su. Quyền tự do chọn lựa là thuộc về mỗi cá nhân. Họ có thật sự học hỏi về Chúa Cha, tin tưởng và để cho Người lôi kéo hay không. Thực tế, không chỉ những người Do Thái không thể đến với Đức Giê-su mà ngay cả một số “môn đệ” cũng không thể chấp nhận “những lời” của Đức Giê-su.
- “Đi ra đằng sau … không còn đi với”: Phản ứng của nhóm các môn đệ đến cao điểm, khi nhiều người trong họ quyết định đi ra đằng sau (rút lui). Động từ “đi về phía sau” được giải thích cụ thể bằng một động từ nữa “không còn đi với Người nữa” (không còn chung lối nữa). Nghĩa là đường ai nấy đi. Từ nay, Đức Giê-su đi đường của Người, còn họ đi đường của họ. Tin Mừng Nhất Lãm cũng kể về câu chuyện một chàng thanh niên (Lc: Một thủ lãnh; Mc: Một người) giàu có đến để tham vấn Đức Giê-su về bí quyết để có “sự sống đời đời”. Đức Giê-su có cảm tình với anh ta, vì anh ta giữ Luật rất tốt. Tuy nhiên, khi Người khuyên anh là “hãy bán tất cả những gì anh có, cho người nghèo, rồi đến theo” Người, anh ta liền buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải (Mt 19,16-22; Mc 10,17-22; Lc 18,18-23). Câu chuyện này cũng có đề tài liên quan đến sự sống đời đời. Nếu như “người thanh niên” trong Tin Mừng Nhất Lãm được yêu cầu bỏ đi mọi sự và theo Đức Giê-su, những môn đệ trong Tin Mừng Gioan được mời gọi “ăn thịt” và “uống máu” của Đức Giê-su. Kết cục chung đáng buồn là họ đều “bỏ đi”, “không đi với” Người nữa. Nhóm môn đệ này có thể là những người đã có cơ hội được nhìn thấy phép lạ “hóa bánh ra nhiều”; “Đức Giê-su đi trên mặt nước” và tự mạc khải của Người “Ta hiện hữu” (ego eimi), nghe toàn bộ bài giảng của Người, nhưng đến cuối cùng họ lại thất bại trong việc đón nhận Người như là nhóm “đám đông” và “những người Do Thái”.[10]
- “Đã tin và biết”: Thính giả của Diễn Từ Bánh Hằng Sống ngày càng ít dần. Chúng ta không nghe nói “đám đông”, nhóm những người Do Thái bỏ đi, nhưng những tranh luận, xầm xì phản đối của họ cho thấy rất khó để họ tin theo Đức Giê-su. Ngay cả nhiều môn đệ của Đức Giê-su cũng “chia tay” với Người. Chỉ còn lại vọn vẹn Nhóm Mười Hai. Với lời tuyên xưng của Phê-rô, đại diện Nhóm Mười Hai, chúng ta biết được họ “đã tin” và “đã biết”. Cả hai động từ này đều được dùng ở thì hoàn thành, một loại thì thường dùng để chỉ hiệu quả kéo dài của hành động. Hành động “tin” và “biết” của họ đã diễn ra trong quá khứ, nhưng hiệu quả vẫn còn. Thực tế là họ đã và đang đi theo Đức Giê-su và tiếp tục nghe Người. Nói theo kiểu của R. Beasley-Murray, sự biểu lộ đức tin và niềm hy vọng một cách đầy nhiệt huyết trước đây đã tiến triển tròn đầy hơn về đức tin và hiểu biết về Đức Giê-su.[11] Tiếc thay, không phải tất cả họ, bởi người thuật chuyện đã cho biết “ngay từ đầu Đức Giê-su biết những kẻ nào không tin và kẻ nào sẽ nộp Người”. Ngay trong Nhóm Mười Hai không những có kẻ không tin mà còn có kẻ nộp Người.
- “Đấng Thánh của Thiên Chúa”: Trong Tin Mừng Nhất Lãm, Phê-rô tuyên xưng Đức Giê-su là “Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa Hằng Sống” (Mt 16,16; Mc 8,29; Lc 9,20). Trong Tin Mừng thứ tư, ông tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Thánh của Thiên Chúa. Đây là danh hiệu mà thần ô uế đã nhận ra và công bố trong Tin Mừng Nhất Lãm: “Ông Giê-su Na-gia-rét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Mc 1,24). Chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng Thánh. Trong Cựu Ước, “Người Thánh” hay “Đấng Thánh của Thiên Chúa ám chỉ những người được thánh hiến cho Chúa như là Samson trong Tl 13,7 và 16,17; Aharon trong Tv 106,16. Trong bối cảnh những người Do thái cho rằng Người phạm thượng, Đức Giê-su cũng đã gọi mình là Đấng được Chúa Cha thánh hóa và sai xuống trần gian.[12] “Đấng Thánh” cũng có thể hiểu như là Đức Giê-su là một tư tế như cách hiểu của tác giả thư Híp-ri (Dt 3,1;4,14). Đức Giê-su là Đấng Thánh của Thiên Chúa có thể theo nghĩa là Người là Đấng Ki-tô, Đấng đã được Thiên Chúa xức dầu Thánh Hiến. Có một số bản Tin Mừng Gioan tiếng Hy Lạp, bản tiếng Syriac cổ và bản Latinh Vulgata đã viết là “Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa” (thay vì Đấng Thánh của Thiên Chúa). Như thế, lời tuyên xưng của Phê-rô ở đây có thể có ý nghĩa tương tự như lời tuyên xưng trong Tin Mừng Nhất Lãm. Trong Luca, Đức Giê-su được sứ thần Gap-ri-el giới thiệu là Đấng Thánh (Lc 1,35: Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa). Trong sách Công Vụ, Phê-rô cũng tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Thánh và Đấng Công Chính (Cv 3,14: Anh em đã chối bỏ Đấng Thánh và Đấng Công Chính mà lại xin ân xá cho một tên sát nhân). Tác giả thư thư nhất của Phê-rô cũng gọi Đức Giê-su là Đấng Thánh: “Anh em hãy sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em” (1 Pr 1,15; Cf. 1 Pr 3,15). Danh xưng “Đấng Thánh” trong các ví dụ vừa nêu diễn tả thần tính của Đức Giê-su. Người là Thiên Chúa.
BÌNH LUẬN TỔNG QUÁT
Diễn từ Bánh Hằng Sống ngay từ đầu được mở ra cho cả đám đông đi theo Đức Giê-su từ Ti-bê-ri-a. Họ được mời gọi “làm việc vì của ăn duy trì sự sống đời đời” (Ga 6,27). Công việc đơn giản là “tin vào Đấng mà Thiên Chúa đã sai đến”. Đám đông bắt đầu đặt vấn đề về sự đáng tin cậy của Đức Giê-su, vì họ có trong đầu truyền thống Thiên Chúa cho cha ông họ ăn Manna qua ông Mô-sê. Đức Giê-su giải thích cho họ rằng là chính Chúa Cha là Đấng đã ban bánh từ trời. Đề tài đã có lúc trở nên rất hấp dẫn, thu hút họ khi Đức Giê-su nói rằng “bánh Thiên Chúa ban là Đấng từ trời xuống, Đấng mang lại sự sống cho thế gian” (6,32). Thật vậy, họ đã xin Người cho được ăn mãi thứ bánh ấy. Tuy nhiên, khi Đức Giê-su cho họ biết rằng bánh ấy chính là Người thì sự nghi ngờ bắt đầu nảy sinh (6,36). Những người Do Thái vào cuộc tranh luận về nguồn gốc “từ trời của Đức Giê-su”, bởi họ biết quá rõ về nguồn gốc trần gian của Người (Con ông Giu-se và bà Maria, quê ở Na-gia-rét, một nơi chẳng có gì đặc biệt). Khi Đức Giê-su còn chưa thuyết phục họ về nguồn gốc “từ trời” thì lời mời gọi “ăn thịt” và “uống máu” của Người càng trở nên khó chấp nhận hơn. Có thể lời mời gọi uống máu đụng chạm đến truyền thống ngàn đời của người Do Thái là cấm ăn tiết động vật: “Các ngươi không được ăn thịt với mạng sống của nó tức là máu” (St 9,4). Hình phạt dùng cho người ăn tiết rất là nặng: “Bất cứ người nào thuộc nhà Ít-ra-el ăn hoặc trong số ngoại kiều sống giữa chúng, ăn bất cứ thứ huyết nào, thì ta sẽ quay mặt phạt kẻ ăn huyết và loại trừ nó ra khỏi dân nó, vì mạng sống của xác thịt là máu, vì Ta, Ta đã ban máu cho các ngươi, trên bàn thờ, để cử hành Lễ Xá Tội. Thật vậy máu xá tội được vì nó là mạng sống” (Lv 17,10-11; Cf. Lv 7,26; 17,26; Đnl 12,16.23-25; 15,23). Quả thực, lời mời gọi có phần lạ lùng này cũng làm cho chính các môn đệ của Đức Giê-su cảm thấy khó nghe, và khó chấp nhận. Nếu trong truyền thống Cựu Ước, máu là phần bị cấm ăn vì nó là sự sống, thì Đức Giê-su lại mời gọi ăn máu để thông phần vào sự sống với Người. Thính giả của Đức Giê-su ngày càng phản đối nhiều hơn và đồng nghĩa với việc ngày càng có ít người theo Đức Giê-su hơn. Thực tế là nhiều môn đệ đã rút lui, không đi theo Đức Giê-su nữa. May mắn thay, còn có Nhóm Mười Hai đã tin và đã biết rằng Đức Giê-su là Đấng Thánh của Thiên Chúa. Tuy vậy, ngay trong Nhóm Mười Hai lại cũng có kẻ manh nha nộp Đức Giê-su. Cái nghịch lý người tin – kẻ không tin; người theo – kẻ bỏ; người đón nhận – kẻ chối từ là một nghịch lý tất yếu trong sứ mạng rao giảng của Đức Giê-su. Tin Mừng Gioan đã cho thấy điều này ngay từ Lời Tựa: “Thế gian nhờ Người mà có nhưng lại không biết Người; Người đã đến nhà mình nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận; còn những ai đón nhận tức là những ai tin vào danh của Người, thì Người cho họ quyền trở nên Con Thiên Chúa” (Ga 1,11-12) và nghịch lý này cứ tiếp tục (Ga 3,11-21.31-36).[13]
Có thể nói rằng, thính giả của thời Đức Giê-su cũng như các thành viên ki-tô hữu của cộng đoàn Gioan, thế kỷ thứ nhất đang phải trải qua thời kỳ tranh đấu và chứng minh cho căn tính, thần tính của Chúa Ki-tô, những luận điểm ki-tô học trọng điểm về Người. Người là Đấng từ trời xuống. Người từ nơi Thiên Chúa mà đến; là bánh ban sự sống đời đời cho nhân loại. Mạc khải về Bí Tích Thánh Thể: “Thịt tôi thật là của ăn và máu tôi thật là của uống; ai ăn thịt và uống máu tôi thì ở trong tôi và tôi ở trong người ấy; ai ăn thịt và uống máu tôi thì được sống đời đời và tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6,54-56), cũng không phải là một mạc khải dễ hiểu và dễ đón nhận cho cả người Do Thái và cả những ki-tô hữu sơ khai. “Nhiều môn đệ” đã bị vấp ngã và rút lui trước giáo huấn này. Giáo Lý Hội Công Giáo dạy rằng “Trong Thánh Lễ, nhờ lời Đức Ki-tô và lời Hội Thánh kêu cầu Chúa Thánh Thần, bánh và rượu trở nên Mình và Máu Đức Ki-tô”.[14] Trích lại lời của Công Đồng Tren-tô, GLHTCG cũng khẳng định rằng trong Bí tích Thánh Thể “có sự hiện diện đích thực, thực sự và bản thể của Mình và Máu Đức Ki-tô, cùng với linh hồn và thiên tính của Người tức là Đức Ki-tô trọn vẹn”.[15] Ngược lại, với những ki-tô hữu Công Giáo, những ki-tô hữu Tin Lành chỉ xem Cử Hành Bẻ Bánh như là như là một tưởng niệm, theo lời Đức Giê-su đã nói: “Các con hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thấy”. Có nghĩa là, theo họ, Đức Giê-su không thật sự hiện diện trong bánh và rượu. Chúng không phải là Mình và Máu thánh Người. Tình huống này có vẻ tương tự như sự phân rẽ giữa nhóm “nhiều môn đệ” và Nhóm Mười Hai mà tác giả Tin Mừng thứ tư đã đề cập. Tác giả đã ghi lại những mạc khải trù phú về Bí Tích Thánh Thể, điều mà các độc giả không thể tìm thấy trong các Tin Mừng Nhất Lãm. Có thể nói rằng: Diễn Từ Bánh Hằng Sống của Tin Mừng thứ tư như là một diễn giải hoàn hảo cho việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể được ghi lại trong Tin Mừng Nhất Lãm và thư Phao-lô (1 Cr 11,23-25; Mc 14,22-24; Mt 26,26-28; Lc 22,19-20).
Lời tuyên xưng của Phê-rô “[duy nhất] Thầy có lời ban sự sống đời đời” là một cái kết hoàn hảo cho Diễn Từ Bánh Hằng sống, trong đó chủ đề Đức Giê-su là “bánh ban sự sống đời đời”. “Tấm Bánh Giê-su” vừa là “lời” có thần khí và sự sống, vừa là thịt và máu của Người. Khi tham dự Thánh Lễ, các ki-tô hữu được mời gọi tham dự cách trọn vẹn vào bàn tiệc “Lời Chúa” và bàn tiệc “Thánh Thể”, nơi đó họ nhận được nguồn sống cho đời sống hiện tại và sự sống vĩnh cửu. Họ được mời gọi lấy Lời Chúa Giê-su và thịt máu Người làm nguồn sống cho mình. Ai ăn thịt và uống máu Chúa, chìm đắm trong lời Chúa thì ở trong Chúa và Chúa ở trong mình. Như thế thì họ có thể nói như thánh Phao-lô: “Tôi sống không còn là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20). Bí tích Thánh Thể không những giúp cho các ki-tô hữu trở nên một với Chúa mà còn làm cho họ trở nên một với nhau, bởi vì tất cả cùng chia sẻ một thân mình và máu của Chúa Ki-tô. Như thế, Bí Tích Thánh thể giúp cho con người tìm lại mối tương quan ruột thịt mà sách Sáng Thế đã mạc khải: “Này là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi”. Nhân loại vốn thuộc về nhau và cần có nhau là thế.
Joseph Phạm Duy Thạch, SVD.
Chú thích:
[1] Xem thêm về “Nhóm Mười Hai” trong J.P.D. Thạch, “Từ Hoán Cải đến Chứng Nhân Của Sự Hoán Cải. Chú Giải Tin Mừng CN V TN B (Mc 6,6b-13)” [LỜI BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI (ῥήματα ζωῆς αἰωνίου): TỪ HOÁN CẢI ĐẾN CHỨNG NHÂN CỦA SỰ HOÁN CẢI. Chú Giải Tin Mừng CN V TN B (Mc 6,6b-13) (josephpham-horizon.blogspot.com)] (truy cập 17/08/2021).
[2] A Greek-English lexicon of the New Testament and other early Christian literature (ed. F.W. Danker) (BDAG; Chicago – london 2001) “μαθητής”, 609.
[3] Theo R. Beasley-Murray, “Lời này” (lời khó nghe) bao gồm toàn bộ thảo luận từ cc.35-59 [R.G. Beasley-Murray, John (WBC; Dallas 1999) XXXVI, 96].
[4] Một vài tác giả cho rằng khi nói đến sự sống Đức Giê-su đang nhấn mạnh giá trị của chính lời của Người đối lại với những lời của ông Mô-sê. Có thể Đức Giê-su thach thức loại suy nghĩ của người Do Thái được tìm thấy âm vang trong Midrash Mekita về Xh 15,26: “Những lời của Lề Luật mà tôi đã ban cho anh chị em là sự sống cho anh chị em.” [R.E. Brown, The Gospel according to John (I–XII): Introduction, translation, and notes (AYB; New Haven – London 2008) XXIX, 297].
[5] X. J.P.D. Thạch SVD, “Từ Bánh đến Thịt. Chú Giải Tin Mừng CN XIX TN B” [LỜI BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI (ῥήματα ζωῆς αἰωνίου): TỪ BÁNH ĐẾN THỊT. Chú giải Tin Mừng CN XIX TN B (josephpham-horizon.blogspot.com)].
[6] R.E. Brown, The Gospel according to John (I–XII): Introduction, translation, and notes (AYB; New Haven – London 2008) XXIX, 296.
[7] BDAG, “πνεῦμα”, 833.
[8] A Greek-English lexicon of the New Testament and other early Christian literature (ed. F.W. Danker) (BDAG; Chicago – london 2001) “ψυχή”, 1099.
[9] F.J. Moloney, The Gospel of John (SP4; Collegeville 2005) 228
[10] F.J. Moloney, The Gospel of John, 227.
[11] R.G. Beasley-Murray, John (WBC; Dallas 1999) XXXVI, 97.
[12] R.E. Brown, The Gospel according to John (I–XII), 298.
[13] F.J. Moloney, The Gospel of John (SP4; Collegeville 2005) 227.
[14] GLHTCG, 1333, 1353.
[15] GLHTCG, 1374.