Chú Giải Tin Mừng Chúa Nhật IV Mùa Vọng, Năm C (Lc 1,39-45.56)

0
514

NIỀM VUI CHIA SẺ NIỀM VUI ĐẦY

Lm. Giuse Phạm Duy Thạch, SVD chú giải

Bản văn và bản dịch sát nghĩa

Hy lạp Việt
39  Ἀναστᾶσα δὲ Μαριὰμ ἐν ταῖς ἡμέραις ταύταις ἐπορεύθη εἰς τὴν ὀρεινὴν μετὰ σπουδῆς εἰς πόλιν Ἰούδα,

40  καὶ εἰσῆλθεν εἰς τὸν οἶκον Ζαχαρίου καὶ ἠσπάσατο τὴν Ἐλισάβετ.

41  καὶ ἐγένετο ὡς ἤκουσεν τὸν ἀσπασμὸν τῆς Μαρίας ἡ Ἐλισάβετ, ἐσκίρτησεν τὸ βρέφος ἐν τῇ κοιλίᾳ αὐτῆς, καὶ ἐπλήσθη πνεύματος ἁγίου ἡ Ἐλισάβετ,

42  καὶ ἀνεφώνησεν κραυγῇ μεγάλῃ καὶ εἶπεν· εὐλογημένη σὺ ἐν γυναιξὶν καὶ εὐλογημένος ὁ καρπὸς τῆς κοιλίας σου.

43  καὶ πόθεν μοι τοῦτο ἵνα ἔλθῃ ἡ μήτηρ τοῦ κυρίου μου πρὸς ἐμέ;

44  ἰδοὺ γὰρ ὡς ἐγένετο ἡ φωνὴ τοῦ ἀσπασμοῦ σου εἰς τὰ ὦτά μου, ἐσκίρτησεν ἐν ἀγαλλιάσει τὸ βρέφος ἐν τῇ κοιλίᾳ μου.

45  καὶ μακαρία ἡ πιστεύσασα ὅτι ἔσται τελείωσις τοῖς λελαλημένοις αὐτῇ παρὰ κυρίου.

(Lk. 1:39-45 BGT)

39 Trong những ngày ấy sau khi trỗi dậy, Maria khởi hành vào miền đồi núi với sự hối hả vào một thành của Giu-đas.

40 và cô đã đi vào nhà của ông Dacarias và chào bà Elisabet.

41 chuyện xảy ra là khi bà Elisabet nghe lời chào của cô Maria, đứa bé trong bụng nhảy lên vui sướng và bà Elisabet được đầy Thánh Linh.

42  và kêu lên một tiếng kêu lớn và nói em đã được chúc phúc trong những người phụ nữ và hài nhi của lòng em cũng được chúc phúc.

43 Từ đâu điều này xảy ra cho tôi để mà mẹ của Chúa của tôi có thể đến với tôi?

44 bởi vì, kìa! Khi tiếng chào của em đi vào tai tôi, đứa bé trong bụng tôi nhảy lên với niềm vui khôn tả.

45 Phúc cho người đã tin rằng những lời Chúa đã nói cùng cô ấy trở nên hoàn tất.

Bối cảnh

Đây là một trong những bản văn độc quyền của tác giả Luca trong loạt những trình thuật về Giáng Sinh và Thời Thơ Ấu của Đức Giêsu. Không ai trong số các tác giả sách Tin Mừng ghi lại sự kiện này (cuộc thăm viếng dành cho người chị họ). Lc 1,39-45 được nối liền sau đoạn văn nói về sự kiện Đức Maria đón nhận sứ mạng trong đại của Chúa qua lời sứ thần Gabriel, thường được gọi là trình thuật “truyền tin” (1,26-38).  Hai đoạn này nối kết với nhau một cách chặt chẽ bởi hai nhân vật: Đức Maria và người chi họ Elisabet. Trong đoạn trước, bà Elisabet đã được nhắc đến hai lần liên quan đến sự việc bà mang thai. Thứ nhất bà được nhắc đến là “có thai được sáu tháng” (1,26). Lần thứ hai, sứ thần nhắc lại việc bà đã mang thai cách lạ lùng để làm bằng chứng cho sự phân vân của Đức Maria. Trong lần này, sứ thần cho biết bà là người họ hàng với Đức Maria, và “tuy già rồi mà cũng đang cưu mang một người con trai” (1,36). Trong đoạn này, bà Elisabet là chủ nhà tiếp đón Đức Maria là khách. Hơn hết, Lc 1,39-45 nối kết với 1,26-38 bằng mầu nhiệm Thiên Chúa trên hai người phụ nữ có mối liên hệ huyết tộc: Trong khi người chị (Elisabet) cưu mang “ngôn sứ của Đấng Tối Cao” (Lc 1,76) thì cung lòng của người em (Đức Maria) là nơi cho Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể. Mầu nhiệm ấy được tỏ hiện trong cuộc gặp gỡ giữa Đức Maria và người chị họ. Lc 1,39-45 cũng nối kết với nhân vật Dacarias. Ông cũng là người đã nhận được truyền tin như Đức Maria và hiện thời đang bị “câm” vì liên quan đến việc ông đã không tin vào lời sứ thần nói (x. Lc 1,20). Ngoài ra, chủ đề Đức Maria đến với bà Elisabet nằm trong bối cảnh chung của sự kiện trọng đại của Tin Mừng Luca nói riêng và Tin Mừng Nhất Lãm nói chung: “Thiên Chúa đến viếng thăm dân Người” (Lc 7,16). Hơn nữa, chi tiết Đức Maria được gọi là “người đã tin vào những lời từ Chúa” (1,45), cho thấy mẹ là người đầu tiên, là mẫu gương và là cội nguồn đức tin của các môn đệ và các tin hữu sau này.

Cấu trúc

 

 

Tổng Quát

 

Bối cảnh: Nhân vật, thời gian và nơi chốn (39-40)

(A) Hài Nhi nhảy lên vui mừng – được đầy Thánh Thần (1,41)

(B) Được chúc phúc: Maria – Đứa Bé – Elisabet (1,42-43)

(A’) Hài nhi trong bụng nhảy lên trong niềm vui sướng (1,44)

(B’) Phúc cho người đã tin vào sự hoàn tất của lời Chúa nói (1,45)

Kết: Cô Maria ở lại với bà Elisabet chừng ba tháng rồi cô trở về nhà mình (56)

 

 

 

 

 

Chi tiết

 

Bối cảnh: Nhân vật, thời gian và nơi chốn (39-40)

Bà Elisabet nghe lời chào (41a)

Đứa bé nhảy lên vui sướng (41b)

Bà Elisabet được đầy Thánh Linh và thốt lên (41c-42a)

Phúc của Đức Maria (42b)

Phúc của hài nhi (42c)

Bà Elisabet tự vấn: Từ đâu Mẹ của Chúa đến thăm?

Vì khi Bà Elisabet nghe tiếng chào (44a)

đứa bé nhảy lên với niềm vui khôn tả (44b)

Phúc của người đã tin vào sự hoàn tất của lời Chúa (45)

Kết: Cô Maria ở lại với bà Elisabet chừng ba tháng rồi cô trở về nhà mình (56)

 

 

Một số điểm chú giải[1]

  1. Sau khi trỗi dậy (Αναστᾶσα): Động từ “ἀνίστημι” (anistemi) trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là đứng dậy. Trong bối cảnh này, nó đi kèm với động từ “khởi hành”: Sau khi Maria đứng dậy, cô khởi hành xem ra hơi thừa thãi, vì khởi hành thì giả định rằng phải “đứng dậy” mới “khởi hành” được và chỉ cần nói “khởi hành” thôi là đã đủ. Có điều gì đặc biệt nơi động từ này trong bối cảnh này? “đứng dậy”, (hay trỗi dậy) thể hiện sự thay đổi tư thế, vị trí ngồi ổn định. Trước đó, Đức Maria có lẽ đang yên vị trong vị trí một người vợ đã đính hôn với Giuse và đang chờ thời gian để được đón dâu về nhà chồng. Cô không nghĩ đến một kế hoạch nào ít nhất trong khoảng thời gian này. Tuy nhiên, sau khi nhận lời làm Mẹ Đấng Cứu Thế, và nghe biết người chị họ đang mang thai trong lúc tuổi già đã sáu tháng nay, Đức Maria liền trỗi dậy. Cô đã quyết định ra khỏi sự ổn định, đợi chờ ngày rước dâu, để khởi hành về miền sơn cước. Đó là một hành trình dài nhưng rất cấp thiết trong lúc này. Hơn nữa, động từ này cũng chính là động từ mà cả ba tác giả Tin Mừng Nhất Lãm, đặc biệt là Luca và Máccô dùng để diễn tả sự sống lại của Đức Giêsu (Mt 20,19; Mc 8,31; 9,9.31; 10,34; Lc 18,33; 24,7.46). Nó có thể diễn tả một sự sống mới, một con người mới nơi Đức Maria, một hành trình mới, hành trình mang Chúa đến cho nhân loại. Ngôi nhà của người chi họ Elisabet là chặng đầu tiên trong hành trình ấy. Đây cũng chính là động từ tác giả Luca dùng để diễn tả hành động dứt khoát diễn tả bước ngoặt thay đổi cuộc đời của chàng thu thuế Lê-vi: “Ông bỏ tất cả mọi sự, trỗi dậy (ἀναστὰς) và theo Đức Giê-su” (Lc 5,28). Đức Maria mang Đức Giê-su trong mình thế nhưng lối sống của Đức Maria giờ đây rập theo lối sống Đức Giê-su như là một môn đệ đầu tiên của Người.
  2. Maria khởi hành với sự hối hả: Tin Mừng Luca cho biết Đức Maria sinh sống ở “một thành miền Galilê, gọi là Nadarét” (Lc 1,26). Theo truyền thống, gia đình của ông Dacarias ở Enkarem (Dòng suối vườn nho), cách Giêrusalem 8 km về phía Tây, và cách Nadarét hơn kém 144 km. Nếu đi bộ thì phải gần 2 ngày một đêm mới đến được. Với lại, Đức Maria đang trong giai đoạn chờ đợi rước dâu về nhà chồng, đi xa như vậy quả là một vấn đề. Thật khó, để tưởng tượng Đức Maria phải vất vả thế nào với một hành trình như thế. Chỉ có một mình Luca kể cuộc hành trình này. Hành trình được xảy ra ngay sau trình thuật “truyền tin cho Đức Maria”. Qua lời sứ thần Đức Maria biết được người chị họ đang mang thai tháng thứ sáu. Hành trình này được mô tả là “với sự vội vã” (μετὰ σπουδῆς). Cụm giới từ “với sự vội vã” cũng có thể được hiểu là “với sự háo hức”.[2] “Sự vội vã” (háo hức) của Đức Maria có thể có 2 lý do. Thứ nhất, Đức Maria cần chia sẻ mầu nhiệm mang thai Con Thiên Chúa. Đức Maria vừa nhận lời truyền tin từ sứ thần Gabriel. Tâm trạng vừa mừng, vừa lo, có thể cả bối rối nữa, nên cần tâm sự, chia sẻ với người chị có tuổi và đạo hạnh. Thứ hai, bà Elisabet cần được chia sẻ. Một người phụ nữ lớn tuổi, mang thai lần đầu, có lẽ rất cần một người chị em để chăm sóc, đỡ đần trong giai đoạn khó khăn, nhất là lúc sinh nở.[3] Khoảng thời gian Đức Maria ở lại 3 tháng, vừa đúng với khoảng thời gian người chị họ sanh con. Vì thế, lý do thứ hai xem ra khá rõ ràng. Đây không phải là lần duy nhất Đức Maria hành trình BắcNam như thế. Luca còn kể lại một chuyến hành trình Bắc-Nam khác của Đức Maria cùng với thánh Giuse. Đó là hành trình từ Nadarét về Bê-lem để làm kiểm tra dân số. Hành trình này gian nan gấp bội, vì Đức Maria đã mang thai gần đến ngày sinh nở. Một hành trình Bắc – Nam khác cũng chứa chan nhiều lo lắng. Đó là hành trình cả gia đình Đức Maria đi lên đền thánh Giêrusalem, lúc Đức Giêsu lên mười hai tuổi. Người ở lại đền thờ làm cho cha mẹ một phen hú vía, tìm kiếm hơn 3 ngày. J. Green xem hành trình của Đức Maria ở đây có một vai trò thần học then chốt: “Chuyến khởi hành liên quan đến việc hoàn tất mục mục đích của Thiên Chúa”, giống như hành trình Đức Giêsu lên Giêrusalem, để chịu khổ nạn và chịu chết (Cf. 9,51).[4]
  3. Ông Dacarias và bà Elisabet: Tên gọi của Dacarias và Elisabet có nguồn gốc từ tiếng Do Thái. Dacarias được gọi là tên gắn với Thiên Chúa (trong tên đó có chữ Chúa, hay thần). Dacarias trong tiếng Do Thái được ghép bởi hai phần: Đức Chúa + động từ nhớ (זְכַרְיָה). (יָה) (đọc là yah) là viết tắt của tên mà Chúa đã tỏ cho ông Mô-sê (יְהוָ֞ה) (YHWH). Trước đây danh xưng này thường được dịch là “Giavê” (Yahweh). Bây giờ, các chuyên gia tránh không gọi là Yahweh nữa vì kỵ húy (không được gọi tên của Chúa). Vì thế, ngày nay các bản dịch Tiếng Anh thường là “the Lord”, tương đương với bản dịch Việt ngữ là “Đức Chúa”. CGKPV chọn dịch danh xưng “YHWH” là “Đức Chúa” để phân biệt với “Thiên Chúa” trong tiếng Do Thái là Êlôhim (אֱלֹהִ֑ים). Động từ zakar (זָכַר) có nghĩa là nhớ đến. Tên Dacarias nghĩa là Đức Chúa nhớ đến. Elisabet trong tiếng Do Thái là “Êlisêva” (אֱלִישֶׁ֧בַע) cũng được kết hợp bởi (אֱלִי) (Thiên Chúa của tôi) + (שֶׁ֧בַע) (sự thỏa mãn, dồi dào). Như vậy, tên Elisabet nghĩa là “Thiên Chúa của tôi là một sự dồi dào”. Dacari-as và Elisabet là hai nhân vật chỉ xuất hiện trong Tin Mừng Luca. Họ là cha, mẹ của Gioan Tẩy Giả. Ông Dacarias cũng nhận được lời sứ thần truyền tin tương tự như Đức Maria, còn bà Elisabet thì có thai một cách lạ lùng như Đức Maria. Bà mang thai lúc tuổi già mặc dù bị mang tiếng là son sẻ (Lc 1,36). Ông Dacarias là “một tư tế thuộc nhóm A-vi-gia, còn Elisabet cũng thuộc dòng tộc tư tế A-ha-ron. Cả hai đều là người công chính trước mặt Chúa, sống đúng theo mọi điều răn Chúa và mệnh lệnh của Chúa, không ai chê trách được điều gì” (Lc 1,5-6).
  4. Lời chào (τὸν ἀσπασμὸν): Luca không ghi lại Đức Maria đã chào như thế nào. Tuy nhiên, trong văn hóa Do Thái, người ta thường chào nhau bằng một chữ “shalom” (bình an). Đây là lời chào rất ý nghĩa. Đó chính là lời chào mà Đa-vít đã dặn các thuộc hạ chào ông Naban: “Bình an cho ông, bình an cho nhà của ông và bình an cho tất cả những gì ông có” (1 Sm 25,6). Chúng ta có thể gặp thấy lời chào ấy trong sứ vụ rao giảng mà Đức Giêsu trao cho các môn đệ: “Vào bất cứ nhà nào trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này” (Lc 10,5). Nhất là, Đức Giêsu dùng lời chào bình an rất nhiều lần với các môn đệ sau khi Người Phục Sinh (Ga 20,19.21.26). Do vậy, có thể, Đức Maria cũng đã chào người chị họ bằng lời chúc “bình an” như thường lệ. Nhưng tác dụng của lời chào này thật phi thường như sẽ thấy sau.
  5. Đứa bé trong bụng (τὸ βρέφος ἐν τῇ κοιλίᾳ)… hài nhi của lòng em (ὁ καρπὸς τῆς κοιλίας): Dường như Luca cố ý dùng hai từ ngữ và cấu trúc khác nhau để diễn tả hai đứa bé khác nhau trong lòng hai người mẹ khác nhau. Xét về tuổi thai, bé Gioan chắc hẳn lớn hơn vì đã hơn sáu tháng tuổi, còn bé Giêsu mới tháng thứ nhất. Danh từ “brephos” dùng cho bé Gioan trong tiếng Hy Lạp vừa có nghĩa là đứa bé chưa sinh ra, vừa có nghĩa là đứa bé mới chào đời. Ngoài ra, danh từ này cũng được hiểu theo nghĩa bóng về những kitô hữu mới hoặc chưa trưởng thành (x. 1 Pr 2,2). Trong bối cảnh này, nó đi kèm với ngữ giới từ chỉ nơi chốn “trong lòng” để xác định rõ đây là đứa bé chưa sinh ra. Gioan Tẩy Giả là đứa bé chưa sinh, đang nằm trong lòng bà Elisabet. Danh từ dùng để diễn tả bé Giêsu là “karpos”, trong tiếng Hy Lạp nghĩa là trái cây, hoa trái. Nó cũng có nghĩa bóng là “con cái”, “hậu duệ”. Trong bối cảnh này nó đi với một danh từ thuộc cách “của lòng” để diễn tả cụ thể đứa bé trong bụng. Một cách tự nhiên, bé Giêsu lúc ấy có thể là chưa thành hình nên dùng từ “hoa trái” có vẻ chuẩn hơn là “đứa bé”. Tuy nhiên, nói Đức Giêsu là hoa trái của lòng Đức Maria, có thể muốn nói đến Người là hậu duệ của người phụ nữ đã được báo trước trong sách Sáng Thế (bản án dành cho con rắn): “Ta sẽ đặt mối thù giữa hậu duệ của ngươi và hậu duệ của người phụ nữ. Người sẽ đạp nát đầu mi và mi sẽ cắn gói chân Người” (St 3,15). Hơn nữa, vị thế của bé Giêsu hoàn toàn khác so với vị thế của Gioan cho nên phải dùng một từ ngữ khác cũng là chuyện dễ hiểu.
  6. Nhảy lên vui sướng nhảy lên với niềm vui khôn tả: Đức Maria có thể đã chào chúc “bình an” một cách thông thường nhưng đã mang lại niềm vui phi thường cho người chị họ. Người thuật chuyện kể rằng: “Chuyện xảy ra là khi bà Elisabet nghe lời chào của Maria, đứa bé trong bụng đã nhảy lên vui sướng” (1,41). Chi tiết này lại được chính bà Elisabet xác nhận sau đó: “Này, khi lời chào của em đi vào tai tôi, đứa bé trong lòng tôi đã nhảy lên trong niềm hân hoan” (1,44). Đây là chi tiết khá quan trọng, vì nó lặp lại hai lần trong một đoạn văn ngắn. Nó cho thấy một sự tác động bên trong chứ không còn là lời chào hỏi bình thường bên ngoài. Dĩ nhiên, lời chào của Đức Maria chứa đựng tấm lòng của hiền muội đã không ngại đường xa mà đến thăm người chị họ, nhưng lời chào ấy không ấm áp, nồng nàn đến nỗi làm cho đứa bé chưa chào đời “nhảy lên” biểu lộ niềm vui sướng. Điều khiến cho hài nhi Gioan phải nhảy lên vui sướng là hài nhi mà Đức Maria đang mang trong lòng. Có lẽ, Gioan tuy chưa chào đời đã kịp nhận ra sự thăm viếng của Đấng Cứu Thế, Đấng mà ông sẽ dọn đường cho trong tương lai. Bé Gioan vui sướng không phải vì lời chào của Đức Maria cho bằng vì sự hiện diện, viếng thăm của Đấng Tối Cao. L. Johnson cho rằng động từ “nhảy lên vui sướng” (ἐσκίρτησεν) phảng phất một sự nhận biết mang tính cánh chung như các Vịnh gia đã nói đến trong Cựu Ước: “Các ngọn núi đã nhảy nhót như thể những con cừu; các ngọn đồi [nhảy nhót] như thể những con chiên” (Tv 114,4.6). Như thế, Gioan được chứng tỏ như là một “ngôn sứ của Đấng Tối Cao” đã được sứ thần báo trước trong Lc 1,15.[5] J. Fitzmyer thì xem hành động “nhảy lên vui mừng” ở đây cho thấy Gioan nhận biết mối tương quan với Đức Giêsu. Động từ “nhảy lên vui sướng” giống như động từ dùng trong St 25,22, nơi mà hai đứa con sinh đôi của Rêbêca cũng “nhảy lên vui sướng”, báo trước những tương quan trong tương lai của chúng.[6] Sự nhảy mừng của Gioan cũng có liên hệ với việc Ítrael “nhảy lên như bê xổng chuồng” trong ngày của Đức Chúa (Ml 3,20). Nó cũng có thể gợi nhớ đến điệu nhảy vui mừng của vua Đavid trước Hòm Bia Giao Ước.[7]
  7. Đầy Thánh Linh: Pnêuma (πνεύμα) trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là gió, khí, hơi, tinh thần. “Hagion” (ἁγίος) có nghĩa là “thánh”. “Pnêuma hagion” (πνεύματος ἁγίου) dịch sát nghĩa là “Tinh Thần Thánh” hoặc “Khí Thánh”. Bản dịch Tiếng Anh là Holy Spirit (ESV); Tiếng Ý là Spirito Santo (CEI); Tiếng Pháp là Saint Esprit (TOB). Bản Tiếng Việt (Công Giáo) là “Thánh Thần” (CGKPV; NTT). Bản Tiếng Việt (Tin Lành) là “Thánh Linh” (NVB). Xem ra cách chuyển ngữ của Tin Lành nghe dễ chịu hơn. Tuy nhiên, người Công Giáo quen với cách gọi là “Thánh Thần” hay “Thần Khí”. Nên nhớ là trong nguyên ngữ thuật ngữ này không có chút gì là “Thần” cả. Cụm từ “đầy Pnêuma thánh” (đầy Thánh Thần) là một cụm từ mang đậm nét văn chương và thần học Luca. Gioan Tẩy Giả đã được sứ thần tiền báo là “đầy Pnêuma thánh” ngay khi còn trong dạ mẹ (Lc 1,15). Bà Elisabet được “đầy Pnêuma thánh” sau khi nghe lời chào của Đức Maria (Lc 1,41). Có thể đây là khoảnh khắc ứng nghiệm lời tiền báo về việc Gioan được “đầy Pnêuma thánh” khi còn ở trong lòng mẹ.  Ông Dacarias cũng được “đầy Pnêuma thánh” trước khi nói tiên tri (Lc 1,67). Như vậy, cả gia đình của ông Dacarias đều được đầy “Pnêuma thánh”. Đức Giêsu sau khi chịu phép rửa tại sông Gio-đan, được “Pnêuma thánh” ngự xuống trên mình và được đầy “Pnêuma thánh” trở về từ sông Gio-đan” (Lc 4,1). Rồi được “Pnêuma thánh” dẫn đi trong hoang địa suốt 40 ngày chịu ma quỷ cám dỗ (Lc 4,2). Trong sách Công vụ Tông Đồ, tác giả tiếp tục cho thấy nhóm các Tông Đồ cùng những người hiện diện trong phòng Tiệc Ly “đầy Pnêuma thánh” và bắt đầu nói những ngôn ngữ khác như “Pnêuma thánh” ban cho (Cv 2,1). Cá nhân thánh Phêrô cũng được “đầy Pnêuma thánh” và cất lời rao giảng sau phép lạ “Cho người què đi được” (Cv 4,8). Thánh Phaolô cũng được “đầy Pnêuma thánh” khi ông Anania đặt tay trên ông theo lệnh của Đức Giêsu (Cv 9,17; Cf. 13,9). Thánh Stephano cũng được cho là “đầy Pnêuma thánh” khi ông được tuyển chọn và khi sắp bị ném đá: “Đầy Pnêuma thánh” (Cv 6,5), ông đăm đăm nhìn trời và thấy vinh quang Thiên Chúa và Đức Giêsu đang ngự bên hữu Thiên Chúa” (Cv 7,55). Phaolô cùng Banaba cảm thấy đầy niềm vui và “đầy Pnêuma thánh” khi bị những người Do Thái trục xuất (Cv 13,52). Theo mẫu thức Luca thường sử dụng: “…Đầy Pnêuma thánh … nói:…” được áp dụng cho cả ông Dacarias (1,67), nhóm Các Tông Đồ (Cv 2,1), và Phêrô (4,48), thì ở đây bà Elisabet cũng được “đầy Pnêuma thánh” và kêu lên một tiếng lớn. Như thế, phần “và bà Elisabet được đầy Pnêuma thánh” nên phần đầu của 1,42 chứ không phải phần cuối của 1,41.[8] Như vậy, Lc 1,42 sẽ trở thành: “Và bà Elisabet được đầy Pnêuma thánh và bà kêu lên một tiếng kêu lớn: “Em có phúc giữa những người phụ nữ và hoa trái trong lòng em cũng được chúc phúc”.  Trong bối cảnh này, “Pnêuma thánh” làm cho bà biện phân được ý nghĩa sự chuyển động của hài nhi trong bụng của bà và làm cho bà cất giọng về sự nhận biết Đức Maria cũng như hài nhi chưa chào đời trong lòng cô.[9]
  8. Kêu lên một tiếng kêu lớn: Đây là lối diễn tả cho một cảm giác phấn khích tột cùng. Cấu trúc bao gồm: Một động từ có nghĩa “kêu la” + danh từ “tiếng kêu” + tính từ “to lớn” đi kèm với tiếng kêu (ἀνεφώνησεν κραυγῇ μεγάλῃ). Có lẽ, không còn cách nào có thể diễn tả hơn nữa cường độ của hành động “kêu lên” của bà Elisabet. Tiếng kêu này có lẽ vang cả núi rừng thành Giuđa. Qua cách diễn tả này, Luca cho thấy sự phấn khích cực độ trong lòng thai phụ già nua tuổi tác được tác động bởi hài nhi trong bụng và đầy Thánh Thần. Động từ “kêu lớn tiếng” (anephonesen) của bà chỉ được dùng để chỉ những tiếng tung hô trong phụng vụ (1Sbn 16,4-5.42) và đặc biệt cuộc di chuyển Hòm Bia (1 Sbn 15,28; 2 Sbn 5,13).”[10] Vì thế, bà Elisabet như đang ở trong một bối cảnh Phụng Vụ đón tiếp Đức Maria và Con Thiên Chúa.
  9. Được chúc phúc: Câu nói này mang âm hưởng của ân sủng của “Pnêuma thánh”. Pnêuma thánh đã làm cho bà la lớn và Người cũng cho bà nhìn thấy phúc lành nơi Đức Maria. Bà Elisabet nhìn nhận vị trí ưu việt của người em họ giữa những người phụ nữ. Chính trong vai trò làm mẹ, Đức Maria sẽ đóng góp vào công trình cứu độ cho dân mình.[11] Đức Maria được chúc phúc qua ơn gọi làm mẹ. Hay nói cách khác, Đức Maria được chúc phúc nhờ mang thai Con Thiên Chúa. Đức Giêsu được chúc phúc và Đức Maria được hưởng nhờ sự chúc phúc từ Đức Giêsu. L. Johnson gọi khả năng nhận biết phúc lành của Đức Maria và hài nhi Giêsu là “sự nhận biết sâu sắc mang tính ngôn sứ”. Không cần ai nói, Elisabet dường như tỏ tường mọi sự về vai trò của người em họ và sự cao cả vượt trổi của hài nhi Giêsu so với Gioan.[12] Trong lời cầu nguyện truyền thống của Hội Thánh (Kinh Kính Mừng), lời của bà Elisabet được kết hợp hoàn hảo với lời của sứ thần Gabriel để làm thành phần ca tụng của Kinh này: “Kính Mừng Maria, đầy ơn phúc [đầy ân sủng], Đức Chúa Trời ở cùng Bà (lời của sứ thần Gabriel, Lc 1,28); Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng bà cùng phúc lạ” (lời của bà Elisabet, Lc 1,42).
  10. Mẹ của Chúa của tôi: Lời tuyên xưng này vẫn nằm trong sự tác động của “Pnêuma thánh”. Đức Maria không còn là người chị em họ hàng nữa mà là “Thân Mẫu của Đức Chúa”. Bà Elisabet kính trọng Đức Chúa bao nhiêu thì cũng quý trọng “Thân Mẫu” của Đức Chúa bấy nhiêu. Kiểu nói: “Từ đâu chuyện này xảy ra cho tôi rằng Thân Mẫu Chúa tôi đến cùng tôi” cho thấy bà Elisabet cũng cảm thấy mình có phúc, được vinh dự đón tiếp người em họ trong địa vị Mẹ của Đức Chúa. Gặp gỡ Đức Maria là gặp gỡ chính Chúa. Đức Maria đến viếng thăm cũng là Đức Chúa đến thăm. Theo lời của bà Elisabet, dấu hiệu để cho bà nhận ra người em họ Maria là “Thân Mẫu Chúa tôi” là phản ứng của bé Gioan. Mệnh đề bắt đầu bằng liên từ chỉ lý do, cùng với thán từ biểu tỏ “vì kìa” (ἰδοὺ γὰρ) đi ngay sau mệnh đề “bởi đâu chuyện xảy ra cho tôi rằng Thân Mẫu Chúa tôi đến cùng tôi”, để giải thích lý do cho mệnh đề này. Bé Gioan nhảy mừng cách bất thường báo hiệu rằng Đức Maria đang mang trong mình “Con Thiên Chúa” và bà Elisabet đã nhận ra điều này ngay lập tức.
  11. Phúc thay: Tính từ “μακαρία” (phúc thay) trong tiếng Hy Lạp thường được dùng để bắt đầu cách “Mối Phúc” như trong Mt 5,3-12 và Lc 6,20-23 (Phúc cho anh em là những người nghèo, vì Nước Thiên Chúa là của anh em…). J. Fitzmyer cho rằng khi dùng tính từ này cho Đức Maria ở đây Luca đã giới thiệu mối phúc thứ nhất trong Tin Mừng của ông.[13] Các “Mối Phúc” này được Đức Giêsu công bố và nó thường có hai phần: “Phúc… + vì…”. Mệnh đề vì trong mối phúc dành cho Đức Maria nằm ở chỗ  vì cô “đã tin rằng lời Chúa đã nói sẽ hoàn tất”. Tính từ “phúc thay” (μακαρία) sau này lại được một “người phụ nữ trong đám đông” dùng để tôn vinh Mẹ của Đức Giêsu: “Phúc thay dạ đã cưu mang ngài và vú đã cho ngài bú” (Lc 11,27). Qua lời giải thích của Đức Giêsu, độc giả hiểu thêm “tốt hơn nên nói là phúc cho những người đã lắng nghe và giữ lời của Thiên Chúa” (Lc 11,28). Đức Maria đã có phúc vì đã tin, nghe, và giữ lời của Thiên Chúa. Trong Cựu Ước, chúng ta cũng gặp thấy hình ảnh bà Lêa nói rằng “bà có phúc vì những người phụ nữ xem bà là có phúc” (St 30,13). Đức Maria được người chị họ khen là “có phúc” và sau này Đức Maria cảm nghiệm trong lời kinh Magnificat rằng “muôn thế hệ” cũng nhìn nhận cô là người có phúc (1,48).
  12. Người đã tin: Đức tin của Đức Maria, ngược lại với sự “không tin” của ông Da-ca-ri-a vào những lời sẽ được hoàn tất đúng lúc, và ông đã bị câm (1,20). Theo cấu trúc việc Đức Maria được tuyên xưng “là người được chúc phúc trong các người phụ nữ” song song với “mối phúc” dành có thể là toàn bộ lời mà sứ thần Gabriel đã nói cùng Đức Maria trong buổi truyền tin: “Maria đầy ơn phúc… Đức Chúa ở cùng cô… Cô sẽ mang thai sinh hạ một con trai…Người sẽ nên cao cả và được gọi là Con Đấng Tối Cao…”. Đức Maria đã tin tất cả những lời sứ thần nói và đã cầu xin trong sự khiêm hạ: “Này tôi là nữ tỳ của Đức Chúa, xin hãy xảy ra cho tôi theo như lời sứ thần nói”. Đức Maria đã đáp trả một cách tích cực rộng rãi cho lời mời của sứ thần. Cô đã đón mời mầu nhiệm và tín thác hoàn toàn cho chương trình của Thiên Chúa, vì ý thức rằng mình chỉ là “nữ tỳ” của Chúa. Tất cả những lời sứ thần nói đã xảy ra, và giờ đây Đức Maria đang mang thai Con Thiên Chúa. Được làm Thân Mẫu của Con Chúa là điều mà bao phụ nữ hằng mơ ước.

Bình luận tổng quát

Sau khi Đức Maria nhận lời truyền tin của sứ thần cuộc đời của Mẹ đã thực sự thay đổi. Từ một con người an phận trong đời sống hôn nhân, một người đính hôn đang chờ thời khắc rước dâu về nhà chồng, Mẹ đã trỗi dậy và khởi hành lên miền sơn cước. Đó là một hành trình đến với người chị họ để chia sẻ, đỡ nâng gánh nặng tự nhiên của một người chị mang thai lúc tuổi già. Quan trọng và đặc biệt hơn, Mẹ đến là để chia sẻ niềm vui trọng đại của sứ vụ làm Mẹ Con Chúa. Chúa đã ngự vào lòng Mẹ. Niềm vui ấy quá lớn không thể nào diễn tả được và không thể nào không chia sẻ với người khác. Quả thế, niềm vui ấy làm cho Mẹ đi đến đâu cũng làm cho bầu khí nơi đó ngập tràn niềm vui, và ai gặp Mẹ cũng đều cảm thấy vui mừng khôn tả. Lời chào đơn sơ của Mẹ giờ đây đụng chạm và đánh động cả bé Gioan trong lòng người chị họ. Bé đã nhảy lên vui sướng. Người chị họ Elisabet đầy Thánh Linh phải thốt lên những lời từ đáy lòng về phúc lành mà Thiên Chúa dành cho người em họ. Đức Maria từ địa vị người em gái họ bỗng chốc trở thành Thân Mẫu của Chúa. Bà Elisabet sung sướng hãnh diện ca ngợi phúc lành của Chúa dành cho người em họ. Qua đó, bà cũng nhận ra phúc lành Thiên Chúa dành cho chính mình, vì bà cảm nghiệm được niềm vui được Thân Mẫu Chúa đến viếng thăm. Cuộc gặp gỡ giữa Đức Maria và người chị họ không còn là một cuộc gặp gỡ bình thường của hai thai phụ, nhưng là cuộc gặp gỡ giữa hai người tin, nhìn thấy và cảm nhận sâu sắc sự hiện diện của tình yêu Thiên Chúa trên cuộc đời mình. Những chuyện họ nói không còn là những chuyền hàn huyên giữa hai người phụ nữ nhưng là những lời ca tụng Thiên Chúa. Bầu khí cuộc gặp gỡ đã trở thành bầu khí phụng vụ, phụng thờ Thiên Chúa nơi cung lòng của Đức Maria. Ngôi nhà nhỏ bé của tư tế Dacarias trở thành ngôi thánh đường tôn kính Thiên Chúa.

Mỗi người kitô hữu là đền thờ của Thiên Chúa. Thiên Chúa ngự trị trong cung lòng, trong trái tim của họ. Họ được mời gọi cảm nghiệm được niềm vui Thiên Chúa nhập thể trong lòng mình. Một khi cảm nghiệm được niềm vui ấy, họ không thể không “trỗi dậy”. Họ không thể giữ nguyên nếp sống cũ, con người cũ. Họ phải gieo bước hành trình với ao ước đem tin vui, tin lành tình yêu của Thiên Chúa nhập thể cho người khác. Phải làm sao để những nơi họ đến đều có bầu khí vui mừng, những người gặp họ đều thấy bình an. Hãy để Chúa định hướng mọi cuộc gặp gỡ hằng ngày và để Chúa lên tiếng trong mọi cuộc đối thoại, câu chuyện thường ngày. Có như thế, mọi cuộc gặp gỡ bình thường mỗi ngày mới có thể mang lại niềm vui phi thường.

Đời người trải qua biết bao nhiêu cuộc gặp gỡ. Có những cuộc gặp gỡ vô bổ với những câu chuyện tầm thường rỗng tuếch. Có những cuộc gặp gỡ chỉ mang lại cho người ta niềm đau, nỗi buồn và xa cách vì những câu nói ác ý của đôi bên. Lại có những cuộc gặp gỡ đầy toan tính mưu mô lợi lộc, để rồi sau mỗi cuộc gặp gỡ sẽ có kẻ được người mất. Cũng có những cuộc gặp gỡ chỉ nhằm vào mục đích xã giao vì những phi vụ kinh tế, và lợi ích chính trị, tôn giáo. Ước gì trên thế gian sẽ có thêm nhiều nữa những cuộc gặp gỡ chỉ nhằm mục đích tăng thêm tình thương, tình người. Cuộc gặp gỡ mà nơi đó lời chào bình an được khởi đầu và niềm vui vỡ là hoa trái kéo dài mãi trong tương quan giữa người với người.

Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD

Chú thích

[1] Rất nhiều điểm chú giải đã được nói trong J.P.D. Thạch, “Từ gặp Gỡ Tự Nhiên Đến Gặp Gỡ Siêu Nhiên” [LỜI BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI ῥήματα ζωῆς αἰωνίου: TỪ GẶP GỠ TỰ NHIÊN ĐẾN GẶP GỠ SIÊU NHIÊN. Chú giải Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Lên Trời (Lc 1,39-56) (josephpham-horizon.blogspot.com)].

[2] J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX. Introduction, translation, and notes (AYB; New Haven – London 2008) XXVIII, 362.

[3] X. M.D. Hamm, “Luke”, The Paulist Biblical Commentary (ed. R.J. Clifford et al.) (New York 2018) 1038.

[4] J.B. Green, The Gospel of Luke (NICNT; Grand Rapids 1997) 95.

[5] L.T. Johnson, The Gospel of Luke (SP 3; Collegeville 2005) 40.

[6] J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX. Introduction, translation, and notes, 363.

[7] X. M.D. Hamm, “Luke”, 1039.

[8] Cần lưu ý là bản văn khi được soạn thảo bằng tiếng Hy Lạp, không được phân chia thành chương và câu như bây giờ. Việc phân chia câu của bản văn chỉ được làm vào năm 1551 bởi Robert Estienne. Lm. Stephan Langton là người phân chia sách Tân Ước thành chương vào năm 1226. Những sự phân chia này đôi khi chỉ mang tính tương đối.

[9] J.B. Green, The Gospel of Luke, 96.

[10] J.P.D.Thạch, “Đức GIêsu, Trung Tâm của Mọi Cuộc Gặp Gỡ” [LỜI BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI (ῥήματα ζωῆς αἰωνίου): ĐỨC GIÊSU, TRUNG TÂM CỦA MỌI CUỘC GẶP GỠ (josephpham-horizon.blogspot.com)] (truy cập 13/08/2021).

[11] J.B. Green, The Gospel of Luke, 96.

[12] L.T. Johnson, The Gospel of Luke, 41.

[13] J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX. Introduction, translation, and notes, 365.

Bài trướcMón quà Giáng Sinh của Cha Thánh Arnold Janssen, Đấng sáng lập Dòng Ngôi Lời
Bài tiếp theoVỘI VÃ THĂM VIẾNG (19/12, CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG – C)