Bước đi theo Thầy Giêsu – [Cảm nghiệm mục vụ hè 2024]

0
250
✍️ Tu sĩ FX. Nguyễn Văn Sơn 
____Học viện Ngôi Lời

“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ mà loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15).

Mc 16,15

Lời mời gọi ra đi loan báo Tin Mừng của Đức Giêsu trước khi Người về trời luôn vang vọng trong tâm thức mỗi Kitô hữu. Lời đó như một động lực khơi gợi lên tinh thần ra đi truyền giáo đối với những ai là môn đệ của Đức Giêsu. Ở vị thế là một Kitô hữu, hơn nữa lại là thành viên của Dòng Ngôi Lời với linh đạo Chúa Ba Ngôi và đặc sủng truyền giáo, dường như khát vọng dấn thân từ lời mời gọi đó lại càng trở nên đầy tràn và mãnh liệt hơn trong sâu thẳm đáy lòng tôi. Một động lực như vậy sẽ chẳng thể nảy mầm và sinh hoa kết quả nếu không có một mảnh đất để gieo trồng và chăm bón. Đó là lý do mà trong giai đoạn Học viện, sau khi kết thúc một năm đèn sách nơi giảng đường, anh em chúng tôi được các nhà đào tạo gửi đi các điểm truyền giáo để học hỏi kinh nghiệm cũng như cọ sát với thực tế của công cuộc truyền giáo. Năm nay, tôi cùng thầy Phêrô Nguyễn Bảo Lộc được gửi đến một giáo xứ vùng Tây Nguyên để trải nghiệm và học hỏi, đó là Giáo xứ Mân Côi, thuộc Giáo hạt Chư Sê, Giáo Phận Kontum.

  1. Lịch sử và tổng quan về Giáo xứ Mân Côi

Giáo xứ Mân Côi thuộc xã Dun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, là một giáo xứ trẻ với hơn 6 tuổi đời. Khởi đi từ một nhóm nhỏ khoảng 80 giáo dân di cư từ Nam Định, Ninh Bình, Đắk Lắk đến lập nghiệp vào năm 1999. Tại đây họ đã kết nối và quy tụ nhau cùng đọc kinh cầu nguyện. Với lòng sùng đạo cùng một đức tin vững mạnh, nhóm giáo dân này đã hy sinh dâng cúng những phần đất bởi mồ hôi công sức của mình khai hoang để xây dựng nên một nhà nguyện thô sơ, và thành lập xóm giáo Mân Côi. Sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc nuôi dưỡng đức tin đã đưa Giáo xóm trở thành một Giáo họ của Giáo xứ Mỹ Thạch vào năm 2015. Và một năm sau đó, Đức Cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị đã bổ nhiệm cha Giuse Đặng Xuân Hải, Dòng Ngôi Lời (SVD) đặc trách Giáo họ Mân Côi. Sau khi nhậm chức, cha Giuse Đặng Xuân Hải đã cùng với bà con giáo dân giáo họ Mân Côi thực hiện chuyến “ra khơi – lưới người”, tiến về những vùng anh em đồng bào Jrai; bên cạnh đó, cha và giáo dân cũng tăng cường thực hiện những công trình như xây dựng lại nhà nguyện, tượng đài Đức Mẹ, thánh Giuse, cùng với nhà máy lọc nước tinh khiết để phục vụ cho nhu cầu của bà con. Những nỗ lực không ngừng nghỉ của cha đặc trách và bà con giáo dân trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần đã đưa Giáo họ Mân Côi phát triển mạnh mẽ cả về đời sống đức tin lẫn đời sống vật chất. Hoa quả của những nỗ lực đó là vào ngày 04/04/2019 Đức cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị đã nâng Giáo họ Mân Côi lên thành Giáo xứ và bổ nhiệm cha Giuse Đặng Xuân Hải, SVD làm cha chánh xứ tiên khởi Giáo xứ Mân Côi. Vào thời điểm đó, tổng số giáo dân của Giáo xứ đạt tới con số 1023 nhân danh, trong đó có 249 giáo dân người Kinh và 774 giáo dân người Jrai. Năm 2020, do nhu cầu mục vụ tăng, Đức cha Aloisiô đã bổ nhiệm cha Giuse Nguyễn Văn Linh, SVD làm phụ tá. Hai cha đã chuyển nhiệm sở và có sứ vụ mới.

Hiện nay, cha chánh xứ là Antôn Nguyễn Thanh Hà, SVD và cha phó là Luy Nguyễn Lê Bảo, SVD. Tình hình cơ cấu tổ chức của Giáo xứ đã đi vào ổn định. Tuy nhiên, cơ sở vật chất của Giáo xứ cũng như nhà nguyện trong các làng người Jrai đã không đủ tốt để đáp ứng nhu cầu mục vụ cho bà con giáo dân. Nhà thờ Giáo xứ xuống cấp, thiếu phòng dạy giáo lý cho các em thiếu nhi, và một làng chưa có nhà nguyện là làng Pan. Bà con giáo dân nơi đây luôn khao khát xây cất được một ngôi nhà thờ khang trang để có một không gian sạch sẽ, nghiêm trang cho việc tôn thờ Thiên Chúa. Nhưng với điều kiện kinh tế còn khó khăn, phần lớn bà con làm nông nghiệp, thu nhập phụ thuộc vào sản lượng cũng như giá cả, chưa thể ổn định, nên việc xây cất nguyện đường còn là một ước mơ. Vả lại, giáo dân phần đa là người Jrai, với nguồn kinh tế hầu như “không có gì”, phải chật vật lo bữa ăn hằng ngày, còn phải phụ thuộc nhiều vào nguồn từ thiện trợ cấp, nên việc họ đóng góp xây dựng cơ sở vật chất cho Giáo xứ là điều bất khả thi. Tuy nhiên, khó khăn về cơ sở vật chất không phải là mối lo ngại lớn nhất cho bằng sự thiếu hụt về đời sống đức tin. Quả thật, là một Giáo xứ trẻ, với phần đa giáo dân là bà con người Jrai mới gia nhập đạo nên nền tảng giáo lý và đức tin còn non yếu. Bởi vậy, việc phát triển giáo lý cũng như nuôi dưỡng đức tin có lẽ là điều cấp thiết nhất đối với Giáo xứ Mân Côi lúc này. Nhận ra được tình hình đó, cha chánh xứ Antôn cùng cha phó Luy đã nỗ lực lao mình vào công cuộc giảng dạy giáo lý cũng như bồi dưỡng đức tin cho bà con, đặc biệt là những anh em đồng bào Jrai. Mỗi tối từ 18 giờ tới 22 giờ, các ngài thay phiên nhau lặn lội qua những con đường “ổ voi” đi tới từng làng để dạy giáo lý, dâng lễ và phát quà cho bà con, dù nắng hay mưa gió các ngài vẫn kiên trì. Qua đó, hình ảnh nhà truyền giáo nhiệt tâm mang đậm bản sắc Ngôi Lời được bộc lộ. Những cố gắng của hai cha đã mang lại nhiều thành quả đáng để. Tuy nhiên, như Chúa Giêsu đã nói: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít” (Mt 9,28), cánh đồng lúa nơi Giáo xứ Mân Côi đang thiếu thợ gặt. Chẳng quá khi nói rằng Giáo xứ Mân Côi là một “vùng đất màu mỡ” cho các nhà truyền giáo có được “những vụ mùa đức tin”.

  1. Những bước đi chập chững đầu tiên

Đặt chân tới Giáo xứ Mân Côi lúc xế chiều ngày Chúa nhật, điều chào đón tôi đầu tiên là một không gian tĩnh lặng hòa cùng âm vang của đàn muỗi đang lượn lờ. Khung cảnh đó đã làm dịu lại những khuấy động trong tâm trí mà tôi mang theo từ nơi thành phố nhộn nhịp. Và sự tĩnh lặng như vậy cũng làm dấy lên trong tôi biết bao cung bậc cảm xúc khác nhau và hàng loạt câu hỏi không mời mà đến cứ thế nhảy vào đầu tôi: Tôi sẽ làm gì cho kỳ mục vụ hè này? Tôi có đảm đương nổi công việc mà cha xứ sẽ giao hay không? Tôi có thể làm tốt công việc của mình hầu cho động lực đi theo lời mời của Đức Giêsu có thể được “gieo trồng”? Boong boong boong… Rồi tiếng chuông lễ chiều đã chấm dứt dòng chảy suy nghĩ. Tôi bước vào nhà thờ trong sự bỡ ngỡ của mọi người cho tới khi cha xứ giới thiệu rằng thầy xứ đã tới. Kỳ hè của tôi bắt đầu!

Sau thánh lễ chiều, tôi cùng cha xứ ăn tối và bàn về những công việc cho kỳ hè 2024. Công việc chính yếu của tôi là đồng hành cùng các em chuẩn bị thêm sức và xưng tội, và những sinh hoạt của thiếu nhi. Thiết tưởng công việc chẳng mấy khó khăn, vì vốn dĩ tôi đã từng đồng hành cùng nhiều lớp các em thêm sức và xưng tội. Tuy nhiên, lần này hoàn toàn khác biệt. Mặc dù đã được nghe chia sẻ về tình trạng của các em thiếu nhi cũng như về văn hóa của người Jrai, nhưng tôi đã khá bỡ ngỡ vào những buổi gặp gỡ đầu tiên. Mang trong mình sự năng động của tuổi trẻ, nhiệt huyết của môn đệ Đức Giêsu, tôi mường tượng một khung cảnh lớp học đầy chất “Giêsu”. Vậy mà những buổi học đầu tiên, lớp học chỉ có những âm thanh đơn độc của tôi vang lên trong sự dò xét của những ánh mắt dè chừng. Không khí cô tịch giữa chốn đông người làm tôi cảm nhận rằng dường như các em đang chờ đợi một điều gì đó, hay phải chăng là thăm dò một “người mới”; càng cố gắng gần gũi tiếp xúc các em càng né tránh. Phải mất nguyên cả tuần học đầu tiên, sử dụng hết các chiêu bài như nấu chè, trà sữa, làm bánh này bánh nọ, rồi cùng ngồi ăn, cùng tham dự vào cuộc bàn tán của các em, tôi mới được các em “tạm chấp nhận”. Cảm nhận được sự mở lòng ấy, tôi như được giải thoát khỏi cảm giác đơn độc, cảm giác thất bại. Rồi những ngày sau đó, chẳng còn bức màn nào ngăn cách khiến các em né tránh; trái lại, các em đã xem tôi như một thành viên trong nhóm, thân thiện vui vẻ chơi đùa và trò chuyện cùng nhau. Chúng tôi đã trở nên những người bạn.

Từ đây, tôi chẳng hiện diện với các em trong vị thế của một ông thầy nữa, cho bằng trong tư cách là bạn hữu. Tương quan thắt chặt hơn đã tạo cho tôi điều kiện để hỏi han về hoàn cảnh gia đình, về tình hình của từng em một, nhất là về đức tin của các em. Khi nghe những trải lòng ngây ngơ, những lời tâm sự tưởng chừng ngây ngô nhưng lại mang lấy sự chất phác, thật thà, lòng tôi đã xáo động lên bởi những hoàn cảnh cụ thể của mỗi em. Có em là người duy nhất trong gia đình được rửa tội, phải trốn cha mẹ để đi học giáo lý; có em là trụ cột, là lao động chính trong gia đình; em khác thì mẹ là tín hữu Tin Lành, bố rửa tội nhưng chẳng biết nhà thờ là gì; và mỗi em đều có những rối ren riêng. Tuy thế, các em vẫn đi học hầu như đều đặn, khuôn mặt luôn toát lên sự hồn nhiên vui tươi. Hình bóng các em hiện lên vẻ đẹp của những thiên thần, là hiện thân đích thực của Đức Giêsu. Ánh sáng khởi đi từ các em đã tiếp thêm cho tôi một năng lượng nội tại rất lớn, thúc đẩy động lực bước theo lời mời gọi “ra đi loan báo Tin Mừng” của thầy Giêsu Chí Thánh. Có lẽ, sứ vụ truyền giáo đơn giản là hòa mình vào sống cùng và sống với, là “nhúng” mình vào cuộc sống của những người ta sống với. Nhưng điều đó không hề là điều dễ dàng.

Ngẫm suy lại những kinh nghiệm học hỏi được từ chia sẻ của những vị tiền bối đi trước về công cuộc truyền giáo, tôi nhận thấy chúng thật giá trị. Tuy nhiên, chỉ khi nhúng mình vào hành trình này, tôi mới “thẩm thấu” được bản chất thực sự của những kinh nghiệm đó. Nhà truyền giáo không phải như chủ thể đứng ngoài, và đi dạo quanh một đối tượng khách quan để quan sát và “nắm bắt” tình hình, rồi sau đó hoạch định một chương trình đồ sộ để quản trị. Thay vào đó, họ phải “ôm trọn” lấy đối tượng đó rồi “mổ xẻ”, “chiêm ngắm” hầu thấy được những cốt lõi, thấy được những rối ren hay sự hài hòa trong nó. Bằng cách đó, nhà truyền giáo mới có thể trở nên là nhà truyền giáo đích thực theo mẫu gương thầy Giêsu.

Hai tháng hè đi qua đã in dấu vào ký ức tôi biết bao kỷ niệm, kèm theo đó là những trải nghiệm quý giá. Quả thật, dù có biết bao nhiêu lý thuyết, có trang bị bao nhiêu hành trang mà chẳng bao giờ “lao mình xuống dòng” sông ắt hẳn sẽ không bao giờ tôi “biết bơi”. Sứ vụ truyền giáo cũng nhất thiết phải đắm mình vào môi trường cụ thể mới có thể thúc đẩy những động lực tiềm tàng trở nên hiện thể.

Bài trướcChú Giải Tin Mừng Chúa Nhật IV Mùa Vọng, Năm C (Lc 1,39-45.56)
Bài tiếp theoTẬP VIẾT CHỮ “YÊU” TRÊN QUỐC ĐẢO PAPUA NEW GUINEA