✍️ Tu sĩ Giuse Phạm Văn Tịnh, SVD
Là một tu sĩ truyền giáo, ai cũng mang trong mình những ước mơ, hoài bão và những kế hoạch cho sứ vụ của mình. Tôi cũng vậy! Là một tu sĩ dòng Ngôi Lời, tôi cũng có những ước mơ đó và tôi đã có cơ hội thực tập truyền giáo tại đất nước Papua New Guinea.
Đất nước và khí hậu Papua New Guinea
Trước khi đặt chân lên quốc đảo mến yêu Papua New Guinea, với định kiến về một quốc đảo với cái tên ít khi được chú ý trên bản đồ, tôi đã hình dung đó là một đất nước thổ dân nghèo nàn và lạc hậu. Cho đến khi đã trực tiếp đặt chân lên, trái ngược với suy nghĩ trước đây, Papua New Guinea trước mắt tôi là một đất nước xinh đẹp, có loài “chim Thiên Đường” – (Paradise Bird) là biểu tượng quốc gia của họ. Đất nước tuy không thịnh vượng, giàu có nhưng cuộc sống của người dân cũng tạm đủ, không quá nghèo đến nỗi phải đói.
Thêm vào đó, PNG là một đất nước có khí hậu khá ôn hòa và ít bị ô nhiễm bởi khói bụi, có nhiều rừng núi bao phủ và ít nhà máy. Tuy nhiên, như lẽ thường, điều kiện sống ngoài đảo xa sẽ kém tiện nghi hơn so với ở trên đất liền. Tôi thường gặp tình trạng không có điện khi đến ở một số nơi hoặc phải đi bộ trên những con đường khá trở ngại do tính chất địa hình đồi núi. Mặc dù có sự không thoải mái trong tiện nghi sống nhưng sau khoảng thời gian hai năm, khi đã quen với nhịp sống, tôi trở nên yêu thích cuộc sống ở đây.
Văn hóa và con người PNG
Khi đến đây tôi nhận ra văn hóa chào hỏi luôn hiện diện trên môi miệng của họ. Khi đi ra đường, gặp bất cứ người quen nào họ cũng chào nhau và trò chuyện một chút rồi họ mới đi công việc riêng, ngay cả khi công việc bận rộn họ cũng dừng lại trên đường để nói chuyện một chút với nhau rồi mới tiếp tục hành trình. Tôi cũng được sự yêu mến của người dân, họ luôn chào đón tôi dù họ không quen biết tôi, tôi nhận ra sự thân thiện của người dân nơi đây. Họ dễ gần và thân thiện, lịch sự. Thỉnh thoảng, tôi cũng gặp một số người họ không giữ đúng lời hứa hoặc không giữ đúng thời gian. Nhưng những điều đó đôi khi chấp nhận được vì sau đó họ đến gặp và giải thích lý do. Thật vậy, hạnh phúc của con người là được tương quan với ai đó trong tình yêu. Nếu không có tình yêu thì cuộc sống của ta trở nên thật vô vị và tàn tạ như cây thiếu nhựa sống. Còn khi ta mang tình yêu trong mình, thì chính tình yêu sẽ giúp ta sống vui tươi nhiệt thành và hăng say tiến bước. Tình yêu làm cho chúng ta dễ cảm thông và trở nên cởi mở trong tương quan không chỉ với cộng đoàn mà còn với môi trường xã hội tôi đang sống.
Thực tập mục vụ truyền giáo
PNG có số lượng người công giáo khoảng 25% nhưng nhiều nơi họ không có linh mục nên duy trì đời sống đức tin bằng việc cầu nguyện, đọc kinh, và chia sẻ Lời Chúa. Các giáo dân thường tập trung nơi những vùng đồi núi hoặc ven biển, sông ngòi hoặc suối. Vì những nơi đó giúp họ có thể sinh sống và làm nông nghiệp. Vì thế, phương tiện đi lại của đa số các nhà truyền giáo là đi bộ hoặc may mắn hơn, một số vùng ở thành phố, có phương tiện xe buýt công cộng hoặc xe hơi của giáo phận.
Khi đến giáo xứ Kainantu thuộc giáo phận Goroka, nơi tôi thực tập mục vụ, tôi nhận ra nơi giáo xứ tôi sinh hoạt đa số là những người khác tôn giáo, một số ít là công giáo, nên số giáo dân tham dự thánh lễ Chúa nhật chỉ tầm 200 người. Thỉnh thoảng, chúng tôi có thánh lễ của trường học thì con số lên khoảng 500 người. Do đó, người Công giáo trong nước có lẽ chỉ khoảng bằng 1/3 số dân của những tôn giáo khác. Tuy nhiên, khi họ tham dự thánh lễ cùng những người Công giáo họ vẫn diễn tả niềm tin trong không khí trang nghiêm, trang trọng và sốt sắng, họ vẫn hát những bài hát trong thánh lễ của Công giáo, họ không phân biệt tôn giáo… Tôi có cảm giác như là họ đã quen với không khí và những thánh lễ của người Công giáo. Điều này khiến tôi cảm nhận như một gia đình không phân biệt giai cấp hay tôn giáo ở đây.
Nơi giáo xứ, công việc mục vụ của tôi gồm: đánh chuông nhà thờ, chuẩn bị đồ thánh trang trước thánh lễ, đọc sách Lời Chúa trong thánh lễ.
Vào những dịp lễ lớn như lễ Giáng Sinh, tôi có dịp được trò chuyện và mời một số thanh niên khác đạo cùng tham gia một vài hoạt động của Công giáo như làm hang đá chung với giáo xứ để cùng mừng lễ Chúa Giáng Sinh. Tuy không thuộc Công giáo nhưng họ có chung niềm tin vào một Đấng Duy Nhất là Thiên Chúa. Và họ vẫn tham dự thánh lễ cách trang nghiêm sốt sắng. Hơn thế nữa, trong nghi thức cử hành phụng vụ, tôi học được văn hóa offer (tiền giỏ): họ offer những đồng tiền lẻ và tất cả những thứ mà họ cảm thấy cha xứ của họ cần. Tôi thấy rất nhiều rau, gạo, nước ngọt và ngay cả giấy vệ sinh, họ cũng dâng làm của lễ. Tôi nhận ra những con người nơi đây tuy nghèo, giản dị đơn sơ, nhưng họ có một tấm lòng mến Chúa và yêu quý các nhà truyền giáo.
Thỉnh thoảng, tôi đi thăm một số gia đình xung quanh giáo xứ. Khi tôi đến thăm một gia đình nào đó, công việc của tôi luôn là những lời cầu nguyện chung với gia đình họ, thường họ thích đọc kinh Mân Côi và sau đó là chia sẻ Lời Chúa. Họ rất thích được chia sẻ Lời Chúa, người lớn cũng như giới trẻ. Tôi để ý thấy nơi thờ phượng Chúa ở trong nhà của họ luôn là chỗ sạch sẽ và tốt nhất. Sau mỗi lần thăm viếng, tôi thường giúp họ sửa chữa những đồ dùng bị hư hỏng trong nhà họ. Do đó, tôi cũng cảm nhận được sự yêu thương từ nơi họ và được đối xử như là người thân trong gia đình của họ, tôi biết ơn họ về những điều này.
Sau cùng, nơi giáo xứ tôi mục vụ, tôi cũng học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ những nhà truyền giáo đi trước, Cha Itzo – SVD, đến từ đất nước Indonesia, ngài đã hướng dẫn tôi và cách thức tế nhị trong giao tiếp với người dân ví dụ như: chúng ta không nên hỏi người dân “bạn thuộc tôn giáo nào?” vì nơi tôi sống không có nhiều người Công giáo, và việc hỏi câu đó là một cách phân biệt họ. Tôi cũng được khuyên cẩn trọng chuyện tiền bạc, vì tôi đã từng bị người này người kia xin tiền với nhiều lý do và mục đích, họ có thể vẽ ra rất đúng và ý nghĩa, nhưng thực tế họ lại làm ngược lại. Thêm vào đó, tôi cũng được cảnh báo trước về thói quen sử dụng thời gian của họ, họ thường xuyên không đúng giờ, một là quá sớm, hai là quá trễ hoặc họ sẽ thất hứa…
Qua thời gian hơn chín tháng thực tập tại giáo xứ, tôi đã học hỏi được nhiều thứ từ cha xứ, từ giáo dân và từ những người hàng xóm sống xung quanh tôi, tôi thầm cám ơn Chúa và cám ơn mọi người vì sự gặp gỡ và cho tôi có được những tương quan tốt đẹp này.
Tạm kết
Thời gian ở Papua New Guinea gần hai năm đã khép lại, tuy không dài nhưng cũng đủ thời gian cho tôi trải nghiệm được phần nào về văn hóa, đất nước, con người nơi đây, mặc dù ngôn ngữ còn hạn chế và có lẽ là khó khăn và thách đố của mỗi nhà truyền giáo nhưng ngôn ngữ tình yêu mới là cách để tôi được đong “đầy” với cuộc sống và sứ vụ. Từ lần “học viết chữ YÊU” này, tôi luôn thầm ước và hy vọng một ngày nào đó, tôi được trở lại đất nước PNG này để tiếp tục sứ vụ truyền giáo của mình ở đây. Tôi cảm thấy yêu mến đất nước PNG và con người tại đây bởi sự đơn giản, đơn sơ và gần gũi cũng như sự khát khao được đón nhận Tin Mừng của họ. Tôi rất biết ơn quý cha đồng hành với tôi và cho tôi có cơ hội đến đây thực tập truyền giáo và trải nghiệm cuộc sống truyền giáo tại đất nước PNG.
Xin Chúa và Mẹ Maria, thánh Arnold Janssen và thánh Joseph Freinademetz chúc lành và ban tràn đầy hồng ân của các Ngài xuống trên quý cha và những người đã hiện diện với tôi cách này cách khác trong sứ vụ thực tập truyền giáo. Amen.