Lời Chúa + Bài giảng Lễ Thánh Gia Thất – Năm B

0
1024

Bài Ðọc I: Hc 3, 3-7. 14-17a

“Ai kính sợ Chúa, thì thảo kính cha mẹ”.

Trích sách Huấn Ca.

Thiên Chúa suy tôn người cha trong con cái; quyền lợi bà mẹ, Người củng cố trên đoàn con. Ai yêu mến cha mình, thì đền bù tội lỗi; ai thảo kính mẹ mình, thì như người thu được một kho tàng. Ai thảo kính cha mình, sẽ được vui mừng trong con cái, khi cầu xin, người ấy sẽ được nhậm lời. Ai thảo kính cha mình, sẽ được sống lâu dài. Ai vâng lời cha, sẽ làm vui lòng mẹ.

Hỡi kẻ làm con, hãy gánh lấy tuổi già cha ngươi, chớ làm phiền lòng người khi người còn sống. Nếu tinh thần người sa sút, thì hãy rộng lượng, ngươi là kẻ trai tráng, chớ đành khinh dể người. Vì của dâng cho cha, sẽ không rơi vào quên lãng. Của biếu cho mẹ, sẽ đền bù tội lỗi, và xây dựng đức công chính của ngươi.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 127, 1-2. 3. 4-5

Ðáp: Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người (x. c. 1).

Xướng: 1) Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người! Công quả tay bạn làm ra bạn an hưởng, bạn được hạnh phúc và sẽ gặp may. – Ðáp.

2) Hiền thê bạn như cây nho đầy hoa trái, trong gia thất nội cung nhà bạn. Con cái bạn như những chồi non của khóm ô-liu ở chung quanh bàn ăn của bạn. Ðó là phúc lộc dành để cho người biết tôn sợ Ðức Thiên Chúa. – Ðáp.

3) Nguyện xin Thiên Chúa từ Sion chúc phúc cho bạn, để bạn nhìn thấy cảnh thịnh đạt của Giêrusalem hết mọi ngày trong đời sống của bạn, và để bạn nhìn thấy lũ cháu đoàn con! – Ðáp.

Bài Ðọc II: Cl 3, 12-21

“Về đời sống gia đình trong Chúa”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.

Anh em thân mến, như những người được chọn của Thiên Chúa, những người thánh thiện và được yêu thương, anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau nếu người này có chuyện phải oán trách người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau. Và trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện. Nguyện cho bình an của Chúa Kitô làm chủ trong lòng anh em, sự bình an mà anh em đã được kêu gọi tới để làm nên một thân thể. Anh em hãy cảm tạ Thiên Chúa. Nguyện cho lời Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong anh em. Với tất cả sự khôn ngoan, anh em hãy học hỏi và nhủ bảo lẫn nhau. Hãy dùng những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca của Thần khí, cùng với lòng tri ân, để hát mừng Thiên Chúa trong lòng anh em. Và tất cả những gì anh em làm, trong lời nói cũng như trong hành động, tất cả mọi chuyện, anh em hãy làm vì danh Chúa Giêsu Kitô, nhờ Người mà tạ ơn Thiên Chúa Cha.

Hỡi các bà vợ, hãy phục tùng chồng trong Chúa cho phải phép. Hỡi những người chồng, hãy yêu thương vợ mình, đừng đay nghiến nó. Hỡi những người con, hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là đẹp lòng Chúa. Hỡi những người cha, đừng nổi cơn phẫn nộ với con cái, kẻo chúng nên nhát đảm sợ sệt.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Cl 3, 15a. 16a

Alleluia, alleluia! – Nguyện cho bình an của Chúa Kitô làm chủ trong lòng anh em. Nguyện cho lời Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong anh em. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 2, 22-40 (bài dài)

“Con trẻ lớn lên, đầy khôn ngoan”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Môsê, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Lề luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là người thánh thuộc về Chúa”. Và cũng để dâng lễ vật cho Chúa, như có nói trong Luật Chúa, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu con.

Và đây ở Giêrusalem có một người tên là Simêon, là người công chính, kính sợ Thiên Chúa, và đang đợi chờ niềm ủi an của Israel. Thánh Thần cũng ở trong ông. Ông đã được Thánh Thần trả lời rằng: Ông sẽ không chết trước khi thấy Ðấng Kitô của Chúa. Ðược Thánh Thần thúc giục, ông vào đền thờ ngay lúc cha mẹ trẻ Giêsu đưa Người đến để thi hành cho Người những tục lệ của Lề luật. Ông bồng Người trên cánh tay mình, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:

“Lạy Chúa, bây giờ, Chúa để cho tôi tớ Chúa đi bình an theo như lời Chúa, vì chính mắt con đã thấy ơn cứu độ mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa”.

Cha mẹ Người đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người. Simêon chúc lành cho hai ông bà và nói với Maria mẹ Người rằng: “Ðây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ!”

Lúc ấy, cũng có bà tiên tri Anna, con ông Phanuel, thuộc chi họ Asê, đã cao niên. Mãn thời trinh nữ, bà đã sống với chồng được bảy năm. Rồi thủ tiết cho đến nay đã tám mươi bốn tuổi. Bà không rời khỏi đền thờ, đêm ngày ăn chay cầu nguyện phụng sự Chúa. Chính giờ ấy, bà cũng đến, bà liền chúc tụng Chúa, và nói về trẻ Giêsu cho tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc Israel.

Khi hai ông bà hoàn tất mọi điều theo luật Chúa, thì trở lại xứ Galilêa, về thành mình là Nadarét. Và con trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc bài vắn này: Lc 2, 22. 39-40

“Con trẻ lớn lên, đầy khôn ngoan”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Môsê, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa. Khi hai ông bà hoàn tất mọi điều theo luật Chúa, thì trở lại xứ Galilêa, về thành mình là Nadarét. Và Con Trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng chủ đề:

 


GIA ĐÌNH, MỘT NẺO ĐƯỜNG NÊN THÁNH (Lm. Antôn Nguyễn Thanh Hà, SVD)


CÓ CHÚA Ở CÙNG (Ts. Lm. Phêrô Trần Quốc Tuấn, SVD)

Tin Mừng trong ngày lễ Thánh Gia Thất hôm nay mời gọi các gia đình Công Giáo hãy chiêm ngắm và học hỏi nơi Thánh Gia những điều cần thiết trong việc chăm sóc, bảo vệ và gìn giữ gia đình mình trước những khó khăn, thử thách, đổi thay của cuộc đời.

Có hai điều quan trọng mà mọi gia đình Công Giáo muốn tốt, hạnh phúc phải noi gương bắt chước Thánh Gia: Thứ nhất, phải yêu mến và tuân giữ Lề Luật (Luật Chúa); Thứ hai, phải luôn ‘có Chúa ở cùng’.

1.     Phải yêu mến và tuân giữ Lề Luật

Theo Lề Luật xưa, có ba nghi thức dành cho người mẹ sinh con trai đầu lòng: Lễ cắt bì (St 17,9-14 và Lv 12,3); Dâng của lễ thanh tẩy người mẹ (Lv 12,6-8); và dâng cho Thiên Chúa mọi con trai đầu lòng (Xh 13,2). Thánh Gia đã chu toàn cả ba nghi lễ này. Thật ra, Thánh Gia không cần phải tuân thủ những điều này, bởi vì Mẹ Maria mang thai Đức Giêsu là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Sau khi sinh con, Mẹ vẫn đồng trinh. Hơn nữa, Mẹ là ‘Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội’ thì không việc gì phải chịu thanh tẩy theo luật. Đức Giêsu chính là Thiên Chúa vì thế không cần phải dâng cho Thiên Chúa. Thế nhưng, Thánh Gia đã chu toàn bổn phận trần gian của mình, trước là để không làm cớ vấp phạm cho người khác, sau là để nói với chúng ta về sự quan trọng của việc tuân giữ Lề Luật.

Thánh Bênađô viện phụ đã nói: “Mình giữ luật thì luật sẽ giữ mình”.[1] Thật vậy, khi chúng ta giữ luật một cách đúng đắn, sẽ tránh được rất nhiều rủi ro trong cuộc sống. Trong đời sống đức tin cũng thế. Việc tuân giữ luật Chúa truyền sẽ giúp chúng ta khỏi lầm đường lạc lối, sa ngã phạm tội và hơn hết là giúp chúng ta sống xứng đáng là con cái Thiên Chúa. Một gia đình mà mọi thành viên biết tuân giữ luật Chúa truyền, chắc chắn sẽ là một gia đình tốt, hạnh phúc dù có nghèo đi chăng nữa. Bởi lẽ, nhờ giữ các điều răn của Chúa mà con cháu luôn biết thảo kính ông bà, cha mẹ. Nhờ tuân giữ các điều răn của Chúa mà vợ chồng biết tôn trọng, yêu thương, nâng đỡ, nhau tránh được thói gian dâm, bất chính, tham lam, ích kỷ…Hơn hết, nhờ tuân giữ các điều răn của Chúa mà họ biết kính mến Chúa trên hết mọi sự và luôn để Chúa làm chủ gia đình mình.

2.     Phải có Chúa ở cùng

Một gia đình muốn tốt, hạnh phúc thì phải luôn ‘có Chúa ở cùng’. Có Chúa ở cùng sẽ giúp gia đình Kitô hữu vượt qua những khó khăn, thử thách của cuộc đời. Chúng ta có thể thấy rõ điều này nơi Thánh Gia.

Chúng ta gọi gia đình của Đức Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse là “Thánh Gia” là “Gia Đình Thánh”, nhưng giống như mọi gia đình trần gian khác, Thánh Gia cũng phải đối diện với muôn vàn khó khăn, thử thách.

Thử thách đầu tiên là việc Đức Maria đã có thai trước khi họ về chung sống với nhau. Chiếu theo luật Môsê, Đức Maria sẽ bị ném đá cho đến chết. Giuse cũng đã không chấp nhận nỗi và có ý định sẽ bỏ Maria một cách kín đáo. May mắn là Chúa đã can thiệp kịp thời, và Giuse đã nhận ra và đón nhận thánh ý của Thiên Chúa (x.Mt 1, 19-24a).

Khó khăn thứ hai ập đến khi Đức Giêsu chuẩn bị cất tiếng khóc chào đời. Vì nghèo, ông bà không tìm được quán trọ, đành tá túc và sinh con nơi máng cỏ bò lừa giữa đồng hoang (Lc 2,7). Chưa yên, sóng gió lại tiếp tục ập đến và càng khóc liệt hơn. Hài nhi Giêsu còn đỏ hỏn đang bị truy sát bởi vua Hêrôđê, nên ngay trong đêm, gia đình tội nghiệp này phải chạy trốn sang Ai Cập (Mt 2, 13).

Đến ngày dâng con trong đền thờ theo luật dạy, lời ngôn sứ về Hài Nhi Giêsu của cụ già Simêon lại làm cho Giuse và Maria phải lo lắng thêm: “Cháu bé này được đặt làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2, 34-35). Tất cả đã xảy ra với Thánh Gia như lời tiên báo của cụ già Simêon và quả thật một lưỡi gươm đã đâm thâu tâm hồn Mẹ Maria khi Mẹ phải chứng kiến những cực hình cũng như cái chết đau thương, nhục nhã trên thánh giá của con Mẹ.

Điều gì đã giữ Thánh Gia bên nhau và vượt thắng tất cả những đau thương thử thách đó? Câu trả lời là vì họ luôn ‘Có Chúa ở Cùng’.

Vì có Chúa ở cùng, thánh Giuse đã chấp nhận và vượt qua tất cả những thử thách để hết lòng yêu thương, tôn trọng Mẹ Maria và Đức Giêsu và ra sức để bảo vệ gia đình mình trước những khó khăn không ngừng ập đến. Vì có Chúa ở cùng, Mẹ Maria đã chấp nhận tất cả, xin vâng tất cả thánh ý của Thiên Chúa. Đức Giêsu – Đấng Emmanuel – ‘Thiên Chúa ở cùng’ hằng yêu thương, vâng phục và kính trọng cha mẹ mình.

Vì tin có Chúa ở cùng, tổ phụ Apraham đã dám bỏ lại tất cả để ra đi đến nơi mà mình không biết. Cụ già Simêon, nữ ngôn sứ Anna sau bao nhiêu năm mòn mỏi đợi chờ, cũng đã được mãn nguyện và sẵn sàng ra đi vì họ đã thấy Ơn Cứu Độ, đã có Chúa ở cùng.

3.     Gia đình và những khủng hoảng

Đời sống hôn nhân gia đình chưa bao giờ là dễ. Xã hội càng phát triển, càng hiện đại thì gia đình càng phải đối diện với nhiều khó khăn, thử thách hơn, dễ bị khủng hoảng hơn. Có ba khủng hoảng mà các gia đình thường phải đối diện:

Khủng hoảng về hôn nhân gia đình. Thực tế cho thấy ngày càng nhiều gia đình bị chia cắt, ly thân, ly dị; bạo hành gia đình liên tục xảy ra; con cái bất tuân cha mẹ, thích nổi loạn, thích tự do; anh chị em ghen ghét kiện tụng nhau; …Nguyên nhân ngoại tại là do ảnh hưởng xấu từ xã hội nhưng nguyên nhân nội tại là do thiếu sự quan tâm, thông cảm, chia sẻ, lắng nghe giữa các thành viên trong gia đình cũng như sự coi thường truyền thống (gia đình), xem nhẹ lề luật và hơn hết là không tin có Chúa ở cùng.

Khủng hoảng về kinh tế – tài chánh. Xã hội phát triển kéo theo những hệ luỵ cay nghiệt của nó: Vô cảm, gian dối, độc ác, cá lớn nuốt cá bé…Thêm vào đó thiên tai, dịch bệnh không ngừng xảy ra đã đẩy nhiều gia đình đến bên bờ vực thẳm. Tình trạng ‘nợ xấu’ ngày càng nhiều và trở thành cái gông đang cùm nhiều gia đình trong tuyệt vọng.

Khủng hoảng đức tin. Những khủng hoảng ngoại tại này là nguyên nhân chính làm cho nhiều gia đình rơi vào khủng hoàng đức tin. Nhiều gia đình vì thất bại trong làm ăn, vì những đổ vỡ trong gia đình đã quay sang than trách Chúa, quay lưng lại với tình yêu Chúa và cuối cùng là đánh mất đức tin.

Đã đến lúc, các gia đình phải sống và thực hành lời dạy của thánh Phalo nếu muốn gia đình mình được yên ấm, hạnh phúc: “Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa. Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ. Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa. Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng” (Cl 3, 18-21).

Đã đến lúc, các gia đình phải noi gương Thánh Gia Thất, luôn chu toàn lề luật, luôn lấy Chúa làm gia nghiệp cho gia đình mình. Nhờ ơn Chúa giúp cùng với những nỗ lực của các thành viên trong gia đình, gia đình chúng ta có thể vượt qua được những khó khăn, thử thách và luôn vững tin rằng có Chúa ở cùng gia đình mình. Để rồi chúng ta cũng có thể tuyên xưng đức tin của mình như vua Đavid xưa: “Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u, con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm” (Tv 23,4). Amen!

*Chú thích: [1] Giảng lễ Chúa Nhật XXII Thường Niên B (giaophanthaibinh.org) (Truy cập 25/11/2023).


 

GIA ĐÌNH THÁNH (Lm. Giuse Nguyễn Đức Hòa, SVD)

Ngay từ khởi nguyên Thiên Chúa dựng lên con người, Ngài đã tạo cho con người một môi trường sống bằng một mái ấm gia đình. Hai ông bà Ađam và Evà đã được Thiên Chúa tác thành và sống hạnh phúc bên nhau. Ý định và hành động của Thiên Chúa luôn muốn con người được sống hạnh phúc, mái ấm gia đình luôn là điều quan tâm của Ngài. Chính vì thế, trong công trình cứu độ, Thiên Chúa đã thực hiện với sự tham gia của mái ấm gia đình. Một trong những mái ấm gia đình đó là gia đình Thánh Gia.

Gia đình Thánh Gia không chỉ được tham gia thực hiện công trình cứu độ của Thiên Chúa, nhưng đó còn là gia đình gương mẫu cho nhân loại noi theo. Thánh Giuse người công chính, Đức Maria nữ tì hằng vâng phục và Đức Giêsu người con tuyệt hảo của Thiên Chúa đã tạo nên một gia đình Thánh. Gia đình Thánh Gia trở nên gương mẫu vì sự thánh thiện đẹp lòng Thiên Chúa, đặc biệt là có Chúa sống cùng.Đó là điều mỗi gia đình Kitô giáo trong xã hội ngày hôm nay cần phải có và trở nên như gia đình Thánh Gia.

Gia đình Thánh Gia cho chúng ta bài học về đời sống gia đình và đời sống làm con Thiên Chúa.Trước hết là sống với lề luật của Thiên Chúa và sau đó là đời sống mẫu gương cho mọi gia đình noi theo.

Gia đình Thánh gia sống chu toàn lề luật Thiên Chúa. Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy mẫu gương sống thi hành lề luật của gia đình Thánh Gia. Theo Tin Mừng thánh Luca, gia đình Thánh tiến lên đền thờ thi hành việc tẩy uế và tiến dâng con. Theo luật dạy, người mẹ sau khi sinh con phải tẩy uế. Đức Maria đã tuân giữ luật ấy, dù Mẹ biết rằng Đấng Mẹ sinh ra là Đấng Thánh. Luật còn dạy chuộc lại con đầu lòng vì người con đó thuộc sở hữu của Thiên Chúa. Đức Giêsu không chỉ được chuộc về mà cha mẹ còn tiến dâng Ngài cho Thiên Chúa.

Thánh Gia làmẫu gương của đờisống gia đình. Bắt đầu từ Thánh Giuse là người cột trụ gia đình, ngài đã từ bỏ ý định riêng của mình để thi hành thánh ý của Thiên Chúa. Với đời sống cần lao và tuân thủ lề luật, Thánh Giuse đã là chỗ dựa vững chắc cho Đức Maria, và là nơi an toàn cho trẻ Giêsu được lớn lên đầy đủ phẩm chất để thi hành thánh ý Thiên Chúa.

Đối với Đức Maria, hai tiếng xin vâng của Mẹ đã làm cho chương trình của Thiên Chúa được khởi sự. Mẹ là người mẹ tốt nhất, đạo hạnh nhất đã truyền dạy cho con trẻ Giêsu lòng đạo đức cũng như trí thức cuộc sống. Mẹ đã chịu bao đau khổ gian nan, từ chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, từ ngày con bắt đầu thực thi sứ vụ đến khi con chết nhục hình thảm sầu trên đồi Canvê. Tất cả vì công trình cứu độ mà Mẹ đã hiến dâng đời mình, hiến dâng con mình để tuân theo thánh ý của Thiên Chúa. Những gì cụ già Simêon tiên báo Mẹ đã lãnh nhận với sự vâng phục không điều kiện.

Nhờ bởi sự nuôi dưỡng và dạy dỗ của Thánh Giuse và Đức Maria mà Chúa Giêsu ngày thêm khôn lớn, đẹp lòng Thiên Chúa và mọi người. Tuy Thánh Giuse và Đức Maria không có tương quan vợ chồng, nhưng tình yêu chẳng bao giờ thiếu ở Nadarét. Chúng ta không biết nhiều và tường tận về đời sống của gia đình Thánh Gia, nhưng chúng ta thấy hai đấng luôn bên nhau tận tâm chăm lo cho con cái. Thánh Giuse và Đức Maria cùng nhau chia sẻ những khó khăn của cuộc sống, cùng nhau tuân giữ lề luật của Thiên Chúa.

Còn đối với Đức Giêsu, từ khi chấp nhận làm người, Ngài đã chấp nhận thuộc về một gia đình. Ngôi Lời làm người chấp nhận có mẹ có cha, chấp nhận tuân phục các ngài.Mái ấm gia đình là trường học, cha mẹ là thầy cô, nhờ vậy Đức Giêsu đã học tập làm người và trở nên hoàn thiện cả về thể chất, trí thức và đức độ.Điều quan trọng hơn cả là Đức Giêsu Con Thiên Chúa trong thân phận làm người đã chịu chết để thực thi thánh ý của Thiên Chúa Cha. Một sự vâng phục tuyệt hảo làm tròn sứ vụ của Cha giao phó.

Thiên Chúa luôn yêu thươngcon người, ban cho con người mái ấm gia đình và đặc biệt mời gọi con người tham gia vào chương trình của Ngài. Vậy, con người phải có thái độ sống như thế nào trước ân huệcủa Thiên Chúa. Trả lời điều này, bài đọc thứ nhất sách Sáng Thế và bài đọc thứ hai trong thư gởi Do Thái đã giải đáp cho chúng ta. Trong bài đọc thứ nhất, gia đình ông Ápraham đã được Thiên Chúa ân ban, tuyển chọn và gầy dựng để trở thành một dân tộc hùng cường, đó là tình thương và ưu ái mà Thiên Chúa ban cho con người. Bài đọc thứ hai là lời đáp trả của gia đình ông Ápraham bằng niềm tin. Niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa đã làm cho ông Ápraham nên tổ phụ mọi dân tộc và gia đình được hạnh phúc bình an. Nối kết với bài Tin Mừng, gia đình Thánh Gia cũng vậy, nhờ tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa mà gia đình Thánh Gia đã trở nên gia đình Thánh, một gia đình được Thiên Chúa hiện diện và ở cùng.

Qua gia đình Thánh Gia, mỗi người chúng ta có được những mẫu gương để noi theo sống ơn gọi làm con Thiên Chúa.

Trước hết là sự thể hiện niềm tin của gia đình Thánh. Các Ngài đã không nghi hoặc nhưng trọn niềm tín thác vào Thiên Chúa. Đức tin của gia đình đã làm cho gia đình trở nên thánh, đẹp lòng Thiên Chúa và có được cuộc sống hạnh phúc, bình an và yêu thương nhau dù rất gian nan vất vả. Đây là điều mà gia đình Kitô giáo ngày nay rất cần để gây dựng gia đình hạnh phúc và bình an. Mỗi gia đình hãy xây dựng đức tin của mình vào Thiên Chúa một cách vững mạnh để được như gia đình Thánh Gia.

Tiếp theo,gia đình Thánh Gia cho chúng ta mẫu gương sống. Thánh Giuse người cha quả cảm, Đức Maria là người mẹ đạo hạnh và Đức Giêsu là người con vâng phục, đây là những mẫu gương cho mỗi người chúng ta noi theo trong bậc sống của mình. Nhờ gương lành từ gia đình Thánh Gia,mỗi người chúng ta hãy: là người cha có trách nhiệm, sống yêu thương đùm bọc gia đình; là người mẹ hết tình nuôi dạy con cái, hướng con cái sống đẹp đời tốt đạo; là người con hãy vâng phục cha mẹ và chu toàn bổn phận làm con. Nhưng như thế thôi chưa đủ!Một điều cần thiết nhất để mỗi gia đình Kitô giáo trở nên như gia đình Thánh Gia là phải có Chúa ở cùng. Như Con Thiên Chúa đã đến và ở cùng gia đình Thánh Gia, mỗi gia đình Kitô giáo hãy đón rước Con Thiên Chúa vào cư ngụ trong nhà mình qua bí tích Thánh Thể.

Gia đình Thánh Gia là gia đình tuyệt hảo xứng đáng cho mọi gia đình noi theo, vì ở đó có Chúa sống cùng, có yêu thương được thể hiện, dưỡng dục được đề cao, giáo dục được thi hành và vâng phục được áp dụng. Ước gì mọi gia đình Kitô giáo đều trở nên như gia đình Thánh Gia, để mỗi người là cha như thánh Giuse, là mẹ như Đức Maria và là con như Chúa Giêsu. Amen.

 

Bài trướcChú Giải Tin Mừng CN Lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa (Lc 2,15-21)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Thánh Gia Thất – B)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.