Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật Lễ Lá – Năm B

0
833

Kiệu Lá:

Bài Phúc Âm: Mt 11, 1-10

“Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi các ngài đến gần Giêrusalem ngang qua Bêtania, gần núi Cây Dầu, thì Chúa Giêsu sai hai môn đệ đi và bảo rằng: “Các con hãy đến làng trước mặt kia, vừa vào làng, các con sẽ gặp ngay cột sẵn đó một lừa con chưa ai cỡi, các con hãy mở dây mà dẫn về. Và nếu có ai hỏi các con ‘Sao các ông làm thế?’, thì hãy nói rằng: ‘Chúa cần dùng, xong việc Ngài sẽ trả lại đây'”. Hai môn đệ ra đi và gặp lừa con cột trước cửa ngõ, nơi ngã tư đàng, hai ông liền mở dây. Vài người trong những kẻ đứng đó hỏi hai môn đệ rằng: “Các ông làm gì mà mở dây lừa con vậy?” Hai môn đệ đáp lại như lời Chúa Giêsu dạy bảo, và người ta để cho đem đi. Hai ông dắt lừa con về cho Chúa Giêsu, và trải áo lên mình lừa và Ngài lên cỡi. Nhiều người trải áo xuống đường, kẻ khác chặt nhành cây trải lối đi: Kẻ thì đi trước, người theo sau tung hô rằng: “Hoan hô! Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến. Chúc tụng nước Ðavit tổ phụ chúng ta đã đến. Hoan hô trên các tầng trời!”

Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc bài này: Ga 12, 12-16

Hoan hô, chúc tụng vua Israel, Ðấng nhân danh Chúa mà đến!

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, có đám đông dân chúng đến dự lễ, vừa nghe biết Chúa Giêsu đến Giêrusalem, họ liền cầm cành lá đi đón Người và tung hô rằng: “Hoan hô, chúc tụng vua Israel, Ðấng nhân danh Chúa mà đến!” Chúa Giêsu gặp một lừa con, liền cỡi lên, như có lời chép rằng: “Hỡi con gái Sion, đừng sợ chi, này vua ngươi cỡi lừa con đến”. Thoạt đầu, các môn đệ Người không hiểu các lời này, nhưng khi Chúa Giêsu được tôn vinh, các ông mới nhớ lại những lời đó đã chép về Người và người ta đã làm những điều ấy cho Người.

Ðó là lời Chúa.

Thánh Lễ:

Bài Ðọc I: Is 50, 4-7

“Tôi đã không giấu mặt mũi tránh những lời nhạo cười, nhưng tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn”.

(Bài ca thứ ba về Người Tôi Tớ Chúa)

Trích sách Tiên tri Isaia.

Chúa đã ban cho tôi miệng lưỡi đã được huấn luyện, để tôi biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ nhọc nhằn. Mỗi sáng Người đánh thức tôi, Người thức tỉnh tai tôi, để nghe lời Người giáo huấn. Thiên Chúa đã mở tai tôi, mà tôi không cưỡng lại và cũng chẳng thối lui. Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu; tôi đã không che giấu mặt mũi, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi. Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không phải hổ thẹn; nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 21, 8-9. 17-18a. 19-20. 23-24

Ðáp: Ôi Thiên Chúa! Ôi Thiên Chúa! sao Chúa đã bỏ con? (c. 2a)

Xướng: 1) Bao người thấy con đều mỉa mai con, họ bĩu môi, họ lắc đầu: “Hắn tin cậy Chúa, xin Ngài cứu hắn, xin Ngài giải gỡ hắn, nếu Ngài yêu thương”. – Ðáp.

2) Ðứng quanh con là đàn ưng khuyển, một lũ côn đồ bao bọc lấy con. Chân tay con chúng đều chọc thủng, con có thể đếm được mọi đốt xương con. – Ðáp.

3) Phần chúng thì nhìn xem con và vui vẻ, đem y phục của con chia sẻ với nhau, còn tấm áo dài, thì chúng rút thăm… Phần Ngài, lạy Chúa, xin chớ đứng xa con, ôi Ðấng phù trợ con, xin kíp ra tay nâng đỡ. – Ðáp.

4) Con sẽ tường thuật danh Chúa cho các anh em, giữa nơi công hội, con sẽ ngợi khen Người. “Chư quân là người tôn sợ Chúa, xin hãy ca khen Chúa, toàn thể miêu duệ nhà Giacóp, hãy chúc tụng Người, hãy tôn sợ Người, hết thảy dòng giống Israel!” – Ðáp.

Bài Ðọc II: Pl 2, 6-11

“Người đã tự hạ mình; vì thế Thiên Chúa đã tôn vinh Người”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.

Chúa Giêsu Kitô, tuy là {thân phận} Thiên Chúa, đã không nghĩ phải giành cho được ngang hàng với Thiên Chúa; trái lại, Người huỷ bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người, với cách thức bề ngoài như một người phàm. Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe tên Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất và trong địa ngục phải quỳ gối xuống, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Ðức Giêsu Kitô là Chúa để Thiên Chúa Cha được vinh quang.

Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Pl 2, 8-9

Chúa Kitô vì chúng ta, đã vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu.

Bài Thương Khó: Mc 14, 1 – 15. 47

(File audio hát Passio năm B: Bài thương khó này được hát theo bản phổ nhạc của Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa; người kể: Thỉnh sinh Phêrô Nguyễn Trọng Đường; các nhân vật do Thỉnh sinh Stephanô Nguyễn Đắc Hùng Phú; chủ tế: Lm. GB Nguyễn Hữu Duy, SVD. Chúa Nhật Lễ Lá 2024).

 

Hoặc đọc bài vắn này: Mc 15, 1-39

Vừa tảng sáng, các thượng tế hội nghị với các kỳ lão, luật sĩ và toàn thể công nghị. Họ đã trói Chúa Giêsu và giải nạp Người cho Philatô. Philatô hỏi Người:

“Ông có phải là vua dân Do-thái không?”

Chúa Giêsu đáp:

“Ông nói đúng!”

Và các thầy thượng tế cáo Người nhiều điều. Philatô lại hỏi Người rằng:

“Ông không trả lời gì ư? Hãy coi họ tố cáo Ông biết bao nhiêu điều!”

Nhưng Chúa Giêsu không trả lời gì thêm, khiến Philatô ngạc nhiên. Vào mỗi dịp lễ, quan có thói quen phóng thích cho dân một người tù tuỳ ý họ xin. Bấy giờ trong khám có tên Baraba bị giam cùng với những kẻ phiến loạn, vì chúng đã giết người trong cuộc khởi loạn. Dân chúng tiến lên Philatô xin ân xá theo như quan quen làm. Vậy Philatô hỏi:

“Các ngươi có muốn ta phóng thích cho các ngươi Vua dân Do-thái không?”

(Vì quan đã biết rõ do lòng ghen tương mà các thượng tế nộp Người). Nhưng dân xin quan phóng thích Baraba cho họ. Philatô bảo dân chúng rằng:

“Các ngươi muốn Ta làm gì cho vua dân Do-thái?”

Nhưng chúng lại kêu lên:

“Ðóng đinh nó đi!”

Philatô đáp lại:

“Người này đã làm gì nên tội?”

Song chúng càng la to hơn:

“Ðóng đinh nó đi!”

Sau cùng Philatô muốn vừa lòng dân, liền tha Baraba và trao Chúa Giêsu cho chúng đánh đòn và đóng đinh vào thập giá. Quân lính điệu Người vào sân tiền đường và tập họp cơ đội lại. Chúng mặc áo choàng đỏ cho Người, rồi quấn một vòng gai đặt trên đầu Người. Ðoạn chào Người rằng:

“Tâu Vua dân Do-thái”.

Rồi chúng lấy cây sậy đánh đầu Người, khạc nhổ vào Người và quỳ gối triều bái Người. Khi đã nhạo cười Người, chúng lột áo choàng đỏ ra, mặc y phục lại cho Người và chúng điệu Người đi đóng đinh vào thập giá. Chúng gặp một người qua đường, tên là Simon, quê ở Xyrênê, là thân phụ của Alexanđrô và Rôphô vừa ở ngoài đồng về, chúng bắt ông vác đỡ thập giá cho Người. Chúng điệu Người đến nơi kia gọi là Golgotha, nghĩa là Núi Sọ. Chúng cho Người uống rượu pha mộc dược, nhưng Người không uống. Chúng đóng đinh Người vào thập giá, rồi chúng chia nhau áo Người bằng cách bắt thăm xem ai được phần nào.

Vào lúc giờ thứ ba, chúng đã đóng đinh Người vào thập giá. Và có bản án ghi rằng: Vua dân Do Thái! Và cùng với Người, chúng đóng đinh hai tên trộm cướp vào thập giá, một đứa bên hữu, một đứa bên tả Người. Như vậy là ứng nghiệm lời Thánh Kinh rằng: Người đã bị liệt vào số những kẻ gian ác. Những người qua đường sỉ nhục Người, lắc đầu và nói:

“Kià! Kẻ phá đền thờ Thiên Chúa và xây lại trong ba ngày: hãy tự cứu mình xuống khỏi thập giá đi!”

Các thượng tế với các luật sĩ cũng nhạo báng Người và nói với nhau:

“Nó đã cứu được những kẻ khác mà không tự cứu mình! Bây giờ Ðấng Kitô Vua Israel, hãy xuống khỏi thập giá đi để chúng ta thấy mà tin nào!”

Cả những kẻ cùng chịu đóng đinh với Người cũng lăng nhục Người. Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín, tối tăm bao trùm toàn thể lãnh thổ. Và đến giờ thứ chín, Chúa Giêsu kêu lớn tiếng rằng:

“Eloi, Eloi, lema sabachtani!”

Nghĩa là:

“Lạy Chúa con, lạy Chúa con, Tại sao Chúa bỏ con!”

Có mấy người đứng đó nghe thấy liền nói rằng:

“Kìa, nó gọi Elia!”

Bấy giờ có kẻ chạy đi nhúng miếng bông biển đầy dấm và cuốn vào cây sậy và đưa lên cho Người uống mà rằng:

“Hãy đợi xem Elia có đến đem nó xuống không?”

Nhưng Chúa Giêsu kêu một tiếng lớn và trút hơi thở.

(Quỳ gối thinh lặng thờ lạy trong giây lát)

Màn trong đền thờ xé ra làm đôi từ trên xuống dưới. Viên sĩ quan đứng trước mặt Người thấy Người kêu lên và trút hơi thở như thế, liền nói rằng:

“Ðúng người này là Con Thiên Chúa!”


 

Bài giảng chủ đề:

CHỊU THƯƠNG KHÓ VÌ YÊU THƯƠNG (Lm. Phêrô Nguyễn Cao Sâm, SVD)

Chúng ta vừa lắng nghe Bài Thương Khó của Đức Giêsu. Thương khó là khổ nạn; và thương khó là việc “thương” người ấy rất “khó” vì họ rất “khó thương.” Nên việc “thương khó” đó trở thành sự “khổ nạn” cho người thương yêu, vì người này thực sự muốn yêu thương người “khó thương” ấy. Nếu là “thương dễ” và họ “dễ thương” thì không còn là Thương Khó. Nhưng dù việc “thương” rất “khó” và sự “thương khó” này có là một sự “khổ nạn” đi nữa thì người này cũng sẵn sàng chịu đựng để yêu thương và cứu người “khó thương” ấy. Thế đấy! Trời Thương Khó và đời khó thương!

Sự “thương khó” và “khó thương” này mô tả phần nào sự mâu thuẫn và nghịch cảnh của Trời với đời, và biểu lộ không những trong Bài Thương Khó (Tin Mừng) mà trong suốt cả Thánh Lễ Lá. Khởi đầu lễ, trong cuộc Rước Lá, mỗi người hai tay cầm lá “giơ lên và tung hô” “Hoan hô – Chúc tụng” Chúa; sau đó, cũng hai tay đó “vung lên, kết án, và la to”: “Đóng đinh nó vào thập giá!”; và kết cuộc thì cũng hai bàn tay đó, một bên cầm búa đóng, một bên lủng lỗ đinh. Hãy nhìn vào tay mình xem: hai tay tung hô, hai tay kết án, hai tay nghịch cảnh: một bên búa đóng, bên kia lỗ đinh.

Khi đời tung hô Trời xanh, thanh vang ca ngợi hoành tráng, dù Trời chỉ cưỡi lừa con, tiến vào thành thánh khó thương. Đời nhìn Trời, ngưỡng mộ, tung hai tay hò reo “Hoan hô”; Trời nhìn đời, mỉm cười, thủng thỉnh tiến, đường đời lắc lư. Đời đến gần Trời, nhìn kỹ, bị dụ, vung hai tay la “Đóng đinh”; Trời nhìn thấu đời, yêu thương, khắc khoải, tay bị cột, không một lời. Rồi, Trời cao, treo, đẫm máu, giang tay, nhìn đời, muốn ôm chặt; đời ngước ngược, nửa ngạo nghễ, khinh chê, nửa kinh hoàng, hối hận. Đời đấy, Trời đây; Trời ẵm, đời ôm; hai tay Người, hai tay ta, một bên lủng lỗ, bên kia đóng đinh. Đấy, đó: Ai cũng như Trời: bị đóng đinh; và ai cũng như đời: cầm búa đóng đinh.

Chúng ta cùng suy niệm sâu hơn qua ba hình ảnh: Lá, Lừa, Tình.

(1) Lá

Một trong những nỗi đau trong Lễ Lá và trong đời là sự mâu thuẫn của lòng người: Lời chào đón nồng nàn lúc đầu biến thành những tiếng la hét lên án nồng nặc; một lời chào với lưỡi dao dắt trong bụng! Cùng những người đó, cũng là ta đây, tay cầm lá reo vang “Hoan hô! Chúc tụng Ðấng ngự đến nhân danh Chúa!” Nhưng sau đó, lại la to “Đóng đinh nó vào thập giá!”

Tiếng Việt gọi Lễ này là Lễ Lá; tiếng Anh dùng chữ “Palm” (“Dừa”, chà là, vạn tuế, cọ, thốt nốt, v.v.); tiếng Hàn gọi là Lễ “Thánh Chi” (“seong-ji”; “chi” là “cành, nhánh”; nôm na gọi là “Lễ Cành”). Lá dừa cũng là “cành lá” dừa, như cánh tay gồm cả bàn tay, cầm cành lá giơ cao: tung hô, rồi lên án.

Trong Thánh Kinh và xã hội thời đó, cành lá dừa là biểu tượng của sự chiến thắng và người công chính (TV 92;13). Dân chúng dùng cành lá dừa để lót đường và tung hô Đức Giêsu. Người Công giáo ở Việt Nam dùng lá dừa; ở Nhật Bản đa số dùng lá vạn tuế; nhưng ở Hàn quốc, lại dùng lá thông (loại thông lá kim, trắc bách diệp, hay còn gọi là lá thông thuộc bài, dùng để ép hay ướp trong sách vở xưa). Lá này cũng có thể dùng để ép hay ướp Chúa trong ta chăng? Dù là cành lá gì hay loại gì, nó là biểu tượng chung cho sự chào đón tưng bừng cho một đấng cao trọng.

Trong Lễ Lá, lá được làm phép, là biểu tượng tốt lành và thánh thiện, dùng để tung hô Chúa. Sau lễ, nhiều giáo dân mang về nhà, treo chung trên cây thánh giá trong nhà; để năm sau có thể gom lại và đốt lên làm tro, xức trong Lễ Tro. Lá đó, nằm trong tay ta lúc đầu lễ để “Hoan hô Ngài”; vẫn nằm trong tay ta trong bài Thương Khó để la lên “Đóng đinh nó”; treo trên cây thánh giá chung với Chúa, tại nhà, để nhắc nhở mời gọi ta; và dần dần sẽ thành tro để xức trên đầu cho hành trình thống hối.

Còn lá nào khác, cũng đang là một sự mâu thuẫn trong đời tôi chăng? Một lần kia, dịp Lễ Lá, cha xứ mời giáo dân tìm và mang đến nhà thờ một lá nào đó là biểu tượng cho niềm vui, nỗi đau của chính mình và gia đình. Cha sẽ làm phép chung với những lá dừa đã chuẩn bị sẵn. Khi cha mời giáo dân cùng giơ cao chiếc lá mang theo từ nhà, thì có một anh kia giơ lên cao một chiếc lá rất đặc biệt: Lá Bài. Ôi, nó là niềm vui và nỗi đau của nhiều sự thương khó và khó thương.

2.  Lừa

Một hình ảnh trớ trêu và ngược đời: Vua cưỡi lừa! Vua phải cưỡi ngựa, mới oai phong! Sao lại cưỡi lừa? Nếu có cưỡi lừa, thì chỉ là vua hề. Ấy vậy, Đức Giêsu lại cưỡi lừa vào thành Giêrusalem và dân chúng cầm cành lá tán dương Ngài. Mâu thuẫn, ngược đời chăng? Vua đời cưỡi ngựa, vua Trời cưỡi lừa! Vua đời oai, vua Trời hiền! Vua đời dùng vũ lực, vua Trời dùng tình thương.

Nhưng Đức Giêsu không chỉ cưỡi lừa mà là cưỡi “con lừa con” chưa ai cưỡi bao giờ. Cưỡi lừa mà cưỡi con lừa to lớn thì cũng có thể xí xóa chấp nhận được; nhưng cưỡi “con lừa con” thì lại càng là một trò hề, một nghịch cảnh trớ trêu của mâu thuẫn.

Nhưng nhìn sâu hơn, “con lừa con” mà Chúa cưỡi là hình ảnh thực trạng của loài người – “con lừa con” là “con đang lừa dối chính con.” Con lừa con, con lừa đời, con cũng đòi lừa Trời! Mà việc Chúa “cưỡi” là Ngài đang muốn giúp ta nhận thức thực trạng của mình để trở về cùng Chúa và với mình.

Bởi lẽ “con lừa con” được Chúa cưỡi cứ nghĩ là “nó ngon con” và người đời cầm cành lá ca tụng nó. Nó vênh vang nghênh ngáo, hất văng Ngài đang cưỡi nó. Để rồi như chuyện con chuột cắn lưới giúp giải thoát sư tử, được sư tử cho lên lưng đi trên đường; bao nhiêu động vật khác thấy thế đều kinh hãi bái chào; chuột tưởng bở, vươn mình, vênh váo, khuơ tay, vẫy chân, như người vinh thắng; rồi nhảy xuống đất tiếp tục váo váo vênh vênh; nhưng vừa vào ngã rẽ thì bị mèo vồ mất tiêu.

“Con lừa con” được Chúa cưỡi, trong khiêm nhường, sẽ dần dần nhận thức thực trạng nghiệt ngã của tội lỗi con người – hai tay tung hô, hai tay lên án – và lời mời gọi trở về với Chúa và với chính mình trong hai bàn tay: một bên cầm búa đóng, bên kia lủng lỗ đinh.

3.  Tình

Thập giá là tử hình tồi tệ nhất thuở xưa. Tội nhân bị đánh đòn với roi tua, móc sắt, xé thịt; bị treo trên thập giá, trần truồng, ô nhục; thân xác rướm máu, kiệt sức, nghẹt thở, chết dần; với tiếng rên la khủng khiếp, thảm sầu; rồi gục đầu, xác chết bỏ đó cho muông thú và sâu bọ.

Đức Giêsu bị treo trên thập giá như tội nhân; dù là Thiên Chúa nhưng cũng là người, trong lúc khốn cùng, Ngài cũng đã thét lên “Êlôi, Êlôi, lama sabácthani!” (“Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?”) Trong đời người, có lẽ ai cũng ít nhất một lần cảm thấy mình bị bỏ rơi, bị phản bội. Với Đức Giêsu, cảm xúc đó: đời phản bội, Trời bỏ rơi! Thật phũ phàng và nghiệt ngã!

Nhưng chính trong lời rên xiết “Êlôi, Êlôi” là lúc tuyệt vọng chuyển mầu hy vọng, hạt giống chết đi và nảy mầm, thập giá thành thánh giá, Thiên Chúa ôm nhân loại, Trời ẵm đời, Tình gánh tội, vì đời vẫn gọi Trời và người vẫn gọi đến Chúa và phó thác “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con!”

Nhìn thập giá, thấy tội mình và tội đời, để dẫn đến thống hối và ăn năn, là rất tốt; nhưng vẫn thiếu và còn tiêu cực. Nhìn thập giá, thấy tình Chúa giang tay, khắc khoải, muốn ôm ta và đời vào lòng để yêu thương và tha thứ, đó mới là thấy thánh giá, thấy hy vọng, thấy Phục Sinh. Tình yêu cứu độ biến thập giá thành thánh giá.

Giuđa Ítcariốt nhìn tội mình, chỉ thấy thập giá, nên thất vọng, rồi tự tử; Phêrô nhìn tội mình, thấy tình thánh giá, nên hối khóc và trở về.

Hãy trở về với tình Chúa, dù ta rất nhiều tội, dù đời rất phũ phàng, dù xung quang chỉ một màu đen tối; vì Chúa đang giang tay nhìn ta thắm thiết, mời gọi, và vì trong hai bàn tay ta: một bên giống Chúa: bị đóng đinh, bên kia giống đời: cầm búa đóng đinh. Một bên Thương Khó, bên kia khó thương!


 

KIÊN VỮNG TRONG NIỀM TIN (Lm. Giuse Trần Minh Kiểm, SVD)

Hôm nay, cùng với Giáo Hội chúng ta bước vào Chúa Nhật Lễ Lá, đây là dịp để chúng ta cùng hoà chung tâm tình với toàn thể Kitô hữu trên khắp hoàn cầu tưởng niệm biến cố Đức Giêsu tiến vào thành Giêrusalem trong niềm vui tột cùng của dân chúng. Và đây cũng là dịp chúng ta cũng được mời gọi để chiêm ngắm chân dung Con Một Thiên Chúa qua hình ảnh Đức Giêsu trong tận thâm sâu của cõi lòng, để xác định lại thái độ đức tin của mỗi người vào Đức Kitô.

Bài Tin Mừng trong nghi thức rước lá, thánh Máccô cho chúng ta thấy một diện mạo hoàn toàn khác của đám đông dân chúng người Do thái. Theo diễn tiến và bối cảnh của bản văn, thì mới mấy ngày trước đó thôi, khi mà Đức Giêsu tiến vào thành Giêrusalem, thì đám đông dân chúng “Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại Đavít tổ phụ chúng ta. Hoan hô trên các tầng trời”, và họ còn thể hiện niềm vui phấn khởi đó khi nhiều người trải áo choàng xuống mặt đất, một số lại chặt cành lá ngoài đồng mà rải để chào đón và rước Đức Giêsu tiến vào thành thánh Giêrusalem.

Thế nhưng, trong Bài Thương Khó thì cũng chính đám đông dân chúng, cũng chính những con người hôm trước đã tung hô Chúa Giêsu ấy, hôm nay lại la hét, phẫn nộ, đòi giết, và đòi đóng đinh Đức Giêsu.

Hình ảnh Đức Giêsu được lần lượt diễn tả qua các bài đọc Cựu Ước cũng như Tân Ước. Tiên tri Isaia tiên báo cuộc thương khó Chúa Giêsu qua bài ca về người tôi trung của Đấng Giavê. Ca ngợi tình thương của Thiên Chúa đã ban cho tôi trung của Người ơn trợ lực cần thiết để đối mặt với những khổ đau sắp xảy đến. Sẵn sàng đón nhận đòn vọt, sỉ vả, nhục mạ của kẻ thù với lòng cậy trông tha thiết nơi Thiên Chúa: “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, đưa má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị nhiếc mắng phỉ nhổ…”.

Tiếp đến, gương mặt của Đức Giêsu được diễn tả qua ngòi bút của thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Philiphê đã trở nên rõ nét, sống động và rất gần gũi với chúng ta: Ngài là thân phận của một Vị Thiên Chúa, nhưng đã không nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa mà mang lấy thân phận tôi đòi trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế, lại còn hạ mình vâng lời cho đến chết trên cây thập tự. Bởi thế, Thiên Chúa đã siêu tôn danh Người vượt qua mọi danh hiệu, để từ nay mọi gối phải bái lạy Người và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng rằng: Đức Giêsu Kitô Là Chúa…

Giờ đây, chúng ta thử suy nghĩ xem, tại sao dân chúng lại mau chóng thay đổi thái độ như vậy?

Thưa! Sở dĩ dân chúng Do Thái có thái độ như thế là vì đức tin của họ không có chiều sâu, nên họ đã hiểu sai giáo lý, hiểu sai về Đức Giêsu; Họ đã hiểu sai về Đấng Mêsia; hiểu sai về một Đấng Cứu Thế phải đến thế gian.

Theo dòng lịch sử, dân Do Thái đã kinh nghiệm việc trị quốc của nhiều vị vua. Trong số đó có vị đã vang danh sử sách như Đavít với tài cầm quân hay với Salômon khôn ngoan giàu có. Chính kinh nghiệm này đã cho họ một hình ảnh thế nào là vị vua sẽ giải phóng Ítraen. Thời của Đavít hay thời của Salômon đã qua rồi, thời của lời hứa cần được thực thi nơi hậu duệ giống nòi Đavít. Người nối dõi tông đường này ắt hẳn không thể thua kém tiền nhân. Vì lẽ đó mà người ta gọi là Mêsia phải oai phong lẫm liệt, sức mạnh phi thường khi thực hiện sứ vụ giải phóng đất nước khỏi đế quốc Rôma binh hùng tướng mạnh. Vị vua đó khi đến trần gian, tất nhiên phải cưỡi trên lưng ngựa chiến, khoác áo cẩm bào, tay cầm gươm sắt. Vị vua đó phải ngồi trên ngai vàng, đầu đội vương miện, uy nghi phán xét kẻ thù và trừng trị chúng thích đáng. Thế nhưng xuất hiện trước mắt họ, là một Giêsu – một con người rất bình thường và rất đỗi tầm thường nữa là khác; một người không có chút dáng dấp nào để gọi là Đấng Cứu Tinh.

Hơn nữa, lại là một con người đang bị bắt. Họ không chấp nhận một Đấng Cứu Thế – một vị vua của họ lại như thế được. Bởi đó, họ đã hoàn toàn thất vọng và bị hùa theo giới lãnh đạo Do Thái, là những người ghét cay ghét đắng Đức Giêsu. Mặc dầu, quan Philatô đã có lần phán quyết: “Ta không thấy người này có tội”, nhưng họ vẫn khăng khăng đòi giết, đòi đóng đinh Đức Giêsu vào thập giá cho bằng được.

Cũng thế, nếu chúng ta không có được một đức tin vững mạnh, một đức tin chiều sâu, thì chúng ta rất dễ hiểu sai về Thiên Chúa. Có thể chúng ta hình dung ra một vị Thiên Chúa theo ý của mình, phải đáp ứng những nhu cầu cho riêng mình.

Điển hình, khi chúng ta gặp nhiều điều may mắn trong cuộc sống, được người khác trọng dụng, danh tiếng được mọi người biết đến, hoặc làm ăn thuận lợi: bán được đất – cất được nhà, gia đình êm ấm – thuận buồm xuôi gió… thì chúng ta rất dễ nhận ra sự hiện diện của Chúa, và rất dễ nâng hồn mình lên ca tụng Chúa; coi Chúa là nhất, là số một của cuộc đời mình.

Còn ngược lại, khi chúng ta gặp phải những thử thách, khó khăn hay gặp biến cố đau thương trong cuộc sống; làm ăn thất bại, buôn bán thua lỗ, …thì chúng ta rất dễ quay lưng với Chúa, bỏ Chúa; gạt Chúa ra khỏi cuộc đời của mình.

Vì vậy, chúng ta hãy cầu xin Chúa cho mỗi người chúng ta có được một đức tin vững chắc vào Chúa, để rồi, dù cuộc sống có như thế nào đi nữa, có thuận lợi hay có khăn, có đau thương hay hạnh phúc; dù thành công hay thất bại; cho dù nhà có bị giải tỏa; dù cho giá xăng lên hay giá vàng xuống, dù thi trượt hay thi đậu, dù bị người đời khen hay chê…, thì chúng ta vẫn một lòng tin tưởng và phó thác vào bàn tay yêu thương quan phòng của Thiên Chúa.

Trong suốt Tuần Thánh này, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy nhìn lên thánh giá của Chúa Giêsu; nhìn lên Đấng đã bị đâm thâu vì tội lỗi chúng ta; chiêm ngắm thật sâu vào con đường Thập Giá của Ngài. Con đường ấy chính là tỉnh thức, sẵn sàng canh tân đời sống. Đám đông đã không dám chọn Đức Giêsu mà chọn Baraba một tên cướp, để rồi Ngài bị lôi đi đánh đòn và bị giết chết.

Điều này cũng đặt ra những thách đố cho chúng ta khi chúng ta đang sống trong một xã hội, mà chủ nghĩa vô thần đang thắng thế, lối sống thực dụng đang được đề cao, giá trị con người đang được đong đo bằng tiền bạc, địa vị… Liệu chúng ta có dám nói ngược lại với đám đông kia hay không? Chúng ta có dám chọn Chúa khi xung quanh chúng ta có nhiều mãnh lực tìm cách loại bỏ Ngài? Hay là chúng ta sợ mình sẽ lỗi thời khi chọn Ngài?

Ước gì Tuần Thánh không qua đi với những nghi thức rình rang, trống rỗng, nhưng đọng lại một quyết tâm đó là việc chúng ta chọn Chúa, để cùng vác thập giá, chịu đánh đòn và chịu chết với Chúa và qua đó chúng ta sẽ cùng với Ngài chiếm được vinh quang Nước Trời mai sau. Amen.


 

CON ĐƯỜNG CHÚA ĐI (Lm. Antôn Pađôva Nguyễn Phi Tiến, SVD)

Tuần Thánh được khởi đi từ Chúa Nhật Lễ Lá. Qua việc cử hành phụng vụ Chúa Nhật Lễ Lá là Giáo Hội muốn mời gọi và nhắc nhở toàn thể con cái mình rằng hãy sống lại biến cố năm xưa của dân Do Thái trải áo, rải lá để đón rước Đức Giêsu vào thành thánh Giêrusalem và dương cao cành lá thiên tuế để dõng dạc xưng tôn Ngài là Vua. Trong bối cảnh đó, thiết tưởng Giáo Hội sử dụng những bài đọc Kinh Thánh liên quan đến việc tôn phong Đức Giêsu là Vua, là Chúa thì thích hợp hơn là sử dụng những bài đọc nói về Người Tôi Trung chịu đau khổ và tường thuật lại cuộc thương khó của Đức Giêsu. Tuy nhiên, Giáo Hội đã có chủ đích riêng khi sử dụng những bài đọc Kinh Thánh được trích từ sách tiên tri Isaia, từ thư của thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Philípphê và từ Tin Mừng của thánh Máccô.

Giáo Hội muốn nêu bật cho người tín hữu thấy được ý nghĩa và giá trị của sự đau khổ và thập giá mà Chúa Giêsu đã thuận theo ý Cha và thực thi trong cuộc đời tại thế của Ngài. Nếu cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Giêsu trên thập giá chấm dứt tất cả thì mầu nhiệm đau khổ, sự tự hạ và tự hiến của Chúa Giêsu chẳng có ý nghĩa gì đối với nhân loại chúng ta. Tuy nhiên, biến cố khổ nạn của Chúa Giêsu chỉ là điểm khởi đầu của việc hiện thực hoá chương trình cứu độ nhân loại được định sẵn xuyên suốt trong lịch sử và trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Quả thật, Giáo Hội có lý khi cho con cái của mình suy tôn và chiêm ngắm về mầu nhiệm đau khổ và thập giá của Đức Giêsu, dấu chứng của tình yêu tự hạ và tự hiến cho nhân loại, nhằm giúp cho người tín hữu nhận ra ý nghĩa và giá trị đích thực của mầu nhiệm đau khổ và thập giá mà Đức Giêsu đã đi qua. Bởi vậy, trong bài chia sẻ khiêm tốn này, thiết tưởng chúng ta cùng nhau tìm hiểu về mầu nhiệm đau khổ, sự tự hạ và tự hiến của Đức Giêsu, đó là một trong những chủ đề xuyên suốt mà cả ba bài đọc hôm nay hướng tới.

Bài đọc thứ nhất được trích từ sách tiên tri Isaia mở ra cho chúng ta thấy một viễn cảnh phía trước về cuộc đời của Đấng Cứu Thế. Hành trình cuộc đời của Đấng Cứu Thế không phải là một con đường vinh quang trần thế mà dân Do Tháidành cho Ngài, nhưng đó chính là con đường đau khổ, bị sỉ nhục, bị mắng nhiếc, bị phỉ nhổ, bị đánh đòn (x. Is 50, 5-6). Đó chính là con đường Chúa Cha đã dọn sẵn cho Đấng phải đến; con đường của Người Tôi Trung chịu đau khổ; con đường tự hạ, tự hiến và tự hy sinh chính bản thân mình vì yêu thương nhân loại.

Thư của thánh Phaolô Tông đồ gửi cho tín hữu Philípphê đã chỉ rõ cho chúng ta về chân dung của Người Tôi Trung chịu đau khổ được tiên báo trong sách tiên tri Isaia. Hình ảnh của Người Tôi Trung chịu đau khổ được tiên báo trong Cựu Ước nay được ứng nghiệm trong Tân Ước. Thánh Phaolô Tông đồ đã xác quyết điều này khi nói: “Ngài vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Ngài lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2,6-9). Thánh Phaolô trình bày cho chúng ta thấy rằng Đức Giêsu là Chúa, nhưng là một Thiên Chúa làm người và chọn lấy cho mình một con đường, một lối đi riêng, khác hẳn với những con đường mà các vị vua chúa trần thế thường chọn lựa. Con đường mà Đức Giêsu chọn lấy đó chính là con đường đau khổ, con đường khiêm hạ thẳm sâu để thi hành thánh ý Cha và hiến thân cứu độ nhân loại.

Và mầu nhiệm của sự đau khổ, tự hạ và tự hiến của Người Tôi Trung được ứng nghiệm một cách trọn vẹn nơi chính cuộc đời của Đức Giêsu. Đức Giêsu đã làm cho lời tiên báo trong Cựu Ước về Người Tôi Trung chịu đau khổ được hiện thực hoá nơi chính bản thân Ngài. Tin Mừng của thánh Máccô đã cho chúng ta thấy bức tranh toàn cảnh về mầu nhiệm đau khổ, tự hạ và tự hiến của Chúa Giêsu ngang qua bài Thương Khó. Quả thật, đây chính là con đường mà Chúa Cha muốn Đức Giêsu phải đi qua vì chính con đường này mới lột tả hết tình yêu cao cả, tình yêu hy hiến của Thiên Chúa cho nhân loại (x. Ga 15,13).

Mỗi biến cố ngang qua trong cuộc đời đều ẩn chứa một ý nghĩa và một giá trị riêng. Tuy nhiên, biến cố khổ nạn và cái chết của Đức Giêsu có một giá trị trổi vượt hơn tất cả. Biến cố khổ nạn của Đức Giêsu không phải chấm hết nơi cái chết trên thập giá mà được hoàn tất bởi biến cố Phục sinh. Giá trị của sự đau khổ, của thập giá nằm ở chỗ là đem lại vinh quang Phục sinh. Hạnh phúc của con người cũng được định giá bởi chính những khổ đau, thử thách và hy sinh ngang qua cuộc đời của họ. Không có đau khổ, không có hy sinh, không có thập giá thì làm sao chúng ta có thể cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc của nó. Cũng thế, nếu không có khổ nạn và thập giá thì làm sao có được vinh quang và phục sinh. Muốn tiến tới sự sống lại thì con người phải chết đi và muốn đạt tới vinh quang thì phải đi trên con đường khổ nạn và thập giá. Và đó chính là ý nghĩa và giá trị của con đường khổ nạn và thập giá mà Đức Giêsu đã đi qua và phụng vụ Lễ Lá muốn chuyển tải cho mỗi người Kitô hữu chúng ta hôm nay.

Khổ đau, bệnh tật, thử thách và kể cả cái chết là quy luật tất yếu trong đời sống của con người. Một khi những khổ lụy bi thương đã trở thành quy luật không thể tránh khỏi thì điều cần có nơi chính mỗi người chúng ta là tinh thần và thái độ sống khi đứng trước những biến cố bi thương và khổ lụy đó. Hãy nên giống Chúa Giêsu khi đứng trước cuộc khổ nạn, mặc dầu Ngài cũng đã có lúc sợ hãi muốn tháo lui và đã thân thưa với Chúa Cha rằng: “Ápba, Cha ơi! Cha làm được mọi sự, xin cất chén đắng này cho con, một theo ý Cha, đừng theo ý con” (Mc 14, 36). Cũng có lúc Chúa Giêsu cảm thấy mình hoàn toàn bị bỏ rơi: các môn đệ sợ hãi bỏ trốn, người môn đệ thân tín nhất chối từ, và dường như cả Chúa Cha cũng bỏ rơi Ngài: “Lạy Thiên Chúa, là Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mc 15, 34). Mang trong mình bản tính nhân loại, Chúa Giêsu đã cảm nhận nỗi đau đáng sợ khi bước vào cuộc khổ nạn và cái chết trên thập giá, nhưng không vì thế mà Ngài tháo lui hay bỏ cuộc, ngược lại vẫn một niềm tín thác và thuận theo ý Cha. Điều đó cho chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu đã đón nhận mọi biến cố của cuộc đời, dù là sự khổ nạn đầy đau thương, sự đơn độc bị bỏ rơi hay cái chết tủi nhục và đớn đau trên thập giá … Chúa Giêsu đón nhận tất cả chỉ nhằm minh chứng cho chúng ta một sứ điệp cao cả, đó là sứ điệp “yêu thương cứu độ”. Tình yêu cứu độ đó được thể hiện một cách trọn vẹn trong cuộc đời tự hạ, tự hiến trên thập giá và qua lòng bao dung tha thứ của Ngài đối với những kẻ giết Ngài: “Lạy Cha! Xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23, 34).

Tin và theo Đức Giêsu là hoạ lại lối sống của Ngài, là bước theo con đường mà Ngài đã đi qua. Con đường đó không phải là một con đường hoàn toàn trải bằng nhung lụa, gấm vóc và hoa hồng mà là một con đường hẹp, con đường của đau khổ và thập giá. Con đường hẹp là con đường của hy sinh, con đường của sự tự hạ và tự hiến chính mình vì yêu và để cứu rỗi nhân loại. Tuy nhiên, bước vào con đường đau khổ và thập giá không phải là bước vào một con đường chết mà là bước vào con đường sống, nhưng không phải con đường chỉ sống cho cái thể xác này mà là sống cho phần rỗi mai sau. Đức Giêsu đã chọn lấy con đường đau khổ và thập giá để đi, Ngài cũng kêu mời con cái của Ngài cũng bước vào con đường đó vì chỉ có con đường thập giá mới có thể dẫn ta tới bến bờ bình an, dẫn ta tới sự sống đích thực, đem lại cho ta vinh quang, hạnh phúc và sự phục sinh mai ngày.

Để đáp lại tình yêu diệu vời mà Thiên Chúa trao ban qua sự tự hiến của chính Người Con, Ngài cũng mời gọi chúng ta hãy thuận theo ý Chúa mà vui lòng đón nhận mọi biến cố đau thương trong cuộc đời như là thập giá Chúa gửi trao để như thánh Phaolô mạnh dạn thốt lên rằng: “Niềm vinh dự của tôi là thập giá Chúa Giêsu Kitô” (Gal 6, 14). Cuộc đời của người tín hữu là một cuộc hành trình “vác thập giá bước theo Ngài”, và dấu chứng cho thấy lòng tin, lòng mến, lòng cậy trông của chúng ta đối với Ngài là chúng ta sẵn sàng đón nhận mọi biến cố, thử thách trong cuộc đời như là hiến tế đời mình dâng lên Thiên Chúa để được thông phần vào cuộc khổ nạn, sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Xin cho mỗi người chúng ta luôn biết nhận ra ý nghĩa và giá trị đích thực của đau khổ và thập giá trong cuộc đời để luôn một niềm tín thác vào tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa.

 

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Bảy, Tuần 5 MC)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Chúa Nhật Lễ Lá, Năm B)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.