LỜI SỐNG (Thứ Bảy, Tuần 5 MC)

0
1296

Bài đọc: Ed 37,21-28

Tin mừng: Ga 11,45-56

45 Khi ấy, trong những người đến thăm Maria, có nhiều kẻ đã tin vào Chúa Giêsu. 46 Nhưng trong nhóm có kẻ đi gặp người biệt phái và thuật lại các việc Chúa Giêsu đã làm.

47 Do đó, các thượng tế và biệt phái họp công nghị, và nói: “Chúng ta phải xử trí sao đây ? Vì người này làm nhiều phép lạ. 48 Nếu chúng ta để mặc người ấy làm như thế, thì mọi người sẽ tin theo và quân Rôma sẽ kéo đến phá huỷ nơi này và dân tộc ta”.

49 Một người trong nhóm là Caipha làm thượng tế năm đó, nói với họ rằng: “Quý vị không hiểu gì cả! 50 Quý vị không nghĩ rằng thà một người chết thay cho dân, còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”.

51 Không phải tự ông nói điều đó, nhưng với danh nghĩa là thượng tế năm ấy, ông đã nói tiên tri rằng Chúa Giêsu phải chết thay cho dân, 52 và không phải cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác về một mối.

53 Bởi vậy, từ ngày đó, họ quyết định giết Người. 54 Vì thế Chúa Giêsu không còn công khai đi lại giữa người Do Thái nữa. Người đi về miền gần hoang địa, đến thành phố tên là Ephrem, và ở lại đó với các môn đệ.

55 Khi đó đã gần đến Lễ Vượt Qua của người Do Thái. Có nhiều người từ các miền lên Giêrusalem trước lễ, để được thanh tẩy.

56 Họ tìm Chúa Giêsu; họ đứng trong đền thờ và bàn tán với nhau: “Anh em nghĩ sao ? Người có đến hay không ?” Còn các thượng tế và biệt phái đã ra lệnh rằng nếu ai biết Người ở đâu, thì phải tố cáo để họ bắt Người.


 

—– SUY NIỆM —–

TIN HAY KHÔNG TIN?  (Tu sĩ  G. B. Nguyễn Tuấn Kiệt, SVD)

Càng về những ngày cuối cùng của hành trình Mùa Chay, sự căng thẳng giữa Đức Giêsu và nhóm chống đối Người trong Tin Mừng càng được đẩy lên cao. Sự căng thẳng này cũng là lời thúc dục độc giả đưa ra chọn lựa, tin hay không tin vào Người.

Trước những lời dạy, dấu lạ và việc làm của Đức Giêsu, người Do Thái chia làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất tin vào Người. Nhóm thứ hai là những kẻ chống đối, bao gồm cả giới lãnh đạo trong dân. Họ đã từ chối sự thật nơi Đức Giêsu để chọn lợi ích khác thuộc về thế gian. Sự đối lập giữa Đức Giêsu và giới lãnh đạo đã lên tới đỉnh điểm. Từ đây, nhóm chống đối đã công khai ý định giết Đức Giêsu. Với câu nói của thượng tế Caipha: “thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”. Tác giả Tin Mừng đã khéo léo trình bày sứ mệnh của Đức Giêsu. Người chính là Đấng Cứu Thế, chịu hiến tế để quy tụ con cái Chúa về một mối.

Những người tin vào Đức Giêsu được mời gọi làm ngược lại với nhóm chống đối. Nhóm chống đối từ chối sự thật và chọn lợi ích thế gian. Những người tin được mời gọi tin vào sự thật – Đức Giêsu và từ bỏ lợi lộc trần thế. Nhóm chống đối quyết định giết Đức Giêsu, còn người tin được mời gọi bước theo Người để được sống. Tin vào Đức Giêsu là có nguy cơ bị bách hại, bị giết như Người, nhưng lại được trở nên con cái Thiên Chúa, được Người cứu chuộc và quy về cùng một đàn chiên. Trước lời mời gọi này, người nghe chọn tin hay không tin, có lẽ câu trả lời đã rõ ràng. Điều quan trọng là ta có dám sống và làm chứng cho Đức Giêsu trước thế gian thù ghét sự thật này không?

Lạy Chúa Giêsu, Ngài hoàn toàn vô tội nhưng đã chịu hiến tế để cứu chuộc nhân loại. Xin Chúa cho chúng con dám tin và sống Lời Ngài để được quy tụ về thành một trong Nhà Chúa. Amen.


Ý NGHĨA CÁI CHẾT CỦA CHÚA GIÊSU (Tu sĩ G. B. Nguyễn Văn Đồng, SVD)

Trong bất cứ xã hội nào, ngày xưa cũng như ngày nay, người ta thường nhân danh độc lập, tự do hay quyền lợi dân tộc để biện minh cho chiến tranh và việc giết hại người vô tội, chẳng hạn hy sinh một mạng người có là gì, miễn là có lợi cho quốc gia dân tộc.

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy các lãnh đạo Do Thái, cụ thể là Caipha cũng nhân danh quyền lợi dân tộc để giết hại một người vô tội: “Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt.” Các thượng tế và biệt phái sợ Đức Giêsu làm nhiều phép lạ thì dân chúng tin theo Ngài và chính quyền Rôma sẽ đến tiêu diệt dân tộc. Chúa Giêsu thực sự đã

chết thay cho chính dân Do Thái. Thánh sử Gioan còn muốn làm nổi bật cái chết thay của Chúa Giêsu, đó là “để quy tụ con cái Thiên Chúa”. Đấy là sứ mạng cao cả nhất mà Chúa Giêsu phải hoàn thành theo thánh ý Cha để cứu độ nhân loại. Người Do Thái lúc bấy giờ đang mong đợi một Đấng Cứu Thế giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của ngoại bang, trong khi đó, Đức Giêsu lại đứng ở vị thế hoàn toàn tôn giáo. Ngài đến để giải phóng con người khỏi ách thống trị của tội lỗi.

Là môn đệ của Chúa Giêsu, ngày hôm nay chúng ta cũng được mời gọi tiếp tục thực thi sứ mạng “quy tụ” con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối bằng cách thực thi sứ vụ ngôn sứ của chúng ta. Đây là sứ vụ thiêng liêng mà chúng ta lãnh nhận được khi chịu phép Rửa Tội. Đồng thời, cái chết của Chúa Giêsu không những mời gọi chúng ta phải biết chấp nhận cái chết thể lý nhưng còn phải “chết” đi cho những thói hư tật xấu và cái tôi. Có như vậy, đức tin chúng ta sẽ sống lại và lớn lên mỗi ngày.

Lạy Chúa, Ngài đã chấp nhận cái chết ơn cứu độ cho loài người sa ngã, xin ban ơn giúp sức để nhờ ơn, Chúa chúng con sẽ lướt thắng tội lỗi và được hưởng phúc với Ngài trong ngày sau hết trên quê trời. Amen.


 

ĐÓN NHẬN HAY CHỐI TỪ (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


 

Ý NGHĨA SỰ CHẾT CỦA ĐỨC GIÊSU (Tu sĩ P. X. Nguyễn Trí Long, SVD)

Qua dấu lạ Đức Giêsu làm cho Ladarô được sống lại, rất nhiều người Do Thái đã tin vào Người. Vì lẽ đó, Thượng Hội Đồng đã đem lòng ghen tức và tìm cách giết Người, thể hiện rõ qua lời nói của thượng tế Caipha: “Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” (Ga 11,50b). Đó như một lời tiên tri về cái chết của Đức Giêsu. Vậy, ta thấy được ý nghĩa gì từ cái chết của Người?

Thượng Hội Đồng quyết định giết Đức Giêsu nên Người khó có thể tránh khỏi cái chết. Tuy vậy, với quyền năng của Thiên Chúa, Người sẽ chiến thắng sự chết, để qua đó, nhằm nêu bật giá trị mặc khải về sự sống lại của Người. Sự sống lại của Người không lệ thuộc vào không gian và thời gian, vì đó là sự sống lại của Thiên Chúa.

Cái chết của Đức Giêsu mời gọi chúng ta biết chấp nhận chết về thể lý của thân phận con người. Chính Người cũng không đi ngược lại quy luật sống và chết của kiếp người. Vì Người đã đón nhận cái chết từ những kẻ chống đối và buộc Người phải chết. Nhưng sự sống lại của Đức Giêsu mời gọi chúng ta hãy tin tưởng vào Người hơn nữa. Vì niềm tin đó trở thành niềm hy vọng cho những ai đang đau khổ, đang gặp những bế tắc trong cuộc sống. Vì niềm tin đó trở thành sức mạnh, sự khích lệ và sự động viên tinh thần cho chúng ta trước những tình cảnh bất trắc của đời sống hằng ngày.

Ước mong Lời Chúa hôm nay thắp lên cho chúng con niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự sống lại của Chúa. Chỉ có Chúa mới là nguồn sống đời đời. Chỉ có Chúa mới giúp chúng con thoát khỏi những cám dỗ, những lợi ích thấp hèn. Chỉ có Chúa mới làm cho chúng con biết chết đi những đam mê thấp hèn trong cuộc đời này. Amen.


KHUÔN MẶT BAO DUNG (Tu sĩ P. X. Nguyễn Trí Long, SVD)

 Trình thuật Tin Mừng cho thấy thượng tế Caipha vạch một kế hoạch  giết Đức Giêsu “thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” và coi đó như một lời tiên tri. Dẫu con người manh tâm, nham hiểm tìm cách giết Đức Giêsu nhưng đó lại là con đường phát sinh ơn cứu độ của Thiên Chúa. Qua đó, tôi thấy được khuôn mặt bao dung của Ngài.

Trước đây người Do Thái và Pharisêu tìm cách ném đá và bắt Đức Giêsu nhưng chưa phải là quyết định chính thức. Tin Mừng hôm nay cho biết Thượng Hội Đồng quyết định giết Người bởi vì họ ghen ghét Người và muốn lấy lòng đế quốc Rôma để được hưởng lợi, quyền lực, địa vị, tài sản và an toàn. Người sẽ bị giết nhưng đó là ý định cứu độ của Thiên Chúa. Người chết để đập tan sự chết, để cứu dân khỏi tội lỗi và quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối. Dân mới được sinh ra không còn bị giới hạn trong dân tộc Ítraen mà gồm những ai tin vào Thiên Chúa là các Kitô hữu khắp nơi trên thế giới. Chết thay là hành động của tình thương, là một chuỗi tình thương nối tiếp, là qui tụ thành cộng đoàn thờ phượng Thiên Chúa. Ngoài ra, chết thay còn biểu lộ tình yêu bao dung và thương xót vô hạn của Thiên Chúa, đặc biệt là trao ban sự sống của Thiên Chúa cho con người. Vậy tôi có chấp nhận hy sinh, từ bỏ để sống gần gũi liên kết với Thiên Chúa, để có sức mạnh can đảm biến đổi cuộc đời thành một hiến lễ dâng cho Thiên Chúa không?

Lạy Chúa, Ngài có thể biến tội thành phúc, biến những mưu mô của con người thành đường cứu độ. Xin Chúa đập tan những ý nghĩ xấu xa, tội lỗi để con nhận ra lòng bao dung và thương xót bao la của Chúa. Amen.

Bài trướcChú Giải Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Lá, Năm B (Mc 14,1 – 15,47)
Bài tiếp theoLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật Lễ Lá – Năm B