Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 31 Thường Niên – Năm B

0
506

Bài Ðọc I: Ðnl 6, 2-6

“Hỡi Israel, hãy nghe đây: Ngươi hãy yêu mến Chúa hết lòng ngươi”.

Trích sách Ðệ Nhị Luật.

Ông Môsê nói cùng dân chúng rằng: “Các ngươi hãy kính sợ Chúa là Thiên Chúa các ngươi, hãy tuân giữ mọi huấn lệnh và giới răn của Người mà tôi truyền dạy cho các ngươi, cho con cái cháu chắt các ngươi tuân giữ mọi ngày trong đời sống các ngươi, để các ngươi được sống lâu dài.

“Hỡi Israel, hãy nghe đây mà tuân hành các điều Chúa truyền dạy cho ngươi, thì ngươi được phần phúc và sinh sản ra nhiều hơn, như lời Chúa là Thiên Chúa tổ phụ ngươi đã hứa ban cho ngươi phần đất chảy sữa và mật.

“Hỡi Israel, hãy nghe đây, Chúa là Thiên Chúa chúng ta, là Chúa độc nhất. Hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết sức ngươi. Những lời tôi truyền cho ngươi hôm nay, phải ghi tạc vào lòng”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 17, 2-3a. 3bc-4. 47-51ab

Ðáp: Lạy Chúa là dũng lực con, con yêu mến Chúa (c. 2).

Xướng: 1) Lạy Chúa là dũng lực con, con yêu mến Chúa; lạy Chúa là đá tảng, chiến luỹ, cứu tinh. – Ðáp.

2) Lạy Chúa là Thiên Chúa, là sơn động chỗ con nương mình, là khiên thuẫn, là uy quyền cứu độ, là sức hộ phù con. Con xướng ca khen ngợi cầu cứu Chúa, và con sẽ được cứu thoát khỏi tay quân thù. – Ðáp.

3) Vạn tuế Thiên Chúa, chúc tụng Ðá Tảng của con, ngợi khen Thiên Chúa là Ðấng cứu độ con. Ngài đã ban cho đức vua được đại thắng, đã tỏ lòng từ bi với Ðấng được xức dầu của Ngài. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Dt 7, 23-28

“Vì lẽ Người tồn tại đời đời, nên Người có một chức tư tế hằng hữu”.

Trích thư gởi cho tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, có nhiều người làm tư tế (của Giao Ước cũ), vì lẽ sự chết ngăn trở họ tồn tại lâu bền. Còn Ðức Kitô, vì lẽ Người tồn tại đời đời, nên Người có một chức tư tế hằng hữu. Bởi đó, Người có thể cứu độ cách vĩnh viễn những ai nhờ Người mà đến với Thiên Chúa, vì Người hằng sống để chuyển cầu cho chúng ta.

Phải, vì chúng ta cần một vị Thượng tế thánh thiện, vô tội, tinh tuyền, tách biệt khỏi kẻ tội lỗi và đã được nâng cao trên các tầng trời. Người không cần phải như các tư tế hằng ngày dâng lên của lễ trước là đền tội lỗi mình, sau là đền tội lỗi dân chúng, vì Người làm việc ấy chỉ có một lần khi hiến dâng chính mình. Vì Lề luật thì đặt những người yếu đuối làm tư tế, còn lời thề có sau Lề luật thì đặt Người Con hoàn hảo làm Thượng tế đến muôn đời.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 4, 4b

Alleluia, alleluia! – Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 12, 28b-34

“Ðó là giới răn thứ nhất, còn giới răn thứ hai cũng giống như giới răn thứ nhất”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, có người trong nhóm luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: “Trong các giới răn điều nào trọng nhất?” Chúa Giêsu đáp:

“Giới răn trọng nhất chính là: Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. Còn đây là giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó”.

Luật sĩ thưa Ngài: “Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất và ngoài Người chẳng có Chúa nào khác nữa. Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh”.

Thấy người ấy tỏ ý kiến khôn ngoan, Chúa Giêsu bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu”. Và không ai dám hỏi Người thêm điều gì nữa.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng:

“ Nếu anh em của ngươi là những người ngươi thấy được mà ngươi lại không yêu thương, thì làm sao ngươi có thể yêu mến Thiên Chúa là Đấng ngươi không thể thấy được”

Kính thưa ông bà anh chị em rất thân mến, sau những lần thất bại trong những cuộc đấu lý với Chúa Giê su, những người biệt phái, Pharisiêu và những kẻ  thông luật  tiếp tục tìm cách tranh luận với Ngài về điều răn quan trọng nhất trong các giới luật nhằm gài bẫy Người, nhưng chúng đã lầm to, chúng  đã đẩy một tảng đá lớn để mong cản đường Chúa nhưng không thể được. Vì thế, kết thúc cuộc tranh lý nào, phần thắng cũng thuộc về Chúa Giê su. Hôm nay, nhờ cuộc đấu lý này, thánh sử Marcô chuyển tải cho chúng ta một bản tóm tắt lề luật tôn giáo hoàn hảo, đó chính là mến Chúa và yêu người.

Cha Anderson đã từng làm cha tuyên úy cho một nhà tù tại Mỹ, ngài đã thành lập một nhóm chuyên lo cầu nguyện và chia sẻ Lời Chúa cho một số tù nhân. Nhóm này thường đọc một đoạn Kinh Thánh nói về người con hoang đàng, sự tương thân tương ái giữa con người với nhau. Sau đó mọi người yên lặng suy gẫm và chia sẻ với nhau về cách thức áp dụng đoạn Kinh Thánh vào cuộc sống hằng ngày của mỗi người.

Buổi tối nọ, có một tù nhân tên là Richard, thuộc khu những người tâm thần, lần đâu tiên Richard đến với nhóm, tham gia chia sẻ lời Chúa và có một cử chỉ tuyệt vời. Cha Anderson, tuyên úy diễn tả câu chuyện xảy ra như sau:

“ Một buổi tối trời trở gió vào tháng ba, màn đêm càng về đêm càng lạnh buốt, căn phòng không đủ ấm, người bạn ngồi đối diện với Richard chỉ mặc một chiếc áo mỏng manh, một cái quần dài tuy nhiên cũng không đủ ấm, người thì run lẫy bẩy. Trong lúc đó, Richard thì ngoài mặc áo quần ấm áp, trên vai còn có đến hai chiếc mền khoác vào. Thế là đang lúc chúng tôi đang bàn luận về ý tưởng “ tương trợ lẫn nhau, đột nhiên Ricard đứng phất lên, tiến đến người bạn tù kia và choàng một chiếc mền lên người bạn tù ấy.”

Cử chỉ không lời của Richard đã gây ấn tượng mạnh liệt cho cả nhóm hơn bất cứ mọi lời chia sẻ đang thốt ra. Cử chỉ đẹp mà Richard vừa làm cũng nêu bật điểm quan trọng và mấu chốt mà chính Đức Giê su đã đề cập trong bài Tin Mừng chúng ta vừa được nghe.

Yêu Thiên Chúa và yêu tha nhân là hai loại tình yêu đi đôi với nhau như hai mặt của một đồng tiền không thể tách rời nhau được. Nói cách khác, chúng ta không thể cầu nguyện với Chúa bằng những lời thật dễ thương, giống như những tù nhân đã cầu nguyện trong những buổi chia sẻ Lời Chúa của họ, nếu chúng ta không đối xử với người bên cạnh chúng ta bằng những hành động cụ thể, bằng những cử chỉ yêu thương đối với những người bất hạnh và kém may mắn hơn chúng ta.

Thánh Gio an Tông Đồ thật có lý khi nhấn mạnh điểm này trong lá thư của ngài, người nghiêm giọng lên án những ai bên ngoài cứ nói là yêu mến Chúa, nhưng sống với anh chị em đồng loại chẳng ra gì: “ Nếu ai nói rằng, mình yêu mến Chúa mà lại ghét anh em thì kẻ ấy là một tên nói dối. Bởi vì anh ta không thể yêu mến Chúa là Đấng nó không thấy, nếu anh ta không yêu người anh em mình là kẻ anh ta thấy được. Chúa Giê su đã truyền cho chúng ta huấn lệnh này là: “ Ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng phải yêu mến anh em mình”

Một số nhà tu đức khẳng, mệnh lệnh của Đức Giê su đòi buộc chúng ta yêu tha nhân và yêu mến Thiên Chúa, hai mệnh lệnh này tương quan mật thiết với nhau, đến nỗi nếu chúng ta không yêu thương anh em mình thì chẳng bao lâu chúng ta cũng chẳng còn yêu mến Thiên Chúa nữa, thực thế, chẳng bao lâu chúng ta sẽ không còn tiếp xúc được với Thiên Chúa và với linh hồn bất tử của mình nữa. Một câu châm ngôn diễn tả chân lý sống động ấy như sau: “ Tôi tìm linh hồn tôi, nhưng hồn tôi! tôi nào thấy được; tôi tìm kiếm Thiên Chúa tôi nhưng Thiên Chúa lại lẫn tránh; tôi tìm kiếm anh em tôi thì tôi lại gặp được cả ba đối tượng tôi muốn tìm. Như vậy bí quyết để gặp Thiên Chúa là chúng ta tìm gặp và yêu thương người thân cận của mình.

Trớ  trêu thay, việc yêu tha nhân, chúng ta thường gặp thất bại ngay từ đầu trong gia đình, thiếu yêu thương các thành viên trong gia đình mình, chắc chắn chúng ta sẽ không thể nào yêu thương những người khác được và ngược lại cũng thế, khi chúng ta yêu thương các thành viên trong gia đình thì chắc chắn chúng ta sẽ yêu thương được người khác nữa.

Kính thưa ông bà anh chị em! Tin mừng hôm nay, mời gọi chúng ta trở về với chính mình, can đảm đặt cho mình những vấn nạn như là phương thế trắc nghiệm tình Chúa tình người nơi mỗi người chúng ta.

Chúng ta đã dành tình thương cho những người trong gia đình mình như thế nào?” Nếu ta trả lời “ chưa mặn mà cho lắm” thì có lẽ tình yêu ta dành cho láng giềng cũng chẳng thể khá hơn! Và nếu chúng ta chẳng yêu tha nhân, chẳng yêu láng giềng mặn nồng thì không có chuyện chúng ta yêu mến Thiên Chúa nồng nàn. Ngược lại, nếu chúng ta yêu quý mọi người trong gia đình mình, ta mới có thể yêu mến được người hang  xóm và một khi yêu được người hàng xóm thì chúng ta cũng dễ dàng yêu mến Thiên Chúa.

Cách đây ít lâu, trên mạng xã  hội, rất nhiều người chúng ta dã đọc thấy một bức thư của người thiếu phụ đã đăng trên tờ báo buổi sáng của Mỹ. bức thư này được viết sau cái chết của mẹ cô, cô viết: “ Mẹ tôi sống ở gần chỗ tôi ở, việc dành chút thời giờ để pha cho mẹ một tách caphe nóng, hay tỏ ra một cử chỉ yêu thương đối với mẹ, lẽ ra đối với tôi, phải là một việc rất dễ dàng và thường  xuyên, khi tôi gọi điện thoại cho mẹ, tôi lại nói chuyện với mẹ quá vắn tắt và vội vàng. Tôi cảm thấy thật xấu hổ khi nghĩ lại những lần tôi cúp điện cho mau lẹ khi nói chuyện với mẹ, lúc đó tôi nói với mẹ “ tiếc quá, con phải đi ngay mẹ ơi. Thế giới đầy dậy những đứa con giống như tôi. Tôi hy vọng trong số những người con ấy, nhiều người sẽ nhận ra điều này và biết rút ra bài học cho bản thân mình”.

Anh chị em thân mến! Tôi chắc chắn nhiều người trong chúng ta cảm thấy những lời nhận xét của thiếu phụ nầy cũng đúng đối với mình. Chúng ta đã từng đối xử với cha mẹ, anh chị em của chúng ta hoặc những ai cần đến tình thương và sự âu yếm nâng đỡ của chúng ta một cách tương tự như người thiếu phụ trong lá thư trên.

Lời Chúa ngày hôm nay mời gọi chúng ta can đảm xét lại, xét lại cuộc sống,  tự vấn xem chúng ta có giống người thiếu phụ trong lá thư của cô không? Nếu có như vậy, thì lời Chúa hôm nay là một lời mời gọi của chính Chúa Giê su yêu cầu chúng ta làm một việc gì đó để sửa đổi thái độ sống của chúng ta.

Mến Chúa và yêu người là trọng tâm sứ điệp Kitô giáo. Là Kitô hữu, chúng ta thuộc lòng chân lý này. Tuy nhiên để thực thi đạo mến Chúa – yêu người thì cần phải biết Chúa, một sự “biết” theo nghĩa Thánh Kinh đó là gắn bó nên một với Chúa. Ngoài các giờ kinh nguyện, ngoài các buổi tham dự Phụng vụ, thì việc giữ tỉnh lặng khoảng năm, mười phút hay lâu hơn trong một ngày sẽ giúp ta can đảm và nhiệt thành mến Chúa trên hết mọi sự và yêu thương tha nhân như chính mình cách hữu hiệu nhất. Amen

Lm. Micae Trần Niên, SVD

Bài trướcCác Đẳng Linh Hồn
Bài tiếp theoThường Niên – Tuần XXXI – Năm B

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.