Chúa Nhật – Ngày 04 – Tháng 11
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXI
(Không cử hành lễ Thánh Carôlô Borrômêô, giám mục.)
Bài đọc 1 : Đnl 6,2-6
Bài đọc 2 : Hr 7,23-38
Tin Mừng : Mc 12,28b-34
Khi ấy, có người trong nhóm luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: “Trong các giới răn điều nào trọng nhất?” Chúa Giêsu đáp: “Giới răn trọng nhất chính là: Hỡi Ítraen, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. Còn đây là giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó”. Luật sĩ thưa Ngài: “Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất và ngoài Người chẳng có Chúa nào khác nữa. Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh”. Thấy người ấy tỏ ý kiến khôn ngoan, Chúa Giêsu bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu”. Và không ai dám hỏi Người thêm điều gì nữa.
YÊU CHÚA – YÊU NGƯỜI
Trong bài Tin mừng hôm nay có nhiều điều rất hay để chúng ta suy gẫm, nhưng tôi muốn tập trung vào chữ “yêu”: Yêu Chúa và yêu người. Đây là nền tảng của Kitô giáo, một nền tảng vững chắc trong đời sống đức tin.
Trước hết là yêu Chúa. Yêu Chúa hết lòng đòi chúng ta phải trung thành với Chúa, chọn Chúa làm gia nghiệp của đời mình và Chúa là cùng đích của sự trọn hảo nơi con tim và khối óc của chúng ta. Nhưng trong thực tế người ta dễ chạy theo và tôn thờ những vị thần khác ngoài Chúa như của cải, danh vọng, chức quyền. Ngoài ra còn có thần tham lam, dối trá, ghen ghét, thù hận, đam mê xác thịt, hưởng lạc, cùng nhiều những quyến rũ xấu xa khác, và người ta dễ chạy theo sự quyến rũ của những thứ thần đó mà lãng quên hoặc tôn thờ Chúa một cách nửa vời; đó là một mối nguy hiểm.
Sau nữa là yêu người. Yêu người là sự thể hiện cách cụ thể và sống động giới răn yêu Chúa. Yêu người là thước đo tình yêu người ta dành cho Chúa. Vì thế, yêu người là một phần không thể tách rời của yêu Chúa. Hơn nữa, yêu người như chính bản thân là đòi buộc cao nhất của tình yêu. Những ai dám hy sinh cái tôi, sẵn sàng trao hiến cách vô vị lợi thì được kể là biết yêu người thật sự.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa muốn chúng con yêu mến Chúa trên hết mọi sự và yêu thương đồng loại như chính mình; đòi buộc của Chúa thật khó. Mỗi ngày chúng con xin Chúa hãy biến đổi chúng con để chúng con biết yêu thương bằng chính con tim thật sự và chọn Chúa là cùng đích của đời mình. xin cho chúng con biết tôn trọng nhau để từng ngày sống chúng con là những giây phút sống cho Chúa và biết yêu thương nhau thật lòng.
Tu sĩ Phêrô Kỳ Khắc Chí, SVD
Thứ Hai – Ngày 05 – Tháng 11
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXI
Bài đọc : Pl 2,1-4
Tin Mừng : Lc 14,12-14
Một ngày sabát kia, Đức Giêsu đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisêu để dùng bữa. Người nói với ông rằng: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.”
TRAO BAN CÁCH VÔ VỊ LỢI
Người ta hay nói “Có qua có lại, mới toại lòng nhau” hay “Ông đưa miếng giò, bà thò chai rượu” để cho thấy mối tương quan có qua có lại giữa con người. Chúng ta làm gì cho ai thì cũng muốn họ đáp lại cho chúng ta. Tuy nhiên, trong bài Tin Mừng, chúng ta bắt gặp một cái nhìn khác hoàn toàn với tâm lý của chúng ta.
Chúa Giêsu dạy rằng “Khi ông đãi tiệc, thì đừng mời bạn bè, anh em, bà con, hoặc láng giềng giàu có… nhưng hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù, họ không có gì để trả lễ và như thế ông mới thật có phúc, vì ông sẽ được trả công trong ngày các kẻ lành sống lại”. Dưới con mắt của Thiên Chúa, điều làm nên giá trị đích thực của con người đó là tình thương bác ái, phục vụ đối với tha nhân. Người nghèo, tàn tật, què quặt, đui mù… là những người thiệt thòi nhất vì bị xã hội ruồng bỏ. Tuy vậy, họ lại được đề cao trong Nước Trời. Những việc làm bác ái cho những kẻ không có gì đáp lễ sẽ được chính Thiên Chúa ân thưởng trong ngày sau hết.
Như vậy, chúng ta đã hiểu lý do tại sao Chúa Giêsu đặt vấn đề bác ái ở đây, và qua đó Chúa muốn dạy một điều quan trọng là chúng ta hãy sống rộng rãi với người nghèo khổ và giúp họ mà không cần gì ơn nghĩa, danh tiếng, cũng chẳng cần gì sự biết ơn của họ. Được như thế, chắc chắn chúng ta sẽ sống đẹp lòng Chúa và xứng đáng được ơn cứu độ.
Lạy Chúa, xung quanh con còn có biết bao nhiêu người nghèo khổ, đói rách, bần cùng. Xin cho con biết thể hiện lòng bác ái với họ mà không so đó tính toán hơn thiệt vì chúng con tin rằng Chúa sẽ ân thưởng cho chúng con vào ngày sau hết. Amen.
Tu sĩ Antôn Cao Xuân Thành, SVD
Thứ Ba – Ngày 06 – Tháng 11
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXI
Bài đọc : Pl 2,5-11
Tin Mừng : Lc 14,15-24
Khi ấy, một trong những kẻ đồng bàn nói với Đức Giêsu rằng: “Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa!” Người đáp: “Một người kia làm tiệc lớn và đã mời nhiều người. Đến giờ tiệc, ông sai đầy tớ đi thưa với quan khách rằng: ‘Mời quý vị đến, cỗ bàn đã sẵn.’ Bấy giờ mọi người nhất loạt bắt đầu xin kiếu. Người thứ nhất nói: ‘Tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm; cho tôi xin kiếu.’ Người khác nói: ‘Tôi mới tậu năm cặp bò, tôi đi thử đây; cho tôi xin kiếu.’ Người khác nói: ‘Tôi mới cưới vợ, nên không thể đến được.’ “Đầy tớ ấy trở về, kể lại sự việc cho chủ. Bấy giờ chủ nhà nổi cơn thịnh nộ bảo người đầy tớ rằng: ‘Mau ra các nơi công cộng và đường phố trong thành, đưa các người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt vào đây.’ Đầy tớ nói: ‘Thưa ông, lệnh ông đã được thi hành mà vẫn còn chỗ.’ Ông chủ bảo người đầy tớ: ‘Ra các đường làng, đường xóm, ép người ta vào đầy nhà cho ta. Tôi nói cho các anh biết: Những khách đã được mời trước kia, không ai sẽ được dự tiệc của tôi.’”
DỰ TIỆC
Nhiều người trong chúng ta có thể nghĩ sao những khách được mời lại khờ vậy! Với lời mời chân thành của gia chủ, tiệc lớn cũng đã được bày ra sẵn, chỉ việc vào và ăn thỏa thích mà cũng chối từ. Họ không quan tâm đến điều đó vì họ còn nhiều việc khác phải làm: đi thăm thửa đất mới mua, đi thử cặp bò vừa tậu về, ở nhà với vợ mới cưới. Xem ra những lý do từ chối đến dự tiệc của họ chính đáng bởi vì đó là cuộc sống của họ và họ không quan tâm đến việc việc vui chơi tiệc tùng.
Khi nhìn vào xã hội ngày nay, chúng ta có thể thấy sự hối hả, bận rộn vì miếng cơm manh áo, và những trách nhiệm khác phải lo, cho bản thân cho gia đình. Và vì vậy, không lạ gì có nhiều đám tiệc khi gia chủ tổ chức mời khách rất lo lắng liệu khách có đến đông đủ hay không dù đã chọn những ngày thuận lợi, ngày nghỉ để khách có thể tham dự đầy đủ. Chính vì vậy, nếu chúng ta viện lý do này hay lý do khác để không đến dự tiệc thì gia chủ sẽ bối rối biết nhường nào. Vì thế mà ông chủ tiệc trong dụ ngôn của bài Tin Mừng hôm nay đã nổi cơn thịnh nộ khi biết tin những khách được mời đều xin kiếu.
Nước Trời như một bữa tiệc mở ra để thết đãi những khách mời đặc biệt nhưng họ lại chối từ vì nhiều lý do thật chính đáng. Người ta quá bận rộn đến nỗi không còn thời gian lưu tâm đến lời mời tha thiết của Thiên Chúa, hay lời mời của Chúa không đủ hấp dẫn so với bao lời mời mọc khác. Tuy vậy, sự chối từ của những người này lại là cơ hội cho những người khác. Nước Thiên Chúa không bao giờ ế khách cả!
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết lắng nghe và đáp trả lời mời gọi tha thiết đến dự tiệc Nước Trời với Chúa.
Tu sĩ Gioan Trần Nam Phong, SVD
Thứ Tư – Ngày 07 – Tháng 11
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXI
Bài đọc : Pl 2,12-18
Tin Mừng : Lc 14,25-33
Khi ấy, có rất đông người cùng đi đường với Đức Giêsu. Người quay lại bảo họ: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được. Từ bỏ hết những gì mình có “Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: ‘Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc.’ Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng? Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà. Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.”
MÔN ĐỆ ĐỨC GIÊSU
Trong các sách Tin Mừng, Nhóm Mười Hai được nhắc đến như là những môn đệ được Đức Giêsu chọn cách đặt biệt. Rồi đến nhóm bảy mươi hai môn đệ mà Ngài đã sai đi thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng. Trong chương VI của sách Công Vụ Tông Đồ, danh từ “môn đệ” nhằm gọi chung cho tất cả các Kitô hữu, dù người đó có biết Đức Giêsu trong cuộc đời dương thế hay không. Dưới khía cạnh này tất cả các tín hữu đều được coi là môn đệ của Chúa Kitô.
Tuy nhiên, để trở thành môn đệ đích thực, Đức Giêsu đòi hỏi họ những đáp trả độc nhất vô nhị. Ơn gọi làm môn đệ được khởi xướng bởi Đức Giêsu, và tiêu chí Ngài đặt ra cho người được gọi dường như không theo một chuẩn mực nào của thế gian, nghĩa là họ không phải là những người xuất chúng, siêu phàm hay có tư cách đạo đức luân lý chuẩn mực. Khi được gọi, người môn đệ đòi buộc phải liên kết cách mật thiết với Đức Giêsu.
Khi đáp lại lời mời gọi “hãy theo Ta”, họ phải đoạn tuyệt với quá khứ, một thứ đoạn tuyệt toàn diện và dứt khoát. Theo Đức Giêsu cũng đồng nghĩa với việc lắng nghe và cư xử đúng như Thầy mình, sống gắn bó mật thiết với Đấng mà từ nay họ còn trọng hơn cả những bậc sinh thành. Sứ mệnh và địa vị của người môn đệ là chia sẻ sứ mệnh và vác thánh giá với Thầy, uống chén đắng mà Thầy đã uống, và phần thưởng của họ là Nước Trời.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con thật diễm phúc vì được mang danh Kitô hữu, những người môn đệ của Chúa. Xin cho chúng con luôn ý thức được địa vị và sứ mạng của người môn đệ đích thực, là biết thực thi và rao truyền chân lý mà chúng con đã lãnh nhận cho thế gian.
Tu sĩ Antôn Chu Văn Nhật, SVD
Thứ Năm – Ngày 08 – Tháng 11
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXI
Bài đọc : Pl 3,3-8a
Tin Mừng : Lc 15,1-10
[…] Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: “Ai trong các ông có một trăm con chiên, và nếu mất một con, lại không để chín mươi chín con khác trong hoang địa mà đi tìm con chiên lạc, cho đến khi tìm được sao? Và khi đã tìm thấy, người đó vui mừng vác chiên trên vai, trở về nhà, kêu bạn hữu và những người lân cận mà nói rằng: “Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc!” Cũng vậy tôi bảo các ông: Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải. “Hay là người đàn bà nào có mười đồng bạc, nếu mất một đồng, mà lại không đốt đèn, quét nhà và tìm kỹ lưỡng cho đến khi tìm thấy sao? Và khi đã tìm thấy, bà mời các chị em bạn và những người láng giềng đến mà rằng: “Chị em hãy vui mừng với tôi, vì tôi đã tìm được đồng bạc tôi đã mất”. Cũng vậy, tôi bảo các ông: Các thiên thần của Thiên Chúa sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải”.
NIỀM VUI TÌM THẤY
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng cảm nhận được niềm vui khi tìm thấy cái gì đó mà mình đã đánh mất. Mức độ của niềm vui tùy thuộc vào giá trị của vật dụng. Vật dụng càng giá trị, càng ý nghĩa thì niềm vui càng lớn. Niềm vui tìm thấy được thánh Luca tái hiện qua hai dụ ngôn con chiên lạc và đồng bạc bị đánh mất.
Nếu xét về giá trị, một con chiên lạc so với 100 con chiên và một đồng bạc bị mất so với 10 đồng bạc thì không lớn vì nó chiếm một tỉ lệ khá nhỏ 1/100 hay 1/10. Do đó, xét về lý, ông chủ không thể để 99 con bơ vơ chỉ để tìm cho kỳ được một con bị mất, vì nếu không may, khi ông trở về, 99 con còn lại có thể bị sói dữ ăn thịt. Do vậy, nếu xét về giá trị thì việc đi tìm này thật vô lý. Và người phụ nữ cũng vậy. Bà sẵn sàng lao tâm khổ tứ để đi tìm cho kỳ được đồng bạc bị mất. Để rồi, khi tìm được bà lại mời mọi người đến chung vui. Giả thiết nếu bà mở tiệc thì bà sẽ tốn nhiều hơn một đồng. Điều này cũng khó hiểu.
Nếu xét về mức độ quan tâm, 99 con còn lại nên được nhiều sự quan tâm hơn một con. Nhưng thực tế, ông chủ lại quan tâm đến con mất nhiều hơn 99 con còn lại. Điều đó thiếu công bằng. Tuy nhiên, Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu lại khẳng định rằng, Thiên Chúa sẽ vui mừng về những điều vô lý và thiếu công bằng đó.
Khi suy nghĩ đến đây, tôi chợt nhận ra rằng tất cả mọi người, dù lớn hay nhỏ, có quyền hay không có quyền, tài giỏi hay khờ dại, đều là một nhân vị, đều đáng được tôn trọng. Và bất cứ sự “đi lạc” nào đều đáng được lưu tâm, tìm kiếm và đưa về trong niềm vui của Thiên Chúa và của triều thần thiên quốc. Niềm vui chính là động lực thúc đẩy việc đi tìm người “bị lạc” và cũng là động lực để người “đi lạc” biết tìm về.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn biết tôn trọng mọi anh chị em để chúng con không bỏ rơi bất kỳ ai, để không một ai trong chúng con phải đi lạc. Và nếu có ai bị lạc xin cho chúng con sẵn sàng tìm kiếm để chúng con có thể cảm nhận được niềm vui của sự tìm thấy. Amen.
Tu sĩ Giuse Nguyễn Xuân Long, SVD
Thứ Sáu – Ngày 09 – Tháng 11
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXI
CUNG HIẾN THÁNH ĐƯỜNG LATÊRANÔ. Lễ kính (Tr).
Bài đọc : Ed 47,1-2.8-9.12 hoặc 1 Cr 3,9c-11.16-17
Tin Mừng : Ga 2,13-22
Gần đến lễ Vượt Qua của người Do Thái, Đức Giêsu lên thành Giêrusalem. Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả chiên cũng như bò, ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Người nói với những kẻ bán bồ câu: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.” Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh: Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân. Người Do Thái hỏi Đức Giêsu: “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?” Đức Giêsu đáp: “Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại”…
KHÔNG THỎA HIỆP HAY ĐỒNG LÕA VỚI THẾ GIAN
Qua con người và cuộc đời của Chúa Giêsu, người ta nhận thấy dung nhan của một Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Ngài bao dung và kiên nhẫn đến nỗi “cây lau bị dập, Ngài không nỡ bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi”. Thế mà qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta lại thấy chân dung một Đức Giêsu hoàn toàn khác.
Quả vậy, Đức Giêsu đã rất giận dữ khi thấy người ta lợi dụng Đền Thờ để vụ lợi cho bản thân. “Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ”(Mt 2,15).
Những hành động của Chúa Giêsu nói trên không phản ảnh một Thiên Chúa thiếu lòng xót thương, nhưng qua đó cho thấy rằng Ngài không bao giờ thỏa hiệp với những thế lực của thế gian khi họ làm ô uế Nhà Cha.
Qua đó Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy can đảm trong đời sống đức tin. Chúng ta là con cái Chúa, con cái ánh sáng, con cái sự thật. Vì thế, mỗi khi chúng ta đến Nhà Thờ, hãy buông bỏ tất cả những sự thuộc về thế gian để thanh thoát tôn thờ chúc tụng tạ ơn Chúa.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết noi gương Chúa để can đảm sống chứng nhân đức tin giữa một thế giới vụ lợi và trần tục. Xin cho chúng con dám can đảm chấp nhận “vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa mà con đây sẽ phải thiệt thân”. Amen.
Lm. Phaolô Nguyễn Hữu Thiện, SVD
Thứ Bảy – Ngày 10 – Tháng 11
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXI
Thánh Lêô Cả, giáo hoàng, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ. (Tr).
Bài đọc : Pl 4,10-19
Tin Mừng : Lc 16, 9-15
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con vào chốn an nghỉ đời đời. Ai trung tín trong việc nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai gian dối trong việc nhỏ, thì cũng gian dối trong việc lớn. Vậy nếu các con không trung thành trong việc tiền của gian dối, thì ai sẽ giao phó của chân thật cho các con. “Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó ghét chủ này và mến chủ kia; hoặc phục chủ này và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được”. Những người biệt phái là những kẻ tham lam, nghe nói tất cả những điều đó, thì nhạo cười Người. Vậy Người bảo các ông rằng: “Chính các ông là những kẻ phô trương mình là công chính trước mặt người ta, nhưng Thiên Chúa biết lòng các ông; bởi chưng điều gì cao sang đối với người ta, thì lại là ghê tởm trước mặt Thiên Chúa”.
SỐNG TRUNG TÍN
“Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn” (Lc 16,10). Bài Tin Mừng là một chuỗi dài những lời giảng dạy của Chúa Giêsu về thái độ trung tín trong việc sử dụng tiền của. Lòng trung tín liên quan đến lương tâm của mỗi người, nếu lương tâm ngay thẳng thì làm mọi việc cũng sẽ trung tín.
Trong cuộc sống, mỗi chúng ta chắc hẳn cũng có lúc được giao cho những công việc hay những nhiệm vụ quan trọng, và với chức vụ đó chúng ta có thực sự chu toàn bằng thái độ trung tín? Hay phải chăng có lúc chúng ta cũng lợi dụng chức vụ đó hòng kiếm những điều lợi cho bản thân? Đó là khi chúng ta đã đánh mất sự trung tín.
Lời nhắn nhủ của Chúa Giêsu thật thấm thía: “Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn”. Thật vậy, những công việc dù nhỏ nhoi thôi mà chúng ta còn không thành thật thì chắc chắn sẽ là mầm mống cho sự bất lương trong những công việc lớn. Tin Mừng hôm nay như một lời nhắc nhở cho những ai đang sống với chức vụ của mình, là hãy sống thành thực với lương tâm và hết mình với công việc được giao phó.
Lạy Chúa, trong cuộc sống có biết bao cám dỗ về lợi lộc, danh vọng, chức quyền. Nếu không có Chúa đồng hành nâng đỡ chắc chắn con sẽ rơi vào những cạm bẫy đó và đánh mất chính bản thân mình. Xin Chúa tiếp tục đồng hành và nâng đỡ con trong cuộc sống hàng ngày, để con chu toàn những trách vụ được giao cách trung tín và nhiệt thành. Amen.
Tu sĩ Phêrô Trần Nhật Trường, SVD