Căn Tính của các Nhà Truyền giáo Ngôi Lời

0
291

“Ân sủng Tình yêu của Thiên Chúa đã quy tụ chúng ta từ nhiều dân tộc và lục địa khác nhau vào trong một cộng đoàn tu sĩ truyền giáo được dâng hiến cho Ngôi Lời, và được mang Danh của Ngài: dòng Ngôi Lời… Chúng ta hiến dâng cách thật đặc biệt cho Ngôi Lời và sứ vụ của Người. Điều ấy được thể hiện trong danh xưng của chúng ta. Đời sống của Người là đời sống của chúng ta, sứ vụ của Người là sứ vụ của chúng ta.” (Hiến pháp Dòng Ngôi Lời, Phần mở đầu)

Danh xưng của chúng ta là một danh xưng được đặc ân. Đấng sáng lập đã đấu tranh để giữ nó. Chúng ta là những người bạn đồng hành và là những cộng tác viên của Ngôi Lời, và điều đó mang đến một trách nhiệm nhất định nào đó. Chúng ta tuyên bố sống đời sống của Chúa Giêsu và chia sẻ sứ vụ của Ngài. Nhưng tương quan của chúng ta đối với Ngôi Lời là gì? Chúng ta có giống với danh xưng của chúng ta không?

“Chính nhờ sự lắng nghe và sống Lời Chúa mà chúng ta trở nên những người cộng sự của Ngôi Lời. Làm chứng nhân bằng cuộc sống Kitô chân chính trên bình diện cá nhân cũng như cộng đoàn, đó là bước đầu tiến tới việc thực hiện công cuộc phục vụ truyền giáo của chúng ta. Người ta phải nhận ra được rằng chúng ta quả là những người đã cảm nghiệm được trong đời sống riêng của chúng ta Nước Trời mà chúng ta loan truyền.” (Hiến pháp, số 106)

Chúng ta không thể cho điều chúng ta không có. Trước hết, nhà truyền giáo phải được Phúc Âm hóa (Evangelii Nuntiandi 15). Chúng ta không thể công bố Lời mà chúng ta đã không nghe, hay chúng ta cũng không thể giải thích quyền năng của Thần Khí Thiên Chúa nếu chúng ta chưa bao giờ kinh nghiệm điều ấy. Chúng ta không thể dấn thân vào công cuộc đối thoại ngôn sứ nếu trước tiên chúng ta không chú tâm lắng nghe Thiên Chúa, vốn là “một bên đối thoại” rất quan trọng của chúng ta. Chúng ta là các nhà truyền giáo Dòng Ngôi Lời, là các bạn đồng hành của Ngôi Lời Nhập Thể, và chúng ta tìm kiếm sự hiện diện của Ngài qua những lời được linh hứng trong Kinh Thánh. Hiến pháp chúng ta mời gọi chúng ta đọc Kinh Thánh mỗi ngày và suy niệm Kinh Thánh chung với nhau (Hiến pháp, số 407.1 và 407.2). “Nhờ việc đọc Thánh Kinh, chúng ta mở rộng lòng đón nhận những linh hứng của Thánh Thần, Đấng giúp chúng ta hiểu tốt hơn Lời Chúa và lấy Lời Chúa làm lời của chúng ta và loan báo Lời Chúa cho thế giới.” (Hiến pháp, số 407). Cho nên Hiến pháp chúng ta nhấn mạnh rằng chúng ta phải được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và kinh nghiệm về quyền năng của Thần Khí trong đời sống của chính chúng ta trước khi chúng ta có thể rao giảng, dạy dỗ, hay hướng dẫn người khác.

“Nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta là việc công bố Lời Chúa. Chúng ta công bố tình yêu mà Chúa Cha dành cho mọi người, chúng ta công bố sức mạnh cứu độ nhờ đó Chúa Giêsu Kitô giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết, đồng thời chúng ta công bố sự sống mới mà Chúa Thánh Thần ban cho mọi tín hữu. Chúng ta phải rao giảng như thế nào để làm chiếu tỏa được vẻ đẹp huy hoàng của Tin Mừng, trong lời nói của chúng ta.” (Hiến pháp, số 107)

Chúng ta, những nhà truyền giáo Dòng Ngôi Lời, đã và đang dấn thân cho việc loan báo Lời Chúa. Quả thật, Hiến pháp chúng ta xác định nhiệm vụ này như là “nhiệm vụ quan trọng nhất” của chúng ta. Nó là một phần chính yếu trong căn tính và sứ vụ của chúng ta. Chúng ta loan báo Lời Chúa không chỉ bằng cách rao giảng nhưng còn bằng cách sống Lời Chúa. Thừa tác vụ về Lời Chúa và các bí tích của chúng ta hình thành và nuôi dường các cộng đoàn Kitô hữu và giúp họ phát triển trong việc ý thức về trách nhiệm truyền giáo của riêng họ.

Trích dịch từ In Dialogue with the Word, số 5, 01.2005

Phần 1.1 của chương I

Lm. An tôn Nguyễn Thanh Hà, SVD

Trưởng ban dịch thuật chuyển ngữ

Bài trướcSứ vụ Ba Ngôi trong động lực của Thánh Arnold Janssen
Bài tiếp theoThông Cáo Báo Chí số 3: TÂN BỀ TRÊN TỔNG QUYỀN CỦA DÒNG NGÔI LỜI

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.