Sứ vụ Ba Ngôi trong động lực của Thánh Arnold Janssen

0
336

SỨ VỤ BA NGÔI TRONG ĐỘNG LỰC CỦA THÁNH ARNOLD JANSSEN

Nguyện xin Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh,

sự toàn năng của Chúa Cha,

sự khôn ngoan của Chúa Con,

và tình yêu của Chúa Thánh Thần,

được nhận biết, yêu mến và ngợi khen bởi tất cả mọi người.”

Lm. Andrzej Miotk, SVD

Sử gia Dòng Ngôi Lời

Chúa nhật kính Chúa Ba Ngôi như là lễ truyền giáo

Tầm nhìn truyền giáo của cha thánh Arnold Janssen phát sinh từ linh đạo tập trung vào Ba Ngôi của ngài. Từ nguồn suối này, nó phát sinh ra sức sống sâu xa và bền bỉ của nó. Chúa nhật kính Chúa Ba Ngôi đã được xem như là lễ hàng đầu trong Hội dòng. Đối với thánh Arnold, lễ Chúa Ba Ngôi là một thánh lễ truyền giáo tuyệt vời cùng với lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, vốn cũng là thánh lễ chính của Hội dòng. Luật 1891/4,3 đã đặt lễ Chúa Ba Ngôi làm thánh lễ chính của Hội dòng: “Bởi vì Thiên Chúa có Ba Ngôi, nên việc tôn vinh Ba Ngôi chí thánh là mục đích trước tiên và sau cùng của Hội dòng chúng ta” và “chúng ta làm lan truyền việc sùng kính Chúa Thánh Thần bằng cách tôn vinh tất cả Ba Ngôi của Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh” (1891/1,4). Vì thế, Hội dòng đã cử hành lễ này ở bậc cao nhất trước khi nó trở thành lễ chính trong Giáo hội (1911).

Hiến pháp năm 1905 đã nói rằng Lễ Kính Chúa Ba Ngôi là lễ cao nhất của Hội dòng, vì các nhà truyền giáo được sai đi nhân danh Chúa Ba Ngôi. Hiến pháp năm 1910, số 405, nói với chúng ta rằng: “Bởi ước muốn của đấng sáng lập chúng ta, chúng ta nhấn mạnh cách đặc biệt lễ kính Chúa Ba Ngôi chí thánh, vì ơn gọi của chúng ta được cắm rễ sâu trong mầu nhiệm sai phái Ngôi Lời Vĩnh Cửu và Chúa Thánh Thần. Với tư cách là các nhà truyền giáo, chúng ta công bố quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi và dẫn đưa các thành viên mới vào trong Triều Đại Thiên Chúa nhờ bí tích rửa tội nhân danh Ngài.” Cũng vậy, mọi Chúa nhật phải được dành để sùng kính Ba Ngôi chính thánh, phải được hình dung như là một lời tạ ơn đặc biệt đối với Ba Ngôi Thiên Chúa vì hồng ân tạo dựng, cứu chuộc và thánh hóa.

Nguyện xin Thiên Chúa Duy Nhất và Ba Ngôi luôn ngự trị trong tâm hồn chúng ta (Vivat Deus Unus et Trinus in Cordibus Nostris)

Tầm nhìn bao quát về sứ vụ truyền giáo của Đấng sáng lập cũng đã được thể hiện trong lời nguyện vắn tắt: “Vivat Deus Unus et Trinus in Cordibus Nostris” (Nguyện xin Thiên Chúa Duy Nhất và Ba Ngôi luôn ngự trị trong tâm hồn chúng ta). Lời nguyện này, vốn phát ra một năng động truyền giáo, đã là mục đích và sức hướng dẫn cho đời sống của cha thánh Arnold và đã là lời cầu nguyện truyền cảm hứng cho tất cả các cơ sở của ngài. Nó làm hiện thân đặc sủng truyền giáo của ngài đến mức mà mọi người có thể tham dự vào đời sống của Ba Ngôi Thiên Chúa chí thánh. Tầm nhìn sứ vụ này, vốn được đặt nền trên tình yêu và sự thờ phượng thâm sâu của ngài đối với Ba Ngôi Thiên Chúa, muốn nói lên việc thực hiện thánh ý của Thiên Chúa và những ý định của Thánh Tâm Chúa Giêsu. “Mọi người phải phục vụ Thiên Chúa Ba Ngôi; mọi sự phải được thực hiện nhân danh Ba Ngôi chí thánh; mọi tâm hồn phải trở nên nơi cư ngụ của Ngài (…). Thiên Chúa Ba Ngôi đang lôi kéo toàn thể nhân loại vào trong sự hiệp thông trọn hảo về sự sống và tình yêu với Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần.” Cha thánh Arnold đã mong muốn rằng các nhà truyền giáo của ngài sẽ đi theo ước muốn của ngài rằng Thiên Chúa Ba Ngôi có thể cư ngụ trong tâm hồn của tất cả mọi người.

Lúc ban đầu, đã có công thức La-tinh “Vivat Cor Jesu in cordibus hominum” (Nguyện xin Thánh Tâm Chúa Giêsu ngự trị trong tâm hồn mọi người) được liên kết với Thánh Tâm. Trong lần đầu tiên, nó xuất hiện trên trang bìa của tờ Sứ giả nhỏ của Thánh Tâm, tháng 06 năm 1874, và nó cũng được Đấng sáng lập dùng lần đầu tiên trong lá thư tạ ơn gửi cho hội dòng Các chị em hèn mọn của thánh Phanxicô ở Aachen vào ngày 19.03.1875 (“Nova et Vetera” 1977, 159). Vào tháng 08.1875, cha thánh Arnold cũng đã làm cho công thức La-tinh này trở thành khẩu hiệu của Ngôi nhà truyền giáo (Mission House) và đã đặt nó lên trên bức hình Thánh Tâm trong hành lang của Ngôi nhà truyền giáo vào ngày khai trương tại Steyl, ngày 08.09.1875. Mới đầu, các thành viên trong nhà đã chào nhau bằng lời chào này. Khẩu hiệu truyền giáo này đã được áp dụng không ngừng khi cầu nguyện với Ba Ngôi chí thánh, đặc biệt là sự cư ngụ của Ngài trong tâm hồn của con người nhờ ân sủng. Kiểu biểu tượng mới của nó là: Vivat Deus Unus et Trinus in Cordius Nostris (viết tắc là VDUETICN) đã xuất hiện như là lời cầu nguyện kết thúc của Luật tháng 9 năm 1885. Từ đó, Đấng sáng lập đã nêu nó ra trong các lá thư hằng ngày của ngài trong gần một phần tư thế kỷ. Tuy nhiên, Tổng tu nghị thứ hai và thứ ba đã đưa khẩu hiệu truyền giáo này thành như là một luật: “Khi nào chúng ta viết thư cho nhau, chúng ta sẽ viết ở đầu trang: ‘Nguyện xin Ba Ngôi Thiên Chúa chí thánh cư ngụ trong tâm hồn chúng ta.’ Nếu ngài ngự trị trong tâm hồn chúng ta, thì chúng ta sẽ dễ dàng giữ danh thánh của Ngài và vâng phục thánh ý của Ngài; vì Ngài là nguồn động lực cho các hoạt động của chúng ta.” (Hiến pháp 1891/59,1 và 1898/62,1).

Việc cư ngụ của Ba Ngôi trong Thánh Tâm

Đối với Đấng sáng lập, việc tôn sùng Thánh Tâm được nối kết cách thâm sâu với Ba Ngôi Thiên Chúa. Các cha Bornemann và Fisher đã nói rằng “dần dần trong hành trình cuộc sống của Đấng sáng lập, đối tượng đầu tiên và rộng khắp của lòng đạo đức nơi ngài là Thiên Chúa Ba Ngôi theo phương diện Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trong tâm hồn chúng ta qua ân sủng.” Lòng đạo đức này đã nảy sinh từ quan niệm của cha thánh Arnold về sự cư ngụ của toàn thể Ba Ngôi Thiên Chúa trong Thánh Tâm Chúa Giêsu: “Vì thế toàn thể Ba Ngôi Thiên Chúa cự ngụ trong Thánh Tâm Chúa Giêsu. Sự toàn năng của Chúa Cha vĩnh cửu, sự khôn ngoan và vẻ đẹp của Ngôi lời vĩnh cửu, tình yêu quảng đại và sự phong phú của Chúa Thánh Thần luôn hiện diện. Thật là điều kỳ diệu thánh, bởi vì Trái Tim Chúa Giêsu vẫn là trái tim con người.” (Sứ giả nhỏ của Thánh Tâm, 1874, 203). Thánh Tâm Chúa Giêsu đã là nơi cư ngụ của Ba Ngôi; đó là một Trái Tim Thiên Chúa và con người, lò lửa Tình yêu không giới hạn và không bao giờ tắt, suối nguồn của tất cả những gì là tốt lành và đẹp đẽ. Chúng ta phải tôn vinh Ba Ngôi Thiên Chúa với tình yêu của chúng ta, bằng lời nói, qua lời cầu nguyện, giảng dạy, và bằng việc làm.

Câu chuyện truyền giáo về Tình Yêu Ba Ngôi Thiên Chúa

Bản chất của Niềm tin Kitô giáo cốt ở chỗ khám phá ra Thiên Chúa như Tình Yêu vô hạn nơi con người, trong tất cả những gì yếu kém và bất lực. Đấng sáng lập đã mong mỏi rằng mọi người có thể hiểu biết mầu nhiệm tuyệt vời này và có thể chia sẻ trong cộng đoàn Tình yêu Thiên Chúa. Ngài đã viết trong quyển Cẩm nang những lời cầu nguyện chung cho giáo dân (1871): “Các linh hồn thường suy tư về Ba Ngôi Thiên Chúa được thì họ rất tôn kính quyền năng của Thiên Chúa và được nâng lên đến cấp độ tình yêu rất cao đối với sự trong sạch và thánh thiêng mà con người thờ phượng nơi Bản Tính Thiên Chúa.”

Mục đích chung của chúng ta là phục vụ Thiên Chúa và người thân cận bằng cách truyền bá sự hiểu biết và tình yêu đối với Ba Ngôi chí thánh (Bản dự thảo đầu tiên về quy chế của ngôi nhà truyền giáo (Mission House), 08.1875). Cha thánh Arnold đã luôn bị lôi cuốn bởi vẻ đẹp và sự phong phú nơi đời sống thân mật của Ba Ngôi Thiên Chúa, và ngài đã muốn rằng mọi người chia sẻ niềm hạnh phúc của ngài. Luật 1898/5 cho thấy rõ ràng rằng cha thánh Arnold đã đặt tầm nhìn truyền giáo của ngài trên mầu nhiệm đời sống Ba Ngôi Thiên Chúa. Điều được dự kiến là mang mọi người vào trong sự hiệp thông tình yêu nhờ Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần: “Do đó, chúng ta hãy là những con cái trung tín của Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, đặc biệt là đối với Chúa Cha, Đấng là cội nguồn chính yếu của Ba Ngôi Thiên Chúa mà tất cả mọi người sẽ phải quay về đó. Bởi vì chúng ta đã được tạo dựng, cứu chuộc và thánh hóa bởi tình yêu của Ngài, chúng ta hãy luôn là những người con đáng yêu và vâng phục của Ngài. Chúng ta hãy truyền bá Triều Đại Tình Yêu của Ngài trên toàn cõi đất và chúng ta hãy dấn thân làm việc cho điều này đến mức Chúa Cha ngày càng được yêu mến trong Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Bởi vì tình yêu mà họ có về Chúa Cha như là cội nguồn của họ, họ sẽ cổ võ sự tôn sùng Chúa Cha trên toàn cõi đất. Và khi họ muốn mọi người quay trở về nơi cung lòng của Chúa Cha, chúng ta hãy là những cộng tác viên của họ và chúng ta hãy là những dụng cụ của họ, dẫu yếu hèn.”

Nơi của lòng thương xót

Đấng sáng lập đã hình dung phương diện truyền giáo của linh đạo Chúa Ba Ngôi trên cánh cửa nhà tạm của Nhà Thờ phía trên tại Steyl với hình về nơi của lòng thương xót. Chúa Thánh Thần trong hình dáng chim bồ câu bay lượn trên Thiên Chúa Cha, Đấng đang ôm lấy thân thể của Người Con Giêsu yêu dấu của Ngài trong cung lòng. Điều đó biểu tượng hóa Chúa Cha vĩnh cửu, Đấng trao nộp Người Con duy nhất của Ngài vì lợi ích của nhân loại đến nỗi chết trên cây thập tự, và nhờ quyền năng và sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, Ngài muốn kéo tất cả mọi người vào trong mầu nhiệm của tình yêu và lòng thương xót (Rehbein, Mầu nhiệm Tình Yêu Thiên Chúa, 38). Tầm nhìn này đã tạo ra nơi thánh Arnold rất nhiều năng lực và đã được chuyển dịch thành một thần học truyền giáo mang tính thực hành. Bất chấp những thử thách cam go, cha thánh Arnold đã luôn giữ sự tín thác kiên định vào Thiên Chúa Ba Ngôi như thể ngài đi theo nguyên tắc của thánh Têrêsa Avila: “Chỉ Thiên Chúa là đủ.” Toàn bộ đời sống của ngài, ngài đã bước đi cách trung thành trong sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi và đã neo chính bản thân ngài vào trong Tình Yêu Thiên Chúa. Ngài vẫn luôn thinh lặng ngay trong lúc có nhiều hoạt động trong văn phòng của ngài, ngài bước đi trong sự hiện diện của Thiên Chúa cách khiêm nhường và giản dị, và ngài vẫn giữ sự tự do nội tâm để lấy mọi quyết định mà ngài phải làm.

Bài này được trích từ Arnoldus Nota, tháng 06.2018

Lm. Antôn Nguyễn Thanh Hà, SVD

Trưởng ban dịch thuật chuyển ngữ

Bài trướcDòng Ngôi Lời: Bài Huấn Từ của ĐTC Phanxicô với các Tham dự viên Tổng Tu Nghị thứ 18 Dòng Ngôi Lời
Bài tiếp theoCăn Tính của các Nhà Truyền giáo Ngôi Lời

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.