♦ Tu sĩ Phêrô Đỗ Huy Xuân
Trong cuộc sống con người đều có những chuyến đi, cho dù đi gần hay đi xa, mỗi chuyến đi cũng đều là những cuộc trải nghiệm cho bản thân. Những trải nghiệm ấy sẽ có nhiều niềm vui, nhưng cũng không thiếu những nỗi niềm lo lắng. Qua những cuộc trải nghiệm sẽ giúp ta tăng thêm sự hiểu biết, học hỏi kinh nghiệm. Ngoài ra, có thể giúp tâm hồn ta trở nên phong phú và mở rộng con tim. Hai năm vừa qua (từ hè năm 2022 đến hè năm 2024) là cơ hội để tôi được trải nghiệm đến với một quốc gia khác theo chương trình OTP (Oversea Training Program) của Hội Dòng. Chương trình OTP của Hội Dòng Ngôi Lời là một chương trình rất bổ ích cho các tu sĩ đang trong giai đoạn đào tạo. Chương trình giúp các tu sĩ tiếp cận được môi trường mới với ngôn ngữ, văn hóa, ẩm thực mới… cũng như làm quen với cộng đoàn quốc tế. Với thời gian hai năm thực tập OTP tại tỉnh dòng Slovakia, tôi cũng có nhiều trải nghiệm và cảm nhận cho bản thân.
Có thể nói, những ai khi lần đầu tiên thi hành một công việc nào đó cũng đều mang trong mình những nỗi lo lắng, ưu tư và cảm thấy bồi hồi xao xuyến. Đối với tôi cũng vậy, ngay những ngày đầu xin visa, chuẩn bị tư trang đến khi xách balo lên máy bay, tôi cũng không kém phần hồi hộp và lo lắng. Tôi hồi hộp vì muốn đến đất nước mới, vùng đất bấy lâu nay chỉ nghe chia sẻ qua các anh lớp trên đi trước, mà chưa biết thực tế về vùng đất, về văn hóa và con người nơi đây. Bên cạnh những hồi hộp là nỗi lo lắng, bởi đây là nơi tôi sẽ nói với ngôn ngữ của họ, khác hẳn ngôn ngữ mà tôi đang giao tiếp hàng ngày. Qua những nỗi ưu tư, lo lắng là sự chuẩn bị cho hành trang, chuẩn bị tinh thần tốt nhất để bắt đầu cho môi trường mới, những trải nghiệm và những thách đố trong thời gian thực tập mục vụ.
Trước hết, thiết nghĩ, thật hữu ích để bắt đầu chia sẻ này bằng cách lược qua đôi nét về đất nước Slovakia. Cộng hòa Slovakia là một quốc gia nằm kín trong lục địa tại Trung Âu, có diện tích khoảng 49,036 km2, với hơn 80% lãnh thổ là đồi núi. Slovakia giáp biên giới với Cộng hoà Séc và Áo ở phía tây, Ba Lan ở phía bắc, Ukraina ở phía đông và Hungary ở phía nam. Thủ đô là Bratislava và 7 thành phố. Cộng hòa Slovakia độc lập từ Tiệp Khắc ngày 1 tháng 1 năm 1993, có ngôn ngữ là tiếng Slovak. Đất nước có nhiều địa điểm du lịch như hang động, dãy núi đẹp, khu vực trượt tuyết vào mùa đông. Bên cạnh đó có nhiều lâu đài cổ, nhà thờ lớn xây dựng từ hàng trăm năm trước.
Về con người, Slovakia có dân số khá là khiêm tốn, khoảng 5,5 triệu dân, chỉ hơn một nửa dân số so với thành phố Hồ Chí Minh (khoảng 9,3 triệu dân, năm 2024) của Việt Nam. Nền kinh tế, đất nước phát triển về ngành công nghiệp và du lịch. Về tín ngưỡng tôn giáo, Slovakia có số giáo dân Công Giáo chiếm 69% dân số, còn lại là Chính Thống Giáo và Tin Lành. Slovakia là nơi có những con người thân thiện, hòa đồng và gần gũi. Đến một đất nước mới tôi có thể khám phá và học hỏi được nhiều về văn hóa, con người và đất nước.
Tiếp đến, Tỉnh dòng Slovakia được thành lập năm 1923, trải dài hai quốc gia là Slovakia và Séc. Năm 2023 tỉnh dòng vừa kỷ niệm 100 năm thành lập. Hiện nay, nhà tỉnh dòng cũng như cộng đoàn nhà chính nằm ở thành phố Nitra với một ngọn đồi nhỏ có tên là Kalvária. Nơi đây cũng là điểm hành hương của giáo phận vào dịp lễ Đức Mẹ lên trời. Cộng đoàn học viện nằm ở thủ đô Bratislava, nơi các thầy học và tu tập. Bên cạnh đó là các cộng đoàn, giáo xứ nằm ở hai nước Séc và Slovakia. Nơi đây có các cha và các thầy tu huynh đang coi sóc và mục vụ. Từ khi thành lập đến nay, tỉnh dòng đã gửi rất nhiều các anh em linh mục và tu huynh đi truyền giáo và làm việc ở nhiều quốc gia trên thế giới như Ba Lan, Hungary, Nhật Bản, Philippines, Cuba… Và ngược lại, tại tỉnh dòng đang có các thành viên đến làm việc đến từ nhiều nước khác nhau.
Cảm nhận bản thân
Khi đến với Slovakia tôi đã được quý cha đón tiếp cách thân thiện. Với sự gần gũi từ cha giám tỉnh, quý cha, quý thầy và mọi người, từ đó giúp tôi cảm nhận nơi đây như là nhà của mình. Sống ở cộng đoàn học viện, tôi đã được làm quen với môi trường sống mới, được sinh hoạt trong cộng đoàn quốc tế đa văn hóa, với nhiều anh em từ các quốc gia khác nhau. Cộng đoàn gồm có các cha các thầy người Slovakia, ngoài ra còn có cha đến từ Ấn Độ, Indonesia, hai thầy đến từ Madagascar, hai thầy đến từ Angola. Từ đó giúp tôi sống hòa chung với các anh em từ nhiều nền về văn hóa và đất nước.
Về việc học ngôn ngữ, tiếng Slovak là một trong những ngôn ngữ khó so với các ngôn ngữ khác, điều này tôi được nghe qua những người đi trước và ngay cả người bản địa của họ cũng nhận xét như vậy. Nhưng không bởi thế mà tôi nản lòng, tôi ý thức rằng, ngôn ngữ rất quan trọng để có thể giao tiếp và làm quen với người khác. Vì thế, tôi dành nhiều thời gian để học hỏi và trau dồi ngôn ngữ. Ngoài những giờ học trên trường, tôi cũng dành thêm thời để học nơi các cha, các thầy cũng như giáo dân. Vào mỗi dịp lễ Noel tôi được gửi đến ở tại gia đình của một thầy người Slovakia ba ngày. Mục đích để tôi có thể biết được sinh hoạt ở môi trường gia đình của người dân nơi đây. Tôi cũng được đi thăm một số giáo xứ nơi các cha dòng đang chăm sóc và mục vụ. Với những cơ hội như thế, giúp tôi có nhiều thời gian để học tập và tiếp nhận cho mình nhiều điều bổ ích. Với thời gian học tập và thích nghi, tôi cũng tích góp cho mình chút vốn ngôn ngữ để có thể giao tiếp. Bên cạnh đó, tôi cũng được học thêm khóa học về văn hóa và đất nước Slovakia. Điều đó giúp tôi hiểu biết thêm về môi trường văn hóa, những sinh hoạt, ẩm thực, cũng như nét độc đáo ngày lễ hội tại nơi đây.
Sau thời gian được học ngôn ngữ và văn hóa Slovakia, tôi tiếp tục được làm quen với những sinh hoạt ở giáo xứ. Tôi được đến thực tập mục vụ tại giáo xứ có các cha Dòng Ngôi Lời phụ trách, kiêm trường học. Đến với giáo xứ, tôi được biết thêm về những sinh hoạt của giáo xứ, phụ giúp công việc trong phụng vụ, đọc sách, giúp lễ… Ngoài ra, sau mỗi thánh lễ vào sáng ngày Chúa Nhật hay những ngày lễ trọng, mọi người thường quy tụ cuối nhà thờ để gặp gỡ nhau. Do đó, tôi cũng phụ để giúp pha chế cà phê hay phân phát bánh ngọt cho họ. Qua đó, tôi có dịp được gặp gỡ, làm quen và nói chuyện với họ. Điều tôi cảm nhận được là giáo dân nơi đây sống gần gũi, vui vẻ, hòa đồng, siêng năng đến nhà thờ, tham gia các sinh hoạt chung của giáo xứ. Vào ngày Chúa Nhật tại nhà thờ diễn ra sáu thánh lễ cho giáo dân tham dự, và số lượng tham dự cũng đông đảo.
Bên cạnh đó, tôi cũng giúp phụng vụ và tham dự thánh lễ cùng với các em học sinh tại trường học nơi cha xứ đồng hành với các em. Đến trường học giúp tôi biết thêm về những sinh hoạt của trường học Công giáo. Trường học nơi đây không chỉ là nơi đào tạo cho các em về tri thức, về xã hội mà còn là nơi giảng dạy cho các em về đời sống đức tin của người Công Giáo. Các em được học giáo lý, tham dự Thánh lễ và chầu Thánh Thể ngay tại trường sau giờ học. Bên cạnh đó là những sinh hoạt ngoại khóa, thể dục thể thao… tất cả tạo cho các em sống vui vẻ, năng động và trưởng thành.
Ngoài ra, vào ngày Thứ Ba hàng tuần tôi tham gia sinh hoạt cùng với nhóm tình nguyện viên của giáo xứ. Chúng tôi đã gặp gỡ những người vô gia cư, phát đồ ăn, lắng nghe và tâm sự với họ. Điều này giúp cho tôi hiểu biết thêm về những hoàn cảnh và môi trường sống của những người vô gia cư này.
Có thể nói những khoảng thời gian đến với giáo xứ giúp tôi có dịp được thực hành công việc, tiếp xúc và làm quen với nhiều người, học hỏi được nhiều điều thú vị. Tất cả những điều đó sẽ là những hành trang để giúp tôi mục vụ sau này.
Khó khăn và thuận lợi
Khi đến một đất nước mới, môi trường mới, chúng ta không thể tránh khỏi những khó khăn ban đầu. Tôi cũng vậy, khi đến với Slovakia tôi đã gặp chút khó khăn. Trước hết về ngôn ngữ, khi đến với Slovakia tôi mới bắt đầu học tiếng của đất nước này, nên ban đầu còn bỡ ngỡ, còn e ngại trước sự gặp gỡ với người dân sau mỗi thánh lễ vào ngày Chúa Nhật. Nhưng tôi đã vượt qua khó khăn đó bằng việc mạnh dạn để tiếp cận và làm quen với người dân, dù ngôn ngữ mình còn hạn chế. Người dân nơi đây rất thân thiện và gần gũi, họ luôi vui vẻ để tiếp xúc và chỉ dạy cho tôi. Do đó, đây cũng là cơ hội để tôi vừa được làm quen vừa được học thêm ngôn ngữ. Đối với ẩm thực, Slovakia cũng như các nước châu Âu, họ thường có những món nguội so với những thực phẩm nóng hổi của Việt Nam. Nên ban đầu tôi không dám ăn nhiều, do còn lạ bụng, nhưng dần cũng quen và ăn uống được nhiều món của đất nước họ. Bên cạnh đó, cũng có những món ăn chúng tôi có thể chế biến theo kiểu ẩm thực Việt Nam và các cha các thầy nước ngoài đã rất thích khẩu vị của món ăn Việt.
Tóm lại, sau hai năm thực tập OTP, trong tôi đọng lại nhiều kinh nghiệm và trải nghiệm thú vị. Tôi học hỏi và tích lũy cho bản thân nhiều bài học bổ ích và cần thiết, điều đó như là hành trang để giúp tôi tiếp bước trên hành trình ơn gọi của mình. Mặt khác, bản thân cũng nhận ra được những mặt hạn chế của mình cần phải cố gắng và trau rồi nhiều hơn nữa.
Kỳ thực tập kết thúc cũng đem lại trong tôi nhiều cảm xúc và tâm trạng khó tả. Có lẽ bởi cuộc sống tình cảm, sự yêu thương của quý cha, quý thầy và con người nơi đây dành cho tôi. Tôi tạ ơn Chúa vì đã cho tôi có thời gian được trải nghiệm đầy ý nghĩa trong cuộc sống. Tạ ơn Chúa vì Ngài luôn đồng hành, nâng đỡ để tôi chu toàn công việc của mình. Cuối cùng, tôi xin chân thành cảm ơn cha Giám tỉnh, quý cha trong ban đào tạo, cha phụ trách OTP Tỉnh Dòng Ngôi Lời Việt Nam cũng như Tỉnh Dòng Slovakia đã tạo điều kiện cho tôi có những trải nghiệm để học hỏi làm hành trang cho sứ vụ tương lai.