Bài Ðọc I: Gr 33, 14-16
“Ta sẽ làm nảy sinh cho Ðavít một chồi công chính”.
Trích sách Tiên tri Giêrêmia.
Ðây lời Chúa phán: Ðã đến ngày Ta sẽ thực hiện tin mừng Ta loan báo về nhà Israel và nhà Giuđa. Trong những ngày đó và trong thời gian đó, Ta sẽ làm nảy sinh cho Ðavít một chồi công chính, Ngài sẽ xét xử và thi hành công lý trong xứ sở. Trong những ngày đó, Giuđa sẽ được cứu thoát, Giêrusalem sẽ sống yên ổn. Và đây là tên người ta sẽ gọi Ngài: “Thiên Chúa, Ðấng Công Chính của chúng tôi”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 24, 4bc-5ab. 8-9. 10 và 14
Ðáp: Lạy Chúa, con vươn linh hồn lên tới Chúa (c. 1b).
Xướng: 1) Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa; xin dạy bảo con về lối bước của Ngài. Xin hướng dẫn con trong chân lý và dạy bảo con, vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ con. – Ðáp.
2) Chúa nhân hậu và công minh, vì thế Ngài sẽ dạy cho tội nhân hay đường lối. Ngài hướng dẫn kẻ khiêm cung trong đức công minh, dạy bảo người khiêm cung đường lối của Ngài. – Ðáp.
3) Tất cả đường nẻo Chúa là ân sủng và trung thành, dành cho những ai giữ minh ước và điều răn Chúa. Chúa thân mật với những ai tôn sợ Chúa, và tỏ cho họ biết lời minh ước của Ngài. – Ðáp.
Bài Ðọc II: 1 Tx 3, 12 – 4, 2
“Xin Chúa làm cho lòng anh em nên dũng cảm khi Chúa Kitô đến”.
Trích thư thứ I của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxa-lônica.
Anh em thân mến, xin Chúa gia tăng và ban cho anh em tràn đầy lòng thương yêu nhau, và thương yêu mọi người như chúng tôi đối với anh em, để lòng anh em được bền vững trên đường thánh thiện, không có gì đáng trách trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong ngày Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ngự đến cùng với tất cả các Thánh. Amen.
Anh em thân mến, ngoài ra, tôi còn van nài anh em trong Chúa Giêsu điều này, là như anh em được chúng tôi bảo cho biết phải sống thế nào cho đẹp lòng Chúa, anh em đang sống như vậy, xin anh em cứ tiến thêm nữa. Vì anh em biết rõ huấn thị chúng tôi nhân danh Chúa Giêsu đã ban cho anh em.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Tv 84, 8
Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, và ban ơn cứu rỗi cho chúng con. – Alleluia.
Phúc Âm: Lc 21, 25-28, 34-36
“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến.
Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề, vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con, như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất. Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!”
Ðó là lời Chúa.
Bài giảng chủ đề:
TỈNH THỨC VÀ SẴN SÀNG
✍️ Lm. Phêrô Nguyễn Trọng Đường, SVD
Mùa Vọng, tiếng La tinh “Adventus” tiếng Anh ngữ “Advent”, có nghĩa là “đến”. Vọng là mong – đợi – chờ điều gì đó sắp đến với mình. Mùa Vọng đến, Giáo Hội gợi nhắc mỗi Kitô hữu về các ý nghĩa sau. Thứ nhất, Mùa Vọng cho phép ta nhớ lại thời gian dân Do thái, dân riêng của Chúa mong đợi Đấng Mêsia (Chúa Kitô) đến để giải phóng, cứu thoát dân IsraEL ra khỏi ách nô lệ tội lỗi. Ngài đã đến lần thứ nhất cách đây hơn hai ngàn năm. Ngài đã giải phóng họ khỏi ách tội lỗi bằng giáo huấn và cái chết của Ngài. Thứ hai, Mùa Vọng còn mời gọi chúng ta chuẩn bị tâm hồn thánh thiện để mừng biến cố trọng đại của toàn thể nhân loại: “Lễ Chúa Giáng Sinh”. Sau tuần lễ Chúa Kitô Vua Vũ trụ, Giáo Hội bắt đầu cử hành Phụng vụ Mùa Vọng trong suốt 4 tuần lễ liên tiếp cho đến ngày 24 tháng 12. Thứ Ba, Mùa Vọng còn có ý nghĩa giúp cho ta chuẩn bị đón Chúa Kitô đến lần thứ hai vào ngày tận thế. Không một ai có thể biết được ngày giờ này. Giờ ấy đến bất ngờ như kẻ trộm, hoặc như chiếc lưới chụp xuống mọi người đang sống trên mặt đất (x. Lc 21,35). Điều cần kíp là mỗi Kitô hữu cần “tỉnh thức và sẵn sàng” để đón Chúa đến vào ngày tận thế cuộc đời, tức là giờ chết của mình.
Tâm Tình Với Chúa
Hôm nay là Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng, khởi đầu của năm Phụng vụ mới. Hội Thánh Chúa Kitô mời gọi con cái sống với thái độ tỉnh thức và cầu nguyện trong tư thế sẵn sàng: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn”. Lời Đức Kitô mời gọi mỗi người, hãy tỉnh thức và cầu nguyện trong thái độ sẵn sàng để đón chờ ngày Chúa đến. Dù có những lo lắng, hoang mang và sợ hãi trước những gì sẽ xãy đến với đời người: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ”. Nhưng điều quan trọng nơi mỗi Kitô hữu mà Tin Mừng hôm nay đề cập đến: “Hãy giữ mình”, “hãy đứng dậy”, “hãy ngẩng đầu lên” và “hãy tỉnh thức cầu nguyện”. Những động từ mệnh lệnh cách, như đang khẩn thiết thúc bách nơi mỗi Kitô hữu phải thực hiện để được ơn giải thoát, ơn Cứu độ. Thánh Phaolô, vị tông đồ cho dân ngoại cũng nhắc nhở chúng ta trong thư gửi tín hữu Rôma: “Phần rỗi chúng ta gần đến”. Chúng ta hãy đi đứng đàng hoàng như giữa ban ngày, không ăn uống say sưa, không chơi bời dâm đãng, không tranh chấp ganh tị, không oán hận trách người, không chia bè kéo phái. Nhưng hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và chớ lo lắng thoả mãn những dục vọng xác thịt (x. Rm 13,11-14). Chính Chúa đã nói: “Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!” (Lc 21,36). Sống tinh thần tỉnh thức và cầu nguyện mới có thể đứng vững và bền đỗ đến cùng. “Giữ mình” để lòng khỏi ra nặng nề vì những toan tính sự đời. “Đứng dậy” để bước ra khỏi vũng lầy của tội lỗi và bước tới ánh sáng của ơn Cứu độ. “Đứng thẳng và ngẩng đầu lên” để nhận ra Chúa và đón Chúa lại đến trong vinh quang.
Mùa Vọng là mùa sống lại lịch sử của Đức Kitô trong cuộc đời mỗi người. Là mùa trông đợi Chúa đến trong máng cỏ tâm hồn và mời gọi chúng ta: “Hãy dọn con đường cho Đức Chúa đến”. Chúa không đến một cách ồn ào, náo nhiệt, nhưng Ngài đến một cách âm thầm, lặng lẽ và khiêm nhu. Chúa không đến trên đại lộ thênh thang tráng lệ, phố xá rộn ràng đông người, nhưng Ngài đến qua nhiều con đường bé nhỏ, đơn sơ. Chúa không đến với những con người quyền quý cao sang, nhưng Ngài đến với những tâm hồn khiêm nhu, nghèo hèn, là nơi những con đường nghèo khó và nơi những tâm hồn thánh thiện.
Tâm Tình Với Nhau
Hội Thánh Chúa Kitô là con đường để nhân loại gặp gỡ Vị Cứu Tinh, Thiên Chúa của mình. Ngoài Chúa ra, mọi hy vọng nơi trần thế và bất cứ thần tượng nào cũng trở thành vô nghĩa. Chúa chính là gia nghiệp, lẽ sống và niềm hy vọng của đời ta. Vì thế, tâm tình sống Mùa Vọng là tâm tình gieo niềm tin vui không chỉ cho chính mình mà còn cho tất cả những người chung quanh. Tâm tình sống Mùa Vọng là tâm tình “tỉnh thức và sẵn sàng” với chính mình để đón Chúa sắp đến.
Câu chuyện con tàu Titanic của ngày 15 tháng 4 năm 1912 đã trở thành câu chuyện lịch sử của nhân loại. Con tàu ấy rất sang trọng và vĩ đại nhất trên thế giới, tưởng chừng như bền vững kiên cố muôn năm. Thế nhưng, khi phải đụng vào tảng băng đá trên Bắc Hải Thái Bình Dương, con tàu vĩ đại và kiên cố ấy đã phải trở thành bất lực, trở thành một đống sắt nằm chôn vùi dưới đáy Biển Bắc Thái Bình Dương. Nó đã làm chết 1513 người! Đứng trước ranh giới của sự sống còn, những hành khách trên con tàu này biết mình bất lực trước sức mạnh của thiên nhiên và vận mệnh. Nên ngoài việc cầu cứu Thánh Danh Chúa ra, họ ko biết ai có thể có khả năng cứu họ được trong giây phút nguy tử, ngoài một mình Đấng Tối Cao. Họ đã hiệp lòng cùng nhau trong nỗi sợ hãi với bài hát “Một Niềm Phó Thác”, như một thái độ tỉnh thức và sẵn sàng đón chờ giây phút ra đi với niềm xót xa vô hạn. Câu chuyện ấy nhắc nhở chúng ta với thái độ tỉnh thức để có được tâm thế sẵn sàng đón nhận và đợi chờ ngày Chúa đến lần thứ hai.
Trong chúng ta cũng có những mảnh đời giống như con tàu định mệnh Titanic. Được sinh ra và làm người trong thế gian này nhưng không ai biết trước tương lai và số phận của mình, rồi đây sẽ ra sao và chúng ta phải chết cách nào? Những bất ngờ xảy đến trong cuộc đời, con người cần chuẩn bị sẵn sàng và tỉnh thức với mọi biến cố đời mình. Tỉnh thức và sẵn sàng không gì khác là tín thác đường đi cho Chúa và tin tưởng vào Ngài. Đức tin dù ở trong hoàn cảnh và thời đại tân tiến nào cũng chỉ có một điều duy nhất là đặt niềm xác tín vào Thiên Chúa và tin tưởng vào quyền năng của Người.
Mùa Vọng là mùa tỉnh thức, cầu nguyện, trông đợi, sám hối, nhưng Mùa Vọng còn có một ý nghĩa khác, đó là tâm tình Tạ Ơn Thiên Chúa và chia sẻ bác ái với người nghèo. Chúng ta tạ ơn Chúa vì qua Mầu Nhiệm Giáng Sinh Chúa cho chúng ta nhận ra tình thương vô bến bờ của Ngài; qua Mầu Nhiệm Thập Giá, Chúa ban Ơn Cứu Độ cho nhân loại; và qua Mầu Nhiệm Phục Sinh Chúa cho chúng ta làm con cái đích thực của Ngài. Hành trình đức tin không chỉ đơn thuần là đọc kinh dâng lễ nhưng là hành động trong tinh thần bác ái. Vì thế, Mùa Vọng là mùa Giáo Hội mời gọi chúng ta đến với những anh chị em nghèo khổ, những mảnh đời đang cần chúng ta giúp đỡ, đang cần trái tim của Chúa nơi trái tim và lòng quảng đại của mỗi người. Mùa Vọng mời gọi chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện không ngừng để kiến tạo hơi ấm nơi những tâm hồn đang băng giá; mang bình an đến nơi những gia đình đang thiếu vắng hạnh phúc vì đổ vỡ; nơi những đất nước đang bị chiến tranh, hận thù và chết chóc.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết tỉnh thức và sẵn sàng giữa cạm bẫy thế gian đang làm lu mờ ánh sáng và sự thật của Chúa. Xin Chúa biến đổi tâm hồn chúng con thành những môn đệ và dấu chỉ tình thương của Chúa qua việc đến với anh chị em và kiến tạo hòa bình. Xin cho chúng con luôn sống tâm tình Mùa Vọng trong cuộc đời để được kết hợp với Chúa luôn mãi. Amen!
TỈNH THỨC TRƯỚC NHỮNG BẤT NGỜ
✍️ Lm. Giuse Trần Minh Hùng, SVD
Những cuộc “viếng thăm” của Thiên Chúa đến với dân Người luôn chứa đựng những yếu tố bất ngờ. Có phải do tính bất ngờ này mà con người không nhận biết Người? Trong biến cố Ngôi Lời Nhập Thể, Người đến nhưng “người nhà chẳng chịu đón nhận.” Và khi Người ở giữa thế gian, hiện diện để rao giảng, chữa lành và ủi an, “người ta lại không nhận biết Người” (x. Ga 1,10-11). Vì thế, có lần Chúa Giêsu cảnh báo: “Khi Con Người đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18,8) Lời cảnh báo này như mời gọi con người một sự hoán cải và thay đổi về cách nhìn, cách suy nghĩ và đời sống mình đối với Chúa. Chúa đến lần hai khi nào ta không thể biết và dĩ nhiên ta cũng không có cơ hội để kịp sửa sai. Do vậy, hành động khôn ngoan của người tin hôm nay, đó chính là: sống tỉnh thức và cầu nguyện.
Tỉnh Thức Trước Những Dấu Chỉ Của Thời Đại
Ngày Chúa đến trong vinh quang thời cánh chung khi nào? Chẳng ai có thể biết trước được. Đã nhiều lần người ta dự đoán thế giới sẽ tận thế khi tựa trên những điều mà Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng hôm nay: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả.” (Lc 21,25-28).
Các Kitô hữu tiên khởi đã có lúc tin tưởng rằng thế giới sẽ đến hồi kết trước khi họ chết. Vì thế, họ nghĩ rằng mình phải sống tỉnh thức, cảnh giác, để bất kỳ lúc nào ngày đó đến, họ sẽ không ngủ quên, thiếu chuẩn bị, hoặc chè chén say sưa. Tuy nhiên, khi năm tháng qua đi, và Chúa Giêsu vẫn chưa tái lâm, thì họ bắt đầu hiểu lời mời gọi sống tỉnh thức đó được liên hệ nhiều hơn đến chuyện chúng ta không biết giờ nào mình sẽ chết. Và như vậy, họ nhận thức điều Chúa muốn chúng ta sống tỉnh thức đó là: Hãy sống trọn vẹn cuộc đời ngay lúc này và đừng để bị ‘ru ngủ’ bởi áp lực của cuộc sống thường nhật, đừng để mình bị thống trị vì những sự việc đời này, những thực tại vật chất, nhưng đúng hơn hãy chế ngự chúng và hãy sống tiết độ.
Khủng hoảng thời đại dịch COVID-19 gần đây dạy cho chúng ta bài học cần tỉnh thức trước những dấu chỉ của thời đại. Những gì con người đã thực hiện vì lòng tham lam, ích kỷ, thiếu chia sẻ và trách nhiệm trong việc bảo vệ trái đất, ‘ngôi nhà chung’ của nhân loại đã dẫn đến hậu quả thiên tai, dịch bệnh và nghèo đói. Do vậy, ta cần phản tỉnh để hoán cải và quay về với những giá trị cốt lõi của sự sống; biết bảo vệ trái đất và mọi sinh vật mà Thiên Chúa đã tạo dựng và được Người trao phó cho chúng ta quản lý và sử dụng.
Tỉnh Thức Để Nhận Ra Chúa Trong Đời Mình
Thiên Chúa đã đến và ở lại với con người trên trái đất này. “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.” (Ga 1,14). Là một người ở giữa chúng ta, Người hiểu, đồng hành, tha thứ và yêu thương chúng ta rất nhiều. Người hiện diện không phải để xét đoán hay can thiệp sâu vào đời sống con người nhưng là để chia sẻ với chúng ta kiếp sống thân phận người với những niềm vui và nỗi buồn, những đau khổ và hy vọng.
Trong thực tế, chúng ta dễ chấp nhận những gì thuận theo ý ta hơn ý Trời. Chúng ta muốn sống dễ dãi trong đời sống đức tin và luân lý. Vì thế, chúng ta tự ‘nhào nặn’ ra các vị thần theo ý thích của mình, một vị thần không nên can thiệp sâu vào hoàn cảnh cuộc sống; hoặc một vị thần có khả năng đáp ứng mọi nhu cầu của ta, như thần tài, thần may mắn,… Ngoài ra, chúng ta thường chỉ tìm kiếm từ kinh nghiệm của mình hay từ mọi người những gì phù hợp với ý tưởng và cách suy nghĩ của chúng ta để không bao giờ phải cố gắng thay đổi. Chúng ta chỉ tin và hành động theo thói quen vì nghĩ rằng chúng ta đã biết quá nhiều về Chúa và chỉ cần lặp lại những điều tương tự như mọi khi là đủ.
Do vậy, nếu ta không tỉnh thức, không cởi mở để đón nhận những gì mới mẻ và trước sự ngạc nhiên của Thiên Chúa, đời sống đức tin của ta sẽ từ từ tàn lụi và trở thành một thói quen xã hội. Khi ấy chúng ta có nguy cơ không nhận ra Chúa trong đời mình, những lúc Người đến viếng thăm ta.
Làm Thế Nào Để Tỉnh Thức?
Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu bảo chúng ta: “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.” (Lc 21,36). Một chỗ khác trong Tin Mừng, tại vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu đã nói với thánh Phêrô: “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ.” (Mc 14,38). Như vậy, tỉnh thức ở đây nghĩa là không mê ngủ: ngủ về thân xác và ngủ về tinh thần. Ngủ trong ý nghĩ chủ quan, chính là điều Chúa Giêsu thấy nơi thánh Phêrô lúc đó: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy.” (Mc 14,31). Nhưng sau đó, ông đã chối thầy mình ba lần. Do vậy, ta hãy tỉnh thức trước những cơn cám dỗ của ba thù: ma quỷ, thế gian và xác thịt, nhưng nhạy bén với ơn Chúa và hoạt động của Chúa Thánh Thần.
Ngoài ra, chúng ta cần gắn bó đời sống chúng ta với Chúa ngang qua việc cầu nguyện. Nếu không cầu nguyện, chúng ta sẽ luôn luôn hoặc sống quá nhiều về bản thân hoặc quá thiếu sinh lực; nói cách khác, hoặc tự mãn hoặc chán nản. Khi cầu nguyện, với thái độ khiêm hạ và phó thác, chúng ta sẽ được Chúa soi sáng hướng dẫn để có những quyết định đúng trước những khó khăn và thách đố. Mẹ Têrêxa Calcutta nói rằng “Cầu nguyện làm cho tôi trở thành người yêu mến Đức Giêsu. Cầu nguyện làm cho trái tim của tôi mở ra cho đến khi tâm hồn tôi đầy tràn Thiên Chúa.” Vì thế, không cầu nguyện, suy gẫm và thực hành Lời Chúa, chúng ta không thể đứng vững, đầu ngẩng cao, lòng hân hoan vui sướng trong ngày Chúa trở lại cách bất ngờ.
Sau cùng, chúng ta cần thức tỉnh trước cái chết. Suy nghĩ về cái chết sẽ ngăn cản chúng ta việc quá lệ thuộc hoặc bận tâm vào những thứ trên trần gian này đến mức quên mất rằng “chúng ta không có thành trì bền vững trên trái đất này.” (Dt 13,14). Trước sự tiến bộ của công nghệ và những thành tựu của khoa học, chúng ta thường có nguy cơ giống như người đàn ông trong dụ ngôn nói với chính mình: “Hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!” (Lc 12,19). Tai ương dịch bệnh hiện tại đã đến để nhắc nhở chúng ta rằng việc “hoạch định” và quyết định tương lai của chính mình, ngoài đức tin, rất ít phụ thuộc vào con người.
Mùa Vọng mời gọi ta tỉnh thức và cầu nguyện không chỉ để mừng đại lễ Giáng Sinh mà quan trọng hơn là chuẩn bị tinh thần sẵn sàng cho ngày Chúa trở lại trong vinh quang. Giữa hai lần ấy, có biết bao lần Thiên Chúa bất ngờ đến viếng thăm. Ta hãy mở rộng tâm hồn để tìm thấy sự ngạc nhiên về cuộc sống đang diễn ra trước chúng ta mỗi ngày thay vì quá lo lắng và sợ hãi thế giới này sẽ sụp đổ hay sợ ngày chết đến bất ngờ. Nhưng hãy tỉnh thức, cầu nguyện và sẵn sàng để Chúa viếng thăm ta cho dù Ngài có đảo lộn các chương trình của chúng ta.
CHỜ ĐỢI
✍️ Tu sĩ Giuse Huỳnh Ngọc Thiên Ân,SVD
Alexandre Dumas nói rằng: “Tất cả sự khôn ngoan của con người được tập hợp lại trong hai từ, chờ đợi và hy vọng.” Qua câu nói này, chúng ta nhận thấy được rằng con người cố gắng vận dụng hết sự khôn ngoan để làm mọi việc trong mọi lãnh vực, trong mọi hoàn cảnh, đều chờ đợi và hy vọng vào kết quả mà mình đạt được. Theo lẽ thường, chờ đợi là một hạnh phúc nhưng chờ đợi cũng là một sự sợ hãi tùy theo thái độ của người chờ đợi. Vậy đâu là giá trị của sự chờ đợi? Phải chăng sự chờ đợi làm cho con người có mục đích để sống, có động lực để vươn lên?
Mùa Vọng lại về đánh dấu sự khởi đầu năm phụng vụ mới. Mùa Vọng là mùa chờ đợi và hy vọng. Mùa Vọng cũng là cơ hội thuận tiện để chúng ta đặt lại vấn đề với chính mình, thức tỉnh tâm hồn để tự đặt câu hỏi: Đâu là điều chúng ta chờ đợi? Sự chờ đợi này dẫn chúng ta đi về đâu? Chúa Giêsu là ai mà chúng ta phải chờ đợi Ngài? Các bài đọc Lời Chúa ngày hôm nay sẽ giúp chúng ta khám phá ra Đấng mà chúng ta chờ đợi và trong thời gian chờ đợi chúng ta phải sống như thế nào?
Trong bài đọc một, ngôn sứ Giêrêmia được chính Thiên Chúa chọn để loan báo Lời Chúa cho những người đồng hương của mình. Ông đã chứng kiến những trang lịch sử đau buồn nhất của dân tộc. Trong thời gian này, đất nước bị phân chia Nam – Bắc, dân Israel miền Bắc phải đi lưu đày. Đây là hậu quả của việc dân không sống theo đường lối của Thiên Chúa và phá vỡ giao ước với Ngài. Trong bối cảnh đó, ngôn sứ Giêrêmia phải thốt lên những lời nói chói tai để tố cáo tội lỗi của dân mình và tha thiết kêu gọi họ sám hối.
Thế nhưng khi chứng kiến dân bị lưu đày, ngôn sứ Giêrêmia đã đổi giọng. Ông đã loan báo cho dân một niềm hy vọng vào ngày mà họ sẽ được cứu thoát khỏi ách lưu đày. Ông nhắc lại lời sấm của Thiên Chúa: “Ta sẽ thực hiện điều tốt lành Ta đã phán về nhà Israel và về Giuđa;” (Gr 33,14). Điều tốt lành này chính là việc sẽ xuất hiện một Đấng Thiên Sai, xuất thân từ dòng dõi Đavít; Đấng ấy sẽ giải thoát Giuđa và Giêrusalem sẽ được an cư lạc nghiệp. Đây cũng chính là lời hứa về Đấng Mêsia sẽ đến lần thứ nhất.
Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu mặc khải cho dân chúng biết về ngày mà Ngài sẽ trở lại lần thứ hai để phán xét và thưởng phạt. Ngày đó sẽ đến bất chợt không ai có thể biết được. Vậy đâu là thái độ đúng đắn để chúng ta chuẩn bị cho ngày Chúa đến? Thái độ thứ nhất là không nên để mình bị ảnh hưởng bởi những ồn ào, xáo trộn ở bên ngoài để rồi lo “chè chén say sưa” mà quên mất Chúa. Thái độ thứ hai là phải luôn tỉnh thức và cầu nguyện để chờ Chúa đến. Vì khi tỉnh thức chúng ta không còn ở trong tình trạng thụ động, ù lì nhưng làm cho chúng ta trở thành những con người đứng thẳng trong mọi lúc để dù Chúa có đến một cách bất chợt chúng ta cũng không ngỡ ngàng.
Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Thêxalônica, nhắc nhở các tín hữu những điều phải làm trong khi chờ đợi Đức Kitô đến lần thứ hai. Họ phải trao cho nhau tình thương: “Xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết.” (1Tx 3,12). Ngoài ra, họ phải có đức bác ái, bền tâm vững chí trước đau khổ, và luyện tập nhân đức không ngừng để trở nên tinh tuyền, thánh thiện, hầu xứng đáng được hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Ngẫm lại lời dạy của Chúa Giêsu, chúng ta nhận thức được rằng sự chờ đợi đi đôi với tỉnh thức. Bởi lẽ, tỉnh thức làm cho chúng ta không bị thụ động mà sẵn sàng ứng trực trước mọi vấn đề. Trước những dấu chỉ của ngày quang lâm như biển gào sóng thét, trái đất rung chuyển, tỉnh thức giúp ta có sự chuẩn bị tâm hồn, ăn năn hối cải để đối diện với Thiên Chúa. Nếu điều chúng ta chờ đợi là một ân sủng, tỉnh thức giúp chúng ta lãnh nhận một cách xứng đáng. Sự chờ đợi trong tỉnh thức như là một thái độ của người tôi tớ chờ đợi chủ của mình, như cô trinh nữ khôn ngoan chờ chàng rể đến. Trong tâm tình của Mùa Vọng, sự chờ đợi trong tỉnh thức giúp chúng ta biết rõ mình đang chờ đợi ai và chờ đợi điều gì. Con Thiên Chúa Nhập Thể trong cung lòng của Đức Maria, Đấng đã đến lần thứ nhất, đã sống kiếp con người, chịu đau khổ, tủi nhục, chịu chết trên thập giá và đã phục sinh. Nay chúng ta chờ đợi Ngài đến lần hai trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Vì vậy, sống tâm tình Mùa Vọng, chúng ta hãy mở rộng tâm hồn để yêu thương tha nhân, sống tình huynh đệ và bác ái với nhau, sống khiêm tốn để nhận ra sự yếu đuối và bất toàn của bản thân, sống phó thác và tin tưởng tuyệt đối vào quyền năng của Thiên Chúa. Chỉ có như thế, chúng ta mới vững tin chờ đợi Chúa Giêsu đến trong vinh quang.
Xin Chúa giúp chúng ta luôn tỉnh thức và sẵn sàng bằng đời sống cầu nguyện, sửa đổi bản thân, khiêm nhường và kiên nhẫn, tin tưởng và hy vọng vào quyền năng của Ngài. Đây chính là cơ hội để chúng ta trở thành người bạn tâm giao của Ngài, để chúng ta không còn lo sợ ngày Ngài đến, dù một cách bất ngờ.