Xuân “đi ra”

0
211

Trong truyền thống văn hóa Việt Nam, Tết là dịp để gia đình sum vầy bên nhau, cho mọi người có cơ hội thăm viếng lẫn nhau sau những ngày làm việc hay học hành vất vả trong năm. Vì thế, những ngày xuân đã trở thành nét đẹp không thể thiếu với mỗi người dân Việt. Với riêng tôi, ngày Tết không chỉ là dịp để sum vầy cùng gia đình, người thân mà còn là cơ hội để tôi được thể hiện đôi chút sẻ chia với những con người, những mảnh đời còn nhiều bất hạnh ngay tại mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng và gió này.

Ngày Mùng 2 Tết, tôi cùng tham gia với gia đình ba má thiêng liêng đi thăm hỏi, chúc tết và tặng quà cho những người khuyết tật (chủ yếu là người sắc tộc Êđê và M’Nông) thuộc khu vực huyện Lăk và Krông Bông gần chúng tôi. Đây là một ngày “truyền thống” của gia đình ba má từ hàng chục năm nay, tập trung các con cháu trong nhà với mỗi người góp “một chút gọi là”, và tổ chức viếng thăm những hoàn cảnh khó khăn tùy theo từng năm. Những món quà tuy chẳng thể gọi là lớn lao nhưng chắc chắn mang đậm sự sẻ chia và lòng thương mến mà chúng tôi góp vào. Trước khi là tu sĩ, tôi cũng thường tham gia với ba má, dù biết cả năm mới có mấy ngày tết muốn bay nhảy cho thỏa thích.

Những người chúng tôi viếng thăm lần này không chỉ người Công Giáo, mà còn cả người Phật Giáo, Tin Lành và người lương dân nữa. Dân gian có câu “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, thực vậy, mỗi người đều có những hoàn cảnh riêng cho cuộc sống của mình. Có đi mới thấy, trên đời còn nhiều hoàn cảnh mình chẳng biết phải nói gì hơn, ngoài việc ngồi đó và lắng nghe. Như, có gia đình người Êđê trong một buôn khá xa xôi, có 5 người con thì đều bị điên cả. Chỉ còn người mẹ già gần 80 tuổi, hôm chúng tôi tới bà còn đang đi trên nương. Trong nhà chẳng còn một thứ gì có thể nói là nguyên vẹn, vì mỗi lần lên cơn là những người con này đập phá mọi thứ. Nghe nói mới chiều 30 Tết, mấy đứa con lên cơn đánh đuổi bà mẹ một trận. Hoặc một gia đình người M’Nông theo đạo Tin Lành, chị có 2 đứa con trai 2 tuổi và 4 tuổi đều bị tật nguyền, không thể đi hay nói được. Chị kể, khi sinh đứa thứ hai, anh chồng thấy con bị tật đã bỏ mẹ con chị đi theo người khác. Giờ đây, hàng ngày chị phải mang theo cả hai đứa bên cạnh đi làm rẫy thuê kiếm sống nuôi con. Còn biết bao hoàn cảnh, bao phận người mà chúng tôi đã gặp, mỗi người mỗi nét nhưng đều gợi lên cho mỗi người lòng thương cảm.

Những ngày xuân rồi sẽ qua đi rất nhanh, mọi người sẽ trở lại với nhịp sống hối hả của lao động và học hành. Nhưng, những cảm nghiệm mà mình có được sau mỗi hành trình sẽ thêm vào hành trang cuộc đời những điều rất riêng. Như lời Đức Giáo hoàng Phanxicô trong Tông huấn “Niềm vui Tin Mừng”, tết này tôi đã thêm cho bản thân một hành trang “đi ra” thật ý nghĩa. Nguyện ước Thiên Chúa là Chủ của mùa Xuân sẽ ban cho tất cả mọi người luôn được bình an và hạnh phúc.

Tu sĩ Jose Tạ Duy, SVD

(Ghi lại đôi chút cảm nghiệm về kỷ niệm Tết Kỷ Hợi 2019)

Bài trướcThường Niên – Tuần VII – Năm C
Bài tiếp theoĐại Hội Kinh Thánh Toàn Quốc tại Tòa Giám Mục Nha Trang, từ ngày 19-21/02/2019

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.