Việc đào tạo cho thừa tác vụ linh mục trong các Tu hội đời sống thánh hiến và trong các Tu đoàn đời sống tông đồ

0
375

(hình ảnh chỉ có tính minh họa)

La formazione al ministero sacerdotale all’interno degli Istituti di vita consacrata e delle Società di vita apostolica

(Vernaschi A. [Alberto Vernashi], Quaderni di diritto ecclesiale 1990, Fascicolo. 1, 33-41)

Lm. Antôn Pađôva Nguyễn Thanh Hà, SVD chuyển ngữ

Khi muốn đơn giản hóa vấn đề, chúng ta có thể nói rằng sự khác biệt của các bậc sống trong lòng Giáo hội, khởi đi từ địa vị pháp lý chung của “người tín hữu”, xảy ra trên cơ sở một nguyên lý kép. Chúng ta gọi nguyên lý phẩm trật và nguyên lý đặc sủng. Nhờ nguyên lý phẩm trật mà có các giáo dân và các thừa tác viên thánh (ministri sacri), cũng được gọi là giáo sĩ, trong Giáo hội. (đ. 207 §1). Nhờ nguyên lý đặc sủng, nên thêm vào các tín hữu – giáo dân và giáo sĩ – là thành viên của các Tu hội đời sống thánh hiến (đ. 207 §2) và của các Tu đoàn đời sống tông đồ (đ. 731). Bộ giáo luật nói rằng bậc sống của các thành viên của các Tu hội đời sống thánh hiến, mặc dù không thuộc về cơ cấu phẩm trật của Giáo hội, nhưng nó thuộc về đời sống và sự thánh thiện của Giáo hội (cf. đ. 207 §2 và 574 §1).

Vì những người được hướng dẫn đến chức tư tế thừa tác thuộc về các Tu hội và Tu đoàn này, nên vấn đề đào tạo họ được đặt dưới một chuyển khảo đặc biệt này. Đây chính là phương diện được đề cập đến trong những trang sau đây mà không tách nó ra khỏi bối cảnh chung của việc đào tạo trong đời sống thánh hiến và mặt khác cũng không xem xét cách chi tiết việc đào tạo này.

  1. Một mảnh đất ít được khai hoang

Việc xem xét đầu tiên được thực hiện là chúng ta đang đối diện với một mảnh đất ít được khai hoang “cách rõ ràng” (ex professo). Quả thật, nếu đọc qua một bài trình bày nào đó về đời sống tu trì hay về chính việc đào tạo các tu sĩ, nhận thấy rằng vấn đề về đào tạo ban đầu, về đào tạo từ giai đoạn gia nhập đầu tiên đến khi tuyên khấn, và về đào tạo thường xuyên không được đề cập đến.[1] Không xem xét vấn đề chuyên biệt về đào tạo cho thừa tác vụ có chức thánh (ministero ordinato), hay chỉ nhấn mạnh bằng cách nói: “Về những gì liên quan đến việc đào tạo của các thành viên được chuẩn bị để lãnh nhận các chức thánh, phải biết rằng vấn đề này được điều chỉnh bởi luật phổ quát và bởi bản Ratio studiorum (chương trình học vấn) riêng của tu hội (đ. 659 §3).”[2] Bằng cách lấy lại thuật ngữ của Bộ giáo luật, chúng ta giới hạn vào việc quy chiếu đến những đường nét chung được thiết lập để chuẩn bị cho các ứng sinh vào chức tư tế: việc đào tạo các tu sĩ được hướng đến chức tư tế phải đi theo những đường nét ấy. Yếu tố khác, vốn được chương trình học vấn riêng của mỗi tu hội thiết lập, không được phát triển cách đầy đủ.

Ngày nay, mỗi tu hội, dựa trên đặc sủng của mình, có một “mục đích” (“quid”) riêng mà họ phải tìm kiếm sự thể hiện trong cách thức cụ thể là các linh mục và trong cách thức sống chức tư tế, và vì thế trong cách thức chuẩn bị cho chức tư tế. Đó là những cách thức và phong cách đặc biệt, vốn phát xuất từ mục đích chuyên biệt của tu hội, từ việc đảm nhận những thừa tác vụ nhất định, từ việc nhấn mạnh phương diện này hay phương diện kia, từ việc ưa thích đối với một vài giá trị. Do đó, họ sẽ có thể đem đến sự phong phú. Mọi người có thể dễ dàng nhận thấy sự khác biệt giữa cách sống chức linh mục của một tu sĩ Biển đức, của tu sĩ phanxicô, của tu sĩ dòng tên, của tu sĩ sa-lê-diêng, của một tu sĩ thuộc các hội dòng truyền giáo hay thuộc các tu đoàn tông đồ. Đó là những sự khác biệt có thể liên quan đến việc đào tạo được lãnh nhận và một khi chúng đã nổi bật ra bên ngoài và chúng lộ ra ngay tức khắc trước mắt người khác. Vì thế, ít khi những phong cách này giống nhau (một phần là do sự khác biệt được tạo ra bởi tu phục) để trở thành một dấu hiệu rõ ràng về sự thuộc về tu hội này hay tu hội kia.

Như Andres nhấn mạnh,[3] những yếu tố phải đi vào trong nhiều chương trình học vấn khác nhau là những yếu tố khác biệt và định tính. Vì một loạt những lý do và hoàn cảnh, ngay này trong số các hội dòng có nhiều hình thức truyền thông và hợp tác, không chỉ ở cấp độ hoạt động mục vụ, nhưng còn ở cấp độ đào tạo.[4] Chắc chắn điều này tạo nên một sự phong phú và một sự hổ trợ đáng kể cho những gì liên quan đến các yếu tố chung trong đời sống tu trì. Nhưng nó sẽ là một sự thiệt hại nếu nó đưa đến việc đánh giá thấp những yếu tố riêng của mỗi tu hội. Bởi vì nó có hại cho căn tính, và do đó có hại cho sự đóng góp mà tu hội đã được mời gọi để xây dựng chính Giáo hội.

  1. Khung pháp lý của Bộ giáo luật

Điều 659 §3 được trích dẫn nằm trong phạm vi các điều luật 659-661, vốn được dành cho việc đào tạo các tu sĩ sau khi tuyên khấn lần đầu. Khi nhấn mạnh đến “việc đào tạo các thành viên được chuẩn bị để lãnh nhận các chức thánh”, nó khẳng định rằng việc đào tạo này “được chi phối bởi luật phổ quát và bởi “chương trình học vấn” riêng của tu hội”. Đối với các Tu đoàn đời sống tông đồ, điều 736 §2 quy định: “Trong những gì liên quan đến chương trình học và việc chịu chức thánh, thì phải giữ các quy tắc của giáo sĩ triều […]”. Phần nội dung còn lại của các điều 659-661 liên quan đến việc đào tạo nói chung của các tu sĩ sau khi tuyên khấn lần đầu: xác định các mục đích của việc đào tạo (đ. 659 §1), xác định các đặc tính (đ. 660 §1) và phê chuẩn bổn phận đào tạo thường xuyên (đ. 661), để lại cho luật riêng của các tu hội việc quy định chương trình và thời gian đào tạo (đ. 659 §2).

Bộ giáo luật 1917 đã có vài chỉ dẫn liên quan đến việc học vấn trong các dòng giáo sĩ (đ. 587-591). Bộ giáo luật hiện hành rất đơn giản, và điều đó được giải thích theo nguyên tắc quy chiếu kép (duplice rimando) được chính Bộ giáo luật thực hiện: một mặt quy chiếu đến những quy tắc pháp lý được chứa đựng trong các phần khác nhau của Bộ giáo luật, mặc khác quy chiếu đến luật riêng, nghĩa là đến “chương trình học vấn” riêng của tu hội.

Vì thế, như A. Gutierrez nhận xét cách chính xác,[5] “tất cả nội dung của chương này (nghĩa là các điều luật 232-264 của Bộ giáo luật), vốn là luật phổ quát, về việc đào tạo các giáo sĩ triều, cũng có giá trị đối với việc đào tạo các giáo sĩ thuộc các Hội dòng (Istituti religiosi): quả thật, chức tư tế là duy nhất trong Giáo hội hoàn vũ với những đòi hỏi cốt yếu của nó”. Điều này cũng có giá trị đối với các giáo sĩ thuộc các Tu đoàn đời sống tông đồ.

Mặt khác, vừa đối với các Tu hội đời sống thánh hiến vừa đối với các Tu đoàn đời sống tông đồ, sẽ cần “chương trình học vấn” riêng, vốn “sẽ có thể chứa đựng những cách thức và những quy tắc pháp lý thực hành (norme esecutive), và cũng sẽ có thể thêm vào điều gì được cho là phù hợp với căn tính và mục đích riêng; nhưng sẽ không thể sửa đổi luật phổ quát trong những điều được xem là cần thiết đối với việc đào tạo linh mục.”[6]

Cho nên để có một khung pháp lý chính xác về việc đào tạo linh mục cho những thành viên của các Tu hội đời sống thánh hiến và của các Tu đoàn đời sống tông đồ sẽ cần quy chiếu đến nhiều nguồn quy phạm pháp lý. Nhưng ở đây chúng ta chỉ giới hạn vào việc liệt kê những hoàn cảnh đặc thù mà trong đó tu hội có thể sẽ tìm thấy một cộng đoàn cho việc đào tạo các ứng sinh linh mục của mình và có thể sẽ nhấn mạnh những phương diện đặc thù về nội dung và về phương pháp mà việc đào tạo này sẽ phải có.

  1. Những hoàn cảnh đặc thù

Ở mức độ thực hành và muốn trình bày khái quát một chút, có thể chỉ ra những hoàn cảnh sau đây như là những hoàn cảnh mẫu.

1- Tu hội có một học viện (studentato) độc lập của nó, mà bên trong nó tất cả chương trình đào tạo được diễn ra, ở cấp độ vừa học vấn vừa đời sống thiêng liêng và thực tập đặc biệt.

2- Tu hội gửi các sinh viên của mình đến học ở các phân khoa của Giáo hội hay ở những chương trình thần học của các chủng viện hoặc của các cộng đoàn khác, bằng cách dành riêng việc đào tạo của họ ở những cấp độ khác nhau và bằng cách bổ sung cho việc học vấn này về một phương diện chuyên biệt nào đó.

3- Tu hội nhận những người khác từ bên ngoài đến học các khóa học trong chương trình cho sinh viên của mình. Giả thuyết này có thể tìm thấy một thực hành kép tùy theo các khóa học được tổ chức phù hợp với tất các thừa tác viên có chức thánh tương lai hay ngược lại có một xu hướng chuyên biệt cho tu hội của sinh viên ấy.

4- Tu hội lãnh đạo công trình, ví dụ như Đại chủng viện, mà trong đó có sự hiện diện của một nhóm sinh viên của tu hội ấy.

Dĩ nhiên, giả thuyết đầu tiên là giả thuyết bảo đảm tính đồng chất của việc đặt nền móng đào tạo, khi thống nhất nhiều yếu tố khác nhau tạo nên việc đào tạo, nhưng cũng có nguy hiểm về một sự thiếu cởi mở nào đó. Ở mức độ được nhấn mạnh nào đó, tất cả những hoàn cảnh khác bao hàm sự cần thiết bổ sung cho các chương trình học được theo ở nơi khác. Việc bổ sung này hoặc được thực hiện trong chính tu hội hoặc được thực hiện trong cơ cấu được tu hội ấy quản lý.

  1. Nhiều lĩnh vực bổ sung khác nhau

1) Lĩnh vực phải bổ sung trước tiên là lĩnh vực liên quan đến các phương diện tổng quát về một thần học về đời sống thánh hiến với các áp dụng thực hành có liên quan. Do vậy, ai chấp nhận bậc sống này nên có một cái nhìn rõ ràng về các yếu tố thiết định của nó, và đặc biệt:

– về các lời khuyên Phúc Âm: khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục, chúng là một ân ban đặc biệt của Thiên Chúa cho Giáo hội (đ. 575), và về điều mà chúng bao hàm;

– về sự thuộc về của đời sống thánh hiến đối với đời sống và sự thánh thiện của Giáo hội (đ. 574 §1), nhờ đó những ai tham dự vào đời sống thánh hiến gắn kết với Giáo hội và với mầu nhiệm của Giáo hội cách đặc biệt (cf. đ. 573 §2) và dấn thân với một danh hiệu mới mẻ và đặc biệt để xây dựng chính Giáo hội (cf. đ. 573 §1 và đ. 590 §1);

–  về sự trổi vượt trong chứng tá của chính đời sống thánh hiến đối với bất kỳ hình thức tông đồ nào khác (đ. 673).

Những khẳng định rõ ràng về nguyên tắc này hàm chứa những hệ quả ở cấp độ đào tạo. Trước hết, đó là việc giáo dục các giá trị cốt yếu và hiến định để trở thành những người được thánh hiến thông qua việc tuyên khấn các lời khuyên Phúc Âm: ý thức đời sống của mình như là sự tận hiến cho Thiên Chúa, Đấng được yêu mến trên hết mọi sự, để đáp trả hồng ân mà Ngài đã ban và sống sự tận hiến ấy cách mạnh mẽ, tự do và vui tươi hầu trở thành dấu chỉ sáng ngời, vốn tiên báo về những điều tốt lành trong tương lai (cf. đ. 573 §1). Điều ấy tạo nên hoạt động tông đồ, vốn nằm trong các khả năng của tất cả các tu sĩ, và mọi tu sĩ đều có bổn phận hoạt động tông đồ. Quả thật, việc tông đồ thật sự không phải là một việc làm, một việc gom góp các sáng kiến và hoạt động, nhưng là việc hiện diện và làm chứng về điều mà nó là. Trong bối cảnh giáo hội học của sự hiệp thông, chứng tá về đời sống hiệp thông huynh đệ trong các tu hội và tu đoàn đáng được quan tâm đặc biệt (đ. 602).

Những khẳng định liên quan đến vị trí của đời sống thánh hiến trong Giáo hội có những sự phản ánh trên bình diện đào tạo, vừa về phương diện hướng đến sự thánh thiện vừa về phương diện hoạt động tông đồ. Về sự hướng đến sự thánh thiện, có thể nói rằng các tu sĩ phải tạo nên những đỉnh cao tiến bộ của mình và phải trở nên một lời mời gọi của sự thánh thiện này, vốn là ơn gọi chung của toàn thể Dân Thiên Chúa. Về việc hướng đến hoạt động tông đồ, nên thực hiện những điều được nói ở điều 675 §3: “Hoạt động tông đồ phải được thi hành nhân danh và thừa lệnh của Giáo hội, cũng như phải được thực hiện trong sự thông hiệp với Giáo hội”. Từng cá nhân và chính các tu hội đều liên hệ đến sứ mạng này, vốn xuất phát từ sự hiệp thông và vốn đòi hỏi phải được thực hiện trong sự hiệp thông. Đó là việc giáo dục các tu sĩ trẻ, các linh mục tương lai, hầu tránh đi những cách thức riêng trong việc thiết lập và thực hiện các sáng kiến mục vụ khác nhau, bằng cách nối kết chúng với công việc mục vụ của Giáo hội địa phương và bằng cách quy chiếu đến người được thiết định như là trung tâm hiệp nhất và như là chủ chăn trong Giáo hội ấy. Đó là việc đào tạo những con người theo tinh thần thật sự của Giáo hội và điều này cũng bao hàm tình yêu đối với Giáo hội và các vị chủ chăn của Giáo hội (cf. đ. 652 §2).

2) Lĩnh vực bổ sung thứ hai liên quan đến những phương diện đặc thù của chính tu hội hay của tu đoàn: quả thật, mỗi tu hội có một ân ban khác nhau tùy theo đặc sủng đã được ban cho tu hội (cf. đ. 577). Mỗi tu hội có “gia sản” riêng, vốn được tạo nên từ những yếu tố được điều 578 nhấn mạnh, nghĩa là “ý định và các dự phóng của các vị sáng lập liên quan đến bản chất, mục đích, tinh thần và đặc tính của tu hội mà nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo hội đã thừa nhận, cũng như những truyền thống lành mạnh […]”.

Giáo hội mong muốn rằng gia sản này được bảo vệ cách trung thành bởi tất cả mọi người (cf. đ. 578), và Giáo hội chuẩn bị trước các phương sách để gia sản này được gìn giữ cách toàn vẹn bởi mỗi tu hội (cf. đ. 586): sự phong phú của Giáo hội không phải là sự san bằng, nhưng là sự thống nhất từ và trong sự đa dạng các ân ban mà Thần Khí ban tặng.

Dĩ nhiên, việc đào tạo liên quan đến các phương diện đặc thù của mỗi tu hội và tu đoàn chỉ có thể tìm thấy việc thực hiện thích hợp bên trong mỗi tu hội, thông qua một “Chương trình đào tạo” (Ratio formationis) thích hợp và một ban đào tạo tốt để thực hiện những yêu cầu của chương trình ấy. Tôi nói đến những yêu cầu, vì những gì mà điều luật 578 xem như là “gia sản” của tu hội phải có một tầm quan trọng đặc trưng đối với tất cả các phương diện đào tạo linh mục của chính tu hội: từ phương diện giáo lý đến phương diện nhân bản, thiêng liêng, mục vụ và cộng đoàn. Nếu điều này không diễn ra, thì phát sinh thiệt hại cho tu hội: không chỉ cho tu hội và các thành viên của nó, mà còn cho toàn thể Giáo hội.

Chính Bộ giáo luật quy định rằng, trong việc quy định chương trình và thời gian của việc đào tạo, cần tính đến “các nhu cầu của Giáo hội, các hoàn cảnh của con người và của thời cuộc, cũng như mục đích và đặc tính của tu hội đòi hỏi” (đ. 659 §2). Ngoài ra, còn có một sự quy chiếu rõ ràng đến đặc trưng và căn tính.

3) Cuối cùng nên nại đến điều 660 §1, khi quy chiếu đến toàn bộ việc đào tạo các thành viên: “Việc đào tạo phải có hệ thống, thích ứng với khả năng của các thành viên, phải có các phương diện thiêng liêng và tông đồ, lý thuyết và thực hành cùng một lúc, và nếu thuận tiện, phải gồm cả việc thi lấy các bằng cấp thích hợp, đạo cũng như đời.” Trong phần liên quan đến việc đào tạo các giáo sĩ, Bộ giáo luật rất có tính suy lý. Tôi muốn nói rằng ở đây chúng ta có một trình bày tổng hợp rất hiệu quả.[7]

  1. Một ví dụ về “Chương trình đào tạo”

Để làm cho những chỉ dẫn trên đây bớt phần lý thuyết, tôi trở lại một ví dụ và tôi lấy ví dụ về “Chương trình đào tạo các anh em vinh sơn cho Đại chủng viện của Dòng Truyền giáo” (Ratio formationis vincentianae pour le Grand Seminaire de la Congrégation de la Mission) mà vị Bề trên tổng quyền của Tu đoàn Các Linh Mục Truyền Giáo (Tu đoàn đời sống tông đồ) đã ban hành ngày 24.04.1988.[8]

Tiền đề khởi đi như sau: “Bởi vì có nhiều điểm chung giữa việc đào tạo cho chức linh mục thừa tác của Vinh sơn và việc đào tạo linh mục giáo phận hay của bất kỳ Hội dòng nào khác, Chương trình (Ratio) này không phải là việc đào tạo cho thừa tác vụ linh mục cách thấu đáo, nhưng muốn nhấn mạnh đến những gì thuộc riêng Vinh sơn” (số 4). Bằng việc nhắc đến tư tưởng của Thánh Vinh sơn đề Phaolô, trong đó “gia sản của chúng ta là những người nghèo”, Chương trình (Ratio) xác định trước hết mục đích tổng quát của việc đào tạo các anh em vinh sơn: “phải luôn trở nên có đủ tư cách để bước theo Chúa Kitô, Đấng loan Tin mừng cho những người nghèo, để thực hiện sứ mạng của Hội (Compagnia)” (số 6); vì thế nó xác định mục đích chuyên biệt của việc đào tạo các anh em vinh sơn trong đại chủng viện: “[…] chuẩn bị cho các sinh viên thực thi chức linh mục thừa tác trong tư cách những anh em vinh sơn […] Theo tinh thần của Thánh Vinh sơn đề Phaolô và truyền thống của Hội, việc đào tạo được hướng đến việc loan báo Tin mừng cách đặc biệt, đến việc thực thi đức ái và đến việc cổ vũ công lý cho người nghèo” (số 7). Nó nhấn mạnh rằng đoàn sủng vinh sơn phải có ảnh hưởng trên toàn bộ tiến trình đào tạo và vì thế phải đi vào toàn bộ đời sống của đại chủng viện. Chương trình của nó phải được xem xét từ quan điểm nền tảng của Vinh sơn: cho nên tất cả các chiều kích đào tạo (nhân bản, thiêng liêng, trí năng, tông đồ và cộng đoàn) phải được xem xét dưới phương diện này.

Vì thế, chương trình đề nghị nền tảng vinh sơn và năm chiều kích đào tạo cách rõ ràng, khi chỉ ra mục đích và các phương tiện cho mỗi điểm. Khi nói đến trục (asse) của Vinh sơn, nó khẳng định rằng mục đích của nó là “các sinh viên phải luôn thấm nhuần đặc sủng của Thánh Vinh sơn, họ hiểu biết, nội tâm hóa và luôn sống cách mãnh liệt kinh nghiệm của ngài như là trung tâm của hành trình bước theo Chúa Giêsu Kitô, Đấng loan báo Tin mừng cho người nghèo” (số 10). Mục đích này được thực hiện thông qua việc hiểu biết về con người và các tác phẩm của Thánh Vinh sơn, về mục đích riêng của tu hội và lịch sử của nó, về Quy tắc luật chung (Regole Comuni) (do Thánh nhân đặt ra), về Hiến pháp và các Quy chế, về các văn kiện khác của Hội dòng, về các Quy tắc pháp lý của tỉnh dòng. Đó không đơn thuần chỉ là sự hiểu biết mang tính lý thuyết, nhưng là sự hiểu biết của “một tình yêu thực hành” (số 11). Về bình diện thiêng liêng, hành trình bước theo Chúa Kitô, Đấng loan Tin mừng cho người nghèo, bao hàm: một mặt, việc thực hành năm nhân đức, vốn như là “những năng lực tâm hồn của toàn Hội dòng” và Thánh Vinh sơn đã xem chúng là những năng lực tâm hồn thích hợp với các nhà truyền giáo: tính giản dị, tính khiêm nhường, tính hiền lành, tính hãm mình, lòng nhiệt thành (cf. số 13); mặt khác là việc đã sống các lời khấn khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục, vốn đã được đặc trưng bởi lời khấn tận hiến toàn bộ đời sống cho việc loan báo Tin mừng cho người nghèo trong Hội dòng truyền giáo (cf. số 14).

Tiến trình đào tạo, vốn được tiếp tục trong suốt giai đoạn học hành, bao gồm tất cả các chiều kích của con người trong mối liên hệ với điều mà linh mục vinh sơn được mời gọi để trở thành và thực hiện. Đó sẽ là:

  • “biến thành hiện thực tất cả các tìm năng thân xác và thiêng liêng, vốn làm cho con người trở nên nhân bản, và trau dồi những ân ban cá nhân để […] trở thành một người thợ lành nghề cho Truyền giáo” (số 16);
  • mặc lấy tinh thần của Chúa Giêsu Kitô và học lối kinh nghiệm thiêng liêng của Thánh Vinh sơn trong việc chiêm niệm và trong việc phục vụ Chúa Kitô nơi những người nghèo (cf. số 20);
  • có một sự đào tạo giáo lý “sâu, chắc và thích nghi với những nhu cầu của thời đại chúng ta” để có thể yêu mến người nghèo và loan báo cho họ Tin mừng, phục vụ hàng giáo sĩ có thẩm quyền và đóng góp vào việc đào tạo giáo dân (cf. số 30);
  • trao cho các sinh viên khả năng hiểu biết – nhờ kinh nghiệm – hoàn cảnh của những người nghèo để Phúc Âm hóa họ và để được Phúc Âm hóa bởi họ (cf. số 43) thông qua việc tiếp xúc dần dần với những loại người nghèo khác nhau và việc phát triển khả năng tiếp cận họ (cf. số 45). Đôi khi nói đến một sự nghiên cứu về sự nghèo khó, về các nguyên nhân của nó, về các phương tiện để xóa đói giảm nghèo […];
  • làm cho các sinh viên kinh nghiệm về một cộng đoàn huynh đệ thật sự vì truyền giáo và làm phát triển nơi họ những thái độ tham gia, đồng trách nhiệm, tình bạn và bác ái (cf. số 47tt).

Cuối chương trình (Ratio) này nhấn mạnh đến một vài phương diện của cộng đoàn đào tạo. Đó là vai trò của những nhân sự khác nhau, sự cậy nhờ các chuyên gia, việc linh hướng, các yếu tố để lượng giá. Về vấn đề này, chương trình nói rằng “nên lưu ý đặc biệt đến những tiêu chuẩn của Vinh sơn, vốn được đề cập trong suốt tài liệu này. Tiêu chuẩn chính yếu là thái độ đảm nhận cách trung thành, tích cực và vui tươi của sinh viên: việc Phúc Âm hóa những người nghèo và việc đào tạo các giáo sĩ và giáo dân, đời sống cộng đoàn của chúng ta, đời sống thiêng liêng của chúng ta, năm nhân đức đặc thù, bốn lời khấn của anh em vinh sơn” (số 61).

[1] Cf. E. Gambari, Vita religiosa secondo il Concilio e il nuovo Codice di Diritto Canonico [Đời sống tu trì theo Công đồng và Bộ giáo luật mới], Roma 1985; Aa.Vv., Consacrazione. Voti e Formazione permanente [Sự thánh hiến. Các lời khấn và Việc đào tạo thường xuyên], Roma 1989; Aa.Vv., Formazione alla vita religiosa apostolica [Việc đào tạo trong đời sống tu trì tông đồ], Quaderni di vita consacrata, số 5, Milano 1982.

[2] Aa.Vv., Il Codice del Vaticano II: La vita consacrata [Bộ giáo luật của Công đồng Vatican II: Đời sống thánh hiến], Bologna 1983, tr. 177-178.

[3] D.J. Andres, Il Diritto dei Religiosi. Commento al Codice [Luật của các Tu sĩ. Chú giải Bộ giáo luật], Roma 1984, tr. 305-316.

[4] Có thể kể ra, như là ví dụ cho sự hợp tác giữa các tu hội khác nhau trong lãnh vực đào tạo, sự khuyến khích các Hội nghị về công việc Đào tạo của CISM. Những văn bản của các Hội nghị này thường được đăng bởi Editrice Rogate di Roma. Chúng tạo nên một nguồn tư liệu quý báu.

[5] A. Gutierrez, I canoni riguardanti gli Istituti di vita consacrata e le Società di vita apostolica collocati fuori della parte ad essi riservata [Các điều luật liên quan đến các Tu hội đời sống thánh hiến và các Tu đoàn đời sống tông đồ được đặt nằm ngoài phần dành riêng cho chúng], trong “Vita Consacrata” XX (1984), tr. 233.

[6] Ibid.

[7] Để kiểm tra điều luật 660, hãy đọc D.J. Andres, o.c., tr. 310tt.

[8] Bản văn tiếng pháp nằm ở trong “Vincentiana” 2/1988 (số 157), tr. 211-238. Những đoạn văn được trích dẫn trong nghiên cứu này đã được chính tôi chuyển ngữ.

Bài trướcĐạo Thiên Chúa hay Đạo Công Giáo? – Hãy biết phân biệt cho chính xác
Bài tiếp theoTỉnh Dòng Ngôi Lời Việt Nam Tĩnh Tâm Năm 2017

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.