“Loan báo Tin Mừng là hành động yêu thương trước nhất và cao cả nhất”
St. Arnold Janssen
“Chúa Giêsu là dung mạo lòng thương xót của Chúa Cha”. Đây là câu mở đầu trong Tông sắc “Misericordiae Vultus” (Dung mạo Lòng Thương Xót) mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố ngày 11/4/2015, và đây cũng là ý nghĩa chính yếu của năm thánh ngoại thường này. Tôi muốn mượn câu nói ý nghĩa này để nêu lên một vài suy nghĩ của bản thân trong sự “gặp gỡ” giữa Linh đạo Dòng Ngôi Lời và Tông sắc Lòng Chúa Thương Xót trong công cuộc truyền giáo, sống và trao ban tình yêu cũng như lòng thương xót của Thiên Chúa đến với nhân loại.
Ngay từ đầu Tông sắc, Đức Thánh Cha đã nói đến hình ảnh của Chúa Cha được thể hiện qua Thánh Tử chí ái. Mầu nhiệm lòng thương xót nơi Thiên Chúa đã mặc khải trọn vẹn tình yêu, mà tình yêu chính lòng thương xót, của Thiên Chúa Cha bằng lời nói, bằng hành động và bằng cả bản thân Người. Vì thế “Ai thấy Đức Giêsu là thấy Cha” (x. số 1). Từ cuộc đời của Đức Giêsu, qua “gương mặt hữu hình” của Ngài, tất cả mọi người được chiêm ngưỡng dung mạo đầy tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Đức Giêsu đã được Thiên Chúa sai vào thế gian, sống với thế gian để nói về tình yêu của Thiên Chúa Cha. Khi đến với thế gian, Đức Giêsu đã hòa mình vào cuộc đời của mỗi người, sống với con người, yêu thương con người, cứu vớt con người khỏi sự nô lệ của tiền bạc và thoát ly được sự thần tượng thụ tạo,… Gương mặt của Thiên Chúa thì vô hình, nhưng chính Đức Giêsu đã cho tất cả con người thấy được dung mạo hữu hình của Thiên Chúa, một dung mạo thể hiện tình yêu tuyệt đối dành cho nhân loại tội lỗi và đầy yếu đuối.
Xuất phát từ lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, Thánh Arnold Janssen đã ấp ủ một tình yêu vĩ đại, tình yêu xuất từ trái tim bị đâm thâu của Chúa Giêsu. Khi đã cảm nhận được tình yêu ấy, thánh tổ phụ Dòng Ngôi Lời mong muốn được chia sẻ và trao ban tình yêu, lòng thương xót của Thiên Chúa qua Thánh Tâm Chúa Giêsu bằng con đường truyền giáo. Với sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần cùng lòng nhiệt thành, Thánh Arnold Janssen đã thành lập Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời với linh đạo: Chúa Ba Ngôi, Ngôi Lời, Chúa Thánh Thần, Cộng đoàn, Truyền giáo. Qua linh đạo này, cha thánh Arnold Janssen muốn tất cả con cái của mình phải là chứng nhân về tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Cũng như Chúa Giêsu là gương mặt của Chúa Cha, Thánh Arnold cũng muốn các thành viên trong hội dòng trở thành chứng nhân và là hình ảnh của tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa; là ngôn sứ và là tình yêu của Ngôi Lời trong lòng nhân loại; là người sẵn sàng hiệp nhất “trong sự phong phú và khác biệt” của thế gian. Trong Chúa Thánh Thần, các thành viên Dòng Ngôi Lời phải là những con người có “trái tim biết yêu thương và luôn sẵn sàng” trong đời sống cộng đoàn cũng như trên hành trình sứ vụ truyền giáo. Và hơn lúc nào hết, trong năm thánh Lòng Chúa Thương Xót này, các nhà truyền giáo của Dòng Ngôi Lời phải là những “nhà thừa sai của Lòng Thương Xót”.
Khi được Chúa Cha sai xuống thế gian, Chúa Giêsu đã rao truyền tình yêu và dạy các môn đệ của Ngài phải sống và sẵn sàng hy sinh cho tình yêu. Theo tinh thần của cha thánh tổ phụ, người tu sĩ Ngôi Lời ngày nay cũng vui bước trên hành trình truyền giáo. Sứ vụ truyền giáo mà người tu sĩ Ngôi Lời đảm trách chính là việc ra đi, dấn thân để mang Tin Mừng và tình yêu của Thiên Chúa đến với các quốc gia, dân tộc xa lạ. Noi gương Ngôi Lời nhập thể, người tu sĩ Ngôi Lời ngày nay cũng rủ bỏ con người của mình để sống và hòa nhập với môi trường mới bằng tình yêu cùng sự biến đổi. Trên hành trình truyền giáo, người tu sĩ Ngôi Lời thể hiện và tỏ bày khuôn mặt yêu thương của Thiên Chúa dưới nhiều khía cạnh khác nhau trong đó nổi bật lên là việc “đối thoại ngôn sứ”. Như Đức Giêsu bên bờ giếng Jacob năm xưa, người tu sĩ Ngôi Lời hôm nay cũng phải là người luôn biết đối thoại: đối thoại với những người khác niềm tin tôn giáo và ý thức hệ, đối thoại với những người bị bỏ rơi và bị loại trừ, đối thoại với những người khác biệt về văn hóa,… Đối thoại cũng chính là điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc tới một cách rất rõ trong Tông sắc “Misericordiae Vultus” (x.số 19-23). Riêng đối với tu sĩ Ngôi Lời, đối thoại là cách tốt nhất để chúng ta thấy được nỗi đau của nhân loại, cảm nhận được sự thống khổ của thế gian và cũng là cách để ta đẩy lui những tư tưởng bài xích văn hóa cách sai lệch, thành kiến; để “giải tỏa thái độ khép kín và thiếu trân trọng, cũng như loại bỏ những hình thức bạo lực và kỳ thị” trong cuộc sống hôm nay (x.số 23). Và có đối thoại, người tu sĩ Ngôi Lời mới có thể biết trao ban tình yêu và lòng thương xót đến với người khác.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Ngày nay chúng ta rất cần đến lòng thương xót, điều quan trọng là các tín hữu sống lòng thương xót ấy và đem vào các môi trường xã hội khác nhau. Anh chị em hãy lên đường! Chúng ta đang sống trong thời đại của lòng thương xót, đây là thời đại của lòng thương xót”. Và ĐTC Bênêdictô XVI cũng từng nói: “Ta cần phải sống lòng thương xót mỗi ngày, đồng thời cho phép Lòng Chúa Thương Xót biến đổi ta nên những người có lòng thương xót. Để rồi thế giới này đến lượt tự nó sẽ được biến đổi bởi sự khải hoàn của Lòng Thương Xót sống động”. Theo linh đạo của hội dòng và với sứ vụ được lãnh nhận, người tu sĩ Ngôi Lời cũng cần phải ra đi, cần phải lên đường; sống và thực thi cũng như trao ban tình yêu, lòng thương xót để gương mặt của Ngôi Lời hiện diện, được tỏa sáng trên mọi vùng đất, mọi dân tộc mà người tu sĩ Ngôi Lời bước tới./.
Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Thanh, SVD