Lòng Thương Xót của Thiên Chúa trong Tin mừng Nhất Lãm

0
2075

MỞ ĐẦU

Trong thế giới ngày nay, một thế giới mà sự thờ ơ, lãnh đạm, vô cảm được xem như là sự hiển nhiên trong đời sống thường nhật, việc khám phá lại Lòng Thương Xót của Thiên Chúa lại càng trở nên quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết. Bởi vì, việc chiêm ngưỡng Lòng Thương Xót của Thiên Chúa không những giúp cho con người hiểu tình yêu vô biên của Ngài dành cho nhân loại, không những đem lại cho loài người muôn ơn phúc mà còn giúp cho con người biết sống và biết rung động trước nỗi đau của tha nhân, để đến lượt họ cũng được Thiên Chúa thương xót.

Mà khám phá Lòng Thương Xót Chúa ở đâu? Đó chính là hãy lần giở lại những trang Kinh Thánh, vì nơi đó, Thiên Chúa đã tỏ hiện công trình cứu độ cho con người qua dòng lịch sử, nhất là Mầu Nhiệm ấy được tỏ lộ cách rõ ràng qua chính Con Một của Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô.Đồng thời, qua Dung Nhan của Chúa Giêsu, Thiên Chúa Cha đã tỏ Lòng Thương Xót của Mình cho toàn thể nhân loại. Cho nên, “hướng cái nhìn về Thiên Chúa từ bi và tới các anh chị em cần lòng thương xót, có nghĩa là tập trung chú ý trên nội dung nòng cốt của Phúc Âm là Chúa Giêsu, Lòng Thương Xót nhập thể, khiến cho con mắt của chúng ta trông thấy mầu nhiệm vĩ đại của Tình Yêu Ba Ngôi của Thiên Chúa”[1].Lời nói, việc làm, sự khổ nạn, phục sinh, nghĩa là toàn bộ cuộc đời dương thế của Đức Giêsu đã được các Sách Tin Mừng ghi lại cách cụ thể và sinh động. Nhất là qua Tin Mừng Nhất Lãm, chúng ta bắt gặp một hìnhảnh Thiên Chúa đầy yêu thương, đầy từ bi lân tuấn, đầy Lòng Thương Xót: hìnhảnh của Chúa Cha và hìnhảnh của Chúa Giêsu.

Trong bài viết này, chúng tôi không có tham vọngđi sâu vào phân tích Kinh Thánh, nhưng để phục vụ cho đề tàiLòng Thương Xót của Thiên Chúa theo Tin Mừng Nhất Lãm, chúng tôi chỉđiểm lại nhữngđoạn văn Kinh Thánh trong Tin Mừng Nhất Lãm nói về Lòng Thương Xót Chúa. Từ những bản văn Kinh Thánh này sẽ cho chúng ta một cái nhìn cụ thể hơn về Lòng Thương Xót Chúa. Qua đó, phần nào cho người viết, cũngnhưcho những ai muốn tái khám phá Lòng Thương Xót Chúa cóthêm mộtđiểm nhìn về Lòng Thương Xót của Người qua Tin Mừng Nhất Lãm.

NỘI DUNG

I. Lòng thương xót là gì?

Theo từ điển tiếng Việt, “thương xót” nghĩa là “đau lòng vì sự bất hạnh của người khác: Thương xót người xấu số”[2], còn “lòng” có nghĩa là tấm lòng, là sự cảm thương của con người như “lòng dạ”, “lòng tốt”. Như vậy, “lòng thương xót” hay “thương xót” có nghĩa tương đương, nói lên sự thương cảm của con người đến một đối tượng đáng thương nào đó.

Trong tiếng Latinh, từ “Misecordia” được ghép bởi “miserum” và “cor”: trái tim xúc động trước nỗi khổ của người khác. Misecordia được dịch sang tiếng Việt với nhiều nghĩa khác nhau. Có lúc dịch là “thương xót” hay “lòng thương xót”, nhưng cũng có khi được dịch là “tình thương”, “từ ái”, “tín nghĩa”, “xót thương”, “nhân nghĩa”, “lòng trắc ẩn”, “nhân ái”, “nhân lành”[3].

Trong tiếng Hipri, sách Cựu Ước dùng thuật ngữ “hesed” để ngụ ý nói về “lòng tốt” được thiết lập giữa hai cá nhân. Họ không chỉ muốn tốt cho nhau nhưng họ còn tin tưởng bằng sự thầm hứa trong lòng, và trung thành với nhau[4]. Cựu Ước dùng từ “hesed” để nói về Thiên Chúa, Đấng đã thiết lập giáo ước với dân Itraen. Nếu “hesed” là giống đực, mang nghĩa nam tính thì Cựu Ước còn dùng từ “rachamin” thuộc giống cái, nghĩa là “lòng trắc ẩn, cảm thông, dịu dàng, âu yếm, gắn với “rechem” (bụng dạ, lòng ruột), ra như muốn nêu bật tình cảm tự nhiên phát xuất từ liên hệ ruột thịt”[5]. Gán cho Thiên Chúa thuật ngữ “rachamin” ý nói Thiên Chúa dịu hiền như người mẹ, luôn luôn yêu thương và ôm ấp con mình là dân Itraen. Tân Ước cũng đã dùng từ “emet” (sự vững chắc, sự an toàn, lòng thành tín) có vẻ liên kết với ngữ nghĩa với “hesed”. Ở cả hai nơi, đó là trường hợp của “hesed”, nghĩa là lòng thành tín mà Thiên Chúa thể hiện tình yêu của Ngài đối với dân, trung thành với điều Ngài hứa là sẽ làm trọn trong tình mẫu tử của Mẹ Thiên Chúa: “Chúa sẽ trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên và nhớ lại lời xưa giao ước” (x.Lc 1,49-54). Đây là trường hợp Lòng Thương Xót của Thiên Chúa theo nghĩa “hesed”. Còn trong đoạn nói về việc ông Dacaria ca ngợi Lòng Thương Xót của Thiên Chúa thì nó lại diễn tả nghĩa thứ hai, nghĩa là “rachamin”, đồng hoá lòng thương xót với tình thương của người mẹ.[6]

Theo Giáo sư Phan Tấn Thành, lòng thương xót trong tiếng Hy Lạp được thể hiện qua ba từ ngữ: “éleos” dùng để dịch từ “hesed”, chỉ thái độ cảm thông; “splanchna” để dịch từ rehamin trong tiếng Hipri, nghĩa là lòng dạ (nơi thể hiện éleos); và oiktirmos diễn tả sự xúc động trước tha nhân, lòng trắc ẩn.

Như vậy, Lòng Thương Xót (Latinh: misecordia; Hipri: hesed, rachamin, emet; Hy Lạp: éleos, splanchna, oiktirmos) khi dùng để nói về Thiên Chúa chính là sự cảm thông, sự tha thứ, sự yêu thương của Thiên Chúa đối với nhân loại. Thiên Chúa đã tỏ lòng thương xót đối với nhân loại qua việc tha thứ tội lỗi và dùng mọi phương thế để cứu con người khỏi chết do tội gây nên. Lòng thương xót đó không phải là một sự cảm thông, tha thứ đơn thuần theo kiểu con người thương xót nhau nhưng nó vượt lên trên chữ nghĩa, tức là tình yêu. Thiên Chúa đã dùng tình yêu để thương xót. Đó cũng là bản tính của Thiên Chúa, vìThiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,8). Cũng cần nhớ, Lòng Thương Xót Chúa không đồng nghĩa với tình yêu Chúa, nhưng chính vì bản chất Thiên Chúa là tình yêu vĩnh cửu, tình yêu agape, tức tình yêu hiến dâng chứ không phải tình yêu theo kiểu philia hay aros.

II. Tin Mừng Nhất Lãm

  1. Tin Mừng Nhất Lãm là gì?

Trong phần này, tôi không đi sâu vào trình bày cách chi tiết về Tin Mừng Nhất Lãm, vì thiết tưởng điều đó đã được nghiên cứu quá nhiều. Tôi chỉ nói qua về Tin Mừng Nhất Lãm để phục vụ cho vấn đề đang nghiên cứu mà thôi. Vậy, Tin Mừng Nhất Lãm là gì?

Về mặt từ ngữ tiếng Việt, ta khó bắt gặp từ “nhất lãm” trong các từ điển tiếng Việt hiện hay. Đơn cử, theoTừ điển tiếng Việt của Xuân Huy và Đồng Công Hữu[7], không hề có từ “nhất lãm”. Điều này cũng dễ hiểu, bởi ngôn ngữ Việt Nam rất hạn chế khi đụng chạm đến các từ ngữ liên quan đến tôn giáo, nhất là Kitô giáo. Và trên 70% từ ngữ được mượn từ tiếng Hán, nên khi dịch thuật các từ ngữ thuộc tôn giáo cũng gây ít nhiều cản trở. Theo đó, trong tiếng Việt, “nhất” có nghĩa là “một”, “lãm” là “nhìn xem, chiêm ngắm”. Vậy, “nhất lãm” có thể dịch là “nhìn xem, chiêm ngắm cùng một lượt”.

Trong bốn sách Tin Mừng trình thuật về cuộc đời Đức Giêsu, Con Thiên Chúa -Đấng thực hiện công trình cứu chuộc (Matthêu, Maccô, Luca và Gioan) thì có ba tác giả là Matthêu, Maccô và Luca có những điểm giống nhau, khiến độc giả có thể “cùng một cái nhìn”[8] là có thể bao quát hết toàn bộ các sách Tin Mừng này khi sắp xếp chúng thành từng cột song song. Chính vì lí do đó mà cả ba cuốn Phúc Âm này được gọi là  “Tin Mừng Nhất Lãm”. Hay nói cách khác, Tin Mừng Matthêu, Maccô và Luca được gọi là “Tin MừngNhất Lãm” vì chúng ta dễ so sánh các sách Tin Mừng này với nhau và để nhìn chúng một lượt (syn-opsis: syn, “cùng, với”; opsis, “cái nhìn”)[9]. Sự giống nhau là: có một dàn bài chung (chuẩn bị sứ vụ, sứ vụ tại Galilê, lên Giêrusalem, Tử Nạn và Phục Sinh); giống nhau về cách sử dụng chất liệu (80% các câu của Maccô được nhắc lại trong Matthêu và 65% các câu của Maccô được ghi lại trong Luca)[10]; có những đoạn được sử dụng giống nhau.

Tuy nhiên, dù giống nhau nhưng mỗi Tin Mừng cũng có những nét riêng của mình. Đó là: mỗi tác giả đều có những lối hành văn riêng; mỗi tác giả có cách sắp xếp câu chuyện về cuộc đời Đức Giêsu để làm nổi bật một ý tưởng nào đó, một giáo huấn nào đó… Tất cả những hiện tượng vừa giống, vừa khác giữa ba Tin Mừng Nhất Lãm được gọi là “sự kiện Nhất Lãm”.

  1. Tin Mừng Nhất Lãm – Tin Mừng của Lòng Thương Xót Chúa

Khi nói đến Lòng Thương Xót Chúa là phải nói đến toàn bộ lịch sử cứu độ chứ không chỉ riêng trong Tin Mừng Nhất Lãm. Bởi vì Lòng Thương Xót ấy bao trùm toàn thể vũ trụ và toàn thể lịch sử cứu độ, được thể hiện trong cả Cựu Ước và Tân Ước. Tuy nhiên, như ta biết, lịch sử cứu độ là lịch sử tiệm tiến, cho nên, dù Lòng Thương Xót Chúa đã được mạc khải trong Cựu Ước, nhưng chỉ nơi Tân Ước, tức qua Đức Giêsu, sự mạc khải đó mới trở nên trọn vẹn. Chúng ta sẽ tìm thấy một hình ảnh Thiên Chúa Thương Xót cách cụ thể hơn trong Tân Ước, nhất là qua các Tin Mừng, và cụ thể nơi Tin Mừng Nhất Lãm.

Cũng thế, khi nói đến Lòng Thương Xót Chúa, người ta thường chỉ nghĩ đến Tin Mừng Luca, ở đó có những dụ ngôn nói về Lòng Thương Xót Chúa như dụ ngôn con chiên lạc, dụ ngôn người cha nhân hậu, dụ ngôn người Samarianô nhân hậu – là những dụ ngôn chỉ duy nhất có ở Tin Mừng Luca. Thế nhưng, Lòng Thương Xót Chúa thể hiện qua nhiều góc độ khác nhau chứ không riêng gì ở một vài dụ ngôn nói lên đặc tính ấy. Mặt khác, Luca cũng thuộc Tin Mừng Nhất Lãm, cho nên, những gì Luca nói cũng đã được Matthêu và Maccô thể hiện, chỉ khác là theo lối hành văn và mục đích riêng của mỗi tác giả mà thôi.Nói theo ngôn ngữ của Tông huấn Verbo Dovini thì cùng Đức Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa, nhưng Lời “duy nhất ấy được diễn tả bằng nhiều cách khác nhau, như một bản nhạc nhiều cung bậc”[11]. Cho nên, nói Tin Mừng Nhất Lãm – Tin Mừng của Lòng Thương Xót cũng không có gì sai, vì thực chất, Tin Mừng Nhất Lãm đã kể lại cuộc đời của Đức Giêsu và những hoạt động, giảng dạy, cái chết và phục sinh của Ngài. Mà Đức Giêsu chính là Con Một Chúa Cha, thể hiện “Dung Mạo của Chúa Cha”[12], là hiện thân của Lòng Thương Xót Chúa.

Như vậy, Tin Mừng Nhất Lãm đã thể hiện Lòng Thương Xót Chúa cách cụ thể và sống động, thể hiện qua con người Đức Giêsu, và qua Ngài, đã thể hiện Lòng Thương Xót của Chúa Cha đối với nhân loại. Những nét vừa chung, vừa riêng của Tin Mừng Nhất Lãm đã diễn tả khuôn mặt Lòng Thương Xót Chúa cách hoàn hảo và cụ thể, rõ ràng nhất. Nếu Tin Mừng Matthêu diễn tả Lòng Thương Xót Chúa qua lời giảng của Đức Giêsu về Lòng Thương Xót của Chúa Cha thì Tin Mừng Luca được gọi là Tin Mừng Lòng Thương xót với những dụ ngôn chỉ riêng ngài đề cập tới nói đến điều ấy; trong khi Tin Mừng Maccô diễn tả lời nói và hành động của Đức Giêsu về Lòng Thương Xót cách riêng biệt hơn… Do vậy, khẳng định Tin Mừng Nhất Lãm – Tin Mừng của Lòng Thương Xót Chúa cũng là một khẳng định có phần đúng đắn, và thiết nghĩ, cũng là cần thiết để khỏi có ai đó nghĩ rằng Lòng Thương Xót Chúa chỉ có nơi Tin Mừng Luca, nhưng được thể hiện trong toàn bộ lịch sử cứu độ, cụ thể qua Tân Ước, qua sự mạc khải của Đức Giêsu.

III. Lòng Thương Xót thể hiện trong Tin Mừng Nhất Lãm

  1. Dung Mạo Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Cha

         a. Chúa Cha là Đấng yêu thương

Thánh Gioanđã cho chúng ta một cái nhìn cụ thể về Thiên Chúa.Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,8). Vì là môn đệ được Đức Giêsu thương mến cho nên tông đồ Gioan đã cảm nhận tình yêu Chúa cách đặc biệt hơn so với Tin Mừng Nhất Lãm. Nhưng, như thế không có nghĩa là chúng ta không tìm được hình ảnh Thiên Chúa yêu thương trong Tin Mừng Nhất Lãm.

Tình yêu thương của Thiên Chúa được thể hiện trong việc hướng đến Thánh Tửcủa Ngài đượcdiễn tả trong Matthêu: Đây là con yêu dấu của Ta (Mt 3,17), trong Maccô: Con là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Con (Mc 1,11), hay trong Luca: Con là Con của Cha, ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con (Lc 3, 22).“Chính tình yêu đã liên kết Cha và Con thành một”[13]. Chúa Cha được tràn đầy nhờ Chúa Con, và Chúa Con lại lãnh nhận mọi ơn lành từ Chúa Cha. Và cũng chính tình yêu Cha-Con mà nhân loại được thông phần vào tình yêu đó, nhờ việc chúng ta được liên kết với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu là Con Chúa Cha, mà chúng ta là chi thể của Người, thì chúng ta cũng được làm con của Chúa Cha, và có thể thân thưa với Ngài: Abba, Cha ơi (x.Rm 8,15). Đây là một hồng ân lớn lao cho nhân loại, là Lòng Thương Xót trên mọi Lòng Thương Xót, là tình yêu trên mọi tình yêu. Không có một tôn giáo nào mà tín đồ có thể thưa với chúa tể mình bằng danh từ thân thương “cha”, chỉ có Kitô giáo, đạo Kitô, do Chúa Kitô thiết lập, chúng ta mới có được ân huệ đó. Hơn nữa, chúng ta là kẻ tội lỗi, là kẻ phải chết do tội gây nên, thế mà giờ đây, chúng ta có thể gọi Chúa là Cha – một người Cha giàu lòng nhân ái, một tình yêu agape.

Tình yêu thương của Chúa Cha đối với nhân loại còn được thể hiện qua đôi tay ôm ấp lấy đứa con hoang đàng trở về: Ông chạy lại ôm cậu, rồi hôn lấy hôn để (Lc 15,20). Đây là tình yêu thương thể hiện cả chất nam tính và nữ tính (hesed và rechamin), tức là tình yêu như một người cha cương quyết nhưng nhân hậu, sẵnsàng để con ra đi và cũng sẵn sàng đón nó trở về; như một người mẹ “xác nhận con trai và tạo cho nó nhận ra rằng sự trở về của nó thật tốt đẹp. Nó trở về như tìm lại được cái gì đó quý giá đã mất đi. Đó là lý do ăn mừng (Lc 15,23-24)”[14]. Chỉ có tình yêu của người mẹ mới có thể có sự yêu thương đến “yếu mềm” như thế, lòng yêu thương nhạy cảm nhưng quyết liệt. Đó cũng chính là hình ảnh tình yêu của Thiên Chúa. Ngài yêu chúng ta như một người mẹ, một tình yêu ấm áp tình mẫu tử. Ngài cũng yêu chúng ta như một người cha, yêu thương như người đàn ông, tôn trọng tự do người con và rộng lượng tha thứ khi nó biết quay về…

Như vậy, ta có thể nói, Thiên Chúa Cha đã yêu thương nhân loại cách vô bờ bến, một tình yêu hiến dâng, hiến dâng ngay cả chính Con Một của Mình. Ta có thể nói rằng, tình yêu thương của Chúa Cha rất “dồi dào, đa dạng, rất nhạycảm, êm ái và nồng nhiệt, không chiếm hữu nhưng thực tế và đầy kích thích.”[15]Chính tình yêu ấy là sự thể hiện Lòng Thương Xót vô hạn của Người cho nhân loại.

             b. Chúa Cha là Đấng giàu lòng trắc ẩn

Từng có một mối lo âu rằng phải chăng Thiên Chúa Cha là Đấng vô cảm, chẳng bao giờ động lòng trắc ẩn trước khổ đau? Sở dĩ có câu hỏi này vì nhiều người khi đọc Tin Mừng, chẳng thấy Chúa Cha “mảy may đau khổ” trước sự khổ nạn của Người Con, người mà Chúa Cha đã tôn vinh trong ngày đầu rao giảng của Con Mình: Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người (x. Mc 1,11; Mt 3,17; Lc 3,22). Chỉ xét tình cảm con người bình thường, ai chẳng đau khổ, buồn sầu khi người thân yêu mình chịu khổ đau, nói chi đến chịu chết. Vậy mà Chúa Cha dường như nín lặng trước sự bi thương của chính Con Một Mình: Lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con (x. Mc 15,43; Mt 27,46).

Nhưng đó chỉ là suy xét nhất thời. Nếu đọc toàn bộ Tin Mừng chúng ta sẽ thấy rằng Chúa Cha có lòng trắc ẩn hơn cả những gì con người có thể nghĩ tới. Chúa Giêsu và Chúa Cha có một mối dây liên kết sâu sắc, khác xa với mối dây liên kết theo kiểu con người đơn thuần. Do đó, Thiên Chúa đã không đau khổ trước cảnh thập giá cùng một cách thế như mẹ của Chúa Giêsu hiện diện nơi đồi Calvariô[16], nhưng vì sự liên kết sâu xa của tình Cha – Con như thế, sao Chúa Cha lại không động lòng trắc ẩn trước sự khổ đau của Người Con được! Cho nên, vinh quang hay khổ nhục của Chúa Giêsu cũng động chạm đến chính Chúa Cha: Ai nghe anhem là nghe Thầy; và ai khước từ anhem là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy (Lc 10,16). Thế nên, có thể khẳng định, trước sự đau khổ của Chúa Giêsu, Chúa Cha động lòng trắc ẩn cách sâu xa hơn bất cứ thụ tạo nào, vì Ngài là Đấng đã sinh ra Người Con trong sự hạ mình vì nhân loại, vì sự cứu độ nhân loại (x.Mc 12,6; Lc 19,41.44).

Và vì thế, Thiên Chúa Cha đã bao lần động lòng trắc ẩn trước sự khổ đau, trước sự cứng đầu của con người. Nếu Chúa Giêsu là Dung Mạo của Chúa Cha, thì sự than khóc của Giêsu trước tình cảnh nhân loại cũng chính là sự than khóc của Chúa Cha vậy: Giêrusalem. Giêrusalem! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi! Đã bao lần Ta muốn tập hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu (Mt 23,37). Ai là người muốn tập hợp dân Itraen như lời các ngôn sứ loan báo, ai là người muốn qui tụ toàn thể nhân loại trong ơn cứu độ nếu không phải là Thiên Chúa?

Con người chỉ là hữu thể hữu hạn, do vậy, sự đau khổ hay động lòng trắc ẩn trước tha nhân cũng mau qua, chóng tàn. Còn Thiên Chúa, Ngài là hữu thể tuyệt đối, tồn tại vĩnh cửu thế nênlòng trắc ẩn của Ngài cũng trường tồn. Do đó, Thiên Chúa động lòng trắc ẩn trước sự khổ nạn của Chúa Con, và Ngài cũng đang động lòng trắc ẩn trước sự khổ đau của nhân loại. Cho nên, “lòng trắc ẩn nhiệm mầu không làm vơi đi hạnh phúc thần linh, biểu hiện bằng sự gần gũi đặc biệt của Thiên Chúa đối với Chúa Giêsu trong cuộc thương khó của Người và đối với tất cả mọi người đau khổ”.[17]

              c. Chúa Cha là Đấng nhân từ

Nếu Cựu Ước nói đến lòng nhân từ của Thiên Chúa bằng nhiều cách diễn đạt khác nhau thì Tân Ước lại nói đến lòng nhân từ của Ngài qua Dung Mạo Đức Giêsu[18]. Nói như Đức Gioan Phaolô II: “Chúa Kitô mang đến cho truyền thống của Cựu Ước về lòng nhân từ của Thiên Chúa ý nghĩa trọn vẹn. Không những Ngài nói về lòng ấy và giải thích bằng nhiều hình ảnh và dụ ngôn, mà nhất là Ngài còn nhập thể và ngôi vị hoá lòng nhân từ ấy nữa. Việc nhập thể của Ngôi Lời không phải chỉ là công việc của tình yêu Thiên Chúa (x.Ga 3,16) nhưng cũng là mạc khải tột đỉnh về lòng nhân từ của Thiên Chúa đã trở thành một ngôi vị”[19].

Lòng nhân từ của Thiên Chúa được tỏ lộ trong sự quảng đại tha thứ. Những dụ ngôn nói lên lòng nhân từ của Thiên Chúa là những hình ảnh sống động: con đi chiên lạc và được tìm thấy, đồng tiền bị mất và nhặt lại được, người con hoang đàng và được đón nhận lại trong vòng tay rộng mở của người cha nhân hậu (x.Lc 15). Chúa Giêsu đi tìm những người tội lỗi, bởi vì Thiên Chúa, mà Chúa Giêsu là đại diện, không muốn đứa con bị hư mất nhưng muốn nó quay về để được sống. Thiên Chúa nhạy cảm đối với những nhu cầu của con người. Ngài là một người Cha đầy tình thương và sự cảm thông tha thứ, và luôn ban ơn khi ta kêu xin Ngài. Đó là những cung bậc cảm xúc của lòng nhân từ Chúa, vì Ngài muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế (Mt 9,13).

Chúa Giêsu, Dung Mạo lòng nhân từ của Chúa Cha, đã nêu ra những điều Ngài đã làm vì lòng nhân từ đối với nhân loại: Người mù xem thấy, người què bước đi, người phong được lành, người điếc được nghe, kẻ chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng (Lc 7,22). Và trên hết, chính Mầu Nhiệm Vượt Qua về cái chết và sự phục sinh của Ngài là tột đỉnh mạc khải về lòng nhân từ của Thiên Chúa. “Đó là hiến lễ Chúa Con dâng lên Chúa Cha trong tình yêu của Chúa Thánh Thần”[20]. Vì tình yêu mà Chúa Cha đã sai Con Một Duy Nhất của Mình xuống thế, và cũng vì tình yêu mà Chúa Con đã tự nguyện hiến tế để đền tội thay cho nhân loại. Theo thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: “Chúa Kitô của ngày lễ Vượt Qua là sự nhập thể dứt khoát của lòng nhân từ, là dấu chỉ sống động của lòng nhân từ, dấu chỉ ơn cứu độ vừa có tính lịch sử vừa có tính cánh chung”.[21]

Nói tóm lại, lòng nhân từ là một đặc tính của Chúa Cha. Ngài yêu thương con người như người cha giang vòng tay đón nhận người con quay về, như người mẹ giang cánh tay bao bọc, chở che; luôn luôn yêu thương, luôn luôn tha thứ. Nơi lòng nhân từ, Mầu Nhiệm tình yêu của Chúa Cha đạt tới mức hoàn hảo. Chính lòng nhân từ ấy mời gọi nhân loại bước vào một cuộc sống mới, cuộc sống của người làm con Thiên Chúa, để cảm nhận Lòng Thương Xót vô bờ bến của Ngài.

  1. Dung Mạo Lòng Thương Xót của Đức Giêsu

Lòng Thương Xót của Chúa Giêsu được thể hiện cách rõ ràng, cụ thể và sinh động trong Tin Mừng Nhất Lãm qua lời nói và việc làm của Ngài – lời nói và việc làm đượm lòng xót thương.

Matthêu đã nêu bật con người và sứ vụ của Giêsu như là Đấng tỏ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Có nghĩa rằng, qua Đức Giêsu và chính nhờ Đức Giêsu, Lòng Thương Xót của Thiên Chúa được tỏ hiện cho nhân loại cách tỏ tường. Khi cácmôn đệ của Gioan Tẩy Giả đến hỏi Đức Giêsu là ai, Ngài đã trả lời: Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy, tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què đi được, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì Tôi (Mt 11,4-6).Ta biết rằng, trong văn hoá Do Thái, bệnh tật, nhất là bệnh phong, đồng nghĩa với tội lỗi. Những người bệnh tật là những người mang trong mình tội lỗi. Do đó, việc Đức Giêsu chữa lành bệnh tật nó không chỉ mang ý nghĩa chữa lành thể xác nhưng còn bao gồm cả việc chữa trị bệnh tâm hồn, tức xoá bỏ tội lỗi. Cho nên, qua việc chữa lành của Đức Giêsu, Ngài muốn biểu lộ Lòng Thương Xót cho nhân loại, nhất là những người nghèo khổ, những người bị bỏ rơi, những người cần đến tình thương hơn hết.

Theo ý nghĩa trên, Maccô nói đến sự khởiđầu của Đức Giêsu như là sự khởi đầu “của Trời mới, Đất mới”, khởi đầu thời gian cứu rỗi, khởi đầu của Tin Mừng: Thời kỳ đã mãn, và Nước Thiên Chúa đã đến gần (Mc 1,14). Muôn dân đang sống trong lầm than, trong sự trông chờ Đấng Cứu Thế, thì này đây, việc Đức Giêsu giáng trần đã khai mở một thời kỳ mới, thời kỳ của ân sủng và bình an, thời kỳ của việc chữa lành bệnh tật, xua đuổi ma quỷ, ban ơn cứu độ cho con người. Thánh sử Luca làm rõ hơn Lòng Thương Xót của Chúa Giêsu (x.Lc 4,16-22) khi nêu bật hình ảnh của Ngài như là Đấng thực thi Lòng Thương Xót, là Đấng truyền thông Lòng Thương Xót của Thiên Chúa cho nhân loại, nhất là những người đau yếu, bệnh tật, những kẻ tội lỗi.

Như vậy, Tin Mừng Nhất Lãm đã cho ta thấy một hình ảnh sinh động về Lòng Thương Xót của Đức Giêsu, nhất là lòng thương xót những cảnh đời bất hạnh: Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ (Mt 5,3), hay Phúc thay cho anhem là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anhem (Lc 6,20). Thật vậy, khi lướt qua toàn bộ Tin Mừng Nhất Lãm, chúng ta dễ dàng nhận ra tấm lòng này của Đức Giêsu, một tấm lòng từ bi, nhân hậu, dễ động lòng trắc ẩn. “Người động lòng trắc ẩn khi thấy đám đông như đàn chiên lạc không kẻ chăn dắt (Mc 6,34). Người động lòng trắc ẩn khi thấy đám đông đi theo người đã ba ngày mà không có gì ăn (Mt 7,13). Người động lòng trắc ẩn khi thấy đám tang của người con một của bà góa thành Naiim (Lc 7,13). Người động lòng trắc ẩn khi thấy những người bệnh tật kêu cứu và xin chữa lành: người phong (Mc 1,40), người mù ở Giêrikhô (Mt 20,34)”[22].

Cố Giáo hoàng Phaolô VI đã nói: “Con người ngày nay cần chứng nhân hơn thầy dạy”. Song, khi nhìn vào cuộc đời Đức Giêsu, qua lời nói và việc làm của Ngài, chúng ta thấy Ngài còn trổi vượt hơn tất cả, nghĩa là, Ngài vừa là thầy dạy, vừa là chứng nhân – chứng nhân của tình thương. Lời nói của Ngài luôn đi đôi với hành động, nhất quán trong mọi sự. Đức Giêsu cho thấy rằng, Ngài là mẫu gương sống tinh thần Lòng Thương Xót của Thiên Chúa cách trọn vẹn. Ngài đã cảm nhận sự đau khổ cả thể xác và tinh thần của người bị phong cùi; Ngài đã tự mình chữa lành cho người phụ nữ còng lưng; Ngài đã tha thứ cho người đàn bà tội lỗi; Ngài cảm thương và cứu vớt những người tội lỗi: Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi đến không để kêu gọi người công chính, nhưng để hêu gọi người tội lỗi (x.Mc 2,17; x.Mt 9,13); Ngài tha thứ cho người trộm lành có lòng ăn năn (x.Lc 23,43)…

Qua các dụ ngôn nói về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, của Chúa Giêsu (x.Lc 15), chúng ta bắt gặp một hình ảnh Giêsu đầy lòng nhân hậu. Ngài đã yêu thương người tội lỗi đến tột cùng. Sự yêu thương đó không những thể hiện ở sự tha thứ tội lỗi, tỏ lòng thương xót, nhưng còn thể hiện ở việc đi tìm kiếm. Ngài như người cha đi tìm người con trở về. Có vị Chúa nào lại bỏ công, bỏ sức đi tìm một tín đồ phản giáo không! Chỉ có Đức Giêsu, chỉ có Lòng Thương Xót vô bờ bến mới có thể làm điều đó. “Từ những dụ ngôn này, ta có thể kết luận rằng, “bản tính của Thiên Chúa là Đấng thương xót”. Vì thế, các môn đệ được mời gọi: “hãy thương xót như Cha thương xót” (Estote misericordes, sicut et Pater vester misericors est: Lc 6,36)”[23].

Và hơn thế nữa, Dung Mạo Lòng Thương Xót của Chúa Giêsu còn được tỏ lộ qua việc Chúa Giêsu tỏ cho chúng ta biết Chúa Cha, và cho chúng ta được gọi Thiên Chúa là Cha, nhờ sự kết hiệp với Ngài: Lạy Cha chúng con Đấng ngự trên trời (x.Mt 6,9; Lc 11,2), hay gọi Cha bằng từ thân thương: Abba! Cha ơi (x.Mc 14,36). Như vậy, Đức Giêsu đã mở cánh cửa Thương Xót của Trời Cao cho nhân loại. Nhờ Đức Giêsu, chúng ta được nhận làm con của Chúa Cha, được Chúa Cha yêu thương như chính Ngài yêu thương Con Một Mình. “Chúng ta được phép cảm nhận bàn tay nhân từ của Cha luôn ấp ủ, che chở và đỡ nâng chúng ta. Chúng ta được phép kêu lên người Cha giàu lòng thương xót, mỗi khi chúng ta rơi vào trong hố sâu khổ đau, dẫu cho chúng ta là những tội nhân”[24]. Đây chính là tình yêu, là Lòng Thương Xót khôn nguôi mà Đức Giêsu đã mạc khải và ban tặng cho nhân loại – một tình yêu vượt quá ước mong của con người.

KẾT LUẬN

Như vậy, Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đã trải dài trong dòng lịch sử cứu độ, cách tiệm tiến, từ Cựu Ước sang Tân Ước, biểu lộ cách cụ thể và sinh động nơi Dung Mạo của Chúa Giêsu. Qua Chúa Giêsu, qua lời nói, việc làm, sự khổ nạn và Phục Sinh, Ngàiđã biểu lộlòng thương xót cho nhân loại. Và qua đó, Ngài cũng biểu lộ Lòng Thương Xót của Chúa Cha. Nói như Tông sắcMisecordiae Vultus, “Dung Mạo Lòng Thương Xót của Chúa Cha chính là Đức Giêsu Kitô”[25].

Chính Đức Giêsu, bằng tình thương yêu nhân loại cách vô bờ bến, Ngài đã thể hiện long thương xótấy bằng những hành động cụ thể. Ngài không chỉ là thầy dạy về Lòng Thương Xót nhưng còn là chứng nhân của Lòng Thương Xót, của Ngài và của Chúa Cha. Các Tin Mừng Nhất Lãm đã làm nổi bật Lòng Thương Xót của Chúa Giêsu, và qua đó cũng như chính Chúa Giêsu đã mạc khải và minh chứng, cũng làm nổi rõ Lòng Thương Xót của Chúa Cha – Đấng yêu thương con người, Đấng đầy lòng trắcẩn và là Đấng đầy lòng nhân từ.

Trong tình yêu và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, tất cả nhân loại đều tìm thấy sự chữa lành, sự bình an và sự an ủi cách sâu xa, điều mà chỉ Thiên Chúa mới có thể khoả lấp hết được. Nói như Đức Phanxicô, “lòng thương xót của Ngài không giữ khoảng cách: lòng thương xót tìm kiếm gặp gỡ hết mọi hình thức của sự nghèo nàn và giải thoát thế giới này khỏi quá nhiều kiểu nô lệ. Lòng thương xót khao khát chạm đến các vết thương của tất cả mọi người, chữa lành chúng”[26].

Vì đã được cảm nghiệm vàđược nếm trải Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, đến lượt chúng ta cũng phải biết đem Lòng Thương Xót của Ngàiđến cho tha nhân, và cũng phải có lòng thương xót với nhau như Chúa đã thương xót chúng ta. Chúng ta phải thương xótanhem mình như hìnhảnh người Samarianô nhân hậu, luôn quan tâm đến anh chị em mình bằng tâm hồn quảng đại, nhẫn nại vàđầy yêu thương.Được như vậy, thế giới sẽ được biến đổi mỗi ngày, biến đổi trong tình yêu và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Và để được như vậy, “chúng ta hãy xin ân sủng để không bao giờ mỏi mệt kín múc từ giếng Lòng Thương Xót của Chúa Cha và mang lòng thương xót ấy cho thế giới”[27].

Tu sĩ Giuse Nguyễn Công Lai,SVD

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 Các văn kiện Giáo Hội

Bênêđictô XVI, Verbum Domini – Ngôi Lời Thiên Chúa: Tông huấn.

Gioan Phaolô II, Dives in Misecordia – Thiên Chúa giàu Lòng Thương Xót: Tông thư.

Phanxicô, Evangelii Gaudium – Niềm vui của Tin Mừng: Tông huấn

Phanxicô, Misecordiae Vultus- Dung Mạo Lòng Thương Xót: Tông sắc.

Tài liệu tham khảo tổng quát

Trần Ngọc Thao & 24 tác giả, Kinh Thánh Cựu ước và Tân Ước – Lời Chúa cho mọi người, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2008.

Xuân Huy, Đồng Công Hữu, Từ điển Tiếng Việt, Nxb Trẻ, Hà Nội, 2007.

Thư mục sách

Bênêđictô XVI, Thiên Chúa ở gần chúng ta, Nxb Phương Đông, TP.HCM, 2008.

  1. Dumortier & các tác giả, Đi tìm Lời Chúa trong Kinh Thánh (dịch giả: Bảo Tịnh), Nxb Les Éditions Ouvrières, Paris, 1995.

F.X. Durwell, Mầu Nhiệm Thiên Chúa Cha, Nxb Les Édions du Cerf, Paris, 1999.

Henri W. Nouwen, Lòng thương xót, Nxb Phương Đông, TP.HCM, 2009.

Hoàng Đắc Ánh, Tin Mừng theo thánh Luca, Học viện Đa Minh, TP.HCM, 2003.

Hoàng Đắc Ánh, Tin Mừng theo thánh Matthêu, Học viện Đa Minh, TP.HCM, 2001.

Hội đồng Chủ tịch Đại hội Năm Thánh 2000, Thiên Chúa Cha nhân từ, Nxb Mame, Paris, 1998.

Gioan – Phaolô II, Thiên Chúa là Cha chúng ta, Knơi, 1999.

  1. Delorme, Đọc Tin Mừng theo thánh Maccô, Knơi, 2003.

Nguyễn Thế Thuấn, Tin Mừng Nhất Lãm, Dòng Chúa Cứu Thế, TP.HCM, Knăm.

Peter Hannan, S.J, 9 khuôn mặt Thiên Chúa (dịch giả: Ngongo – X.Nuong – V.Nhan), Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2012.

Phan Tấn Thành, Mầu Nhiệm Thiên Chúa, Học viện Đa Minh, TP.HCM, 2012.

Phanxicô, Giáo Hội giàu lòng thương xót, Nxb Tôn Giáo, TP.HCM, 2015.

Vũ Phan Long, Tìm hiểu Tin Mừng Nhất Lãm, Lời Chúa, Knơi, 2003.

Trang mạng:

ĐGH Phanxicô, “Bài giảng lễ Lòng Thương Xót năm 2016”, http://muoianhsang.com/cac-duc-giao-hoang/bai-giang/dgh-phanxico-bai-giang-le-long-thuong-xot-2016.html/Cập nhật ngày 20/3/2016.

  1. Lam Thy, “Biểu Nhất Lãm Tin Mừng Cứu Độ”, http://www.thanhlinh.net/node/31571/ Cập nhật ngày 20/3/2016.

Phanxicô,“Năm Thánh là thời gian học sống tha thứ và thương xót là điều đẹp lòng Thiên Chúa nhất” (Linh Tiến Khảichuyển ngữ), http://vi.radiovaticana.va/news/2015/Cập nhật ngày 20/3/2016.

Lm. Anmai, C.Ss.R, “Bài học về lòng thương xót”,  http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=2&ia=10998/ Cập nhật ngày 20/3/2016.

Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP., “Năm Lòng Chuá Thương  Xót”, http://catechesis.net/index.php/tai-lieu/nam-thanh-long-chua-thuong-xot/Cập nhật ngày 20/3/2016.

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế, SJ., “Lòng Thương Xót Chúa”, http://dongten.net/noidung/54431/Cập nhật ngày 20/3/2016.

Trầm Thiên Thu, “Lòng Thương Xót trong Kinh Thánh”, http://mehangcuugiup.net/index.php/toa-bao/thien-chua-va-giao-h-i/287-long-chua-thuong-xot-trong-kinh-thanh/Cập nhật ngày 20/3/2016.

Vicent Mai Kim, “Tin Mừng theo thánh Luca, Tin Mừng lòng thương xót”, http://gpbuichu.org/news/Thanh-Kinh/TM-Luca-Tin-Mung-long-thuong-xot-2425.html/Cập nhật ngày 20/3/2016.

[1]Phanxicô,“Năm Thánh là thời gian học sống tha thứ và thương xót là điều đẹp lòng Thiên Chúa nhất” (Linh Tiến Khảichuyển ngữ), http://vi.radiovaticana.va/news/2015/Cập nhật ngày 20/3/2016.

[2] Xuân Huy, Đồng Công Hữu, Từ điển Tiếng Việt, Nxb Trẻ, Hà Nội, 2007, tr.593.

[3]Xin xemLm. Giuse Phan Tấn Thành, OP., “Năm Lòng Chuá Thương  Xót”, http://catechesis.net/index.php/tai-lieu/nam-thanh-long-chua-thuong-xot/Cập nhật ngày 20/3/2016.

[4]Trầm Thiên Thu, “Lòng Thương Xót trong Kinh Thánh”, http://mehangcuugiup.net/index.php/toa-bao/thien-chua-va-giao-h-i/287-long-chua-thuong-xot-trong-kinh-thanh/Cập nhật ngày 20/3/2016.

[5]Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP., “Năm Lòng Chuá Thương  Xót”, http://catechesis.net/index.php/tai-lieu/nam-thanh-long-chua-thuong-xot/Cập nhật ngày 20/3/2016.

[6]Xin xem Trầm Thiên Thu, “Lòng Thương Xót trong Kinh Thánh”, http://mehangcuugiup.net/index.php/toa-bao/thien-chua-va-giao-h-i/287-long-chua-thuong-xot-trong-kinh-thanh/Cập nhật ngày 20/3/2016.

[7] Xuân Huy, Đồng Công Hữu, Từ điển Tiếng Việt, Nxb Trẻ, Hà Nội, 2007.

[8]JM. Lam Thy, “Biểu Nhất Lãm Tin Mừng Cứu Độ”, http://www.thanhlinh.net/node/31571/ Cập nhật ngày 20/3/2016.

[9] Vũ Phan Long, Tìm hiểu Tin Mừng Nhất Lãm, Lời Chúa, Knơi, 2003, tr.14.

[10] Vũ Phan Long, Tìm hiểu Tin Mừng Nhất Lãm, Lời Chúa, Knơi, 2003, tr.15.

[11] Bênêđictô XVI, Verbum Domini – Ngôi Lời Thiên Chúa: Tông huấn, số 7.

[12] Phanxicô, Misecordiae Vultus- Dung Mạo Lòng Thương Xót: Tông sắc, số 1.

[13] F.X. Durwell, Mầu Nhiệm Thiên Chúa Cha, Nxb Les Édions du Cerf, Paris, 1999, tr.257.

[14] Peter Hannan, S.J, 9 khuôn mặt Thiên Chúa (dịch giả: Ngongo – X.Nuong – V.Nhan), Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, tr.111.

[15] Peter Hannan, S.J, 9 khuôn mặt Thiên Chúa (dịch giả: Ngongo – X.Nuong – V.Nhan), Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, tr.103.

[16] F.X. Durwell, Mầu Nhiệm Thiên Chúa Cha, Nxb Les Édions du Cerf, Paris, 1999, tr.245.

[17] F.X. Durwell, Mầu Nhiệm Thiên Chúa Cha, Nxb Les Édions du Cerf, Paris, 1999, tr.250.

[18]Xin xem Phanxicô, Misecordiae Vultus- Dung Mạo Lòng Thương Xót: Tông sắc, số 1

[19] Gioan Phaolô II, Dives in Misecordia – Thiên Chúa giàu Lòng Thương Xót: Tông thư, số 2.

[20] Hội đồng Chủ tịch Đại hội Năm Thánh 2000, Thiên Chúa Cha nhân từ, Nxb Mame, Paris, 1998, tr.101.

[21] Gioan Phaolô II, Dives in Misecordia – Thiên Chúa giàu Lòng Thương Xót: Tông thư, số 8.

[22] Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP., “Năm Lòng Chuá Thương  Xót”, http://catechesis.net/index.php/tai-lieu/nam-thanh-long-chua-thuong-xot/Cập nhật ngày 20/3/2016.

[23] Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP., “Năm Lòng Chuá Thương  Xót”, http://catechesis.net/index.php/tai-lieu/nam-thanh-long-chua-thuong-xot/Cập nhật ngày 20/3/2016.

[24]Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế, SJ., “Lòng Thương Xót Chúa”, http://dongten.net/noidung/54431/Cập nhật ngày 20/3/2016.

[25] Phanxicô, Misecordiae Vultus- Dung Mạo Lòng Thương Xót: Tông sắc, số 1.

[26] ĐGH Phanxicô, “Bài giảng lễ Lòng Thương Xót năm 2016”, http://muoianhsang.com/cac-duc-giao hoang/bai-giang/dgh-phanxico-bai-giang-le-long-thuong-xot-2016.html/Cập nhật ngày 20/3/2016.

[27]ĐGH Phanxicô, “Bài giảng lễ Lòng Thương Xót năm 2016”, http://muoianhsang.com/cac-duc-giao hoang/bai-giang/dgh-phanxico-bai-giang-le-long-thuong-xot-2016.html/Cập nhật ngày 20/3/2016.

Bài trướcTruyền Giáo – hành động thể hiện Lòng Thương Xót
Bài tiếp theoGiờ tu đức Cộng đoàn Triết Ngôi Lời

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây