Chú giải Tin Mừng Chúa Nhật II Mùa Chay, Năm B (Mc 9,2-10)

0
2727

Lm. Giuse Phạm Duy Thạch, SVD chú giải

 Bản văn và dịch sát nghĩa (Mc 9,2-10)

Hy Lạp Việt
2  Καὶ μετὰ ἡμέρας ἓξ παραλαμβάνει ὁ Ἰησοῦς τὸν Πέτρον καὶ τὸν Ἰάκωβον καὶ τὸν Ἰωάννην καὶ ἀναφέρει αὐτοὺς εἰς ὄρος ὑψηλὸν κατ᾽ ἰδίαν μόνους. καὶ μετεμορφώθη ἔμπροσθεν αὐτῶν,

3  καὶ τὰ ἱμάτια αὐτοῦ ἐγένετο στίλβοντα λευκὰ λίαν, οἷα γναφεὺς ἐπὶ τῆς γῆς οὐ δύναται οὕτως λευκᾶναι.

4 καὶ ὤφθη αὐτοῖς Ἠλίας σὺν Μωϋσεῖ καὶ ἦσαν συλλαλοῦντες τῷ Ἰησοῦ.

5 καὶ ἀποκριθεὶς ὁ Πέτρος λέγει τῷ Ἰησοῦ· ῥαββί, καλόν ἐστιν ἡμᾶς ὧδε εἶναι, καὶ ποιήσωμεν τρεῖς σκηνάς, σοὶ μίαν καὶ Μωϋσεῖ μίαν καὶ Ἠλίᾳ μίαν.

6 οὐ γὰρ ᾔδει τί ἀποκριθῇ, ἔκφοβοι γὰρ ἐγένοντο.

7 καὶ ἐγένετο νεφέλη ἐπισκιάζουσα αὐτοῖς, καὶ ἐγένετο φωνὴ ἐκ τῆς νεφέλης· οὗτός ἐστιν ὁ υἱός μου ὁ ἀγαπητός, ἀκούετε αὐτοῦ.

8 καὶ ἐξάπινα περιβλεψάμενοι οὐκέτι οὐδένα εἶδον ἀλλὰ τὸν Ἰησοῦν μόνον μεθ᾽ ἑαυτῶν.

9 Καὶ καταβαινόντων αὐτῶν ἐκ τοῦ ὄρους διεστείλατο αὐτοῖς ἵνα μηδενὶ ἃ εἶδον διηγήσωνται, εἰ μὴ ὅταν ὁ υἱὸς τοῦ ἀνθρώπου ἐκ νεκρῶν ἀναστῇ.

10 καὶ τὸν λόγον ἐκράτησαν πρὸς ἑαυτοὺς συζητοῦντες τί ἐστιν τὸ ἐκ νεκρῶν ἀναστῆναι.

(Mk. 9:2-10 BGT)

2 và sau sáu ngày, Đức Giê-su mang theo Phê-rô, Gia-cô-bê và Gioan và Người mang họ lên núi cao một mình với họ. Và Người được biến đổi hình dạng trước mặt họ.

3 và áo của Người trở nên cực kỳ sáng, trắng tinh, thợ làm trắng trên trần gian không thể làm trắng được như thế.

4 và Ông Ê-li-a cùng với ông Mô-sê xuất hiện, và họ đang đàm đạo với Đức Giê-su,

5 Phê-rô lên tiếng, nói cùng Đức Giê-su: “Thầy ơi! Thật là tốt cho chúng ta khi ở đây, chúng con sẽ làm ba cái lều. Một cái cho Thầy một cái cho ông Mô-sê và một cái cho ông Ê-li-a

6 Vì ông không biết phải nói gì, vì họ rất kinh hãi.

7 một đám mây xuất hiện bao trùm lấy họ và một giọng nói xuất hiện từ trong đám mây: “đây là con yêu dấu của ta, hãy nghe Người”

8 và bất thình lình, khi nhìn quanh, họ không thấy ai ngoại trừ một mình Đức Giê-su với họ.

9 khi họ đi xuống núi, Người ra lệnh cho họ để họ không kể cho ai về điều họ đã thấy, ngoại trừ khi Con Người sống lại từ cõi chết.

10 và họ giữ chuyện đó và tiếp tục bàn luận giữa họ “sống lại từ cõi chết” nghĩa là gi.

 

Bối cảnh bản văn: Mc 9,2-10 nằm ngay sau tuyên bố của Đức Giê-su “có những người không nếm trải sự chết tước khi thấy triều đại Thiên Chúa đến, đầy uy lực” (Mc 9,1) và câu hỏi về sứ vụ của ngôn sứ Ê-li-a (9,11-12). Nó nằm giữa 3 lần tiền báo về cuộc thương khó của Đức Giê-su. Một cách cụ thể, Mc 9,2-10 nằm sau lời tiền báo về cuộc thương khó lần thứ nhất (Mc 8, 31-33) và trước hai lần tiền báo về cuộc khổ nạn lần thứ hai (9,30-32) và thứ ba (10,32-34). Nó cũng nằm sau lời tuyên xưng của ông Phê-rô: “Thầy là Đấng Ki-tô”. Đoạn Tin Mừng này nằm trong bối cảnh thương khó và vinh quang trộn lẫn nhau. Chỉ trong vòng 3 chương (8,9,10) Đức Giê-su tuyên bố liên tục 3 lần về cuộc thương khó của Người. Cuộc biến hình có thể được xem là khoảnh khắc vinh quang. Thế nhưng nó cũng ẩn tàng nơi đó dấu hiệu của sự thương khó. Sự xuất hiện và đàm đạo của Mô-sê và Ê-li-a rất có thể liên quan đến biến cố mà Đức Giê-su sắp trải qua tại Giê-ru-sa-lem. Phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ hai ở đầu chương 8 cũng là một biểu hiện của vinh quang (8,1-10). Hơn nữa, ở trong bối cảnh này sự tuyên xưng, sự hiểu biết và sự lầm tưởng, sự ngu muội cũng là một đề tài nổi bật. Ngay sau lời tuyên xưng của Phê-rô là hành động ngăn cản Đức Giê-su khi Người tiền báo cuộc thương khó lần thứ nhất. Hành động này của Phê-rô khiến Đức Giê-su phải gọi ông là: “Sa-tan” và lệnh cho ông phải “lui lại đằng sau thầy” (Mc 8,33a). Tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a là một tiến bộ của Phê-rô, nhưng cách hiểu về Đấng Mê-si-a của ông thì lại chỉ là “cách nghĩ của loài người” (8,33b). Cùng với cách nghĩ mang hơi hám Sa-tan của Phê-rô là thói ham mề quyền chức của anh em Gia-cô-bê và Gioan, những người cùng hiện diện trong cuộc biến hình này. Lời cầu xin “được ngồi bên hữu và bên tả của Thầy” được cất lên ngay sau khi Đức Giê-su tiền báo về cuộc thương khó lần thứ ba (Mc 10,35-40; Mt 20,20-23). Lại nữa, sau khi Đức Giê-su tiền báo cuộc thương khó lần thứ hai, Mác-cô ghi chú rằng “các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người” (9,32). Đã thế, trên đường đi các ông lại tranh cãi xem “ai là người lớn nhất” trong nhóm. Rõ ràng, Phê-rô và các môn đệ cần thêm thời gian để hiểu như thế nào là Đấng Mê-si-a theo kế hoạch của Thiên Chúa. Hai phép lạ chữa lành người mù: tại Bét-sai-đa (8,22-26) và tại Giê-ri-khô (10,46-52; cf. Mt 20,29-34; Lc 18,35-43) là hai biểu trưng cho sự khai sáng đức tin trong bối cảnh này. Người mù ở Bét-sai-đa đã bước hai bước trong tiến trình được chữa lành: từ “thấy người ta, như cây cối, họ đi đi lại lại” cho đến “khỏi hẳn” và “thấy tỏ tường mọi sự” (Mc 8,24). Người mù thành Giê-ri-khô thì được chính Đức Giê-su nhận định rằng: “lòng tin của anh đã cứu anh” và anh đã đáp trả bằng hành động “đi theo Người trên con đường Người đi” (Mc 10,52). Đây rõ ràng là điểm sáng của đức tin. Giữa sự mờ tối, ngu muội của các môn đệ là điểm sáng đức tin của những người khác.

Cấu trúc bản văn: Mc 2,2-10 khởi đầu bằng một trạng ngữ chỉ thời gian: “sau sáu ngày”, và có sự thống nhất về nơi chốn, nhân vật, cũng như cốt truyện. Nơi chốn được xác định một cách không rõ ràng. Đó là một ngọn núi cao, còn núi tên gì, ở đâu thì không ai biết rõ. Số nhân vật là sáu, không kể tiếng nói từ trời (có thể là Chúa Cha): Đức Giê-su, 3 môn đệ (Phê-rô, Gia-cô-bê và Gioan), ngôn sứ Ê-li-a, ông Mô-sê. Cốt truyện là cuộc biến hình của Đức Giê-su và cuộc đàm đạo với Ê-li-a và Mô-sê. Phần kết thúc của bản văn được phụng vụ Chúa Nhật II Mùa Chay năm B chọn có phần không thỏa đáng. Đoạn Đức Giê-su biến hình có lẽ nên kết thúc ở Mc 9,8 bởi vì Mc 9,9 đã có sự thay đổi về không gian và một chủ đề khác được khởi xướng.[1] “Ở trên núi xuống” (9,9) đánh dấu cho sự thay đổi về không gian, và kết thúc không gian của cuộc “biến hình” trên núi. Và tại không gian trên núi xuống là một câu chuyện về “sự đến trước” của ngôn sứ Ê-li-a (Mc 9,11).  Tuy nhiên, đoạn nói về cuộc “biến hình” này có thể kết thúc ở 9,10, với một cấu trúc khác: “Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn luận với nhau “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì. Khi đó cấu trúc của bản văn Mc 9,2-10 sẽ được đóng khung theo incluso về không gian: lên núi (9,2) và xuống núi (9,9-10). Xin đề xuất hai cấu trúc tương đối của Mc 9,2-10 như sau. Cấu trúc I sẽ được định dạng dựa trên nội dung của bản văn. Cấu trúc này bao gồm phần mở đầu và phần kết thúc. Phần mở đầu (9,2ab) giới thiệu về không gian, thời gian, nhân vật. Phần kết thúc (9,9-10): Mệnh lệnh “không kể cho ai điều đã thấy” và hạn định của mệnh lệnh này. Hạn định này cũng là một tiền báo về sự Phục Sinh. Phần ruột của cấu trúc một là một mô hình đồng tâm, với phần trung tâm là phản ứng của Phê-rô và các môn đệ (D). Xoay quanh đó là những biến cố song song với nhau. Cuộc biến hình (B: 2c-3)// sự trở lại bình thường (B’: 9,8); các nhân vật đến từ trời cao (C: 9,4) // hành động từ trời cao (C’:9,7). Cấu trúc II được định hình theo không gian được nói đến trong bản văn. Đây cũng là một cấu trúc quy tâm. Với không gian trung tâm, nơi cuộc biến hình diễn ra, là “trên núi” (9,2c-8). Xoay quanh không gian “tâm” này là hai không gian đối nghịch nhau: “lên núi”, nơi bối cảnh cuộc biến hình được giới thiệu (9,2ab) // “xuống núi”, nơi lệnh cấm và thời hạn của lệnh cấm được ban bố (9,9-10).

Cấu trúc I:

A.Mở đầu: Thời gian, không gian, nhân vật (9,2ab)

B. Cuộc biến hình (2c-3)

C. Người đến từ trời cao: Ê-li-a và Mô-sê (9,4)

D. Phản ứng từ đất thấp: Phê-rô và các môn đệ (9,5-6)

C.’Hành động từ trời cao: Tiếng nói từ đám mây (9,7)

B’. Trở lại bình thường (9,8)

A’.Kết thúc: Mệnh lệnh và tiền báo về sự Phục Sinh (9,9-10)

a. Lệnh cấm không được nói với ai (9,9a)

b. Giới hạn: “Trước khi con người từ cõi chết sống lại” (9,9b)

a’. Tuân lệnh cấm (9,10a)

b’.Bàn về giới hạn: Ý nghĩa “từ cõi chết sống lại” (9,10b)

Cấu trúc II:

A.Lên núi: Bối cảnh cuộc biến hình (9,2ab)

            B.Trên núi: Cuộc biến hình (9,2c-8)

A’.Xuống núi: Lệnh cấm và thời hạn của lệnh cấm (9,9-10)

 

Một số điểm chú giải

  1. Sau sáu ngày[2]: Cụm trạng từ chỉ thời gian rõ ràng là một chuyển mạch cho một trình thuật mới. Thế nhưng, “sau sáu ngày”, tính từ thời điểm nào hay sự kiện nào thì có vẻ không rõ ràng. Trước cụm từ chỉ thời gian này là tuyên bố củ Đức Giê-su: “tôi bảo thật các người: trong số những người có mặt ở đây, có kẻ không phải nếm sự chết, trước khi thấy Triều Đại Thiên Chúa đến, đầy uy lực” (Mc 9,1). Phải chăng là “sau sáu ngày” tính từ thời điểm Đức Giê-su công bố điều này. Vậy thì, “sau sáu ngày” có lẽ có ý nghĩa gì đó nối kết với tuyên bố này. Lùi lại một chút nữa, trình thuật trước đó: Đức Giê-su tiền báo về cuộc thương khó lần thứ nhất (8,31-33). Phê-rô can ngăn Thầy mình và bị gọi là Satan. Phải chăng “sau sáu ngày” được tính từ mốc thời gian này. Nó cũng có vẻ hợp lý, khi lời tiền báo về cuộc thương khó được tiếp nối bởi sự “biến hình” trong vinh quang. J. Marcus ghi nhận rằng, trong Tin Mừng Mác-cô những ghi chú về thời gian rất hiếm thấy và khi có sự ghi chú này thì nó thường khá mơ hồ (Vd: ‘trong những ngày’ nơi 1,9; 8,1; ‘ngày ấy’ nơi 4,35; hay là ‘nhiều ngày’ nơi 2,1). Chính vì thế mà con số cụ thể “sáu ngày” có thể là có ý nghĩa biểu tượng đặc biệt nào đó. Ông trích dẫn quan niệm của một số thần học gia. Philo cho rằng số sáu là con số tượng trưng cho những vật hay chết, số bảy tượng trưng cho những điều, vật bất tử. Origen nối kết cụm trạng ngữ này với trình thuật về sự tạo dựng sáu ngày trong sách Sáng Thế, với đỉnh cao là ngày Sa-bát. Tuy nhiên, theo Marcus bối cảnh Thánh Kinh nền tảng là việc Mô-sê lên núi “sau sáu ngày” (Xh 24,16).[3] Lý giải này xem ra hợp lý trong bối cảnh chung của toàn bộ Thánh Kinh. Mô-sê được lệnh lên núi với Chúa để nhận “những bia đá: luật và mệnh lệnh” của Chúa (24,12). Khung cảnh cũng có mây và tiếng Đức Chúa gọi Mô-sê từ giữa đám mây (24,16). Rồi, “vinh quang Đức Chúa xuất hiện trên đỉnh núi” (24,17). Đức Giê-su cũng lên núi “sau sáu ngày” và cũng nhận “lời từ đám mây”, thể hiện vinh quang khi được biến hình. Foster McCurley cho rằng “Sau sáu ngày” là một thành ngữ Semit[4] trong đó hành động mang tính chất quyết định sẽ diễn ra vào ngày thứ bảy. A.Y. Collins – H.W. Attridge, có vẻ đồng ý với nhận định này.[5]
  2. Bộ ba: Phê-rô, Gia-cô-bê và Gioan. Trước đó, Mác-cô đã cho độc giả biết rằng, Đức Giê-su đã gọi bốn môn đệ đầu tiên, gồm hai cặp anh em. Cặp An-rê – Simon và cặp Gia-cô-bê – Gioan (1,16-20). Thế nhưng, chẳng hiểu sao An-rê dường như bị tách ra khỏi nhóm bốn Người. Khi liệt kê danh sách 12 Tông Đồ, khác với hai tác giả Tin Mừng Nhất Lãm còn lại (Luca và Mát-thêu), Mác-cô tách An-rê ra phía sau tên của Gia-cô-bê và Gioan.[6] Đức Giê-su dường như chỉ chọn cho mình nhóm 3 người đặc biệt trong nhóm 12 Tông Đồ. Không ái có thể giải thích cách rõ ràng dụng ý của Đức Giê-su. Người ta chỉ có thể thấy rằng bộ ba này xuất hiện riêng cùng với Đức Giê-su trong những biến cố quan trọng. Nhóm này còn xuất hiện hai lần khác nữa. Trong phép lạ “phục sinh” con gái ông trưởng hội đường Giaia (Mc 5, 21-23.35-43). Trong phép lạ này, Đức Giê-su chỉ đem theo mình ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gioan. Trong Vườn Giết-sê-ma-ni, Đức Giê-su cũng làm tương tự (14,33). Trong cả ba biến cố này, điểm chung có lẽ là cuộc thương khó, cái chết, và sự phục sinh. Ba môn đệ này là vừa là chứng nhân, vừa là người theo đuổi tiến trình này cùng với Đức Giê-su. Trong bối cảnh trực tiếp độc giả có thể liên hệ đến nhân vật Phê-rô vừa tuyên xưng “thầy là Đấng Ki-tô” (8,29) và cũng là người đã ngăn cản thầy mình nói về cuộc thương khó. Hậu quả là ông bị thầy trách mắng là “Satan” (8, 32-33). Tuy nhiên, ông cũng được Đức Giê-su gọi tên là Phê-rô, nghĩa là đá, và “trên đá này, Thầy sẽ xây hội thánh của Thầy” (Mt 16,18). Gia-cô-bê và Gioan là hai nhân vật xin Đức Giê-su được “ngồi bên tả và bên hữu”, ngay sau khi Đức Giê-su tiền báo về cuộc thương khó lần thứ ba (Mc 10,35-40). Theo truyền thống, Gioan chính là “người môn đệ Chúa yêu” trong Tin Mừng thứ tư, và ông cũng chính là tác giả của Tin Mừng này. Trong bối cảnh trực tiếp này, ba nhân vật này chẳng có gì nổi bật, nếu không muốn nói là hình ảnh của họ không tốt cho lắm. tuy vậy, họ là hình ảnh “đại diện” cho các môn đệ lúc bấy giờ.
  3. “Núi cao”: Hình ảnh “núi cao” có thể nhằm mục đích tách riêng giữa Đức Giê-su và nhóm bộ ba Tông Đồ như được diễn tả sau đó: “κατ᾽ ἰδίαν μόνους”. Mác-cô sử dụng hai tính từ kết hợp với một giới từ để diễn tả tình trạng của Đức Giê-su và 3 môn đệ: “bởi chính họ, một mình”. Tuy vậy hình ảnh “núi cao” cũng gợi nhớ đến không gian của những cuộc thần hiện, nơi Thiên Chúa tỏ mình ra cho các ngôn sứ. Cuộc thần hiện cho ông Mô-sê và ban giao Ước trên núi Si-nai là một ví dụ điển hình (Xh 24, 12-18). Chính vì thế, Đức Giê-su cũng lên núi và cũng có một cuộc thần hiện đã xảy ra. Ngày nay trên đỉnh núi Ta-bo có một đền thờ hung vĩ gọi là Thánh Đường Biến Hình. Đền thờ này được hoàn thành năm 1924, được xây trên một tàn tích cổ có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ IV hoặc V và một nhà thờ khác được xây vào thế kỷ thứ 12, thời Thập Tự Chinh (1099-1291). Đây là thánh địa được truyền thống tin rằng nơi Đức Giê-su đã biến hình xưa kia. Tuy nhiên, nên nhớ rằng đây không phải là ngọn núi duy nhất được đề xuất. Từ thế kỷ thứ tư, đã có những đề xuất như là núi Hermon[7], Carmel nữa.[8] “Núi cao” là nơi diễn ra những cuộc thần hiện, một hình thức thần linh tỏ mình ra cho dân của Người, và nói chuyện, mạc khải cho họ những điều quan trọng.
  4. “Biến đổi hình dạng”: Động từ “μετεμορφώθη” là thể thụ động, lối trình bày, thì aorist của động từ ghép μετα-μορφόω, Nghĩa là thay đổi μόρφωσις (vẻ bề ngoài), chuyển đổi mặc lấy hình dạng vinh quang trời cao[9]. Trong ba tác giả Tin Mừng Nhất Lãm chỉ có Mát-thêu và Mác-cô dùng động từ này. Theo Luca, chuyện biến hình này xảy ta “Trong khi Người cầu nguyện” và Luca dùng một tính từ (“khác”) cùng với động từ (“trở nên”) để diễn tả sự biến đổi về dung mạo của Đức Giê-su (dung mạo Người trở nên khác đi) (Lc 9,29). Thánh Phao-lô dùng động từ này để diễn tả sự thay đổi cùng dạng thức (theo sự hoàn thiện của Đức Ki-tô) của các ki-tô hữu nhờ Tin vào Đức Ki-tô, và nhờ Thần Khí (2 Cr 3,16-18). Trong thư gửi tín hữu Rô-ma, Phao-lô cũng dùng động từ này để khuyên nhủ các tín hữu “hãy biến đổi con người anh chị em bằng cách làm mới lại tinh thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý THiên Chúa, cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12,2).
  5. “Áo Người cực kỳ trắng sáng”: Sau khi nói rằng Đức Giê-su biến đổi vẻ bề ngoài. Mác-cô tập trung diễn ta cho động giả thấy Đức Giê-su biến đổi thế nào. Ông tập trung vào chiếc áo Đức Giê-su đang mặc. Chiếc áo cũng là biểu trưng cho con người. Kiểu như thành ngữ “chiếc áo không làm nên thầy tu” hay “y phục xứng kỳ đức”. Mác-cô dùng một tính từ chỉ “màu trắng” (λευκὰ) và một trạng từ chỉ “mức độ trắng” (λίαν), cùng với động từ “chiếu sáng” (στίλβοντα) để diễn tả độ sáng của chiếc áo này. Trạng từ “λίαν” có nghĩa là cực kỳ, mức độ cao nhất. Áo choàng Đức Giê-su chiếu sáng với mức độ trắng sáng cao nhất. Động từ “chiếu sáng” lại được dùng ở dạng hiện tại phân từ để diễn tả sự kéo dài của hành động. Sự chiếu sáng này kéo dài một khoảng thời gian đủ để các môn đệ thấy và quan sát chứ không phải vụt lên trong chốc lạt. Có thể là Đức Giê-su được chiếu sáng như thế trong suốt cuộc đàm đạo. Để nhấn mạnh thêm “độ sáng của chiếc áo ấy”, Mác-cô còn dùng thêm một mệnh để theo cấu trúc phủ định: “không một thợ giặt nào trên thế gian có thể “làm trắng” được như vậy. Mát-thêu không có câu nhấn mạnh này. Mát-thêu dùng lối so sánh nhẹ nhàng nhưng hình ảnh so sánh cũng khá mạnh mẽ “áo choàng Người trở nên trắng như ánh sáng” (Mt 17,2c). Tuy nhiên, Mát-thêu lại tập trung vào mô tả gương mặt của Đức Giê-su: “gương mặt Người chiếu sáng như mặt trời”. Nghĩa là, độ sáng gương mặt Đức Giê-su ở mức cao nhất, không ai có thể nhìn thẳng vào được. Rõ ràng, các tác giả Tin Mừng muốn tách biệt sự chiếu sáng thần linh với sự chiếu sáng bình thường của thế giới con người.
  6. “Ê-li-a và Mô-sê”: Mô-sê và Ê-li-a là hai nhân vật lẫy lừng của Cựu Ước. Mô-sê đại diện cho Luật. Năm cuốn sách đầu tiên của Thánh Kinh Do Thái được gọi là Tô-rah (Lời Dạy, Luật). Năm cuốn này cũng được quy điển Ki-tô giáo nhận và thường gọi là Ngũ Thư, cũng xếp đầu tiên trong bộ Cựu Ước (Sáng Thế, Xuất Hành, Lê-vi, Dân Số, Đệ Nhị Luật). Theo truyền thống, Mô-sê chính ta tác giả của năm cuốn sách này. Thế nhưng, trên thực tế, đây là tổng hợp của nhiều nguồn tài liệu, nhiều tác giá, qua nhiều thời. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Mô-sê trên sách Torah này và truyền thống lâu dài mà nói đến ông thì người ta nghĩ ngay đến sách Torah này. Ê-li-a là ngôn sứ lẫy lừng bậc nhất của thời Cựu Ước. Ông chiến thắng lẫy lừng trong cuộc chiến chống lại 450 sư sái thần Baan trên núi Các-men (1 V 18, 20-40). Ông đi bốn mươi ngày đêm tới núi Khô-rép và gặp gỡ Đức Chúa ở trên núi này (1 V 19,9-14). Ông không nếm trải sự chết và được đem đi trên một cỗ xe bằng lửa (2 V 2,1.11). Ông có thể là đại diện cho các ngôn sứ của thời Cựu Ước. Điều này dẫn đến cách giải thích quen thuộc nhất của sự ghép đôi Mô-sê – Ê-li-a cách chung đại diện cho toàn bộ Thánh Kinh Cựu Ước. Mô-sê đại diện cho các sách Luật và Ê-li-a đại diện cho các sách ngôn sứ. Cách hiểu này đã xuất hiện từ thời giáo phụ Ô-ri-gen khi ông chú giải Tin Mừng Mt 12,38. Đức Giê-su thường hay đề cập đến “Luật và các Ngôn sứ” khi Người nói chung về Thánh Kinh (Mt 5,17; Lc 16,16; Ga 1,45). Cách giải thích này xem ra hợp lý và được nhiều nhà chú giải đón nhận. Tuy nhiên, theo J. Marcus, cách hiểu này cũng có những vấn đề của nó bởi vì Mô-sê cũng được xem là một ngôn sứ (Đnl 34,10). Ông ta được Philo và Josephus (hai sử gia Do-thái nổi tiếng nhất) đề cập thường xuyên như là “ngôn sứ”. Do vậy, rất khó để xem ông ta như là đại diện cho Luật, đối lại với các sách Ngôn sứ. Hơn nữa, Ê-li-a là một nhân vật chứ không phải là tác giả sách ngôn sứ. Không có sách ngôn sứ Ê-li-a. Do vậy, cũng rất khó để cho rằng ông biểu trưng cho sách Các Ngôn Sứ. Marcus đề xuất tính biểu trưng của sự xuất hiện Ê-li-a và Mô-sê trên núi có thể nằm ở sự liên kết tương tự giữa núi Sinai và Khô-rép, nơi cả hai cùng gặp gỡ Chúa (Xh 19 -24,34; 1 V 19). Cách hiểu này nối kết với những hy vọng mang tính cánh chung. Theo những lời ngôn sứ Malakhia (4,5-6), ngôn sứ Ê-li-a sẽ trở lại vào thời cánh chung và báo trước sự đến của đấng Mê-si-ah. Chính vì thế mà Gioan Tẩy Giả, người dọn đường được đồng hóa với Ê-li-a. Mô-sê thỉnh thoảng cũng được nối kết với Đấng cánh chung, như là mẫu hình cho Đấng cứu độ cánh chung, như thể là “ngôn sứ như Mô-sê” (Đnl 18,15.18). Mô-sê đã hứa cùng dân Ít-ra-el rằng: “từ giữa anh chị em, trong số các anh chị em của anh chị em, Đức Chúa của anh chị em sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như tôi để giúp anh chị em; anh chị em hãy nghe vị ấy” (Đnl 18,15; cf. Đnl 18,18).[10] Trong cấu trúc của đoạn này (xem phần cấu trúc), sự xuất hiện của căp đôi Mô-sê – Ê-li-a này sẽ song đôi với sự xuất hiện của “đám mây” và “tiếng từ trời”. Sự xuất hiện sau như là tổng kết và chứng nhận cho sự xuất hiện trước. Cũng là đến từ trời, nhưng rõ ràng, tiếng nói từ trời có thế giá hơn Mô-sê và Ê-li-a. Sẽ có người thắc mắc là tại sao Ê-li-a lại được nhắc tên trước Mô-sê, trong khi Mô-sê rõ ràng là có thế giá hơn Ê-li-a? Heil giải thích rằng trong cấu trúc “X cùng với Y” (Ê-li-a cùng với Mô-sê), được Mác-cô sử dụng, Y luôn là biểu tượng nổi bật hơn. Ông đưa ra hai ví dụ “những người xung quanh Người cùng với nhóm 12” (Mc 4,10) và “đám đông cùng với các môn đệ”.[11]
  7. “Đàm đạo với”: Nội dung cuộc đàm đạo không hề được nói đến. Nhưng mà theo bối cảnh của trình thuật về biến cố này (được trình bày phía trên), cuộc đàm đạo này rất có thể liên quan đến biến cố thương khó và Phục Sinh của Đức Giê-su. J.R. Donahue – D.J. Harrington cho rằng Ê-li-a và Mô-sê đều là hai hình ảnh mang tính ngôn sứ, những người chịu đau khổ vì trung thành với Chúa.[12] Có lẽ chính vì thế mà họ hiện diện trong bối cảnh này để nói với Đức Giê-su về biến cố đau khổ mà Người sắp trải nghiệm. Trong bối cảnh trực tiếp, tiếp theo sau đoạn văn này, khi trả lời về chất vấn về sự “đến trước” của Ê-li-a, Đức Giê-su sẽ ám chỉ đến số phận đau khổ của ngôn sứ Ê-li-a (Mc 9,10-11). Qua cách diễn tả “có lời chép rằng Con Người phải chịu nhiều đau khổ và bị khinh chê” … “ông Ê-li-a đã đến và họ đã đối xử với ông theo ý họ muốn”, Đức Giê-su muốn ám chỉ đến cái chết của Gioan Tẩy Giả, người được xem là Ê-li-a, đến để dọn đường cho Đấng Mê-si-a.
  8. “Dựng ba cái lều”: Động từ dùng để diễn tả phản ứng của Phê-rô khá lạ lùng. Bản dịch Việt Ngữ và Anh Ngữ dường như bỏ qua động từ đầu tiên Mác-cô dùng để diễn tả hành động của Phê-rô. Đó là động từ “trả lời”, dùng ở dạng phân từ, thì aorist, thể bị động (ἀποκριθεὶς). Bản Pháp Ngữ dịch là “intervenant” (can thiệp, xen vào) và bản Ý ngữ dịch là “Prendendo la parola” (cất lời). Rất khó để dịch là “trả lời” trong bối cảnh này, thế nhưng có thể dịch là “để đáp trả”. Nghĩa là “để đáp lại, đưa ra phản ứng” trước biến cố, cảnh tượng đang xảy ra. R. France nói rằng “Lời của Phê-rô không phải là câu trả lời cho cho bất cứ lời nào đã được nói trước, nhưng cho toàn bộ cảnh tượng gây bối rối, trong đó các ông cảm thấy chính mình hoảng sợ.”[13] Trong nỗi sợ hãi của ông cũng như các môn đệ Phê-rô, nói nhưng không biết mình đang nói gì. Khó có thể tìm thấy được sự chuẩn mực trong một câu nói phát xuất từ miệng của một người đang sợ hãi. Tuy vậy, lời nói bộc phát trong cơn sợ hãi lại có giá trị cao về tính chân thật vì nó phát xuất từ tiềm thức nào đó của con người. Sự phấn khích của Phê-rô có thể không khó để hiểu. Trước cảnh tượng huy hoàng của thầy mình, cũng như sự xuất hiện của hai đại diện của thời Cựu Ước, ông có cảm giác sung sướng, lâng lâng không muốn họ rời đi. Lều trong thời Cựu Ước, trong văn hóa dân du mục là biểu trưng cho một sự ấm êm, định cư, trú ngụ. Ba người, dĩ nhiên là phải dựng 3 cái lều. Lều cũng nhắc độc giả đến nơi Chúa Ngự. Lều Hội Ngộ chính là nơi mà Hòm Bia Giao Ước hiện diện trong gian cực thánh, đó là trung tâm hiến tế (Lv 1,5; 3,2) và gặp gỡ của dân Ít-ra-el trong thời Xuất Hành. Mây bao phủ Lều Hội Ngộ và vinh quang Thiên Chúa bao phủ lên Hòm Bia (Xh 40,34). Đó là nơi Thiên Chúa “gọi và nói với Mô-sê” (Lv 1,1). Thánh Gioan khi diễn tả mầu nhiệm nhập thể đã nói rằng: “Thiên Chúa đã trở nên xác phàm và cắm lều (ἐσκήνωσεν) giữa chúng ta” (Ga 1,14). Muốn cất lều cho 3 nhân vật, Phê-rô một cách vô thức gợi lại hình ảnh Xuất Hành khi Chúa đồng hành cùng dân và nơi nào họ dừng chân, họ đều cất Lều Hội Ngộ ở giữa (Ds 10), và lều của các chi tộc được bố trí chung quanh (Ds 2,1 – 3,39). A.Y. Collins – H.W. Attridge ghi chú rằng trong thời cổ đại, cuộc thần hiện của một vị thần thường được kết hợp với một nền tảng cho một việc thờ cúng hay với việc cử hành một lễ hội. Đề xuất của Phê-rô liên quan đến việc dựng ba cái lều là có thể hiểu được. Phê-rô có thể đã đề xuất những sự thờ phượng dành cho ba vị thần linh xuất hiện nơi đó.[14] Theo cấu trúc của bản văn, phản ứng của Phê-rô và các môn đệ là phần trung tâm, đối lại với hai sự xuất hiện của các nhân vật từ trời cao. Phê-rô và hai môn đệ kia “kinh hãi” (ἔκφοβοι). Đây là tính từ được dùng một lần duy nhất trong các sách Tin Mừng và chỉ có Mác-cô dùng ở trong bối cảnh này để diễn tả cảm xúc của ba môn đệ. Mát-thêu và Luca không ghi lại cảm xúc này. Mệnh đề “ông không biết trả lời thế nào” gợi nhớ đến bối cảnh trong vườn Giết-si-ma-ni, nơi Đức Giê-su bắt gặp các môn đệ đang ngủ khi Người trở lại lần thứ hai. Họ cũng “không biết phải trả lời sao với Người” (14,40).[15] Đây cũng là một trong những chi tiết liên kết biến cố biến hình với cuộc thương khó.
  9. “Tiếng từ trong đám mây”: “Tiếng từ trong đám mây” (ἐγένετο φωνὴ ἐκ τῆς νεφέλης) trong bối cảnh này không khỏi gợi nhớ đến “tiếng từ trời” (Mc 1,11) trong biến cố Đức Giê-su chịu Phép Rửa tại song Gio-đan. Rất có thể tiếng này là từ Chúa Cha. Đây là lần thứ hai cũng là lần cuối cùng Mác-cô ghi nhận tiếng nói “từ trong đám mây” hay “từ trời”. Mây rõ ràng là biểu tượng của sự hiện diện thần linh. Trong Xh 40,34-38, một đám mây bao phủ quanh Lều Hội Ngộ, nơi đầy với vinh quang của Đức Chúa. Vào lúc cung hiến đền thờ tại Giê-ru-sa-lem “một đám mây lấp đầy nhà của Đức Chúa (1 V 8,10-11).[16] Đám mây dĩ nhiên là biểu hiện của mô thức thần hiện trong truyền thống Cựu Ước (Xh 13,21-22; 33,9-10). R. France cho rằng những âm hưởng ở đây diễn tả một cách cụ thể những trình thuật tại núi Sinai: đám mây xuất hiện (Xh 19,6; 24,15-16) và tiếng của Chúa nói từ trong đám mây (Xh 19,9; 24,16; 24,18 – 25,1). Xh 19,9 rất tương tự bối cảnh Biến Hình này khi Đức Chúa dặn Mô-sê rằng: “Ta sẽ đến với ngươi trong đám mây dày đặc, để dân chúng có thể nghe khi ta nói với người mà tín thác vào ngươi từ nay về sau”.[17] Ở đây, có lời nói từ đám mây và có lời căn dặn “hãy vâng nghe lời Người”.
  10. “Đây là con yêu dấu của ta”: Dù là “Tiếng từ trời” trong biến cố chịu Phép Rửa hay là “tiếng từ trong đám mây” trong biến cố biến hình, câu giới thiệu về Đức Giê-su là như nhau, “đây là con yêu dấu của ta”. Trong bối cảnh Phép Rửa, “tiếng từ trời” nói trực tiếp với Đức Giê-su, giữa cái nhìn và lắng tai của dân chúng. Tiếng ấy dùng đại từ ngôi thứ hai (con, you) để gọi Đức Giê-su. Trong bối cảnh Biến Hình, “tiếng từ đám mây” giới thiệu với các môn đệ hiện diện về Đức Giê-su. Đại từ được dùng ở đây là đại từ chỉ định (đây là, this is). Lời giới thiệu này nối kết Mc 1,11 và Mc 9,7 vì chúng đồng hóa Đức Giê-su như là Con Thiên Chúa vào đầu sứ vụ tại Ga-li-lê và đầu hành trình lên Giê-ru-sa-lem. Cả hai đều hướng đến lời tuyên xưng của viên đại đội trưởng khi Đức Giê-su trút hơi thở trên thập giá: “quả thật người đàn ông này là Con Thiên Chúa” (15,39).[18] Lời tuyên xưng này là câu kết mãn nguyện cho mạc khải của Tin Mừng Mác-cô. Mác-cô khởi đầu Tin Mừng bằng cách giới thiệu trực tiếp Đức Giê-su là Con Thiên Chúa: “khởi đầu của Tin Mừng Của Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa” (Mc 1,1). Chúng ta thấy có sự tiến triển trong sự mạc khác thần tính của Đức Giê-su trong Tin Mừng Mác-cô. Đặc tính “Con Thiên Chúa” được mạc khải cách tiệm tiến. Từ lối nói trực tiếp với Đức Giê-su, đến nói với nhóm “bộ ba môn đệ”, đến lời tuyên xưng của một người ngoài nhóm các môn đệ và cũng ngoài Do Thái nữa, một người lính Rô-ma. Danh hiệu “Con yêu dấu” được dùng 3 lần trong Tin Mừng Mác-cô. Hai lần dành cho Đức Giê-su (Mc 1,11 và Mc 9,7) và một lần Đức Giê-su dùng để kể dụ ngôn “tá điền sát nhân” (Mc 12,1-12), trong đó “người con yêu” của người chủ vườn nho được sai đến cuối cùng để thu hoa lợi từ vườn nho, nhưng anh ta đã bị bắt, bị giết và bị quăng ra khỏi vườn nho. Kết thúc dụ ngôn ấy, Mác-cô ghi chú: “họ tìm cách giết Đức Giê-su, nhưng lại sợ dân chúng” (12,12). Rõ ràng, có sự nối kết giữa “người con yêu” và số phận bi đát của cậu: bị bắt, giết, quăng ra ngoài. Đó là hình ảnh và số phận của “người con yêu”, Giê-su. Hình ảnh “Người con yêu” cũng khiến người ta nhớ đến câu chuyện Abraham “bị” Chúa mời gọi dâng chính con một của mình làm hy lễ. Trong tường thuật ấy, I-xa-ác cũng được Chúa gọi là “người con yêu quý” của Abraham: “Hãy mang người con trai, người yêu dấu, người mà người yêu nhất” (λαβὲ τὸν υἱόν σου τὸν ἀγαπητόν ὃν ἠγάπησας) (St 22,2).[19]
  11. “Hãy lắng nghe Người”: Đây là mệnh lệnh, lời mời gọi của “tiếng từ đám mây”. Khác với Mc 1,11 sau khi tuyên bố “con là con yêu của ta” tiếng từ trời tiếp tục “nơi con ta hài lòng”, ở đây, “tiếng từ đám mây” dùng ở mệnh lệnh cách, ngôi thứ hai số nhiều: “các ngươi, hãy nghe người”. Động từ được dùng là “lắng nghe” (listening) chứ không phải là “nghe” (hearing). Động từ này bao hàm cả sự vâng lời, và làm theo chỉ dẫn của người “con yêu dấu” này. Bản dịch Việt ngữ có thêm chữ “lời”: “hãy vâng nghe lời Người” (CGKPV), trong khi các bản dịch Pháp Ngữ, Ý Ngữ và Anh Ngữ chỉ dùng đại từ ngôi thứ ba số ít (Người, anh ấy, him).[20] Các bản dịch này sát với bản văn gốc tiếng Hy Lạp hơn (ἀκούετε αὐτοῦ). “Lắng nghe Người” có nghĩa rộng hơn. Nó không giới hạn trong “lời” giảng của Đức Giê-su mà thôi, nhưng còn là các hành vi, cử chỉ của Người. Nói chung, phải xem cả con người Đức Giê-su như là gương mẫu. Trong bối cảnh này, điều mà các môn đệ phải “vâng nghe” là biến cố thương khó và Phục Sinh mà Đức Giê-su đã và đang tiền báo đến ba lần. Trong bối cảnh của toàn Tin Mừng, các môn đệ phải “vâng nghe” toàn bộ giáo huấn của Đức Giê-su, toàn bộ hành động của Người, và nhất là cái chết và sự Phục Sinh của Người. Mệnh lệnh “Hãy vâng nghe Người” âm vang lời hứa của Mô-sê với dân bên bờ sông Gio-đan: “Đức Chúa sẽ cho xuất hiện trong dân của anh chị em một vị ngôn sứ giống như tôi, anh chị em sẽ nghe vị ngôn sứ ấy” (Đnl 18,15).[21] Đức Giê-su dĩ nhiên hơn cả một vị ngôn sứ, bởi vì Người là “con yêu dấu” của Chúa Cha.
  12. Sống lại từ cõi chết”: Đoạn 9,9-10 có cấu trúc rất chặt chẽ (xem phần cấu trúc). Lệnh cấm đi song đôi với việc tuân theo lệnh cấm và giới hạn lệnh cấm cũng song song với việc các môn đệ bàn thảo về giới hạn ấy. Đức Giê-su hoàn toàn im lặng từ đầu cho đến bây giờ. Điều Người mở miệng nói với các môn đệ lại là một lệnh cấm triệt để. Họ phải giữ kín điều vừa thấy. Lệnh cấm “không được nói cho ai” rất thường thấy trong Tin Mừng Mác-cô. Lệnh này xuất hiện lần đầu tiên dành cho quỷ trong Hội Đường Ca-phác-na-um (1,25). Sau đó Đức Giê-su lại “cấm quỷ nói vì chúng biết Người” (1,34). Người cũng nghiêm cấm gay gắt người bệnh phong được chữa lành: “không được nói với bất kỳ ai về bất cứ điều g” (1,42). Ở đây Đức Giê-su ra lệnh cấm các môn đệ tiết lộ điều họ đã chứng kiến. Họ chỉ thấy vinh quang của Đức Giê-su, nhưng không nghe được cuộc thảo luận giữa Đức Giê-su cùng với Ê-li-a và Mô-sê. Cuộc thảo luận đó rất có thể là cuộc thảo luận về cuộc thương khó Người sắp bước vào. Luca nói rất rõ về cuộc thảo luận này: “họ nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem” (Lc 9,31). Luca còn ghi chú thêm: “Phê-rô và đồng bạn đang ngủ mê mệt” (9,32). Giấc ngủ mê mệt này rõ ràng kéo dài mãi cho đến trong Vườn Cây Dầu. Điều mà Phê-rô và các bạn đồng môn thấy là đúng, và tốt, nhưng không trọn vẹn. Họ đã không nghe được điều rất quan trọng mà Đức Giê-su nhắc đi nhắc lại đến ba lần trong bối cảnh rộng của đoạn Tin Mừng này (xem phần bối cảnh bản văn). Lệnh cấm lần này của Đức Giê-su khác các lần khác là vì nó có giới hạn: “trừ khi Con Người từ cõi chết sống lại” (Mc 9,9). Đây là một mạc khải hết sức quan trọng. Nó đề cập đến mầu nhiệm cốt yếu trong hành trình cứu độ của Đức Giê-su. Chờ cho đến khi “Con người chỗi dậy từ cõi chết” nghĩa là chờ cho đến khi Đức Giê-su đi đến bước cuối cùng của hành trình Thương Khó – Phục Sinh. Đến lúc đó các môn đệ chắc chắn cũng đã nhìn thấy hành trình khổ nạn của Chúa, chứ không chỉ nhìn thấy ánh vinh quang như trong cảnh Biến Hình. Cuộc biến hình trọn vẹn là cuộc biến hình trên đồi Golgotha. Sau cuộc biến hình trên đồi sọ (sự phục sinh) Phê-rô và các môn đệ mới được và nhất thiết phải công bố cho mọi người.
  13. “Tiếp tục bàn luận”: Đoạn Tin Mừng được đóng lại bằng hành trình xuống núi của các môn đệ cùng với Đức Giê-su. Đó là hành trình trở về với đời thường, tiếp tục hành trình lên Giê-ru-sa-lem. Bỏ lại những hình ảnh vinh quang trên “núi cao”, các môn đệ mang theo mình thắc mắc “chỗi dậy từ cõi chết” nghĩa là gì. Thắc mắc này được diễn tả bằng động từ chia ở dạng hiện tại phân từ, số nhiều “họ đang bàn luận” (συζητοῦντες). Các môn đệ vẫn tiếp tục bàn luận, tìm hiểu về mầu nhiệm này không những suốt chặng đường xuống núi mà còn suốt chặng đường lên Giê-ru-sa-lem, mãi cho đến sau khi Đức Giê-su Phục Sinh.

Bình luận

Tiếp theo sau cuộc hành trình chịu cám dỗ của Đức Giê-su trong sa mạc (CN I MC), Phụng vụ Chúa Nhật II Mùa Chay năm B, dẫn đưa các ki-tô hữu lên núi với Chúa Giê-su. Mốc thời gian của cuộc hành trình này được xác định là “sau sáu ngày”. “Sau sáu ngày” đó cũng rất có thể là khoảng thời gian sau khi Đức Giê-su tiền báo về Cuộc Thương Khó lần thứ nhất và Phê-rô đã phản ứng dữ dội (Mc 8, 31-32). Là khoảng thời gian sau khi Đức Giê-su dạy các môn đệ về mầu nhiệm thập giá: “ai muốn theo tôi hãy từ bỏ mình, vác thập giá của mình hằng ngày mà theo” (8,34). Núi đó là núi nào thì không ai rõ. Mác-cô chỉ cho độc giả biết rằng đó là một ngọn “núi cao”. Theo truyền thống, đó là núi Ta-bo, Hermon, hoặc Cá-men. Núi cao là hình ảnh biểu tượng cho những cuộc thần hiện. Đó là nơi Thiên Chúa gặp các vị ngôn sứ và qua họ Người sẽ nói với dân Người. Đó là trường hợp thần hiện của Chúa với Mô-sê trên núi Sinai trong hành trình Xuất Hành. Đó là trường hợp gặp gỡ Chúa của ngôn sứ Ê-li-a trên núi Khô-rép sau khi ông hành trình 40 ngày đêm để chạy trốn hoàng hậu I-sa-bel. Những cảnh tượng mây trời bao phủ cũng là một yếu tố rõ nét của những cuộc thần hiện. Sự Xuất hiện của Mô-sê và Ê-li-a từ trời cao. Đây là hai vị ngôn sứ thời Cựu Ước đã từng hiện diện trong những cuộc thần hiện thời Cựu Ước. Sự xuất hiện của tiếng nói “từ đám mây” càng âm vang, tô đậm khung cảnh của một cuộc thần hiện. Họ đến để bàn luận với Đức Giê-su về “cuộc xuất hành mà Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem”. Đức Giê-su đã tiền báo về mầu nhiệm này, và Người còn báo lại đến hai lần nữa. Ba lần, một mật độ dày đặc trong 3 chương liên tiếp của Tin Mừng Mác-cô (8,9,10), vẫn không làm cho các môn đệ lưu ý và hiểu được. Cuộc biến hình chắc hẳn là một sự chuẩn bị cho cả Đức Giê-su và các môn đệ trên hành trình lên Giê-ru-sa-lem. “Núi cao” có thể có giá trị biểu tượng như là đỉnh cao, chóp đỉnh của Tin Mừng Mác-cô. “Núi cao” cũng là điểm mốc, mấu chốt giữa hai giai đoạn trong hành trình dương thế của Đức Giê-su: “hành trình sứ vụ tại Ga-li-lê và cuộc Vượt Qua tại Giê-ru-sa-lem. Đoạn Mc 9,2-10 như là cầu nối quan trọng giữa hai biến cố này.[22] “Núi cao” là nơi các môn đệ nhìn thấy vinh quang rạng ngời của Đức Giê-su. Là nơi mà Đức Giê-su được giới thiệu cách long trọng là “Con yêu dấu”; cũng là nơi các môn đệ lãnh nhận mệnh lệnh “hãy vâng nghe Người” (Đức Giê-su). Ngay lập tức điều mà Đức Giê-su muốn các môn đệ phải nghe là: “Không được nói với ai về điều họ đã thấy” (9,9). Tuy nhiên, lệnh cấm ấy lại không đóng lại vĩnh viễn, nhưng được mở ra thênh thang một khi “Con Người từ cõi chết chỗi dậy”. Các môn đệ phải tạm thời quên chuyện vinh quang ấy. Và quả thật việc chứng kiến vinh quang biến hình ấy, không giúp cho các môn đệ đủ sức để đồng hành cùng Đức Giê-su trên hành trình thập giá. Tuy nhiên, họ được mời gọi tiếp tục suy niệm, học hỏi về mầu nhiệm “chỗi dậy từ cõi chết” trên hành trình theo Chúa. Điều căn bản mà họ phải nhớ là: Đức Giê-su chính là người “con yêu dấu” và họ phải “vâng nghe Người” trong mọi sự: lời Người dạy, việc Người làm, đau khổ thập giá Người trải qua, và vinh quang Phục Sinh Người sẽ đạt đến. Các môn đệ không được công bố “vinh quang Biến Hình”, cũng không được dừng lại trên “núi cao” nơi họ thấy tốt vì có “Chúa biến hình” và “Mô-sê và Ê-li-a”. Họ được mời gọi phải lắng nghe cuộc đàm đạo giữa Giê-su, Mô-sê và Ê-li-a. Họ phải chia sẻ và đi vào nội dung của cuộc đàm đạo ấy. Đó là cuộc thương khó của Đức Giê-su. Theo Chúa rồi sẽ đến vinh quang, nhưng vinh quang đích thực của cuộc đời theo Chúa là vinh quang trên “Núi Sọ”, chứ không phải vinh quang trên “núi cao”, nơi Chúa biến hình”.

Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD

Chú thích:

[1] J.R. Donahue – D.J. Harrington chọn kết thúc bản văn này ở 9,13, nghĩa là thêm 3 câu nữa [J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark (SP 2; Collegeville 2005) 267].

[2] Nên nhớ rằng đây là khoảng thời gian mà cả Mác-cô và Mát-thêu đều đồng ý (Mt 17,1), nhưng Luca thì khác. Theo Luca, không phải “sau sáu ngày” mà khoảng chừng “sau tám ngày” (Lc 9,28).

[3] J. Marcus, Mark 1-8. A New Translation with Introduction and Commentary (AYBC; New Haven – London 2008) 27A, 613.

[4] Sê-mít dùng để gọi nhóm người, nền văn hóa, ngôn ngữ (Ả Rập, Do Thái, Samari, Assiria…). Nó phát xuất từ tiếng Do Thái Sêm (שם). Sêm là một trong những người con của ông Nô-e được nói đến trong sách Sáng Thế, đặc biệt là đoạn nói về Lụt Hồng Thủy (St 6 – 9).

[5] A.Y. Collins – H.W. Attridge, Mark. A Commentary on the Gospel of Mark (Hermeneia; Minneapolis 2007)

[6] Có một điều khá ngạc nhiên là: Trong danh sách 12 Tông Đồ theo thánh Mác-cô, An-rê được xếp sau Simon, Gia-cô-bê và Gioan (Mc 3,16-18). Theo Mát-thêu, Simon, người được gọi là Phê-rô, An-rê, anh em của ông, Gia-cô-bê, con của ông Dê-bê-đê, và Gioan, người anh em của ông (Mt 10,2). Thứ tự 4 người Tông Đồ đầu tiên trong danh sách của Luca cũng tương tự như Mát-thêu: Simon, An-rê, Gia-cô-bê, Gioan. Theo Tin Mừng Gioan, An-rê thậm chí được đến và xem nơi Chúa ở trước Phê-rô. Chính ông đã giới thiệu Đức Giê-su cho người anh em của mình là Phê-rô (Ga 1,35-42). Trong trình thuật Đức Giê-su tiền báo về sự sụp đổ của đền thờ, Mác-cô cũng là tác giả Tin Mừng Nhất Lãm duy nhất gom An-rê với bộ ba này vào nhóm bốn người đặt câu hỏi với Đức Giê-su: “Xin Thầy nói cho chúng con biết bao giờ các sự việc ấy xảy ra, và khi tất cả đến hồi chung cục thì cò điềm gì báo trước?” (Mc 13,4). Luca chỉ dùng đại từ ngôi thứ ba số nhiều “họ”, còn Mát-thêu dùng danh từ chung “các môn đệ” (Mt 24,1-3; Lc 21,5-6).

[7] D. Mangum (ed.), Lexham Context Commentary: New Testament (LCC; Bellingham 2020) Mk 9:1-8.

[8] J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark, 268.

[9] W. Arndt, et al., A Greek-English lexicon of the New Testament and other early Christian literature (Chicago 2000) 639.

[10] J. Marcus, Mark 1-8. A New Translation with Introduction and Commentary (AYBC; New Haven – London 2008) 633.

[11] J.P. Heil, “A Note on ‘Elijah with Moses’ in Mark 9,4.” Bib 80 (1999) 115.

[12] J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark, 269.

[13] R.T. France, The Gospel of Mark: a commentary on the Greek text (NIGTC; Grand Rapids 2002) 353.

[14] A.Y. Collins – H.W. Attridge, Mark, 418-419.

[15] J. Marcus, Mark 1-8, 633.

[16] J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark, 270.

[17]  R.T. France, The Gospel of Mark, 355.

[18] J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark, 271.

[19]C.A. Evans, Mark 8:27-16:20 (WBC; Dallas 2002) 34B, 38.

[20] Écoutez-le (TOB); listen to him (ESV); ascoltatelo (CEI).

[21] R.T. France, The Gospel of Mark, 355.

[22] C.A. Evans, Mark 8:27-16:20, 38.

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Bảy Tuần 1 Mùa Chay)
Bài tiếp theoLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật II Mùa Chay, Năm B