Tình Thương Chúa thúc bách tôi đáp trả

0
301

Trong cuộc sống, có bao giờ tôi dành thời gian để nhìn lại cuộc đời mình? Nhìn lại hành trình mà tôi đã và đang lê bước? Phải chăng những gì tôi có hôm nay là do công sức tôi bỏ ra mà không cần một bàn tay nào trợ giúp? Có bao giờ tôi ý thức được Thiên Chúa hiện diện trong đời tôi? Hay tôi đã có những cảm nghiệm gì về Chúa, để tôi tạ ơn và chọn con đường dâng hiến? Vâng! Để trả lời những câu hỏi này không hề dễ dàng chút nào. Có lẽ những năm học chương trình Thần học là cơ hội tốt để tôi có thể suy tư và cảm nhận sâu sắc hơn về những trải nghiệm của bản thân. Đặc biệt, trong Năm Lòng Thương Xót Chúa là cơ hội tốt để tôi có thể chiêm ngắm về tình yêu tuyệt vời mà Ngài đã ban tặng qua cuộc sống của tôi, để tôi tạ ơn và vững bước hơn trên hành trình ơn gọi của mình.

Vâng! Có thể nói, tôi được may mắn và hạnh phúc, khi sinh ra trong một gia đình đông anh em (bảy người). Ba mẹ tôi làm nông, cuộc sống gia đình tuy vất vả nhưng ấm áp tình thương dành cho nhau. Cuộc sống vất vả là thế, nhưng ba mẹ ý thức được tầm quan trọng của việc học văn hóa, nên đã đầu tư cho chúng tôi ăn học, đặc biệt là việc học giáo lý được xem là điều quan trọng đối với ba mẹ tôi. Ba tôi là đạo “gốc”, còn mẹ tôi chỉ là đạo “theo”. Nhưng niềm tin vào Chúa đối với ba mẹ tôi thật là mãnh liệt. Vì đã trải qua nhiều biến cố trong cuộc đời, nên các ngài đã cảm nhận sâu xa về tình yêu của Chúa. Đối với tôi, lúc còn nhỏ, nghe người lớn bảo không biết nghe lời, hoặc nói dối là Chúa phạt, ý thức về Chúa thật mơ hồ làm sao! Nhiều lúc tôi tự hỏi Chúa ở đâu mà con không thấy? Những lúc bị ba mẹ hay người lớn la rầy, tôi ấm ức sao không thấy sự hiện diện của Chúa vậy? Đến khi tôi lên cấp hai, tôi được tiếp xúc, gần gũi với Chúa nhiều hơn trước như: được học giáo lý, được đi lễ, đọc kinh, giúp đỡ và sự chia sẻ vật chất của gia đình cho những người hàng xóm… Chính những việc làm đó đã trở thành một thói quen tốt cho tôi gần Chúa, cảm nhận về Chúa, đồng cảm với tha nhân và muốn được dâng hiến cuộc đời của mình cho Ngài.

Lòng hăng say và khát khao muốn gần Chúa trong tôi mỗi lúc mỗi mãnh liệt hơn. Nhưng giữa suy nghĩ và hành động là một quá trình dài, đòi hỏi tôi phải nỗ lực rất nhiều, từ việc học văn hóa đến đời sống đức tin… Tất cả là những thách đố đối với tôi, vì cuộc sống đã không như tôi mong muốn. Tôi nhớ lúc học lớp tám, gia đình tôi xảy ra một biến cố: Ba tôi bệnh phải cấp cứu tại bệnh viện, trong một tuần hai đứa em gãy chân. Những sự kiện buồn đó đã liên tiếp ập xuống trên gia đình tôi làm cho niềm tin của tôi vào Chúa giảm xuống. Đôi khi tôi tự hỏi, nếu Chúa thương tôi thì làm gì Ngài gửi thách đố xuống nhà tôi nhiều thế! Song, tôi cũng nghĩ: ngoài Ngài ra tôi biết chạy đến với ai bây giờ! Thế là tôi lại đứng trước bàn thờ gia đình để nói lên những suy nghĩ của mình cho Chúa nghe. Tôi có hứa với Ngài, nếu ba con được khỏe mạnh, con hứa sẽ trọn đời bước theo Ngài, còn nếu không thì con không tin có sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống. Đó là lời thách đố mà tôi dành cho Ngài. Ba tôi lành bệnh, em tôi đi lại bình thường, lòng xác tín của tôi vào Chúa càng lớn hơn.

Cuộc sống cứ dần trôi, đến khi tôi học lớp mười một, gia đình tôi lại xảy ra biến cố khác. Mẹ tôi bị bệnh rất nặng, nhưng đi khám tất cả các bệnh viện lớn tại Sài Gòn không nơi nào tìm ra bệnh. Lúc này gia đình tôi gần như tuyệt vọng; riêng bản thân tôi, không có gì diễn tả hết được nỗi buồn trong lòng. Tôi suy nghĩ rất nhiều, tự đặt ra nhiều viễn cảnh trong đầu: nếu mẹ mất anh em tôi sẽ vô cùng khổ cực, không được học hành, thiếu thốn mọi thứ…

Một lần nữa, tôi lại đứng trước bàn thờ, để nói lên với Chúa những suy nghĩ của mình: Chúa không muốn con theo Chúa sao? Nếu Chúa muốn sao bác sĩ không tìm ra bệnh để chữa cho mẹ con? Nếu mẹ con mất thì con không còn cơ hội được học hành, làm sao thực hiện được lời hứa với Chúa được. Nếu Chúa muốn con bước theo thì xin cho mẹ con được qua khỏi.

Đúng là phép mầu! Chúa đã nhận lời tôi. Mặc dù các bệnh viện lớn không tìm ra bệnh, trong thời gian về nhà nằm chờ chết, ba tôi vẫn kiên trì đưa mẹ tôi đi khám và chích thuốc ở bác sĩ tư. Mẹ tôi dần dần thấy sức khỏe hồi phục và khỏe hẳn sau một thời gian chữa trị ở đây. Chúa đã làm một việc mà tôi không thể dùng một ngôn từ nào có thể diễn đạt hết. Chúa vẫn ở bên tôi, làm những việc mà tôi đã kêu xin đến Ngài. Niềm tin của tôi vào Chúa càng xác tín hơn qua biến cố này.

Năm 2001, tôi học xong lớp mười hai, thi rớt đại học, buồn và chán nản; tôi ra gặp cha xứ xin giới thiệu một Hội Dòng để đăng ký, nhưng cha bảo muốn đi tu bắt buộc phải có bằng đại học; thế là tôi phải bắt đầu ôn luyện để thi. Năm 2002 tôi đậu trường Đại học Nhân Văn thành phố Hồ Chí Minh, niềm vui càng tăng lên gấp bội khi cùng thời gian này tôi cũng thi đậu vào Dòng Ngôi Lời. Vậy là ước nguyện đi tu đối với tôi đã trở thành hiện thực và tôi đã thực hiện được lời hứa với Chúa.

Tuy nhiên, đời tu của tôi không được suôn sẻ như bao anh em trong lớp. Khi vào nhà Đệ Tử tôi phải sống ngoại trú, đây được xem là thời gian thách đố với tôi. Đời sống sinh viên gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn tình cảm gia đình, những lôi cuốn của xã hội, tình yêu nam nữ… làm tôi dần xa lìa Chúa, không còn tha thiết với đời tu. Hè, nhà Dòng cho về nghỉ; đây là khoảng thời gian rất tốt để tôi có thể nuôi lại ý chí đi tu của mình qua những việc làm đạo đức của gia đình. Những hình ảnh đó nó đã in sâu vào tâm trí tôi, cho dù sau này việc học và cuộc sống có khó khăn hơn rất nhiều nhưng tôi vẫn xác tín hơn với ơn gọi của mình sau những chuyến về thăm gia đình.

Năm 2007, tôi được vào Thỉnh Viện. Đối với anh em cùng lớp, việc được về Nha Trang là an tâm, có thể xác tín hơn đời sống ơn gọi, không còn bị các yếu tố bên ngoài chi phối. Còn đối với tôi thì khác; khi tôi về đây sống, bao thử thách liên tiếp dồn dập lên đầu tôi. Tôi bệnh phải nằm mổ ở Sài Gòn; ba mẹ tôi bị tai nạn giao thông liên tiếp hai lần trong một thời gian ngắn và em tôi phải nằm cấp cứu ở Sài Gòn chờ mổ; nếu không mổ sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. Có thể nói, đây là khoảng thời gian tôi đắn đo suy nghĩ rất nhiều cho ơn gọi; tôi xin nhà Dòng cho tôi tạm dừng ơn gọi về dưỡng bệnh cũng như nâng đỡ gia đình trong giai đoạn này.

Theo suy nghĩ của tôi, trải qua những biến cố đó Chúa muốn thử thách tôi. Ngài muốn cho tôi thấy rõ có bàn tay của Ngài. Ngài đã quan phòng, sắp đặt mọi sự cho gia đình tôi. Ba mẹ tôi trong hai lần bị tai nạn nghiêm trọng đến nỗi người ta bảo không có niềm tin thì ba mẹ tôi đã chết rồi. Vậy mà mẹ tôi lại không sao, ba tôi chỉ bị gãy chân. Còn em tôi, bác sĩ chẩn đoán lại lần cuối để mổ, nhưng rồi bác sĩ quyết định không mổ… Sau khi mọi việc ấm êm, tôi xin nhà Dòng cho tôi quay lại.

Tháng 9 năm 2008, tôi quay trở lại Dòng để tiếp tục con đường tu trì của mình, nhưng thử thách vẫn chưa dừng với tôi. Trong một lần tham gia thể thao, vết thương tái phát, tôi phải vào Sài Gòn mổ lần hai, lần ba. Lúc này tôi suy sụp hoàn toàn, xem như đời tu đã chấm dứt với tôi. Nhưng không, sau một thời gian dài chữa bệnh nhà Dòng vẫn tiếp tục nhận tôi, tạo điều kiện cho tôi tiếp tục nuôi lý tưởng của mình. Trong giai đoạn này, những người cùng lớp tôi cho rằng đời tu của tôi đã chấm dứt, tu làm gì nữa; đó là những dấu chỉ mà Chúa muốn tôi nhận ra, ngay cả những người hàng xóm của tôi cũng bảo tôi tu làm gì, về lấy vợ đi… Nhưng chính những lời nói đó nó chạm đến niềm tin của tôi. Tôi bảo nếu nhà Dòng không muốn tôi tu nữa thì tôi về còn nhà Dòng muốn tôi vẫn ở lại; đó là điều mà tôi đã khẳng định cho mọi người biết. Hiện nay, tôi chọn con đường đi tu huynh, điều mà lớp tôi ai cũng cho là tôi khờ dại, nhưng đối với tôi được đi tu là vui rồi; nhiều khi tôi suy nghĩ mục đích tôi đi tu để làm gì? Vì cái danh nào đó hay là vì lợi ích bản thân? Đó là những câu hỏi đã được tôi giải đáp khi tôi quyết định chọn theo ơn gọi tu huynh.

Ngày 16 tháng 7 năm 2012, tôi khấn; có thể nói, đây là ngày hạnh phúc nhất cuộc đời tôi vì mọi ước mơ đã thành hiện thực. Dẫu biết rằng đời tu còn dài, còn phải chiến đấu rất nhiều nhưng đối với tôi lúc này là niềm hạnh phúc. Cho dù cuộc sống sau này thế nào, nhưng hiện tại tôi đã vượt lên chính mình. Ngày tôi khấn, quý cha và quý thầy trong Dòng nói với ba mẹ tôi rằng, con không tin thầy Trung có được ngày này. Đúng, đó là điều ngạc nhiên cho nhiều người, nhưng đối với Chúa thì tất cả đều có thể nếu Ngài muốn. Quan trọng là tôi đã không từ bỏ lý tưởng của mình, nhưng tôi nghĩ rằng những gì tôi có được như hôm nay là một hồng ân nhưng không của Chúa.

Và tôi xác tín hơn rằng ơn gọi phát xuất từ tình yêu của Thiên Chúa chứ không phải do ước muốn của con người. Vì vậy mà mỗi người đều được Thiên Chúa ban cho ơn gọi khác nhau tùy theo khả năng của mình. Ngài không đưa ra những đòi hỏi hay tiêu chuẩn nào theo kiểu thế gian khi tuyển nhân viên hay cộng sự cho mình. Chúa Giêsu cũng mời gọi những người không có tài, không có kiến thức. Những người quanh năm chỉ biết chài lưới, ấy vậy mà Chúa đã uốn nắn họ trở thành những môn đệ nhiệt tâm theo Ngài và trở thành những trụ cột của Giáo Hội; họ dám chết để làm chứng về đức tin của mình. Nhiều lúc tôi suy nghĩ, tôi chỉ là một người dân quê bình thường. Tôi là con nhà nghèo, không được tiếp xúc với môi trường bên ngoài nên kiến thức hạn chế, học hành không tốt. Tôi không có tài cán gì trước mặt người đời, đứng trước đám đông thì rất nhút nhát… Thế mà Chúa cũng mời gọi tôi bước theo Ngài. Giờ đây, tôi hạnh phúc khi được sống trong môi trường Học viện, để tôi có thể khám phá và đào sâu hơn kiến thức mà tôi đang thiếu; đặc biệt trong những năm học thần học này, tôi đã được bổ sung thêm một số kiến thức mà trước đây tôi chưa có cơ hội học hoặc biết một cách mơ hồ. Qua những môn học, tôi cũng rút ra được nhiều ý nghĩa cho cuộc sống của mình. Tôi biết phải sống và thực hành Lời Chúa như thế nào.

Đặc biệt, đời tu đòi hỏi tôi đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa: Sống theo Lời Thiên Chúa, sống lối sống mà Chúa gọi mời. Tôi không được sống cho riêng mình, nhưng tôi cần cố gắng bỏ đi ý riêng mình mỗi ngày và tôn thờ một mình Thiên Chúa. Tôn thờ Thiên Chúa cách vô điều kiện. Trong mối tương quan với Chúa Cha, mỗi ngày tôi sẽ tập nói lời Cha, tập làm việc của Cha, tập làm theo ý Cha, tập làm vui lòng Cha… Trong mối tương quan với mọi người, đặc biệt trong đời sống cộng đoàn, tôi sẽ cố gắng để chấp nhận nhau, yêu thương, chịu đựng và tha thứ cho nhau. Để trở thành đầy tớ phục vụ anh chị em trong đời sống hằng ngày, để trở thành của lễ hy sinh dâng lên Thiên Chúa qua đời sống thánh hiến của tôi, và để trở thành chứng nhân Tin Mừng tình yêu của Chúa.Năm Thánh Lòng Thương Xót thúc bách tôi thực hiện những điều trên đây.

Tu sĩ Phêrô Nguyễn Thành Trung, SVD

(Trích từ Nội San Học Viện Ngôi Lời Việt Nam 2016, chủ đề: Những Cung Bậc Yêu Thương)

Bài trướcHọp báo công bố Sứ điệp Mùa Chay 2019
Bài tiếp theoĐức Thánh Cha cử hành “Trạm” đầu tiên của Mùa Chay 2019 tại Roma

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.