♦ Giuse Nguyễn Đình Trường – Học Viện Ngôi Lời
Cuộc sống con người muôn màu muôn vẻ. Bên cạnh những điều hữu lý và được mong đợi, cuộc sống còn đó cả những điều phi lý, những điều xảy đến mà con người với lý trí tự nhiên, chẳng thể nào lý giải nổi. Con người trở nên ưu phiền và buồn chán. Thế nên, không ít người đã tìm đến với tôn giáo như một sự bảo đảm nhờ tương quan với một Đấng Siêu Việt. Oái ăm thay, trong đời sống tôn giáo, lắm khi con người nhận lãnh những lệnh truyền mà xem ra là khó hiểu, khó đón nhận hay thậm chí là “phi lý” nữa?
Lệnh truyền của Thiên Chúa cũng có khi “phi lý”?
Người ta hay nói rằng triết học hiện sinh đã mọc lên trong đống đổ nát sau cuộc thế chiến thứ I và đặc biệt là sau Thế chiến thứ II. Đó không chỉ là đống đổ nát vật chất nhưng là đổ nát tinh thần.[1] Nhìn dưới con mắt tinh tường của các triết gia, xã hội lúc bấy giờ đầy rẫy những sự “nô lệ” và cuộc sống con người chất chứa những đòi buộc đầy “phi lý” đến từ xã hội, thể chế và cả từ hệ thống giáo điều của tôn giáo. Có chăng vì lẽ đó mà những khái niệm “phi lý” đã đi vào quan điểm của các triết gia hiện sinh.
Soren Kierkegaard,[2] người được xem là cha đẻ của triết học hiện sinh, cũng có cho riêng mình những góc nhìn về sự phi lý. Khái niệm “phi lý” không xuất hiện với Kierkegaard như một sự tình cờ nhưng đến qua bao biến cố và băn khoăn trong suốt cuộc đời ông: qua kinh nghiệm gia đình, qua biến cố chia tay vợ sắp cưới… Những điều mà Kierkegaard trình bày trong tác phẩm Kinh hãi và run sợ giúp chúng ta hiểu hơn về sự phi lý, đặc biệt, đó là sự phi lý xuất hiện ngay trên bình diện đức tin.
Trong tác phẩm Kinh hãi và run sợ, Kierkegaard đã đề cập đến câu chuyện Apraham sát tế người con duy nhất của mình theo lệnh truyền của Thiên Chúa[3] làm nền tảng cho những suy tư của ông. Câu chuyện có thể tóm gọn như sau: Thiên Chúa đã thực thi lời hứa khi ban cho Apraham một người con là Isaac, trong lúc ông và vợ ông đã cao niên. Đó quả là niềm vui khôn xiết kể. Ấy vậy mà Thiên Chúa lại bảo ông sát tế người con duy nhất. Dẫu rằng, ông tin đó chỉ là thử thách của Thiên Chúa, thế nhưng, điều ấy vẫn quá là phi lý?
“Tại sao lại phải sát tế chính người con duy nhất mà không phải là chiên bò như những hy lễ quen dùng?”, “Liệu rằng Apraham sẽ có thể sống thanh thản sau khi đã ra tay sát tế chính con một của mình?” hay “Thiên Chúa là Đấng tốt lành tuyệt đối, tại sao lại muốn người cha tự tay sát hại người con vô tội của mình?”… Rất nhiều những câu hỏi giả định được đặt ra. Điểm chung của những câu hỏi đó là đều cho thấy đòi hỏi trên của Thiên Chúa xem ra thật “phi lý”. Vậy lệnh truyền của Thiên Chúa vẫn có đó “sự phi lý” hay chăng? Và trước lệnh truyền của Thiên Chúa, đâu là thái độ của tổ phụ Apraham? Apraham tin Thiên Chúa thật nhưng rõ ràng là ông cũng có lý trí. Lý trí sẽ cho ông thấy rằng mệnh lệnh của Thiên Chúa là oái ăm và khó chấp nhận. Và thực sự, lệnh truyền của Thiên Chúa là một đòi hỏi phi lý nếu nhìn dưới góc độ của lý trí lẫn luân lý. Thiết nghĩ, một thái độ tiêu cực của tổ phụ Apraham trước lệnh truyền đầy phi lý đó cũng là điều có thể hiểu được.
Làm sao có thể đón nhận sự phi lý này đây? Kierkegaard sẽ trả lời ra sao cho vấn nạn đó. Cũng cần biết rằng, một triết gia hiện sinh khác là Albert Camus đã mạnh mẽ lên án những gì là “phi lý”. Câu chuyện về nhân vật Sisyphus trong tác phẩm Thần thoại Sisyphus minh chứng cho điều đó. Nhân vật chính Sisyphus trong tác phẩm Thần thoại Sisyphus đã bị các vị Thần trừng phạt suốt đời phải đẩy một khối đá lớn lên đỉnh núi, khi lên tới đỉnh núi, anh phải đứng nhìn khối đá lăn xuống chân núi, và Sisyphus phải đẩy lại hòn đá lên đỉnh, cứ như vậy lặp đi lặp lại[4]. Đó là cuộc sống của anh. Và tác giả nhận định điều đó thật phi lý. Tác giả lên án những điều phi lý đó. Thế nên, thay vì bàn về câu hỏi “Sống để làm gì?” như bao triết gia khác, tác giả Camus lại đặt vấn đề “Có nên tự tử hay không?”. Dưới cái nhìn của Albert Camus, những điều phi lý thì chất chứa đầy những sự tiêu cực. Vậy đâu là góc nhìn của Kierkegaard? Câu trả lời nằm ngay ở sự lựa chọn của Apraham trước lệnh truyền của Thiên Chúa.
Lệnh truyền của Thiên Chúa: Một lời mời gọi
Nhìn vào nội dung cuốn sách Kinh hãi và run sợ, chúng ta thấy Kierkegaard chỉ suy nghĩ về sự kiện duy nhất này: Apraham tin tưởng vào Thiên Chúa và tin yêu Thiên Chúa đến nỗi đã quyết định giết con một của mình là Isaac để trọn niềm trung thành với Thiên Chúa.[5]
Thật vậy, đứng trước lệnh truyền của Thiên Chúa, tổ phụ Apraham đã chẳng nói một lời nhưng hành động của tổ phụ chính là câu trả lời. “Sáng hôm sau, ông Apraham dậy sớm, đem theo hai đầy tớ và con ông là Isaac…rồi lên đường đi tới nơi Thiên Chúa bảo…Tới nơi, ông Apraham dựng bàn thờ tại đó, xếp củi lên, trói Isaac con ông lại, và đặt lên bàn thờ, trên đống củi. Rồi ông Apraham đưa tay ra cầm lấy dao để sát tế con mình”.[6] Dĩ nhiên, Thiên Chúa đã không để việc sát tế Isaac xảy ra.
Apraham có thể làm được điều đó, vì Apraham là điển hình của con người tin yêu Thiên Chúa: ai yêu Thiên Chúa thì phải yêu Ngài trên hết mọi sự: vì yêu Chúa mà quên mình. “Ai yêu mình thì nên cao trọng vì mình, ai yêu người khác thì càng được trọng hơn; còn ai yêu mến Thiên Chúa thì nên cao trọng tột bậc”. Apraham xem Ý Chúa chính là hạnh phúc của mình. Apraham quyết chọn Ý Chúa bất chấp mọi sự.[7] Thế nên, Apraham đã lựa chọn vâng lệnh trong tương quan với Thiên Chúa: một lựa chọn đến trực tiếp từ Thiên Chúa mà không thông qua trung gian lý trí.
Quả thật, đức tin đã mở ra những không gian mà lý trí con người không tài nào hiểu nổi. Chắc hẳn, Apraham đã sẵn sàng sát tế Isaac vì niềm tin vào Thiên Chúa chứ bản thân tổ phụ cũng không thể nào hiểu nào lệnh truyền nghe có vẻ “phi lý” ấy của Thiên Chúa. Tổ phụ Apraham đã đón nhận lệnh truyền của Thiên Chúa nhờ đức tin. Nếu không có đức tin thì lệnh truyền của Thiên Chúa quả là đòi hỏi phi lý, nhưng với cái nhìn của đức tin thì đó trở thành một lời mời gọi. Dĩ nhiên, đức tin ở đây không phải là một sự cuồng tín nhưng đối lại là một niềm tin mang đầy tính tự do và trách nhiệm. Một lựa chọn là có tự do và trách nhiệm khi đó là lựa chọn tự ý với sự hiểu biết đầy đủ và can đảm gánh vác hậu quả. Apraham có quyền than phiền, chất vấn thậm chí là kêu trách Thiên Chúa. Nhưng không, trong thinh lặng, Apraham đã chọn lựa và đưa ra quyết định đầy tự do và trách nhiệm.
Kierkegaard cho rằng đáp lại lệnh truyền của Thiên Chúa vốn vượt trên lý trí mới là hành động của đức tin đích thực. Tổ phụ đã đón nhận lệnh truyền của Thiên Chúa không bằng cái nhìn phi lý của lý trí nhưng dưới ánh sáng của đức tin, lệnh truyền của Thiên Chúa đã trở nên một lời mời gọi: tin và dấn thân. Lời mời gọi của Thiên Chúa đã được tổ phụ đáp trả và Thiên Chúa đã xoá tan tất cả những gì là phi lý, là thử thách và biến thành niềm hân hoan cho tổ phụ Apraham vì từ đứa con này, Thiên Chúa sẽ thực hiện mọi điều Người đã hứa. Và quả thật, lời hứa đã được thực thi.
Còn đối với chúng ta, lệnh truyền của Thiên Chúa có phi lý hay chăng?
Trong hành trình làm môn đệ Đức Giêsu, mỗi người, cách này hay cách khác, cảm thấy nơi những đòi buộc, những giáo huấn của Thiên Chúa những điều làm chúng ta cảm thấy không thoải mái, khó đón nhận, khó hiểu và thậm chí là thật “phi lý”. Thế mà theo bản tính, chúng ta thường thích đi tìm những điều mà chúng ta xem là “hữu lý” hoặc giải thích mọi điều sao cho “hữu lý” theo ý của chúng ta, dẫu cho có đi ngược lại với ý muốn của Thiên Chúa đi chăng nữa. Một cuộc giằng co xảy ra trong chính nội tâm mỗi người. Dù thế nào đi chăng nữa, mỗi người buộc phải có cho mình một chọn lựa. Là những người môn đệ Đức Giêsu, chúng ta không có chọn lựa khác ngoài chọn Lời của Thiên Chúa. Thế nên, điều đó đôi khi làm chúng ta mệt mỏi và không thoải mái. Hệ lụy kéo theo là sự phàn nàn với Thiên Chúa, “hờn dỗi” Ngài và thậm chí là quay lưng với Thiên Chúa để đi theo những điều mà con người nghĩ là “hữu lý” hơn.
Những lời của Đức Giêsu sẽ không ngừng chất vấn chúng ta. Chúng ta cũng sẽ như Apraham phải đưa ra sự lựa chọn của bản thân trước lệnh truyền của Thiên Chúa. Chúng ta sẽ đón nhận nó như thế nào? Phản ứng lại với sự phi lý của nó hay là đón nhận như một lời mời gọi? Mẫu gương của tổ phụ Apraham qua những suy tư của Soren Kierkegaard cho chúng ta một hướng đi, hướng đi của đức tin. Đức tin làm cho những điều xem ra “phi lý” trở nên một lời mời gọi người tin đi vào trong tương quan với Thiên Chúa.
Tóm lại
Apraham, Cha của những kẻ tin, cũng đã trải qua những kinh nghiệm trước những lệnh truyền của Thiên Chúa. Không chỉ là những lời hứa ban điều tốt lành mà còn cả những lệnh truyền nghe ra có vẻ “phi lý”. Apraham đã đón nhận những lệnh truyền đó bằng đức tin mạnh mẽ của mình, chính nhờ đó, những lệnh truyền “phi lý” đã trở nên lời mời gọi. Lời mời gọi Apraham tín thác và bước đi trong tương quan nghĩa thiết với Thiên Chúa. Qua đó, lời hứa của Thiên Chúa được thực thi trên Apraham và con cháu tổ phụ qua muôn thế hệ.
Quả thật, như lời của chính Soren Kierkegaard đã nhấn mạnh: nhờ con người chấp nhận những gì xem ra là phi lý mà Thiên Chúa đã mở cánh cửa đức tin ra và ôm lấy những ai tìm đến với Ngài.
Chú thích:
[1] Trần Thái Đỉnh, Triết học hiện sinh, Nxb Văn hoá (2005), tr. 80.
[2] Soren Kierkegaard (1813-1855) sinh tại Copenhagen, Đan Mạch. “Triết hiện sinh đã phát xuất từ những suy tưởng của Kierkegaard, còn Heidegger hay Jaspers, Sartre hay Marcel chẳng qua chỉ là những triết gia đào sâu thêm và có công phổ biến” (Trần Thái Đỉnh, Triết học hiện sinh, Nxb Văn hoá (2005), tr. 81).
[3] St 22,1-19, Kinh Thánh ấn bản 2011, Bản dịch của nhóm CGKPV, Tôn giáo, Hà Nội, 2011.
[4] Albert Camus, Thần thoại Sisyphus, Dg: Trương Thị Hoàng Yến – Phong Sa, Nxb Trẻ (2014), Trích Lời giới thiệu
[5] Trần Thái Đỉnh, Triết học hiện sinh, Nxb Văn hoá (2005), tr. 101.
[6] St 22, 3.9.10
[7] Trần Thái Đỉnh, Triết học hiện sinh, Nxb Văn hoá (2005), tr. 102-103.