Tác giả: Lm. Phêrô Nguyễn Đức Vinh, SVD
“Vinh quang Thiên Chúa là con người sống động.” (Thánh Irênê) [1]
Con chỉ là một đầy tớ vô duyên, bất tài
Đây là một lời từ bài thánh ca “Tình Chúa yêu con” của Hải Linh & Vũ Đình Trác. Lời này ưa được dùng trong các bài cám ơn, các lời nguyện hay trong các lời tâm sự. Vài thí dụ: “Con xin cám ơn Đức Cha […] đã dành cho con diễm phúc là được tiếp tục cộng tác với Đức Cha trong việc chung của Giáo Phận và đặc biệt, hôm nay, Đức Cha còn đề bạt, thỉnh cầu Đức Thánh Cha ban cho con tước hiệu Giám Chức Danh Dự này. Mặc dầu con chỉ là một đầy tớ vô duyên bất tài.[2]” Tương tự, một tu sĩ bày tỏ tâm trạng mình: “Lạy Chúa, con cứ hoang mang và lo sợ, sợ mình sẽ trở thành một khí cụ vô dụng. Con sợ phải lên tiếng thưa với Chúa: “Lạy Chúa, con chỉ là đầy tớ vô duyên bất tài![3]”
Giám mục cũng tự coi mình là “người mục tử bất xứng của anh chị em”[4]. Và rồi chúng ta không ngạc nhiên khi một nữ tu nói: “Con nỏ thích đi học thần học mô, vì khả năng con không có. Con nỏ biết mô tê gì. Khả năng Chúa ban cho con chỉ có một nén nên con chỉ là một đầy tớ vô dụng mà thôi.” Trong bài tạ ơn sau lễ phong chức một tân linh mục thay mặt anh em thú nhận: “Chúng con chỉ là những người tội lỗi, bé nhỏ về đức hạnh, thấp kém về tài năng…“[5].
Đứng trước Thiên Chúa thì con người chúng ta quả thật là nhỏ nhoi và bất xứng. Nhất là khi chính chúng ta đang ở trong tình trạng tội lỗi, hay khi phải đối diện với những thất bại ê chề của mình. Hoặc đang choáng váng vì ân phúc được đón nhận vượt quá sức tưởng tượng, không dám mơ tưởng đến. Nhìn bản thân như “là những đầy tớ vô dụng” (Lc 17,10) vẫn được hiểu được cho là một biểu lộ của “thái độ khiêm tốn thực sự”. Hiểu như vậy, Vietcatholics ưa thích tô đậm chiều kích khiêm hạ trong các lời kinh lời ca của mình. Ít ai đặt câu hỏi: Việc lập lại lời hạ mình như thế có thực sự giúp chúng ta đạt đích, là trở nên những con người thực sự khiêm tốn?
Nếu được vậy thì tại sao những “đầy tớ thấp hèn” thường rất thích được ưu đãi và được chúc tụng, ưa hoành tráng phô trương và ham quyền ham danh, ham thành tích và ham tiền đến thế? Hay tại sao những lời ngạo mạnh đỉnh nhất lại đến từ miệng những người tự xưng mình là “đầy tớ” thấp nhất? Tại sao thái độ trịch thượng, quan liêu kẻ cả với giọng điệu ban ơn là những nét tiêu biểu nơi những người cho mình là những “đầy tớ bất xứng”?
Cần phải hỏi, vì phía những người suốt đời chỉ được dạy cúi đầu vâng phục bởi thuộc thành phần thấp cổ bé miệng, thì các “khẩu hiệu đạo đức” loại này không giúp thay đổi thái độ sống một cách tích cực. Nghĩa là những con người với tâm thức đầy tớ-nô lệ cần những lời động viên khác hơn, để có thể nhận ra danh dự mình là “con Trời” và hướng phát triển đúng đắn, thay vì cứ đi lại những lối mòn phản tác dụng và nhất là phản Tin Mừng như vậy!
Thử hỏi có cha mẹ nào vui mừng khi con cái mình hãnh diện rêu rao về bản thân là những người vô duyên bất tài? Thiên Chúa có muốn tạo dựng toàn là những “đầy tớ vô dụng”? Báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ mình cách “khiêm hạ” như vậy có là cách đáng để quảng bá và lưu truyền? Đó có thực là Tin Mừng cần được loan báo cho những người nghèo – những kẻ không có tiếng nói và đứng bên lề xã hội? Và quan trọng hơn hết cần phải đặt câu hỏi: Những khẩu hiệu đạo đức về tính khiêm hạ phản ảnh một hình ảnh con người tiêu cực như vậy, có truyền tải một hình ảnh Thiên Chúa đúng đắn và trọn vẹn?
Tùy khả năng riêng mỗi người
Đi xa không hẹn ngày về, ông chủ trong dụ ngôn các nén bạc (Mt 25,14-30) trao hết của cải mình cho các đầy tớ. Ông để cho họ tự do quyết định, phát triển khả năng sáng tạo và ý thức trách nhiệm của họ. Nghĩa là ông trao hết quyền hạn cho các đầy tớ trong một thời gian không ấn định. Trong khoảng thời gian đó, họ là chủ trên toàn cả gia sản của ông, dù họ muốn làm lời hay không.
Đức Giêsu trao cho chúng ta một Lời thật lớn trong dụ ngôn này. Người không tính đến điều gì chúng ta có thể hay không nên làm, không hù dọa hay gây áp lực làm cho chúng ta mất can đảm rồi làm nhỏ mình, và cản ngăn sự tự tin của con người. Tin tưởng và trao ban vốn liếng tùy khả năng riêng cho thấy rằng: Chúa muốn khuyến khích và ủng hộ mỗi người một cách. Đây là một dụ ngôn cho Nước Trời nên có thể nói rằng: Thiên Chúa, là ông chủ, lánh đi để con người làm chủ thay Chúa; Người vắng mặt để tạo cơ hội để chúng ta/tôi phát triển mọi tài năng.
Cả khi con người lạc lối, thì “Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người, để họ còn ăn năn hối cải”, bởi vì Chúa “xót thương hết mọi người” (Kn 11,23). Nói vậy nghĩa là con cái Thiên Chúa không cần phải định nghĩa mình như là những “đầy tớ vô duyên bất tài”, cho dù với ý rất tốt lành. Những lời tiêu cực và đòn roi không là sự động viên tốt, như ngành tâm lý giáo dục hiện đại nhận ra. Việc lập lại những lời hạ thấp giá trị của con người cũng không giúp ý thức vị thế “không kém thần linh là mấy” (Tv 8) của họ. Trái lại, việc làm đó chỉ tạo ra sợ hãi và tô đậm những mặc cảm thua thiệt, thấp kém và cảm giác bất xứng. Đây chính là lối suy nghĩ và cảm nhận của người đầy-tớ-một-nén. Hậu quả của lối suy sai lệch phá hủy tương quan với ông chủ và kềm hãm sự sống của chính mình, khiến anh không thể lớn lên trong hồn và trong nhân cách. Chôn vùi vốn liếng Trời ban cho nên đời anh kết thúc trong thất bại hoàn toàn.
Trách hỏi “Thế sao anh không” ông chủ muốn chỉ cho thấy: Trước thực tế chênh lệch vốn liếng người đầy-tớ-một-nén vẫn có thể hành động một cách tích cực để được gọi là “tài giỏi”. Anh vẫn có thể chu toàn trách nhiệm cách tối thiểu, để không trở nên đầy tớ mang tiếng là “tồi tệ và biếng nhác”, nếu anh làm cái việc nhẹ nhàng nhất có thể, là chịu “bỏ bạc vào ngân hàng”. Chừng đó thôi là đủ. Điều đáng để ý ở đây là: ngay cả khi có suy nghĩ tiêu cực về chủ vì đã trao ít vốn liếng, thì người đầy-tớ-một-nén vẫn có thể làm lời. Việc chôn giấu phản ảnh lối suy “tồi tệ” về chủ, và sự “biếng nhác” đáng trách đáng phạt của mình. Anh đã không “trung thành”, vì không tìm đủ mọi cách chu toàn nhiệm vụ được trao cho dù ở mức tối thiểu, là đưa tiền gửi “nhà bank.” Giao phó của cải mình tuỳ theo khả năng riêng của mỗi người muốn nói rằng: Ông chủ biết khả năng của các đầy tớ và tin tưởng họ có thể làm việc với số vốn được trao.
Khác với hai đầy tớ kia, người nhận một nén quả quyết rằng anh biết ông chủ là một người “hà khắc” và hành động ngược đời: “gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi”. Nghe ra như người này không hài lòng với những gì anh nhận được. Anh đánh giá mình khác và chờ đợi một số vốn lớn hơn, dù không thổ lộ điều này. Thất vọng với những gì được trao cho, anh từ chối làm việc. Nhưng so sánh như vậy có nghĩa là người này không muốn công nhận thẩm quyền của ông chủ, kẻ có quyền trao ban cho ai bao nhiêu theo ý mình. Ông ta là chủ mà![6]
Khi đã có định kiến thì người ta không còn tự do trong suy nghĩ. Chỉ còn trượt dọc theo một hướng, ở đây là hướng tiêu cực. Đóng khung ông chủ vào một hình ảnh nhất định khiến người đầy tớ-một-nén trở nên tê liệt trong sợ hãi, đầy mỉa mai chua chát. Nhấn mạnh một chiều nhìn, người đầy tớ mù trước những mặt tích cực nơi mình và trong cuộc đời. Một cám dỗ dẫn đến những đòi hỏi và chờ đợi viễn vông, làm như chúng ta có thể ra điều kiện cho ông Trời, cho cuộc đời! Sự tin tưởng của ông chủ là vốn liếng to nhất mà người đầy tớ đón nhận, chứ không là số nén được trao. Có tin được như vậy thì có thể tự tin vào khả năng của mình, và bước làm lời sẽ dễ dàng và thành đạt.
Những gì người đầy-tớ-một-nén nói về người chủ thì cũng nói về mình: anh bộc lộ một “cái bụng” không tròn. Là người Việt chúng ta quen câu suy bụng ta ra bụng người. Cần một lần đặt câu hỏi cơ bản: Tại sao chúng ta lại chỉ có thể suy diễn tiêu cực từ lòng mình chứ không ngược lại – là suy tích cực về người khác? Sự phóng chiếu như vậy tỏ bày rõ ràng một trạng thái chủ quan tiêu cực trong tiềm thức của người suy. Với một cái “bụng” méo mó, người đầy-tớ-một-nén không thể nghĩ tốt hơn về chủ mình. Anh ta đã không thấy được thực tế nơi người chủ, là: tin tưởng anh và biết khả năng của anh khi trao một nén. Những suy nghĩ sai trái tác động như chất độc trong mình. Và khi ném nó vào người nghe, thì cũng gây thương tích và làm đau người nghe với những độc tính đó.
Được yêu thương và được mời gọi, được tha thứ và được sai đi
Khiêm nhường kiểu “vô duyên bất tài” không thể là điểm cần tô đậm trong linh đạo, nhất là cho những con người được giáo dục và phải sống như những robots từ nhiều thế hệ! Đạo phải là con đường dẫn đến một Thiên Chúa vô cùng to lớn, vượt xa những gì con người có thể hình dung ra. Đạo cần trợ giúp con người khám phá ra mình như là con yêu dấu của Thiên Chúa, là ánh sáng cho thế giới, là muối men cho đời. Đây là sứ vụ to lớn mà Đạo Chúa cần thực hiện và cần nhấn mạnh. Cụ thể là động viên con người khám phá những vốn liếng trời trao được cất giấu trong chính mình – như đi tìm viên ngọc quý. Ngọc thì nằm kín sâu sau lớp đá thô sần sùi nên cần một cuộc đi vào nội tâm, vì nhìn từ bên ngoài khó có thể nhận diện. Giá trị thực sự hiện rõ khi được phá vỡ lớp vỏ và được mài giũa công phu đúng với hình thù của riêng nó. Nghĩa là chỉ qua một tương quan tích cực với chính mình và qua việc tu luyện, tôi mới có thể tỏa sáng trong sự độc nhất vô nhị.
Trong bối cảnh một văn hóa, nơi cá tính và suy nghĩ độc lập được hiểu tiêu cực, nơi danh dự con người như là nhân vị và các quyền lợi cơ bản chưa hề thực sự được tôn trọng, thì con người cần đến những lời khai sáng và giải thoát. Là lời giúp phát triển sự tự tin, lòng tự trọng và giúp hãnh diện về bản thân, về các thành tích đạt được của mình. Lời giúp cho họ biết điều mình thực sự muốn, động viên họ khám phá và làm lời những tài năng Thiên Chúa đặt vào trong đời mình. Lời giúp con người yêu thương được mình. Cuộc đời cần được hiểu như một cuộc mạo hiểm khám phá ra sự độc nhất vô nhị của bản thân, sự tự do tự chủ làm nên nhân vị (person).
Thiên Chúa yêu thương mời gọi, tha thứ và sai tôi đi như một con người có một không hai. Hỏi có của lễ nào đẹp hơn để dâng lên Thiên Chúa hơn là đáp trả cái tình thiên thánh, vô điều kiện trong sự biết ơn. Đời tôi là món quà Thiên Chúa ban, và tôi làm cho đời tôi thành một món quà dâng lại cho Thiên Chúa – đó là điều Thần Khí dạy[7]. Nhấn mạnh tính “vô duyên bất tài” của mình cổ xúy lối suy nghĩ và hành động của người đầy-tớ-một-nén – mà thật lòng không ai trong chúng ta muốn trở thành. Hơn nữa, khi làm như vậy chúng ta quên rằng Thiên Chúa được “tôn vinh”, khi các môn đệ của Đức Kitô, là chúng ta, “sinh nhiều hoa trái” (Ga 15,8). Thiên Chúa muốn sự phát triển toàn diện và sự thỏa đáp đích thực các khát khao của con người. Đức Giêsu đến là để con người chúng ta được “sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Chúng ta không còn là những đầy tớ hay nô lệ, những người phải sợ hãi, mà là những người đã đón nhận Thần Khí, trong đó Cha và Con hoàn toàn hiệp nhất, và trong đó cả chúng ta là con cái Thiên Chúa được kêu như Đức Giêsu: “Abba, Lạy Cha” (Rm 8,15t.) ●
Chú thích:
[1] Từ tác phẩm „Chống lại các lạc giáo“ (Adversus haereses) của thánh Irenäus thành Lyon (135-202).
[2] Từ: Lời cám ơn của Đức ông Đaminh Hà Duy Khâm, trên trang của Gp. Banmê thuột, posted ngày 04/04/2012.
[3] https://dongten.net/2014/02/17/lay-chua-con-day-58/
[4] Nguyên văn: “Ba anh em giám mục chúng tôi, Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Đức Cha Luy Nguyễn Anh Tuấn, và bản thân tôi, người mục tử bất xứng của anh chị em, Phaolô Bùi Văn Đọc, cùng ký tên dưới lá thư mục vụ này.” Thư Mục Vụ Mùa Chay và Mùa Phục Sinh 2108, Nr. 1 (05.02.2018).
[5] Nếu họ khai thật như vậy trong đơn xin gia nhập dòng, thì hỏi có dòng nào dám nhận họ không?
[6] Xem: Dụ ngôn thợ làm vườn nho (Mt 20, 1-16).
[7] „Der Heilige Geist lehrt uns, aus unserem Leben ein Geschenk zu machen“, Raniero Cantalamessa, Komm Schöpfer Geist. Betrachutng zum Hymnus Veni Creator Spiritus, Freiburg ²1999.