“Có thật Thiên Chúa bảo …?”

0
456

 

Tác giả: Lm. Phêrô Nguyễn Đức Vinh, SVD

Nói hành nói tỏi

Thực tế là không ai trong chúng ta thiếu kinh nghiệm về việc buôn chuyện người khác. Chỉ khác là kẻ ít người nhiều. Và có những kẻ thật nhiều – làm như là bị nghiện vậy. Đàng sau thực tế đó là một nhu cầu của con người. Một cô gái tuổi chớm giậy thì, vì nói nhiều quá nên bị mẹ cấm nói một buổi, tóm tắt nhu cầu đó như vậy: “Sống mà không được nói thì hỏi sống làm gì?” Bởi vậy, chúng ta không lấy làm lạ khi việc chia sẻ thông tin, tâm sự (khi kể về mình), nói chuyện với người khác (đối thoại) và nói về người khác (buôn chuyện) luôn biết nhiều cách để thực hiện.[1]

Nói hành nói tỏi là một cách mô tả khía cạnh đáng chú ý của thói quen buôn chuyện khó bỏ. Nhu cầu nói thì cần thiết như việc nấu nướng và không ai phản đối; nhưng nói tiêu cực về người khác thì giống như thêm bớt hành tỏi vào thức ăn. Mục đích cũng là để cho các câu chuyện được bàn thêm kịch tính, hấp dẫn và kích thích ngưởi kể cũng như người nghe.

Vấn đề là khi cho nhiều hành tỏi quá thì thức ăn bị phá hủy. Những gì được chuẩn bị với nhiều công sức hết ngon hay không còn thưởng thức được. Hơn nữa, thức ăn đó không còn phục vụ sự sống mà còn có thể gây bệnh. Phóng đại quá sức với việc thêm thắt của buôn chuyện cũng vậy: các câu chuyện được kể không còn mang niềm vui sự sống mà chỉ phí thời gian sống, gây bệnh cho tâm hồn và có thể giết chết nạn nhân. Các câu chuyện được kể mất giá trị và người kể mất đi sự đáng tin cậy. Nếu các câu chuyện về một người chỉ mang màu sắc tiêu cực và kết thúc luôn là trong đại nạn hay trong hỏa ngục, thì chúng gây sợ hãi và tạo nên một bầu khí nặng nề ngột ngạt. Người nghe cảm thấy hoang mang lo lắng, mệt mỏi hay đơ cứng – giống như bị đầu độc. Tâm hồn như bị đè kéo dần xuống âm phủ, vì bị rút dần chất sống. Dù vậy, hầu hết chúng ta hành động một cách kỳ lạ khi ưa tìm tới thưởng thức các cuộc buôn chuyện vô bổ như vậy. Cần một lần nhìn sâu hơn vào trong lòng để hiểu được tại sao.

Có thật Thiên Chúa bảo…?”

Để hiểu được tại sao có người nghiện buôn chuyện và chúng ta nghiện hóng chuyện thì cần phải suy tìm, phải phân tích các nguyên nhân sâu xa chính nơi mình. Có vậy mới mong tìm ra các phương cách chữa lành. Nếu không, chứng nghiện đó sẽ gây nhiều tai hại (có khi gây chết người) cho bản thân và cho đồng loại, như mọi thứ nghiện ngập khác. Đâu là các nguyên nhân (hay động lực) khiến tôi thích buôn chuyện thiên hạ?

You có biết, có nghe ...” là cách chào hàng quen thuộc của người buôn chuyện. Câu hỏi muốn ám chỉ rằng chỉ tôi mới độc quyền tiếp cận các nguồn thông tin bí mật. Tôi đề cao mình và sự quan trọng của mình qua đó. Trong thiên hạ không ai biết điều tôi biết. Và tất nhiên là tôi chỉ nói cho một mình you nghe mà thôi! Thực ra, vô tình hay cố ý tôi làm vậy là để trả thù, để gièm pha hay bôi nhọ, để giảm hạ uy tính danh giá một người mà tôi ghen ghét hay ganh tỵ. Hay để chia rẻ, muốn người nghe lánh xa hay ghét bỏ người bị kể. Hoặc tôi kể lại vì thầm vui mừng trên sự đau khổ, về những yếu đuối lỗi lầm và sự bất toàn của người khác – vì tự ti mặc cảm. Có khi chỉ là một thói quen không lành. Thời nay có thật nhiều thông tin về một người, mà không ai biết đúng sai và không rõ nguồn gốc, được phổ biến trên các phương tiện truyền thông xã hội. Có khi chúng được sản xuất và truyền chuyển với chủ ý không ngay lành, và chúng ta vô tư chuyển tiếp cho nhau những tin này. Buôn những chuyện như vậy gây tổn thương người khác và phung phí thời gian sống của mình.

Có thật Thiên Chúa bảo?” là câu hỏi con rắn đặt cho bà Evà trong vườn Êđen. Câu hỏi úp mở gây gợi sự tò mò và tác động như một nọc độc được chích vào người. Lời đó xâm nhập vào những con người đầu tiên, thấm dần vào tim óc và thân xác họ. Sự đầu độc hiện rõ khi họ bắt đầu nghĩ khác về tương quan giữa Thiên Chúa và họ, về vị thế và quyền lực của họ trước Tạo Hóa. Nọc độc đó cuối cùng đã khiến họ bị đuổi ra khỏi vườn Êđen và đã đưa thần chết vào đời họ. Chất độc đó đã truyền đến con cháu, đến chúng ta. Nhìn như vậy, buôn chuyện kiểu con rắn giúp phát tán chất độc tai hại đã được tiêm vào bà Evà. Truyền kể tiếp những tin tức hại người còn giúp gia tăng quyền lực của con rắn và các hậu duệ của nó, là những nhà cung cấp vô danh các nguồn tin không thật.

Nói cách khác: khi buôn chuyện tôi giúp mở rộng bóng tối và sức mạnh của sự dữ. Evà đã không giữ câu hỏi của con rắn cho mình mà đã kể tiếp cho Ađam; bà đã không ăn trái cấm một mình mà đã trao tiếp. Và hậu quả thì vậy: sự dữ lấn chiếm hồn và đời con người và tin dữ trở nên hấp dẫn và được kể đi kể lại. Một vòng lẩn quẩn tai hại chết người được kích hoạt, và vẫn hoạt động với sự cộng tác đắc lực của chúng ta.

Làm thế nào để hết chứng nghiện buôn chuyện?

Kinh nghiệm hàng ngày cho thấy chúng ta vẫn siêng năng đọc kinh xem lễ hàng ngày mà vẫn vô tư buôn chuyện. Không có sự khác biệt đáng kể giữa tu sĩ và giáo dân ở điểm này. Việc đạo đức đó không vô ích nhưng coi bộ chưa biến đổi người cầu nguyện như ta muốn. Có gì thiếu?

Chúa Giêsu nói với các kinh sư và người Pharisêu, cũng như những người đã đồng ý kết án và muốn ném đá người phụ nữ ngoại tình: “Ai trong các ông sạch tội?” (Ga 8,7). Phản ứng của các ông là: thinh lặng rút lui. Đúng vậy, để bắt đầu cuộc thay đổi tận căn tôi cần phải rút lui vào thinh lặng, là nơi tôi học nhìn vào lòng mình. Khả năng đồng cảm và thấu hiểu người khác bắt đầu nơi việc nhìn sâu vào trong nội tâm. Tôi cần học làm quen với mình, cảm nhận bản thân như tôi là (chứ không như tôi cho là hay thiên hạ cho là). Can đảm nhìn vào lòng mình và để nhận ra mặt trái giúp tôi nhận ra được rằng: nhiều điều tôi đánh giá, phê bình, lên án nơi người khác khi buôn chuyện tôi cũng tìm thấy trong tôi. Các cách hành xử nơi người khác mà tôi phản đối khi kể tiếp, chính là những cám dỗ và những nguy cơ tôi cảm nhận được trong mình. Đó chính là những gì tôi ưa gán lên cho người khác. Cái hứng thú buôn chuyện người khác xuất phát từ cái chán ghét mình trong tôi.[2]

Những kẻ tố cáo có cơ hội đi vào lòng mình và nhìn nhận rằng: “Tôi cũng là một tội nhân!” Chỉ khi nào tôi nhìn nhận, công nhận rằng mình cũng phạm tội, rằng tôi cũng tham lam, ham muốn đủ thứ, cũng không sống thật, cũng mê nghiện đủ điều, cũng yếu đuối, cũng lỗi lầm, thì tôi mới có hi vọng đổi thay. Ý thức tình trạng thật của lòng mình, và sự thừa nhận đó phải chạm lòng tôi. Tôi không trốn tránh hay làm cho có cho qua, mà nhìn nhận rằng: Tôi đã tự lừa mình lừa người, đã làm bộ bề ngoài đạo mạo nghiêm trang, chứ bên trong thì không ổn chút nào.

“Người phạm tội” trong tiếng Hi Lạp có nghĩa là “tự lừa mình, thiếu khách quan, sống không chú tâm đến bản thân”. Vậy, phạm tội cũng có nghĩa là đã sống quên mình và chỉ nghĩ chỉ lo chuyện thiên hạ. Không tập trung đi đường mình mà chia trí lo ra nên lạc lối lạc đường, không tiến xa được. Không lo sống đời mình mà đi sống dùm sống thay cho thiên hạ, dù không ai nhờ vả! Quay về với mình là điều cần làm. Tôi cần hồi tâm và cần sự chân thành, nếu tôi muốn có sự đổi thay thật – nghĩa là muốn có sự phát triển nhân cách và đời sống thiêng liêng.

Có một tu sĩ phạm lỗi. Cả cộng đoàn họp lại để luận tội. Vị bề trên thấy vậy không tham dự, nhưng cũng không lên tiếng bảo vệ người anh em yếu đuối. Thay vào đó, ngài hốt một rổ cát và vác trên lưng đi vòng quanh hội trường. Các tu sĩ tò mò hỏi bề trên về ý nghĩa của việc làm đó. Ngài nói: ai cũng vác tội lỗi của mình trên vai như vác rổ cát này, nhưng không ai nhận ra tội mình dù sau lưng cát rơi và bụi mịt mù. Chỉ người có tội là không nhận ra tội mình thôi.[3]

Thật vậy, nếu tôi nhìn nhận tội lỗi của tôi rồi, tôi sẽ rất cẩn thận khi muốn tố giác người khác. Can đảm nhìn nhận sự thật của mình, chúng ta sẽ không còn lên án người khác. Sách Châm ngôn khuyên “đừng giao du với kẻ lắm lời, ưa tiết lộ điều bí mật (20,19), chỉ thích phô bày cảm nghĩ riêng chứ không ưa chuyện hiểu biết” (18,2). Vì những điều tranh cạnh được kẻ hay thèo lẻo gieo, sẽ làm phân rẽ những bạn thiết cốt (Cn 16,28).

_________

Chú thích:

[1] Theo kết quả thăm dò ý kiến của tổ chức Words Can Heal thì có 117 triệu người Mỹ (tổng số dân 328,2 triệu) nghe hoặc buôn chuyện về người khác (gossip) ít nhất một hoặc hai lần trong tuần; 51 triệu người nhận là nói điều không hay sau lưng người khác một-hai lần trong tuần; 63 triệu người cho hay người khác nói xấu về mình một-hai lần trong tuần; 68% nói buôn chuyện là một vấn nạn tại trường học; 79% tại nơi làm việc; 80% trong chính trường; 84% trong tin tức truyền thông.[1] Theo: Bs Nguyễn Ý-Đức, in: Người Việt, ngày 16/6/2019.

[2] Eugen Drewermann, Das Matthäusevangelium: Bilder der Erfüllung, Olten/Freiburg 1992, 579-590.

[3] Anselm Grün, Tiếng nói trong sa mạc. Antôn & Đuốc sáng 23.

Bài trướcNgày 02/06 – SỐNG KHOAN DUNG THA THỨ
Bài tiếp theoNgày 03/06 – BẠN ĐÃ LÃNH NHẬN BÍ TÍCH THÊM SỨC ?