Chuyện của ông bảo vệ nhà thờ

0
277

Thêm cái Xuân vừa qua, ông Nguyễn Văn Cát 78 tuổi. Cao niên là vậy nhưng ngót chục năm rồi ông vẫn miệt mài với công việc bảo vệ nhà thờ Chánh tòa Hải Phòng. Ông cho đó là niềm vui tuổi xế chiều.

Từ nhà ông Cát, đi xe máy chừng mươi phút thì đến nhà thờ Chánh tòa. Khoảng 3.000 dân của xứ mẹ hẳn không ai không biết ông. Ông Cát làm tổ phó bảo vệ, trong đội còn 5 người nữa. Tất cả thay phiên nhau trực cả ngày, cả đêm, quanh năm, để trông coi xe cộ cho giáo hữu yên tâm dự lễ và gìn giữ tài sản chung của toàn địa phận. Ông xuất hiện thường trực ở nhà thờ mẹ, có mặt gần như trong tất cả các sự kiện quan trọng, lễ lớn, lễ nhỏ.

Ông Cát trong phòng làm việc quen thuộc của Gx Chánh toà Hải Phòng

Về hưu sau những tháng năm cật lực trong công việc của một công nhân cơ khí, ông có nhiều thời gian hơn để gắn bó với nhà Chúa. “Tham gia vào chân bảo vệ thấm thoát mà chục năm. Có đủ cả chuyện vui buồn, nhưng vượt trên tất cả là niềm thanh thản lúc tuổi già. Tôi được gần nhà thờ, gần các cha, tới lui với các ngài giữ cho lòng đạo mình bền cháy”, ông tâm sự. Ông chỉ mong gia đình bình an, các con cháu công việc ổn định và chu toàn bổn phận đạo đức. Vậy là ông vui. Nhâm nhi li cà phê nóng, ông Cát trải lòng: “Cũng mấy bận ở đây bị mất xe. Một phần vì lễ quá đông người, không thể trông coi hết nên bị kẻ xấu lợi dụng. Không biết rõ là ai lấy nhưng khi sự việc xảy ra thì tổ phải đền. Rồi về sau rút kinh nghiệm, chúng tôi tổ chức chặt chẽ hơn”. Ông lão ngậm ngùi. Nhưng cũng có nhiều chuyện vui hằng ngày, tỷ như ông được trò chuyện cùng nhiều đấng bậc, tu sĩ; gặp gỡ nhiều giáo dân xa gần, hướng dẫn họ nhanh chóng giải quyết các thủ tục mỗi khi cần thiết… Người ta luôn dễ bắt gặp hình ảnh một ông cụ rành mạch mọi việc trong ngoài. Nữ tu Maria Nguyễn Thị Huyền, thành viên tu hội Tận hiến, giáo phận Hải Phòng, nói về người gác cổng nhà thờ: “Ông Cát nhiệt tình lắm. Ông sống thân tình và cởi mở với anh chị em. Dường như cả nhà ông đều sốt sắng việc đạo như thế”.

Quét sân nhà thờ

Có một chi tiết thú vị là, cụ ông 78 tuổi này không phải là người đạo gốc mà là một tín hữu tân tòng. Thời còn trẻ, ông với bà yêu nhau. Suốt 8 năm hẹn hò, những lần đón đưa nhau tới lui giáo đường, ông cũng học dần câu kinh, lời ngẫm. Ông mạnh dạn xin cha mẹ theo đạo của vợ mình. Và từ đó, ông trở thành một tông đồ. Ông với bà có hai người con. Người con cả không may đã mất cách đây hai năm. Anh con út tham gia đánh đàn nhà thờ ngay khi còn rất nhỏ. Bà cụ bước sang tuổi 74, mắt mờ, chân chậm, vì thế ở nhà trông chừng các cháu, sớm chiều nguyện kinh đều đặn. Trong gian phòng khách nhỏ hẹp của căn nhà nơi nội ô thành phố Hải Phòng, cụ bà kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về gia đình mình. Bà nói về những ngày còn gian khó, cái thuở kết duyên thành vợ thành chồng, cả hai chắt chiu qua ngày với đồng tiền ít ỏi. Bà tường thuật những chuyến hành hương trẩy vào đến La Vang hay tận Bạc Liêu để viếng mộ cha Diệp, dù khi ấy kinh tế gia đình còn nhiều chật vật. Bà rớm nước mắt khi hồi tưởng về sự ra đi của người con cả mình. Và, bà nói về người bạn đời bằng những lời xúc động: “Ông đấy, suốt mấy chục năm đều chân thành, sống tin tưởng phó thác như vậy. Làm gì thì làm, nhưng chẳng quên việc Chúa. Chúa thương cho gia đình tôi, mọi khổ sở rồi cũng qua. Những ngày tháng này, chúng tôi tha thiết cầu nguyện với lòng tín thác, chỉ xin Chúa dẫn đưa để mọi sự tốt đẹp, bình an. Hằng ngày, chúng tôi vẫn nhắc con cháu mình tạ ơn Chúa”.

HÙNG LUÂN

Bài trướcThường Niên – Tuần X – Năm C
Bài tiếp theoTĩnh Tâm Năm 2019 Tỉnh Dòng Ngôi Lời – Giuse Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây