Cho lòng tìm thấy lẽ hằng

0
191

Lm. Phêrô Nguyễn Đức Vinh

Một ngày như ngàn năm …

Con người cần một tầm nhìn xa hơn chốn này để có thể “sống vẹn toàn” (Tv 14,2). Mà chốn kia được đặt tên khác nhau, tùy thuộc vào các truyền thống tôn giáo. Có nhiều cách gọi, vì có nhiều Đạo gây ảnh hưởng trên cách nhìn về thế giới sau cái chết của chúng ta. Phần sau đó được gọi là kiếp sau, cõi hằng, vĩnh cữu, ngàn thu, thiên thu, bất tận, đời đời, muôn đời …

Cả những người không tin vào thần thánh cũng không muốn thiếu một tầm nhìn xa hơn là bây giờ:
Họ cũng mơ sống mãi, muôn năm, bất diệt, đời đời. Dù sống theo chủ nghĩa duy vật (và vì thế quên đi phần hồn), họ vẫn không thể từ bỏ cái thiêng liêng và ngày nay được gọi là tâm linh[1]. Vì làm người ai cũng muốn có tương lai dài kiếp này, và không một ai muốn bị quên lãng sau khi chết. Không được ai nhắc nhớ đến, người chết sẽ trở nên một “cô hồn” hay một “linh hồn mồ côi”. Và đó là một điều chẳng ai muốn/dám mơ ước cho mình và cho người thân.

Nhưng đời đời được cảm nhận như thế nào? Tôi ghi nhận vĩnh cữu ra sao trong hồn, trong đời tôi? Có phải là cảm giác một ngày dài như ngàn năm?[2] Như khi chúng ta phải bất lực chờ đợi một thay đổi tích cực mà cứ phải mòn mỏi đợi hoài, không nhận ra một dấu hiệu của đổi thay? Những người đang yêu thì biết đến ước mong ngược lại, là xin cho thời gian gian ngừng trôi. Những tình nhân muốn một ngày dài như ngàn năm, muốn thời gian bất tận – để không phải xa nhau.

Thực tế là con người có một cảm thức thời gian và cách xử dụng nó, khác hơn là kinh nghiệm của chúng ta với thời khóa biểu của Thiên Chúa. Chúng ta phải nhìn nhận rằng mình không thể nào hiểu hết được ý nghĩa công trình Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử. Vị vua được cho là khôn ngoan nhất, Salômô, cũng nhận ra điều này, khi ông viết trong sách Giảng viên: “Thiên Chúa đã làm mọi sự hợp thời đúng lúc. Thiên Chúa cũng đã phú bẩm cho lòng người ta được có lẽ hằng. Dẫu thế, con người cũng không thể nào hiểu hết được ý nghĩa công trình Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử.” (Gv 3,10-11[3]).

Tuyên xưng rằng “Thiên Chúa đã làm mọi sự hợp thời đúng lúc” có nghĩa là nói rằng mọi sự tốt đẹp, toàn vẹn, chính xác. Nhưng trong thực tế, đó là một bài tập khó cho cuộc sống. Thật khó. Vì nếu đang phải vác thánh giá, thì ai dám nói những sự khó người đó đang phải chịu là “hợp thời đúng lúc”? Nhất là khi cái khó ít khi đến thăm ai một mình mà luôn kéo theo bè bạn của nó.

Bởi vậy, một ngày hay ngàn năm, điều này rất quan trọng với con người. Cũng vì thời gian của chúng ta có hạn, và tầm nhìn của chúng ta bị giới hạn trong cái ngắn ngũi đó. Con người không thể nắm bắt được toàn bộ điều Thiên Chúa làm – vì họ không thể nhìn thấu được đầu đuôi gốc ngọn. Ngay cả chuyện ngắn đời mình chúng ta còn chưa thể nhìn thấu trọn. Còn Thiên Chúa hành động từ viễn ảnh đời đời: Người có cái nhìn tổng thể, thấy đầu đuôi, toàn cả lịch sử nhân loại.

How does it feel like? 

Thử hình dung một lần: vĩnh cữu là kéo dài mãi mọi sự như bây giờ. Nghĩa là đời tôi sẽ không thay đổi gì mà cứ như hiện trạng tới thiên thu vạn đại. Hỏi có mấy ai thực sự muốn như vậy? Không chỉ những ai phải đứng trong bóng tối cuộc đời, mà cả những người ở phía mặt trời cũng chẳng ước mơ như thế. Muôn năm hóa một tình trạng sống, cho dù không thiếu quyền tiền và tiện nghi, thì nếu thực lòng là điều không ai muốn. Vì “giữ nguyên hiện trường”, dù có là ở mức cao, thì cũng là đóng băng hay hóa thạch một hiện trạng. Và như vậy nghĩa là chết!

Nếu chỉ kéo dài một tình trạng thì chẳng có sự phát triển nào cho con người từ xưa nay: nhân tính, văn hóa, xã hội, chính trị, tôn giáo, kỹ thuật. Thì đời sống đúng là không mang lại gì mới mẻ, nên cũng không còn để chờ đợi, hi vọng. Mặt khác, sự phù du trong đời được con người kinh nghiệm như là một lời nguyền. Bởi vì nó mà chúng ta không thể giữ lại được những giây phút hạnh phúc đẹp đẽ, hay những khoảnh khắc của niềm hân hoan rộn ràng. Trái lại, sau một kinh nghiệm ngây ngất của yêu thương là những bịn rịn chia tay, tiếc nuối hay buồn sầu lo lắng.

Một đời không sợ hãi và không khổ đau, không phải mù mịt khi nghĩ đến tương lai, là chuyện không thể có. Ngay cả khi tôi có thể già và khỏe mạnh thì điều đó cũng không mang lại niềm vui trọn vẹn, vì tôi vẫn phải nhìn người thân lâm bệnh, và phải chia tay hết người này sang người khác. Chia li và nước mắt thuộc về phận người. Vĩnh cữu như là nơi không sợ hãi và mất mát, vì thế không thể là sự kéo dài hiện tại, mà là cái gì đó khác hoàn toàn. Kéo dài hiện trạng đến muôn năm mà không thay đổi là một định nghĩa cho hỏa ngục. Trong khi “lẽ hằng” đứng ngang với thời gian và cày xéo, thay đổi hiện tại. Thay đổi thời gian.

Nhìn vậy, vĩnh hằng không là nơi để “nghỉ yên” mà nơi sống trọn vẹn, sung mãn nhất. Trong truyền thống Kitô giáo có một hình ảnh khác cho sự sống đời đời, là: Visio beatifica – Đó là nơi tôi “hiểu” được Thiên Chúa bằng trực giác trong chiêm nghiệm. Ở đó, Thiên Chúa giải thoát tôi khỏi tôi, làm cho tôi trở nên con người như được Người nghĩ suy lúc tạo dựng nên tôi. Và đó cũng chính là con người trong thâm sâu mà tôi luôn muốn trở thành.

Tin tưởng rằng Thiên Chúa “làm mọi sự hợp thời đúng lúc”, tôi đồng thời thừa nhận rằng mình  không thể nắm bắt toàn diện, mà chỉ có thể hiểu được một phần. Và tôi có thể học đón nhận những gì xảy đến trong ngày như chúng là, như chúng đến. Tôi không cần giam mình trong các ước mơ chờ đợi viễn vông, hay buông xuôi vì không được toại nguyện. Tôi học coi trọng các cảm xúc đầy sợ hãi và các nghi ngại, ghi nhận và chia sẻ chúng với Thiên Chúa và người thân cận đáng tin tưởng. Tôi được phép buồn chán và thất vọng như Êlia – vì mọi sự có thời của chúng. Cái nặng nề cũng vậy. Tôi chịu đựng và tập trung vào chút sáng cuối đường hầm: nhận ra cái thật, cái tốt, cái đẹp, cái vui giữa đêm tối ngập tràn. Cả hai, bóng đêm và ánh sáng, làm nên sự đa sắc của cuộc đời. Như âm với dương.

Vô tận giữa những cái chóng qua

Mọi sự theo quan sát của Salomo đều có lúc có thời: sinh ra, lớn lên, già rồi chết, đau yếu và khỏe mạnh, chia li và đoàn tụ, chiến tranh và hòa bình, trốn chạy và tìm về. Nhưng Thiên Chúa đã không chỉ ban thời gian cho con người, nghĩa là sự hữu hạn của cuộc sống. Người còn đặt vào hồn con người “lẽ hằng” – là sự khát khao vượt xa hơn những gì con người trải nghiệm trong đời. Con người nhờ vậy biết mơ ước đời đời: vượt qua mọi giới hạn thời gian, những điều nhìn thấy và cái chóng qua.

Để tôi không lạc lối trong đời, Thiên Chúa đặt “lẽ hằng” vào trong tim tôi, như một la bàn. Đời đời không chỉ tồn tại bên kia cái chết. “Từ muôn thuở cho đến muôn đời” là cách nói trong ngôn ngữ phụng vụ, và có nghĩa là cả bây giờ, cả hôm nay.

Nhìn trong khung đời đời, mỗi giây phút và những “chuyện nhỏ” đón nhận một giá trị và một ý nghĩa thật lớn. Chúng nhắc tôi sống trọn vẹn giây phút này, vì nó được bao bọc bởi “lẽ hằng”, bởi đời đời. Bồn chồn bất an không làm cho thời gian của Thiên Chúa trôi nhanh hơn (x. Mt 6,27), mà chỉ khiến tôi thờ ơ, quên những gì Người dọn sẵn cho tôi, và làm cho tôi bất hạnh, chua chát, cay đắng.

Một đời được định hướng bởi lẽ hằng trong tim thì không còn bị nỗi sợ ám ảnh và định đoạt. Nơi người lớn của thế hệ trước chúng ta có thể quan sát được thái độ sống này. “Chúa cho sống ngày nào thì tạ ơn Chúa ngày đó!” Đây là lối nói của họ khi được hỏi về cái chết. Phó thác hoàn toàn cho Đấng nắm giữ sự sống và thời gian, nên họ đối diện với ngày cuối đời cách thanh thản. Viễn ảnh về một đời trong Nhà Chúa giảm bớt sự đè nặng của áp lực thời gian: Tôi được phép thong thả, không buộc vơ vét gom nhặt hết mọi thứ và cố bám bằng mọi giá vào chốn này.

Nỗi khao khát được đánh thức bởi “lẽ hằng” khiến con người trở nên tò mò, ham tìm hiểu và nhạy bén cho các giá trị đạo đức tôn giáo. Tôi tìm ý nghĩa và sự định hướng cho đời ở cái vững bền. Tôi mơ ước một nơi không còn khổ đau, bịnh tật, chia ly và nước mắt, buồn rầu và cái chết. Một nơi con người có thể sống chân thật với nhau, không còn sợ hãi vì yêu thương tràn đầy. Những khát khao như vậy trong tôi là dấu vết dẫn đến vĩnh hằng. Như vậy, trong giây phút hiện tại tôi tìm được một chút bình yên và cái bền vững, trong một thế giới chẳng có gì có vẻ là chắc chắn.

Thèm khát sự an chắc thúc đẩy con người kiếm tìm cái trọn vẹn của Chân Thiện Mỹ. Được là chính mình trong tự do là khát khao một đời đầy hơn, sâu sắc hơn, an tâm hơn. Dõi bước theo sự thèm khát sự sống thật là lần theo dấu vết của đời đời. Và đó là cột sống của cuộc đời. Ở đây là nơi của trách nhiệm. Bây giờ là thời gian để tạo hình hài, ghi dấu ấn và cho việc thưởng thức cuộc đời. Trong việc quan tâm chăm sóc sự sống của đồng loại và bảo vệ môi trường, thiên nhiên, con người tham dự vào công cuộc cứu độ của Thiên Chúa. Con người cùng yêu với Thiên Chúa, và Thiên Chúa yêu thương qua con người, trong đó có tôi.

Lần mò theo dấu vết mà những gì qua nhanh để lại, ghép thành chuỗi ngày, chấm nối chấm, bước theo bước, bậc này theo sau bậc kia, trong sự tin tưởng vào “lẽ hằng” của con tim. Điều gì đến từ đáy tim –là những gì của yêu thương chân thành – thì chạm được con tim và nối kết con người với nhau – thành một chuỗi đời đời.

Chỉ khi con người đón nhận sự sống của mình với mọi điều kiện và cơ hội từ ban tay Chúa trong sự biết ơn. Biết ơn cho những ai đồng hành với tôi trong đời, những ai hỗ trợ; biết ơn cho mọi điều tốt lành, cho cơm bánh, thực phẩm và cho những con người yêu thương tôi. Khi chúng ta nối kết việc làm và sự hưởng thụ với Thiên Chúa, chúng ta vượt qua giới hạn của con người hữu hạn và kinh nghiệm “đời đời”. Biết ơn là kinh nghiệm sau khi vượt qua một khủng hoảng, một cơn bệnh, một tai nạn. Dễ dàng hơn để nói tạ ơn là khi thành đạt khi thi cử, hay làm ăn buôn bán. Kinh nghiệm được mở lối lúc ngặt nghèo (Tv 4,2) động viên lời tạ ơn.

Cả việc thưởng thức cũng nối con người với Thiên Chúa – đó là nhận thức của Salomo trong sách Giảng viên: “không có hạnh phúc nào hơn là hưởng thú vui và sống thoải mái” (3,12t). Nếu tôi là người đang chờ đợi Thiên Chúa can thiệp vì đang lâm vào cảnh lầm than cơ cực, thì đây khó là một lời an ủi. Nghe thật lạ kỳ. Nhưng thực tế là nếu chỉ nhìn vào điều tôi mơ ước cho tương lai, tôi sẽ hụt mất điều tôi đang trải nghiệm bây giờ ở đây. Và giá trị của giờ phút này không được nhận ra, khi chỉ ngóng chờ sự trợ giúp từ bên ngoài.

Lẽ hằng như sự sống bất diệt được con người kinh nghiệm cụ thể nhất khi thương một người. Triết gia người Pháp Gabriel Marcel tóm tắt với lời này: “Yêu một người là nói với họ: Bạn sẽ không chết!”¤

Chú thích

[1] Một khái niệm nghe „duy tâm“, đối nghịch với „duy vật“ chủ nghĩa  được tuyên truyền một thời.

[2] “Vì ngàn năm trước mặt Người, / chỉ như một ngày hôm qua đã vãn.“ Tv 90,4 (Nguyễn Thế Thuấn); 2 Pr 3,8.

[3] Bản dịch của Nguyễn Thế Thuấn: “Tôi đã thấy cái dịch vụ Thiên Chúa đã ban cho con cái người phàm để chúng phải vụ tất vào đó. Người đã làm mọi sự hợp thời hợp cảnh. Người cũng đã phú bẩm cho lòng người ta được có lẽ hằng. Dẫu thế người phàm chẳng tìm ra được đầu đuôi gốc ngọn việc Thiên Chúa đã làm.” Bản dịch của PVCGK: “Tôi nhìn thấy công việc mà Thiên Chúa giao cho con người phải gắng sức làm.Thiên Chúa đã làm mọi sự hợp thời đúng lúc. Thiên Chúa cũng ban cho con người biết nhận thức về vũ trụ, tuy thế, con người cũng không thể nào hiểu hết được ý nghĩa công trình Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử.” (Gv 3,10-11).

Bài trướcLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Tuần 28 TN-A)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Hai, Tuần 28 TN)