ĐI ĐỂ TRỞ VỀ

0
1635

Thầy Antôn Hoàng Phi – Học viện Ngôi Lời

  1. VÀI NÉT VỀ CỘNG ĐOÀN NHÀ CHÍNH

Cộng đoàn Nhà Chính dòng Truyền Giáo Ngôi Lời, tọa lạc tại 38 Võ Thị Sáu, Phường Phước Long, Thành phố Nha Trang. Với diện tích khoảng 4000 m², được thừa kế của dòng Giuse do cha Jean Sion thành lập. Năm 1998 dòng Giuse sát nhập vào dòng Ngôi Lời và trở thành Miền dòng Ngôi Lời Việt Nam, năm 2008 trở thành Tỉnh Dòng Việt Nam. Bên cạnh cộng đoàn Nhà Chính có Giáo xứ Thánh Gia, cộng đoàn Thỉnh Viện, bệnh viện Y học Cổ truyền, Nhà Tình Thương Hướng Dương, những cơ sở đó hiện tại do dòng Ngôi Lời đang coi sóc.

Trực thuộc nhà chính hiện tại có: Cha Bề Trên Giám Tỉnh, cha Phó Bề Trên Giám Tỉnh, cha Bề Trên Nhà Chính, ban Truyền Thông, ban Kinh Tài, ban Quản Lý, ban Dịch Thuật, nhà Hưu Dưỡng, nhà Mission House.

Trong khuôn viên nhà chính bao quanh là những hàng cây tỏa bóng mát còn có 1 sân bóng nhân tạo, 1 sân bóng chuyền, bóng bàn, nhà máy lọc nước, công viên phục sinh và một phần đất mới được nhà máy thủy sản trả lại sau một thời gian mượn khá dài và hiện nay đang được quy hoạch dang dở.

      2.  BÀI CẢM NGHIỆM

Một mùa hè nữa lại đến, giữa những đau thương của đại Covid- 19 đang hoành hành trên khắp hoàn cầu, với chương trình mục vụ hè trước khi chờ đợi cơn đại dịch qua đi để tôi có thể lên đường thực tập mục vụ (OTP) tại đất nước Colombia. Mùa hè năm nay co chút khác biệt, khi mà anh em chúng tôi không còn đi các giáo xứ để mục vụ hè nhưng đi đến các cộng đoàn mà anh em dòng Ngôi Lời đang phục vụ, tôi may mắn được về mục vụ tại Cộng đoàn Nhà Chính. Về lại nơi cộng đoàn Nhà Chính, tôi được gặp những bậc “Tiền Bối” của Hội dòng, được sống và sinh hoạt cùng với quý cha, quý thầy đang làm sứ vụ tại cộng đoàn. Nơi đây công việc không tên là chủ yếu như sửa điện nước, cắt tỉa cây, tưới cây, dọn phòng khách… điều làm tôi ấn tượng là tôi được các cha chỉ dạy, được chia sẻ và yêu thương.

Tuy là thời gian hè, nhưng giờ giấc và các sinh hoạt phụng vụ của cộng đoàn vẫn đều đặn và nghiêm túc. Tôi cảm nhận được gương sáng của quý cha, quý thầy nhất là những cha già, thầy già, trong tay luôn là tràng chuỗi mân côi mỗi lúc rảnh rỗi. Tôi cảm nhận rõ câu Thánh vịnh: “Cả lúc con già nua, da mồi tóc bạc, lạy Thiên Chúa, xin đừng bỏ rơi con.” (Tv 71,18). Suốt cả đời với những cống hiến cho công việc phục vụ và lý tưởng, nay tôi nhìn các thầy, các cha già với vẻ mặt trầm ngâm, điều đó cho thấy những khó khăn cũng phần nào đã in hình trên khuôn mặt các ngài. “Lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.” (Ga 21,18).

 Quả thật, chính tuổi già là lúc con người cảm nghiệm rõ hơn về giá trị cuộc sống, là lúc để nhận ra rồi ai cũng phải trở về với cát bụi, là thời gian để hoài niệm lại những gì đã qua và hướng về cùng đích của đời mình là Thầy Giêsu Chí Thánh. Đó cũng chính là lúc con người thấy mình yếu đuối và cần Chúa hơn tất cả. Qua thăm các thầy các cha nhà hưu dưỡng, tôi được nghe những câu chuyện các ngài đã trải qua, những thăng trầm của biến cố lịch sử của dòng Giuse, cũng như những cố gắng để giữ gìn ơn gọi, giữ gìn mảnh đất mà chính tôi là những thế hệ con cháu đang được thừa hưởng. Qua những mốc lịch sử đó, tôi hiểu hơn về hội dòng Giuse, cái nôi để giờ đây dòng Ngôi Lời được triển nở tại Việt Nam, hiểu hơn về những thế hệ đi trước, họ không chỉ là tu sĩ, nhưng còn là những anh hùng bảo vệ hội dòng trước bao thử thách, đồng thời tôi lấy làm tự hào về những thành quả mà Hội Dòng Giuse đã để lại, đó là bản trường ca âm vang với những lời khen ngợi, những chiến công mà nay còn in dấu. Những thăng trầm đó giờ là những kinh nghiệm quý báu để thế hệ trẻ như tôi biết trân trọng cũng như phát huy tinh thần của các tiền nhân. Bởi nơi mảnh đất này không chỉ công sức, mồ hôi và nước mắt mà còn có cả máu đã đổ ra, để niềm tin và tình yêu được lan tỏa.

Không những vậy, hè năm nay dù không đi mục vụ ở Giáo xứ, nhưng tôi lại có cơ hội để được tham gia trại hè cùng Giáo xứ Thánh Gia. Đây là một giáo xứ được hai cha dòng Ngôi Lời coi sóc, với khoảng hơn 1.200 giáo dân. Trại hè với chủ đề: “HÃY ĐỂ TRẺ NHỎ ĐẾN VỚI THẦY”, diễn ra thành công tốt đẹp, với những hoạt động vui chơi bổ ích, những bài học nói lên tinh thần đoàn kết và giúp các em có những trải nghiệm mới mang nhiều ý nghĩa.

Trẻ nhỏ chính là mầm non tương lai của Giáo Hội, chính vì vậy giáo dục cho các em là điều không thể thiếu, trại hè không chỉ là nơi giúp các em lớn lên với những kinh nghiệm, nhưng còn là cơ hội để các em thử sức với những trò chơi, những hoạt động để phần nào các em hiểu biết hơn và rèn luyện bản thân mình.

 Nơi các em tôi học được tinh thần đơn sơ, dễ thương và vui vẻ, trau dồi và học hỏi thêm được các kỹ năng sinh hoạt góp thêm vào hành trang cho sứ vụ truyền giáo của tôi. Dù các trò chơi diễn ra dưới thời tiết nắng gắt, nhưng các em chơi hết mình trong sự đoàn kết, nâng đỡ lẫn nhau. Đây là điều mà bất kỳ ai bước theo Chúa đều phải có, bởi đời sống cộng đoàn chính là cái nôi, là gia đình, trong đó tuy khác nhau về văn hóa vùng miền, khác nhau về tuổi tác, nhưng lại cùng chung chí hướng và chung lý tưởng. Cộng đoàn là nơi giúp “cái tôi” nhỏ lại và “cái chúng ta” lớn lên, là hiểu và cảm thông cho nhau. Bởi thế, một cộng đoàn sẽ không thể êm đềm nếu mỗi thành viên luôn cho mình là nhất, lấy mình làm trung tâm và bảo vệ cho cái tôi của mình. Chính những điều đó giúp tôi phần nào thấy được bản thân mình cần phải đơn sơ, khiêm nhường và dẹp bớt cái tôi để được trở nên như trẻ nhỏ, bởi “Nước Trời là của những ai giống như chúng” (Mt19,14).

Kết thúc trại hè, tôi còn có dịp thử sức với công việc làm phóng viên tại giáo xứ Tầm Ngân, với chương trình Hạt Gạo Nhân Ái mà ban Truyền Thông của Tỉnh dòng đưa tin trong thời gian qua. “Máy phát gạo ATM cho người nghèo, người dân tộc thiểu số”. Giữa những thay đổi của toàn cầu hóa cũng như ảnh hưởng của đại dịch, nhiều người đồng bào không có ăn, không có mặc, thiếu thốn đủ điều. Thế nhưng, với tấm lòng Mục tử, hai cha thuộc dòng Ngôi Lời coi sóc đã kêu gọi các ân nhân hỗ trợ để có gạo, thực phẩm và máy ATM phát gạo giúp cho họ sống qua ngày trong thảm họa đại dịch. Tôi thiết nghĩ, việc loan báo Tin Mừng không cần phải đi đâu xa, cũng không phải là làm những việc quá to lớn, nhưng qua tấm lòng, qua sự tương thân tương ái với những hành động nhỏ cũng đủ làm lan tỏa tình yêu và để mọi người nhận ra Chúa đang hiện diện, đang đồng hành cùng họ “Các con hãy cho họ ăn” (Mt 14,16b). Lời dạy của Chúa như tiếng chuông cho những ai đang quên đi những người thân cận, còn rất nhiều Lazarô đang ở ngoài cửa, họ cần những thức ăn để sống qua ngày, họ cần những tấm áo, cần những lời thăm hỏi động viên. Họ chính là tài sản của Giáo hội và trách nhiệm của một nhà truyền giáo không những là nói lý thuyết suông nhưng cần phải hành động bằng những công việc thiết thực.

Sau hơn hai tháng mục vụ tại Cộng đoàn Nhà Chính, với những dự định còn dang dở nhưng với tôi tất cả là hồng ân, tôi cảm nghiệm được sự gần gũi và yêu thương của quý cha, quý thầy.

 Bữa cơm chia tay thân tình đầy yêu thương với những dặn dò chu đáo của quý cha, quý thầy làm tôi không khỏi bồi hồi và ấm áp tình anh em huynh đệ cộng đoàn, điều mà không thể thiếu cho một tu sĩ. Tôi cảm nghiệm rõ hơn câu nói của thánh Josheph Freinademetz: “Chỉ có một ngôn ngữ mà mọi người có thể hiểu được đó chính là ngôn ngữ của tình yêu”.

Nguyện xin Thiên Chúa luôn đổ đầy tình yêu của Ngài trên tất cả thành viên trong Hội dòng, để hình ảnh Chúa được lan tỏa và Tin mừng Chúa được triển nở khắp nơi qua những sứ vụ mà Thiên Chúa giao phó.

Bài trướcPhóng sự: Cộng Đoàn Nhà Chính Nha Trang Mừng Lễ Thánh Arnold Janssen – Đấng Sáng Lập Dòng Ngôi Lời.
Bài tiếp theoThứ Năm tuần II thường niên B